Xu hướng vũ lực mới trong quyết sách của Trung Quốc
Nguyễn Trường, RFA, 29/01/2021
Trung Quốc đã có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang tích lũy những chiếc tàu chiến hung hãn. Giờ đây, họ sung sức và sẵn sàng tham chiến.
Hải quân Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông hôm 12/4/2018 - Reuters
Trong quá khứ, Trung Quốc từng là nước gây chiến, liệu họ có lặp lại điều này một lần nữa ? Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, năng lực quân sự của Trung Quốc đã được củng cố. Họ gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngoài ra, các cuộc đụng độ ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến nhiều thương vong cho cả hai bên.
Giới phân tích quốc tế đang cân nhắc về khả năng hành động quân sự sắp xảy ra. Trung Quốc thừa nhận họ có phương tiện, vấn đề là Bắc Kinh tin tưởng vào sự nghiệp này đến mức độ nào. Tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu với giọng điệu gay gắt : "Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào xâm phạm và chia cắt những vùng lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc". Rắc rối nằm ở chỗ nhiều phần trong đó cũng là lãnh thổ thiêng liêng mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Các nhà ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc khẳng định rằng họ chỉ có ý định hòa bình. Họ tuyên bố Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sảnTQ) chưa bao giờ phải viện đến xung đột quân sự. Các nước láng giềng của họ hẳn sẽ phản đối điều này.
Năm 1962, Trung Quốc đụng độ với Ấn Độ. Năm 1969, tranh chấp giữa Trung Quốc với Nga đã nhuốm màu bạo lực. Năm 1974, Trung Quốc chiếm các đảo của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này đã leo thang thành một cuộc xung đột lớn vào năm 1979 và tới năm 1988, giữa hai nước lại xảy ra đụng độ ở quần đảo Trường Sa.
Trong một cuộc tranh luận của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Tiến sĩ Oriana Mastro, một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học Stanford, nói bà tin rằng sẽ sớm xảy ra một cuộc đụng độ. Bà nói : "Dường như Trung Quốc không phải đang chuẩn bị cho hòa bình. Vũ khí của họ không nhằm mục đích phòng thủ. Cho dù họ triển khai sức mạnh với các tàu nổi hay đưa nhiều tàu sân bay vào hoạt động, thì điều chúng ta có thể thấy rõ là nước này đang xây dựng một quân đội có năng lực sử dụng vũ lực để đánh chiếm vùng lãnh thổ mà họ cho là của riêng mình. Ban lãnh đạo nước này không hài lòng với nguyên trạng. Tuy nhiên, khi quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh hơn, thì họ càng trở nên thoải mái hơn khi sử dụng các công cụ quân sự để đạt được mục tiêu của mình".
Tập Cận Bình gia tăng sự hiếu chiến
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, giọng điệu hiếu chiến của Bắc Kinh đã được nâng lên tầm cao mới. Tháng 9/2020, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sảnTQ, tuyên bố : "Người Trung Quốc không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi có những tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia láng giềng đã bị Mỹ xúi giục đối đầu với Trung Quốc". Một lần nữa, các nước láng giềng không nhất trí về việc quy kết Mỹ là kẻ xúi giục.
Trung Quốc có tranh chấp trên biển với Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Brunei, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Họ có tranh chấp trên đất liền với Nga, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Lào, Mông Cổ và Myanmar. Tuy nhiên, đối tượng mà cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc nhắm tới không phải là các nước láng giềng này mà là phần còn lại của thế giới. Họ muốn gieo rắc vào trong tâm trí của cộng đồng quốc tế một lời phủ nhận chính đáng. Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, một vị trí do Đảng cộng sảnTQ bổ nhiệm, nói : "Chúng ta phải làm rõ một số điều. Thứ nhất, phía bên kia, chứ không phải Trung Quốc, mới là bên phá vỡ nguyên trạng. Thứ hai, phía bên kia mới là kẻ khiêu khích trong một tình huống phức tạp".
Tàu chiến và máy bay của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hôm 12/4/2018. Reuters
Ông tiếp tục lập luận rằng mọi kịch bản hẳn phải được dàn dựng theo cách có thể lý giải cho cách hành xử của Trung Quốc. Bằng cách đó, họ có thể phát động một cuộc chiến tranh chính nghĩa.
Theo Mastro, có thể nhận thấy ý định của Bắc Kinh qua hành động của họ : "Dù người ta cho rằng đó là vì uy tín và danh dự hay vì những lý do chính trị trong nước (chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở trong nước khiến ban lãnh đạo Trung Quốc cần chuyển hướng sự chú ý của người dân ra bên ngoài), hay dù người ta cho rằng Trung Quốc có lý (họ đang tính toán giữa phí tổn và lợi ích để tìm cách xây dựng và triển khai sức mạnh của mình), thì tất cả những yếu tố này đều dẫn đến một khả năng là Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực ".
"Hành động đạo đức" của Trung Quốc ?
Theo Hồ Tích Tiến, "Trung Quốc phải là một quốc gia dám chiến đấu. Và điều này cần dựa trên cả sức mạnh và đạo đức. Chúng tôi có sức mạnh trong tay, chúng tôi có lý lẽ và chúng tôi không e sợ đứng lên bảo vệ những tài sản quan trọng của mình". Vấn đề là phải làm cho phần còn lại của thế giới tin vào điều đó. Đó là lý do giải thích tại sao Bắc Kinh đang đầu tư mạnh tay vào các chiến dịch gây ảnh hưởng và truyền bá thông tin sai lệch.
Một chiến thuật khác là tạo dựng cảm giác "việc đã rồi" : lớn tiếng tuyên bố quyền sở hữu, kiên trì đòi quyền sở hữu, chiếm đóng lãnh thổ tranh chấp, ép buộc các bên không liên quan phải công nhận. Đây là kịch bản đang diễn ra trên dãy Himalaya, biển Hoa Đông và Biển Đông. Vấn đề là các quốc gia khác cũng nắm quyền kiểm soát đối với những khu vực đó và điều này khiến Bắc Kinh cảm thấy bất mãn.
Hồ Tích Tiến nói : "Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy bị Mỹ và phương Tây bác bỏ về mặt ý thức hệ. Các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đồng cảm với nhau. Nếu Trung Quốc quyết định gây chiến với một nước láng giềng, thì cộng đồng quốc tế sẽ có xu hướng ủng hộ bên yếu hơn. Dù động thái của chúng tôi có chính đáng hay không thì vẫn có rủi ro lớn về mặt đạo đức".
Tuy nhiên, liệu ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc có tin rằng đây là rủi ro đáng để họ chấp nhận ? Vẫn chưa nước nào ngăn chặn được Bắc Kinh từng bước củng cố lãnh thổ của mình. Tiến sĩ Mastro nói : "Sẽ ít có khả năng hòa bình. Các phương tiện của Trung Quốc rất có thể sẽ đụng độ với phương tiện của Mỹ hoặc các đồng minh của nước này. Và điều này sẽ dẫn đến những thiệt hại về người và của mà có thể leo thang thành chiến tranh, đặc biệt là trong môi trường chính trị hiện nay".
Sử dụng con bài "chủ nghĩa dân tộc"
Giống như hầu hết các nhà lãnh đạo độc tài, Chủ tịch Tập Cận Bình xây dựng quyền lực của mình dựa trên niềm tự hào dân tộc. Để duy trì quyền lực, ông phải tạo ra được kết quả. Tiến sĩ Mastro lưu ý : "Chúng ta biết rằng Tập Cận Bình là người rất có tinh thần dân tộc. Chẳng hạn, ông đã nhiều lần nói rằng việc thống nhất Đài Loan là cần thiết để phục hưng dân tộc Trung Hoa". Theo Mastro, sự nghiệp phục hưng dân tộc Trung Hoa đã trở thành nguồn gốc mang đến tính hợp pháp cho Đảng cộng sản Trung Quốc.
Hải quân Đài Loan tập trận ở Kao Hùng hôm 27/1/2021. Reuters
Tiến sĩ Mastro lập luận rằng hầu hết các cuộc chiến tranh đều nổ ra khi các nhà lãnh đạo tin rằng lực lượng quân sự sẽ tạo ra các nguồn lực, quyền lực, vinh quang và uy tín. Về bản chất, kết quả sẽ biện minh cho phí tổn. Ban lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng tin rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là giành lại quyền kiểm soát đối với những gì họ coi là lãnh thổ của mình. Và nếu người dân Trung Quốc tin tưởng vào cách biểu lộ và thể hiện chủ nghĩa dân tộc, thì họ cũng tin tưởng vào sự nghiệp này.
Mặc dù Đảng cộng sản Trung Quốc muốn sử dụng các phương tiện kinh tế và ngoại giao, nhưng có những dấu hiệu cho thấy họ đang mất hết kiên nhẫn. Tiến sĩ Mastro nói : "Chúng ta phải làm rõ rằng không thể giành lại hoàn toàn các vùng lãnh thổ tranh chấp bằng những công cụ này. Đó là vì các nước ở phe còn lại sẽ không bao giờ hoàn toàn chấp nhận lập trường của Trung Quốc". Ấn Độ sẽ không sẵn lòng từ bỏ lãnh thổ của mình ở vùng núi cao trên dãy Himalaya. Đài Loan sẽ không dễ dàng từ bỏ nền dân chủ và độc lập của mình. Việt Nam, Nhật Bản và Philippines không thể để mất các ngư trường truyền thống của họ. Mastro nói rằng khi các quốc gia này kiên định với lập trường của mình và bắt đầu đoàn kết lại với nhau, thì càng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiến hành một cuộc biểu dương lực lượng.
Tại thời điểm này, quân đội Trung Quốc tin rằng có một số tình huống bất ngờ mà trong đó Mỹ sẽ không đích thân can dự, như hành động chống lại Việt Nam hoặc Ấn Độ, và điều này sẽ làm tổn hại đến vai trò của Mỹ trong khu vực ; hoặc những tình huống mà dù Mỹ đích thân can dự thì Trung Quốc cũng sẽ chiếm ưu thế. Điều này đem đến lợi ích to lớn cho Tập Cận Bình.
Thông điệp tuyên truyền của Trung Quốc vẽ nên một bức tranh tương tự. Hồ Tích Tiến nói : "Chúng tôi tự tin sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột với các lực lượng láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tương tự, nếu chiến sự với Mỹ nổ ra gần khu vực ven biển Trung Quốc, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội giành chiến thắng".
Theo một báo cáo trình Quốc hội Mỹ gần đây, những tiến bộ trong thời gian qua về trang thiết bị, tổ chức và hậu cần (logistics) đã cải thiện đáng kể khả năng của PLA trong việc triển khai sức mạnh và các lực lượng viễn chinh ở xa bờ biển Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có những lợi ích khi chiến đấu với các nước nhỏ hơn không phải là đồng minh, chẳng hạn như Việt Nam hoặc Ấn Độ, nhằm trau dồi khả năng quân sự của họ, làm suy yếu vai trò của Mỹ trong khu vực, chuẩn bị (trong vòng 7-9 năm) cho các cuộc xung đột lớn chống lại Nhật Bản hoặc cho việc giành lại Đài Loan bằng vũ lực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sắp xảy ra một cuộc đụng độ giữa các các nước lớn.
Nguyễn Trường
Nguồn : RFA, 29/01/2021
**********************
Trung Quốc tiếp tục đe dọa các nước ở Biển Đông
Phạm Quý Vương, RFA, 28/01/2021
Trung Quốc tập trận để đe dọa Việt Nam ?
Trung Quốc đã thông báo về "cuộc diễn tập quân sự" và cấm một phần vùng biển trên Vịnh Bắc Bộ nằm ở phía Tây Bán đảo Lôi Châu (Tây Nam Trung Quốc) đúng thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng XIII và Mỹ đang triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông. Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) cho biết lệnh "cấm một phần vùng biển" được áp dụng từ ngày 27-30/1, nhưng không cho biết chi tiết về thời gian hoặc quy mô tập trận.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam ở gần giàn khoan HD 981 ở Biển Đông hôm 15/7/2014 - Reuters
Vào tháng 12/2020, ba tàu hải cảnh số 0127, 0128, 0129 của Trung Quốc đã có các hoạt động diễn tập gần bờ. Năm 2020, Trung Quốc tiến hành 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó 9 lần ở Vịnh Bắc Bộ. Quy mô và sự tham gia của Hải quân Quân Giải phóng trong các lần tập trận này rất khác nhau. Có những lần Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ Type 075 tham gia, nhưng có những lần chỉ là diễn tập thông thường với tàu hải cảnh.
Căn cứ hải quân Trạm Giang của Trung Quốc nằm trên bán đảo Lôi Châu là nơi đồn trú của các tàu chiến mặt nước thuộc Hạm đội Nam Hải, còn tàu ngầm đóng ở căn cứ trên đảo Hải Nam.
Giới chức Mỹ cho biết, cùng thời gian này, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt cùng đoàn tàu chiến Mỹ đã vào Biển Đông (khu vực phía Nam) ngày 23/1 để bảo vệ nguyên tắc "tự do hàng hải".
Hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh một hải đội tác chiến Mỹ tiến vào khu vực và thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng XIII có phải là ngẫu nhiên hay không ?
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngoài khơi Đà Nẵng hôm 5/3/2020. Reuters
Thứ nhất, một ngày sau khi tân Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức, Mỹ đưa một hải đội tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu vào vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích, để bảo đảm quyền tự do lưu thông quốc tế.
Ngày 25/1, Bắc Kinh lên án Mỹ thường xuyên đưa tàu sân bay vào Biển Đông, phô trương sức mạnh, đe dọa ổn định và hòa bình.
Thứ hai, tại Hà Nội diễn ra Đại hội Đảng XIII - một sự kiện chính trị quan trọng. Song song với thông báo tập trận trên biển, Trung Quốc đã triển khai số lượng lớn bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung tiên tiến mới (IRBM) tới các khu vực phía Đông và phía Tây nước này để huấn luyện chuyên sâu.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), ảnh vệ tinh của công ty Maxar Technologies (Mỹ) cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều bệ phóng tên lửa DF-26 (Đông Phong 26) tới một địa điểm huấn luyện ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. FAS cho biết, đây là lần đầu tiên họ thấy DF-26 hoạt động trong khu vực này.
Hải quân Trung Quốc cũng đã từng tổ chức tập trận tại bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông hồi năm ngoái ít nhất 2 lần vào tháng 7 và tháng 11. Lần này sắp diễn ra lại trùng với thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng. Sự trùng hợp của hai sự việc không thể không dẫn đến những liên tưởng về chủ đích của Bắc Kinh.
Trung Quốc sẽ tiếp diễn việc quấy nhiễu việc thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Đông
Chuyên gia an ninh Châu Á Ian Storey cho rằng dù Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ kinh tế với Malaysia và duy trì quan hệ thân thiện, nhưng nước này sẽ tiếp tục quấy rối các hoạt động dầu khí trong vùng biển của Malaysia nhằm ép Kuala Lumpur ký kết các thỏa thuận phát triển chung. Tuy nhiên, "Malaysia sẽ không khuất phục trước mong muốn của Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn".
Theo chuyên gia Storey, năm 2021, chính sách Biển Đông của Malaysia sẽ không thay đổi. Kể từ đầu những năm 1990, các nhà lãnh đạo Malaysia đều theo một chính sách : bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ; giám sát các hoạt động của hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc trong EEZ ; đảm bảo rằng vấn đề này không trở thành "cái gai" trong quan hệ Malaysia - Trung Quốc bằng cách theo đuổi chính sách ngoại giao "âm thầm và bí mật" với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, ông Storey nhận định Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin sẽ tìm cách củng cố quyền lực chính trị và đảm bảo sự tồn tại cho chính phủ liên minh mong manh của ông, đồng thời cũng cố gắng kiểm soát đại dịch Covid-19.
Chuyên gia phân tích Châu Á Hugo Brennan thuộc hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Verisk Maplecroft, nhận định : "Thủ tướng Muhyiddin bận rộn với tình trạng khẩn cấp trong nước và bất ổn chính trị hiện nay. Điều cuối cùng mà Thủ tướng mong muốn là sự leo thang căng thẳng song phương với Trung Quốc ở Biển Đông". Theo ông Brennan, Trung Quốc có thể quấy rối tàu của Malaysia khi đang thực hiện các hoạt động dầu khí trong khu vực "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền như đã xảy ra vài lần vào năm 2020.
Từ năm 2013, cảnh sát biển Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục tại Bãi cạn Luconia ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Khu vực này có trữ lượng hydrocarbon (dầu khí) lớn và dồi dào nguồn cá. Trữ lượng hydrocarbon lớn đặc biệt quan trọng đối với Kuala Lumpur vì là nguồn thu nhập đáng kể. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, cảnh sát biển Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ trong khu vực khi tìm cách cản trở hoạt động khảo sát và khoan của Malaysia bằng cách quấy rối các giàn khoan, tàu cung cấp và tàu khảo sát do Malaysia thuê. Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) đưa tin "đại dịch Covid-19 không có ảnh hưởng lớn đến sự hiện diện của cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông".
Mỏ Lan Tây ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam. Reuters
Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp tục tuần tra xung quanh Lô 06/1 - nơi mà Việt Nam vẫn đang khai thác dầu khí ở đó. Lô này nằm trên bồn Nam Côn Sơn, hoàn toàn nằm sâu trong EEZ của Việt Nam. AMTI cho biết : "Việc này tương tự như mô hình lâu nay của cảnh sát biển Trung Quốc tại Bãi cạn Luconia, thường tuần tra các mỏ dầu và khí đốt gần đó… Các bên tranh chấp ở Đông Nam Á thường kiềm chế triển khai các tàu thực thi pháp luật hoặc hải quân để phản đối các cuộc tuần tra thường lệ này. Điều này cho thấy Trung Quốc đã thành công trong việc bình thường hóa sự hiện diện của mình ở đây. Một ngoại lệ gần đây là việc Malaysia triển khai tàu tuần tra KD Kelantan đến Bãi cạn Luconia vào ngày 29/8/2020, việc này dường như khiến tàu 5403 của cảnh sát biển Trung Quốc rời đi… Tuy nhiên, ảnh hưởng chỉ là tạm thời : một tàu Trung Quốc đã quay lại Bãi cạn Luconia vào tháng 11/2020 và hiện đang quấy rối hoạt động dầu khí trong khu vực".
Một câu hỏi giới chuyên môn đặt ra là với các tài nguyên năng lượng quan trọng ở khu vực thuộc EEZ của Việt Nam, liệu Hà Nội có tích cực thách thức tuyến đường tuần tra mới nhất của cảnh sát biển Trung Quốc hay không ?
Ông Brennan cảnh báo : "Bắc Kinh có thể sớm thăm dò điểm yếu của chính quyền Biden và Biển Đông là một trong những vấn đề có thể làm được".
Bộ Ngoại giao Mỹ mới ra thông báo ngày 27/01, cho biết tại cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin Jr., tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã một lần nữa khẳng định vai trò của liên minh Mỹ - Philippines trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ; đề cao tầm quan trọng của Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước trong việc bảo vệ Philippines ở khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông ; nêu rõ Mỹ phản đối các yêu sách biển thái quá của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế được quy định trong UNCLOS 1982 ; nhấn mạnh cam kết sẽ đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á trước áp lực của Trung Quốc.
Phạm Quý Vương
Nguồn : RFA, 28/01/2021
*********************
Tướng quân đội Việt Nam nói về bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông tại Đại hội Đảng
RFA, 27/01/2021
Quân đội Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì, xử lý kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả các tình huống tại Biển Đông, không để bị động, bất ngờ.
Một chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng canh tại đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa hôm 7/1/2013 - Reuters
Đó là phát biểu vào sáng ngày 27 tháng 1 của ông Phan Văn Giang, Thượng tướng- Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại phiên thảo luận về các văn kiện đại hội đảng.
Cụ thể, theo người đại diện của Đảng bộ Quân đội Việt Nam thì các lực lượng vũ trang đã thực hiện tốt công tác bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, nhất là tình hình Biển Đông.
Ngoài ra, theo báo cáo của ông Phan Văn Giang thì từ năm 2016 đến nay, quân đội Việt Nam đã điều chỉnh trên 800 tổ chức, trong đó giải thể 260 tổ chức trung gian, phục vụ từ cấp tiểu đoàn đến cấp cục ; giảm 10% quân số chiến dịch, chiến lược ; ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở các tuyến biên giới, hải đảo…
Cũng theo ông Phan Văn Giang, quân đội Việt Nam cũng đã làm tốt chủ trương dân sự hóa quần đảo Trường Sa ; chỉ đạo xây dựng, phát huy hiệu quả 28 khu kinh tế-quốc phòng ở các địa bàn được cho là chiến lược đặc biệt khó khăn dọc biên giới đất liền và hải đảo.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ; tuy nhiên Hoàng Sa hiện đang do Trung Quốc quản lý. Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa.