Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/03/2021

Khủng hoảng Myanmar đặt ra câu hỏi về bầu cử ở Việt Nam

Ngô Ngọc Trai

Đất nước Myanmar đang xảy ra hỗn loạn có nguyên nhân từ cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 11 năm 2020, khi đảng do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng.

khunghoang1

Nhiều cuộc biểu tình phản đối quân đội nổ ra trên khắp Myanmar từ đầu tháng 2/2021

Đảng do quân đội hậu thuẫn sau đó vì cho rằng cuộc bầu cử có gian lận nên quân đội đã tiến hành đảo chính bắt giữ lãnh đạo chính phủ đầu tháng 2 năm nay.

Theo tôi quan sát, một nguyên do của vấn đề hiện nay tại Myanmar là những khiếm khuyết trong cơ chế bầu cử của nước họ.

Myanmar đã có thể tránh được tình trạng hiện nay nếu luật pháp Myanmar xây dựng được một khung khổ cơ chế bầu cử công bằng minh bạch mà các bên có thể cùng chấp nhận kết quả.

Việt Nam hiện nay cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15, câu chuyện về bầu cử tại Myanmar ở thời điểm này hẳn cũng nên là điều cần lưu ý.

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đã có được một cơ chế bầu cử công bằng chưa ? Những công dân có phẩm chất và năng lực xứng đáng liệu đã có cơ hội ứng cử thành công trở thành Đại biểu Quốc hội ?

Thiếu một cơ chế bầu cử công bằng

Đây là một câu hỏi mà mỗi người với kinh nghiệm và thế giới quan khác nhau sẽ có câu trả lời hoàn toàn khác. Nhiều người hẳn đã có câu trả lời rõ ràng quyết liệt rồi và nhiều người khác thì đơn giản là không quan tâm và cứ làm công việc theo lộ trình kế hoạch.

Tựu chung lại là tồn tại những quan điểm ngược nhau thiếu vắng sự lắng nghe và khó có sự chấp nhận dung hòa, một tình trạng không khác mấy với bản chất câu chuyện bên Myanmar.

khunghoang2

Bà Aung San Suu Kyi, hình chụp hồi tháng 9/2020

Tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay, với mong muốn phát triển bền vững, điều thực tế nhất có lẽ là tạo lập một lối đi ở giữa.

Mọi người cần nhận ra khiếm khuyết nơi bản thân mình, không ai nắm giữ được độc quyền chân lý và hoàn toàn đúng hết, nếu hiểu điều đó thì mỗi người mặc dù vẫn có thể giữ quan điểm chủ kiến cho riêng mình nhưng cũng nên dành ra một lối đi chung cho sự lắng nghe thấu hiểu.

Thực tế hiện nay Việt Nam là một đất nước có nhiều tiềm năng cơ hội phát triển, theo đó đường lối phát triển quốc gia nói chung hay từng ngành lĩnh vực nói riêng đều có thể lựa chọn theo nhiều phương cách khác nhau.

Việc cần thiết là để cho những ý kiến quan điểm khác đó cùng được cất lên tiếng nói, trao đổi rõ ràng, để từ đó thấy được cách thức xây dựng phát triển hợp lý đúng đắn nhất.

Theo kế hoạch thì cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 sẽ dành ra một số ghế từ 25 đến 50 cho những người ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Tức là Đảng Cộng sản chấp nhận những người có ý kiến khác mình, nhưng tất nhiên là ở mức không thù nghịch chấp nhận được.

Sẽ rất tốt nếu dành cơ hội đó cho những ứng viên tự do thực sự có năng lực tâm huyết có khả năng thúc đẩy hệ thống chuyển động tới tiến bộ.

Khi đó hãy cùng tưởng tượng hình dung làm quen về những tiếng nói khác được cất lên nơi nghị trường Quốc hội. Tới lúc đó mọi người sẽ cần chấp nhận rèn luyện khả năng lắng nghe những ý kiến khác quan điểm nhưng trong không khí luận bàn xây dựng.

Làm được điều đó là cách tốt nhất để tránh việc gim giữ nhau ở tiêu chuẩn thấp trong sinh hoạt chính trị nghị trường hoặc ném vào nhau những ngôn từ nặng nề.

Bằng cách đó nền bầu cử sẽ có được những bước phát triển tiến bộ thực chất, đất nước sẽ gây dựng tiến dần đến một cơ chế bầu cử đáng mong muốn để giảm tránh đi những chuyện xảy ra như ở bên Myanmar.

Luật sư thích hợp cho vai trò chính quyền ?

Một trong những công việc chính của Quốc hội là làm luật, cho nên điều kiện cần có ở một ứng viên Đại biểu Quốc hội là khả năng tham gia xây dựng pháp luật, ngoài làm luật thì Quốc hội còn có những hoạt động khác như bầu các chức danh bộ máy nhà nước như Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án.

Xuất phát từ tính chất công việc như vậy cho nên trong số các ngành nghề tồn tại trong xã hội thì nghề luật sư có nhiều lợi điểm thuận lợi để trở thành một Đại biểu Quốc hội.

khunghoang3

Tổng thống Mỹ Joe Biden có xuất phát điểm là một luật sư

Ví như ở nước Mỹ, Tổng thống Mỹ hiện nay là ông Joe Biden cũng có xuất phát điểm là một luật sư, với tuổi đời ngoài 70, ông ấy đã có mấy chục năm liên tục làm Nghị sĩ.

Trước đó Tổng thống Barack Obama cũng xuất phát là một luật sư rồi ứng cử thành công làm Nghị sĩ, hay như bà Hillary Clinton cũng là luật sư rồi trở thành Nghị sĩ.

Nếu không kể những luật sư trở thành tổng thống hay ứng viên tổng thống thì có thể nhận định ở Mỹ có rất nhiều Nghị sĩ vốn là luật sư.

Ở Việt Nam hiện nay, với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, từ nhiều năm qua cũng đã có những Luật sư trở thành Đại biểu Quốc hội, tuy rằng số lượng chưa được như cần có nhưng xu hướng đang tăng lên, kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 đã có 3 Luật sư trúng cử.

Lý do người luật sư lại phù hợp với công việc của một Đại biểu Quốc hội bởi người luật sư trong khi hành nghề đã thường xuyên vận dụng các văn bản pháp luật vào giải quyết công việc, đó là một thực tế mà ít ngành nghề nào khác có tính chất công việc lại gắn liền với các văn bản pháp luật hàng ngày như vậy.

Tài liệu trong tay các luật sư thường xuyên là các văn bản luật, trong khi đó công việc của Đại biểu Quốc hội cũng là soạn thảo họp bàn và thông qua các văn bản luật. Như thế người luật sư hay Đại biểu Quốc hội giống nhau ở sự gần gũi với những văn bản luật, sống cùng đời sống với luật pháp.

khunghoang4

Việt Nam hiện chỉ có 3 luật sư là đại biểu quốc hội

Luật sư cũng là người thường xuyên đọc các điều luật, soi xét từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy, để áp dụng vào những vụ việc của khách hàng.

Từ đó thấy được những lợi điểm hoặc bất cập của quy định pháp luật, qua đó có kiến thức hiểu biết thấy được quy định pháp luật nên được viết như thế nào để phù hợp với đời sống, và đó là kiến thức rất cần cho Đại biểu Quốc hội.

Luật sư khi tư vấn cho khách hàng cũng thường vận dụng các quy định chính sách, về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, từ đó có được góc nhìn bao quát rộng lớn về đời sống xã hội nơi mà văn bản chính sách tác động điều chỉnh vào.

Như thế nhãn quan của luật sư luôn có được tầm rộng mở tương ứng với độ phủ rộng của một văn bản luật tác động đến các quan hệ xã hội, từ đó giúp có được suy nghĩ nhận thức nhãn quan ở tầm quốc gia, phù hợp với những đòi hỏi của Quốc hội là cơ quan hoạch định chính sách cho cả nước.

Đây là ưu thế mà những nghề nghiệp khác ít khi có được nếu bản thân một người không ở sẵn cương vị quản lý cấp cao rồi mới rèn luyện được nhãn quan nhìn nhận tầm rộng như thế.

Với những lý do như vậy có thể khẳng định rằng, nghề luật sư là ngành nghề có nhiều yếu tố thuận lợi phù hợp để thực hiện công việc của Đại biểu Quốc hội.

Và nếu Việt Nam muốn đẩy nhanh lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật thì rất cần có nhiều luật sư tham gia vào Quốc hội.

Bằng cách đó nền pháp quyền sẽ được đẩy mạnh tạo lập vững chắc, từ đó giảm tránh đi tình trạng quân phiệt bạo động như ở Myanmar.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 12/03/2021

Tác giả Ngô Ngọc Trai là một luật sư đang sinh sống và hành nghề tại Hà Nội, Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Ngọc Trai
Read 553 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)