Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/03/2021

Khai thác tâm linh : chùa chiền, tu viện được xây như chốn cung đình

Đàm Ngọc Tuyên - Bùi Uyên

Kinh hoàng thay ! Tu viện hay cung điện ?

Đàm Ngọc Tuyên , VNTB, 27/03/2021

Xương trắng xây chùa hay là gỗ Giáng hương ?

Người dân, bao gồm Phật tử ở Sài Gòn, cũng như trên cả nước, nói chung, (kể cả những người Việt hải ngoại), hầu như, đại đa đều biết (hoặc nghe nhắc đến), về ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, ở Quận 3. Hay còn gọi là Tổ đình Vĩnh Nghiêm, hệ phái Trúc Lâm, miền Vĩnh Nghiêm của Khối Phật giáo đồ, miền Bắc lập nghiệp và hành đạo tại miền Nam. Khai sơn là Cố Hòa thượng Thích Tâm Giác – người từng là Giám Đốc Tổng nha Tuyên úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trước năm 1975.

tu1

Thời Việt Nam Cộng Hòa, ngôi chùa này, tọa lac trên đường Công Lý. Sau biến cố 30/4/1975, Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, thương hải tang điền. Tuy nhiên, cách chùa tầm 30 mét, có cây cầu, vẫn giữ nguyên tên gọi Công Lý. Theo trục lộ này, hướng đi về Nhà thờ Đức Bà, thì chùa ở bên phải, vừa qua cầu. Trú trì đời thứ 3, hiện nay là, Thượng tọa Thích Thanh Phong, (trước còn có chức danh Phó Trú trì là Thượng tọa Thích Giác Dũng).

Tuy nhiên, rất ít người biết về một tu viện có cùng tên gọi, cũng ở Sài Gòn. Người xây dựng Tu viện Vĩnh Nghiêm, trên danh nghĩa, hẳn phải là ông Thanh Phong. Còn nguồn tiền ở đâu càng khó biết biết bao ! Không nhiều người biết về Tu viện này, có lẽ, vì nó mới khởi công xây dựng, từ năm 2009. Tôi đoán chừng như thế, hơn nữa, lại nằm ở vùng ven, trước thuộc ngoại ô huyện Hóc Môn, bây giờ là Quận 12.

Ở trên, có nêu ra thắc mắc, rất khó biết được nguồn gốc tiền ở đâu, để có nguồn kinh phí mà xây dựng ? Trong khi, trực quan toàn cảnh tổng thể công trình này, vô cùng kinh hoàng về diện tích, sự nguy nga, kì vĩ, của nó. Trên tất cả, là lượng gỗ khổng lồ, tạo tác tu viện, cũng như sự xa hoa, ở chốn nơi này. Không khác những cung điện mà bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, từng ghi khắc, ở Trung Hoa, cách nay đến mấy ngàn năm.

tu2

Xin xem qua những bức ảnh lột tả chốn na ná cung điện vậy. Bức ảnh số 1 – 6, là lượt quát ở Phật điện và bên trong. Quý vị hãy chú ý đến bức ảnh 5 và 6 nhé ! Chỉ riêng tạo tác bằng gỗ Giáng hương, đã ngốn đến 200m3. Nếu có xuất xứ tại Lào, thì lượng gỗ ấy ước tính có giá lên đến 8 tỷ đồng.

tu3

Từ bức ảnh số 7 đến 20, được ghi hình vào thứ Hai, ngày 18/3/2019 (nhằm ngày 13/2/Kỷ Hợi). Khi Hoà thượng Thích Huyền Tôn, Tọa chủ chùa Pháp Vương (Úc châu), đến thăm Tu viện. Đây cũng là lần đầu tiên, vị Hoà thượng đã ngoài 90 tuổi, quy cố hương, sau 40 năm ly hương (hay tỵ nạn cộng sản ?).

tu4

Hôm sau, Đại đức Thích Trí Minh, Trú trì chùa Phổ Minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quốc doanh, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắk), thăm Tu viện, vào ngày 19/3/2019 (nhằm ngày 14/2/Kỷ Hợi). Được lột tả bằng những bức ảnh từ số 21 – 32.

tu5

Những hình ảnh từ số 33 trở về sau, ghi nhận lại cảnh những thợ mộc, những nghệ nhân điêu khắc gỗ thi công. Cũng như bên trong xưởng mộc phục vụ cho công trình kinh khiếp này. Và, số lượng vật liệu là gỗ, được tập kết bên trong khuôn viên chùa.

tu6

tu7

tu8

tu9

Đây chỉ là một phần nhỏ, như cái móng tay, so với quy mô tổng thể của tu viện như cung điện này. Quả thật, tiền công đức của bá tánh, e rằng, không đủ lát gạch vỉa hè ! Ghê rợn quá ! Điều ấy, khiến người viết phải rùng mình, khi cảnh tang thương chết chóc của bá tánh ở miền Trung, lởn vởn hiện hiển. Mà, một lý do tiên quyết gây ra họa nhân tai, cần xác quyết đó là NẠN PHÁ RỪNG Ở VIỆT NAM.

Không hề huyễn tưởng, nếu có liên tưởng những thân cây gỗ kia, chính là xương cốt đồng bào chết thảm bởi dòng lũ (quỷ) dữ ! Kinh hoàng thay !

Công đức cúng dường hay thuế dân ?

Nam tranh, Bắc đấu, chốn tu trường.

Miền Vĩnh Nghiêm gió tanh mưa máu.

tu10

Tu Viện Vĩnh Nghiêm 2, số 9, đường Hiệp Thành 31, phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào một trưa hè, năm 2020, tôi và một người bạn, đến viếng mộ của Hòa thượng Thích Tâm Giác, người khai sơn, trụ trì đời thứ nhất Tổ đình Vĩnh Nghiêm (Quận 3, Sài Gòn), và Thiền viện Vĩnh Nghiêm (Vũng Tàu).

Mộ phần của ông, được người đồng môn, là Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, xây cất nằm trên phần đất ông mua lúc sinh thời, với tâm nguyện làm nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, vị trí bây giờ là mặt tiền đường Lê Văn Khương, ngay góc ngã ba với đường Hiệp Thành 31, Phường Hiệp Thành, Quận 12, Sài Gòn.

Chúng tôi chỉ đứng bên ngoài vỉa đường, thành kính bái lạy hương linh người đã khuất. Điều này, khiến cho người xe ôm đang chờ khách, tận tình chỉ dẫn, có muốn vào bên trong, thì đi theo lối cổng, ở bên đường Hiệp Thành 31. Chứ cổng này, rất hiếm khi mở đâu. Thỉnh thoảng, có người ra quét dọn lá cây thôi. Còn chùa bên kia, đang xây to lắm.

Người miền Nam luôn hiền hòa như vậy. Tôi cảm ơn ông, rồi nửa đùa nửa thật, là tôi không dám bước vào, những ngôi chùa to lớn như thế. Bởi kể từ năm 1981, hầu hết chùa chiền ở Việt Nam, đã không còn có Phật. Mà ở đó, trở thành nơi chốn ẩn náu của bạch cốt tinh, của ma quỷ, những cặn bã của xã hội chủ nghĩa.

Người nằm dưới ngôi mộ này, cả đời bảo vệ Chánh Pháp, cho miền Vĩnh Nghiêm, cho Phật giáo nói chung, ông là người xây dựng cái chùa Vĩnh Nghiêm, ở Quận 3 đó ! Ấy vậy mà, thế sự thăng trầm ! Bây giờ, chùa chiền trở thành nơi tranh quyền đoạt lợi, mua quan bán tước, xu nịnh thế quyền, để nhận về chút ân huệ thừa thải. Cảm thán tôi liền đọc hai câu thơ : "Nam tranh, Bắc đấu, chốn tu trường. Miền Vĩnh Nghiêm gió tanh mưa máu".

Tôi nói một hồi, khiến người xe ôm, há hốc kinh ngạc, nhìn tôi từ đầu đến chân. Hẳn trong lòng ông ấy nghĩ, đã ế khách, lại gặp phải đứa. Tôi mời ông điếu thuốc, rồi kể ông nghe, vì sao họ lại xây cái chùa to vật vã ở đây… !

Đời trụ trì thứ hai Tổ đình Vĩnh Nghiêm, là Hòa thượng Thích Thanh Kiểm. Tuy nhiên, với tay nải của một chức sắc là Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì tiền mới chính là kinh kệ vậy. Trong khi, chưa bao giờ, chùa Quán Sứ, và Hà Nội tin tưởng lòng trung thành, tu sĩ ở miền Nam, gốc Bắc. Giống như, người ta không tin thành viên của Mặt trận Giải phóng miền Nam vậy.

Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, hơn ai hết, phải thấu hiểu điều này. Đại đức Thích Giác Dũng, là tu sĩ ở Tổ đình Vĩnh Nghiêm, lập tức được chọn, để đến Nhật tu học, rồi sẽ về ngay. Hòa thượng Thanh Kiểm, chắc đến tận lúc chết, vẫn không tin được, phải hơn 15 năm sau, Đại đức Giác Dũng mới được quay về. Âu cũng là nhân quả vậy !

Phạm Đức Phong, một thái tử sư, năm 15 tuổi, vào chùa Quán Sứ. Một bước đệm, cho ngày sau Nam tiến đường tu, khi ông được 20 tuổi. Thời điểm Đại đức Giác Dũng đi Nhật, thì Phạm Đức Phong liền đi Đài Loan, dưới tên gọi giống như là tu sĩ Đại đức Thích Thanh Phong. Khác nhau chút xíu, chỉ 3 năm sau, năm 1999, Thanh Phong quay về, trở thành thị giả của Hòa thượng Thanh Kiểm.

Tháng Chạp năm 2000, Hòa thượng Thanh Kiểm chết. Ai sẽ là trụ trì đời thứ ba của Tổ đình Vĩnh Nghiêm, khi mà Đại đức Thích Giác Dũng lo tu miết bên Nhật ? Đại đức Thích Thanh Phong đành đoạn tạm Quyền Trụ Trì Tổ Đình Vĩnh Nghiêm vậy, chờ người nơi ấy quay về. Đợi mãi vẫn không về, thôi thì làm Trụ trì không khó, kể cả cái tay nải Trưởng Ban Kinh tế Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào năm 2007.

Từ Đức quốc, Mỹ đế Ba Lan…, những ngôi chùa có tên Vĩnh Nghiêm lần lượt mọc lên, khi tay nải thiếu kinh kệ, chứ chưa hề thiếu tiền bao giờ, cho dù ngàn tỷ. Mất hơn 15 năm, để lấy học vị Tiến sĩ, Đại đức Thích Giác Dũng mới lò dò về Vĩnh Nghiêm. Tổ đình Vĩnh Nghiêm còn đâu nữa mà tu. Hơn trăm ngôi chùa thuộc miền Vĩnh Nghiêm, dưới sự quản lý của trụ trì Tổ đình, cũng còn trống cái ghế nào, Đại đức Thích Giác Dũng biết ngồi ở đâu ?

tu11

tu12

Đó chính là tất cả lý do, mà cái tu viện Vĩnh Nghiêm, ở Quận 12, được Đại đức Thích Thanh Phong xin giấy phép xây dựng tận 9 năm, đến năm 2009, mới khởi công. Tu viện được thi công ròng rã suốt hơn 9 năm, rồi trao trả lại cho ông Thượng tọa Thích Giác Dũng làm trụ trì, khánh thành vào ngày 4/12/2020. Cũng cần nói rõ chi tiết, năm 2012, đôi bạn tu cùng tiến Thanh Phong, Giác Dũng mới là Thượng tọa.

Quan chức tầm Giám đốc Sở, ở Bình Định, may ra, mới được Thượng tọa Thích Đồng Ngộ tiếp. Chỉ cần trong nhà, treo bức hình, gia chủ chụp chung với ông ta thôi, sẽ thay cho câu trả lời, có biết bố mày là ai không ? Trong khi, Thích Đồng Ngộ mới chỉ là thành viên sai vặt, của cái tay nải, là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương của Giáo hội.

Thế mới hiểu vì sao, hàng ngàn mét khối gỗ căm xe, hàng trăm mét khối gỗ giáng hương, và hàng ngàn tỷ, chỉ để xây cái tu viện Vĩnh Nghiêm, dễ dàng hơn cư sỹ mua một bó rau.

Nguồn : FB Đàm Ngọc Tuyên 

*********************

Việt Nam : Vạt núi đốn cây xây nơi thờ Phật 'vì tâm linh' ?

Bùi Uyên, BBC, 15/02/2021

Ra Tết là dịp nhiều người lũ lượt trẩy hội, lễ chùa, du lịch tâm linh, không chỉ tại các địa danh làng quê lâu đời, mà trên khắp nẻo đường xa xôi của đất nước.

tu13

Tượng Phật khổng lồ được dựng ở Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp 5/2019 (hình minh họa)

Hiện tượng đó đặt ra một số câu hỏi, vấn đề và cả vấn nạn sau đây, từ nhiều năm qua, xét về nhiều mặt : từ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ môi trường và các di tích lịch sử, đến kiến trúc, quy hoạch và xây dựng, mà bài viết nhỏ này chỉ có thể tập trung vào được vài khía cạnh. Du lịch tâm linh : xây chùa để... giải trí ?

Những năm gần đây, liên tục nhiều chùa chiền, tượng Phật, thiền viện được xây dựng trên những đỉnh núi phía Bắc. Bao chùa lớn nhỏ hoành tráng khắp nơi. Cái nào cũng tọa lạc trên những địa thế đẹp, nổi bật, san rừng bạt núi, với chọn bố cục và phong thủy như một tòa cung điện. Như xây Bảo An Thiền Tự với tượng phật khổng lồ tại Sapa rồi Trúc Lâm Bản Giốc, tiếp đến đến Lũng Cú, cùng bao tượng Phật rải dọc chiều dài đất nước.

Tỉnh Cao Bằng có hai dân tộc đông dân nhất là dân tộc Tày và Nùng, người Việt chỉ chiếm 5,8%. Hà Giang thì đông nhất là người H'Mong, rồi đến người Tày, riêng hai dân tộc này chiếm hơn 50% dân số.

Người ta nói xây thiền viện cho nhu cầu tâm linh, nhằm mục đích học hiểu Phật pháp cho người tu hành và cho Phật tử. Nhưng các thiền viện thường nằm trong nơi có lịch sử liên quan đến Phật giáo, chứ có phải bạ đâu cũng xây Trúc Lâm Thiền Viện ?

Còn có lập luận rằng các vùng biên cương cần phải khẳng định văn hóa Việt, nhớ ơn Phật giáo. Thế thì văn hóa các dân tộc khác ở đâu ?

Người dân tộc địa phương có đi lễ chùa không ? Hay nhắm vào khách du lịch trong nước ?

tu14

Cách xây dựng hiện nay, thực chất giống như một sản phẩm kinh doanh. Đa số trên những quần thể mới tinh, thành một xu thế các tỉnh dựng tượng Phật, xây chùa chiền, kết hợp vui chơi giải trí !

Nhìn bản thống kê du lịch Lào Cai, 65% khách tham quan đến thăm các địa điểm du lịch tâm linh, nên đây được đánh giá là mũi nhọn thu hút du khách. Nhu cầu thờ cúng hay du lịch tâm linh phát triển trở thành nơi hốt bạc.

Trong khi đó, các di tích chùa chiền được xếp hạng lâu năm bị xuống cấp thì khó khăn tìm kinh phí tu bổ. Tự hỏi, dưới cái bề nổi nhao nhao xây chùa mới này, lại lộ rõ sự "mạt pháp" ? Nhất là khi những bê bối như chùa Địa Ngục, Tam Đảo hay Ba Vàng, Quảng Ninh hé lộ làm người theo đạo hay không đều thấy phẫn nộ.

Hy sinh tài nguyên làm giàu cho dân cho nước ?

Tỉnh nào cũng muốn làm du lịch để thu lợi nhuận nhanh, doanh nghiệp nào cũng muốn lãi lớn.

Quan chức một mặt than nghèo để chờ xin từ thiện nuôi dân nghèo, xây trường lớp. Mặt khác quyết "văn hóa phải đi trước một bước" với những dự án quảng trường, tượng đài, chùa chiền, thường đắp vào "bộ mặt" mà ai cũng hiểu phần rất nhiều đi vào túi riêng.

Và nhất là 5-10 năm sau, những án tham nhũng, những thất thoát lộ ra. Còn mấy ai, ngoài các nạn nhân trực tiếp, còn nhớ đến những lời hứa hẹn, những "hy sinh vì lợi ích kinh tế chung" mà giới quan chức, các công ty du lịch, đầu tư rao giảng cho dân địa phương ?

Còn ai nhớ để "giải oan" cho những cánh rừng bị bức tử, những nguồn nước ô nhiễm ? Hay rộng hơn, ai chịu trách nhiệm những biến đổi ngày một rõ của khí hậu, thiên tai lũ lụt cuối nguồn ?

Còn người dân địa phương, họ hưởng lợi đến đâu ? Sự "thay da đổi thịt" mà người ta hay mô tả, có dành cho tất cả ? Nếu có, thì trường học được xây mới, bệnh viện được sửa sang, mạng lưới nước sạch lan rộng, đường xá khai thông, cầu cống kiên cố... không chỉ quanh những dự án, mà phải đến những bản làng xa xôi thiếu thốn nhất. Nếu có, thì các địa phương sao vẫn phải lấy xuất khẩu lao động là mục tiêu hàng đầu ?

Người đi lễ - có vô can khi bạ đâu cũng lễ ?

Chùa đằng nào cũng xây rồi, thì cứ vào lễ thôi ? "Ngày xưa chùa chả trên núi đấy thôi, có gì mà làm ầm lên ?". Chúng ta dễ nghe thấy những câu tự phản biện như thế.

Sự khác biệt ở đây là nhận thức và quy mô.

Xưa đất rộng dân cư ít, chùa xây ở nơi hẻo lánh hay thanh tịnh để xa rời nhân gian, tập trung tu tập. Nay chùa cũng xây trên đỉnh núi, nhưng kèm theo ùn ùn hàng triệu người kéo về, và đi cùng với nó hàng loạt cỗ máy dịch vụ, du lịch, quy mô tác động tăng lên gấp bội.

Nước ta một mặt "đi tắt đón đầu", phát triển dựa trên những thành tựu kỹ thuật, xã hội mà nhân loại đã trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh, sai lầm để chắt lọc. Mặt khác lại cho phép mình cũng tàn phá môi trường, so sánh việc mình làm ở thế kỷ 21 với những vết xe đổ hay sự hạn chế nhận thức, công nghệ của thế kỷ 18-19 trên thế giới ? Có phải là "tiêu chuẩn kép" không ?

Chúng ta hẳn chưa quên vài năm trước trong đợt nghỉ lễ cuối tháng Tư, khi người dân Sapa phải cắt giảm nước tưới tiêu, sinh hoạt, với lý do thiếu nước cho khối khách sạn, dịch vụ. Như vậy, điều kiện sống cơ bản, và nghề nông địa phương - vốn làm nên bản sắc của khu du lịch - cũng bị xếp hàng thứ yếu để dồn lực cho thu hút du lịch.

Đó là tác động nhìn thấy, thử hỏi còn bao thứ hậu quả mà chúng ta không biết đến, thậm chí dài hạn ?

Không có những tiến bộ về điều kiện sống cho người dân, thì chúng ta không thể ngây thơ cho rằng việc bỏ tiền cho những địa danh du lịch đó, là đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

tu15

Ra Tết là thời điểm nhiều người đi trẩy hội, lễ chùa

Khắt khe hơn, dù không phải chịu trách nhiệm, nhưng thậm chí chúng ta đang góp phần vào cỗ máy khai thác kiệt quệ những tài nguyên, thu lợi cho thiểu số, khắc sâu khoảng cách giàu nghèo với những người dân chịu thiệt hại, bị bỏ lại đằng sau.

Du lịch số đông là mục tiêu dài hạn ?

Ngành du lịch ngày nay vẫn tập trung khai thác với mục tiêu vào số đông, với "du lịch tâm linh" kết hợp "du lịch cáp treo" chăng tơ nhện phủ kín núi rừng Việt Nam. Chủ yếu là xây mới, với hạ tầng đồ sộ, tác động mạnh vào địa điểm, thiên nhiên. Loại hình du lịch này thu hút chủ yếu khách du lịch nội địa.

Một hướng khác, dựa vào khám phá vẻ đẹp tự nhiên, trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng bản địa, du lịch cộng đồng, lấy đó là trung tâm của nội dung thăm quan, ít tác động nhất đến nơi chốn để vừa khai thác du lịch vừa phải, vừa gìn giữ cho đời sau.

Hướng này dù mới mẻ, vốn tập trung nhiều du khách quốc tế, nhưng ngày càng được lựa chọn bởi giới trẻ có nhận thức hơn về môi trường và nhu cầu trải nghiệm, tôn trọng văn hoá bản địa.

Nhìn tổng quan, trong đánh giá thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh của du lịch Việt Nam vài năm nay được tăng hạng đáng kể (hạng 63 năm 2019, tăng 12 bậc so với 2015), tuy vậy điểm cộng vẫn tập trung vào cạnh tranh về giá, về nguồn nhân công rẻ, về sức hấp dẫn của tài nguyên tự nhiên, văn hóa. Ít ai nhắc đến điểm "trừ" báo động vẫn luôn nằm trong các hạng mục "chất lượng" về sức khỏe, vệ sinh, về dịch vụ và hạ tầng du lịch, đặc biệt mức độ bền vững môi trường đứng hạng thấp nhất : 121/ 136 (xếp hạng năm 2019).

Có một thực tế là, lượng khách trong nước của nước ta chiếm tới hơn 80%, gấp gần 5 lần so lượng khách quốc tế, nhưng tổng thu du lịch từ khách trong nước chỉ chiếm gần 45% (14,5 tỷ USD, so với 18,3 tỷ USD từ khách quốc tế), theo số liệu của Tổng cục Du lịch năm 2019. Như vậy, những loại hình du lịch tiêu tốn tài nguyên, du lịch khai thác tâm linh, dành cho số lượng khách nội địa lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp hơn nhiều so với du lịch quốc tế.

Nói một cách khác, chúng ta đang chọn hướng không bền vững, khai thác tài nguyên thiên nhiên, biến dạng văn hóa, để nhắm vào loại hình du lịch thu lợi nhuận chưa cao.

Kết luận

Sapa, Bản Giốc hôm qua, Lũng Cú Hà Giang hôm nay, vạt núi đốn cây để xây điểm du lịch tâm linh. Liệu ngày mai thêm bao cơn lũ ống, lũ quét bản làng ? Và chúng ta, dễ dãi lễ bái bất kể ở những ngôi chùa, tượng Phật, chẳng thể mọc lên với lý do nào khác ngoài là một loại hình giải trí, kinh doanh, giữa vùng đất bao đời người dân tộc thiểu số sinh sống ?

Hơn nữa, với việc xây dựng một công trình của tôn giáo này lên vùng đất vốn tập trung nhiều người tôn giáo khác mà không do nhu cầu của người dân, thì liệu có quá lời không khi gọi đây là một hình thức "xâm lăng văn hóa" ? Và điều này còn tiếp diễn đến bao giờ nữa đây ?

Năm 2020 là một năm kiệt quệ với ngành du lịch, cú hãm phanh đột ngột khi đang đà phát triển mạnh mẽ có là cơ hội để người làm du lịch tĩnh tâm nhìn lại hướng đi của mình ?

Và mỗi chúng ta, một năm của giãn cách, có đặt lại những câu hỏi cho bản thân về lối sống tiêu dùng và lựa chọn cách "xê dịch" ?

Bùi Uyên

Nguồn : BBC, 15/02/2021

Bà Bùi Uyên, kiến trúc sư hiện sống tại Paris, Pháp.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đàm Ngọc Tuyên, Bùi Uyên
Read 884 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)