Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/02/2021

Nạn hãm hiếp phụ nữ Uighur ở Tân Cương, Trung Quốc

Trung Kiên - Matthew Hill, David Campanale và Joel Gunter

Phương Tây phản ứng trước điều tra của BBC về nạn hãm hiếp ở Tân Cương, Trung Quốc

Một phóng sự điều tra của BBC ra hôm thứ Tư 03/02 có lời kể của nạn nhân về việc công an và cai ngục hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn phụ nữ đã nhận được sự phủ nhận trắng trợn của Trung Quốc và sự lên tiếng mạnh mẽ của các nước phương Tây gồm Anh, Mỹ, Úc.

uighur1

Các tòa nhà tại Trung tâm Dịch vụ Đào tạo Kỹ năng Nghề nghiệp Thành phố Artux ở Tân Cương, được cho là trại cải tạo người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác của Trung Quốc

Một nạn nhân đã tường thuật lại với BBC về nạn hãm hiếp và lạm dụng tình dục đối với phụ nữ Duy Ngô nhĩ trong các trại cải tạo tập trung ở vùng Tân Cương.

Tursunay Ziawudun, người trốn khỏi khu tự trị Tân Cương sau khi được ra trại và hiện đang sống ở Mỹ, cho biết bà bị tra tấn và hãm hiếp ba lần, mỗi lần có hai hay ba người đàn ông.

Bà kể rằng phụ nữ ở đó bị đưa ra khỏi phòng giam "hàng đêm" và bị một hay nhiều người đàn ông Trung Quốc hãm hiếp.

Một phụ nữ khác người Kazakh ở Tân Cương, bà Gulzira Auelkhan, bị giam 18 tháng trong trại cải tạo, nói bà bị ép phải lột trần các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, còng tay họ và sau đó bỏ họ lại trong phòng cho đàn ông Trung Quốc.

Bà nói : Đàn ông Trung Quốc "trả tiền để chọn người đẹp nhất trong số các nữ tù nhân trẻ". "Họ bắt tôi phải cởi quần áo các phụ nữ đó và còng tay họ rồi ra khỏi phòng".

Một người từng làm cai ngục tại một trại cải tạo, không muốn tiết lộ danh tính, thì mô tả cảnh tra tấn và tình trạng đói ăn của những người bị giam giữ.

Adrian Zenz, một chuyên gia hàng đầu về chính sách Trung Quốc ở Tân Cương, nói những lời kể của nhân chứng do BBC thu thập là "một trong những bằng chứng kinh khủng nhất mà tôi từng thất kể từ khi thảm họa này bắt đầu".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận các tường thuật này và cáo buộc BBC đưa "điều tra giả".

Trong khi đó, các nước phương Tây đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.

Chính phủ Mỹ nói tường thuật về nạn hãm hiếp có hệ thống đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ diễn ra trong các trại cải tạo tập trung ở Trung Quốc khiến họ "bận tâm sâu sắc".

Trong một thông cáo hôm thứ Tư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói : "Chúng tôi hết sức bận tâm về điều tra này, trong đó có lời kể trực tiếp, về nạn hãm hiếp mà lạm dụng tình dục có hệ thống với phụ nữ trong các trại cải tạo tập trung cho người thiểu số Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương".

"Những thảm họa này gây sốc cho lương tâm chúng ta và phải trả giá bằng hậu quả nghiêm trọng".

Tại quốc hội Anh hôm thứ Năm, Thứ trưởng Ngoại giao Nigel Adams nói : "Bất kỳ ai đã xem điều tra của BBC không thể không thấy cảm động và bức xúc bởi những gì rõ ràng là các hành vi độc ác".

Nigel Adams tuyên bố chính phủ Anh "dẫn đầu nỗ lực quốc tế buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm".

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cũng bình luận về điều tra này. Bà nói Liên Hiệp Quốc phải được vào khu vực Tân Cương "ngay lập tức".

Các tổ chức nhân quyền nói chính phủ Trung Quốc đã tước dần quyền tự do tôn giáo và các quyền tự do khác của người Duy Ngô Nhĩ, áp đặt một hệ thống theo dõi, bắt giam, nhồi sọ và thậm chí cưỡng bức triệt sản trên diện rộng.

Hồi tháng Một ngay trước thời điểm chuyển giao quyền lực, chính quyền Trump tuyên bố Trung Quốc đã thực hiện nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, một tuyên bố mà chính quyền Biden cũng ủng hộ.

Truyền thông quốc tế đã nhiều lần đăng phóng sự điều tra về việc Trung Quốc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.

Tại nơi giam giữ người thiểu số lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các nhà tù được xây dựng đặc biệt nằm ở khu vực Tây Bắc Tân Cương của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc luôn tuyên bố các trại này là trung tâm cải tạo tự nguyện để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Nhưng các tài liệu bị rò rỉ gần đây đã tố cáo một câu chuyện khác hẳn.

Họ cho thấy các trại được điều hành như những nhà tù kiên cố và các tù nhân phải đối mặt với tra tấn, ngược đãi đặc biệt là phụ nữ bị cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục và triệt sản bắt buộc.

Tờ báo Pháp Libération đã thực hiện cuộc phỏng vấn hôm 14/07/2020 với một nhân chứng sống, một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ tị nạn tại Châu Âu.

Người phụ nữ tên là Qelbinur Sidik Beg, bà không chỉ là một nạn nhân bị triệt sản bắt buộc mà còn là một nhân chứng sống động vì từng làm việc trong các trại "cải tạo" ở Tân Cương.

Qelbinur Sidik Beg sinh năm 1969 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương cách Bắc Kinh 3.000 km. Tân Cương là vùng đất mênh mông thưa dân nằm ngay trục giao thương Trung Á, với cư dân hầu hết theo đạo Hồi : người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan…

Dù Tân Cương bị Trung Quốc cộng sản sáp nhập từ năm 1949 nhưng cho đến thập niên 90, văn hóa truyền thống và nghệ thuật địa phương vẫn phổ biến, ngôn ngữ chính là Duy Ngô Nhĩ được viết bằng chữ Ả Rập, lên trung học mới dạy tiếng Hoa.

Beg nhớ lại : "Chúng tôi có những hàng xóm người Hán và người Hồi giáo, chúng tôi chơi với nhau, vẫn chưa hề có thù hận. Các anh chị em tôi đều tốt nghiệp đại học, trở thành công an và quan chức hoặc kinh doanh phát đạt. Tôi coi mình là công dân Trung Quốc, thấy rằng chính quyền đã làm tốt trong việc phát triển kinh tế và giáo dục ở các vùng nông thôn".

Cú sốc đầu tiên diễn ra năm 2004, khi trường học Duy Ngô Nhĩ nhận lệnh phải trở thành "song ngữ", tức tiếng Hoa và tiếng Anh. Rồi sau vụ nổi dậy ở Urumqi năm 2009 và các vụ tấn công được cho là từ những người Duy Ngô Nhĩ đòi độc lập, cỗ máy thực dân của Bắc Kinh tăng tốc : "Kỳ thị chủng tộc ngày càng mạnh. Mẹ tôi phải cầu nguyện lén. Trong mùa chay Ramadan, hiệu trưởng trường tôi phân phát thức ăn nước uống để tìm ra những học sinh khả nghi".

Từ năm 2014 một đồng nghiệp xuất thân từ vùng quê xa đã nói với bà về một trại cải tạo ở cách Urumqi 1.000 km, và hai năm sau, cũng người này hoảng loạn cho biết cha mẹ và ba người anh của mình bị bắt. Công an nói : "Cầu nguyện à ? 10 năm tù. Đọc kinh Coran hả ? 8 năm tù". Phụ nữ trong vùng bị buộc thắt ống dẫn trứng. Beg nghĩ rằng điều này không thể xảy ra ngay tại thủ phủ nhưng nó vẫn xảy ra dưới sự điều hành của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Năm 2016, Tân Cương bị đặt trong vòng kiềm tỏa của bí thư tỉnh ủy Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), từng hoành hành ở Tây Tạng. Lấy cớ chống cực đoan, ly khai và khủng bố, quá trình đồng hóa trở nên thô bạo. "Họ bắt người vào ban đêm. Tại khu nhà tôi ở, những cư dân ở tầng một, tầng hai rồi tầng bốn lần lượt biến mất, tờ giấy "Cấm vào" được dán ngoài cửa. Ở trường, các bé học sinh khóc hỏi vì sao mẹ bị bắt. Mỗi đêm tôi đi ngủ mặc nguyên trang phục ban ngày, vì không muốn bị đưa đi trong lúc mặc đồ ngủ".

Ngày 28/02/2017 Qelbinur Sidik Beg được triệu tập đến ủy ban nhân dân và chính quyền thông báo rằng bà được chọn để giảng dạy cho những người ‘ít học’.

Bà phải ký vào những mẫu đơn trong đó có cam kết không được tiết lộ với ai, nếu không "cả gia đình sẽ bị trừng phạt".

Ngày 01/03/2017, bà được đưa đến một khu nhà bốn tầng ở ngoại ô, nằm sau một ngọn núi, bao quanh là những bức tường rào kín kẽm gai, vào bằng một cửa sắt điều khiển bằng điện. Có các công an vũ trang, khoảng 12 nhân viên, cán bộ, y tá, giáo viên. Từ các màn hình trong phòng điều khiển, bà thấy 10 xà lim, mỗi xà lim có 10 người tù. Các phòng giam chật hẹp này chìm trong bóng tối, cửa sổ bị đóng kín bằng các tấm kim loại. Không có giường, chỉ có mền trải trên sàn cho 97 tù nhân. Họ mới nhập trại cách đó hai tuần, vẫn còn nguyên râu tóc, trong đó có 7 phụ nữ.

Beg có hợp đồng sáu tháng. Sau ba tuần lễ đầu, bà quen dần với 97 học viên. Họ không có tên, chỉ có một con số in lên chiếc áo màu cam.

Mỗi ngày học viên rơi rụng dần, trong khi ban đầu họ đều khỏe mạnh. Chỉ sau ba tuần vào trại, họ dần yếu đi, có người thậm chí còn đi không nổi, có người chết vì xuất huyết não, có người ngã bệnh vì nhiễm trùng, và chết trước khi được đưa đến bệnh viện.

Ngày 20/03/2017, tầng một của trại được những người mới đến lấp đầy, họ bị cạo trọc. Khác với lớp đầu tiên gồm nhiều tu sĩ lớn tuổi, lần này là các trí thức, doanh nhân, sinh viên, mà tội duy nhất là dám sử dụng Facebook vốn bị cấm tại Trung Quốc.

Và rồi mỗi giờ lại có 100 người khác được gởi đến. Học viên được vào nhà vệ sinh ba lần một ngày vào giờ ấn định, và tắm mỗi tháng một lần, không quá 15 phút.

Sáu tháng sau, số tù nhân nhập trại đã lên trên 3.000 người, chen chúc 50-60 người một phòng, thay phiên nhau ngủ. Mỗi ngày hai, ba người, đôi khi bảy người bị gọi lên bất kỳ lúc nào. Phòng tra tấn nằm dưới tầng hầm. "Những tiếng kêu la vang vọng trong khắp tòa nhà, tôi nghe thấy khi ăn trưa và đôi khi lúc đang dạy học". Một nữ công an vốn quen Qelbinur Sidik Beg từ trước vì có con là học trò của bà, bí mật cho biết một số thông tin. Theo đó, có bốn cách tra tấn bằng dụng cụ điện : ghế, găng tay, nón sắt, và dùng gậy điện thọc vào hậu môn.

uighur2

Trần Toàn Quốc Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, người thi hành chính sách đàn áp khốc liệt người dân sắc tộc thiểu số

Tháng 09/2017 sau khi hết hợp đồng, Qelbinur Sidik Beg được chuyển sang một trại khác cũng ở Urumqi nhưng dành cho nữ. Đó là một tòa nhà sáu tầng bình thường ngay trong thành phố, đề chữ "Viện dưỡng lão". Có đến 10.000 phụ nữ bị nhốt tại đây, đầu cạo trọc, chỉ khoảng 60 người là trên 60 tuổi.

Hầu hết là các cô gái trẻ xinh đẹp, học thức. Những thiếu nữ này là sinh viên du học ở Hàn Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Châu Âu hoặc Hoa Kỳ, bị bắt giam khi về nước thăm gia đình ; các cô có kiến thức rộng và nói được nhiều ngôn ngữ. Không có toa-lét cho tù nhân, chỉ có một chiếc xô được đem đổ mỗi tuần một lần. Không khí hôi thối khủng khiếp, nhiều người đổ bệnh vì tình trạng mất vệ sinh.

Mỗi thứ Hai, 10.000 nữ tù nhân xếp hàng tại phòng y tế. Y tá tiêm truyền tĩnh mạch, lấy máu và cho uống một viên thuốc màu trắng. Một nữ y tá nói với bà Beg họ cần calcium vì sống trong bóng tối, lấy máu để xét nghiệm bệnh truyền nhiễm, còn thuốc uống giúp dễ ngủ. Bà tự hỏi vì sao lại cần nhiều calcium như thế và nghi ngờ đây là thuốc tránh thai.

Khác với trại trước có nhiều nhân viên là người sắc tộc, ở trại nữ này cán bộ toàn là đàn ông người Hán. Người nữ công an cho biết mỗi ngày có bốn, năm cô bị gọi lên để các cán bộ hiếp dâm tập thể, đôi khi dùng dùi cui điện cho vào chỗ kín và hậu môn, có người không bao giờ trở về sau đó.

Tháng 12/2017, một đợt nữ tù trẻ được thả ra ở Urumqi, một số bị tra tấn đến nỗi phải cưa tay hoặc chân, số khác trở nên điên loạn.

Ngay cả khu nhà ở của Beg cũng trở thành một nhà tù mở, với những vụ bắt bớ xảy ra hàng ngày trên đường phố. Sử dụng WhatsApp hay liên lạc với nước ngoài là đủ để vào tù. Một người hàng xóm nhờ bạn người Hán gọi cho con trai ở Kyrgyzstan bảo đừng về Tân Cương, ngay trong đêm người này đã bị năm công an đến bắt đưa đi mất tích.

Phụ nữ ở thủ phủ của Tân Cương thì bị cưỡng bức triệt sản. Tất cả các phụ nữ tuổi từ 18 đến 50 tại khu phố của Beg ở Urumqi đều được triệu tập ngày 18/07/2017 để "khám miễn phí" và bắt buộc. Vào lúc 8 giờ sáng, hàng người đã rất dài trước bệnh viện. Khi đến lượt bà, chẳng có khám phụ khoa lẫn hỏi han gì cả. Họ bắt bà nằm xuống, dạng chân ra và đặt vào một vòng tránh thai. Một sự thô bạo khủng khiếp. Bà bật khóc, cảm thấy bị hạ nhục, bị tấn công cả về tính dục lẫn tâm lý. Nhưng bà làm việc trong một trại cải tạo, và biết những gì chờ đợi mình nếu cưỡng lại.

Báo New York Post của Mỹ nhận định : "Bắc Kinh đã tuyên bố rằng người Duy Ngô Nhĩ đại diện cho một mối đe dọa khủng bố Hồi giáo, nhưng thực tế tồi tệ là Đảng cộng sản Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn tiêu diệt bất kỳ sự phản kháng hoặc bất đồng chính kiến ​​nào có th xy ra, tôn giáo hoc thế tc và cười nho ý tưởng v nhân quyn.

Chế độ này đã trở nên hoàn toàn quái dị, và thế giới văn minh cần phải nhận ra sự xấu xa của nó".

Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 07/02/2021

********************

BBC điều tra về 'nạn nhân Uighur bị hãm hiếp tập thể' : Mục tiêu là hủy diệt tất cả ?

Matthew Hill, David Campanale và Joel Gunter, BBC, 05/02/2021

Phụ nữ trong trại "cải tạo" dành cho người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) của Trung Quốc đã bị hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn một cách có hệ thống, theo các lời tường thuật một cách chi tiết mới mà BBC thu thập được.

Cảnh báo : một số chi tiết trong câu chuyện dưới đây có thể gây xúc động mạnh.

Những gã đàn ông luôn đeo mặt nạ, Tursunay Ziawudun nói, dù lúc đây không có đại dịch.

Họ mặc âu phục, chứ không phải đồng phục cảnh sát, bà nói.

uighur3

Tursunay Ziawudun đã trải qua chín tháng trời trong mạng lưới các trại tập trung của Trung Quốc

Thi thoảng sau nửa đêm, họ đến phòng giam để chọn phụ nữ mà họ muốn và đưa xuống hành lang dẫn đến một "căn phòng đen tối", nơi không có camera giám sát.

Nhiều đêm, Ziawudun nói, họ đã bắt bà đi.

"Đây có lẽ là vết sẹo khó quên nhất trong đời tôi mãi mãi", bà nói.

"Tôi thậm chí không muốn tuôn ra những lời này từ chính miệng mình".

Tursunay Ziawudun đã trải qua 9 tháng trời bên trong hệ thống trại giam rộng lớn và bí mật của Trung Quốc ở khu vực Tân Cương. Theo những ước tính độc lập, có hơn một triệu đàn ông và phụ nữ đã bị giam giữ trong các trại với mạng lưới trải dài khắp này, mà Trung Quốc nói rằng nhằm để "cải tạo" người Uighurs và các nhóm dân tộc thiểu số khác.

Các nhóm nhân quyền nói rằng chính phủ Trung Quốc đã dần dần tước bỏ các quyền tự do tôn giáo và các quyền tự do khác của người Uighur, đỉnh điểm là hệ thống áp bức bao gồm giám sát, giam giữ, huấn luyện và thậm chí cưỡng bức sử dụng biện pháp triệt sản.

Chính sách này được khởi xướng từ Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, người đã đến thăm Tân Cương vào năm 2014 sau cuộc tấn công khủng bố của lực lượng ly khai người Uighur. Ngay sau đó, theo các tài liệu bị rò rỉ ra cho tờ New York Times, ông đã chỉ đạo các quan chức địa phương đáp trả "tuyệt nhiên không khoan nhượng".

Tháng trước, Chính phủ Mỹ nói các hành động của Trung Quốc tương đương với tội ác diệt chủng. Trung Quốc nói rằng các báo cáo về việc giam giữ hàng loạt và cưỡng bức triệt sản là "những cáo buộc dối trá và phi lý".

Rất hiếm các tường thuật trực tiếp từ bên trong các trại tập trung. nhưng một số người từng bị giam giữ và một lính canh đã nói với BBC rằng họ đã trải qua hoặc nhìn thấy bằng chứng về một hệ thống được tổ chức của việc hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn.

Tursunay Ziawudun, người đã trốn chạy khỏi Tân Cương sau khi được thả và hiện đang ở Mỹ, nói rằng phụ nữ bị đưa ra khỏi phòng giam "hàng đêm" và bị cưỡng hiếp bởi một hoặc nhiều đàn ông đeo mặt nạ người Trung Quốc. Bà nói mình đã bị tra tấn và bị hãm hiếp tập thể đến ba lần, mỗi lần bởi hai hoặc ba gã đàn ông.

Ziawudun đã nói chuyện với giới truyền thông trước đây, nhưng chỉ từ Kazakhstan, nơi cô "sống trong nỗi sợ hãi thường trực có nguy cơ bị đưa trở về lại Trung Quốc", bà nói. Bà bộc bạch rằng bà tin tưởng nếu mình tiết lộ mức độ của việc lạm dụng tình dục mà chính bà đã trải qua và chứng kiến, nếu bị đưa trở về Tân Cương, bà sẽ hứng chịu sự trừng phạt khắc nghiệt hơn trước. Và bà cảm thấy hổ thẹn.

uighur4

Tursunay Ziawudun đã chạy trốn được đến Kazakhstan, và sau đó tương đối an toàn trên đất Mỹ

Xác minh mọi lời nói của Ziawudun là điều bất khả bởi lẽ Trung Quốc đã đưa ra những hạn chế khốc liệt đối với giới phóng viên trong nước, nhưng những giấy tờ thông hành và hồ sơ nhập cảnh mà Ziawudun cung cấp cho BBC đã chứng thực dòng thời gian cho câu chuyện của bà. Những mô tả của Ziawudun về trại ở Tân Cương - được gọi trong tiếng Uighur là Kunes - trùng khớp với hình ảnh vệ tinh do BBC phân tích, và lời tường thuật của bà về đời sống hàng ngày bên trong trại, cũng như bản chất và hình thức ngược đãi, tương thích với các lời kể khác từ những người từng bị giam giữ.

Các tài liệu nội bộ từ hệ thống tư pháp huyện Kunes từ giai đoạn 2017 và 2018 mà Adrian Zenz, chuyên gia hàng đầu về các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương, cung cấp cho BBC, cho thấy chi tiết kế hoạch và ngân sách của chương trình "chuyển đổi thông qua giáo dục" - một uyển ngữ phổ biến tại Trung Quốc cho việc nhồi sọ người Uighur. TTrong một tài liệu của huyện Kunes, quy trình "giáo dục" được miêu tả là "tẩy não, thanh tẩy tâm hồn và củng cố sự tử tế và bài trừ tệ nạn".

BBC cũng phỏng vấn một phụ nữ Kazakh ở Tân Cương, người bị giam 18 tháng trong hệ thống trại, cho biết cô bị buộc phải lột trần truồng phụ nữ Uighur và còng tay họ, trước khi để họ một mình với đàn ông Trung Quốc. Sau đó, cô ấy dọn dẹp các phòng ốc.

"Việc của tôi là cởi bỏ quần áo của họ phía trên thắt lưng và còng tay để họ không thể cục cựa", Gulzira Auelkhan nói, bắt chéo cổ tay sau đầu để minh họa. "Sau đó, tôi để những người phụ nữ đó ở lại phòng và một người đàn ông bước vào - một số là đàn ông Trung Quốc từ bên ngoài hoặc là cảnh sát. Tôi ngồi lặng im bên cửa, và khi người đàn ông rời khỏi phòng, tôi đưa người phụ nữ đi tắm gội".

Cô nói : "Những người đàn ông Trung Quốc sẽ trả tiền để được chọn những phụ nữ trẻ đẹp nhất ".

Một số người từng bị giam giữ trong các trại đã tả lại rằng họ bị buộc phải hỗ trợ lính canh nếu không sẽ chịu hình phạt. Auelkhan cho biết cô bất lực trong việc kháng cự hay can thiệp vào.

Khi được hỏi liệu có chuyện hãm hiếp được tổ chức có hệ thống không, cô nói : "Có, hãm hiếp".

"Họ buộc tôi phải vào trong căn phòng đó", cô nói. "Họ bắt tôi cởi hết quần áo của những người phụ nữ đó và trói tay tất cả lại rồi rời khỏi phòng".

Ziawudun nói có một số phụ nữ đã bị đưa ra khỏi phòng giam vào ban đêm không bao giờ quay về nữa. Những người được đưa trở lại bị đe dọa không được hé môi với người khác trong phòng giam về những gì đã xảy ra với họ.

"Bạn không thể nói với bất kỳ ai những gì đã xảy ra, bạn chỉ có thể nằm xuống trong yên lặng", bà nói. "Việc này được thiết kế để hủy hoại tinh thần của mọi người".

Ông Zenz nói với BBC rằng lời kể được thu thập cho câu chuyện này là "một số bằng chứng kinh khiếp nhất mà tôi từng thấy kể từ khi những hành động bạo tàn bắt đầu".

Ông nói : "Điều này xác nhận lại những thứ tồi tệ nhất mà chúng tôi đã từng nghe trước đây. "Nó cung cấp bằng chứng có tính thẩm quyền và sự chi tiết về việc lạm dụng và tra tấn tình dục ở cấp độ rõ ràng, lớn hơn những gì chúng ta đã hằng nghĩ".

uighur5

Gulzira Auelkhan pha trà tại nhà trong ngôi làng của mình. Bà bị giam 18 tháng

Người Uighur là một nhóm thiểu số người Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu theo Hồi giáo với số lượng khoảng 11 triệu dân ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Khu vực này giáp với Kazakhstan và cũng là nơi sinh sống của dân tộc Kazakhstan. Ziawudun, 42 tuổi, là người Uighur. Chồng bà là người Kazakhstan.

Hai vợ chồng trở về Tân Cương vào cuối năm 2016 sau 5 năm trú ngụ tại Kazakhstan, họ bị thẩm vấn khi đặt chân đến đó và bị tịch thu hộ chiếu, Ziawudun nói. Vài tháng sau, bà được cảnh sát thông báo đến tham dự một cuộc họp cùng với những người Uighur và Kazakhstan khác và cả nhóm bị vây bắt và giam giữ.

Bà nói, khoảng thời gian đầu bị giam tương đối dễ dàng với thức ăn ngon và được phép dùng điện thoại. Sau một tháng, bà bị loét dạ dày và được thả tự do. Hộ chiếu của chồng bà đã được trả lại và ổng trở lại Kazakhstan để làm việc, nhưng chính quyền đã giữ Ziawudun, nhốt bà ở Tân Cương. Các báo cáo cho thấy Trung Quốc đã cố tình giam giữ những người thân lại để ngăn việc những người rời đi lên tiếng. Vào ngày 9 tháng 3 năm 2018, khi chồng vẫn ở Kazakhstan, Ziawudun được chỉ dẫn đến đồn cảnh sát địa phương, bà nói. Bà được thông báo rằng bà cần được "giáo dục thêm nữa".

Theo lời Ziawudun, bà bị đưa trở lại cơ sở giống như nơi giam giữ trước đây ở quận Kunes, nhưng địa điểm đã được sửa sang đáng kể, bà nói. Những chiếc xe buýt xếp hàng dài bên ngoài đưa xuống những người 'tù nhân mới' "không ngừng nghỉ".

Những phụ nữ bị tịch thu đồ trang sức. Ziawudun nói bông tai của bà bị giật phăng, khiến tai bà chảy máu, và bà bị nhốt vào phòng với một nhóm phụ nữ khác. Trong số họ có một phụ nữ lớn tuổi mà sau này trở thành bạn của Ziawudun.

Ziawudun cho biết, lính canh đã kéo chiếc khăn trùm đầu của những người phụ nữ ra và quát mắng bà vì mặc đầm dài - một trong những hình thức biểu đạt tôn giáo đã bị coi là hành vi chống đối mà người Uighurs có thể bị bắt giữ hồi năm đó.

Ziawudun nói : "Họ lột hết quần áo của người phụ nữ lớn tuổi, chỉ còn độc mảnh nội y. Bà ấy ngượng ngùng đến độ phải cố lấy tay che".

"Tôi khóc quá trời khi chứng kiến cách bà ấy bị đối xử. Nước mắt bà tuôn như mưa".

uighur6

Ziawudun đã xác định địa điểm nơi đây - được liệt là trường học - là chỗ bà bị giam giữ. Hình ảnh vệ tinh từ năm 2017 (trái) và 2019 (phải) cho thấy sự phát triển đáng kể của các trại, trông giống như các tòa nhà ký túc xá và nhà máy

Ziawudun cho biết, những người phụ nữ được yêu cầu nộp hết giày dép và bất kỳ quần áo nào có dây thun hoặc cúc áo, sau đó được đưa đến các ô giam lỏng - "trông giống như một khu phố nhỏ của người Hoa nơi có những dãy nhà cao ốc".

Không có gì xảy ra đáng nói trong một hoặc hai tháng đầu tiên. Họ bị ép phải xem các chương trình tuyên truyền trong phòng giam và buộc phải cắt tóc ngắn.

Sau đó, cảnh sát bắt đầu thẩm tra Ziawudun về người chồng vắng bóng của bà, đánh bà gục xuống sàn khi bà phản kháng và đá vào bụng.

"Giày ống mà cảnh sát mang rất cứng và nặng, vì vậy thoạt đầu tôi nghĩ rằng hắn đã đánh tôi bằng thứ gì đó", bà nói. "Sau đó, tôi nhận ra rằng hắn ta đang đạp lên bụng tôi. Tôi gần như ngất xỉu - tôi cảm thấy một cơn nóng bừng chạy qua người".

Một bác sĩ của trại nói với bà rằng bà có thể bị tụ máu bầm. Khi các bạn cùng phòng quan tâm đến việc bà bị chảy máu, các cai ngục "trả lời rằng phụ nữ bị chảy máu là chuyện bình thường", bà kể lại.

Theo Ziawudun, mỗi phòng giam là nơi ở của 14 phụ nữ, với giường tầng, song sắt ở cửa sổ, bồn rửa mặt và nhà vệ sinh kiểu ngồi chồm hổm trên nền nhà. Bà nói, lần đầu tiên nhìn thấy phụ nữ bị đưa ra khỏi phòng giam vào ban đêm, bà đã không hiểu tại sao. Bà đã nghĩ họ đã được chuyển đi nơi khác.

uighur7

Đoạn phim bí mật do nhóm hoạt động Bitter Winter thu được cho thấy các phòng giam có song sắt và camera

Sau đó vào khoảng tháng 5 năm 2018 - "Tôi không nhớ đích xác ngày tháng, vì bạn không thể nhớ được ngày giờ bên trong trại" - Ziawudun và một người bạn cùng buồng giam, một phụ nữ khoảng 20 tuổi, bị đưa ra ngoài vào ban đêm và đứng trước một người đàn ông Trung Quốc đeo mặt nạ, bà nói. Bạn cùng phòng kia được đưa vào một phòng riêng.

"Ngay khi vào trong đó, cô gái bắt đầu la hét", Ziawudun nói. "Tôi không biết phải giải thích làm sao với bạn, tôi nghĩ họ đang tra tấn cô ấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc họ cưỡng dâm".

Người phụ nữ đã đưa họ rời phòng giam nói với những gã đàn ông về việc Ziawudun gần đây bị chảy máu.

"Sau khi người phụ nữ nói về tình hình của tôi, người đàn ông Trung Quốc đã chửi vào mặt cô ta. Người đàn ông đeo mặt nạ nói 'Đưa ả vào phòng tối'.

"Người phụ nữ đưa tôi sang phòng bên cạnh nơi cô gái kia bị bắt vào. Họ có một cây gậy điện, tôi không biết nó là gì, và nó đã được thốc vào bên trong cơ thể tôi, tra tấn tôi bằng giật điện. "

Cuộc tra tấn của Ziawudun vào đêm đầu tiên trong căn phòng tối cuối cùng cũng kết thúc, bà nói, khi người phụ nữ một lần nữa can dự vào với lý do tình trạng sức khỏe của Ziawudun, và bà được đưa trở về phòng giam.

Khoảng một tiếng sau, người bạn cùng phòng của bà được đưa trở lại.

Ziawudun cho biết : "Cô ấy trở nên khác hẳn sau hôm đó, cô không nói chuyện với bất cứ ai, cô ấy ngồi lặng lẽ nhìn chằm chằm như thất thần". "Có nhiều người trong những phòng giam bị điên loạn".

uighur8

Gulzira Auelkhan, ở giữa, tại ngôi nhà trong làng mình. Bà bị buộc còng tay những phụ nữ trong trại

Cùng với các buồng giam, một nơi nổi bật khác của trại là các lớp học. Các giáo viên được soạn thảo để "cải tạo" những người bị giam giữ - một nhà hoạt động nói nó được thiết kế để xóa bỏ văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của người Uighurs và các dân tộc thiểu số khác, đồng thời truyền bá cho họ theo văn hóa Trung Quốc chính thống.

Qelbinur Sedik, một phụ nữ người Uzbek ở Tân Cương, là một trong số các giáo viên dạy tiếng Trung Quốc được đưa vào trại và bị cưỡng ép giảng bài cho những người bị giam giữ. Sedik đã trốn khỏi Trung Quốc và công khai nói về trải nghiệm của mình.

Trại dành cho phụ nữ bị "kiểm soát chặt chẽ", Sedik nói với BBC. Nhưng cô đã nghe thấy những câu chuyện, cô nói - những dấu hiệu và tin đồn về việc hãm hiếp. Một ngày nọ, Sedik thận trọng tiếp cận một nữ cảnh sát trại người Trung Quốc mà cô biết.

"Tôi hỏi cô ấy, 'Tôi đã nghe một số chuyện khủng khiếp về việc hiếp dâm, cô có biết không ?' Cô ấy nói chúng ta nên nói chuyện ở trong sân vào bữa trưa.

"Rồi tôi ra chỗ sân, nơi không có nhiều camera giám sát. Cô ấy nói : "Đúng vậy, hãm hiếp đã trở thành dạng văn hóa. Đó là hiếp dâm tập thể và cảnh sát Trung Quốc không chỉ cưỡng hiếp họ mà còn dùng điện giật họ. Họ phải chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp".

Đêm đó Sedik nói cô không tài nào chợp mắt được ngủ chút nào. "Tôi đã nghĩ về đứa con gái đang đi du học của mình và khóc cả đêm".

uighur9

Sayragul Sauytbay, một giáo viên, cho biết bà đã chứng kiến ​​mt v cưỡng hiếp kinh tởm. Sau đó bà bị buộc tội vượt biên trái phép vào Kazakhstan

Trong lời khai riêng với Dự án Nhân quyền Uyghur, Sedik nói cô đã nghe về một chiếc gậy có điện được đưa vào phụ nữ nhằm tra tấn họ - đồng nhất với trải nghiệm mà Ziawudun đã mô tả.

Sedik nói đã có "bốn loại giật điện" - "ghế, găng tay, mũ, và hãm hiếp lỗ hậu bằng gậy".

"Những tiếng gào thét vang vọng khắp tòa nhà", cô nói. "Tôi có thể nghe thấy chúng trong bữa trưa và thi thoảng lúc tôi đứng lớp".

Sayragul Sauytbay, một giáo viên khác bị buộc phải giảng dạu trong trại, nói với BBC rằng "hãm hiếp là phổ biến" và các lính canh "chọn các cô gái và phụ nữ trẻ mà họ muốn và đưa họ đi".

Bà mô tả đã chứng kiến ​​mt v cưỡng hiếp tp th đáng ghê tm ca mt cô gái chng 20 hoc 21 tui, cô b đem ra trước khong 100 người b giam gi khác để thú ti.

"Sau đó, trước mặt mọi người, cảnh sát đã thay nhau cưỡng hiếp cô ấy", Sauytbay nói.

"Trong khi thực hiện bài kiểm tra này, họ quan sát mọi người rất kỹ lượng và chỉ ra bất kỳ ai chống cự, siết chặt nắm tay, nhắm mắt hoặc nhìn đi chỗ khác và rồi bắt những người đó chịu phạt".

Cô gái trẻ gào cứu, Sauytbay nói.

"Nó hoàn toàn kinh khiếp", bà nói. "Tôi cảm thấy như mình đã chết. Tôi đã chết".

uighur10

Ziawudun đã bật khóc khi xác nhận các đoạn phim quay và hình ảnh của các trại

Trong trại ở Kunes, ngày tháng của Ziawudun trôi qua hàng tuần rồi hàng tháng. Những người bị giam giữ bị cắt tóc, họ đến lớp học, họ bị kiểm tra sức khỏe không rõ nguyên nhân, buộc uống thuốc và bị cưỡng ép tiêm một loại "vaccine" gây buồn nôn và gây mất cảm giác sau mỗi 15 ngày.

Ziawudun cho biết, phụ nữ buộc đeo vòng tránh thai hoặc cưỡng bức triệt sản, kể cả một người chỉ độ 20 tuổi.

"Chúng tôi thay cô ấy cầu xin họ", bà nói.

Việc cưỡng bức triệt sản người Uighurs đã phổ biến rộng rãi ở Tân Cương, theo một cuộc điều tra gần đây của Associated Press. Chính phủ Trung Quốc nói với BBC rằng các cáo buộc là "hoàn toàn vô căn cứ".

Cũng như các biện pháp can thiệp y tế, những người bị giam giữ trong trại Ziawudun phải dành hàng giờ để hát các bài ca yêu nước của Trung Quốc và xem các chương trình truyền hình về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cô nói.

"Bạn quên mọi suy nghĩ về cuộc sống ngoài kia. Tôi không biết họ đã tẩy não chúng tôi hay đó là tác dụng phụ của việc tiêm và uống thuốc, nhưng bạn không thể nghĩ gì hơn ngoài việc ước mình được ăn no. Việc đói ăn rất trầm trọng".

Những người bị giam giữ bị bỏ đói vì những vi phạm như không nhớ chính xác các đoạn trong sách về Tập Cận Bình, theo lời một cựu lính canh nói với BBC qua video từ một quốc gia bên ngoài Trung Quốc.

"Có lần chúng tôi đưa những người bị bắt vào trại tập trung, và tôi thấy mọi người bị buộc phải thuộc lòng những cuốn sách đó. Họ ngồi hàng giờ để cố gắng ghi nhớ các con chữ, ai cũng cầm trong tay một cuốn sách", ông nói.

Ông nói, những người không đạt yêu cầu bị buộc phải mặc ba loại quần áo có màu sắc khác nhau tùy theo việc họ đã trượt một, hai hay ba lần, và phải chịu các mức hình phạt khác nhau, bao gồm bị bỏ đói và đánh đập.

"Tôi đã vào những trại đó. Tôi đưa những người bị bắt vào những trại đó", ông nói. "Tôi đã nhìn thấy những người bệnh, khốn cùng đó. Họ chắc chắn đã trải qua nhiều kiểu tra tấn khác nhau. Tôi chắc chắn về điều đó".

uighur11

Các nhà phân tích cho rằng chính sách chống lại người Uighur xuất phát trực tiếp từ Chủ tịch Tập Cận Bình

Không thể xác minh một cách độc lập lời khai của người lính canh nhưng người này đã cung cấp các tài liệu có vẻ như thực việc đã làm ở trại tập trung một thời gian. Ông đồng ý kể lại với điều kiện ẩn danh.

Người canh gác này nói ông ta không biết gì về việc hãm dâm trong các khu vực phòng giam. Khi được hỏi liệu lính canh trại có dùng các dụng cụ giật điện không, ông nói : "Có. Họ có đó. Họ sử dụng những dụng cụ giật điện đó".

Sau khi bị tra tấn, những người bị giam giữ bị buộc phải thú tội về một loạt các hành vi phạm tội.

"Tôi nhớ những lời thú nhận đó từ trong tâm can", ông nói.

Chủ tịch Tập hiện diện mọi nơi của các khu trại.

Hình ảnh và khẩu hiệu của ông tô điểm cho các bức tường ; ông là trọng tâm của chương trình "cải tạo".

Charles Parton, cựu quan chức ngoại giao Anh tại Trung Quốc và hiện là cộng sự cấp cao tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia cho biết ông Tập là kiến ​​trúc sư ca chính sách nhm vào người Uighurs.

Parton nói : "Nó mang tính trung ương và đi đến đầu não. "Không có nghi ngờ gì về việc đây là chính sách của Tập Cận Bình".

Parton nói rằng không có khả năng ông Tập hoặc các quan chức cấp cao khác của đảng đã chỉ đạo hoặc cho phép việc hãm hiếp hoặc tra tấn, nhưng họ "chắc chắn có biết được điều đó".

"Tôi nghĩ giới chóp bu họ nhắm mắt làm ngơ. Họ đã triển khai cái chính sách này cực kỳ nghiêm khắc, đó là điều đang xảy ra".

Ông nói "không có sự ràng buộc thực sự nào". "Tôi chỉ không thấy điều mà các thủ phạm của hành vi này có để kiếm chế mình lại".

Theo lời kể của Ziawudun, những kẻ thủ ác đã không nương tay.

"Họ không chỉ hãm hiếp mà còn cắn khắp nơi trên cơ thể bạn, bạn không biết họ là người hay súc vật", bà nói, lấy khăn giấy chậm để ngăn dòng nước mắt và dừng lại một lúc lâu để thu xếp ý nghĩ.

"Chúng không chừa bất cứ nơi nào trên cơ thể, chúng cắn xé khắp nơi để lại những vết hằn kinh khủng. Nhìn thật ghê tởm.

"Tôi đã trải qua điều đó ba lần. Và không chỉ một người hành hạ, không chỉ một kẻ thủ ác. Mỗi lần là hai hoặc ba gã đàn ông".

Sau đó, một phụ nữ ngủ cạnh Ziawudun trong phòng giam, bà cô nói rằng mình bị giam giữ vì sinh quá nhiều con, và đã biến mất trong ba ngày, khi trở về thì cơ thể bà cũng có những vết tương tự, Ziawudun nói.

"Bà không thể nói lên điều đó. Bà vòng tay qua cổ tôi và khóc nức nở liên hồi, nhưng bà ấy không nói gì cả".

Chính phủ Trung Quốc đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi của BBC về các cáo buộc hãm hiếp và tra tấn. Trong một tuyên bố, một nữ phát ngôn viên nói các trại ở Tân Cương không phải là trại tạm giam mà là "trung tâm giáo dục và đào tạo nghề".

"Chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền và lợi ích của tất cả các dân tộc thiểu số một cách bình đẳng", nữ phát ngôn viên nói và cho biết chính phủ "rất coi trọng việc bảo vệ quyền của phụ nữ".

uighur12

Tursunay Ziawudun ở nhà ở Mỹ với bà chủ, người đã giúp đỡ bà

Ziawudun được thả tự do vào tháng 12 năm 2018 cùng với những người khác có bạn đời hoặc người thân ở Kazakhstan - một sự thay đổi chính sách rõ ràng mà bà vẫn chưa hiểu rõ hết.

Nhà nước đã trả lại hộ chiếu cho bà, bà đã bỏ trốn đến Kazakhstan và sau đó, với sự hỗ trợ của Dự án Nhân quyền Uyghur, bà đến Mỹ.

Bà đang nộp đơn để được ở lại. Bà sống ở một vùng ngoại ô yên tĩnh không xa Washington DC với một chủ nhà thuộc cộng đồng Uighurs địa phương.

Hai người phụ nữ cùng nhau nấu ăn và đi dạo quanh các con phố gần nhà.

Đó là một nhịp sống chầm chậm, không biến động.

Ziawudun để đèn không quá sáng khi bà ở trong nhà, bởi vì ở trại, đèn được chiếu rất sáng và liên tục.

Một tuần sau khi đến Mỹ, bà đã phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung - hậu quả của việc bị giẫm lên người.

"Tôi đã không còn cơ hội làm mẹ", bà nói. Bà muốn chồng cùng sang Mỹ. Hiện tại, anh ấy đang ở Kazakhstan.

Trong một thời gian sau khi được thả, trước khi bà có thể tẩu thoát, Ziawudun đã đợi ở Tân Cương.

Bà nhìn thấy những người khác bị khuấy đảo qua hệ thống và được trả tự do. Bà thấy tác động của chính sách đối với người dân của mình. Tỷ lệ sinh ở Tân Cương đã giảm mạnh trong vài năm qua, theo một nghiên cứu độc lập - một hệ quả mà các nhà phân tích đã mô tả là "nạn diệt chủng nhân khẩu học".

Nhiều người trong cộng đồng đã chuyển sang uống rượu, Ziawudun nói.

Nhiều lần, bà nhìn thấy người từng bị giam cùng với mình gục trên đường - người phụ nữ trẻ bị đưa ra khỏi phòng giam cùng với bà vào đêm đầu tiên, người mà bà nghe thấy tiếng la hét trong một căn phòng sát vách. Ziawudun nói người đó đã thành bợm rượu.

Cô ấy "giống như một người đơn giản chỉ tồn tại, hoặc là cô ấy đã chết, hoàn toàn bị kết liễu qua những cuộc cưỡng hiếp".

"Họ nói rằng mọi người đã được trả tự do, nhưng theo tôi, tất cả mọi người rời khỏi trại cũng đồng nghĩa cuộc đời họ chấm dứt".

Và đó, bà nói, là kế hoạch. Giám sát, giam giữ, huấn luyện, ác qủy hóa, dạy dỗ, làm mất nhân tính, triệt sản, tra tấn, hãm hiếp.

"Mục tiêu của họ là hủy hoại tất cả mọi người. Và ai cũng biết điều đó", bà nói.

Matthew Hill, David Campanale Joel Gunter

Ảnh được chụp bởi Hannah Long-Higgins

Nguồn : BBC, 05/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trung Kiên, Matthew Hill, David Campanale và Joel Gunter
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)