Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/02/2021

Bao giờ thương mại Việt - Trung mới cân bằng ?

Trần Hoàng Nga

Mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây khó khăn cho hoạt động hợp tác, trao đổi thương mại của nhiều nước, tuy nhiên, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2020 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2020 đạt 192,28 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2019, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 78,4 tỷ USD, tăng 22,4%, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 113,8 tỷ USD, tăng 16,3%, nhập siêu từ Trung Quốc là 35,4 tỷ USD, cao hơn năm 2019 là 1,67 tỷ USD, tăng gần 5%.

viettrung1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019 - AFP

Nếu tính trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Malaysia). Nếu xét trên quy mô toàn thế giới, Việt Nam đã chính thức vượt qua Đức để vươn lên là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên toàn cầu, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 ; thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc.

a) Xuất khẩu : Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản...

Theo thông tin từ phía Việt Nam, kết quả xuất khẩu trong năm cho thấy các nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều ở mức tăng khá cao, hầu hết đều ở mức tăng hai con số. Cụ thể, nhóm hàng hoa quả tăng 12,7%. Trong đó, mặt hàng thanh long chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu và đạt tăng trưởng 52,8%, mặt hàng xoài tăng đột biến với mức tăng hàng chục nghìn phần trăm. Ở nhóm thủy sản, mặc dù trong năm 2020 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp rất nhiều vấn đề về hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm tra liên quan đến dịch bệnh Covid-19, song vẫn đạt mức tăng 7,9%. Nhóm hàng lâm sản là gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và sản phẩm cao su lần lượt tăng 7,3% và 19,2% và duy trì trên 1 tỷ USD/nhóm sản phẩm.

Trong nhóm hàng công nghiệp chế tạo thì nhóm sản phẩm điện máy, điện tử và linh phụ kiện (mã HS 85) cũng tăng trưởng mạnh và có kim ngạch xuất khẩu cao, chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, tăng khoảng 7 điểm phần trăm so với năm 2019.

b) Nhập khẩu : Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, các nhóm mặt hàng phục vụ sản xuất (nguyên liệu, máy móc) có phần sụt giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, ngược lại nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu như ô tô và linh kiện, phụ kiện, đồ chơi vẫn tăng khá cao, đều ở mức tăng hai con số.

Về hợp tác đầu tư :

Tính đến hết năm 2020, Trung Quốc đầu tư 3.123 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đạt 18,45 tỷ USD. Hiện Trung Quốc đứng thứ 7 trong 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong năm 2020, Trung Quốc đứng thứ 3 trong 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký mới đạt 2,45 tỷ USD.

Dự báo thời gian tới, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam. Do căng thẳng Mỹ - Trung vẫn còn kéo dài nên các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phải tìm hướng đầu tư sang các quốc gia khác ngoài Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam để tận dụng các ưu đãi trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực thực thi mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA, đồng thời đón đầu hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực thực thi trong thời gian khoảng 2 năm tới.

Đánh giá về quan hệ kinh tế Việt - Trung

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh trong thời gian qua là một thực tế. Tuy nhiên, có một số vấn đề trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia này.

Thứ nhất, đó là cán cân thương mại Việt - Trung không cân bằng, trong đó Việt Nam luôn nhập siêu với mức lớn từ Trung Quốc. Đối với thương mại, đầu ra và đầu vào của một số mặt hàng chủ lực, như nông sản, dệt may, da giày, cao su... phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Tình trạng này khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, bị động khi Trung Quốc thực hiện chính sách biên mậu "thất thường".

Trong đầu tư, các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc trúng tổng thầu EPC tại Việt Nam đều có giá trị lớn (nhiều nghiên cứu chỉ ra, 90% hợp đồng xây dựng, trong đó có các dự án năng lượng là do Trung Quốc thắng thầu), đặt Việt Nam vào tình trạng phụ thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc cả về tiến độ và công nghệ. Trong khi đó, có nhiều dự án triển khai chậm, công nghệ lạc hậu, chắp vá dẫn tới "chết yểu" hoặc "sống dở, chết dở", "hầu hết các dự án vốn vay Trung Quốc đều đội vốn công trình và kéo dài thời gian". Theo một tính toán, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc tới hơn 80% vào nền kinh tế Trung Quốc, trong khi lý thuyết kinh tế thế giới cho rằng để giữ nền kinh tế độc lập, tỷ lệ này không nên vượt quá 30%.

Thứ hai, yếu tố an ninh quốc phòng trong bố trí một số khu kinh tế, dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài chưa được chú trọng hoặc chưa được quan tâm thường xuyên và đúng mức. Thực tế cho thấy, một số dự án có đối tác là các nhà đầu tư Trung Quốc được triển khai ở vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng trực tiếp đến thế trận khu vực phòng thủ. Quản lý nhà nước đối với số công nhân sang làm việc tại các dự án của Trung Quốc ở Việt Nam còn nhiều lỏng lẻo.

Thứ ba, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, thực phẩm bẩn cùng những hàng hóa có những giá trị phản văn hóa, như phim ảnh, băng hình có các nội dung nhạy cảm ... qua biên giới vẫn tiếp diễn. Các hoạt động mua bán theo kiểu "nâng rồi dìm giá" với những "mặt hàng không tưởng", như sừng trâu, móng bò, hoa thanh long... của một số tiểu thương Trung Quốc, xét cả về trước mắt và lâu dài, đều ảnh hưởng xấu đến sản xuất, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, ảnh hưởng gây tổn hại sức khỏe, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.

Kết luận

Trung Quốc là một "gã khổng lồ" ở Châu Á nhưng luôn mang tư duy bành trướng lãnh thổ, chi phối và đe doạ các quốc gia khác. Trong hàng nghìn năm lịch sử, các triều đại phong kiến đã nhiều lần xâm lược Việt Nam. Hiện nay, trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Việt Nam tuy không là quốc gia có vai trò quan trọng như các nước lớn, nhưng các chính sách đối ngoại nhằm nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc đều có sự hiện diện của Việt Nam. Trung Quốc đang thúc đẩy Việt Nam cụ thể hóa chủ trương kết nối sáng kiến "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" với "Vành đai con đường – BRI" ; tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh", đưa Việt Nam vào tập hợp lực lượng do Trung Quốc dẫn dắt. Nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại về những ý đồ chính trị ẩn chứa đằng sau "Vành đai và Con đường", như các vấn đề về "ngoại giao bẫy nợ" từ đó dẫn tới các sức ép về chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam đương nhiên là đang nằm trong vùng ảnh hưởng và chịu sức ép của Trung Quốc về vấn đề này.

Mới đây, trong một bài viết được đăng tải trên báo Việt Nam, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Hùng Ba đã tiếp tục "nhắc nhở" : "Trung Quốc coi ASEAN là hướng ưu tiên trong quan hệ ngoại giao với các nước xung quanh, là khu vực trọng điểm xây dựng "Vành đai và Con đường" chất lượng cao, phía Trung Quốc mong muốn cùng với ASEAN kết nối quy hoạch phát triển, đẩy nhanh khôi phục toàn diện kinh tế khu vực, đi sâu hợp tác kinh tế số, xây dựng năng lực y tế công cộng".

Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược phát triển rõ ràng để có thể tránh "vết xe đổ" mà nhiều quốc gia Châu Á đã gặp phải đối với các đe doạ ẩn chứa trong "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Trần Hoàng Nga

Nguồn : RFA, 09/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hoàng Nga
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)