Hầu hết các quan chức cộng sản tiến thân theo một nguyên tắc chung, tuy nhiên vẫn có ngoại lệ. Muốn vào Bộ Chính trị thì trước hết phải vào ủy viên trung ương. Nếu ai được ưu ái thì chỉ cần một nhiệm kỳ ủy viên trung ương là vào Bộ Chính trị như Võ Văn Thưởng và Trần Tuấn Anh. Lẽ ra Nguyễn Thanh Nghị cũng sẽ tiến thân như vậy, nhưng vì Nghị đang bị đối thủ của cha quyết cản đường nên Nghị và cha phải bàn tính kế hoạch đi vòng chứ không thể đi tắt như Trần Tuấn Anh hay Võ Văn Thưởng được.
Năm 2016 ông Nguyễn Thanh Nghị lùi về Kiên Giang là bước lùi an toàn
Kế hoạch đi tường bước như sau : Bước một ủy viên trung ương quản lý địa phương, bước hai ủy viên trung ương nhưng quản lý ở trung ương và bước thứ ba là vào Bộ Chính trị.
Nguyễn Thanh Nghị vào ủy viên trung ương đảng khóa 12 và về Kiên Giang là ông ta đã hoàn thành giai đoạn quản lý một địa phương. Đến Đại hội 13 mà nếu không có cản lực của ông Nguyễn Phú Trọng thì Nghị hoàn toàn có thể vào Bộ Chính trị. Đây là con đường tắt dành cho những hạt giống đỏ có thân thế khủng như Nghị. Tuy nhiên với Nghị, giờ đi được đường vòng đã là thành công. Và việc được bầu vào ủy viên trung ương đảng ở nhiệm kỳ hai có thể nói là thành công bước đầu. Tuy gian nan nhưng không bị kỷ luật rồi cách chức hay bị kỷ luật rồi sau đó đá rớt khỏi trung ương đảng thì xem như sự nghiệp chính trị của Nghị chấm dứt.
Vượt qua cản lực một cách ngoạn mục
Từ địa phương mà nhảy vào trung ương thì có 3 nơi để vào. Thứ nhất là ban bí thư, nơi này do ông Nguyễn Phú Trọng làm chủ từ 10 năm nay. Thứ nhì là chính phủ, nơi này do ông Nguyễn Xuân Phúc làm chủ và sắp tới là Phạm Minh Chính sẽ làm chủ. Và thứ ba là Quốc hội, nơi đây do bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ.
Trong 3 nơi đó thì ban bí thư là nơi tốt nhất để đầu quân. Chính Võ Văn Thưởng lần đầu tiên ra trung ương đã đầu quân vào ban bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Thưởng đã vào ủy viên Bộ Chính trị ngay sau khi mới chỉ một nhiệm kỳ làm ủy viên trung ương đảng.
Nơi thứ nhì mà có thể tiến thân được là chính phủ. Từ người quản lí một tỉnh ra trung ương vào chính phủ thì sẽ nắm được một bộ. Từ vị trí bộ trưởng nếu nỗ lực tốt thì cơ hội vào Bộ Chính trị cũng rộng mở. Ông Trần Tuấn Anh khi nắm bộ công thương một nhiệm kỳ thì vào Bộ Chính trị và nắm trưởng ban kinh tế trung ương.
Nơi thứ ba là Quốc hội, nơi nầy thường tiếp nhận các ủy viên trung ương hết thời. Hầu hết các ủy viên trung ương khi dạt về đây thì xem như đường công danh không còn hy vọng gì nữa.
Với Nguyễn Thanh Nghị, muốn vào Ban Bí thì thì khó, vì ban bí thư là lãnh địa của ông Trọng nên không dại gì Nghị vào đó cả. Được biết ban bí thư là nơi chứa 2 loại nhân sự trái ngược nhau : Thứ nhất là loại thăng tiến cao như Võ Văn Thưởng ; Phạm Minh Chính ; Phan Đình Trạc ; Nguyễn Hòa Bình vv… Và đồng thời nơi đây ông Trọng cũng trưng dụng nơi chứa quan chức sắp bị xử lí. Trường hợp Đinh La Thăng là ví dụ. Ông Thăng sau khi bị tước bỏ chức ủy viên bộ chính trị và chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì ông Trọng đưa về làm phó ban kinh tế để chờ xử lí. Hay mới đây ông Trọng đưa cựu bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải về làm phó ban văn kiện đại hội.
Vậy với trường hợp Nguyễn Thanh Nghị thì sao ? Giả sử như Nguyễn Thanh Nghị quyết định chui vào ban bí thư để tiến thân thì ông Trọng sẽ xếp nghị vào loại nào ? Loại hạt giống hay loại tội đồ ngồi đó chờ xử lí ? Với tiền án bị cáo buộc sai phạm đất đai Phú Quốc, nếu Nghị chui vào Ban Bí Thư thì sẽ không còn cửa tiến thân.
Chọn đường đi an toàn, chậm mà chắc
Thực ra khi làm đứng đầu một ban trong ban bí thư dễ vào Bộ Chính trị hơn là đứng đầu một bộ trong chính phủ. Tuy nhiên với Nghị thì chui vào ban bí thư chẳng khác nào chui vào hang hùm, lành ít dữ nhiều. Tuy làm bộ trưởng của một bộ trong chính phủ cơ hội vào Bộ Chính trị thấp hơn nhưng nơi đó là nơi mà cha của Nguyễn Thanh Nghị đã từng làm chủ. Nơi đó cũng còn lắm người đang hàm ơn ông Nguyễn Tấn Dũng nên Nguyễn Thanh Nghị chui vào đó là khá an toàn.
Dự tính của ông Nguyễn Tấn Dũng là, nếu năm 2016 tại Đại hội 12 nếu bản thân ông được ở lại Bộ Chính trị thêm một nhiệm kỳ nữa thì ông sẽ bố trí cho Nghị chức Bộ trưởng Bộ Xây Dựng. Tuy nhiên năm 2016 khi mà ông Nguyễn Tấn Dũng bị Nguyễn Phú Trọng đá ra khỏi Bộ Chính trị thì cha con ông Dũng đã kéo nhau về Kiên Giang xây dựng cơ sở ở đó cho vững trước rồi ra trung ương sau. Đấy là bước lùi của Nghị nhưng không còn cách nào khác vì tại Trung Ương, quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng đã hết và Nguyễn Xuân Phúc là con người mà ông Nguyễn Tấn Dũng không tin tưởng nên không thể để Nghị trú lại Bộ Xây Dựng được.
Nếu để Nghị ở lại Bộ Xây Dựng thì có thể nay Nghị là ứng viên vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên đó là "nếu" không có bị kỷ luật. Chứ còn ở cấp bộ mà dính kỷ luật thì xem như hết đường để tiến thân. Về Kiên Giang là bước lùi, tuy nhiên bước lùi này an toàn hơn. Sự kiểm soát của Nguyễn Thanh Nghị ở tỉnh Kiên Giang rất chặt chẽ, sẽ hiếm có những trường hợp ai dám tố Nghị ra Trung ương. Tuy nhiên ở cấp bộ thì quản lý trên phạm vi toàn quốc, Nghị sẽ không thể kiểm soát hết những ai muốn tố Nghị với Ban Bí Thư hoặc Bộ Chính trị. Đó là lí do tại sao Nguyễn Thanh Nghị phải lùi mới có thể tiến được.
Phạm Minh Chính nhảy ngang qua chính phủ là cơ hội lớn cho Nghị
Từ năm 2011-2016 ông Nguyễn Xuân Phúc là phó thủ tướng thường trực và là người gần Nguyễn Tấn Dũng nhất. Khi đó Phạm Minh Chính còn đang làm bí thư tỉnh Quảng Ninh. Theo lí mà nói ông Nguyễn Xuân Phúc gần Nguyễn Tấn Dũng hơn thì ân nghĩa nhiều hơn chứ ? Nhưng không. Ông Nguyễn Xuân Phúc lúc đó mong ông Nguyễn Tấn Dũng rớt ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 để ông ta có thể lên được ghế thủ tướng. Vậy nên, tuy Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Tấn Dũng có gần thật nhưng ông Dũng hiểu ý của ông Phúc. Ông Dũng không tin tưởng ông Phúc cho lắm.
Còn với Phạm Minh Chính thì khác. Khi ông Chính làm bí thư tỉnh Quảng Ninh, dự án đặc khu kinh tế Vân Đồn là một đặt ân mà Nguyễn Tấn Dũng chuyển qua tay ông Phạm Minh Chính thực hiện. Đây là dự án bước ngoặt đã đưa Phạm Minh Chính tiến mạnh lên chiếc ghế thủ tướng ngày nay. Có thể nói giữa ông Phạm Minh Chính và ông Nguyễn Tấn Dũng có ân tình khá sâu đậm. Chính vì vậy mà Nguyễn Thanh Nghị đã né làm bộ trưởng dưới tay Nguyễn Xuân Phúc nhưng lại chấp nhận về làm bộ trưởng dưới tay Phạm Minh Chính.
Nguyễn Thanh Nghị ra trung ương cần phải có một cái dù đáng tin cậy che chở. Đặc biệt là ra trung ương gần mặt trời Nguyễn Phú Trọng thì cần phải có dù che nắng. Nếu không mặt trời sẽ thiêu đốt sự nghiệp chính trị của nghị.
Lần này ra trung ương có thể nói là Nghị khá may mắn. Nếu không phải là Phạm Minh Chính làm thủ tướng thì Nghị ra làm Bộ trưởng bộ Xây Dựng lành ít dữ nhiều.
Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1976, hiện nay chỉ mới 45 tuổi. Tuổi còn rất trẻ nên bây giờ bắt đầu chức bộ trưởng chưa phải là muộn. Nguyễn Thanh Nghị Nghị có bằng tiến sĩ Khoa học kỹ thuật xây dựng, Cao cấp Lý luận Chính trị, từng làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và có khoảng thời gian làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng là nơi thuận tiện cho Nghị thể hiện để tiến thân. Dưới trướng Phạm Minh Chính, Nguyễn Thanh Nghị rất cần liên minh lâu bền với Phạm Minh Chính để trèo lên nấc thang cao hơn sau này.
Sóng gió đã qua nhưng chưa qua hẳn
Việc điều động Nguyễn Thanh Nghị được báo chí mô tả là phát huy tối đa kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ ở các lĩnh vực có am hiểu sâu khi về Trung ương, tạo nguồn cán bộ cấp chiến lược khi cần bố trí, sử dụng. Tuy nhiên thực tế thì giới am tường hiểu rằng, việc điều động là kế hoạch cất nhắc hay triệt hạ đối tượng, nó tùy vào vị trí thuyên chuyển. Chính sách thuyên chuyển cán bộ nó có 2 mặt, mặt phải thì đó là "tạo kinh nghiệm lãnh đạo". Nhưng mặt trái là quá trình đấu đá và nâng đỡ nhau rất phức tạp trong Đảng cộng sản.
Theo nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương phát biểu trên báo chí nhà nước thì ông nói rằng : "Với nhiều trường hợp bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng. Nếu người nào còn tuổi, uy tín tốt, tương lai có thể tiếp tục được quy hoạch làm bộ trưởng. Nhưng không phải tất cả như vậy, mà cũng có người sẽ giữ cương vị thứ trưởng đến khi nghỉ hưu". Việc thuyên chuyển đâu phải lúc nào cũng dụng ý như nhau.
Việc điều động Bí thư Tỉnh ủy về làm Thứ trưởng đều trong trường hợp Nguyễn Thanh Nghị có bàn tay ông Nguyễn Tấn Dũng nên vấn đề này mang tính tích cực cho người được thuyên chuyển. Có thể nói lần thuyên chuyển này còn dấu ấn sâu đậm của ông Nguyễn Thanh Nghị khi sự ảnh hưởng của ông còn đáng kể. Chứ còn sau 5 năm nữa thì e rằng, sự ảnh hưởng của ông Nguyễn Tấn Dũng không còn nhiều thì ông Nguyễn Thanh Nghị cũng cần phải tự tạo thế đứng vững chắc cho chính ông.
Hiện nay Nghị đứng dưới trướng của Phạm Minh Chính là tạm an tâm nhưng chưa thể an tâm hẳn khi mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn đang tiếp tục nhiệm kỳ 3. Có thể sóng gió đã qua đối với gia tộc Nguyễn Tấn Dũng nhưng chưa qua hẳn. Tùy theo sức của Nghị có vững hay không. Hãy chờ xem ?
Nguyễn Duy (tổng hợp)
Nguồn : VNTB, 27/02/2021