Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2021

Lướt qua những phe phái trong Bộ Chính trị khóa 13

Hung Nguyen - Người Buôn Gió

Câu hỏi về lãnh đạo Việt Nam chưa có đáp án

Hung Nguyen, VNTB, 28/02/2021

Bốn diễn biến đáng chú ý xuất hiện trong Đại hội XIII sẽ đóng vai trò định hình tương lai của nền chính trị tại Việt Nam.

hungnguyen1

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đã bế mạc ngày 1/2 tại Hà Nội. Bốn diễn biến đáng chú ý xuất hiện sẽ đóng vai trò định hình tương lai của nền chính trị tại Việt Nam.

Đầu tiên, Đảng cộng sản Việt Nam kết thúc không minh bạch và đại hội toàn quốc bất thường nhất từ năm 1991 mặc dù thảo luận nội bộ căng thẳng. Không giống như các kỳ đại hội đảng trước, có rất ít thông tin rò rỉ, không có kiến nghị, không có thư ngỏ gửi cho các nhà lãnh đạo và ít tin đồn, ám chỉ hoặc trao đổi nóng trên mạng xã hội. Đảng tỏ ra nắm chắc tình hình.

Thứ hai, nỗ lực gộp các chức năng của tổng bí thư đảng và chủ tịch nước vào tay một người dường như đã bị loại bỏ. Thay vào đó, Quốc hội ủng hộ việc quay trở lại công thức tứ trụ, trong đó quyền lãnh đạo cao nhất được chia cho tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội. Cơ chế này tạo sự kiểm tra và cân bằng đảm bảo thương lượng và thỏa hiệp trong quá trình ra quyết định – nhưng không cho phép thực hiện các hành động nhanh chóng và dứt khoát. Ngoài sự cứng nhắc của hệ tư tưởng dưới một hệ thống chuyên chế, việc thiếu một người mạnh có thể là một trở ngại cho những cải cách chính trị mang tính đột phá. Có lẽ sự thống trị trong bộ chính trị mới của các ủy viên được đào tạo về hệ tư tưởng cộng sản và an ninh công cộng không làm tăng thêm kỳ vọng về tự do hóa chính trị.

Thứ ba, Nguyễn Phú Trọng sẽ giữ chức tổng bí thư, Phạm Minh Chính dự kiến làm thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc trở thành chủ tịch nước và Vương Đình Huệ chủ tịch Quốc hội – theo dự kiến, sẽ không có vị trí lãnh đạo cao nhất nào do một người miền nam nắm giữ. Điều này có nghĩa là thông lệ truyền thống bầu một người miền Nam vào một trong bốn vị trí hàng đầu của lãnh đạo quốc gia sẽ bị bãi bỏ lần đầu tiên kể từ năm 1991.

Diễn biến quan trọng thứ tư là việc ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, khiến ông trở thành tổng bí thư tại vị lâu nhất kể từ thời Lê Duẩn. Việc ông Trọng được xét đặc cách hai lần – vào năm 2006 vì giới hạn tuổi và vào năm 2021 cho giới hạn nhiệm kỳ, cho thấy ông Trọng là người quyền lực nhất đất nước và ở thời điểm hiện tại là không thể thay thế.

Nguyễn Phú Trọng đã thất bại trong việc đề bạt một người kế vị sau khi sau khi từ nhiệm. Người thân tín của ông là Trần Quốc Vượng, người kế vị ông, không được xem xét đặc biệt về tuổi tác như Trọng và Phúc và đã bị loại khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương của Đại hội 13 của Đảng. Sau khi thất bại trong việc thăng chức cho Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trọng có đủ thời gian để chuẩn bị và chuyển giao thành công vai trò lãnh đạo cho người kế nhiệm đã chọn hay không.

Ông Trọng đã có thể đưa một số cộng sự thân cận vào bộ chính trị mới, trong đó có nhiều người làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của ông Trọng trong Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng. Điều này củng cố vị trí quyền lực của ông. Ngoài ra, còn có các ủy viên bộ chính trị am hiểu ý thức hệ cộng sản, các ủy viên có gốc công an và nội chính, cũng như những người được đào tạo và kinh nghiệm về kinh tế.

Với chuyên môn như vậy, có vẻ như bộ chính trị mới đủ khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng đề ra trong những năm tới, đó là chống tham nhũng, giữ vững tư tưởng kiên định, loại ra khỏi đảng những phần tử ‘tự chuyển hóa’, ngăn chặn ‘diễn biến hòa bình’ , đảm bảo ổn định chính trị và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bộ Chính trị có một ‘hạt giống đỏ’ mới (con của các lãnh đạo cao nhất được chuẩn bị cho các chức vụ cao) : Trần Tuấn Anh. Ông là Bộ trưởng Bộ Công Thương, con trai của nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương. Vừa được thăng chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Anh là ủy viên Bộ Chính trị duy nhất, ngoại trừ đương kim Bộ trưởng Ngoại giao, người đã được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực ngoại giao. Ông có thể là một ứng cử viên tiềm năng cho chức Bộ trưởng Ngoại giao sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông Phạm Bình Minh kết thúc, trừ khi các lãnh đạo đảng muốn hạ cấp đầu vào của bộ ngoại giao có xu hướng tự do hơn và ít học thuyết hơn trong bộ chính trị.

Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng, một người nhiều năm vất vả trong công tác tư tưởng, là một trường hợp thú vị. Ông là thành viên trẻ nhất được bầu vào bộ chính trị trước đó và được chỉ định làm trưởng ban tuyên giáo trung ương. Tái đắc cử Bộ Chính trị năm 2021, Thưởng vẫn là ủy viên trẻ nhất và gần như ngay lập tức được đề bạt làm Bí thư Ban Bí thư Trung ương, chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thưởng thay thế vị trí của Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng, những người không thành công làm người kế vị của ông Trọng.

Phạm Minh Chính nổi lên như một ngôi sao mới. Trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Chính phụ trách công tác cán bộ đảng và được nhiều Ủy viên Trung ương ủng hộ. Thứ hạng của ông Chính đã tăng từ chín lên ba trong bộ chính trị mới, chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Chính dự kiến sẽ thay thế ông Phúc sau khi ông Phúc trở thành chủ tịch nước.

Ông Chính cũng là một ứng cử viên tiềm năng để kế nhiệm Tổng bí thư Trọng khi ông Trọng bỏ nhiệm sở. Trong trường hợp đó, Chinh sẽ đạt được vị trí mà những người tiền nhiệm – Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc – muốn nhưng không đạt được.

Câu hỏi đặt ra là ông Trọng có muốn và có đủ thời gian để ông Chính đảm đương các vai trò tổng bí thư, chủ tịch nước hay không.

Hung Nguyen

Nguyên tác : Vietnam’s unresolved leadership question, East Asia Forum, 25/02/2021

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 28/02/2021

Hung Nguyen là Giáo sư danh dự về Chính phủ và Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason và Phó Tổng Giám đốc Không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

********************

Thời của cai trị

Người Buôn Gió, 27/02/2021

Đảng cộng sản Việt Nam ra mắt Bộ Chính trị mới như sau :

hungnguyen2

18 ủy viên trong Bộ Chính trị khóa 13 Đảng cộng sản Việt Nam

1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ

3. Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

4. Ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV thành phố Hà Nội

5. Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương

6. Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

7. Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

8. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh

9. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

10. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương

11. Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

12. Ông Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

13. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao

14. Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

15. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

16. Ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam

17. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

18. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

--------------------------------------------

Có 18 người, trong đó có 5 người là xuất thân từ Bộ công an, đó là : Tô Lâm, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Hòa Bình, Phạm Minh Chính.

Có 2 người là tướng quân đội đó là :  Lương Cường, Phan Văn Giang.

Những người làm về văn hóa tuyên truyền gồm 4 người : Nguyễn Phú Trọng, TrươngThị Mai, Nguyễn Xuân Thắng, Võ Văn Thưởng. 

Số làm Mặt trận, Kiểm tra trung ương đảng có 2 người : Trần Thanh Mẫn, Trần Cẩm Tú.

Ngoại giao có 1 người : Phạm Bình Minh.

Tài chính, kinh tế có Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ (ông Trần Cẩm Tú, Trần Thanh Mẫn có bằng tiến sĩ kinh tế, nhưng những bằng này đều thuộc loại bổ sung để lấy điểm cơ cấu, cho nên không tính). Tính thực tế thì chỉ có 3 ông Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh là đang đảm đương những việc liên quan đến kinh tế, tài chính.

Thống kê lại có 7 ông trong lực lượng vũ trang, 3 ông và 1 bà trong lĩnh vực lý luận, tuyên truyền. Hai ông đảng đoàn, 1 ông ngoại giao và 3 ông kinh tế, tài chính.

So với các nhiệm kỳ trước đây thì lực lượng vũ trang và lý luận tuyên truyền chiếm quá nửa.

Không cần nói nhiều hơn, nhìn số lượng và cơ cấu của Bộ chính trị khóa 13, đó là một bộ máy thiên về cai trị và đàn áp. Chưa kể hai vị trí quan trọng về truyền thông là trưởng ban tuyên giáo trung ương, bộ trưởng bộ thông tin truyền thông do hai tướng quân đội nắm là Nguyễn Trọng Nghĩa và Nguyễn Mạnh Hùng.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 27/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hung Nguyen, Khánh An, Người Buôn Gió
Read 963 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)