Ra Luật Hải cảnh – Trung Quốc đuổi quân đội Việt Nam vào bờ
Hoàng Trung, Thoibao.de, 21/02/2021
Luật Hải cảnh mới cho phép tàu hải giám bắn tàu bè nước ngoài do Quốc hội Trung Quốc thông qua hôm 22/01/2021, chỉ vài ngày trước khi Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội 13, được giới quan sát quốc tế đánh giá là biện pháp mà Trung Quốc dùng vũ lực để khẳng định mình là "ông chủ duy nhất" ở các vùng biển có tranh chấp đặc biệt là Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc - Ảnh minh họa
RFI dẫn lời của nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Lyon (ENS de Lyon) nhận định đây là "một mối nguy hiểm cho các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc".
Học giả này phân tích :
Về mặt chính thức, Bắc Kinh nói rằng Luật Hải cảnh nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các quyền hàng hải của Trung Quốc. Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, luật hoàn toàn phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì được nêu trong 84 điều, được chia thành 11 chương, và cho dù luật cố định nghĩa chính xác bộ khung pháp lý can thiệp của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, thì vấn đề đặt ra là luật này vẫn không nêu rõ đâu là những vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Thực vậy, người ta có thể thấy không gian này được nhắc trong điều 3. Điều này ghi : Luật được áp dụng đối với các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và ở phía trong và trên vùng biển nằm trong quyền tài phán của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhưng khu vực này lại không được nêu cụ thể.
Nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến mưu đồ của Trung Quốc là qua luật này cũng như một số luật trước đó trong đó có "Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp" năm 1992, Trung Quốc gia tăng áp lực pháp lý lên vùng biển tranh chấp cụ thể là nhằm mục đích củng cố tính hợp pháp trên thực địa những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, kể cả ở Biển Đông, bởi vì luật cũng đề cập rõ đến các đảo và đá ngầm.
Cụ thể, điều 12 ghi rằng Cảnh sát biển có thể tiến hành tuần tra để bảo vệ các đảo và đá ngầm và quản lý biên giới trên biển. Vẫn điều 12 quy định rằng lực lượng Cảnh sát biển có thể đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh cho các đảo và đá ngầm, cũng như các đảo nhân tạo và các công trình cơ sở hạ tầng. Điều đáng chú ý ở đây là các đảo nhân tạo nằm ở Biển Đông và không nằm trong vùng biển của Trung Quốc.
Vì thế, có thể thấy là luật này nhắm đến mục đích tăng tính pháp lý cho sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, làm dày thêm kho tài liệu pháp lý của Trung Quốc về khu vực này và có khả năng dẫn đến thay đổi quyền tài phán liên quan đến Biển Đông được quy định theo luật pháp quốc tế. Tóm lại, đây là đích ngắm trong trung hạn ẩn sau kế hoạch này.
Trên một khía cạnh khác, Luật Hải cảnh còn biến một lực lượng có nhiệm vụ trị an, tìm kiếm cứu nạn, lực lượng Cảnh sát biển trở thành một công cụ hăm dọa của quân đội Trung Quốc, ép các nước láng giềng tuân thủ quy tắc do họ đặt ra nếu không muốn lĩnh hậu quả.
Nhà nghiên cứu người Pháp đánh giá đây là một sự nguy hiểm khác.
Quy chế của lực lượng hải cảnh Trung Quốc rất mập mờ.
Trên thực tế, đây là một lực lượng bán quân sự hơn là một cơ cấu cảnh sát.
Cảnh sát biển Trung Quốc, từng là một nhánh của Tổng cục Hải dương Quốc gia vào năm 2013, hiện nằm dưới sự quản lý của Quân ủy Trung ương do ông Tập Cận Bình làm chủ tịch.
Nhưng lực lượng này lại không được coi là một phần của Hải quân Trung Quốc. Và điều này cho phép lực lượng hải cảnh tiến hành những chiến dịch mà nếu do các tầu chiến đảm nhiệm thì có nguy cơ dẫn đến các cuộc đối đầu vũ trang.
Vì vậy việc sử dụng lực lượng này mang mục đích chính trị. Trung Quốc để quy chế mập mờ, nước đôi của lực lượng Cảnh sát biển vì điều đó cho phép Bắc Kinh giữ được thế mạnh trên thực địa mà vẫn tránh được các mâu thuẫn.
Từ những yếu tố trên, nhà nghiên cứu nhận định Cảnh sát biển Trung Quốc là một mối nguy hiểm tiềm tàng cho các nước láng giềng vì nó cho phép Trung Quốc chiếm ưu thế trên thực địa mà vẫn có thể tránh được đối đầu trực diện với các nước trong vùng.
Hơn nữa, ngoài nhiệm vụ áp dụng luật của Nhà nước trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, với luật mới này, Hải cảnh Trung Quốc có thêm chức năng địa – chính trị mới nhờ vào quyền hạn được trao cho lực lượng này về mặt pháp lý, trong đó có việc được phép can thiệp chống tầu thuyền nước ngoài và sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Những điều khoản liên quan đến tầu thuyền nước ngoài gồm có điều 7, 20 và 21, quy định rằng Cảnh sát biển Trung Quốc có quyền tiến hành các biện pháp cảnh cáo, kiểm tra để bắt giữ tầu quân sự nước ngoài.
Họ có quyền bắt các tầu nước ngoài rời khỏi những khu vực hoặc vùng biển có tranh chấp.
Họ cũng có quyền sử dụng vũ lực. Việc này được nêu trong các điều 22, 47 và 48. Theo ba điều này, Hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng vũ khí cầm tay, vũ khí được phóng từ tầu và hoặc từ trên không.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vũ khí được trang bị trên tầu, hoặc phóng từ trên không cho thấy khả năng sử dụng vũ khí hạng nặng hơn, có tính chất hủy diệt hơn của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc.
Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc trong lần xâm phạm chủ quyền Việt Nam vào năm 2019
Qua đó có thể thấy là nhiều loại vũ khí không được trang bị cho Hải cảnh Trung Quốc nhưng lực lượng này lại có thể dùng đến để đối phó hiệu quả hơn với tầu thuyền nước ngoài, trong đó có lực lượng Hải quân Mỹ.
Cảnh sát biển Trung Quốc là lực lượng Hải cảnh lớn nhất thế giới và có nhiều tầu nhất, từ 400 đến 500 tầu. Hải cảnh Trung Quốc cũng có những con tầu mạnh nhất thế giới trong đội tầu kiểu này.
Ví dụ, vào năm 2017 hai con tầu lớn nhất của Hải cảnh thế giới đã được bổ sung vào lực lượng này. Đó là những con tầu có lượng giãn nước tới 12.000 tấn và có tốc độ rất cao.
Người ta cũng nhận thấy là đội tầu Hải cảnh Trung Quốc còn có nhiều tầu thực ra được chuyển từ Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sang. Có nghĩa là đó là những con tầu chiến được tái bổ sung vào lực lượng Hải cảnh với chức năng được mở rộng, như chúng ta đề cập ở trên, và một số điểm trong phần nhiệm vụ của lực lượng này thực ra phải thuộc về Hải quân.
Do đó, chúng ta có thể thấy là chức năng của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc vừa mơ hồ, vừa nhập nhằng, đặc biệt theo những chi tiết trên, thì đó là một đội tầu mang tính quân sự nhiều hơn.
Liên quan đến mối đe dọa từ Luật Hải cảnh cũng như lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đối với Việt Nam và ngư dân Việt Nam, học giả người Pháp phân tích :
Khó khăn đầu tiên cho Việt Nam là ở chỗ thiếu sự rõ ràng trong hành động của Trung Quốc và tính mập mờ trong cách diễn giải về không gian có thể có liên quan đến việc áp dụng Luật Hải cảnh mới này. Vấn đề ở chỗ, tình huống không rõ ràng thì sẽ tăng nguy cơ tính toán sai lầm và như vậy sẽ tăng nguy cơ xảy ra sự cố.
Mối đe dọa thứ hai liên quan đến nội dung được đề cập trong điều 3 về việc áp dụng luật này ở trong và bên trên vùng biển.
Tàu cá của ngư dân ở Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng nề sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công hồi tháng 06/2020
Điều này ngụ ý rằng khi làm nhiệm vụ, Hải cảnh Trung Quốc chú ý đến cả không phận phía trên vùng biển. Đây là điểm gây lo ngại về khả năng Bắc Kinh gấp rút thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Như vậy, Hải cảnh Trung Quốc có thêm nhiệm vụ áp dụng luật trong khu vực này.
Điểm thứ ba đáng lo ngại là nội dung được ghi trong điều 12, theo đó Cảnh sát biển Trung Quốc giám sát, kiểm tra các hoạt động bất kể đó là hoạt động nuôi, khai thác hải sản hay đánh bắt. Dĩ nhiên, đây là điểm gây lo ngại vì chúng ta biết rằng một phần sự cố giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của các tầu cá.
Việt Nam hiện phải đối phó với sức ép từ Trung Quốc. Hà Nội có thể phản ứng qua đường ngoại giao bởi vì nhiều nước khác đã lên tiếng phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc, như Nhật Bản, Philippines, Malaysia. Việt Nam có thể thử theo lập trường của những nước này và cùng đưa ra một lập trường chính thức chung, có thể gây được chú ý trên thế giới và mang tính răn đe đối với Trung Quốc.
Nhưng song song đó, Việt Nam cũng có thể hợp tác với Trung Quốc bằng cách đề xuất tổ chức các cuộc diễn tập chung giữa lực lượng Hải cảnh hai nước theo hướng quản lý và dàn xếp các sự cố hoặc các trường hợp bất ngờ.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền cộng sản Việt Nam không có phản ứng gì đáng kể với việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh đe dọa trực tiếp đến sự an toàn tính mạng ngư dân Việt Nam cũng như chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam.
Đúng một tuần sau khi quốc vụ viện Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh cho phép hải cảnh bắn giết ngư dân Việt Nam trên biển Đông, chiều 29/01/2021 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới công bố quan điểm của Hà Nội.
Chính quyền không hề lên tiếng phản đối hay lên án hành động côn đồ, xấc xược của người bạn vàng phương Bắc mà chỉ nhỏ nhẹ nhắc lại "chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi".
Như bao lần khi nói về chủ quyền ở biển Đông, chính quyền Việt Nam luôn nhắc lại rằng :
"Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế ; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó".
Cho đến cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 04/02 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, khi được đề nghị nêu quan điểm liên quan đến việc ngày 01/02 vừa qua, Luật Hải cảnh Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng lặp lại những điều trên, không hề đề cập trực tiếp đến quan điểm của Việt Nam về văn bản pháp lý gây tranh luận này của Trung Quốc.
Facebooker Phan Nguyên bình luận :
"Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam không lên án, không phản đối Trung Quốc, không làm như Philippines mà luôn luôn chỉ đưa bà Hằng ra khẳng định điều này điều kia một cách chiếu lệ ? Quốc thể Việt Nam đâu rồi ? Tại sao Trung Quốc dọa – và đã từng thực hiện hành vi bắn giết ngư dân Việt Nam nhiều lần dù chưa có luật hải cảnh – giết dân mình mà chỉ lên tiếng vừa trễ, vừa chiếu lệ mà chắc chắn Trung Quốc sẽ để ngoài tai.
Hơn hết, tại sao nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa bao giờ cho ngư dân Việt Nam có cảm giác là mình được Chính phủ và Hải quân đất nước mình bảo vệ, ngoài việc khoe phát hàng vạn lá cờ ?
Ai là người có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản cho ngư dân nếu không phải là chính quyền và quân đội ?
Việc này vừa khôi hài vừa tàn nhẫn".
Hoàng Trung (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 21/02/2021
***********************
Việt Nam trước lời hứa của Trung Quốc không áp dụng Luật Hải cảnh đối với Philippines ?
Thanh Trúc, RFA, 20/02/2021
Sau khi Philippines gởi công hàm phản đối Luật Hải cảnh được Quốc Vụ Viện Trung Quốc thông qua hôm 22/1/2021, cho phép tàu hải cảnh Trung Quốc quyền nổ súng vào tàu nước ngoài lai vãng trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, vào ngày 16/2 Trung Quốc tuyên bố không áp dụng luật này đối với Philippines.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc truy đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam (không có trong hình) gần giàn khoan HD 981 ở Biển Đông hôm 15/7/2014 - Reuters
Tin được đại sứ Philippines ở Trung Quốc, ông Chito Sta Romania, loan báo trong buổi họp báo hôm 16/2 tại Manila. Ông nói rằng ông được phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao và cả Ngoại trưởng Trung Quốc cam kết rằng Luật Hải cảnh này không nhắm vào Philippines hay bất cứ một đất nước nào khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 cũng nói rằng luật mới được thông qua của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tại Việt Nam ngày 29/1, phát biểu liên quan đến Luật Hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói với báo chí rằng "Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, thiện chí thực thi luật pháp quốc tế, UNCLOS, không hành động làm gia tăng căng thẳng và tích cực đóng góp cho sự hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông".
Theo nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ luật Hoàng Việt, lời hứa không dùng Luật Hải cảnh với Philippines có 2 hàm ý gần xa liên quan tới Việt Nam mà Trung Quốc muốn gián tiếp bày tỏ :
"Trung Quốc đang tìm cách như là muốn cô lập Việt Nam. Quan hệ Việt Nam Trung Quốc những năm gần đây càng xa rời nhau. Cụ thể tháng 10/2020 ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đi thăm 5 nước ASEAN không có Việt Nam. Đầu 2021 ông Vương Nghị đi tiếp 4 quốc gia ASEAN nhưng cũng không có Việt Nam. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất mà ông Vương Nghị không tới"
"Hàm ý thứ hai, lời nói của Trung Quốc có tin được hay không. Chủ tịch Trung Quốc từng hứa với Tổng thống Mỹ sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa nhưng thực tế có như vậy không. Trung Quốc ít khi giữ lời hứa với nhiều quốc gia và thậm chí cả với Việt Nam. Chính vì vậy Philippines có tin được vào lời hứa không áp dụng Luật Hải cảnh mà Trung Quốc hứa hay không".
Thạc sĩ Hoàng Việt nói Việt Nam cần trình bày quan điểm một cách mạnh mẽ và cụ thể hơn thay vì cứ phát biểu chung chung như vậy. Với Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc thì Việt Nam phải làm gì để bảo vệ ngư dân, là câu hỏi mà thạc sĩ Hoàng Việt nêu ra :
"Về mặt lý thuyết Việt Nam vẫn nói cần nâng cao năng lực Cảnh sát biển để chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc. Thực sự Hải cảnh Trung Quốc là lực lượng bán quân sự mà vũ trang còn mạnh hơn cả hải quân của một số quốc gia khác. Vì vậy rất khó có thể dùng lực lượng Cảnh sát biển nếu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, đàn áp ngư dân Việt Nam cũng như các tàu thăm dò dầu khí trên vùng biển của Việt Nam".
Một nhà quan sát tình hình Biển Đông khác, nhà báo Đỗ Thông Minh đang sinh sống tại Nhật Bản, cho rằng giả sử Trung Quốc cũng hứa với Việt Nam y như đã hứa với Philippines thì cũng đừng lấy đó làm mừng vì :
"Trong quá khứ nhiều tàu cá Việt Nam đã bị Trung Quốc bắn (hoặc đâm chìm). Khi Trung Quốc đưa ra Luật Hải cảnh coi như là chính thức hóa chuyện có thể đụng độ. Quan hệ Philippines-Trung Quốc là mối quan hệ tế nhị, Tổng thống Duterte có thái độ khó khăn với Mỹ nhưng mềm mỏng với Trung Quốc, hai bên lại có thỏa thuận khai thác cá chung quanh quần đảo Hoàng Nhan (Scaborough)"
"Nhưng mọi lời nói có tính chất ngoại giao thì chỉ có giá trị nhất thời. Khi tình hình thay đổi hoặc khi có trường hợp ngoài dự tính thì có những chuyện không ngờ tới được. Trung Quốc nói gì thì nói chứ không có gì thực sự bảo đảm về lâu về dài hết".
Theo nguồn từ Kyodo News, Nhật Bản không loại trừ khả năng cho sử dụng vũ khí tại vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku sau khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.
Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/5/2014. Reuters
Nhà báo Đỗ Thông Minh xác nhận tin được cục trưởng Cục Cảnh sát biển Nhật Bản loan báo ngày 18/2 vừa qua mà theo ông có thể khiến Việt Nam tự tin hơn trong việc đối phó với Hải Cảnh Trung Quốc :
"Quần đảo này Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ở phía Nam Okinawa cách bờ biển Phúc Kiến của Trung Quốc khoảng 300Km. Đôi khi có tình trạng căng thẳng nhưng chưa bao giờ có đụng độ. Mới đây Nhật Bản thông báo Trung Quốc cho lệnh nổ súng thì ngược lại Nhật Bản cũng có quyền nổ súng".
"Chuyện Nhật và Việt Nam hỗ trợ nhau trong vấn đề đối phó với Trung Quốc. Khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền thủ tướng thì ông đi Việt Nam liền và hứa hẹn giúp cho Việt Nam từ vấn đề Cảnh sát biển. Hiện tại tàu Cảnh sát biển của Nhật có lẽ Việt Nam dùng nhiều nhất.Thứ nhì là những ca nô của Mỹ nhưng nhỏ hơn, còn Nhật thì đưa cho Việt Nam tàu lớn hơn cả cũ và mới".
Việt Nam vẫn có thể khởi kiện Trung Quốc như Philippines trong tình thế cam go thường xuyên do Bắc Kinh tiếp tục gây ra trong hải phận Việt Nam, là lời nhà nghiên cứu Hoàng Việt :
"Theo tôi cũng như một số các chuyên gia thì Việt Nam vẫn có thể sử dụng biện pháp hòa bình, đó là đưa vấn đề ra trước một Tòa Án Quốc Tế, cụ thể là Tòa Trọng Tài Quốc Tế như Philippines đã làm năm 2013 và được phán quyết năm 2016. Ngoài ra nếu Việt Nam đưa vấn đề này ra Tòa thì để xem Tòa giải quyết là Hải Cảnh Trung Quốc có thẩm quyền trên khu vực biển của Việt Nam hay không".
Chắc chắn Tòa Quốc Tế sẽ giải quyết như đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines, Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh. Giải quyết được tới đâu thì Việt Nam sẽ nương theo mối quan hệ đang tăng trưởng tới đó với Mỹ, Nhật, Australia vân vân để các nước này giúp đưa phán quyết của Tòa vào áp dụng thực tế.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 20/02/2021