Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/01/2021

Joe Biden, Covid-19 : Triển vọng nào cho Bắc Triều Tiên ?

Minh Anh

Chủ Nhật, 10/01/2021, Kim Jong-un, lãnh tụ tối cao Bắc Triều Tiên được bầu vào chức vụ "tổng bí thư" tại Đại hội 8 đảng Lao Động Triều Tiên. Quyền lực được củng cố, nhưng lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải đối mặt với nhiều thách thức lớn : Kinh tế kiệt quệ do đại dịch Covid-19 và Joe Biden lên cầm quyền đoạn tuyệt với chiến lược tiếp xúc trực tiếp do Donald Trump đề xướng.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong kỳ Đại hội 8 đảng Lao Động Triều Tiên ngày 10/01/2021  - KCNA VIA KNS/AFP/Archivos

Khác biệt với cha, Kim Jong Il ?

Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm và lần thứ 8 trong lịch sử Bắc Triều Tiên, Đại hội đảng Lao Động được tổ chức. Sự kiện đặc biệt gây sự chú ý cho giới quan sát khi thời điểm tổ chức là trong tháng Giêng năm 2021, chứ không phải là vào mùa xuân theo như thông lệ.

Các nhà phân tích cho rằng việc đẩy thời điểm tổ chức sớm hơn dường như có liên hệ đến ngày ông Joe Biden chính thức cầm quyền. Bình Nhưỡng dường như muốn gởi đi nhiều thông điệp tới tân tổng thống và chính quyền Mỹ.

Một điểm khác cũng gây sự chú ý cho giới quan sát đó là việc bầu ông Kim Jong-un vào chức vụ "tổng bí thư". Trên cương vị này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay có một vị trí gần như là ngang hàng với Kim Il Sung - ông nội - được phong là "chủ tịch vĩnh viễn" và người cha, Kim Jong Il, "tổng bí thư vĩnh viễn". Các chức danh này được ghi rõ trong Hiến Pháp. Hệ quả của việc bổ nhiệm này trong sắp tới ra sao, giới phân tích hiện chưa thể đưa ra các đánh giá.

Đây cũng là dịp để Kim Jong-un tỏ sự khác biệt với người cha Kim Jong Il ? Hình ảnh của cha ông gắn liền với một giai đoạn đầy khắc nghiệt. Kinh tế bị suy sụp dẫn đến khủng hoảng nhân đạo và nạn đói trong những năm 1990. Rồi Bắc Triều Tiên bị quốc tế cô lập sau cuộc khủng hoảng hạt nhân thứ hai năm 2006.

Tự cung tự cấp lâm nguy ?

Đại hội 8 đảng Lao Động Triều Tiên lần này diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán với Hoa Kỳ bị đình trệ do cuộc xung đột Mỹ - Trung dai dẳng, Hoa Kỳ bầu chọn một tổng thống mới và nhất là dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc.

Tuy Bắc Triều Tiên phụ thuộc nặng nề vào ngoại thương, nguồn thu chính cho đất nước, nhưng Kim Jong-un cũng hiểu được rằng nếu dịch bệnh phát ra trong nước, Bắc Triều Tiên không thể nào xử lý nổi do những hạn hẹp về hệ thống y tế.

Việc nhanh chóng khép cửa biên giới, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đã gây thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế quốc gia, vốn dĩ chịu nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt. Các mục tiêu phát triển kinh tế vì thế cũng không đạt được như mong muốn.

Theo số liệu do Viện Thống kê Hàn Quốc công bố, năm 2020, trao đổi thương mại giữa Bắc Triều Tiên với Trung Quốc trong năm 2020 ở mức thấp nhất, chỉ đạt được 1,7 triệu đô la, trong khi mà mức GDP của Bắc Triều Tiên trong năm 2019 có nhiều dấu hiệu tích cực tương đối ổn định nhờ vào các chương trình cải cách kinh tế từng phần.

Người ta còn nhớ là để vực dậy nền kinh tế đất nước, và cải thiện mức sống của người dân, Kim Jong-un – trong bài diễn văn đầu tiên ngày 15/04/2012, khi vừa lên cầm quyền đã cam kết không để người dân phải "thắt lưng buộc bụng", thực hiện một chính sách kinh tế tự lực cánh sinh.

Một mặt là để gia tăng khả năng tự túc về sản xuất ngũ cốc, điện,… Mặt khác là nhằm hạn chế bớt sự lệ thuộc nhiều vào các nguồn hỗ trợ nhân đạo, thường hay bị đặt điều kiện với việc giải trừ hạt nhân – một cuộc mặc cả mà Bình Nhưỡng không thể nào chấp nhận, theo như phân tích của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) trên đài RFI.

"Mục tiêu của chế độ Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua là tăng cường khả năng tự túc. Trong những năm 1970, 1980, Bắc Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào khối cộng sản. Chính vì vậy mà việc Liên Xô sụp đổ vào cuối những năm 1980, đầu thập niên 1990, đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn tại Bắc Triều Tiên.

Từ khoảng 20 năm gần đây, Bắc Triều Tiên gần như tự cung tự cấp nhưng thật sự chính các biện pháp trừng phạt kinh tế và nghịch lý thay, dịch bệnh Covid-19 đã buộc chế độ giờ phải trở nên tự túc như vậy.

Và điều này đặt ra nhiều vấn đề chính trị, bởi vì điều đó có nghĩa là chiếc đòn bẩy mà cộng đồng quốc tế nghĩ rằng có thể sử dụng để làm thay đổi thái độ của Bắc Triều Tiên, đặc biệt trong hồ sơ hạt nhân đang dần mất hiệu quả."

Covid cản đường đàm phán hạt nhân ?

Tuy nhiên, khi thực hiện chiến lược quốc gia "Song Tiến – Byongjin" đề ra năm 2013, nghĩa là phát triển song song kinh tế và hạt nhân – Bình Nhưỡng đã bị tước đi một nguồn thu nhập quan trọng cho đất nước.

Việc phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã dẫn đến một loạt các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Bình Nhưỡng cũng vì thế không thể xuất khẩu nguyên nhiên liệu như than đá, hải sản, hàng hóa dệt may…, mỗi năm mang về cho chế độ hơn một tỷ đô la.

Nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt, ngoài việc dựa vào nguồn trao đổi thương mại quan trọng với Trung Quốc, Bình Nhưỡng đã cho phát triển ngành du lịch để tìm kiếm nguồn thu thay thế khác.

Chỉ có điều, dịch bệnh bùng phát, mục tiêu phát triển kinh tế chưa đạt được, các chương trình hành động ngoại giao của Bắc Triều Tiên hòng tìm kiếm một phương cách giải tỏa các bế tắc trong đàm phán hạt nhân với Mỹ cũng bị cản trở. Nhà nghiên cứu về Đông Bắc Á, Quỹ Nghiên cứu về Chiến lược nhận định :

"Về kinh tế, Bắc Triều Tiên đặt cược nhiều vào những dòng du khách mới, nhất là phát triển du lịch đại trà ở Wonsan, một thành phố duyên hải đang trong giai đoạn hoàn tất, rồi khu phức hợp Sanjeong trên núi, nơi có ngọn Paektu nổi tiếng.

Nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 ngăn chận dòng du khách đến, và như vậy cản trở việc giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt, ngăn cản khả năng Bắc Triều Tiên tìm kiếm những nguồn thu nhập khác thay thế.

Tiếp đến là còn có những tác động thấy rõ đối với các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên. Họ không thể ra khỏi nước đến Châu Âu hay các nước Đông Nam Á để đàm phán, hoặc với các nước đó, hoặc với chính các nhà ngoại giao Mỹ.

Các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên không đàm phán qua Zoom về những vấn đề cực kỳ nhậy cảm như hồ sơ hạt nhân chẳng hạn. Đại dịch Covid-19 có một tác động rất rõ lên tiến trình ngoại giao. Điều này thật sự đặt ra nhiều vấn đề."

Thông điệp nào cho Biden ?

Đối với chế độ Kim Jong-un hiện nay, vấn đề giải trừ hạt nhân là điều không thể, bất chấp dịch bệnh gây khó khăn cho nền kinh tế và cản trở các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tại Bắc Triều Tiên trong công cuộc chống bệnh lao phổi.

Mục tiêu của Bình Nhưỡng là muốn được quốc tế công nhận là một "cường quốc hạt nhân". Lập trường này đã được Bắc Triều Tiên một lần nữa thể hiện rõ khi tuyên bố Hoa Kỳ là "kẻ thù lớn". Và nhất là trong lễ diễn binh ngày 14/01/2021 sau khi kết thúc Đại hội Đảng, vài ngày trước khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, chế độ Bắc Triều Tiên đã phô trương một dàn tên lửa mới có thể phóng đi từ tầu ngầm.

Về điểm này, ông Antoine Bondaz cũng lưu ý thêm rằng sự việc cho thấy nỗi lo của chế độ, nhưng đồng thời thể hiện thiện chí duy trì một phạm vi hoạt động. Chính vì điều này mà Bình Nhưỡng cho đến giờ chưa có một hành động khiêu khích nào như thử tên lửa liên lục địa hay thử hạt nhân. Mục đích của những cử chỉ trên là nhằm bắn đi nhiều thông điệp đến tân chính quyền Biden.

"Bắc Triều Tiên tiếp tục gởi đi các thông điệp như những gì cho thấy trong bài diễn văn của Kim Jong-un. Ông ấy dành hẳn một phần để nói về hạt nhân.

Ông thông báo các kế hoạch phát triển chương trình hạt nhân trong những năm sắp tới : Phát triển vũ khí chiến thuật, phát triển tầu ngầm hạt nhân, phát triển một vệ tinh dọ thám dù là điều này nghe có vẻ quá tham vọng, và có thể là ít khả thi trong một số khía cạnh.

Thông điệp đưa ra rất rõ ràng, Bắc Triều Tiên có một chương trình hạt nhân đạn đạo đang được thực thi, chưa bao giờ bị dừng lại dưới thời Donald Trump. Và chương trình phát triển này còn có tầm quan trọng cao hơn, trên cả hai bình diện chất và lượng so với bốn năm trước đây, thậm chí là 10 năm, 12 năm khi ông Obama lên cầm quyền."

Thông điệp này liệu có được tân tổng thống Mỹ Biden để ý tới ? Cho đến giờ chính quyền mới tại Mỹ chưa đưa ra một lời bình luận nào. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát được tờ Yonhap trích dẫn, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn sẽ là một thách thức quan trọng, tân tổng thống Mỹ sẽ làm việc cùng với các đồng minh. Điều đó không đồng nghĩa với việc trở lại với các cuộc thương lượng ở cấp thượng đỉnh như người tiền nhiệm đã làm.

Joe Biden sẽ trở lại với phương pháp cổ điển, "mối quan hệ sẽ ít nóng bỏng hơn, các nỗ lực ngoại giao được duy trì ở cấp thấp hơn và có điều phối với Bắc Triều Tiên. Một cách tiếp cận mà Bình Nhưỡng không mấy gì thích lắm, bởi vì cách làm này có thể sẽ được dựa trên một sự điều phối và việc lập kế hoạch trục Seoul – Washington có gắn kết chặt chẽ hơn", theo như phân tích của bà Celeste Arrington, giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế, trường đại học George Washington.

Giới quan sát cảnh báo, Bình Nhưỡng sẽ là sai lầm nếu lại áp dụng thói quen cũ "lửa và cuồng nộ" đối với chính quyền Joe Biden !

Minh Anh

Nguồn : RFI, 28/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 593 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)