Ba thách thức ‘đe dọa sinh mệnh đảng và sự tồn vong chế độ’
Trân Văn, VOA, 29/01/2021
Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 12, vừa cảnh báo các đồng chí là đại biểu tham dự đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam rằng :Hiện có ba thách thức lớn đe dọa sinh mệnh đảng và sự tồn vong của chế độ.
Diễn tập bảo vệ Đại hội Đảng 12 tại Hà Nội vào ngày 8/1/2021. Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động.
Thứ nhất là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thứ ba là nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.
Trong ba thách thức vừa kể, ông Lâm nhấn mạnh :Nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất(1).
***
Thực trạng biển Đông – dã tâm của Trung Quốc và những động tác mới nhất mà Trung Quốc vừa thực hiện, nguy hiểm cho tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc như thế nào thì ai cũng biết, ông Lâm tất nhiên cũng biết. Tuy nhiên ông không quan tâm. Với ông đó chỉ là vấn đề thứ yếu. Ngay cả khi xác định biển Đông là thách thức thứ hai thì lý do ông Đại tướng, Bộ trưởng Công an chọn làm thách thức cũng chỉ liên quan đến lợi ích lâu dài củađảng và củaông :Uy tín của đảng trước nhân dânvà chỉ thế mà thôi !
Ông Lâm không những không lo mà còn không xem đối tượng đã xâm hại chủ quyền lãnh thổ, cũng như đang tiếp tục xâm hại cả chủ quyền lãnh thổ, đe dọa sự ổn định của kinh tế, xã hội Việt Nam như kẻ thù. Ông chỉ thù đồng bào. Dẫu họ cũng là người Việt nhưng vì họ không chấp nhận sự chi phối toàn diện, tuyệt đối của đảng mà ông là thành viên lãnh đạo nên với ông, họ mới là thù địch. Với ông, chỉ họ mớithâm độc, nguy hiểm hơn chứ không phải ngoại bang.
Ba thách thức mà ông Tô Lâm khái quát, liệt kê để cảnh báo các đồng chí còn cho thấy, tuy là một trong những lãnh đạo chủ chốt của đảng nhưng hoặc ông nhìn không xa, trông không rộng, hoặc ông hoạt ngôn ! Tại sao ông chi thấy"quả" mà không thấy"nhân" ? Có thể nhận ra thực trạng"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộvà nhân dân suy giảm lòng tin đang diễn biến phức tạp, trở thành một loại nguy cơ mà không xác định được đâu là nguyên nhân ?
Chẳng lẽ Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học An ninh không thể lý giải vì sao lại xuất hiện tình trạngmất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, sức chiến đấu của đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong bị suy yếu và trở thành nguy hiểm nhất ?
***
Xem tóm thuật tham luận của ông Lâm, vài người quen với kẻ viết bài này bảo rằng, sở dĩ ông Lâm không thùđịch, chỉ thùđồng bào vì việc biến đồng bào thànhthế lực thù địch, đe dọa sinh mệnh đảng và sự tồn vong của chế độ sẽ giúp những cá nhân như ông Bộ trưởng Công an củng cố vai trò, vị trí trong đảng.
Có người thì cười khà khà khi thấy ông tuyên bố, đại loại :Ngoài việc sẽ phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, ngành công an sẽđề ra giải pháp, quy trình, quy chế quản lý chặt chẽ trong phát triển các dự án, đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", "không muốn tham nhũng". Họ phỏng đoán, nếu công an được phép thực thi tất cả những điều đó như ông Lâm tuyên bố, Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ mới có thể cho phép chính phủ nhiệm kỳ mới giải tán nhiều bộ vì đã có công an đảm trách vai trò vốn của nhiều bộ, ngành.
Cũng có người ước ao, phải chi họ được chọn làm đại biểu tham dự đại hội đại biểu toàn quốc của đảng lần này để có thể thỏ thẻ đề nghị ông Tô Lâm nêu gương ngay sau khi ông trình bày xong tham luận :Tự nguyện công bố xem trong tờ khai tài sản mà ông đã nộp cho đảng, ông xác định cả bất động sản lẫn động sản mà ông đang sở hữu trị giá bao nhiêu. Theo họ, khi tham nhũng trở thành vấn nạn trầm kha như đã biết, đã thấy và đã thề sẽ làm gì đó để kẻ khác"không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", "không muốn tham nhũng" thì phải nêu gương chứ !
Đồng bào – những người bị ông Lâm xem là thù địch hoặc do bất bình trước thực tại càng ngày càng nhiều điều bất hợp lý, tương lai càng lúc càng bi đát của chính mình, xứ sở mình, dân tộc mình nghĩ sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/01/2021
Chú thích
*******************
Cách nào hóa giải ba thách thức của đảng : Phản động, Biển Đông và tự diễn biến ?
Diễm Thi, RFA, 29/01/2021
Ba thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt được ông Tô Lâm đưa ra ngày 27 tháng 1 năm 2021, tại phiên thảo luận của Đại hội 13 theo thứ tự như sau.
Một nhân viên an ninh kiểm tra hệ thống khử trùng phòng tránh Covid tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội, nơi đang tổ chức Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13, ngày 27 tháng 1 năm 2021. AFP
Thứ nhất là âm mưu, hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thứ ba là nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.
Tháng 6 năm 2020, tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Báo cáo Chính trị đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cũng cho rằng có ba thách thức đang đe dọa đến an ninh chính trị của Việt Nam.
Thứ nhất là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn lật đổ do các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với những thách thức trong quan hệ với các nước lớn, từ những nguy cơ tác động đến an ninh nội địa trong nước. Thứ ba là nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của người dân.
Nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định, cả ba điểm ông Tô Lâm nói nhằm nêu mọi rủi ro mà chính quyền Việt Nam đang đối diện cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Trong đó, phản động và Biển Đông thì có cả ở bên trong lẫn ở bên ngoài Việt Nam. Còn diễn biến hòa bình thì chỉ có ở bên trong. Ông nói thêm :
"Về điểm thứ nhất, bản chất là ông ta khẳng định mọi thứ trái với Đảng cộng sản Việt Nam thì đều là phản động. Tức là chống cộng sản Việt Nam là phản động. Nguy cơ này Đảng cộng sản Việt Nam không thể hóa giải được, cũng chẳng chống được. Bỏ tù, xử tù, đàn áp... không phải là hóa giải. Những người bị các ổng gọi là phản động thì họ chỉ thực hiện quyền của họ : quyền tự do biểu đạt ý kiến theo luật quốc tế mà Liên Hợp Quốc ban hành. Đó là hợp pháp và không thể nói là xấu được.
Điểm thứ hai là mới trong giọng văn của ông bộ trưởng công an. Xưa nay chưa có bộ trưởng công an nào nói đến bảo vệ chủ quyền Biển Đông, dù điều đó không sai.
Nhiệm vụ của Bộ Công an là đảm bảo trật tự trên biển ở cách bờ 50km. Bên ngoài đó thuộc cảnh sát biển và hải quân. Như vậy vấn đề biển Đông thì nói cũng được vì đấy là chủ quyền quốc gia. Mà chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ là một mục quan trọng của lợi ích quốc gia. Công an là một lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia".
"Thế lực thù địch" ở Việt Nam được nói là những cá nhân, tổ chức có âm mưu, hành vi gây tổn hại đến chủ quyền, lãnh thổ và các lĩnh vực khác của quốc gia, trái với những quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Cụm từ "thế lực thù địch" cũng từng gây tranh cãi ở Việt Nam khi nó được sử dụng quá rộng rãi cho cả những người có tiếng nói phản biện, bất đồng chính kiến với những quyết sách của chính phủ.
Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng phát biểu tại hội trường Quốc hội tại phiên họp vào chiều ngày 15 tháng 6 năm 2020 rằng : "Mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch".
Một người dân xem truyền hình phát sóng phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam tại một cửa hàng điện tử ở Hà Nội vào ngày 26 tháng 1 năm 2021. AFP
Vậy cụm từ "thế lực thù địch" xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào ? Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cựu nhân viên của Tạp chí Cộng sản, nói với RFA vào tháng 6 năm 2020 :
"Tôi không biết nó có từ bao giờ, nhưng tôi nhớ từ hồi tôi vào làm cho Tạp chí Cộng sản hồi năm 1992 là đã có cái từ đó rồi để nói đến những người lên tiếng cho tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do dân chủ… Nếu tôi nhớ không nhầm thì nó xuất hiện từ năm 1989/1990, thời kỳ Liên Xô - Đông Âu sụp đổ. Người ta gọi là nêu cao cảnh giác, tức là việc đấy vẫn thường trực nhưng mà tùy từng thời điểm nói nhiều hay nói ít. Đại ý như vậy".
Cả Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang lẫn Bộ trưởng Công an Tô Lâm đều đưa ra ba điều giống nhau mà họ cho đó là thách thức đang đe dọa đến an ninh chính trị của Việt Nam.
Với thách thức thứ nhất, Nhà nước Việt Nam hóa giải bằng cách bắt bớ, bỏ tù những người mà họ cho là phản động, là thế lực thù địch, là chống Nhà nước. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích rằng, trên đời này chỉ có một định nghĩa về phản động, đấy là làm ngược với tiến bộ. Như vậy, định nghĩa phản động của ông Tô Lâm là sai cho nên không có hóa giải. Thêm vào đó, họ bỏ tù những người mà họ cho là phạm tội chống nhà nước thì trong luật quốc tế không có tội chống nhà nước. Nhà nước là một loại tổ chức xã hội ai cũng có quyền phê phán. Người ta chỉ không có quyền dùng bạo lực để phê phán nhà nước. Dùng bạo lực là nổi loạn, là phạm pháp.
Dưới góc độ công dân, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu ra hướng hóa giải cho ba thách thức trên facebook cá nhân của ông mà RFA đã xin phép sử dụng :
"Tôi thiển nghĩ, với thách thức thứ 1 và thứ 3. Sự hóa giải nên bằng cách THÀNH TÂM thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc để xóa bỏ hận thù. Khi ấy, không còn "thế lực thù địch" hoặc "phản động" người Việt chống người Việt nữa. Đồng thời, sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng sẽ tự nhiên mất động lực và triệt tiêu.
Với thách thức thứ 2. Khi dân tộc đã là một khối thống nhất, đoàn kết hướng về mục tiêu chung là lợi ích quốc gia, thì các nguồn lực thay vì dùng để "chống nhau" sẽ được tập hợp thống nhất, tạo nên nguồn lực mới, mạnh mẽ hơn trước các thách thức, đe dọa về chủ quyền quốc gia.
Tuy vậy, sau 45 năm thống nhất đất nước, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng khả năng hòa hợp, hòa giải dân tộc quá khó khăn. Nó như một lời nguyền thù hận không lời giải. Chỉ khi đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, lên trên lợi ích đảng phái, khuynh hướng chính trị, địa phương cục bộ… thì mới có thể bước qua thù hận, lời nguyền sẽ được giải. Khi ấy, tôi nghĩ dân tộc này hóa rồng chẳng mấy chốc".
Thách thức về Biển Đông thì các nhà nghiên cứu về lãnh vực này từng nhiều lần đề nghị là phải minh bạch hóa hồ sơ này. Điều tiếp theo là Việt Nam cần hoàn thiện hồ sơ pháp lý để khởi kiện việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ lên tòa án quốc tế để có thể được xem xét một cách khách quan, công bằng.
Thách thức còn lại là nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng. Điều này đã được ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo trong đảng của ông từ năm 2016, ngay khi khai mạc Hội nghị Trung ương 4. Ông Trọng nhấn mạnh rằng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ; ngăn chặn ; đẩy lùi những biểu hiện gọi là "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là một nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2016-2021.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 29/01/2021
************************
Bộ trưởng Tô Lâm : 3 thách thức đe dọa sinh mệnh Đảng, tồn vong chế độ
Lê Hiệp, Thanh Niên, 27/01/2021
Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ rõ 3 thách thức đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham luận tại Đại hội XIII ngày 27/1 - Ảnh Gia Hân
Trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, ngày 27/1, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn. Dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, ông Lâm cho rằng, "đất nước ta đang đứng trước 3 thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ".
Thách thức đầu tiên, theo Bộ trưởng Công an, là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn.
Thứ 2, là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng.
Thách thức thứ 3, theo ông Lâm, là nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.
"Trong 3 thách thức nêu trên, nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất", ông Lâm khẳng định.
Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, ông Lâm đề xuất tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt của công tác công an, trong đó, xác định mục tiêu, phương hướng trọng tâm là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với công tảc bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Bên cạnh đó, chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong mọi tình huống ; nắm tình hình từ khi mới khởi nguồn các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp đế bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ quyền và an ninh của đất nước.
"Giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước", ông Lâm khẳng định.
Ngăn chặn lợi dụng đầu tư để chuyển hóa về chính trị
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, lực lượng công an sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí, có giải pháp, quy trình, quy chế quản lý chặt chẽ trong phát triển các dự án, đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", "không muốn tham nhũng".
"Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng hợp tác đầu tư phát triển kinh tế để tiến hành chuyển hóa về chính trị, lũng đoạn về kinh tế", ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Ông Tô Lâm cũng khẳng định, lực lượng công an tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng các mặt.
"Đảng bộ Công an T.Ư xác định mục tiêu: năm 2021 và những năm tiếp theo, tiếp tục kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội 5% so với năm 2020; tỷ lệ điều tra, khám phá án nói chung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, năm sau cao hơn năm trước. Thiết lập lại trật tự kỷ cương xã hội, làm chuyển biến và thay đổi thực sự tình hình an ninh trật tự trên từng địa bàn, từng lĩnh vực, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh", ông Tô Lâm nói.
Lê Hiệp
Nguồn : Thanh Niên, 27/01/2021