Nói gì về những ngày này 42 năm trước ?
Trân Văn, VOA, 22/02/2021
Ngày 14 tháng 2 vừa qua là thời điểm tròn 42 năm Trung Quốc xua quân sangdạy cho Việt Nam một bài học và đó là lý do, tuần này, "hèn"… trở thành từ phổ biến trên mạng xã hội…
Các nhà hoạt động tưởng niệm các chiến sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ ở Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, 16/2/2021
Thậm chí có những người như ông Trần Đức Anh Sơn – từng dạy đại học, từng là giám đốc một bảo tàng ở Huế, từng là một trong những lãnh đạo của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế, xã hội Đà Nẵng – giận dữ tới mức không ngần ngãi bày tỏ sự… căm phẫn và kinh tởm(1) !
Ông Sơn kể rằng ông đã bỏ qua những kênh truyền hình quốc tế mà ông yêu thích để chú mục vào Chương trình thời sự lúc 7 giờ của VTV1 tối 17/2/2021 để xem thử VTV1 có nhắc đến sự kiện Trung cộng xâm lược Việt Nam vào ngày này cách đây 42 năm hay không ?
Tuy cuối chương trình có một phóng sự nhắc lại sự kiện nhà báo Nhật Bản Takano lên Lạng Sơn tường thuật về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung cộng vào đầu tháng 3/1979 và đã chết vì trúng đạn của quân Trung cộng nhưng VTV1không hề nhắc tới cái tên Trung Quốc lần nàomà chỉ gọi là "sự kiện ngày 17/2".Thậm chí tuy VTV1 đề cập việc "Takano lên Lạng Sơn ngay sau khi có lệnh rút quân" nhưngkhông dám nói ai ra lệnh rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Cảm giáccăm phẫn của Trần Đức Anh Sơn không phải là cá biệt. Hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội đã bày tỏ cảm xúc như ông.
Bất kể "sự kiện 17/2" đã xảy ra cách nay hơn bốn thập niên, bất chấp thực trạng biển Đông chỉ ra dã tâm, sự nham hiểm của Trung Quốc đã rõ như ban ngày và ngay cả những… "anh em xa" ở khắp nơi trên trái đất này cũng không thể lầm lẫn, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì cam kết "khép lại quá khứ" đối với… "láng giềng gần". Giống như Trần Đức Anh Sơn, Lê Kế Sơn cũng nhẫn nại chờ để xem hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hành xử thế nào vào thời điểm tròn 42 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam và phát giác : Điểm sáu tờ báo thường được quan tâm là báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh niên, Vietnamnet, Vnexpress thì chỉ có báo Thanh Niên đưa một bài viết về "sự kiện 17/2".
Đó cũng là lý do Lê Kế Sơn và nhiều thân hữu ngậm ngùi :Xin thắp một nén hương tưởng nhớ và xin lỗi hàng chục ngàn bà con và chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày này ở các tỉnh phía Bắc.
Nhắc lại sự kiện này là vì người đã mất, thân nhân của họ, vì người còn sống hôm nay và vì con cháu mai sau.
Nhắc lại không phải để gợi lại hay để kích động sự căm thù mà để đừng quên một bài học chua xót về sự cả tin, mất cảnh giác.
Nhắc lại để không lặp lại những ngày như thế ở quy mô lớn hơn, tệ hại hơn.
Nhắc lại để đừng ngộ nhận rằng sự nhường nhịn, sự quy phục đối với kẻ cướp chỉ chuốc lấy sự thảm hại hơn.
Nhắc lại, để hiểu rằng, trong lịch sử, chiến thắng xâm lược chỉ có thể có khi đoàn kết dân tộc, đồng lòng và trong thời đại mới, sự liên minh với các lực lượng tiến bộ mới là sức mạnh thực sự chống lại những kẻ âm mưu phục hồi đế chế phát xít.
Hèn không phải là một kiểu ẩn nấp khôn ngoan.
Hèn là tự giết mình thêm một lần nữa (2) !
***
Tuần này đã có hàng triệu người ngậm ngùi tưởng niệm những người lính đã ngã xuống khi tham gia cuộc chiến vệ quốc khởi đầu từ trung tuần tháng 2 năm 1979 và kéo dài cho đến cuối thập niên 1980, những đồng bào thuộc đủ mọi giới, mọi lứa tuổi đã bị Trung Quốc giết như dùng… học cụ đểdạy Việt Nam một bài học, trong dòng chảy mà cảm xúccăm phẫn và kinh tởm là chủ yếu ấy, Chánh Tâm đề nghị nhìn xa hơn…
Tháng Hai nếu chỉ tưởng nhớ, sì sụp khói nhang thì rồi cuộc chiến ấy có vĩ đại đến mấy sẽ được chép vào một bộ nhớ khác.
Những xao động với những biểu hiện bôi xoá, di dời, cấm đoán ký ức về cuộc chiến chống Trung Quốc từ 1979 làm chúng ta phải giật mình, trong cả mười năm tại sao có thể đồng thuận để hoang tàn một ký ức lịch sử như vậy ?
Đó là vấn đề thuộc về chủ quyền nhân dân. Nhân dân thì đợi được cho phép. Nhất định thực tế này nhân dân cần phán định.
Với những vấn đề hệ trọng nhạy cảm như mối quan hệ với Trung Quốc đảng phải tuyệt đối chấp hành chủ quyền của nhân dân, phải coi đó là lòng trung thành tuyệt đối của đảng với tổ quốc.
Tháng Hai nhắc nhở nghiêm khắc trách nhiệm của nhân dân để truyền thuyết về niềm tin cố chấp, mù quáng Trọng Thuỷ Mỵ Châu thành thế cuộc mất nước.
Thần Kim Qui nhân dân phải thực hành nghiêm túc vai trò giám sát với mọi quyết định đối ngoại của quốc gia.
Tháng Hai cũng nhắc nhở chúng ta tình đồng chí, anh em ấy còn phải bước qua cách trở Hoàng Sa, Gạc Ma(4).
Cũng với suy nghĩ đó, Quốc Ấn Mai xem việcđài nhà nước không gọi đích danh kẻ thù tấn công Việt Nam vào 17/2/1979, đài nhà nước sợ việc định danh một cuộc chiến chống xâm lược đúng nghĩa của nước mình chưa phải điều đáng sợ nhất !
Ấn nhắc mọi ngườinên lưu tâm đến việc đang bị đầu độc bằng bụi mịn theo hướng gió Đông Bắc bởi "bạn vàng" và có thể vừa cảm nhận, vừa kiểm chứng dọc dải đồng bằng từ miền Bắc tới miền Trung. Ấn dự đoán,từ 2030, Việt Nam sẽ thấy hậu quả do công nghệ lò đốt nhập khẩu Từ Trung Quốc cộng hưởng với việc "bạn vàng" xả thải theo gió Đông Bắc. Bụi mịn PM2.5 bay hơn 400 cây số để "giúp" người Việt cảm nhận tường tận thế nào là sống chung với bụi mịn - sống chung với bệnh tật.
Nhắc lại cảnh báo của Trương Giang Long – tướng công an Việt Nam về những kẻ thù giấu mặt "leo cao, trèo sâu vào bộ máy", Ấn than :Đâu chỉ cấm báo đài định danh một cuộc chiến, chúng có thể ra gò Đống Đa ngăn người yêu nước tưởng niệm chiến công năm nào. Chúng gọi những chiến thắng lịch sử như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... là "giỗ trận". Chúng cẩu lư hương của Đức Trần Hưng Đạo... Chúng là Hán nô kéo công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm để đầu độc dân tộc này, làm thoái hóa giống nòi này (5)...
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/02/2021
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=10216093311200138&id=1670718810
(2) https://www.facebook.com/EboiClub/posts/10221866006017946
(3) https://www.facebook.com/EboiClub/posts/10221866006017946
(4) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=3341962745909969&id=100002888294656
(5) https://www.facebook.com/quocan.mai/posts/10217725647885464
***********************
Chiến tranh
Huy Đức, 19/02/2021
Qua giờ nhìn tấm hình này cứ ngẩn ngơ nhớ câu thơ của anh Nguyễn Duy :
"Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan
Giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo
A.Q. túm tóc Chí Phèo
Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua"...
Hai nhà báo Lê Đức Dục và Nguyễn Đức Bình chụp bên các nạn nhân chiến tranh bị mìn Trung Quốc thời hậu chiến.
Kể từ tháng 2/2009, khi báo Sài Gòn Tiếp Thị đăng bài "Biên Giới Tháng Hai" - bài viết đầu tiên về cuộc chiến 1979 trên báo chính thống tính từ "Hội nghị Thành Đô" - cuộc chiến tranh này, cũng như tội ác của quân Trung Quốc đã thường xuyên được nhắc lại. Từ đó, không ít những người chỉ hiên ngang trước bàn phím cũng đã được coi như những "anh hùng chống Tàu".
Tìm một nhà lãnh đạo thắp ngọn lửa chống ngoại xâm, nhất là ngọn lửa chống ngoại xâm từ Trung Quốc trong một dân tộc như Việt Nam là điều không khó. Tìm một nhà lãnh đạo tránh cho dân tộc này những cuộc chiến tranh thì "kim ở đáy biển" còn dễ kiếm hơn.
Trung Quốc đã kề vai sát cánh bên cạnh các nhà lãnh đạo chủ chiến của Việt Nam (cả tiền mặt, của cải và nhân lực). Không phải họ giúp Việt Nam mà họ muốn những người cộng sản Việt Nam giữ biên giới chiến tranh ở sông Bến Hải. Cú bắt tay 1972 giữa Nixon và Mao đánh một dấu mốc làm thay đổi bản đồ chiến tranh cả "lạnh" và súng đạn. Cú bắt tay đó chứa đựng cả sự phản bội (Washington phản bội Sài Gòn, Bắc Kinh phản bội Hà Nội) và một nước đi chiến lược.
Cả Hà Nội và Sài Gòn đều chỉ nhìn thấy khía cạnh "phản bội" mà không nhìn thấy nước đi chiến lược. Cuộc gặp đó khiến Mỹ buông hẳn Miền Nam và Trung Quốc thì cũng không còn lo giới tuyến chiến tranh gần hơn về phía Bắc.
Chúng ta chưa bao giờ đặt câu hỏi, nếu vào năm 1972, những người cộng sản Việt Nam mà đủ tầm nhìn thời cuộc, để vừa tranh thủ thống nhất Bắc - Nam, vừa dự cảm được một thế giới sắp đổi thay để ứng xử với thế giới (bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc) không phải bằng tư duy "hai phe" mà bằng tư duy tìm thấy cơ hội của dân tộc mình ở đâu, thì liệu có dẫn đến cuộc chiến tranh năm 1979.
Hà Nội đã đặt mối quan hệ của mình với Bắc Kinh (trước 1972) và Moscow trong tình anh em ý thức hệ. Cũng vì ý thức hệ được diễn đạt trong cụm từ "tinh thần quốc tế vô sản", người Việt đã tốn không biết bao nhiêu xương máu đưa Khmer Đỏ lên cầm quyền, cũng như đã đưa Hun Sen lên cầm quyền. Cả hai, khi cần, đều bị Bắc Kinh sử dụng.
Bắc Kinh sổ toẹt vào cái gọi là ý thức hệ và tình hữu nghị, những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh muôn đời chỉ có dã tâm Đại Hán.
Hai mươi năm trước, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Phương, người được coi là một trong những "bộ óc của Lê Duẩn", nói : "Cho đến trước khi Liên Xô sụp đổ, đầu óc của bọn mình vẫn bị cầm tù trong sự giáo điều của chủ nghĩa Marx - Lenin".
Không nên hỏi những người sẽ vào đây "cmt" tháng 2-1979 họ ở đâu. Chiến tranh trong nhiều tình huống không chỉ để bảo vệ lãnh thổ mà còn để bảo vệ phẩm giá của một công dân cũng như của một dân tộc. Nhưng, mục tiêu của một dân tộc có phẩm giá phải là hòa bình. Nếu có một con đường đi đến hòa bình không phải qua chiến tranh thì bất cứ dân tộc nào khôn ngoan cũng nên giành lấy.
Huy Đức
Nguồn : osinhuyduc, 19/02/2021
************************
Ngày về xúc động của "cô học sinh" duy nhất sống sót ở hang Ngườm Hẩu 1979
Tiến Nguyên, Dân Trí, 17/02/2021
Địch tập kích hang đá nơi thương binh trú ẩn, toàn bộ thương binh và y tá cùng 2 học sinh hy sinh, duy nhất một cô gái thoát chết thần kỳ. 40 năm sau, "cô học sinh" ấy mới có thể quay trở lại nơi mình suýt bỏ mạng...
Đó là bà Tống Thị Thanh (quê thị trấn Quảng Uyên, hiện ở thành phố Cao Bằng), người duy nhất sống sót trong cuộc tập kích của lính Trung Quốc vào hang Ngườm Hẩu, bản Keng Riềng (xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) 40 năm trước.
Hai "cô học sinh" Tống Thị Thanh (trái) và Nông Thị Quyên.
Chuyện những cô học sinh đi giúp bộ đội
Mới tối hôm trước (16/2/1979), cô học sinh Nông Thị Quyên (quê thị trấn Hòa Thuận, huyện Phục Hòa ; xưa là xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa) cùng bạn bè còn xem chiếu bóng bộ phim "Em bé Hà Nội" ở thị trấn. Rạng sáng hôm sau, cả thị trấn bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo rầm rầm.
"Khoảng 4g sáng, đạn bay vèo vèo sát mái nhà. Tôi vơ vội được cái lõi chăn bông rồi cùng cả nhà chạy xuống hầm trú ẩn" - bà Quyên nhớ lại và cho biết, địch nã đạn liên tục đến khoảng 7g sáng thì ngớt.
Sau khi cùng bố mẹ chuyển đồ lên hang, ra đến đỉnh đèo, bà Quyên thấy bộ đội đang tải gạo liền rủ mấy bạn học xúm vào giúp. Dọc đường tải gạo, thấy thương binh nhiều, bà cùng 5-6 bạn học lại giúp tải thương về thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa cũ).
"Đường đèo dốc trơn trượt, chúng tôi khiêng thương binh đi hơn chục cây số mới ra đến nơi có xe đón. Lúc đó ai cũng nghĩ phải cố gắng giúp các anh ấy nên có biết mệt là gì đâu" - bà Quyên chia sẻ.
Khi ấy bà Quyên đang là học sinh lớp 9, người bé như cái kẹo, nặng chỉ 37-38 kg. Vốn sợ máu từ bé, bà Quyên nghĩ ra cách lấy khăn tay che mắt, cắm mặt khiêng cáng bước theo người đi trước.
Chiến sự kết thúc, bà tiếp tục đi theo Trung đoàn 567 phục vụ chiến đấu. Bị gia đình ngăn cản, bắt ở nhà đi học tiếp, bà dứt khoát : "Nó vào xâm chiếm thì còn học gì nữa !".
Những năm trong quân ngũ, bà vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng.
Khác bà Nông Thị Quyên một chút, thời điểm Trung Quốc bành trướng lãnh thổ năm 1979, bà Tống Thị Thanh đang là học sinh lớp 10 ở thị trấn Quảng Uyên. Ngày 18/2/1979, sau khi cùng gia đình dọn đồ sơ tán lên núi đá, bà cùng các thanh niên quay xuống thị trấn lấy thêm đồ đạc. Được ông tổ trưởng dân phố vận động ra giúp bộ đội chuyển đạn lên xe, cả nhóm chả ai ngại ngần, xắn tay vào việc luôn.
Xong việc, bà Thanh và mấy bạn học quay lên trạm quân y của Trung đoàn 567 đóng ngay thị trấn. Thấy nhiều thương binh quá, trong khi y tá lại ít, bà cùng 2 bạn học là Phương Thị Sáu, Nguyễn Thị Thủy tình nguyện xin ở lại phụ giúp các y tá chăm sóc thương binh.
"Thấy cảnh máu me nhiều lúc đầu tôi cũng sợ lắm chứ, nhưng thấy thương, cái sợ dần biến đi đâu hết. Có nhiều anh mới hôm trước tôi còn thấy đi lại dưới thị trấn nay đã nằm đó, máu me bê bết, người cụt chân, người cụt tay" - bà Thanh kể.
Nhóm học sinh của bà Thanh phụ giúp các y tá làm mọi việc có thể, từ giặt giũ, nấu cơm, bón cháo cho thương binh, thay băng, thậm chí cả… đào huyệt chôn những người không qua khỏi.
40 năm ngày trở lại
Đầu tháng 3/1979, địch bao vây thị trấn Quảng Uyên. Trạm quân y của Trung đoàn 567 được lệnh chuyển thương binh lên hang Ngườm Hẩu (bản Keng Riềng, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên) cách đó chừng 1 km. Suốt một ngày trời, bà Thanh cùng mọi người chuyển gần 100 thương binh lên hang, chờ đội vận tải chuyển đi tiếp. Trong hang, ngoài 3 "cô học sinh" nhóm bà Thanh chỉ có 2 y tá là Đinh Thị Tuyến (quê Trùng Khánh, Cao Bằng) và Nguyễn Thị Huệ (quê Phục Hòa, Cao Bằng) chăm sóc các thương binh.
Đường lên hang Ngườm Hẩu.
Rạng sáng ngày 2/3/1979, khi trong hang chỉ còn khoảng 20 thương binh, đang tiếp tục được chuyển đi, lính Trung Quốc phát hiện, bao vây, tập kích hang.
"Lúc đó mờ sáng, chưa rõ mặt người. Một số thương binh vừa ra khỏi hang dừng lại bắn trả, hai chị y tá nấp ở ngay cửa hang bắn, tôi cùng hai bạn nấp phía sau". - bà Thanh nhớ lại.
Phía ngoài hang, ông Bùi Công Lợi (SN 1957, quê Yên Bái ; chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 567) cùng các thương binh khác cố gắng chặn bước tiến của địch. Ông Lợi bị thương khi tham gia chiến đấu ở trận địa Khau Chỉa.
"Sương mờ mịt nhưng nghe tiếng súng thì đoán biết được địch rất đông" - ông Lợi nói.
Ngày trở về đầy xúc động sau 40 năm của "cô học sinh" Tống Thị Thanh.
Vừa đánh vừa rút để bảo toàn lực lượng, ông Lợi bị rơi xuống một cái hố của nhà dân, cứ thế nằm im dưới đó, khi địch rút đi mới bò lên. Lúc này, hang Ngườm Hẩu ám khói đen sì. Dọc đường lên hang, thi thể các thương binh rải rác khắp nơi.
Về phần bà Thanh, chứng kiến cảnh hai nữ y tá chống trả quân địch được một lúc, bà bỗng thấy lửa tràn vào, cùng với đó là tiếng nổ lớn. Bà ngất đi không biết bao lâu, đến khi tỉnh dậy không còn ai trong hang sống sót. Thi thể mọi người cháy đen.
"Chị Thủy và chị Sáu nằm đè lên tôi nên tôi mới may mắn thoát chết" - bà Thanh kể.
Nằm im nghe ngóng tình hình hồi lâu, bà Thanh mò xuống mó nước gần đó rửa mặt thì bị địch bắt. Bà cùng nhiều người bị nhốt ở thị trấn Quảng Uyên, sau đó đưa sang bên kia biên giới.
"Nhiều ngày sau mọi người làm công tác tử sĩ xác định có 20 thương binh hi sinh và 2 y tá, 2 học sinh. 4 người nữ thì chỉ nhận dạng được hai nữ y tá và chị Thủy. Người nữ còn lại bị cháy đen, không nhận dạng được, tưởng là tôi nên mọi người mai táng, ghi tên tôi. Sau này, mọi người mới xác định đó là chị Phương Thị Sáu". - bà Thanh chia sẻ.
Nơi đầu tiên chôn tập kết các thi thể trong vụ tập kích hang Ngườm Hẩu nay chỉ còn là bãi đất trống.
Ngày 21/5/1979, bà Thanh được phía Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), sau đó được đưa về Bệnh viện Quân y 91 (Phổ Yên, Thái Nguyên) chữa trị. Trở về địa phương, bà Thanh được xác định thương tật 41%, xếp hạng thương binh 3/4.
Suốt 40 năm, bà Thanh luôn ám ảnh trước cảnh tượng kinh hoàng trong hang Ngườm Hẩu. Dù nhà cách hang chỉ hơn 1 km nhưng bao năm qua, bà chưa một lần quay trở lại. Được sự động viên của PV Dân trí, một ngày đầu năm 2019, bà Thanh mới quyết định trở về nơi mình suýt hi sinh.
Thắp nén hương tưởng nhớ các thương binh, y tá và 2 bạn học tử nạn, bà nhớ như in vị trí của mỗi người trong hang. Tảng đá ngay cửa hang là nơi hai nữ y tá cầm súng bắn trả quân địch ; ngay phía sau là nơi bà và hai bạn học ôm nhau tránh đạn ; phía trong cùng là nơi một Đại đội trưởng tử nạn…
Bà Thanh bên ngôi mộ người bạn học Phương Thị Sáu ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Uyên.
Những chiến sĩ Trung đoàn 567 và hai y tá, hai cô học sinh tử nạn trong vụ tập kích hang Ngườm Hẩu nay đều đã được tập kết về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Uyên. Mới đây, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 567 đã làm tờ trình xin phép các cơ quan chức năng để xây dựng bia tưởng niệm trong hang, xây bậc lên xuống để những ngày kỷ niệm của Trung đoàn, các cựu chiến binh có thể vào hang tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh. Nguyện vọng này bước đầu đã được sự ủng hộ của chính quyền huyện Quảng Uyên.
Tiến Nguyên
Nguồn : Dân Trí, 17/02/2021
*********************
Khi nào Trung Quốc mới không còn là thầy giỏi ?
Trân Văn, VOA, 17/02/2021
Ngày này 42 năm trước – 17/2/1979 – Trung Quốc bước lênbục giảng để"dạy cho Việt Nam một bài học".
Sau 42 năm, chỉ có người Việt không thèmhọc còn với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thì bài giảngvẫn còn nguyên giá trị !
Các nhà hoạt động tưởng niệm các chiến sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ ở Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, 16/2/2021
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn xem đề cập tới cả tội ác lẫn dã tâm của Trung Quốc là nhạy cảm. Để tránh thất thố, họ không nói và làm gì cả !
Dân chúng muốn nhớ, muốn nhắc không dễ, báo giới thì phải nghiêng ngó chờ đèn. Tùy tình hình mà đèn sẽ xanh để ON, ngược lại phải OFF !
Bối cảnh chính trị thế giới, khu vực và diễn biến ở biển Đông có thể là lý do dịp này, năm nay không có đèn đỏ ! Song không phải cứ được nhớ, được nhắc là ổn !
***
Cách nay hai năm – tròn 40 năm sau khi Trung Quốc bước lênbục giảng để "dạy cho Việt Nam một bài học" – lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một cuộchội thảo khoa học cấp quốc giađể nhìn lại "Cuộc chiến đầu bảo vệ biên giới phía Bắc của tổ quốc".
Tuy hội thảo khoa học cấp quốc gia này do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đứng ra tổ chức nhưng một trong những lý do chính để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cho phép các sử gia đương đại mời các cựu quân nhân, nhân chứng còn sống tham gia vào việc soạn – công bố các tham luận chỉ nhằmphê phán những biểu hiện sai trái, thù địch xuyên tạc, vu cáo lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá đảng và nhà nước, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc (1) !
Khi thực trạng biển Đông như đã biết, tới 40 năm mới chịunhìn lại và việcnhìn lại sự kiện bằng mộthội thảo khoa học cấp quốc gia lại đính kèm lập trường là góp phần khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của đảng, nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc với tinh thần "gác lại quá khứ hướng tới tương lai", những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước Việt – Trungthì rõ ràng, có đèn xanh chưa thể thở phào !
***
Nhiều người thuộc những thế hệ thuở Trung Quốc bước lênbục giảng đã khuất bóng. Phần lớn số còn sống cũng đã ở đoạn cuối của cuộc đời nhưng nỗ lực "dạy cho Việt Nam một bài học" của Trung Quốc vẫn còn giá trị kềm giữ cả nhận thức lẫn hành động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Thành ra đến năm 2018, những hệ thống này mới chấp nhận chính thức dạy dỗ con cháu người Việt về chuyện cha ông từng có thêm một lần phải cầm vũ khí, đổ máu để chống quân xâm lược Trung Quốc !
Một Giáo sư – Tiến sĩ từng khảo sát tiến bộ đó và loan báo :Trong sách giáo khoa hiện hành về lịch sử (bản in năm 2018 của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam), lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc chỉ được trình bày ở cuốn Lịch sử 12, tại mục II "Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)", Bài 25 "Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1986)" với ba đoạn, sáu câu, 13 dòng và chỉ đề cập ngắn ngủi một tháng đầu của cuộc chiến đến khi Trung Quốc rút về nước ngày 18/3/1979(2).
Thực tế vừa kể là nguyên nhân dẫn tới vô số chỉ trích, nghi ngại. Đến giờ, biếm họa của LAP - mô tả đoàn quân của cuộc chiến tranh biên giới 1979 bị chặn lại trên đường tiến vào sách giáo khoa lịch sử vì :Hết chỗ rồi, các anh vui lòng lên facebook ở tạm (3) ! – vẫn còn nguyên vẹn thời sự tính ! Đến giờ, thay vì nhận sai về cách ứng xử trước việc Trung Quốc bước lên bục giảng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn xem yêu cầu phải sòng phẳng với cha ông và lịch sử là thù địch !
Năm 1980, Sư đoàn 337 đã chặn 18 đợt tấn công của hai sư đoàn Trung Quốc tại cầu Khánh Khê (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Người Việt từng dựng một tấm bia vừa để đánh dấu chiến tích đó, vừa để tưởng niệm 650 đồng bào vị quốc vong thân. Rồi Việt Nam "bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc", tiếp tục cùng Trung Quốc chia sẻvăn minh xã hội chủ nghĩa. Tấm bia đánh dấu sự kiện :Sư đoàn 337 đã đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lượcbị đục bỏ bốn chữTrung Quốc xâm lược !
Bởi cách hành xử theo kiểu như thế bất lợi trong việc khôi phục, duy trì sự tin yêu của dân chúng Việt Nam, năm 2014, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam quyết định dựng lại bia Khánh Khê, sau đó nhiều cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt phê phán những người nghi ngại hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam là ấu trĩ, thiếu suy xét, thích phán xét hoặc phản động và đó mới là lý do khiến Việt Nam vẫn còn là quốc gia nhược tiểu (4) !
Đáng lưu ý là tuy đã dựng lại Bia Khánh Khê, tạc chữ vào đá nhưng văn bia vẫn chỉ ghi nhận Sư đoàn 337 cũng như quân dân tỉnh Lạng Sơnđã chặn đứng và đánh bại quân xâm lược.Mức độ rạch ròi vẫn thua xa tấm bia cũ bằng xi măng !
***
Đã hơn bốn thập niên nhưng với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, bài học mà Trung Quốcdạy Việt Nam dường như vẫn còn nguyên giá trịgiáo dục ! Phải mất bao nhiêu thập niên tác dụng răn dạy củabài họcnày mới giảm ?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời, chỉ có thể đoán rằng, khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn còn muốn duy trì đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối thì họ vẫn còn cần Trung Quốc nhưmột người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở sát bên cạnh, do tương đồng về ý thức hệ, về thể chế chính trị,Trung Quốc đã, đang và sẽ còn được xem là người bạn lớn, người thầy sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ! Trung Quốc giỏi hay "ta" dại ? Vì sao lại thế ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/02/2021
Chú thích
(2) https://danviet.vn/chung-ta-van-con-biet-rat-it-ve-cuoc-chien-tranh-bien-gioi-ay-77771059623.htm
(3) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10217455946447700
*********************
Việt Nam thuộc gì từ bài học đắt giá 'cuộc chiến biên giới 1979' ?
Diễm Thi, RFA, 16/02/2021
Ký ức chiến tranh
Ngày này 42 năm trước, cuộc chiến tranh ngắn ngủi và đẫm máu đã diễn ra giữa hai nước từng được mệnh danh ‘hai người anh em cộng sản’, Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố muốn "dạy cho Việt Nam một bài học".
Khói hương trên các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ tại thị xã Lạng Sơn, Việt Nam, gần biên giới với Trung Quốc. Reuters
Rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sáu trăm ngàn quân Trung Quốc với chín quân đoàn chủ lực cùng hơn 2.500 khẩu pháo, năm trăm xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
Ngày 18 tháng 2 năm 1979, trang nhất Báo Nhân Dân đăng toàn văn tuyên bố của Nước Cộng hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lươc Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc và nêu cao quyết tâm bảo vệ tổ quốc.
Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979. Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, sau đó tuyên bố Trung Quốc đã đạt được chiến thắng về chính trị và chiến thắng chung cuộc, đồng thời khẳng định quân Trung Quốc "đã có thể tiến thẳng tới Hà Nội nếu muốn".
Thống kê cho thấy phía Trung Quốc có 21.700 người chết và bị thương. Phía Việt Nam có 60.000 người chết và bị thương.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc chia sẻ cảm xúc của ông với tư cách một người lính vào thời điểm đó :
"Mỗi năm đến ngày 17 tháng 2 tôi lại cảm thấy như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Nhưng cái khí thế hừng hực, hào hùng của những năm chống bành trướng Trung Quốc và chống Khmer Đỏ để bảo vệ đất nước nó khác với tâm lý hiện nay. Hiện nay, riêng bản thân tôi thì vừa tự hào, vừa ấm ức vì có một cái gì đó trong quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc mà chúng tôi vẫn chưa được nghe giải thích. Và mới đây, chính phủ lại ra một quyết định rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam là ‘tối mật’.
Là một người cầm súng trong giai đoạn đó, chúng tôi thấy rằng 42 năm qua, cái bản chất của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Sô vanh, Đại hán của nhà nước Trung Quốc hiện nay là không thay đổi".
Theo Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, dù cuộc chiến đến nay đã 42 năm nhưng có nhiều điều vẫn chưa được nhìn nhận cho đúng. Một bài viết được đăng hôm 16 tháng 2 năm 2020 trên trang web của Câu lạc bộ này nêu rõ, phải khẳng định rõ ràng rằng : Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, do Trung Quốc tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 là cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, tàn ác. Quân dân Việt Nam đã anh dũng kháng chiến, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới, giành thắng lợi vẻ vang. Điều đó phải ghi vào sử sách minh bạch và được giảng dạy trong nhà trường.
Cũng theo Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Nhà nước cần phải tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt các Liệt sĩ và xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ, xứng với chiến công và sự hy sinh của họ. Thêm vào đó, Nhà nước, chính quyền các cấp cần phải tôn trọng các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân các nơi trong cả nước tổ chức tưởng niệm các Liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, coi đó là sinh hoạt tâm linh thiêng liêng, cần được tôn trọng và ủng hộ.
Tù binh Trung Quốc bị Việt Nam bắt giữ tháng 2/1979. AFP
Năm năm sau cuộc chiến 1979, chỉ trong 26 ngày đêm của tháng 4 năm 1984, Trung Quốc đã cho quân tập trung pháo binh ở khu vực Vị Xuyên, bắn hơn 30 ngàn viên đạn pháo cối vào các điểm cao phòng thủ của Việt Nam và lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 2 km. Biến cao điểm 1509 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang thành địa danh Lão Sơn của Trung Quốc cho đến hôm nay.
Cũng tại điểm cao này, lính Trung Quốc giết 3.700 bộ đội Việt Nam, dùng súng phun lửa đốt xác, đốt luôn cả thương binh còn sống vùi xuống mồ tập thể.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, mặc dù hiện nay Việt Nam yếu hơn Trung Quốc rất nhiều về kinh tế và quân sự, nhưng vị thế của Việt Nam ngày nay khác hẳn 42 năm trước. Ngày nay Việt Nam có đủ điều kiện bắt tay với các cường quốc ; bắt tay với các Châu lục ; bắt tay với tất cả các lực lượng tiến bộ để có tiếng nói ngang hàng với Trung Quốc. Thế nhưng Hà Nội vẫn không thể đối đáp một cách sòng phẳng, ngang hàng các phát ngôn mang tính "hăm dọa" từ Bắc Kinh.
Tháng 7 năm 2020, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có bài viết nhan đề "Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam" của tổng biên tập Hồ Tích Tiến. Tác giả "khuyên" Việt Nam cảnh giác trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, ca ngợi chính sách láng giềng- hữu nghị lâu dài của Trung Quốc với Việt Nam và kết luận rằng thể chế chính trị Việt Nam khó trường tồn lâu dài nếu chính trị Trung Quốc không ổn định.
Cách đây một tuần, trong cuộc điện đàm với người tương nhiệm Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã "nhắc nhở" Việt Nam rằng : "Trung Quốc và Việt Nam nên quản lý hợp lý sự khác biệt trên biển và chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển của hòa bình và ổn định khu vực".
Ông Trọng đáp lại rằng : "Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước là vô cùng quan trọng".
Việt Nam học được gì ?
Theo một số nhà quan sát, dường như Việt Nam vẫn chưa thuộc bài học đắt giá vào năm 1979 trong mối quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc vẫn âm mưu cướp đất, lấn biển và thôn tính Việt Nam, trong khi lãnh đạo Việt Nam mà đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam và của đất nước.
Ông Đinh Kim Phúc nhận định :
"Tôi nghĩ 42 năm sau chiến tranh biên giới phía Bắc, Việt Nam học được rất nhiều thứ. Thứ nhất, đó là tinh thần quốc tế vô sản. Đó là tình đồng chí của những người cộng sản. Đó là những vấn đề của các nước xã hội chủ nghĩa. Khi mà Khmer Đỏ và Trung Quốc đánh Việt Nam thì tinh thần quốc tế vô sản và học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx phá sản hoàn toàn.
Tôi thấy đây là bài học mà các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải suy nghĩ trong vấn đề tinh thần quốc tế vô sản, tình đồng chí và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Bài học thứ hai mà lãnh đạo Việt Nam cần phải học thuộc là vì sao Việt Nam bị động trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 ?
Đó là chính sách giải trừ quân bị của Hà Nội lúc bấy giờ sau cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Hà Nội không lường trước được tất cả các âm mưu thủ đoạn của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính vì vậy mà tất cả các sĩ quan có kinh nghiệm chiến trường đã được về nhà và bị động trước cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc".
Bài học thứ hai mà ông Đinh Kim Phúc nêu ra từng được Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 cho tới năm 1987, nói với RFA lúc sinh thời :
"Thứ nhất là tình báo của chúng ta quá kém. Hai nữa là chúng ta quá tin vào những người lãnh đạo Trung Quốc. Quá tin vào tình hữu nghị Việt Trung ! Chúng ta cũng sơ hở ở chỗ là trước cuộc chiến tranh 79 thì tôi biết Trung Quốc đã làm rất nhiều con đường từ nội tỉnh của họ ra biên giới Việt Nam, thế nhưng mình không ngờ rằng đến năm 79 họ tiến quân theo những con đường đó sang đánh Việt Nam. Đó là một kinh nghiệm.
Thứ hai nữa là mình mất cảnh giác. Tôi nhớ lại bắt đầu thì chúng ta cũng đã có báo động rồi nhưng đến trước hôm 17 thì Tổng Tham mưu trưởng của chúng ta lại hạ cấp báo động. Cho nên ngày 17 thì họ đánh chúng ta và chúng ta không có quân chủ lực ở trên đó, chỉ có dân quân và bộ đội địa phương thôi".
Trong tình hình hiện nay, với Việt Nam, có lẽ việc hiện đại hóa quân đội, hiện đại hóa vũ khí và đa dạng hóa quan hệ quân sự với các nước là yếu tố vững chắc để Trung Quốc hiểu rằng, không phải muốn làm gì Việt Nam thì làm !