Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/02/2021

Để mua sự trung thành, Đảng cộng sản Việt Nam bất chấp quốc tế

Lê Mạnh Hùng - Diễm Thi - rfa

Quanh tin Việt Nam vinh danh 12 cán bộ an ninh ’vì vụ bắt cóc ở Đức’

Lê Mạnh Hùng, BBC, 26/02/2021

Vụ nhà chức trách Đức cho là an ninh Việt Nam ‘bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh’ từ Berlin mùa hè 2017 đang trở lại với dư luận, theo một tờ báo Đức. Từ hơn hai tuần qua, vụ việc CHLB Đức cho là Bộ Công an Việt Nam tổ chức "bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh" vào tháng 7/2017 từ Berlin, đem về Việt Nam qua ngả Cộng hòa Czech, Slovakia và Nga được hâm nóng trở lại.

txt1

Phiên tòa ngày 24/4/2018 ở Berlin liên quan cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Mới nhất, đại diện hãng tin Đức DPA hôm 25/02/2021 tại Hà Nội đã hỏi người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam về chuyện này nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể.

Tại Đức, theo tờ Taz.de (24/02/2021) thì vụ việc có tình tiết mới mà nay Đức biết được, như mô tả trong bài viết  có tựa đề "Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh : Những kẻ bắt cóc được vinh danh" (Entführungsfall Trinh Xuan Thanh : Kidnapper von Hanoi geehrt).

Nhưng từ trước đó, theo báo Dennikn.sk ngày 10/02/2021, Công tố quốc gia Slovakia, qua lời phát ngôn viên Soňa Juríčková đã cho biết họ mở lại cuộc điều tra về vụ "bắt cóc người Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh, dùng phương tiện nhà nước".

Đây là phần nói về nghi vấn Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak của chính phủ tiền nhiệm tại Slovakia cho quan chức cao cấp của Bộ Công an Việt Nam "thuê chuyên cơ" bay từ Bratislava về Moscow, mà các báo Đức nói là để "chở thêm người bị bắt cóc", ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam đã xin tỵ nạn ở Đức. 

Còn theo tờ Taz.de, ông Nguyễn Đức Thoa, sĩ quan liên lạc của Tổng Cục tình báo Bộ Công an trong vai trò nhà ngoại giao tại Berlin, được trao tặng Huân chương chiến công hạng nhất chính là người đã bị phía Đức trục xuất vào mùa hè 2017, chỉ ít ngày sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh diễn ra.

Tờ báo Đức có dòng nhận xét : "Các nhân viên tình báo Việt Nam đôi khi cũng muốn đề cao cái tôi của họ", về việc một người khoe ảnh về chuyên án VT17 trên mạng xã hội. Còn việc các quan chức cao cấp ngành an ninh Việt Nam để lại số liệu cá nhân trong chuyên án VT17 cũng xảy ra khá đơn giản.

Trong một buổi xét xử của Tòa án cấp cao ở Berlin năm 2018 mà tôi có dự về một đồng phạm tham gia hỗ trợ vụ bắt cóc, nhân viên điều tra Đức đã trình bày sai sót về nghiệp vụ tình báo của Trung tướng Đường Minh Hưng, người sang Berlin "chỉ đạo vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh". Theo lời của nhân viên đó, ông Hưng đã sử dụng thẻ tín dụng cá nhân để đăng ký phòng khách sạn tại Berlin. 

"Điệp vụ hoàn thành, về tới Việt Nam phát hiện khách sạn trừ nhầm tiền, ông Hưng đã gửi email đòi lại. Do trở ngại về ngôn ngữ, ông Hưng đã cho khách sạn số điện thoại một cấp dưới của ông vẫn còn ở Berlin để liên lạc giải quyết. Số điện thoại đó là của ông Lê Thanh Hải".

Chính sơ hở đó đã giúp cho an ninh Đức nhanh chóng lần ra các đầu mối của nhóm đi bắt cóc, dẫn tới các cán bộ Đại Sứ quán Việt Nam tại Berlin, một số nhân vật trong cộng đồng Việt ở Cộng hòa Czech. Ngoài ra, việc Thượng tá sĩ quan an ninh Lê Thanh Hải (đã nghỉ hưu) khoe chiến công trên Facebook đã giúp nhà chức trách các nước Châu Âu biết luôn cả 12 đồng đội của ông được chủ tịch nước Việt Nam tặng huân chương vì "tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin". 

Báo Taz.de viết ông Lê Thanh Hải đã được Tòa án Đức năm 2018 mời ra làm nhân chứng nhưng ông từ chối, lấy lý do có quy chế miễn trừ ngoại giao. Phiên tòa cũng nêu tên ông Nguyễn Đức Thoa.

Bức ảnh trong buổi lễ ghi rõ "Kế hoạch VT17" đã cụ thể hóa thêm nhiều điều cho các nhà điều tra Đức và Slovakia. Trong cộng đồng Việt Nam tại Đức hiện có câu hỏi phải chăng vì cái tôi quá lớn đã khiến hai sĩ quan an ninh Việt Nam Đường Minh Hưng và Lê Thanh Hải để lộ đội hình tham gia vụ bắt cóc trên đất Đức, gây thiệt hại cho uy tín của ngành công an Việt Nam ? 

Tòa án cấp cao Berlin năm 2018 từng xác định rõ, đứng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là cơ quan cấp Bộ của Việt Nam, tức là Bộ công an. 

Một câu hỏi được đặt ra là, phải chăng cũng chỉ vì chạy theo thành tích cá nhân mà Bộ công an đã không tính đến những thiệt hại nặng nề trên bình diện quốc tế đối với cả đất nước Việt Nam, khi tổ chức thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức ?

"Quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam", và ưu tiên miễn thị thực nhập cảnh cho các nhà ngọai giao Việt Nam bị tạm ngưng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và chưa thấy có lời tuyên bố nào về việc phục hồi. 

Hàng trăm dự án Đức giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam cũng bị treo bấy lâu nay đâu đã thấy nói tới việc kích hoạt trở lại, theo một nguồn thạo tin tại Đức cho chúng tôi biết.

Cùng lúc là việc Đức và EU mất niềm tin vào lời hứa cải cách theo hướng pháp quyền của chính phủ Việt Nam, và quan hệ hai bên chưa cải thiện 3 năm kể từ ngày xảy ra vụ bắt cóc ở Berlin, nay lại được hâm nóng trở lại. Slovakia thay đổi chính phủ vào năm 2020, bổ nhiệm Trưởng Công tố mới, ông Maros Zilinka.

Cuộc điều tra mới này được ông chỉ đạo mở lại, theo đài báo Slovakia.

Việt Nam chính thức nói gì ?

Trả lời câu hỏi của phóng viên DPA tại Hà Nội hôm 25/02/2021 về tin từ truyền thông Châu Âu nói có vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong chuyên án V1T7" năm 2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thu Hằng trả lời :

"Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị đưa ra xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án". 

Đây cũng là câu trả lời chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam tháng 8/2018, theo báo Người Lao Động.

Tuy thế, bản tin của báo Thanh Niên và Dân Trí về nội dung câu hỏi và trả lời hôm 25/02 đã không còn truy cập được trên hai trang này vào ngày 26/02.

Cũng trong ngày 25/02, các báo Việt Nam cho hay từ ngày 8/03 tới, hai tù nhân đang thi hành án, ông Trịnh Xuân Thanh, và cựu Ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng sẽ phải ra trước một phiên tòa nữa.

Đó là phiên xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Dự án Ethanol Phú Thọ, dự kiến kéo dài 10 ngày.

Lê Mạnh Hùng

Nguồn : BBC, 26/02/2021

*************************

Bộ Ngoại giao " né" câu hỏi về việc ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh

Diễm Thi, VNTB, 26/02/2021

"Phía Việt Nam biết làm thế nào để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin".

VIETNAM-SECURITY/

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 25/2, phóng viên của Thông tấn xã Đức DPA đã đặt câu hỏi về việc Đài Phát thanh và truyền hình nhà nước Slovakia RTV hôm 23/2 đã phát bản tin về việc mà họ cho là liên quan đến chuyên án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mang bí số VT17.

Trong bản tin kể trên và báo Đức Taz cùng nêu thông tin về việc 12 cán bộ của Bộ Công an Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã được Nhà nước vinh danh và trao tặng huân chương vào mùa hè năm 2020 trong chuyên án mang tên VT17.

Đại diện DPA đặt câu hỏi : "Xin người phát ngôn xác thực và bình luận những thông tin mà Đài truyền hình Nhà nước Slovakia và Nhật báo Taz của Đức đăng tải. Có hay không việc Việt Nam tiến hành vụ việc bắt cóc như cáo buộc ?"

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết : "Vụ án Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật đã được xét xử công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, và hiện Trịnh Xuân Thanh đang thi hành án theo bản án của tòa".

Câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao không có gì là ngạc nhiên vì đó đã là đáp án chung cho các cáo buộc của quốc tế dành cho Việt Nam, trả lời vòng vo và hoặc được hỏi gà thì sẽ trả lời vịt.

Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận bất kỳ một cáo buộc nào về việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cả.

Tại cuộc họp báo chiều ngày 3/8/2017 các phóng viên quốc tế cũng từng đặt câu hỏi rõ ràng liệu "Việt Nam có xác nhận lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không ? Và liệu bà có nghĩ vụ việc này có ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước không ? Hiện giờ ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu ?"

Bà Lê Thị Thu Hằng trả lời vòng vo rằng "Theo thông báo ngày 31/7/2017 của Bộ Công an và đã được báo chí đăng tải, ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra".

Bà Hằng lấy làm tiêc về phát biểu ngày 2/8/2017 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức và tuyên bố thêm rằng "Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì và phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Đức".

Ngày 11/8/2018, sau khi phóng viên Reuters đặt câu hỏi "có phải đang có những cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Đức về việc đưa Trịnh Xuân Thanh về Đức hay không", bà Lê Thị Thu Hằng nói "Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị đưa ra xét xử một cách công khai theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam và đang trong quá trình thi hành án".

Năm 2017, khi nói về các diễn biến mới vụ bắt cóc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức đã khuyến cáo : "Phía Việt Nam biết làm thế nào để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin".

Tuy nhiên từ đó đến nay, dường như phía Việt Nam vẫn bình chân như vại. Việc trao huân chương cũng như vinh danh những kẻ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh do Tô Lâm dẫn đầu liệu có sẽ lại xát thêm muối vào khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt vốn vẫn chưa được hồi phục ?

Tóm lược sự kiện

Ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang chấp hành 2 bản án chung thân và còn dính líu đến một số vụ án khác.

Cụ thể, hồi tháng 1/2018, ông Trịnh Xuân Thanh bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án chung thân trong vụ án "tham ô, cố ý làm trái" xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu (khí PVC). 

Hồi tháng 2 cùng năm, ông Trịnh Xuân Thanh cũng lĩnh một án chung thân khác trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại PVP Land và Công ty cổ phần Minh Ngân.

Sắp tới đây, ông Trịnh Xuân Thanh sẽ lại phải ra tòa (cùng với ông Đinh La Thăng và các đồng phạm) trong vụ án liên quan đến một "đại dự án đắp chiếu" ngành công thương – nhà máy Ethanol Phú Thọ.

Diễm Thi

Nguồn : VNTB, 26/02/2021

***********************

Việt Nam khẳng định vụ Trịnh Xuân Thanh là công khai và đúng luật

RFA, 25/02/2021

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào chiều ngày 25/2 nói rằng vụ án Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức dầu khí xin tị nạn tại Đức, đã được xử công khai theo đúng pháp luật Việt Nam.

txt3

Buổi Lễ tuyên dương 12 sĩ quan công an có thành tích xuất sắc trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh diễn ra hôm 7/7/2020 tại Bộ Công an Việt Nam ở Hà Nội. Ảnh : thoibao.de

Bà Hằng nói điều này tại buổi họp báo hàng tuần ở Hà Nội khi được báo chí yêu cầu bình luận về việc truyền thông Slovakia và Đức loan tin về việc 12 người Việt Nam tham gia bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức đã được tuyên dương.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng vụ án Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật đã được tòa án các cấp tại Việt Nam xử công khai, minh bạch theo đúng qui định của pháp luật. Hiện nay, ông Trịnh Xuân Thanh đang thi hành án do toà tuyên.

Đài Phát thanh & Truyền hình Nhà nước Slovakia vào ngày 23/2 phát chương trình truyền hình liên quan vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Nội dung chương trình đề cập đến việc 12 cán bộ thuộc Bộ Công an Việt Nam được tuyên dương, khen thưởng vào năm 2020 do hoàn thành nhiệm vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Cũng liên quan vụ này, vào ngày 24/2, một nhật báo Đức - Taz cũng loan tin về chuyên án có bí số VT17 liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức và trong khi đang xin qui chế tỵ nạn thì bị Công an Việt Nam sang Berlin bắt cóc đưa về Hà Nội vào cuối tháng 7/2017. Phía Việt Nam nói ông Thanh ra đầu thú.

Tin cũng cho biết trước khi bị đưa về Việt nam, ông Thanh nằm trong phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam sang thăm Slovakia và được Bộ Nội vụ nước này cho mượn chuyên cơ để từ đó đến Nga.

Vụ việc gây khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam với Đức và cả giữa Đức và Slovakia một thời gian.

Phía Việt Nam xử ông Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vụ án mua bán đất ở khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội).

Khi những sự việc được phanh phui, Trịnh Xuân Thanh, lúc đó đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã nhiều lần xin nghỉ phép để đi nước ngoài chữa bệnh và không rõ tung tích. Xác định bị can bỏ trốn, Bộ Công an đã quyết định truy nã đỏ quốc tế với đối tượng.

Qua quá trình xét xử, Trịnh Xuân Thanh nhận mức án tù chung thân, bản án có hiệu lực thi hành hồi tháng 5/2018.

Nguồn : RFA, 25/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Hùng, Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 540 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)