Châu Á - Thái Bình Dương : Mỹ tăng cường tên lửa để đối phó với Trung Quốc
Thanh Hà, RFI, 07/03/2021
Báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia hôm 05/03/2021 tiết lộ về kế hoạch Hoa Kỳ triển khai hệ thống tên lửa tấn công, trị giá hơn 27 tỷ đô la, nhằm đối phó với Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương trong 6 năm sắp tới.
Bộ Chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ vừa đệ trình lên Quốc hội một kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2022-2027 tổng trị giá 27,4 tỷ đô la. Chỉ riêng cho năm tới, tài liệu này dự trù gần 5 tỷ đô la đầu tư nâng cao khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ trong khu vực. Khoản tiền nói trên cao hơn gấp đôi so với tài khóa 2021. Theo Asia Nikkei, kế hoạch triển khai tên lửa nói trên là một trong những đề xuất chính của dự án mang tên Sáng Kiến Răn Đe Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative - PDI).
Tài liệu được báo Nikkei Asia trích dẫn nhấn mạnh "mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ trong tương lai vẫn là sự suy yếu của hệ thống vũ khí quy ước mang tính răn đe. (...) Việc thiếu đi các vũ khí răn đe quy ước đủ vững chắc và đáng tin cậy khiến Trung Quốc sẽ có những hành động táo bạo hơn tại khu vực và trên toàn cầu, nhằm lấn át các quyền lợi của Mỹ".
Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương kêu gọi triển khai một lực lượng liên quân, với mạng lưới tên lửa tấn công có độ chính xác cao được bố trí "dọc theo chuỗi đảo thứ nhất", phối hợp với hệ thống tên lửa phòng không trên "chuỗi đảo thứ nhì", vàviệc phân bố lực lượng cần chú trọng khả năng "duy trì các hoạt động tác chiến trong thời gian kéo dài".
Báo tài chính Nhật cho biết cụ thể là "chuỗi đảo thứ nhất" trong khu vực Thái Bình Dương bao gồm từ Đài Loan đến đảo Okinawa (Nhật Bản) và quần đảo Philippines, tức khu vực mà Trung Quốc xem là tuyến phòng thủ thứ nhất. "Chuỗi đảo thứ nhì" ở bờ phía Tây Thái Bình Dương, trải dài từ khu vực miền đông nam Nhật Bản đến đảo Guam và miền nam Indonesia, là nơi Bắc Kinh đang tìm cách ngăn cản quân đội Mỹ tiếp cận.
Phát biểu trước viện tư vấn American Enterprise Institute, tại thủ đô Washington, đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định "sáu năm sắp tới"là giai đoạn Bắc Kinh muốn làm "thay đổi tình thế nguyên trạng trong vùng", đặc biệt có nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Báo Nikkei Asia nhắc lại Trung Quốc hiện đang nắm giữ 1.250 tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km, được phóng đi từ đất liền. Trước đây Mỹ không thể triển khai loại tên lửa này, do bị trói tay vì Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), ký kết với Nga. Tuy nhiên, Hiệp ước INF đã hết hạn năm 2019.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 07/03/2021
**********************
Mỹ sẽ triển khai tên lửa chống Trung Quốc dọc theo chuỗi đảo thứ nhất
Mỹ sẽ tăng cường khả năng răn đe bằng vũ khí thông thường chống lại Trung Quốc bằng cách thiết lập một mạng lưới tên lửa tấn công chính xác dọc theo cái gọi là "chuỗi đảo thứ nhất" như một phần của khoản chi 27,4 tỷ USD sẽ được xem xét cho chiến trường Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong sáu năm tới.
Tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords phóng tên lửa tấn công trong cuộc tập trận Pacific Griffin ở Biển Philippines. NSM là vũ khí tấn công chính xác, tầm xa được thiết kế để tìm và tiêu diệt tàu địch. (Ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp)
Các khoản chi này sẽ là thành phần chính trong đề xuất thành lập Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương mà Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đệ trình lên Quốc hội.
"Mối nguy lớn nhất đối với tương lai của Hoa Kỳ tiếp tục là sự xói mòn khả năng răn đe thông thường", tài liệu cho biết. "Nếu không có biện pháp răn đe thông thường hiệu quả và mang tính thuyết phục, Trung Quốc sẽ càng được khuyến khích hành động tại khu vực và trên toàn cầu để lật đổ lợi ích của Mỹ. Khi cán cân quân sự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên bất lợi hơn, Mỹ sẽ gánh thêm nhiều rủi ro có thể khiến các đối thủ tự tin đơn phương cố gắng thay đổi nguyên trạng".
Cụ thể, Sáng kiến kêu gọi "triển khai lực lượng tích hợp đa thành phần với các mạng lưới tên lửa tấn công chính xác ở phía tây Đường Chuyển ngày Quốc tế dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, hệ thống tên lửa phòng không tích hợp ở chuỗi đảo thứ hai và một thế trận lực lượng phân tán mang lại khả năng duy trì sự ổn định, và nếu cần, phân phối và duy trì các hoạt động chiến đấu trong thời gian dài".
Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm một nhóm các đảo bao gồm Đài Loan, Okinawa và Philippines, được Trung Quốc coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập" của Bắc Kinh tìm cách đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Biển Đông và Biển Hoa Đông vốn nằm trong chuỗi đảo thứ nhất.
Trung Quốc cũng tìm cách ngăn không cho lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận "chuỗi đảo thứ hai" ở Tây Thái Bình Dương, trải dài từ đông nam Nhật Bản đến đảo Guam và Indonesia ở phía Nam.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã đệ trình kế hoạch đầu tư cho năm tài khóa 2022 đến năm tài khóa 2027 lên Quốc hội trong tháng này.
Đối với năm tài khóa 2022, họ đã yêu cầu 4,7 tỷ đô la, cao hơn gấp đôi so với 2,2 tỷ đô la dành cho khu vực trong năm tài khóa 2021 và gần với khoảng 5 tỷ đô la mà Washington đã chi hàng năm để đối phó với Nga.
Tổng chi 27,4 tỷ đô la trong sáu năm tương đương mức tăng 36% so với chi tiêu được lên kế hoạch cho cùng giai đoạn tính đến năm tài khóa 2020, phản ánh sự báo động ngày càng tăng về hoạt động của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong một bài phát biểu tại Viện American Enterprise có trụ sở tại Washington hôm thứ Năm, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết có những lo ngại về việc 6 năm tới là thời kỳ mà Trung Quốc có thể tìm cách thay đổi nguyên trạng khu vực, chẳng hạn như với Đài Loan.
Ông nói rằng có "một nhận thức cơ bản là giai đoạn từ nay đến năm 2026, trong thập niên này, là khoảng thời gian mà Trung Quốc đạt được sự vượt trội về năng lực, và khi Bắc Kinh có thể, họ sẽ chọn thay đổi hiện trạng khu vực bằng vũ lực".
"Và tôi sẽ nói rằng sự thay đổi hiện trạng đó có thể trở thành vĩnh viễn", ông nói.
Theo tài liệu, kế hoạch được cấu trúc để "tập trung nguồn lực vào các khả năng quân sự quan trọng nhằm răn đe Trung Quốc". "Các yêu cầu được nêu trong báo cáo này được thiết kế đặc biệt để thuyết phục các đối thủ tiềm tàng rằng bất kỳ hành động quân sự phủ đầu nào cũng sẽ quá tốn kém và có khả năng thất bại do (Mỹ) triển khai sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy vào thời điểm khủng hoảng".
Đề xuất sẽ được theo sau bởi các cuộc thảo luận với các nhà lập pháp và với các quốc gia sẽ tham gia vào việc thực hiện đề xuất này. Trước đây, Trung Quốc đã phản đối nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập lá chắn tên lửa ở các nước đồng minh, đặc biệt là ở Hàn Quốc.
Hai trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra của Thủy quân lục chiến Mỹ bay qua Căn cứ Không quân Clark ở Philippines. Philippines là một phần của cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên. (Ảnh do Bộ Quốc phòng cung cấp)
Mỹ có khoảng 132.000 quân đóng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo sách trắng quốc phòng Nhật Bản.
Kế hoạch đầu tư lấy "mạng lưới tấn công chính xác, có khả năng sống sót cao dọc theo chuỗi đảo thứ nhất" làm yếu tố trung tâm. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ mở rộng sử dụng các khẩu đội tên lửa thông thường trên đất liền vì quân đội Mỹ đã loại trừ việc sử dụng đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa tầm ngắn và tầm trung như vậy.
Chiến lược Trung Quốc của Mỹ từ lâu đã xoay quanh lực lượng hải quân và không quân. Trong cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996, Hoa Kỳ đã điều động hàng không mẫu hạm tới thể hiện sức mạnh quân sự áp đảo như một biện pháp răn đe.
Trung Quốc hiện nắm giữ một kho tên lửa đa dạng với mục tiêu ngăn chặn bước tiến quân sự của Hoa Kỳ trong chuỗi đảo thứ hai. Điều này đã làm cho chiến lược xoay quanh hải quân và không quân của Hoa Kỳ trở nên kém khả thi hơn.
Trung Quốc mạnh về tên lửa tầm trung, đặt trên đất liền. Theo Lầu Năm Góc, trong khi Trung Quốc nắm giữ một kho vũ khí gồm 1.250 tên lửa như vậy, Mỹ lại không có.
Khoảng cách này là do Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), Hiệp ước cấm phát triển các tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Hiệp ước này hết hạn vào năm 2019.
"Hiệp ước INF đã bó buộc Hoa Kỳ một cách không cần thiết", Thượng nghị sĩ Jim Risch, thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói với Nikkei trong một cuộc trả lời phỏng vấn bằng văn bản.
Risch cho biết việc triển khai các tên lửa tầm trung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương "là một lĩnh vực đàm phán lớn và ngày càng cần thiết đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản".
Một mạng lưới tên lửa đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương "sẽ là một điểm cộng cho Nhật Bản", một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết. Quan chức này cũng nói Tokyo chưa thảo luận về một động thái như vậy với Washington.
Các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản theo hiệp ước an ninh song phương của hai nước, buộc Washington phải bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công. Hiện có khoảng 55.000 lính Mỹ đóng tại Nhật Bản, là đội quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.
Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản hiện không duy trì các tên lửa có thể vươn tới Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã và đang xây dựng năng lực tên lửa tầm xa của riêng mình ở quần đảo Nansei, bao gồm cả đảo Okinawa.
Nhưng việc đặt tên lửa của Mỹ trên đất Nhật Bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì một động thái như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phân chia vai trò giữa quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Tokyo và Washington sẽ cần thảo luận chi tiết về bất kỳ việc triển khai nào được đề xuất, bao gồm cả vị trí và tầm bắn của tên lửa.
Cơ hội có thể sẽ đến trong các cuộc đàm phán về hỗ trợ của Nhật cho lực lượng đồn trú của Mỹ từ năm tài khóa 2022 trở đi. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết "việc triển khai tên lửa có thể được thảo luận khi chúng ta nói về tiến trình của liên minh Nhật-Mỹ".
Việc Nhật Bản quyết định cho phép Mỹ triển khai tên lửa chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận, làm phức tạp thêm quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng vốn phụ thuộc nhau về kinh tế. Và Tokyo có thể sẽ vấp phải sự phản đối của địa phương nơi có các địa điểm triển khai tên lửa tiềm năng, bao gồm cả ở Okinawa, nơi tập trung khoảng 70% lực lượng Mỹ ở Nhật.
Các vấn đề về ngân sách cũng có thể phát sinh. Washington "có thể yêu cầu chúng tôi gánh vác việc bảo trì và các chi phí khác liên quan đến các tên lửa được triển khai ở Nhật Bản", một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết.
Ryo Nakamura
Nguyên tác : US to build anti-China missile network along first island chain, Nikkei Asia, 05/03/2021
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/03/2021