Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2021

Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng, ai là nhân tố bất thường sau Đại hội 13 ?

Thu Thủy, Trương Huy San, BBC

Phạm Minh Chính – Nhân tố bất thường sau Đại hội 13

Việc ngài Tổng bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam thêm một nhiệm kỳ nữa tức là nhiệm kỳ thứ ba đã làm lu mờ những nhân tố bất bình thường khác của kỳ đại hội lần này. Tuy nhiên, những nhà phân tích tinh tường vẫn đủ tỉnh táo để nhận thấy rằng nhân vật đáng được chú ý tới không phải là ông già tuổi cao, sức yếu, "đã xin nghỉ rồi nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm vì là đảng viên phải chấp hành" mà là gương mặt trẻ tuổi nhất trong tứ trụ được dự kiến đảm nhận vai trò Thủ tướng chính phủ là ông Phạm Minh Chính và có khả năng ông Chính sẽ leo tới tột đỉnh quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam.

chinh1

Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu với báo chí sau Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 01/02/2021

Nhà báo Trương Huy San gọi ông Chính là nhân vật của năm, của Đại hội 13.

Nhà báo Đỗ Ngà thì dự đoán ông Chính có thể là một Putin của Việt Nam trên cơ sở phân tích con đường quan lộ cực kỳ hanh thông của ông Chính như sau :

Phạm Minh Chính được chính quyền cho biết là học kỹ sư xây dựng ở nước cộng sản Romania. Thực ra ngành kỹ sư chỉ học 4 năm nhưng Phạm Minh Chính học đến 9 năm. Vậy 5 năm dư ra ông ở Romania học thứ gì ?

Tuy nhiên điều đáng nói là khi tốt nghiệp năm 1984 ông không làm nghề kỹ sư ngày nào mà chui vào Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an ngày nay) làm. Được 5 năm, ông Chính được phân vào Bộ Ngoại giao và công tác tại Romania.

Từ năm 1989 đến 1996, ông Chính làm Bí thư Thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Năm tại Romania. Người của ngành công an mà được biệt phái sang công tác ngành ngoại giao thì chắc chắn đó là điệp viên, không thể khác được.

Năm 2006, Phạm Minh Chính nắm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an. Năm 2007, được phong quân hàm Thiếu tướng Công an, năm 2010 được phong Trung tướng Công an. Sĩ quan tình báo mà lên hàng tướng thì đó là điệp viên cao cấp rồi, điệp viên này hoàn toàn có khả năng làm nguyên thủ quốc gia. Nếu con người này mà trở thành điệp viên hai mang thì rất tai hại cho tương lai đất nước này. Loại điệp viên này nếu mua được gì giá bao nhiêu Trung Quốc cũng sẵn sàng chi.

Năm 2011, Phạm Minh Chính được đưa về làm bí thư Quảng Ninh. Trong thời gian này ông ta kết nối rất tốt với phía Trung Quốc xúc tiến việc xây dựng Đặc khu Kinh tế Vân Đồn.

Tập Cận Bình còn cử cả cố vấn của mình là bà Đào Nhất Đào sang giúp Phạm Minh Chính thực hiện dự án.

Tháng 04/2015 ông Phạm Minh Chính về làm phó Ban Tổ chức Trung ương và chỉ sau 7 tháng, ông vào Bộ Chính Trị và nắm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đến đại hội 13 vừa qua thì đã nắm ghế thủ tướng.

Sự nghiệp của Phạm Minh Chính có nhiều điểm mờ mà khó giải thích. Học xây dựng nhưng không một ngày làm xây dựng, học kinh tế lấy tiến sĩ luật nhưng chưa hành nghề nào liên quan đến luật. Ông Chính có đến 31 năm làm trong ngành công an với vai trò là sĩ quan tình báo. Sau giai đoạn làm công an là sự nghiệp chính trị của ông lên như diều gặp gió, từ bí thư tỉnh lên thủ tướng chỉ trong 10 năm.

Đặc biệt ông Chính kết nối với phía Trung Quốc rất tốt. Ngày 23 đến ngày 27/01/2018 ông Phạm Minh Chính đã sang thăm Trung Quốc. Một trưởng ban tổ chức trung ương sang Tàu làm gì, thật khó hiểu. Về mặt Đảng và về mặt Nhà nước ông Trọng sẽ thăm, về mặt Chính phủ ông Phúc sẽ thăm, về Quốc hội thì bà Ngân thăm. Còn trưởng ban tổ chức chỉ là chức lo sắp xếp nhân sự cho đảng thì sang Tàu làm gì ? Hay là ông Chính sang Tàu để nghe thiên triều chỉ bảo nên sắp đứa này, nên xếp đứa kia vào đâu rồi mới về thi hành ?

Phải thừa nhận là trong Ban bí thư, trừ ông Trọng ra thì không ai kết nối với thiên triều tốt cho bằng Phạm Minh Chính. Và đáng ngạc nhiên hơn, kẻ thân Tàu Phạm Minh Chính lại có thể từ Ban bí thư lại nhảy ngang qua Chính phủ đánh bại 2 ứng viên nặng ký là Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ. Nhảy trái tuyến mà đánh bại 2 kẻ đi đúng tuyến thì ắt phải có trợ lực rất lớn. Câu hỏi đặt ra là, ai đã trợ lực cho Phạm Minh Chính ? Là trong đảng hay ngoại bang ? Thật sự đó là những câu hỏi mà khó có câu trả lời thỏa đáng.

Tại Nga, Putin cũng từng là điệp viên KGB và khi nắm được bộ máy nhà nước Nga thì ông ta tận dụng thế lực ngầm của ngành tình báo để biến nước Nga thành công cụ phục vụ cho lợi ích riêng của ông ta.

Còn điệp viên Phạm Minh Chính thì sao ? Mong cho ông ta không dùng quyền lực ngầm để biến Việt Nam thành công cụ như Putin, và mong là ông ta không phải là điệp viên hai mang.

chinh2

Phạm Minh Chính trong vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh làm việc với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và văn nghệ sĩ tiêu biểu hôm 16/03/2015

Facebooker Jackhammer Nguyễn thì nhận định nguyên nhân của sự thăng tiến thần tốc của ông Chính là nhờ vào gốc tích công an (dù ngang xương) và hệ thống Thanh Hóa của ông.

Người ta nói rằng ông Chính bắt đầu đi lên từ thời ông Lê Khả Phiêu, một đồng hương Thanh Hóa làm tổng bí thư, khi ông này tổ chức một hệ thống Thanh Hóa trèo cao leo sâu trong Đảng cộng sản Việt Nam.

Đại hội XI, năm 2011, đàn anh Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đồng hương Thanh Hóa (di sản của chiến dịch Thanh Hóa hóa toàn bộ Trung ương của Lê Khả Phiêu) đưa Chính vào Trung ương và cài làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Chính biến Quảng Ninh thành một huyện của Tàu. Người tàu cầm đầu nhóm buôn lậu, than tặc, khai thác vô tội vạ. Chính lọt vào mắt Tàu.

Năm 2015, Rứa sắp về hưu. Rứa rút Chính về Hà Nội làm phó, rồi thay mình trở thành Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Hiển nhiên, Chính trở thành Ủy viên Bộ Chính trị ở Đại hội XII, cùng với Đinh La Thăng.

Ông Chính có hai công trình để lại trong thời kỳ tiền thủ tướng của ông, đó là thí nghiệm về việc bầu cử trực tiếp cấp xã, và dự án đặc khu Vân Đồn. Cả hai đều được thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh, lúc ông làm bí thư tỉnh ủy.

Thí nghiệm bầu cử trực tiếp cấp xã cuối cùng không mở rộng đến đâu cả, có thể vì Đảng sợ kiểu dân chủ trực tiếp như vậy từ ông láng giềng phương Bắc với kinh nghiệm dân nổi dậy ở làng Ô Khảm và ở Việt Nam gần đây là vụ thôn Hoành, làng Đồng Tâm.

Dự án đặc khu Vân Đồn của ông Chính nổi tiếng hơn, đi kèm với dự luật đặc khu, định cho người nước ngoài thuê đất Việt Nam trong 99 năm. Tin chấn động này làm bùng nổ những cuộc biểu tình với hàng chục ngàn người hồi tháng 06/2018, có những nơi dẫn tới bạo động, đốt nhà, đốt xe cảnh sát tại Bình Thuận.

Facebooker Phan Thái Bình thì gọi ông Chính là "kẻ gian hùng" khi mượn củi, mượn lửa, mượn lò của Trọng, nhân danh Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Bảo vệ Nội bộ, Phó Trưởng ban Chống tham nhũng, Chính ném vào lò tất cả những ai Chính muốn điển hình là đối thủ nặng kí, gương mặt sáng giá của Việt Nam tại Đại hội 12 Đinh La Thăng. Chính ký giấy khai trừ, cách chức, điều tra, truy tố Thăng chỉ trong vòng một tháng.

Dự đoán về việc cầm quyền của ông Chính tới đây, giới phân tích chính trị cho rằng, ông Chính được đưa vào tứ trụ để đổi lấy việc loại ông Trần Quốc Vượng ra khỏi bộ tứ, vì thế trong một chừng mực nào đó, ông Chính là người thay thế ông Vượng, để nắm "ngọn cờ đầu" của Đảng, tiếp tục đốt cái lò nổi tiếng của ông Trọng. Nhưng ông có đốt được ai hay không, lại là chuyện khác.

Một nguyên nhân làm cho ông Trọng đốt lò được là do ông được nhiều người đánh giá là trong sạch, không có điều tiếng gì về tham nhũng, ông ta chỉ có tham quyền, trong khi ông Chính không được như thế. Hồi ông chưa nắm ghế tứ trụ người ta đã xì xầm về biệt thự tráng lệ của ông ở Vườn Đào, Hồ Tây rồi.

Đấy mới chỉ là vấn đề đối nội, lĩnh vực đối ngoại còn đáng lo ngại hơn.

Nhà quan sát Trần Kim Đồng nhận định bộ đôi Trọng – Chính là đại diện "xuất sắc" cho phe thứ năm trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, tức là phe do Bắc Kinh nuôi dưỡng. Hay nói nôm na, đó là phe "thân Trung Quốc".

Không thân sao được khi chính ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách Bí thư Quân ủy Trung ương đã quyết định đưa hầu hết tướng lĩnh quân đội Việt Nam sang Trung Quốc "học tập". Ông Trọng cũng là người đã ký 15 văn kiện hợp tác, trong đó có việc đưa "cán bộ cấp chiến lược" của Đảng cộng sản Việt Nam sang Trung Quốc để tập huấn và đào tạo thêm.

Vì những lẽ trên, trong 200 ủy viên trung ương vừa trúng tuyển, hầu như vị nào cũng đều nằm trong một "" nào đó được Bắc Kinh khoanh vùng. Không có sự bảo lãnh từ quan thầy thì số này đã bị loại ngay từ "vòng gửi xe". Chẳng thế mà tướng Trương Giang Long, Giám đốc Học viện Chính trị, An ninh Nhân dân (Bộ Công an), từ sau Đại hội 12 đã nói thẳng, trong các hồ sơ phản gián của ông có hàng trăm đồng chí, và trăm đồng chí này lại kéo theo hàng trăm các đồng chí khác (hoạt động cho Trung Quốc). Thật ra Trung Quốc chẳng cần nhiều đến thế. Họ chỉ cần "chữa trị" cho ông Trọng sau cơn bạo bệnh kéo dài ; chỉ cần "nuôi" ông Chính từ thuở còn "hàn vi" ở Quảng Ninh để trót lọt vụ ba đặc khu cho Tàu.

Ông Chính đã có công với cả Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam khi trong vai trò lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông đã năng nổ xây dựng khu kinh tế Trung Quốc tại Vân Đồn, một vị trí chiến lược quan trọng vì là điểm đầu tiên kết nối với dự án "Vành đai, con đường" của Trung Quốc.

Việc Phạm Minh Chính được cơ cấu vào Tứ Trụ cho thấy Trung Quốc đã can thiệp quá sâu vào chính trường Việt Nam. Phe cánh miền Nam bị đá sạch ra khỏi 5 vị trí chủ chốt gồm tứ trụ và thường trực ban bí thư càng khẳng định phe thân Tàu đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính chiếm ưu thế ở Đại hội 13.

Nhà báo Đỗ Ngà bình luận : Rõ ràng Việt Nam cứ ngày một rơi vào tay Tàu theo từng giai đoạn, cứ như là có sự sắp đặt trước. Và biết đâu, đó là sự sắp đặt được quy định trong mấy văn kiện bí mật mà 2 đảng đã ký từ trước đến nay ?

Tuy nhiên, lại có người đặt hy vọng vào sự cải cách ở ông Phạm Minh Chính.

Nhà báo Trương Huy San phân tích :

"Phạm Minh Chính là một người rất thông minh. Cách hành xử của ông trong thời gian qua cho thấy, ông đang tìm kiếm giá trị gì [các đời Trưởng ban Tổ chức trước ông đều có rất nhiều ân oán và ông thì lại được đa số các "hồng y" mà ông sắp xếp trả ân]. Tôi nghĩ, ông sẽ học bài học từ hai người "sếp" cũ, để giấu bớt sự thông minh, không kiêu bạc như Tướng Hoàng Ngọc Nhất ; không mất khả năng kiểm soát lòng tham như Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Phạm Minh Chính, có lẽ, sẽ quan tâm tới việc gây dấu ấn trong lịch sử hơn là những gì ông đã có. Ông Phạm Minh Chính, có lẽ, sẽ muốn mình là một nhà cải cách. Và nếu ông "khép lại quá khứ" chuẩn bị cho mình một lộ trình cải cách đúng đắn và chắc chắn thì không chỉ ông mà đất nước cũng sẽ có thêm dấu ấn".

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 08/02/2021

******************

Nhân vật của năm, của Đại hội XIII : Phạm Minh Chính

Trương Huy San, 01/02/2021

Ông Phạm Minh Chính - được Đại hội bầu để ứng cử vào vị trí Thủ tướng - rõ ràng là nhân vật của năm, hay đúng hơn, là nhân vật của Đại hội XIII.

phamminhchi,h1

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh : Hoàng Hà

Có lẽ, với vai trò chuẩn bị nhân sự cho Đại hội, không chỉ ông mà cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu vẫn theo truyền thống, Bộ Chính trị trình Trung ương "Bộ Tứ" trước, thì hai ông ngồi trong đó sẽ rất... khó coi. Ở đây, cái cách "xin ý kiến Trung ương" từng bước : Tách hay không tách Tổng bí thư – Chủ tịch nước, mấy trường hợp đặc biệt và cho vị trí nào ; Đưa tất cả các trường hợp quá tuổi ra lấy phiếu... Thì, những người (tưởng là) ứng cử viên trước đó có không lọt vô, dẫu có ấm ức, cũng không thể nào trách cứ.

Cái cách lấy phiếu thăm dò Trung ương, tiến cử cho 4 vị trí đứng đầu, mới thật là kín kẽ và bản lĩnh. Trung ương - khoảng sau kỳ họp 14 - đã vận hành như một "Mật nghị Hồng y", họ không phải bỏ phiếu cho một đề cử có sẵn mà tiến cử.

Quan sát một lộ trình bắt đầu rời Bộ Công an của ông Phạm Minh Chính, thấy rõ, ông đã chuẩn bị tình huống này cho mình không phải một tháng hay một năm. Ông tích lũy di sản cả về thực tiễn (phát triển Quảng Ninh) và cả về chính trị như là một nhà cải cách (cho dù những cải cách về công tác cán bộ của ông ở Quảng Ninh là còn cần phải thảo luận nhiều về lý luận).

Ông Hoàng Ngọc Nhất hẳn đã rất tinh khi chọn ông Chính làm thư ký. Nhưng ít có một thư ký nào khi "sếp" mình "rớt đài" không những không "việt vị" mà còn tiến rất xa hơn "sếp". Phần sau trong sự nghiệp của ông có vai trò rất đáng kể của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tháng 5/1998, tôi lên Yên Tử, lấy cớ viết về Thượng hoàng Trần Nhân Tông, khai thác yếu tố Ngài "lên núi" để "phản ứng" với ngôi vị Thái Thượng Hoàng. Khi về có gặp Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, tôi có kể câu chuyện, các tảng đá trên đỉnh Chùa Đồng khắc rất nhiều tên tuổi để nói "ai lên đến đó cũng chỉ muốn lưu danh".

Phạm Minh Chính là một người rất thông minh. Cách hành xử của ông trong thời gian qua cho thấy ông đang tìm kiếm giá trị gì [các đời Trưởng ban Tổ chức trước ông đều có rất nhiều ân oán và ông thì lại được đa số các "hồng y" mà ông sắp xếp trả ân]. Tôi nghĩ, ông sẽ học bài học từ hai người "sếp" cũ, để giấu bớt sự thông minh, không kiêu bạc như Tướng Hoàng Ngọc Nhất ; không mất khả năng kiểm soát lòng tham như Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Phạm Minh Chính, có lẽ, sẽ quan tâm tới việc gây dấu ấn trong lịch sử hơn là những gì ông đã có. Ông Phạm Minh Chính, có lẽ, sẽ muốn mình là một nhà cải cách. Và nếu ông "khép lại quá khứ" chuẩn bị cho mình một lộ trình cải cách đúng đắn và chắc chắn thì không chỉ ông mà đất nước cũng sẽ có thêm dấu ấn.

PS : Trước đây ông Võ Văn Kiệt thừa nhận là cả ông, ông Phan Văn Khải rồi Nguyễn Tấn Dũng đều chưa đầu tư đúng mức cho Nam Bộ. Ông Chính là Thủ tướng không phải là người Nam Bộ nếu sửa khắc phục được thiếu sót này của 3 người tiền nhiệm thì Nam Bộ cũng được mà ông cũng được.

Trương Huy San

Nguồn : osinhuyduc, 01/02/2021

*********************

Đại hội 13 không sửa điều lệ Đảng là một 'điều lạ lùng'

BBC, 06/02/2021

Đảng cộng sản Việt Nam đã có dàn tân ủy viên Ban chấp hành trung ương khóa XIII với mười trường hợp 'đặc biệt', Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và có nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, Đại hội thông báo không sửa điều lệ đảng.

trong0

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với giới báo chí, truyền thông ngay sau Đại hội 13 bế mạc hôm 01/2/2021 tại Hà Nội

Hai nhà quan sát chính trị Việt Nam bình luận với BBC News tiếng Việt về liệu có thể hiểu tín hiệu này như thế nào và liệu có hệ lụy gì hay không khi Đại hội quyết định không sửa điều lệ đảng.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Yusof Ishak của Singapore) nêu quan điểm :

"Đại hội 13 bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư khóa 3 liên tiếp, theo tôi là trái Điều lệ Đảng năm 2011 (Điều 17).

"Tại Đại hội, 100% đại biểu biểu quyết thông qua việc giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng tái cử và nhất trí không sửa điều lệ.

"Bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư khóa 3 liên tiếp, sẽ không trái Điều lệ, nếu điều 17 được sửa. Làm trái Điều lệ là việc làm sai phạm căn bản - không thể nói khác được".

chinh4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai, từ phải) tặng hoa cho ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi ông Trọng được tái cử vào chức Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 hôm 31/01/2021 tại Hà Nội

Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, trưởng Văn phòng Luật sư cùng tên, nói :

"Do Đảng cộng sản là chính đảng duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện đối với đất nước. Cho nên, công chúng đặt sự chú ý nhiều đến Điều lệ Đảng bao gồm các quy tắc (cứng) không được phép vi phạm. Điều 17 Điều lệ Đảng cộng sản quy định một người không được giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp",

"Trong thực tế, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được đại hội bầu giữ chức vụ Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, trong hoàn cảnh không hề có sửa đổi Điều lệ Đảng là điều khá lạ lùng và không nên khuyến khích.

"Vì lẽ, một điều của Điều lệ Đảng có tính cưỡng hành bị vô hiệu hóa, thì liệu những điều khác còn lại có thể còn được bảo đảm thi hành hay không ? Rõ ràng, điều này sẽ hạ thấp vị thế của Điều lệ Đảng trong đảng viên và cả trong nhân dân. Đồng thời, tạo thành những tiền lệ không mong muốn về sau".

Khi được hỏi vì sao Đại hội không sửa điều lệ đảng, liệu có nguyên nhân khách quan, chủ quan nào dẫn đến quyết định này, các nhà quan sát trả lời :

"Đại hội 13 không nêu lý do không sửa điều 17 bản Điều lệ 2011 cho nên không thể suy diễn được. Đấy là sự kiện", ông Hà Hoàng Hợp nói.

Còn ông Đặng Đình Mạnh đáp :

"Tôi không rõ nguyên nhân của việc không sửa đổi Điều lệ Đảng, nhưng với góc độ là một luật sư, tôi cũng rất mong có sự giải thích thỏa đáng về việc này", .

Điểm nhấn, chú ý nào với dàn nhân sự mới ?

chinh5

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, trong một lần phát biểu tại Quốc hội, nêu rõ không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực... - Ảnh : Quochoi.vn

Trước câu hỏi có thể cảm nhận điểm nhấn, hay có sự chú ý nào không thấy được thông qua dàn nhân sự mới của Đảng cộng sản Việt Nam được bố trí, tái phối trí trong các nhành quyền lực của đảng và chính quyền hậu Đại hội 13, các ý kiến nói với BBC :

"Mọi phân công nhân sự trong và sau Đại hội 13 sẽ được triển khai sau Tết Âm lịch Tân Sửu, cuối tháng Hai, đầu tháng Ba 2021, khi có cuộc họp Quốc hội cho việc đó dựa trên các giới thiệu nhân sự chủ chốt và các nhân sự khác được Ban chấp hành Trung ương khóa 12 và Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 (sau Đại hội) thông qua bằng bỏ phiếu", ông Hà Hoàng Hợp nói.

"Bảy bộ trưởng không tái cử khóa 13 thì sẽ được thay thế bằng bảy người mới, là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, trong đó có vị trí bộ trưởng quốc phòng là quan trọng. Các bộ trưởng đương nhiệm, nếu trúng cử vào Bộ chính trị, hoặc đã làm đủ hai khóa liên tiếp, thì sẽ chuyển vị trí công tác.

"Đại hội 13 được Đảng cộng sản Việt Nam đánh giá là "thành công rất tốt đẹp" - nên chắc ở đó có bao hàm rằng nhân sự của họ được hy vọng sẽ đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa xã hội. Người dân sẽ kiểm chứng hy vọng đó trong thực tế tới đây.

Ông Đặng Đình Mạnh từ góc nhìn của mình nêu quan điểm :

"Điểm nhấn và là ẩn số về nhân sự đáng chú ý nhất theo tôi là ông Phạm Minh Chính, người được cho rằng sẽ kế nhiệm chức vụ thủ tướng.

"Vì lẽ, ông Chính từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong lực lượng công an, trong tổ chức đảng, nhưng lại chưa từng giữ chức vụ nào trong chính phủ cả. Đó là điểm mà công chúng có thể ít nhiều lo lắng. Tuy nhiên, với phương pháp làm việc tập thể thì có thể các cộng sự của ông ấy sẽ giúp khắc phục sự thiếu sót về kinh nghiệm.

"Điều kiện chính trị chưa cho phép người dân thực hiện quyền tự do bầu cử đúng nghĩa, cho nên, tôi chỉ có thể nói rằng mình hy vọng về điều ấy".

Trước câu hỏi, Đảng cộng sản Việt Nam cũng vừa đánh dấu 91 năm ngày thành lập đảng này, có thể nói gì về Đảng cộng sản Việt Nam, tương lai, tiền đồ của tổ chức chính trị này cũng như về nền chính trị Việt Nam trong tương lai, các nhà quan sát đáp :

"Đảng cộng sản Việt Nam muốn duy trì vai trò cầm quyền lâu dài, theo cụm từ trong khẩu hiệu rằng Đảng cộng sản Việt Nam "muôn năm", ông Hà Hoàng Hợp nói.

"91 năm qua, bản thân Đảng cộng sản Việt Nam đã có một số thay đổi. Luật về đảng là một vấn đề đã được đặt ra từ năm 2009, đến nay Quốc hội Việt Nam chưa bàn cụ thể.

"Sớm hay muộn theo tôi Việt Nam sẽ có thực hành đa nguyên chính trị, ở đó Đảng cộng sản Việt Nam có thể tương tác chính trị với các chính đảng khác, góp phần mang lại sự phồn vinh và dân chủ cho Việt Nam".

Về phần mình, ông Đặng Đình Mạnh nói :

"Hiện tại, Việt Nam vẫn là một quốc gia kém phát triển, cuộc sống người dân vẫn rất khó khăn, kể cả vật chất lẫn tinh thần, bao gồm thực thi các quyền tự do của công dân theo hiến pháp.

"Do đó, tôi vẫn rất kỳ vọng có một sự thay đổi lớn về quan điểm chính trị của Đảng cộng sản. Vì lẽ, với vai trò lãnh đạo toàn diện, thì họ đang nắm giữ vận mệnh đất nước này.

"Sự thay đổi theo hướng hòa hợp, hòa giải dân tộc, chấp nhận sự khác biệt quan điểm chính trị, vận dụng các giá trị vốn là thành quả của loài người về quản lý, điều hành đất nước… để có thể tập hợp, thống nhất mọi nguồn lực của người dân vào công cuộc chấn hưng và đối phó với các thách thức về chủ quyền đất nước.

"Nhưng qua kỳ đại hội 13 vừa bế mạc, tôi biết rằng sự kỳ vọng của mình còn phải chờ đợi".

BBC, 06/02/2021

**********************

Hậu Đại hội 13 : Lựa chọn lãnh đạo, sao cứ khép kín ?

BBC, 05/02/2021

Việc lựa chọn nhân sự cấp cao tại Đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn là một công việc 'khép kín' mà dường như được 'đàm phán trước' nội bộ mà không thể có được sự tham gia của người dân, ý kiến từ giới quan sát thời sự Việt Nam nói với BBC News tiếng Việt tuần này.

phale3

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, lần thứ ba liên tiếp trúng cử chức vụ này, gặp gỡ, trao đổi với báo giới ngay sau bế mạc Đại hội 13 hôm 01/2/2021

Hôm 04/02/2021, từ Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nêu nhận xét với BBC :

"Ở Việt Nam, trong hệ thống chính trị hiện nay, việc được bổ nhiệm, được giữ chức ở những chức vụ quan trọng không hẳn gắn với thành tích của cá nhân.

"Mà việc lựa chọn nhân sự ở Đại hội đảng là một công việc khép kín mà dường như người ta quy hoạch rồi, thỏa thuận rồi, cũng như là đàm phán với nhau một cách nào đó.

"Còn để cho người dân đánh giá, xin thưa là trong những ngày gần đây rất nhiều người dân mong muốn được bỏ phiếu cho ông Vũ Đức Đam làm Thủ tướng, nhưng nó không gắn được với việc ở trên.

"Kể cả những người vào được Bộ Chính trị, tôi nói luôn trường hợp như ông Nguyễn Hòa Bình chẳng hạn, vụ án Hồ Duy Hải là vụ án rất lớn, ảnh hưởng đến nền tư pháp rất ghê, nhưng mà ông ấy vẫn được vào Bộ Chính trị.

"Điều này trong dân chúng đã làm cho người ta thấy rằng tiêu chí đánh giá về thành công hay thất bại của một con người không nằm trong quy trình nhân sự của đảng để sắp xếp những vị tr trong đảng và nhà nước.

"Điều này là rất đặc thù ở Việt Nam mà nhân dân đều nhận thấy, nhưng đây là việc của đảng, của nhà nước, đành chịu thôi".

Vai trò cá nhân trong chủ nghĩa tập thể và nhân sự thế nào ?

Từ Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, bình luận thêm với BBC, nhấn mạnh khía cạnh quan hệ giữa cá nhân và chủ nghĩa tập thể trong cơ chế, bộ máy lãnh đạo của Đảng cộng sản tại Việt Nam hiện nay :

"Có lẽ với cơ chế nào, một cá nhân nào đó không là anh hùng, bởi vì trong chủ nghĩa tập thể vốn làm nền tảng cho cơ chế đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối này, một cá nhân không thể đặt cao hơn lợi ích của đảng được.

"Cho nên đúng là mọi thứ người ta đã quy hoạch trước rồi, hơn nữa, trong một bối cảnh tình hình tham nhũng, rồi tình hình gọi là 'suy thoái' rồi 'tự chuyển biến', 'tự chuyển hóa' rất là lớn, cho nên người ta đặt những tiêu chí ấy ưu tiên hơn là những thành tích mà người dân nhìn thấy.

"Ở một góc cạnh nào đấy, người dân cho rằng vai trò của chính phủ trong thời gian vừa rồi rất năng nổ, ví dụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được không chỉ người dân đánh giá, mà còn kể cả những nhà quan sát nước ngoài cũng đánh giá là rất năng nổ.

"Rồi những người như ông Vũ Đức Đam cũng là một trong những người năng nổ và thường xuyên xuất hiện vào những nơi rất khó khăn của vùng dịch.

"Thì họ cũng chỉ là những cá nhân trong thể chế này và phải chấp hành, phải tuân theo những nguyên tắc của đảng, mà đấy cũng chính là những cốt lõi của thể chế này, tức là dựa vào một chủ nghĩa tập thể để người ta quyết định vấn đề nhân sự, chứ không phải là một cá nhân hay một nhóm cá nhân nào đấy", ông Phạm Quý Thọ nói với hội luận của BBC hôm thứ Năm.

"Tập trung hóa" và "nhuốm màu giáo điều"

Cũng đánh giá về Bộ Chính trị sau Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, một tác giả từ Hoa Kỳ cho rằng 18 tân ủy viên có tuổi trung bình "già hơn, nặng quân đội, công an và giảm kỹ trị hơn" so với khóa 12.

Trong bài viết trên trang The Diplomat (02/02/2021), ông Zachary Abuza, nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ trường National War College, Hoa Kỳ nói với lứa tuổi trung bình 63, đây là Bộ Chính trị "già, đông nam giới hơn Bộ Chính trị khóa 12".

Quân đội Nhân dân Việt Nam đăng gấp đôi số đại diện trong cơ quan quyền lực cao nhất Việt Nam.

Ở khóa 12, chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng (Ngô Xuân Lịch), cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có ghế trong Bộ Chính trị.

Nay quân đội có hai vị, tướng Lương Cường và tướng Phan Văn Giang.

"Đại diện của công an cũng dày", theo ông Abuza. Ngoài Bộ trưởng Công an Tô Lâm tái cử, thì còn những người các có xuất thân từ bộ này : Phạm Minh Chính từng là Thứ trưởng, Nguyễn Hoà Bình cũng đã từng làm trong Bộ Công an trước khi sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tác giả này cho rằng các thành phần ủy viên phản ánh "xu thế, các ưu tiên và lo ngại" của đảng cầm quyền ở Việt Nam.

Tiến sĩ Zachary Abuza còn chú ý đến tính đại diện thiếu hụt của các nhân vật kỹ trị, gồm cả Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người chỉ đạo chiến dịch sáng chói (stellar) chống Covid-19 của Việt Nam.

Điều này cho thấy bất kể tính phức tạp về kinh tế, kỹ thuật, các quyết định quan trọng sẽ thuộc về nhóm cầm quyền "tập trung hóa" và "nhuốm màu giáo điều", ông Abuza nêu quan điểm của mình.

Người dân có quan tâm và bất ngờ về kết quả Đại hội ?

Trở lại với cuộc hội luận của BBC News tiếng Việt hôm thứ Năm, bình luận với BBC từ Paris nhà báo tự do Tường An cho rằng mặc dù Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam muốn 'giữ bí mật' đến phút chót, nhiều người dân, trong đó có người Việt ở nước ngoài, dường như không tỏ ra bất ngờ về các kết quả nhân sự được thông báo của Đại hội và bà giải thích nguyên nhân :

"Tôi nghĩ rằng ngoại trừ một số người làm báo, hay người làm truyền thông tự do v.v... thì họ quan tâm, nhưng đa số những người khác không quan tâm.

"Tại sao không quan tâm ? Là bởi vì nó không có gì là bất ngờ cả, ngay cả trước đó có những nguồn tin là những nhân sự này sẽ được giữ bí mật đến phút chót, nhưng thực ra người ta cũng đã biết trước khi Đại hội bầu lên dàn nhân sự.

"Nó không có gì là bất ngờ, nó cũng giống như là mấy chục năm qua, trong khi chúng ta thấy cuộc bầu cử ở bên Mỹ bất ngờ đến phút cuối, còn ở Đại hội 13 không có gì là bất ngờ hết.

"Và cũng như các quý vị ở trên đã dùng những từ như đã có những sự 'thỏa thuận', sự lựa chọn, những sự 'đàm phán' với nhau v.v..., tất nhiên ở đây chỉ là một sự dàn xếp với nhau để coi ai sẽ giữ những chức vụ gì, thế thôi.

"Còn người dân không có bất cứ tiếng nói gì cả, người dân không có quyền tham gia vào một cơ chế mà lãnh đạo chính họ, thành ra tôi nhớ rằng ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói rằng dàn nhân sự Bộ Chính trị mới này sẽ hội nhập vào vận hành quốc tế v.v..., nghĩa là những sáo ngữ rất 'hay', nhưng không có gì thay đổi cả.

"Có nghĩa là những chức vụ ấy chỉ là những sự dàn xếp, thỏa thuận với nhau và tranh giành ảnh hưởng với nhau trong nội bộ mà thôi, trong khi người dân không có một tiếng nói nào cả và đó là điều chính mà tất cả mọi người hướng về Việt Nam đều quan tâm, có nghĩa là tất cả người dân đều phải có tiếng nói trong việc bầu bán Bộ Chính trị, hay Ban chấp hành Trung ương đảng lãnh đạo v.v... mà có ảnh hưởng đến họ.

"Ông Hoàng Ngọc Giao ở trên có nói một câu mà cá nhân tôi rất là buồn, khi ông nói 'đó là việc của đảng, đó là việc của nhà nước và chúng ta phải chấp nhận thôi', tôi cho rằng không có chuyện chấp nhận ở đây, người dân phải có tiếng nói của người dân, người dân phải có quyền quyết định những việc liên quan đời sống của họ.

"Chứ không phải chỉ có một số người 'già cỗi' và một số người đi theo một đảng duy nhất quyết định, đó là điều mà những người ở hải ngoại mà có quan tâm đến Việt Nam đều mong muốn ; rằng Việt Nam thay vì có một đảng, thay vì chỉ có tiếng nói của một đảng, thì phải có tiếng nói của nhiều đảng khác nhau. Xã hội nào cũng vậy, có sự cạnh tranh thì nó mới đưa đến những cái mới, những cái lợi cho người dân", nhà báo tự do Tường An nói với BBC.

Nguồn : BBC, 05/02/2021

***********************

Nguyễn Phú Trọng có phạm tội ‘không tố giác tội phạm’ khi cho người hối lộ ra về ?

Sáng 1/2/2021, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Đại hội 13, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam , ông Nguyễn Phú Trọng kể với báo chí rằng : "Có người hối lộ xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén, lấp liếm.

Tôi nói với cán bộ kiểm tra anh mở vali ra để xem là cái gì, mở ra thì thấy tiền, đô la. Tôi bảo giờ anh khóa lại, lập biên bản, anh ký vào đây, rồi anh xách vali về".

chinh7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp báo ngày 1/2/2021.

Theo ông Trọng, việc đấu tranh tham nhũng khó khăn, phức tạp, nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng bày tỏ quan điểm của mình với báo chí trong nước rằng, nhiệm vụ của những người đứng đầu là phải chọn được những cán bộ tử tế, còn nếu người đứng đầu là kẻ tham nhũng thì lại chọn quân cũng như thế.

Kẻ đem cả vali đôla đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén vô liêm sỉ đến trắng trợn.

Đối với câu chuyện mà ông Trọng kể như vừa nêu, có người cho là ông Trọng kể ra để lấy điểm chứ sự thật không thể có chuyện đó.

Có người khẳng định chuyện này có thể xảy ra, vì nó đã từng xảy ra.

Vì sao lại có chuyện một người dám mang cả vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan tham mưu tối cao của Đảng về vấn đề kiểm tra và kỷ luật trong Đảng – để hối lộ, trước mặt ông Tổng bí thư ?

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu quan điểm của mình :

"Mặc dù nó có vẻ trắng trợn là đem đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nhưng nó là thực tế chứ ông Trọng không dám bịa ra chuyện ấy đâu.

Bởi vì chắc chắn chuyện này nhiều người khác làm trong ủy ban cũng biết chứ không chỉ ông Trọng.

Nếu ổng bịa ra sẽ mất uy tín với thuộc hạ của ổng. Trước đây ông Lê Khả Phiêu cũng từng kể câu chuyện tương tự.

Là người từng làm công tác xét xử trong vai trò bồi thẩm đoàn khoảng chục năm, tôi thấy với sự việc như thế này mà ông Trọng và những người trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ yêu cầu người mang va li tiền đến để hối lộ ký vào biên bản chứ không thông báo để khởi tố, bắt giam.

Như vậy là có dấu hiệu vi phạm tội ‘không tố giác tội phạm’".

chinh8

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Tháng 5/2005, trong lần trả lời phỏng vấn truyền thông Nhà nước về tệ tham nhũng, hối lộ, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng kể câu chuyện tương tự.

Ông cho biết, lúc ông còn làm thường trực Bộ Chính trị thì ông nhận thấy chuyện đưa hối lộ là tự nhiên, chuyện nhận là bình thường.

Riêng ông, đã có lúc người ta đưa hối lộ bằng cách để bó hoa có năm nghìn, mười nghìn đô la trên bàn rồi ra về.

Tuy vậy, ông chỉ gọi lên cảnh cáo, nhắc nhở bảo đem tiền về mà không làm lớn chuyện vì ông muốn giáo dục từ bên trong.

Ít nhất đã 15 năm trôi qua kể từ câu chuyện của ông Lê Khả Phiêu, nạn tham nhũng, hối lộ tại Việt Nam ngày càng trắng trợn hơn, mà không nói ra thì không ai biết, như câu chuyện ông Nguyễn Phú Trọng vừa kể.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói về tính pháp lý trong câu chuyện này :

"Tôi hy vọng đây chỉ là câu chuyện làm quà, tức là nói cho vui. Chứ nếu đây là câu chuyện thật thì có khá nhiều vấn đề phải được đặt ra.

Thứ nhất, nếu va li đó có số tiền là tiền đô có giá trị lớn thì chắc chắn người có hành vi hối lộ đó có thể chịu hình phạt tới mức tử hình chứ không phải chuyện đùa.

Đó rõ ràng là hành vi hối lộ và số tiền đó là tang vật của một vụ án. Tang vật đó phải được giữ lại và khi xét xử vụ án đó thì chắc chắn số tiền này phải bị tịch thu sung công quỹ.

Không có chuyện trả lại cho người ta xách về.

Thứ hai, nếu thật sự có cách xử lý lúc đó là lập biên bản rồi cho người ta cầm va li tiền về, thì những người biết việc này mà không tố giác hành vi này thì những người đó đều phải chịu tội. Đó là tội hình sự ‘không tố giác tội phạm’".

Sau khi câu chuyện có người đem vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương hối lộ được chính ông Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kể ra, người ta cho rằng ít nhất ông Trọng đã vi phạm pháp luật khi không tố giác tội phạm với bằng chứng hiển nhiên.

Theo pháp luật Việt Nam, không tố giác tội phạm được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện.

Người phạm tội ‘không tố giác tội phạm’ sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét rằng, ông Trọng đem câu chuyện này ra kể với mục đích để khoe thành tích ‘trong sạch’ của mình, nhưng vô hình chung lại tự vạch ra chuyện mình không thực hiện luật pháp nghiêm minh.

Ông Nguyễn Quang A nói tiếp : "Ông Trọng đã nói ra cho toàn dân biết thì dân phải hỏi ông Trọng cái kẻ mang tiền đến hối lộ đó là ai và sẽ bị xử như thế nào.

Tức là bây giờ cơ quan công an và tòa án hay viện kiểm sát phải hỏi ông Trọng là tên mang một vali tiền đến hối lộ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đó, là ai và phải khởi tố ngay kẻ hối lộ đó.

Đồng thời trừng trị những kẻ đã bao che hoặc ỉm đi chuyện này từ bấy đến giờ. Chắc kẻ hối lộ là quan chức cao quá của Đảng cộng sản nên ông Trọng không nói ra…"

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, là người chứng kiến việc này thì ít nhất ông Trọng phải là nhân chứng của sự việc.

Luật sư Mạnh đặt câu hỏi, sau khi sự việc xảy ra như vậy thì cơ quan chức năng có xử lý hay không ?

Ông Trọng và những người chứng kiến có tố giác hành vi đó với cơ quan pháp luật hay không ?

Trong một xã hội pháp quyền, không một cá nhân, tổ chức nào được phép đứng trên pháp luật.

Pháp luật mỗi quốc gia cũng không thể đi ngược với thông lệ quốc tế.

Tuy vậy, ở Việt Nam, sự độc lập của ba nhánh quyền lực, gồm : lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ mang tính hình thức nên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và không minh bạch.

Ông Trọng được dư luận trông đợi sẽ về nghỉ hưu "khi mà cấp dưới hết tranh cãi với nhau đủ lâu để có thể đồng ý với nhau về cách thay thế ông tốt nhất nhằm gỡ thế bí nhân sự".

Trước Đại hội 13, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trong một bài viết cho BBC nhận xét rằng người mà ông Trọng đang đi tìm "là chính ông", một chỉ dấu cho thấy sự bế tắc trong việc chuyển giao quyền lực ở thời điểm này.

"Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình", Tiến sĩ Liêm viết.

Tại cuộc họp báo, sau phiên bế mạc Đại hội Đảng XIII, vào sáng ngày 1/2, ông Nguyễn Phú Trọng cảm ơn báo chí chức mừng ông tái đắc cử chức vụ Tổng bí thư.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 1/2 rằng ông đã báo cáo về tuổi cao, sức khỏe không tốt lắm và xin nghỉ. Thế nhưng, Đại hội bầu, là đảng viên nên ông phải chấp hành.

Ông Trọng nhấn mạnh rằng "Tôi chỉ là một cá nhân. Làm tốt hay không là cả tập thể trên dưới một lòng". Ông Trọng khẳng định thêm rằng "Tôi sẽ cố gắng hết sức".

Nhà báo Võ Văn Tạo, vào tối ngày 1/2, từ Nha Trang lên tiếng với RFA rằng những chia sẻ của ông Nguyễn Phú Trọng về việc ông được bầu chọn vào nhiệm kỳ thứ 3 là "lời thanh minh thanh nga không hợp lý và không thuyết phục".

"Về công tác cán bộ, ông Trọng là Tổng bí thư thì ông phải trực tiếp lo về công tác tổ chức.

Công tác tổ chức bao giờ cũng do người đứng đầu của cấp ủy Đảng phải có bồi dưỡng nguồn, giới thiệu, phát hiện nguồn… mà nguồn đó phải được tập thể Đảng tín nhiệm.

Trước khi ông Trọng trở thành Tổng bí thư thì ông Trọng có hai nhiệm kỳ đứng đầu ở Quốc hội, tức là ông Trọng ở trong Bộ Chính trị khá lâu rồi thì ông không lạ gì về đội ngũ cán bộ dưới quyền. Thế thì tại sao lại không tìm được một hoặc người có khả năng thay thế lúc ông nghỉ ?

Bây giờ, nếu ông giải thích do Đại hội Đảng tín nhiệm ông thì điều đó có nghĩa là những người kế cận ông không được tín nhiệm. Tôi cho rằng điều đấy là rất dở".

Lý giải về điều ông Trọng cho rằng kết quả tốt là do tập thể, không phải do cá nhân, nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét đây là thêm bằng chứng cho thấy việc tái đắc cử của ông Trọng càng không hợp lý.

"Thứ hai nữa, bình luận ở một góc độ khác, giả sử ông Trọng tạm coi là người có uy tín nhất ở trong Đảng đi chăng nữa thì vai trò của ông Trọng cũng không hẳn là không có ông thì việc điều hành của Đảng cộng sản Việt Nam không thể thực hiện được.

Điều này có thể liên hệ với ngày trước thì rõ ràng trong Ban Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam có ông Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng và ông Hồ Chí Minh được tín nhiệm cao hơn người khác về uy tín và tài năng.

Thế nhưng khi ông Hồ Chí Minh mất hồi năm 1969 thì công việc đấu tranh thống nhất đất nước vẫn thành công và kết thúc vào ngày 30/4/1975.

Đâu phải ông Hồ Chí Minh mất thì sự nghiệp cách mạng gãy giữa chừng. Vì thế, tôi cho rằng việc ông Trọng trụ lại là không hợp lý và cách giải thích đó cũng không thuyết phục".

chinh9

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, chiều 30/1.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một nhà quan sát tình hình Việt Nam và theo dõi sát sao Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, trong cùng tối ngày 1/2 nói với RFA rằng ông khá là ngạc nhiên khi đón nhận thông tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, vì có sự bất thường khi chiếu theo quy định trong điều lệ Đảng.

"Tại vì, tôi tưởng rằng người ta phải thay đổi, phải sửa điều lệ trước rồi mới để cho ông Trọng làm Tổng bí thư.

Ngạc nhiên là vì người ta không thay đổi điều lệ, mà người ta vẫn bầu ông Trọng làm Tổng bí thư như thường. Thế thì như vậy là vi phạm điều lệ.

Ông Trọng có thể tiếp tục làm Tổng bí thư sau khi thay đổi điều lệ, bỏ một câu ở Điều 17 quy định ‘tổng bí thư không làm quá hai nhiệm kỳ’.

Thế nhưng, người ta không đổi, không sửa điều lệ này mà vẫn cứ bầu ông Trọng làm Tổng bí thư.

Không hiểu ở đại hội, người ta nói như thế nào về việc này. Tôi thì nhận thấy rằng có điều gì đó rất lạ lùng".

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 06/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy, Trương Huy San, BBC tiếng Việt
Read 751 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)