Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2021

Giải mã những bí ẩn trong vụ Đồng Tâm

Nhiều tác giả

Những bí ẩn trong vụ Đồng Tâm

Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 08/03/2021

Phải chăng cánh đồng Sênh đã bị thế lực nào đó của thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm "bán" 150 tỷ đồng như lời cụ Kình công khai nghi ngờ ?

dongtam1

Họa đồ khu đất Đồng Tâm thuộc chủ quyền Viettel

Vụ Đồng Tâm là vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi lực lượng vũ trang của nhà nước đang đêm bao vây cả một làng quê đông đúc cư dân rồi xông vào nhà tàn sát, bắt bớ người dân trong khi chưa có một biên bản, tòa án nào kết tội họ, tức hành vi "bất chấp pháp luật" (Phó Giáo sư Tiến sĩ Luật sư Hoàng Ngọc Giao viện trưởng viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển).

Bên cạnh sự "bất chấp pháp luật" vụ này còn thể hiển những tình tiết bí ẩn :

1. Trong quá trình tranh chấp cánh đồng Sênh 59 ha với dân, chính quyền thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức, thanh tra Hà Nội, chính phủ đều khẳng định đó là "đất quốc phòng". Thế nhưng nhiều bằng chứng thuyết phục ngoài 47,36 ha đất nhà nước thu hồi ở xã Đồng Tâm không có m2 đất nào khác bị thu hồi.

Thế nhưng, điều kỳ lạ là nếu là "đất quốc phòng" như chính quyền Hà Nội, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm thì phải là quân đội quản lý, khi ai xâm phạm thì quân đội phải đứng ra đòi lại. Thế nhưng chính quyền Hà Nội lại đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp Viettel "giải phóng mặt bằng" đền bù… để giao cho doanh nghiệp Viettel. 

Khi dân phản đối thì chính quyền Hà Nội điều cảnh sát can thiệp, trấn áp để chiếm cánh đồng Sênh là sao ? 

Trong khi đó diện tích 47,36 ha của xã Đồng Tâm đã bị quyết định 113 năm 1980 chính phủ thu hồi, đền bù, quân đội cho dân vào thuê đất canh tác, năm 2016 D31 lữ 28 quân chủng phòng không không quân yêu cầu trả lại dân vui vẻ chấp hành "quân dân vui như tết" (lời cụ Lê Đình Kình). 

Đặc biệt, trong vụ tranh chấp này phía quân đội trực tiếp quản lý đất dự án sân bay Miếu Môn là D31, Lữ đoàn 28 Phòng không Không quân rất minh bạch, không nhận cánh đồng Sênh là đất quốc phòng, luôn khẳng định vẫn quản lý đủ 208 ha dự án sân bay.

Ngày 23/10/2014 Lữ đoàn 28 Quân chủng Phòng không Không quân ra văn bản 961a/TBLĐ xác nhận "hiện nay đơn vị vẫn quản lý diện tích 208 ha và được thể hiện trên đường bao 16 mốc giới…". Ngày 11/1/2016 cơ quan điều tra hình sự quân chủng Phòng không Không quân ban hành kết luận 01/KL-XM cũng khẳng định tương tự…

Từ tháng 3 năm 2018 D31, Lữ 28 đã đào mương rạch rõ ranh giới đất quốc phòng 47,36 ha liền kề với cánh đồng Sênh được nhân dân rất hoan nghênh (vẫn còn các clip, ảnh lưu trữ trên mạng). 

Ngoài ra còn rất nhiều bằng chứng khác khẳng định 59 ha cánh đồng Sênh vẫn là đất nông nghiệp chưa bị thu hồi, không có bất kỳ quyết định thu hồi, đền bù nào. 

Trong khi đó theo cụ Kình và dân Đồng Tâm lại có hai sĩ quan quân đội là Mạc Văn Tin và Nguyễn Văn Tài của cục điều tra hình sự bộ quốc phòng "sát cánh" cùng cùng với chính quyền Hà Nội tranh chấp cánh đồng Sênh và hôm 15/4/2017 tham gia tổ chức vụ lừa cụ Kình ra đồng để đánh, bắt cóc cụ cùng 3 dân Đồng Tâm nữa là sao ? 

Phải chăng, việc tranh chấp cánh đồng Sênh với dân không phải là chủ trương của bộ quốc phòng mà là của một nhóm người nào đó trong bộ "liên minh" với chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện ? Phải chăng cánh đồng Sênh đã bị thế lực nào đó của thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm "bán" 150 tỷ đồng như lời cụ Kình công khai nghi ngờ ?

2. Ngày 15/4/2017 để bảo đảm tính mạng cụ Kình và 3 công dân bị bắt cóc lên thành phố Hà Nội dân Đồng Tâm đã giữ 36 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động đối xử tử tế để đòi công lý. Ngay sau sự kiện này nhiều cơ quan truyền thông của nhà nước như VTC, báo VnExpress kể cả báo công an đưa tin khá trung thực, thiện chí. Đặc biệt phóng viên VTC về tận Đồng Tâm gặp dân phỏng vấn trung thực (vẫn còn nhiều clip trên mạng). Thế nhưng thời gian sau không ai về Đồng Tâm nữa và phản ánh hoàn toàn theo phát ngôn phần lớn sai sự thật về cánh đồng Sênh của chính quyền, công an Hà Nội.

3. Ngày 20/10/2014 UBND thành phố Hà Nội ra quyết định 5383 giao 236,7 ha thuộc các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cho cho quân chủng Phòng không Không quân (vượt quá diện tích chính phủ thu hồi năm 1980 cho dự án sân bay MM 28,7 ha) là đúng hay sai. Họ làm như thế để làm gì ?

4. Việc bà Nguyễn Thị Lan, bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân xã Đồng Tâm không công nhận cánh đồng Sênh là đất quốc phòng là rất chính xác nhưng lại bị đảng, chính quyền Hà Nội khai trừ đảng, bãi bỏ chức chủ tịch xã, hội đồng nhân dân là sao ?… Nếu cơ quan thẩm quyền của đảng, nhà nước thực sự có trách nhiệm thì phải làm rõ các tình tiết vô lý này.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 08/03/2021

***********************

Phúc thẩm vụ Đồng Tâm : 14 luật sư yêu cầu làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong vụ án

Cao Nguyên, RFA, 07/03/2021

dongtam2

Phiên sơ thẩm xử 29 người dân Đông Tâm ở Hà Nội hôm 14/9/2020 AFP

Một tuần lễ trước phiên Tòa Phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, 14 luật sư bào chữa cho sáu người có kháng án đã gởi Đơn kiến nghị dài 31 trang đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ nhiều điểm sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả bản án.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Theo nhận định của các luật sư, vụ án "giết người" và "chống người thi hành công vụ" xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng 9/1/2020 là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ thể hiện ở số lượng người chết trong vụ án này, mà sức ảnh hưởng ghê gớm của nó tác động lên đại bộ phận dân chúng Việt Nam.

Vụ án này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của đất nước, thể chế chính trị Việt Nam đối với bạn bè Quốc tế và sự bang giao với các nước lớn trên thế giới.

Do đó, các luật sư đã nêu ra, phân tích 8 nội dung chính và yêu cầu, kiến nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm đặc biệt lưu tâm làm rõ ở phiên phúc thẩm.

Vụ Đồng Tâm liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền xảy ra khi chính quyền Hà Nội huy động hàng ngàn công an tấn công vào Đồng Tâm, giết chết một người dân là cụ Lê Đình Kình. 3 công an tham gia vụ tấn công cũng thiệt mạng.

Theo luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số sáu bị cáo kháng án cho biết cần thiết nhất là phải cho tổ chức thực nghiệm lại hiện trường để xác định nguyên nhân cái chết của ba cán bộ công an. Từ đó mới biết các bị cáo có phạm tội giết người hay không :

"Tôi quan tâm nhất việc trả lại hồ sơ để tổ chức thực nghiệm việc ba công an bị chết như thế nào.

Theo như hồ sơ và kết luận điều tra thì vô lý là ba người công an rơi xuống hố mà lại chết cháy hóa than với lượng xăng và mô tả như vậy là bất hợp lý. Tôi cho rằng mấu chốt là ở chỗ này và cần phải được làm rõ".

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết tất cả các điểm được liệt kê trong đơn đều cần được làm sáng tỏ để đảm bảo có được bản án công bằng :

"Chúng tôi đưa những điều đó đều rất cần thiết. Chúng tôi mong muốn được giải quyết hết cả 8 điểm, không loại trừ một điểm nào cả".

Nhận định của luật sư về kết quả phiên phúc thẩm

Theo thông báo, phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 8/3/2021. Do còn quá nhiều tình tiết của vụ án còn mơ hồ, mâu thuẫn nên luật sư Mạnh cho rằng kết quả tốt nhất là Tòa phúc thẩm huỷ kết quả bản án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu :

"Điều lý tưởng nhất mà chúng tôi mong muốn là tòa phúc thẩm sẽ huỷ bản án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, trong đó bổ sung các nội dung mà các luật sư nêu ra.

Tôi cũng không quá hy vọng vào điều đó, nhưng trong phạm vi chúng tôi có thể yêu cầu và tin rằng nó đúng và có cơ sở pháp luật thì chúng tôi phải đẩy sự việc cho đến cùng".

Ông Hà Huy Sơn nói hai bị cáo do mình bào chữa nên được giảm án. Đặc biệt là ông Bùi Viết Hiểu không phạm tội giết người vì ông này không có mặt tại nơi ba công an tử vong :

"Tôi bảo vệ cho ông Bùi Viết Hiểu và Bùi Thị Nối. Tôi hy vọng bị cáo Nối sẽ được trả tự do, hưởng án treo.

Còn đối với bị cáo Hiểu sẽ không bị kết tội giết người. Vì bị cáo không biết sự việc ba công an chết như thế nào. Lúc đấy bị cáo đang ở cùng nhà ông Kình nên không biết diễn biến ở nhà bên cạnh, nơi ba công an bị chết. Nên tôi cho rằng bị cáo Hiểu không liên quan đến tội giết người".

Tám nội dung chính được yêu cầu điều tra làm rõ

1. Về diện tích đất quốc phòng

Các luật sư nhận định "Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, rất hiếm khi các bị cáo có cơ hội được trình bày những nội dung liên quan tới nguồn gốc đất Đồng Sênh, nơi xảy ra tranh chấp đất đai, có phải là nguồn gốc đất Quốc phòng hay không.

Do đó cần thiết phải triệu tập một số người có liên quan tới các Kết quả thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Quốc phòng và những người làm chứng khác nguyên là cựu lãnh đạo Đồng Tâm qua các thời kỳ, để làm rõ nội dung liên quan đến nguồn gốc đất đai".

2. Về việc chính quyền có tổ chức đối thoại với người dân Đồng Tâm hay không

Chưa hề có bất kỳ một cuộc đối thoại nào đúng nghĩa đã được tổ chức để người dân bức xúc được dịp bày tỏ thái độ quan điểm và chứng minh những luận điểm được đưa ra của mình là đúng, khiến cho những mâu thuẫn dồn nén kéo dài.

Các luật sư kiến nghị Hội đồng xét xử (Hội đồng xét xử) phúc thẩm triệu tập những người có liên quan bao gồm ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), là người có mặt ở hầu hết ở các sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm từ tháng 4/2017 cho đến nay, ông Nguyễn Văn Thanh (Tổng Thanh tra Chính phủ), đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Đỗ Văn Đương…

3. Về kế hoạch huy động lực lượng công an để bảo vệ an ninh trật tự trong việc xây dựng tường trạng Miếu Môn

Các luật sư yêu cầu phải công khai bản "Kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự ở thôn Hoành" số 419A ngày 2/1/2020 để làm sáng tỏ rằng việc huy động lực lượng Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ an ninh trật tự trong việc xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn có phải là "bình phong" cho một kế hoạch tấn công, vây bắt người dân trong "Tổ đồng thuận" đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay không.

Kế hoạch 419A có từ khi nào ? Được cấp nào phê duyệt ? Mục đích chỉ là để bảo vệ trật tự đơn thuần hay là bố ráp bắt giữ ông Kình và những người chống đối ? Tại sao lại phải bảo vệ thôn Hoành ? Tường rào sân bay Miếu Môn ở một nơi xa tại sao không tập trung ở đó ? Hơn nữa để tiến vào khu vực cần xây dựng của sân bay Miếu Môn thì có rất nhiều cung đường khác nhau, không nhất thiết phải đi qua thôn Hoành. Lực lượng công an đã đột nhập và tấn công vào nhà ông Kình vào lúc nửa đêm mà không được sự cho phép và đồng ý là xâm phạm các quy định đã được hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Việc làm rõ kế hoạch này cũng đồng thời chứng minh được vai trò của công an thành phố Hà Nội trong vụ án này, để xác minh rõ rằng cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội có thể là "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi vừa thực hiện trực tiếp tham gia vào vụ án với vai trò là người có liên quan lại vừa là người đi điều tra xử lý tội phạm trong vụ án này.

4. Về hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 chiến sĩ công an

Với tình huống này, các luật sư kiến nghị cần phải thực nghiệm lại hiện trường tổng thể, đặc biệt lưu tâm đến nguyên nhân dẫn tới cái chết của ba chiến sĩ rơi xuống hố.

Lời khai của các bị cáo và những người khác cùng tham gia tổ công tác này có mâu thuẫn với nhau. Có một số lời khai có lợi cho các bị cáo nhưng không được đối chứng, khiến cho sự thật về nguyên nhân dẫn tới cái chết của ba chiến sỹ công an vẫn còn là một ẩn số.

Do đó, cần phải triệu tập các chiến sỹ chứng kiến sự việc các đồng đội bị rơi xuống hố để đối chất với các bị cáo tại tòa.

5. Về vết thương trên người ông Bùi Viết hiểu, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và Bùi Thị Nối

Các bị cáo trên đều mang trong mình những vết thương rất nặng do đạn bắn hoặc bị đánh đập. Thậm chí, theo lời khai của ông Bùi Viết Hiểu thì ông bị bắn hai phát vào ngực và vào chân. Việc ông Hiểu thoát chết là ngoài dự tính. Bà Bùi Thị Nối khai tại phiên tòa sơ thẩm rằng bà bị bắn chảy nhiều máu và bị lôi ra ngoài đánh đập tàn nhẫn.

Tuy nhiên, trong cáo trạng cũng như hồ sơ vụ án đã loại bỏ nội dung liên quan đến thương tích của các bị cáo này.

Do vậy, các luật sư kiến nghị "Cần điều tra độc lập, khách quan để làm rõ việc có hay không hành vi dùng vũ khí bắn một cách bừa bãi vào người dân, dù những người này không có vũ khí chống trả, không có khả năng gây nguy hiểm tới lực lượng thi hành công vụ.

Hội đồng xét xử xử cấp phúc thẩm cần triệu tập những người trực tiếp tham gia vào cuộc truy quét sáng ngày 9/1/2020 để làm rõ cá nhân nào đã gây ra các vết thương cho các bị cáo. Đồng thời tạo điều kiện cho các bị cáo bị cáo chứng minh lời khai của mình để làm rõ sự thật. 

6. Về hành vi và cái chết của ông Kình

Trong phần này, các luật sư chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trong Kết luận điều tra và Cáo trạng về cái chết của cụ Lê Đình Kình vào rạng sáng ngày 9/1 so với thực tế. 

Theo Cáo trạng, ông Kình bị bắn hai phát từ phía sau lưng các chừng 2 đến 2,5m. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy vỏ đạn được bắn từ phía trực diện, từ trước ra sau. Điều này cũng trùng hợp với lời khai của ông Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa rằng "ông Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu, người bắn đứng trước mặt ông Kình khoảng một mét, nòng súng to như cổ tay nhắm thẳng vào ngực ông Kình, bắn trực diện chứ không phải bắn từ phía sau. Ông Kình ngã xuống chết trước mặt tôi. Sau đó đó là chó nghiệp vụ vào kéo xác ông Kình lôi đi".

Như vậy cần xác định rõ việc ông Kình có thực sự thực hiện hành vi chống trả lực lượng chức năng hay không và việc bắn chết ông Kình đã đúng quy định của pháp luật hay chưa.

Bản Kiến nghị yêu cầu Hội đồng xét xử cho triệu tập những người có liên quan đến cái chết của ông Lê Đình Kình tới phiên tòa để làm rõ việc liệu quyết định bắn chết ông là có đúng hay không, có được chỉ đạo trong kế hoạch 419A hay chỉ là phát sinh tại thời điểm đó.

Bên cạnh đó, đề nghị tòa xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án giết người theo đơn tố cáo và đề nghị khởi tố của bà Dư Thị Thành là vợ của ông Lê Đình Kình. 

7. Về nguồn gốc về các clip phóng sự ghi lại lời nhận tội của bị cáo

Theo ý kiến các luật sư, trong phần tranh tụng, tòa cho trình chiếu những phóng sự do phóng viên làm theo hướng cáo buộc, kết tội cụ Kình mà không cần thông qua xét xử, được dùng làm chứng cứ cáo buộc các bị cáo tại tòa là không không đầy đủ điều kiện cơ bản của chứng cứ.

Việc trình chiếu những clip, hình ảnh, âm thanh được dàn dựng có liên quan tới lời khai của các bị cáo ngay trước khi bắt đầu phiên xét hỏi là một cách để phủ đầu các bị cáo, nhằm làm tê liệt sự phản kháng của họ.

Nếu vẫn giữ những tài liệu này, Hội đồng xét xử cần triệu tập những người đã thực hiện việc quay, dàn dựng nội dung clip ra để các bị cáo và luật sư của họ hỏi, phân tích, đối chất, làm rõ những nội dung liên quan.

8. Về một số vi phạm liên quan đến thủ tục tố tụng/xâm phạm hoạt động tư pháp. 

Các luật sư chỉ ra rằng trong suốt quá trình điều tra, khởi tố và xét xử vụ án Đồng Tâm, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bị cáo bị đánh đập, ép cung, mớm cung…

Bà Bùi Thị Nối và ông Lê Đình Công đều nói trước tòa rằng trong quá trình bị tạm giam, họ bị đánh "10 ngày như một" để ép cung.

Tại phần lời nói cuối cùng trước khi kết thúc phần tranh luận chuyển sang phần nghị án, rất nhiều bị cáo có phần nói cuối cùng giống y đúc như nhau. Thậm chí giống nhau đến từng câu chữ, theo một mô típ chung : "nhận ra lỗi lầm…, ăn năn hối cải…, cảm ơn các thầy trong trại giam số 2 đã giáo dục để nhận ra sai lầm…, xin lỗi gia đình bị hại, xin giảm nhẹ án…"

Do vậy, cần thiết phải triệu tập các điều tra viên tham gia điều tra vụ án để làm rõ các vấn đề được nêu trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm vì nó có dấu hiệu rõ ràng là không phản ánh khách quan trung thực so với thực tế đã diễn ra.

Các luật sư cũng bị hạn chế quyền hành nghề vì tới tận ngày có lịch xét xử vụ án thì luật sư mới được sao chụp hồ sơ vụ án ; Luật sư khi gặp thân chủ tại trại tạm giam thì luôn có mặt giám sát viên, cán bộ trại giam kèm cặp. Việc thăm hỏi, trao đổi luôn bị theo dõi nhắc nhở ; Có dấu hiệu bị cáo bị ép từ chối luật sư do gia đình nhờ để nhờ luật sư chỉ định ; Trong phiên tòa, Hội đồng xét xử hạn chế quyền được tiếp cận thân chủ của luật sư vì cho rằng điều đó là không cần thiết.

Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị các cơ quan xem xét, tạo điều kiện cho những người thân của các bị cáo được vào phòng xét xử để dự khán. Đề nghị cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước được vào phòng xử án tác nghiệp, đưa tin công khai về vụ án để mở rộng đường dư luận, tránh sự đồn đoán về một bản án "bỏ túi" như một số trang thông tin không chính thống đã lan truyền.

Các luật sư bào chữa xác nhận rằng cho đến ngày 7/3, chưa có một cơ quan nào phản hồi về Đơn kiến nghị này.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 07/03/2021

**********************

Đồng Tâm là cơ hội để Hà Nội chứng minh năng lực và sẵn sàng tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ hơn

Pascale Berry Wavre, Giang Nguyễn, RFA, 04/03/2021

Phiên tòa phúc thẩm sáu người dân Đồng Tâm là một cơ hội cho chính quyền Việt Nam chứng minh với thế giới về công lý của nền luật pháp Việt Nam. Đó là nhận định, và cũng là một lời kêu gọi Hà Nội của nhà hoạt động vì nhân quyền người Thuy Sĩ, bà Pascale Berry Wavre, thành viên của tổ chức nhân quyền Hội Thụy Sĩ Việt Nam (COSUNAM). Trong một lá thư ngỏ gửi ra tuần này cho báo chí Thụy Sĩ, bà Berry Wavre đã lên tiếng kêu gọi những du khách nước ngoài, những ai thăm Việt Nam hoặc mua sản phẩm Việt Nam, cần phải nghĩ đến cái giá phải trả bởi người dân nước Việt. 

dongtam3

Phiên tòa xử 29 người dân Đồng Tâm ở Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 14/9/2020 - Courtesy of TTXVN

Bà đã có một cuộc trò chuyện với phóng viên Giang Nguyễn để triển khai thêm về lời kêu gọi của bà. 

Giang Nguyễn : Thư ngỏ của bà bắt đầu bằng những câu như sau : "Việt Nam sát hại công dân của mình - Không chỉ có ở Miến Điện nơi mà một chế độc đảng chà đạp mãnh liệt các quyền con người" - Vì sao bà đã viết lá thư này và bà nhắm vào ai ?

Pascale Berry Wavre : Trong chỉ bốn ngày nữa, Việt Nam đứng trước một thách thức rất quan trọng, mà cũng là một cơ hội cho các cơ quan chức năng Việt Nam hướng tới một nền tư pháp độc lập hơn. Phiên tòa phúc thẩm này tiếp sau phiên tòa diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, nơi mà các tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu đã không được tôn trọng. Chúng ta biết hai con trai của thủ lĩnh tinh thần của làng đã bị kết án tử hình. Chính ông đã bị lực lượng an ninh sát hại trong vụ tấn công vào Đồng Tâm năm 2020. Cháu trai của ông bị kết án tù chung thân. Bây giờ là lúc mà Tòa án Tối cao tại Hà Nội có cơ hội để chứng minh năng lực của mình và sự sẵn sàng tiến tới một nền công lý dân chủ hơn.

Điều rất quan trọng, mục đích của cuộc phỏng vấn này là để lên tiếng cho quần chúng nhận thức được tình hình. Như bạn cũng biết, truyền thông có tác động mạnh mẽ đến dư luận. Ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội lại nâng cấp vai trò này. Tác động này có thể làm hoen ố danh tiếng (của Việt Nam). Vì vậy, tôi rất mong Tòa án tối cao nhận thức được tác động của kết quả phiên tòa phúc thẩm này.

Giang Nguyễn : Khi bà nói đến "quần chúng", bà đang muốn nói đến quần chúng Thụy Sĩ hay quốc tế nói chung phải không ạ ?

Pascale Berry Wavre : Vâng, gồm tất cả họ. Đó là mục đích của sự lên tiếng và tôi chỉ là một tiếng nói trong số hàng triệu tiếng nói và mỗi tiếng nói đều quan trọng.

Giang Nguyễn : Trong lá thư, bà viết khá chi tiết về kế hoạch phát triển sân bay quân sự ở Đồng Tâm. Phải chăng bà nghĩ rằng chưa có nhiều người biết về nó ? Tôi cũng đặc biệt chú ý đến cầu kết luận của lá thư bà viết, khi bà liên kết vụ đất đai với việc phát triển ngành du lịch. Có phải đây là một trong những lĩnh vực mà bà cho rằng nhiều người nên hiểu hơn về các kế hoạch phát triển của Việt Nam ?

Pascale Berry Wavre : Tôi nghĩ rằng công chúng càng được thông tin nhiều và càng đầy đủ, thì họ sẽ suy ngẩm trước khi đi nghỉ. Đó là điều hiển nhiên. Ngày nay hình ảnh đất nước (Việt Nam) được gắn liền với ý tưởng về một điểm đến với những khách sạn lạ và đẹp mắt. Nếu bạn biết được cái giá mà người dân phải trả cho việc xây dựng các khách sạn này, thì bạn sẽ suy nghĩ, chọn một điểm đến khác.

Đó là điều quan trọng mà chúng ta nên nói. Gần đây có một động thái nhỏ từ chính phủ Việt Nam. Vào ngày 19 tháng trước, Thủ tướng Việt Nam đã chia sẻ chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Nhân dịp đó, ông đã nói rằng "Chiến lược này sẽ bao gồm việc cải thiện thể chế chính trị của đất nước". Vì vậy, những gì chúng tôi, mọi người, đang hy vọng là ngày 8 tháng 3 tới, những lời hứa này sẽ được thực hiện. Tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời để chứng tỏ chính quyền Việt Nam nhận thức được rằng hình ảnh của Việt Nam gắn liền với sử sẵn lòng của du khách trong việc chọn những điểm đến mơ ước. Nhưng thực tế Việt Nam giống như một cơn ác mộng hơn.

Giang Nguyễn : Rất nhiều du khách từ Châu Âu đến thăm Việt Nam. Bà có nghĩ rằng những người này bây giờ nhận thức rõ hơn về các vấn đề nhân quyền, họ có thể tác động gì đó trong việc đòi hỏi hoặc thúc đẩy chính quyền hướng đến một sự công bằng hơn ?

Pascale Berry Wavre : Vâng, tôi tin chắc điều đó. Thông qua mạng xã hội, mọi người nhận thức được nhiều hơn và thông tin nó đi rất nhanh. Du lịch, khách du lịch, chính là tôi, chính là bạn. Chúng tôi muốn đến một nơi mà chúng tôi có thể nghỉ ngơi ở một nơi tuyệt đẹp. Việt Nam là một đất nước xinh đẹp. Cái giá mà con người phải trả đằng sau mỗi khách sạn sang trọng, đằng sau mỗi nơi mà bình thường nó chỉ là đồng xanh, nơi đó quyền tối thiểu của con người đã không được tôn trọng.

Tôi nghĩ rằng các quan chức Việt Nam phải hiểu sự liên kết giữa hai điều đó. Đó là lý do tại sao tôi thực sự hy vọng rằng họ sẽ chọn ngày 8 tháng 3 là một cơ hội. Họ không thể che giấu những sự thật như vậy. Ngày nay điều đó không còn khả thi nữa. Đã đến lúc Thủ tướng cần thực hiện một bước tiến tới một sự cởi mở, dân chủ hơn. Phiên tòa phúc thẩm này là cơ hội để họ thể hiện rằng họ sẵn sàng thực hiện một số bước hướng tới một Việt Nam dân chủ hơn.

Giang Nguyễn : Vâng, đó là mong muốn và cũng là lý do vì sao bà đã đưa ra bức thư ngỏ. Được biết nó sẽ được đăng trên các tờ báo địa phương như Le Temps của Thụy Sĩ và Tribune de Génève.

Pascale Berry Wavre : Tôi thực sự hy vọng rằng Tòa án cấp cao sẽ nhận thức được tác động của kết quả của phiên tòa phúc thẩm này. Đây là vấn đề về hình ảnh của Việt Nam, và hình ảnh này có tác động đến ngành du lịch. Một bài toán rất đơn giản.

Giang Nguyễn : Cảm ơn bà Berry Wavre rất nhiều vì đã dành thời gian và lên tiếng về vấn đề này.

Giang Nguyễn thực hiện

Nguồn : RFA, 04/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Đình Ấm, Cao Nguyên, Pascale Berry Wavre, Giang Nguyễn
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)