Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2021

Lãnh đạo Việt Nam cần thay đổi tư duy lỗi thời

Nguyễn Đức Bình

Ấn Độ phát triển quan hệ với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc

Sau cuộc xung đột đường biên giới phía Bắc Ấn Độ với Trung Quốc năm 2020, với khả năng kiểm soát tình hình và tài ngoại giao khéo léo của chính phủ, Ấn Độ đã bắt tay vào một phản ứng ngoại giao đa hướng, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế trên thực tế, gửi đi thông điệp chỉ trích công khai mạnh mẽ tới đối thủ Trung Quốc và thể hiện sự ủng hộ lớn của quốc tế đối với lập trường của Ấn Độ. 

tuduy1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng bí thư kiểm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 27/2/2019 - Reuters

Tuy nhiên, phần đóng góp quan trọng nhất cho sự hậu thuẫn quốc tế đến từ Mỹ. Cả Trump và Biden cũng như các thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ đều có chung lập trường về các hành động không thể chấp nhận của Trung Quốc và cam kết hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Gần đây nhất, các tuyên bố từ Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Tony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn như một cách để hỗ trợ sự ổn định ở Nam Á và xác nhận nhóm Bộ Tứ đảm bảo cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng.

Điều quan trọng là Ấn Độ và Mỹ đã "nói đi đôi với làm". Tháng 10/2020, tại cuộc họp 2+2 của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao ở New Delhi, hai bên thông báo về việc ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA). Đây là thỏa thuận cuối cùng trong số ba thỏa thuận quốc phòng nền tảng góp phần nâng cao vị thế của Ấn Độ với tư cách là đối tác quốc phòng lớn của Mỹ. BECA cho phép Ấn Độ tiếp cận với công nghệ giúp tăng cường khả năng giám sát các khu vực biên giới và thực hiện các cuộc diễn tập quân sự. 

Hai nước cũng mở rộng hợp tác quân sự để họ có thể phát huy sức mạnh trên nhiều mặt trận. Tháng 11/2020, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đã hoan nghênh Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar, lần đầu tiên tập hợp tất cả các thành viên nhóm Bộ Tứ tham gia cuộc tập trận nhằm hỗ trợ tầm nhìn chung Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những hoạt động mô phỏng này đã nâng cao khả năng quân đội cùng hành động chống lại kẻ thù trên biển.

Đối với Trung Quốc, thông điệp là rất rõ ràng : Mỹ nhất trí ủng hộ việc tăng cường khả năng của Ấn Độ trong việc bảo vệ biên giới của họ và bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ; và Ấn Độ đã chấp nhận những nỗ lực của Mỹ nhằm nâng cao sức mạnh của mình trên nhiều vùng địa lý. 

Quan hệ Việt - Mỹ vẫn bị kẹt bởi tư duy lỗi thời

Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á từ thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tổng thống Donald Trump đã thắt chặt và mở rộng thêm quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Lập trường đối đầu trực diện với Trung Quốc từ 2 năm nay của Trump dĩ nhiên đã giúp Hà Nội đối thoại với Bắc Kinh ở tầm mức mà họ chưa từng nghĩ đến. Trong nhiệm kỳ của Joe Biden, Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác chủ chốt trong chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Mặc dù Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách các nước cần theo dõi về hành vi thao túng tiền tệ, nhưng chưa bị xác định là quốc gia thao túng tiền tệ.

Hiện nay, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc) và Việt Nam là đối tác thương mại thứ 10 của Hoa Kỳ.

Theo thống kê chính thức của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương năm 1995, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ đạt 450 triệu USD, thì đến năm 2019 đã tăng lên 75,7 tỷ USD, tăng gấp 168 lần. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 là 90,1 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2019. Đồng thời, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cũng tăng lên. Ngày 28/10/2020, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ 3, các công ty Mỹ đã ký 6 dự án đầu tư năng lượng tại Việt Nam. Cuối tháng 11/2020, khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’Brien thăm Việt Nam, công ty General Electric đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy nhiệt điện khí Long Sơn ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài các quan hệ kinh tế, thương mại, quan hệ quân sự, quốc phòng Việt Mỹ cũng phát triển vượt bậc. Tháng 5/2017, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã bàn giao tàu tuần tra USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam. Tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, trở thành tàu sân bay Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tháng 3/2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã có chuyến thăm cảng Đà Nẵng. Từ năm 2017-2019, Mỹ đã bàn giao ít nhất 18 tàu tuần tra cho Việt Nam, Việt Nam cũng mua vũ khí do Mỹ chế tạo như máy bay chống tàu ngầm P-3C…

Mới đây, ngày 3/3/2021, Nhà Trắng đã cho công bố bản hướng dẫn tạm thời chính sách an ninh mới của Mỹ (1). Trong bản hướng dẫn này, Việt Nam có được đề cập đến như là một đối tác ở Đông Nam Á mà Washington sẽ tiếp tục đẩy mạnh thêm mối quan hệ chiến lược giữa hai bên, trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, đặc biệt trong chiến lược đối phó và kiềm chế Trung Quốc.

Chính quyền Biden khẳng định Trung Quốc là một quốc gia cạnh tranh và thách thức quyền lợi, trật tự của Mỹ, và Mỹ sẽ quay lại chủ nghĩa đa phương, với nguyên tắc liên kết cùng các đồng minh và đối tác để đối phó với Bắc Kinh.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ giúp đỡ các nước láng giềng và đối tác thương mại của Trung Quốc giữ vững nền độc lập của họ.

Tuy nhiên, quan hệ Việt - Mỹ đáng ra sẽ còn phát triển nữa thế nhưng trong một Báo cáo mới đây do viện nghiên cứu chính sách công của Quốc hội Mỹ cho biết rằng kể tốc độ và mức độ cải thiện trong quan hệ song phương giữa hai nước còn bị hạn chế bởi một số yếu tố. Thứ nhất, đó chính là sức ép đe dọa từ Trung Quốc. Nhiều lãnh đạo Việt Nam vẫn luôn nghĩ rằng không nên tiến sát đến Hoa Kỳ nhiều quá bởi vì Trung Quốc không muốn vậy, và Việt Nam không được chọc giận Trung Quốc. Đặc biệt, yếu tố thứ hai chính là nhiều lãnh đạo Việt Nam "vẫn nghi ngờ rằng mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ là thấy được sự chấm dứt độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ‘diễn biến hòa bình".

"Diễn biến hòa bình" là một khái niệm xuất phát từ Trung Quốc. Tư duy này của Trung Quốc dùng để chống lại ảnh hưởng từ các giá trị và thể chế của phương Tây. Chính vì vậy, tư duy về "diễn biến hòa bình" là tư duy lỗi thời của Trung Quốc, nhằm đề cao chủ nghĩa dân tộc, phủ nhận các giá trị quan trọng của nhân loại như tự do, dân chủ…

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rõ ràng, các giá trị tự do, dân chủ có vai trò quan trọng để kiểm soát quyền lực, đề cao những giá trị của con người, chống lại áp bức, tham nhũng và cường quyền.

Chính vì thế, các lãnh đạo Việt Nam cần thay đổi tư duy về "diễn biến hòa bình", học theo Ấn Độ để thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với Mỹ và các nước phương Tây, tạo đà để đưa Việt Nam trở thành một cường quốc tầm trung. Từ đó mới có thể thoát khỏi sự lệ thuộc từ Trung Quốc.

Nguyễn Đức Bình

Nguồn : RFA, 07/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Đức Bình
Read 447 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)