Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/02/2021

Trung Quốc đồng hóa các dân tộc thiểu số qua giáo dục như thế nào ?

The Economist

Đôi khi những chiến thắng dễ dàng lại nói lên nhiều điều nhất. Rất nhiều chính phủ sẵn sàng ra tay tàn nhẫn khi đối mặt với khủng bố hoặc các mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khi một chế độ sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để áp đặt ý chí lên một nhóm không có khả năng phản kháng, thì đó là thời điểm làm lộ rõ nhiều điều. Một cuộc đối đầu không cân sức như vậy hiện đang diễn ra trên những khu đồi núi của Châu tự trị Diên Biên (Yanbian) của dân tộc Triều Tiên, nằm gần biên giới giữa Trung Quốc với Triều Tiên.

xoabo1

Diên Biên là nơi sinh sống của gần một triệu thành viên của nhóm dân tộc thiểu số Triều Tiên được chính thức công nhận, hầu hết trong số họ là hậu duệ của những người di cư chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh và nạn đói trên bán đảo Triều Tiên vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Các học giả Trung Quốc nghiên cứu khu vực này như một mô hình người thiểu số cùng tồn tại với đa số người Hán ở Trung Quốc. Giáo dục là một phần của câu chuyện đó. Các trường dân tộc Triều Tiên ở Diên Biên đã cung cấp chương trình giáo dục song ngữ trong hơn 60 năm. Cho đến gần đây, các lớp học về toán, khoa học và ngoại ngữ được cung cấp bằng tiếng Quan Thoại, trong khi tiếng Triều Tiên được sử dụng để dạy các khái niệm khó nắm bắt trong các môn học như lịch sử, chính trị và khoa học xã hội khác.

Theo truyền thống, người Triều Tiên rất hiếu học. Một học giả cho biết : "Các bậc cha mẹ sẽ bán gia súc để con đi học. Trong hai thập niên qua, Diên Biên đã đi tiên phong trong giảng dạy ba thứ tiếng, thông qua luật giáo dục địa phương vào năm 2004 trong đó ưu tiên tiếng Triều Tiên nhưng đặt trọng tâm mới vào việc dạy học sinh một ngôn ngữ thứ ba (đôi khi là tiếng Nhật, nhưng chủ yếu là tiếng Anh). Trong thời đại toàn cầu hóa, các bậc cha mẹ hiểu rằng ngôn ngữ không chỉ là truyền thống : chúng còn là cầu nối với các nền văn hóa khác, vị học giả nói. Các sinh viên tốt nghiệp ở Diên Biên biết nói nhiều ngôn ngữ được các nhà tuyển dụng săn đón ở các thành phố bùng nổ phía nam như Thâm Quyến và Quảng Châu.

Các trường dân tộc Triều Tiên của Diên Biên trong một thời gian dài đã tránh được chiến dịch thay thế các ngôn ngữ dân tộc thiểu số bằng tiếng phổ thông, được triển khai cách đây một thập niên ở những nơi bất ổn như Tân Cương và Tây Tạng và từ đó lan rộng ra toàn quốc. Tháng 11 năm ngoái, một thành viên hàng đầu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại) đã gọi việc quảng bá tiếng Quan Thoại là một chính sách quan trọng để "quản lý các vấn đề dân tộc, tăng cường đoàn kết và bảo vệ an ninh quốc gia".

Nhưng bây giờ Diên Biên nhận thấy luật giáo dục của mình cũng đang bị tấn công trực tiếp. Vào ngày 20 tháng 1, một cơ quan quyền lực là Ủy ban Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Nhân đại, đã thông báo rằng luật giáo dục ở hai nơi không được nêu tên đã vi phạm một điều trong hiến pháp Trung Quốc, theo đó quy định nhà nước khuyến khích việc sử dụng tiếng Quan thoại trên toàn quốc. Theo báo cáo đầu tiên của NPC Observer, một blog hữu ích do Changhao Wei tại Trường Luật Đại học Yale quản lý, các luật giáo dục duy nhất liên quan đến thông báo trên là ở Nội Mông và Diên Biên.

Tuyên bố trên gây sốc theo nhiều cách. Trước tiên, việc tuyên bố một đạo luật vi hiến là điều rất nghiêm trọng về mặt pháp lý. Thứ hai, tuyên bố của Nhân đại không đề cập đến một điều khác trong hiến pháp trong đó quy định việc bảo vệ các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Trên thực tế, những biện pháp bảo vệ đó bắt nguồn từ các chính sách có từ thời thành lập nhà nước Trung Quốc Cộng sản vào năm 1949. Ngày nay, làn sóng chính trị lại thuộc về các học giả và quan chức nổi tiếng vốn kêu gọi "chính sách dân tộc thế hệ thứ hai", được xây dựng quanh việc đồng hóa các dân tộc thiểu số vào một nền văn minh Trung Quốc duy nhất. Những người theo chủ nghĩa dân tộc như vậy biện minh cho việc đồng hóa bằng cách tuyên bố rằng Trung Quốc có nguy cơ gặp phải bất ổn sắc tộc và sự tan rã kiểu Liên Xô nếu đặc quyền của các dân tộc thiểu số không bị chấm dứt.

Tại Tân Cương, các chính sách giáo dục gắn liền với một làn sóng đàn áp lớn hơn, được áp đặt dưới danh nghĩa chống khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hầu hết sự chú ý của nước ngoài đều đổ dồn vào các trại cải tạo chính trị ở Tân Cương, nơi có lẽ một triệu người Hồi giáo từ sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ đã trải qua sau khi bị dán nhãn là những kẻ cực đoan tiềm tàng vì những hành vi như cầu nguyện quá thường xuyên hoặc gọi điện thoại cho người thân ở nước ngoài. Nhưng ở các trường dân tộc thiểu số ở Tân Cương, cuộc sống cũng đã bị thay đổi. Trước đây, nhiều môn học được dạy bằng tiếng Uyghur và tiếng Kazakh. Giờ đây, những thứ tiếng đó đã bị hạ cấp từ ngôn ngữ dùng cho giảng dạy thành các môn học bình thường, chỉ được học vài giờ mỗi tuần. Tại Tây Tạng và các khu vực của người Tây Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải, một tỉnh lân cận, những thay đổi tương tự đối với chính sách giáo dục đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố vào năm 2010. Vào cuối mùa hè năm 2020, hàng nghìn phụ huynh ở Nội Mông đã tẩy chay trường học sau khi có thông báo rằng các môn học nhạy cảm như văn học, chính trị và lịch sử phải được dạy bằng tiếng Quan thoại vào năm 2022. Trên khắp Nội Mông, cảnh sát chống bạo động đã đập tan các cuộc biểu tình và các bậc cha mẹ được lệnh cho con đi học nếu không sẽ bị tuyên bố là không đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp của chính phủ hoặc các khoản vay ngân hàng.

Chưa có cuộc bạo động nào diễn ra để phản đối sự thay đổi tương tự đối với các quy định về ngôn ngữ ở Diên Biên, được áp dụng khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái. Hiện giới học giả kêu gọi kiên nhẫn, khuyến khích các gia đình chờ xem chính phủ sẽ cân bằng thế nào giữa nhu cầu tăng cường giáo dục nói chung với nhiệm vụ bảo tồn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Những người dân địa phương mà chúng tôi gặp ở Yanji, thủ phủ của khu vực, vào một ngày trong tuần gần đây, bao gồm cả các bậc cha mẹ đưa trẻ em đi trượt băng hoặc đi xe trượt tuyết trên sông Buerhatong đang đóng băng, đưa ra nhiều ý kiến ​​trái chiu v s thay đổi này. Một người đàn ông Trung Quốc gốc Triều Tiên có con trai học mẫu giáo ủng hộ việc sử dụng tiếng Quan Thoại nhiều hơn trong trường học. Anh từng phải vật lộn ở trường đại học và phải học tiếng Trung Quốc khi có thời gian rỗi. Anh cáo buộc một số nhóm, chẳng hạn như người Tây Tạng, có tham vọng ly khai. "Người Triều Tiên chúng tôi không cảm thấy như vậy, chúng tôi ủng hộ chính phủ nhiều hơn".

Những người khác lại phân vân. Một bà mẹ hai con lo lắng rằng văn hóa Triều Tiên có thể bị suy yếu do các quy định mới. Nhưng nhà nước chắc phải có lý do cho các hành động của mình, cô nói thêm. Người mẹ cho rằng chính phủ sẽ nhìn thấy một bức tranh lớn hơn so với những công dân đơn lẻ. Sự ủng hộ chính quyền như vậy không được đáp lại bởi một mức độ tin tưởng cao hơn. Cảnh sát mặc thường phục đã đi theo chúng tôi quanh khu vực Yanji và cố gắng nghe trộm các cuộc phỏng vấn.

Số phận của Diên Biên – một khu vực bị cáo buộc có các hành vi vi hiến – chỉ ra một thực tế ảm đạm cho các dân tộc thiểu số. Lòng trung thành là không đủ. Nhiệm vụ của họ là phải trở nên Hán hóa nhiều hơn.

The Economist

Nguyên tác :"Assimilation of Chinese minorities is not just a Uyghur thing", The Economist, 30/01/2020.

Phan Nguyên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 04/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)