Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/02/2021

Covid-19 biến thể bùng phát ở miền Bắc, Hà Nội ngỡ ngàng

Cao Nguyên - Nguyễn Duy

Việt Nam với đợt Covid lớn nhất từ hè : Chính quyền hy vọng đẩy lùi dịch trước Tết

Trọng Thành, RFI, 03/02/2021

Sau hơn nửa năm tạm yên với đại dịch Covid-19, Việt Nam đối mặt với đợt dịch mới, nửa tháng trước dịp Tết cổ truyền 2021. Cuộc chiến chống dịch được cấp tốc khởi động, sau khi phát hiện hai trường hợp dương tính "trong cộng đồng" tại vùng đông bắc. Chính quyền hy vọng đẩy lùi đợt dịch này trước Tết.

covi1

Một đám cưới tại Hà Nội, ngày 28/01/2021. Đám cưới với cô dâu, chú rể mang khẩu trang diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên xuất hiện ổ dịch cộng đồng lớn nhất Việt Nam, kể từ khi đại dịch Covid bùng phát.  Reuters - KHAM

Với con số chính thức gần 2.000 ca dương tính với virus và 35 người tử vong vì Covid, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia hiếm hoi tương đối bình yên trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp nơi trên Trái đất. Chính quyền Việt Nam cũng được ca ngợi là chống dịch hiệu quả. Việt Nam đối phó như thế nào với đợt dịch lớn đầu tiên từ mùa hè ? Đâu là những điểm thành công và các vấn đề đặt ra từ đợt dịch mới này ? 

Truy vết sớm, khoanh vùng có trọng điểm

Hai trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 tối ngày 27/01/2021 đặt chính quyền Việt Nam trước một thách thức mới. Đó là hai ca bệnh, ca 1552 tại tỉnh Hải Dương và ca 1553 tại Quảng Ninh. Ca bệnh số 1552 là một nữ công nhân 34 tuổi tỉnh Hải Dương, có giao tiếp gần với một nữ công nhân hiện đang ở Nhật Bản, được phía Nhật xác nhận là dương tính với virus SARS-CoV-2 biến thể Anh quốc, vào ngày 26/01, tức trước đó một ngày. Ca bệnh số 1553 là nhân viên sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. 

Chính phủ Việt Nam ngay lập tức khởi động chiến dịch truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa có trọng điểm, xét nghiệm tầm soát diện rộng. Tính trên toàn quốc, đã xác nhận được hàng nghìn ca "F1" ("F1" là cách của ngành y tế Việt Nam gọi người có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 – còn gọi là "F0", "F2" là người có tiếp xúc gần với "F1", "F3" là người có tiếp xúc gần với "F2"…). Hàng chục nghìn xét nghiệm đã được tiến hành, liên quan đến diện "F1" hoặc những người trong các khu vực bị tình nghi có dịch.

Liên quan đến bệnh nhân sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, tính cho đến ngày hôm qua 2/2, cơ quan y tế tỉnh này thông báo đã truy vết hơn 1.300 F1 (trong số hơn 55.000 trường hợp từ F1 đến F4). Hơn 17.000 xét nghiệm được tiến hành, với kết quả 30 ca dương tính. Huyện Vân Đồn phong tỏa 7 xã và thị trấn.

Các ổ dịch tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương và một số địa bàn khác thuộc tỉnh Hải Dương có quy mô lớn hơn nhiều. Tính cho đến ngày 01/02, cơ quan y tế Hải Dương đã truy vết được hơn 4.000 F1. Thực hiện tổng cộng hơn 13.000 xét nghiệm. Cách ly toàn bộ 2.000 công nhân xí nghiệp điện tử Pouyn, nơi làm việc của bệnh nhân 1552 và nữ công nhân đi Nhật, dương tính với virus. Riêng tại nhà máy này, đã phát hiện khoảng 180 người dương tính với virus. Toàn bộ thành phố Chí Linh, với hơn 20.000 dân, bị phong tỏa trong vòng 21 ngày.

Hai tâm dịch cơ bản được kiểm soát

Ngày 29/01 được coi là một bước ngoặt trong đợt chống dịch mới, với số lượng người dương tính ở mức 60 ca trong ngày, ít hơn hẳn so với dự kiến trước đó của chính phủ là từ 200 đến 300 ca. Tổng cộng, tính đến hôm nay, 03/02, trên toàn quốc có khoảng 300 người dương tính với SARS-CoV-2 trong đợt dịch này.

"Truy vết kịp thời" và "khoanh trúng ổ dịch" được giới chuyên gia tại chỗ ghi nhận là nguyên nhân dẫn đến thành công bước đầu. Đối với chính phủ Việt Nam, tình hình dường như đã nằm trong tầm kiểm soát. Ngày 02/02, tức 5 ngày sau khi đợt chống dịch mới khởi sự với tâm điểm là hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, trong một phiên họp của chính phủ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo "đã cơ bản kiểm soát được dịch". Ban Chỉ Đạo phòng chống Covid-19 đặt mục tiêu trong vòng 10 ngày khống chế đợt dịch này, tức trước dịp Tết Nguyên đán 12/02/2021.

Đằng sau chiến dịch được đánh giá là thành công bước đầu này, báo chí Việt Nam nói nhiều đến vai trò của "Tổ truy vết Covid-19", tên gọi nôm na của "Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19", thuộc Ban Chỉ Đạo phòng chống dịch quốc gia. Đây là lần thứ ba Tổ truy vết, với hơn 200 nhân viên, phải hoạt động cả ngày lẫn đêm với số lượng nhân lực lớn nhất sau hai đợt dịch tháng 3 và tháng 7/2020, để truy tìm "các nhánh lây nhiễm".

Các tỉnh xa "trong tư thế sẵn sàng"

Dự đoán về khả năng diễn biến dịch, trả lời RFI tiếng Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh : "Thật ra những nơi ổ dịch mà mình nghĩ là lớn, nhưng lại có thể làm được, ví dụ như Hải Dương và Quảng Ninh. Mục tiêu trong vòng 10 ngày là được. Với các tỉnh khác, nếu mình quyết liệt, mình chặn đầu trước thì cũng làm được. Nhưng nếu mình không quyết liệt, thì không được. Không được nghĩ là không cần thận trọng, vì những nơi bị dịch không ở sát tỉnh mình. Hiện nay, trên thực tế, tất cả đã ở trong tư thế phòng thủ rồi. Có nghĩa là mình phải rà soát những nơi là nguồn lây, vì khả năng di chuyển hiện nay rất rộng. Phòng thủ, tức là tất cả các địa phương xa cũng bị coi là có nguy cơ. Phòng thủ từ xa, có nghĩa là khi nghe thông tin về dịch tễ, để quây những người từ các vùng đó về, để làm xét nghiệm thực là sớm. Xem người đó thuộc nhóm nào và khuyến khích người ta khai báo cho tốt. Thực sự ra, cái khai báo hiện nay ở Việt Nam có ba mức. Bản thân, gia đình và cơ quan. Rất khó thoát khỏi việc khai báo. Thực ra việc đồng lòng ở Việt Nam khá là tốt. Có một yếu tố làm cho mình hơi lo là người ta sợ, người ta vô khu cách ly thì không được ăn Tết. Nhưng tính cộng đồng ở Việt Nam khá là tốt".

Nỗi lo người dân bất hợp tác

Phương pháp truy vết người có nguy cơ nhiễm Covid-19 mà chính phủ Việt Nam chủ trì dựa rất nhiều vào sự hợp tác của người dân. Tuy nhiên, tình hình hiện tại dường như không thuận lợi. Theo thứ trưởng bộ Khoa Học – Công Nghệ Bùi Thế Duy, phụ trách "Tổ truy vết", thì chỉ có 1% số người trong diện "F1" (tức có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid) "tự báo tin tới các cơ quan chức năng, 99% là do kết quả tìm kiếm". Một người phụ trách khác của "Tổ truy vết" cho báo chí biết là có tới 20% F0 (tức bệnh nhân Covid-19), khi được cơ quan y tế tiếp xúc đã từ chối hợp tác, "chưa kể đến các F1, F2. Con số này cao hơn nhiều các đợt bùng dịch trước đây. Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ bộ Y Tế hoặc những thành viên tổ truy vết. Khiến cho công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn". Theo vị phụ trách nói trên, lý do khiến người dân không hợp tác là "có thể do hoảng loạn, lo lắng dẫn tới hành động tắt máy, chặn số của bộ Y Tế hoặc có những thông tin cá nhân không muốn tiết lộ".

Về vấn đề này, bác sĩ Trần Tuấn nhận định : "Ở đây, các biện pháp chúng tôi nhận thấy là cố gắng phát hiện sớm, cách ly ngay, và truy tìm cho bằng hết các trường hợp có tiếp xúc F1, F2. Đấy là về mặt quyết tâm, chúng ta thấy thể hiện rất rõ. Và cách làm từ trước đến nay đã cố gắng theo như vậy. Còn trên thực tế, nhất là dịp gần Tết đến, đây quả là thách thức. Bởi vì người dân cũng đã không còn mới mẻ gì với tình hình chống dịch hiện nay. Họ đã biết các cách thức khoanh vùng, truy vết, rồi cách ly, trên thực tế là có gây khó khăn cho người dân đối với sinh hoạt bình thường. Cho nên, nhất là đến khi Tết đến rồi, tâm lý trong việc thành thực khai báo hết các trường hợp tiếp xúc là một thách thức không còn dễ dàng như trước đây".

Chính phủ để ngỏ khả năng dịch biến động khó lường

Hiện tại đợt dịch mới được coi là không còn chỉ khu trú tại tỉnh Hải Dương. Tính cho đến ngày 01/02, nhiều tỉnh và thành phố đã ghi nhận các ca lây nhiễm do tiếp xúc với người đến từ thành phố Chí Linh nói riêng, và một số địa phương khác tại tỉnh Hải Dương. Tính đến ngày 02/02, thủ đô Hà Nội phong tỏa 9 địa điểm, bao gồm một trường đại học, một trường tiểu học, hai chung cư, một nhà máy, một thôn và ba ngõ phố. Nhà máy Z135 của bộ Quốc Phòng, Hà Nội, bị phong tỏa, toàn bộ 2.000 dân cư xung quanh được xét nghiệm, sau khi phát hiện ra một số ca dương tính, có tiếp xúc với đồng nghiệp, trở về từ một đám cưới ở tỉnh Hải Dương. Riêng tại Hà nội, tính cho đến ngày 01/02, tổng cộng 19 ca dương tính. Hà Nội thông báo xác định 15.000 trường hợp nghi nhiễm Covid. Viễn cảnh dịch bệnh tại Việt Nam, đặc biệt là một số tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ trong những ngày tới là rất khó lường, đặc biệt với sự xuất hiện của biến thể Anh quốc, được coi là có mức độ lây nhiễm nhanh hơn nhiều, cùng với việc tỉ lệ người nhiễm "không có triệu chứng" cao, người trẻ nhiều.

Trong phiên họp hôm 02/02, phó thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ra ba kịch bản. Theo kịch bản lạc quan nhất. Việt Nam có thể "ngăn chặn, khống chế được dịch" trước Tết Nguyên đán. Khả năng thứ hai là dịch bệnh "không được khống chế hoàn toàn, nhưng lây nhiễm cộng đồng ở mức thấp". Và khả năng thứ ba là "không ngăn chặn được dịch bệnh".

Thủ đô Hà Nội dường như chuẩn bị cho kịch bản thứ hai. Hôm nay 03/02, Hà Nội hủy kế hoạch bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã, đêm giao thừa. Chỉ bắn pháo hoa tại một điểm, với yêu cầu không tập trung đông người.

Xét nghiệm chính xác, kịp thời và niềm tin của người dân

Để đẩy lùi đợt dịch mới, chính quyền Việt Nam đã tiếp tục thực thi các biện pháp truy vết quyết liệt, khoanh vùng dịch và xét nghiệm trên diện tương đối rộng, các biện pháp từng khẳng định là đã mang lại thành công cho đến nay trong việc khiến dịch bệnh được coi là nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, một điểm thiếu hụt lớn nổi bật lên là một số địa phương không có khả năng tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn, đủ để phục vụ cho biện pháp xét nghiệm tầm soát diện rộng.

Một ví dụ cụ thể là, tính cho đến ngày 01/02, Hà Nội không đủ khả năng xét nghiệm cho toàn bộ số 15.000 trường hợp nghi nhiễm (mới có hơn 10.000 người được xét nghiệm). Xét trên toàn quốc, theo số liệu chính thức, công suất hiện nay của toàn bộ các cơ sở được phép "xét nghiệm khẳng định" Covid-19 (tức xét nghiệm chính thức lần hai) là hơn 42.000 xét nghiệm/ngày, chỉ nhiều hơn 2.000 so với công suất hồi tháng 9/2020.

Khả năng có đủ xét nghiệm sàng lọc, để làm cơ sở cho các quyết định cách ly, phong tỏa phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, là một yếu tố cơ bản củng cố niềm tin của người dân đối với các biện pháp cách ly, phong tỏa khẩn cấp của chính quyền. Cảnh giác cao độ với dịch bệnh là cần thiết. Việc duy trì cách ly, phong tỏa là rất cần để khống chế dịch, nhưng nếu quá mức sẽ gây cản trở sinh hoạt, sinh kế của người dân, vốn đã phải chịu nhiều khó khăn chồng chất sau hơn một năm dịch bệnh.

Về khả năng phát hiện dịch sớm, kịp thời, nhiều người cũng đặt câu hỏi, tại sao các ca "lây nhiễm trong cộng đồng" (lần đầu tiên sau gần hai tháng vắng bóng) đã chỉ được cơ sở y tế Việt Nam phát hiện, sau khi có thông báo chính thức từ Nhật Bản về xét nghiệm dương tính với một nữ công nhân Việt Nam (đến Nhật từ ngày 17/01/2021) ? Nhà máy tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi nữ công nhân đó từng làm việc, sau đó đã được chính quyền xác nhận là nơi có ổ dịch lớn nhất trong nước, kể từ đầu đại dịch.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 03/02/2021

************************

Việt Nam : Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thêm hơn chục ca nhiễm cộng đồng

Anh Vũ, RFI, 03/02/2021

Tình hình lây nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Số người nhiễm tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh thành, trong khi chính quyền kêu gọi nỗ lực hơn nữa truy vết, khoanh vùng cách ly các ca nghi nhiễm, chạy đua với thời gian dập dịch khi Tết nguyên đán đang tới gần.

covi2

Trạm kiểm soát y tế chống Covid-19 - Hà Nội. Ảnh ngày 29/01/2021.  Reuters – Thanh Hue

Đến ngày 03/02/2021, sau 7 ngày từ khi phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19 ở tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, theo số liệu của Bộ Y Tế Việt Nam, toàn quốc đã ghi nhận 310 ca nhiễm cộng đồng ở 10 tỉnh thành.

Hải Dương hiện là tâm dịch lớn ghi nhận 248 ca nhiễm với 32 ổ dịch. Trong ngày hôm nay, tỉnh ghi nhận thêm 16 ca dương tính. Đặc biệt trong tỉnh Hải Dương đã phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19 ở trẻ em khiến một trường tiểu học và một trường mẫu giáo cùng hơn một trăm trẻ nhỏ bị cách ly tập trung.

Quảng Ninh ghi nhận 38 ca nhiễm, Hà Nội phát hiện 21 ca dương tính, đều có liên quan tiếp xúc với các ca nhiễm từ Hải Dương. Virus đã lây lan vào tới các tỉnh và thành phố phía nam, như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai buộc chính quyền địa phương đã phải phong tỏa cục bộ nhiều khu vực nghi nhiễm.

Theo các quan chức Y Tế Việt Nam, đợt dịch lần này diễn ra phức tạp hơn nhiều so với lần trước, chu trình lây nhiễm và khởi phát bệnh diễn ra nhanh gấp đôi so với trước đây.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 03/02/2021

*********************

Dịch Covid-19 bùng phát, dân bị động, hoạt động thiện nguyện bị nhắc nhở

Cao Nguyên, RFA, 01/02/2021

Sáng ngày 28/1, Chính phủ Việt Nam công bố phát hiện 83 ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng ở 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Đợt bùng phát lần này do biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được cho là xuất phát từ một công nhân của Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam, khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

covi1

Nhân viên y tế đứng bên ngoài một khu cách ly dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội hôm 29/1/2021 - Reuters

Đây được đánh giá là ổ dịch cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lập tức ban hành chỉ thị yêu cầu giãn cách xã hội ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương 21 ngày, bắt đầu từ trưa ngày 28/1. Mọi người không được tụ tập quá 2 người ở nơi công cộng. Người dân chỉ được ra khỏi nhà cho các nhu cầu thiết yếu như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.

Ở Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn, vốn là địa điểm thường đón các chuyến bay người Việt hồi hương để làm thủ tục cách ly tập trung, cũng bị tạm ngưng hoạt động trong 21 ngày. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng…

Phong tỏa đột ngột, coi như không có Tết

Như vậy, nếu thực hiện giãn cách xã hội kể từ trưa 28/1 cho đến hết 21 ngày, thì đã qua Tết Tân Sửu 2021.

Nhiều người dân ở Hải Dương và Quảng Ninh chia sẻ với Đài Á Châu Tự do rằng họ khá sốc và bất ngờ khi lệnh giãn cách được ban hành một cách đột ngột và áp dụng luôn.

Chị Huyền, làm công việc kinh doanh thời trang ở thành phố Chí Linh, Hải Dương nói gia đình chị chưa kịp chuẩn bị gì thì đã có lệnh giãn cách. Trong nhà chỉ có vài kí gạo và thực phẩm đủ dùng trong vài ngày.

covi2

Một người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội hôm 28/1/2021. AFP

Ngoài ra, công việc làm ăn của chị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chị Huyền nói dịch bệnh kéo dài cả năm nay, mọi người cũng ít ai mua sắm quần áo, chỉ trông mong dịp Tết để buôn bán nhưng dịch lại bùng phát, tất cả cửa hàng đều phải đóng cửa, coi như là không có Tết :

"Bây giờ bọn em phải đóng cửa hết, không thể bán được. Ảnh hưởng rất nghiêm trọng luôn. Bọn em chỉ bán được mấy ngày cuối năm thôi mà bây giờ phải đóng cửa hết luôn.

Giờ mới có lệnh giãn cách xã hội thôi chứ cũng chưa được hỗ trợ gì, cũng chưa biết như thế nào. Tết này chắc cũng chỉ ở nhà thôi chứ tình hình dịch thế này cũng không đi đâu, làm gì được".

Chị T.A, ở tỉnh Quảng Ninh cho biết trong gia đình có anh trai đã tiếp xúc trực tiếp với người thuộc diện F2 nên cả gia đình hiện giờ đều bị hạn chế ra đường.

Gia đình chị làm dịch vụ tổ chức chức tiệc di động. Thời điểm cuối năm, có rất nhiều nơi đã đặt tiệc tất niên nhưng giờ đành phải huỷ hết :

"Anh trai em bị cách ly rồi. Ngay cạnh nhà em cũng nhiều người bị cách ly nữa. Rồi mấy người đặt tiệc nhà em làm cũng phải huỷ hết. Tết này chắc ở trong nhà thôi".

Công văn "chấn chỉnh hoạt động thiện nguyện"

Ngày 29/1, tỉnh Hải Dương thành lập các khu cách ly tập trung 21 ngày đối với những người thuộc diện F1. Đồng thời tiếp tục phong toả toàn bộ các xã, huyện khác có người thuộc diện F1, F2.

Đặc biệt, tại thị xã Kinh Môn, có 65 học sinh lớp bốn và 31 học sinh lớp hai thuộc diện F1 cũng phải đi cách ly tập trung do trong các lớp này có học sinh dương tính với SARS-CoV-2. Có 11 giáo viên và một vài phụ huynh được chọn vào khu cách ly để để chăm sóc, hỗ trợ cho các cháu.

covi3

Người đạp xích lô đi qua một tấm biển cổ động cho Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 26/1/2021. AFP

Anh Nguyễn Thanh, ở thành phố Chí Linh nói với RFA rằng giờ này cũng không còn kinh doanh buôn bán gì được. Vì vậy, gia đình anh quyết định làm thiện nguyện. Mỗi ngày đều nấu thức ăn tiếp tế vào cho những khu cách ly tập trung :

"Số người đi cách ly nhiều lắm. Bên nhà tôi cũng có người đi cách ly. Nhà tôi đi tình nguyện viên, đi tiếp tế các thứ thôi.

Tất cả đều là tình nguyện viên, tôi là đứng đầu. Người ta gởi cho mình làm, còn mình chỉ có công sức. Có xe chở đi thì không tính tiền xăng dầu, nấu nướng không lấy tiền, bỏ công sức thôi. Còn tiền bạc thì người từ ngoài nước, trong nước người ta gởi về.

Nhiều nơi thiện nguyện lắm, có tới 4-5 chỗ. Vì số người cách ly trên mấy ngàn người.

Người tài trợ giò chả, người tài trợ thịt, người cho gạo, nước ngoài thì cho tiền… Còn mình thì chung góp công sức, tình nguyện viên. Nhà mình là chủ chốt, nấu nướng gom hết về đây.

Chắc là không có Tết đâu. Bây giờ cách ly phong toả hết rồi. Trên Hà Nội người ta tài trợ cho chăn gối nệm nhưng người ta cũng không cho vào".

Đảng bộ thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày 30/1/2021 ra công văn về việc "Chấn chỉnh các hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19".

Nội dung yêu cầu các phường xã dừng việc vận động quyên góp, hỗ trợ cho địa phương mình trong công tác phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 31/1. Thay vào đó, đề nghị thực hiện tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tập trung về thành phố thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố Chí Linh. Từ đó, mọi nguồn lực sẽ được sử dụng phòng, chống dịch hiệu quả, tiết kiệm và tổng thể.

Đồng thời, công văn cũng yêu cầu xử lí nghiêm các trường hợp trục lợi thông qua việc vận động, quyên góp, hỗ trợ phòng chống dịch.

Facebooker Trần Trường, ở thành phố Chí Linh, viết trên trang cá nhân nêu quan điểm của ông về công văn này :

"Những ngày đầu dịch bùng phát nhanh, số ca nhiễm tăng cao, số người cách ly tăng đột biến, trời rét, nhân lực, vật lực thiếu. Nếu không có các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm thử hỏi các khu cách ly thế nào, ăn ở sinh hoạt ra sao.

Các nhóm họ đâu cần được vinh danh, đâu cần được khen thưởng mà họ làm vì cái tâm, sẵn sàng nhảy vào nơi nguy hiểm đến tính mạng để cứu trợ, để chia sẻ khó khăn... Họ không chọn rụt đầu như con rùa.

Sau 3-4 ngày, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm đã hòm hòm thì giờ họ nhận được "gáo nước"… Có nản không ?"

Theo trang Thông tin Chính phủ, tính từ ngày 27/1 đến chiều tối ngày 1/2/2021, số ca nhiễm Covid-19 do lây nhiễm trong cộng đồng là 270 ca. Trong đó, Hải Dương nhiều nhất với 205 ca, kế tiếp là Quảng Ninh 30 ca, Hà Nội 19, Gia Lai 4, Bắc Ninh 3, Hoà Bình 2. Các tỉnh thành khác như Bình Dương, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi nơi một ca.

Tỉnh Hải Dương đã xây dựng xong 2 bệnh viện dã chiến và đang tiến hành xây dựng bệnh viện thứ 3. Bệnh viện dã chiến số 1 đóng tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, có 150 giường. Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh là bệnh viện dã chiến số 2, đáp ứng điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến số 3 đang thi công sẽ trang bị thêm 200 giường bệnh.

Ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ phát biểu hôm 31/1, khi đang đi kiểm tra "ổ dịch" ở thành phố Chí Linh, rằng 6 ngày nữa sẽ khoanh được ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, giữ đúng cam kết dập dịch trong 10 ngày.

Vào ngày đầu tháng 2, gần 20 tỉnh, thành tại Việt Nam thông báo cho học sinh nghỉ tết âm lịch sớm vì tình hình dịch bệnh lây lan nhanh trên cả nước.

Tính đến chiều tối ngày 1 tháng 2, chín tỉnh, thành phố trên cả nước thông báo có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 01/02/2021

**********************

Hà Nội báo động đỏ, liệu Đại hội 13 có toang ?

Theo Bộ Y tế, đến sáng 29/1 ghi nhận 9 ca dương tính nCoV ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương và Hà Nội. Hải Phòng ghi nhận "bệnh nhân 1561", Bắc Ninh ghi nhận "bệnh nhân 1565". Cả hai liên quan đến ổ dịch tại Chí Linh, Hải Dương, tối qua đã được địa phương xác nhận nhiễm. Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận hai ca nhiễm mới là 1573, 1574. Tỉnh Hải Dương ghi nhận 4 ca nhiễm mới là 1646 đến 1649.

covi4

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp

Tuy nhiên điều đáng báo động là Hà Nội đã xuất hiện bệnh nhân của dịch cúm Vũ Hán đó là bệnh nhân số 1581 ở quận Hai Bà Trưng. Bệnh nhân này được xác định là bị lây bởi bệnh nhân 1553. Tuy nhiên đây không phải là điểm lây lan duy nhất, trước đó ngày 28/1, Bộ Y tế đã xác định ca nhiễm tại quận Cầu Giấy nữa nhưng ca này chưa được đánh số thứ tự. Như vậy mới trong thời gian rất ngắn, đã có 2 điểm xác định có dịch tại Hà Nội.

Theo BBC dẫn lời ông Lê Ngọc Sơn, nhà nghiên cứu truyền thông của Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức cho biết :

Có vẻ như tình hình dịch bệnh trong cộng đồng ở miền Bắc khá phức tạp và đáng lo.

Việc xét nghiệm hàng loạt chỉ được tiến hành khi có thông tin bạn nữ từ Việt Nam đến Nhật Bản bị phát hiện dương tính. Có nghĩa là trong cộng đồng trước đó đã xuất hiện rồi.

Trường hợp nam sinh ở Hà Nội đi khám không phải là do rà soát các F, mà là tự đi khám. Có nghĩa là cũng đâu đó âm ỉ trong cộng đồng rồi.

Cả 2 tình huống đều đều cho thấy việc chống dịch của bộ y tế ở trong tình trạng bị động. Do đó, câu chuyện có vẻ phức tạp và cam go.

Đề phòng lây nhiễm tại Đại hội 13 như thế nào ?

Theo bản tin trưa ngayg 29/1 của Thông Tấn Xã Việt Nam thì các phóng viên, nhân viên an ninh và phục vụ cho Đại hội 13 đã phải lấy xét nghiệm thêm một lần (lần thứ 3) sau khi có tin dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng tại Hà Nôi.

Hiện tại chính quyền Hà Nội cho cách ly một tòa tại Times City, Hà Nội. Toàn bộ cư dân hiện đang sinh sống và làm việc tại tất cả các căn hộ thuộc tòa nhà T6 khu đô thị Times City phải thực hiện biện pháp tạm thời cách ly y tế tại nhà từ 01h ngày 29/01, thông báo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường Vĩnh Tuy, Hà Nội ra cùng ngày. Biện pháp được đưa ra sau khi có một phụ nữ sống tại đây có kết quả dương tính Covid-19. Thêm vào đó học sinh Vinschool tại Times City cũng được thông báo nghỉ học lúc 23 giờ đêm ngày 27/1.

Tình hình nguy cấp đến mức ông Vũ Đức Đam phải bỏ cuộc đại hội ăn chia để trở lại bàn làm việc bắt tay vào công tác chống dịch.

covi5

Ông Vũ Đức Đam phải rời đại hội để ứng chiến với bệnh dịch đang bùng phát

Mấy ngày qua cộng đồng mạng đang lan truyền hình ảnh ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đi ngoài sảnh tại nơi diễn ra Đại hội 13. Hình ảnh này đã đốn tim nhiều người ở trên cộng đồng mạng vì hành động bỏ dở một cuộc đại hội lớn để xoắn tay áo vào công việc cấp bách. Đây là hình ảnh đẹp, tuy nhiên một mình ông Đam trở về công việc chống dịch trong khi vô số quan chức địa phương và trung ương chọn cách ở lại để đón nhận quyền lực là hình ảnh rất tương phản, việc này đã vô tình đẩy Vũ Đức Đam vào thế đơn thương độc mã chống dịch. Nói gì thì nói, chống dịch trong lúc đại hội 13 diễn ra thì rõ ràng Vũ Đức Đam đang thiếu đi sự hỗ trợ rất nhiều. Vậy thì lần chống dịch này muôn vàn khó khăn chứ không dễ như lần trước.

Tính đến ngày 29/1 thì tổng số ca nhiễm tại Việt Nam đã lên 1.651, số khỏi 1.430, số tử vong do Covid-19 là 35, bốn người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính. Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định, trong đó 14 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 10 người âm tính lần hai và 12 người âm tính lần ba.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly hơn 21.000. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 134 ; cách ly tập trung hơn 20.000, còn lại ở nhà hoặc nơi lưu trú.

Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, phong tỏa 21 ngày kể từ 12h ngày 28/1 ; tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội, mức độ từng khu vực.

Và hiện nay ổ dịch đã lan đến Hà Nội. Mà Hà Nội lại là thành phố lớn đông dân, việc cách li và ngăn chặn là vẫn đề rất khó chứ không đơn giản như thành phố Chí Linh. Nó là mối đe dọa thực sự cho dân Hà Nội và cũng không khó đoán là bên trong Trung Tâm Hội Nghị cũng đang lo sốt vó vì nơi đây tập trung quá đông người.

Ổ dịch mới ở Việt Nam là biến thể mới, mối nguy lớn cho đại hội

Hiện nay Đại hội 13 đã sang ngày thứ 5, còn 4 ngày nữa mới kết thúc nhưng bên ngoài hội nghị, thành phố Hà Nội đang dồn hết sức chống dịch nhưng lại chống dịch rất bị động. Việc này gây nên nguy cơ bùng phát dịch tại thành phố thủ đô này rất lớn. Điều đặc biệt là lần nhiễm này có loại Covid -19 biến thể mới, tốc độ lây lan gấp 170% so với chủng virus cũ.

Theo BBC thì chỉ trong ngày 27/1, Việt Nam ghi nhận hơn 82 ca nhiễm trong cộng đồng. Đây là con số cao nhất từ đầu năm tới nay. Điều đáng ngại là các lãnh đạo Y tế cho biết các ca bệnh có liên quan đến biến thể mới của virus. Vậy biến thể mới này nguy hiểm ra sao ?

Về hai ổ dịch mới tại Hải Dương và Quảng Ninh, ông Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định : "Do thời gian xuất hiện từ ngày 14-15/1, khả năng nguồn bệnh vẫn ở trong khu vực tại Chí Linh, Hải Dương, và các vùng lân cận".

Báo chí Việt Nam dẫn lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói về các ca nhiễm trong cộng đồng liên quan đến biến thể mới : "Chúng ta chưa bao giờ phát hiện cùng lúc nhiều ca dương tính như vậy (82 ca). Điều này một mặt phản ánh biến thể mới của virus lây lan rất nhanh, nhưng cũng thể hiện hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bộ Y tế đã làm rất thần tốc, tập trung".

Và nay ở Coronavirus đã đến Hà Nội thì nguy cơ lây nhiễm được nâng lên thêm 70% so với chủng cũ thì có thể nói ổ người ở đại hội 13 đang đối diện với nguy cơ bệnh Covid – 19 ghé thăm thật sự.

Đại hội 13, đại diện các đoàn lo chờ nhận quyền lực không quan tâm đến dịch bùng phát ?

Trong khi đại dịch đang ghé thăm Hà Nội, và Hà Nội đang báo động đỏ thì bên trong hội trường 1587 người dồn vào một không gian chật hẹp san sát nhau đang họp bỏ phiếu bầu ra 200 ủy viên trung ương đảng. Trong nhóm 1587 người đông đúc và có quyền lực trong tay đã xem quyền lực quan trọng hơn nên họ đã đùn đẩy chỉ có một mình Vũ Đức Đam đơn thương độc mã chống lại cơn đại dịch nguy hiểm này.

Câu hỏi đặt ra với 1587 đại biểu là liệu họ có sợ virus viếng thăm không ? Thì rõ ràng họ có sợ, nếu họ không sợ thì họ đã không đẩy Vũ Đức Đam rời cuộc họp. Tuy nhiên, giữa sợ dịch bùng phát và việc chai chác miếng bánh quyền lực thì họ chọ ở lại nhận được miếng bánh. Ở trên thượng tầng, người lãnh đạo cao nhất của đảng đã tham quyền như thế thì ở dưới, không ai dại gì rời mâm quyền lực để lo chuyện thiên hạ cả.

Được biết tham dự Đại hội XIII có 1.587 đại biểu thuộc 67 đoàn, gồm các đoàn của 63 tỉnh, thành và 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương là Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tuy nhiên những người lãnh đạo chủ chốt của 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chọn cách ở lại đại hội thì liệu rằng, những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch làm sao có người đủ năng lực để hỗ trợ ông Vũ Đức Đam được ?

Như chuyên gia đã nhận xét, Việt Nam đang chống dịch rất bị động. Nếu cả nước chống dịch bị động thì việc chống dịch cho đại hội chủ động sao ? Đó là câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng.

Còn 4 ngày nữa liệu Bộ Y tế có bảo vệ đại hội không bị toang hay không ?

covi6

Hiện trường khu bị phong tỏa tại Hà Nội, đại dịch còn cách đại hội không bao xa nữa

Căn bệnh Covid-19 rất khó lường, tuy chính quyền cộng sản đã thành công trong việc chống dịch những đợt trước đây, nhưng điều đó không nên chủ quan. Bởi lẽ lần này dịch nó đến có nhiều điều bất thường cả chủ quan và khách quan. Vấn đề chủ quan là, quan chức đang phải vắng mặt trong vấn đề chống dịch. Thêm vấn đề chủ quan nữa là việc chống dịch khá bị động nó không đảm bảo sẽ khống chế tốt sự lây lan cơn đại dịch. Vấn đề khách quan là lần này có sự hiện diện của chủng virus mới tạo ra nguy cơ lây lan mạnh hơn chủng cũ. Thêm một vấn đề khách quan nữa là việc chữa trị chủng virus mới này khó khăn chủng cũ.

Với 4 ngày nữa làddaij hội 13 giải tán, nhưng trong 4 ngày đó chưa thể nói lên điều gì cả. 6000 cảnh sát hằng ngày vẫn tiếp xúc với người dân. Đấy là chưa nói đến ngoài giờ trực không ai kiểm soát những cảnh sát này cả. Mà một khi cảnh sát đã nhiễm thì nó lây lan vào trong đại hội không khó.

Theo báo chí trong nước thì sáng 29-1, ông Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao đổi nhanh với báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh. Ông đã cho biết rằng : "Chắc chắn phải làm xét nghiệm trên diện rộng, nhanh, quyết liệt cho khu vực Hải Dương ; các tỉnh, thành thông báo có công dân Hải Dương đi từ sân bay Vân Đồn về và cả những người có liên quan đến thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thời gian đó".

Đấy là những nơi ít dân thì có thể càn quét, thế nhưng với thành phố Hà Nội với hơn 8 triệu dân thì càn quét thế nào ? Hay khi đó chỉ lo cố thủ ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình để bảo vệ 1587 đại biểu thôi ?

Còn chỉ 4 ngày nữa thì đại hội sẽ kết thúc, tuy nhiên với chủng virus mới thì chưa nói hết được điều gì ? Liệu có toang hay không thì chờ thêm 4 ngày nữa xem chứ bây giờ không thể khẳng định được gì cả.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : VNTB, 29/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên, Nguyễn Duy
Read 458 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)