Việt Nam với Covid-19 cũng giống như một người ngồi dưới chân đập, khi đập tràn thì người ngồi dưới chân đập có thể không bị ướt, nhưng khi vỡ đập thì người ngồi dưới chân đập hết đường chạy, chỉ có một hệ quả duy nhất là chết. Trong suốt gần năm qua, Covid-19 có vẻ như không hề hấn gì với Việt Nam, đến lần báo động thứ ba này thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Vì sao ?
Khu vực cách ly ở ngõ số 10, phố Trần Văn Giáp, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương. (Hình minh họa : Nhân Dân)
Ở đây có mấy vấn đề : Vì sao gần một năm qua, tình hình chống dịch tại Việt Nam luôn giữ ngưỡng an toàn ? Các số liệu an toàn về chống dịch tại Việt Nam có xác suất bao nhiêu phần trăm đúng, chính xác ? Và tại sao đợt bùng phát thứ ba này có thể gây vỡ trận với Việt Nam ?
Ở vấn đề thứ nhất, vì Việt Nam quá gần Trung Quốc, người Việt vốn rất ngán ngẫm những gì liên quan đến hai chữ Trung Quốc nên khi nghe Vũ Hán vỡ trận thì hầu hết người Việt đều rất lo lắng, phòng thủ, giá khẩu trang tăng dồn dập, tất cả các loại tinh dầu được cho rằng sẽ ngăn ngừa được virus đều tiêu thụ rất nhanh và tăng giá vùn vụt, từ người giàu cho đến người nghèo đều tích trữ lương thực phòng khi có biến. Và hơn hết, Việt Nam là một quốc gia vẫn còn giữ được nền nông nghiệp chủ đạo, lương thực không bị khan hiếm, hơn nữa các loại thực phẩm và lương thực dành để xuất sang Trung Quốc được giữ tại chỗ, tiêu thụ tại chỗ và lượng cung đột ngột tăng. Chính điều này khiến cho các đợt cách ly, giãn cách đầu tiên diễn ra khá thuận lợi. Vì người dân không chủ quan, phòng chống ráo riết, vì lương thực dự trữ luôn ở mức thừa và có sự hỗ trợ, luân chuyển lương thực kịp thời.
Bên cạnh đó, câu hỏi thứ hai cũng cần được giải quyết rõ ràng, đó là các số liệu an toàn chống dịch tại Việt Nam có đáng tin cậy hay không ? Cho đến thời điểm này, khi một ca nhiễm là lao động Việt Nam sang Nhật Bản, bị phát hiện dương tính và sau đó là hàng loạt ca nhiễm khác thì có vẻ như chỉ số an toàn Covid-19 tại Việt Nam rất đáng nghi ngại. Bởi vì trước khi lên máy bay sang Nhật hay bất kỳ quốc gia nào, người di chuyển phải qua kiểm tra sức khỏe, kiểm dịch. Sau khi mọi thứ an toàn mới được lên chuyến bay. Cô gái là công nhân bay sang Nhật cũng không ngoại lệ. Rõ ràng, ở đây có một sự sai sót từ phía Việt Nam, và điều đó khiến người ta suy nghĩ, đặt dấu hỏi liệu những sai sót này có phải là trường hợp đặc biệt ? Và với bệnh dịch, không có đặc biệt hay bình thường mà chỉ có sai sót hoặc chính xác, nếu chính xác thì có thể phòng chống, ngăn ngừa tốt, nếu sai sót thì mọi thứ có thể bùng nổ. Một khi dịch bùng nổ thì hậu quả của nó khỏi phải nói thêm !
Và, điều đáng sợ hơn cả đã xảy ra, có nghĩa là trạng thái "vỡ đập" Covid-19. Vỡ đập ở đây phải được hiểu là thành trì an toàn trong ý thức người dân đã bị phá vỡ chứ không phải thành trì chống dịch bị vỡ. Thành trì chống dịch bị vỡ là hệ quả tất yếu sau khi thành trì tâm lý/ý thức bị vỡ. Vì, sau hai đợt chống dịch, Việt Nam rơi vào tình trạng tự mãn tột đỉnh, hầu hết cán bộ, đảng viên đều "tự hào" về thành tích chống dịch, giới cán bộ y tế bắt đầu có biểu hiện tự mãn, hách dịch vì những thành tích có được và đặc biệt, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc không ngại ngần tuyên bố rằng "Ngày xưa, cột điện Việt Nam chạy sang Mỹ thì bây giờ, nếu cột điện Mỹ mà có chân, nó cũng sẽ tìm chạy sang Việt Nam", câu nói này ngụ ý tình trạng y tế ổn định và chống dịch tốt của Việt Nam trong lúc Mỹ như dầu sôi lửa bỏng vì Covid-19.
Câu nói tự mãn của Thủ tường Phúc vô hình trung trở thành trái bộc phá đánh thẳng vào thành trì ý thức của người Việt Nam, thay vì tự hỏi liệu chống dịch đến bao giờ, liệu phải làm gì để duy trì chống dịch, liệu phải có kế hoạch tài chính dài hạn ra sao trước tình hình biến động vì dịch của thế giới… ? Thì người ta trở nên chủ quan, vui chơi, hưởng thụ. Nhất là trong dịp Tết, dường như không riêng gì người dân mà cả thành phần cán bộ, trí thức vẫn tỏ ra chủ quan, lơ là trước đại dịch. Ăn nhậu, hát hò, tụ tập đám đông, tổ chức bán pháo hoa, tổ chức hội hè đình đám… Dường như các tỉnh chưa được báo động đều không ngán gì dịch. Và trong cái Tết Tân Sửu này, lượng người di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác có thể nói là không thể quản lý được.
Một chốt kiểm soát y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hải Dương. (Hình minh họa : Nhân Dân)
Chỉ riêng chuyện người Trung Quốc trốn sang Việt Nam không thôi cũng đã khiến cho ngành an ninh Việt Nam phải chạy đôn chạy đáo, tìm tới tìm lui để truy vết, để chặn giữ. Còn chuyện người tỉnh này qua tỉnh khác thì không có an ninh nào quản lý nổi. Ví dụ như người từ Sài Gòn về Quảng Nam, Thừa Thiên Huế hay các tỉnh miền Trung đều có thể lên máy bay nếu không ở các quận báo động. Trong khi đó, ai dám đảm bao không có các tương tác, giao lưu giữa quận này với quận kia ! Và ai dám đảm bảo người từ quận an toàn không hề qua lại với quận bị báo động trước đó ? Mọi thứ hoàn toàn mù mịt. Và việc di chuyển, giả sử có quản lý thì cũng chẳng thể. Tình trạng chuyển xe, thuê/mượn xe từ tỉnh an toàn để đi sang tỉnh khác xảy ra khắp mọi nơi. Ví dụ như người Hà Nội vào Đà Nẵng, các trạm kiểm dịch bên đường chỉ nhìn biển số xe, nếu là xe mang biển số 29 thì cảnh sát giao thông sẽ chặn xe, cho kiểm tra thân nhiệt và có thể đưa đi cách ly. Nhưng, để đối phó tình trạng này, không ít người Đà Nẵng ở Hà Nội trong lúc bị dịch, đã bí mật sang tỉnh Thanh Hóa để thuê xe về Đà Nẵng, thậm chí "kĩ" hơn, người ta đi xe từ Thanh Hóa vào Nghệ An rồi lại đi xe Nghệ An về Đà Nẵng, chẳng mấy ai kiểm tra, chốt chặn gì.
Chỉ riêng vấn đề đi lại trong ba ngày Tết tại các tỉnh thành Việt Nam là không thể quản lý được. Rồi chuyện tụ tập, ăn nhậu, giải trí, hát với nhau, người này chuyền micro cho người khác hát, cứ như vậy, cái micro có thể là đường dẫn tốt nhất trong việc truyền dịch bệnh ở các đám tụ tập tất niên, cưới hỏi, họp lớp, họp mặt đầu năm. Đáng sợ hơn cả, dịch chính là cơ hội để người ta uống rượu bia tốt nhất. Vì khi có báo động dịch, hoạt động kiểm tra nồng độ cồn trong máu của ngành cảnh sát giao thông bị giảm thiểu tối đa, người ta bắt đầu chủ quan, ăn uống, thậm chí uống rượu bia rồi vẫn cầm vô lăng lái xe hơi. Và khi tình trạng chủ quan, lơ là diễn ra khắp mọi ngõ ngách thì khó lòng để nói rằng dịch không luân chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Một cái Tết mà mọi thứ hoạt động mặc dù không được nhà nước đồng tình nhưng vẫn diễn ra khắp mọi nơi, người ta vẫn đi chơi, vẫn thoải mái, nếu cẩn thận một chút thì đeo khẩu trang trong các đám đông… thì liệu nó có an toàn trong việc phòng chống dịch ? Không, câu trả lời là quá nguy hiểm, bởi thành trì ý thức trong người dân đã bị đánh sập, một khi thành trì này bị đánh sập thì mọi thứ phòng chống chỉ có tính vá víu, tạm bợ, đối phó tức thời. Và điều đáng sợ khác là hầu hết cán bộ địa phương tại Việt Nam đều có trình độ tri thức rất yếu kém, xài bằng giả nhiều, nên việc cập nhật về phòng chống dịch của họ cũng méo mó. Ví dụ như dễ thấy nhất là tỉnh Hải Dương hiện tại và hầu hết các trạm cách ly trước đây đều để những người cần cách ly sống chung trong một khu, các sinh hoạt, tương tác hằng ngày của họ có thể gây nhiễm chéo nếu như trong số họ có người dương tính.
Tôi chứng kiến một trạm trưởng trạm y tế xã, người chỉ huy kĩ thuật của một chốt kiểm dịch và một trung tâm cách ly ở một xã miền Trung trong đợt chống dịch lần 2. Khi chứng kiến hành trạng của ông này, tôi quyết định sẽ không có bất kỳ tiếp xúc gần nào với ông, bởi thái độ chủ quan, lơ là, làm để lấy thành tích chứ không đảm bảo vệ sinh an toàn chống dịch của ông ta khiến tôi rất lo rằng nếu trong những người cách ly này có một người dương tính thì xem như xong. Cái bài chống dịch lùa hàng loạt người vào khu cách ly, trích tiền công quĩ và kêu gọi đoàn thể, hội đoàn nấu ăn, tiền hô hậu ủng của các chính quyền địa phương chỉ cho thấy tính thiếu an toàn và tính phong trào, lấy thành tích quá cao nhưng hiệu quả thì khó lường.
Và với kiểu làm việc này, chắc chắn sẽ không có độ bền, khi chưa có dịch thực sự thì mọi thứ náo động, hội này, đoàn nọ nấu cơm, mang cơm, chụp hình, kêu gọi quyên góp… Nhưng khi dịch thực sự xảy ra thì mọi thứ bắt đầu mỏi, tính vô trách nhiệm và xôi thịt hiện ra rất rõ, đến suất ăn hằng ngày của người đang cách ly cũng bị cắt xén thê thảm, và không chừng, khi thực sự bùng vỡ như Vũ Hán ở bất kì tỉnh nào tại Việt Nam, thì kẻ hốt của bỏ chạy đầu tiên chính là các cán bộ phòng chống dịch. Nghĩa là họ cắt xén, gom lương thực cho bản thân, gia đình, người thân của họ để đảm bảo sống sót, các khu cách ly sẽ bị bóc đến lớp cuối cùng. Chuyện này đã xảy ra khá nhiều trong các hoạt động cứu trợ, từ thiện sau thiên tai. Bởi chống dịch có chỉ đạo và sách lược nhà nước, chính phủ nên mọi chuyện vẫn chưa đến nỗi lộn xộn khi tình hình còn quản lý được. Trường hợp vỡ trận thì khó mà lường được chuyện gì xảy ra !
Sau Tết Tân Sửu, mọi thứ vẫn là một ẩn số đầy bí hiểm. Mọi người nên hết sức cẩn thận, đừng chủ quan lơ là giây phút nào !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 17/02/2021