Ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam vừa đồng ý giao phi cảng Hớn Quản cho chính quyền tỉnh Bình Phước và chính quyền tỉnh này đã quyết định mở rộng diện tích phi cảng này đến 400 héc ta hoặc 500 héc ta để làm một phi trường lưỡng dụng (1).
Sân bay Tân Sơn Nhất. Hình minh họa.
Sau vô số phong trào, từ xây dựng nhà máy xi măng, nhà máy đường, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, nhà máy nhiệt điện, cảng cá, cảng biển quốc tế, khu công nghiệp, khu kinh tế đến sân golf, cổng chào, tượng đài, giờ là thời của phi cảng !
Chẳng hạn bất kể các khuyến cáo – phân tích thiệt, hơn của chuyên gia nhiều ngành, Ninh Bình vẫn đề nghị Bộ Giao thông và vận tải bổ sung cảng hàng không của tỉnh này vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050 (2). Ở miền Trung, Quảng Trị (3) và Ninh Thuận (4) cũng không chịu kém cạnh, thành ra cả hai tỉnh này cũng đang vận động để có… phi cảng riêng !
Hà Nội với tư cách thủ đô, tự thấy phi cảng Nội Bài là chưa đủ thành ra muốn có thêm một phi cảng khác ở huyện Ứng Hòa. Nếu tham vọng này không được đáp ứng thì theo mong muốn của nhiều địa phương, không phận Hà Nội cũng vẫn bị hàng loạt phi cảng vây chặt : Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km. Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương) cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km. Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km (5).
***
Cách nay khoảng 20 năm, các chuyên gia nhiều giới (kinh tế, hàng không…) từng cảnh báo, khi khoảng cách giữa nhiều phi cảng quá nhỏ (chỉ từ vài chục đến chừng hơn một trăm cây số) và khi hệ thống giao thông đường bộ đã cũng như đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển thì đầu tư xây dựng, nâng cấp các phi cảng là vứt tiền qua cửa sổ nhưngQuy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốcvẫn liên tục thay đổi theo ý muốn của hệ thống công quyền.
Tháng 3 năm 2016, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chính thức thú nhận, trong 22 phi cảng thì chỉ Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) sinh lợi, 20 phi cảng còn lại đều lỗ nặng. Lượng khách hàng năm của 20 phi cảng đó chỉ dao động trong khoảng từ 8% đến 37% so với qui mô đầu tư. Đó cũng là lý do sau khi biến Trà Nóc thành… phi cảng quốc tế, chính quyền thành phố cần Thơ đề nghị dùng công quỹ để bù lỗ cho các hãng hàng không mở đường bay đến Trà Nóc (6).
Tuy nhiên đầu tư vào phi cảng không hề giảm. Thời điểm đó, bất kể khuyến cáo, phân tích thiệt – hơn của các chuyên gia, bất chấp đa số phi cảng lỗ nặng, chính phủ Việt Nam vẫn phê duyệt đầu tư vào phi cảng Nà Sản (Sơn La), Tân Uyên (Lai Châu), Sapa (Lào Cai), Vân Đồn (Quảng Ninh), chấp nhận nâng cấp Thọ Xuân (Thanh Hóa) thành phi cảng quốc tế như phi cảng quốc tế Trà Nóc ! Việc xây dựng mới, nâng cấp các phi cảng như vừa kể ngốn của ngân sách khoảng 227.800 tỉ đồng (tương đương 14,2 tỉ Mỹ kim) (7) !
Rõ ràng, vốn (thuế, tiền vay cả trong lẫn ngoài Việt Nam và phải trả lãi) rót vào hệ thống phi cảng không những không sinh lợi còn khiến nợ nần càng ngày càng lớn không quan trọng, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương đang xemquy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cho giai đoạn từ 2021 - 2031 và định hướng đến năm 2050là cơ hội, với chính phủ thì đó là cơ hội soạn – duyệt, với các tỉnh thì đó là cơ hội đoạt được suất đầu tư (8) !
Theo tính toán của các chuyên gia,quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cũ không chỉ lãng phí mà còn giảm hiệu quả hoạt động của các phi cảng đã được đầu tư trước đó, gia tăng rủi ro thua lỗ dây chuyền vì mật độ phi cảng quá dày (ở miền Trung, tỉ lệ dân số tiếp cận phi cảng trong bán kinh 100 km tới 95,94% hơn mức trung bình của thế giới – chừng 75%) nhưng thua lỗ, nợ nần do đầu tư phi cảng không quan trọng. Quan trọng là lại có lý do để soạn – duyệt qui hoạch và nhận đầu tư.
***
Cách nay sáu năm, Chủ tịch tỉnh Sơn La – nơi xin 1.400 tỉ để xây dựng quảng trường, tượng đài - đền thờ "bác Hồ" - từng ấm ức biện bạch với dư luận :Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi (9) ! Năm ngoái, trước những băn khoăn của nhiều giới về đề nghị xây dựng phi cảng ở Gio Linh, một Phó Chủ tịch của tỉnh Quảng Trị, bảo rằng đầu tư vào phi cảng này là đểphục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cả nước vì lâu nay Quảng Trị vốn là trung tâm tâm linh (nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích hoài niệm).
"Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" theo tuyên truyền để vận độnghọc tập và làm theo không quan trọng, quan trọng là tỉnh nào cũng có quảng trường, tượng đài – đền thờ bác Hồ thì Sơn La cũng phải có. Tương tự, tỉnh nào cũng có phi cảng thì Quảng Trị dứt khoát phải giành phần, thiếu nền tảng để thuyết phục thì viện đến yếu tốtâm linh dành cho liệt sĩ và.. hoài niệm. Tài nguyên hay nội lực quốc gia cạn kiệt không quan trọng, quan trọng là đã chia chác thì phải đồng đều !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/02/2021
Chú thích
(1) https://vov.vn/kinh-te/binh-phuoc-se-xay-dung-san-bay-luong-dung-rong-500ha-838231.vov
(4) https://vnexpress.net/ninh-thuan-de-xuat-quy-hoach-san-bay-thanh-son-4171933.html
(6) https://thanhnien.vn/kinh-doanh/dua-mo-san-bay-roi-bu-lo-835210.html
(7) https://laodong.vn/archived/lieu-co-qua-du-thua-san-bay-717821.ldo
(8) https://datviet.trithuccuocsong.vn/bat-dong-san/thi-truong/phan-lon-san-bay-dang-lo-3427966/