Năm 2019, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu Châu Á, theo tạp chí Asian Scientist của Singapore. Một năm trước, chị nằm trong số 14 nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi được trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới 2018, nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và UNESCO.
Một điểm chung trong những công trình nghiên cứu kỹ thuật y sinh của chị, lần lượt được nhận giải thưởng quốc tế từ năm 2016 đến 2019, là có tính ứng dụng cao, đóng góp nổi bật cho cộng đồng : keo kháng khuẩn giúp làm lành vết thương - một giải pháp sơ cứu hữu hiệu cho người sống xa bệnh viện ; nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi ; giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh và gần đây là sản phẩm Antiviral colloidal silver có thể phòng nhiễm virus trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hiện được lưu hành trong nội bộ trường.
Gần 10 năm kể từ khi tốt nghiệp tiến sĩ về y học tái tạo ở Hàn Quốc và trở về nước năm 2012, chị có 107 công trình khoa học, khoảng 100 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước, đặc biệt là 4 bằng sáng chế.
Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 04/03/2021, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thêm về hành trình từ "ba không" - không tài trợ, không dự án, không máy móc - đến những thành công hiện nay.
*****
RFI :Thưa phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, chị học thạc sĩ rồi tiến sĩ ở Hàn Quốc, đã quen với môi trường nghiên cứu hiện đại, cùng với trang thiết bị tối tân, nhưng rồi chị từ chối một mức lương cao và bảo đảm một cuộc sống ổn định tại Hàn Quốc để về nước giảng dạy từ năm 2012. Lúc đó, chị có thấy mình "liều" khi đưa ra quyết định như vậy không ?
Nguyễn Thị Hiệp : Đối với tôi, ngày xưa cũng như bây giờ, quyết định đó không có gì là liều lĩnh, mà là một quyết định rõ ràng, có định hướng cho tương lai của tôi.
Đối với tôi, hoặc với bất kỳ người Việt Nam nào khi đi học ở nước ngoài, điều quan trọng nhất là nền tảng gia đình và văn hóa người Việt, thì với tôi, điều cốt lõi đó còn mạnh mẽ hơn, lôi cuốn tôi trở về để được làm việc và sống trong tình thương của gia đình, của hàng xóm, của láng giềng và trong môi trường làm việc trong điều kiện người Việt Nam. Cho nên, ngay cả bây giờ, tôi thấy đó là quyết định rất sáng suốt, không "liều lĩnh". Tôi nghĩ rằng với khả năng thực sự, thì người Việt khi về nước cũng có khả năng làm tốt như ở nước ngoài, chứ không phải có điều kiện vật chất tốt như nước ngoài thì mới thuận lợi trong làm việc.
Còn về lương bổng bảo đảm điều kiện sống, mỗi người có một nhu cầu cuộc sống khác nhau. Đối với tôi, điều đó không quá quan trọng, nên tôi có thể giảm bớt nhu cầu sinh hoạt cá nhân để có thể làm nghiên cứu, đam mê của mình trong điều kiện ở Việt Nam.
RFI : Chị có một câu nói ấn tượng khi nói về bốn công trình nghiên cứu của chị đăng ký ở Hàn Quốc, đều trở thành tài sản của nước này. Dù thế, vào thời điểm đó, đã có khi nào chị nghĩ rằng nếu tiếp tục ở lại Hàn Quốc, tương lai nghiên cứu khoa học của chị sẽ rộng mở hơn là về nước chưa ? Thực ra đây cũng là trăn trở của rất nhiều du học sinh.
Nguyễn Thị Hiệp : Thật sự mà nói trong điều kiện tốt hơn thì mình sẽ làm được nghiên cứu tốt hơn. Với những trang thiết bị máy móc tối tân hơn thì mình sẽ ra được những kết quả chính xác, cũng như là là có cái nhìn sâu hơn về khoa học. Tuy nhiên, làm nghiên cứu cũng phải căn cứ vào mục tiêu. Ví dụ những máy móc tối tân đó sẽ giúp mình hiểu sâu về khoa học, nhưng thực sự đời sống cần những sản phẩm khoa học không quá sâu như vậy.
Nghiên cứu khoa học được chia thành hai mảng : nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Khi trở về nước, tôi thấy rằng điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam không bằng ở nước ngoài, đặc biệt là trang thiết bị, nhiều thiết bị không thể nào có ở Việt Nam, cho nên tôi suy nghĩ là nhu cầu ở trong nước đang cần cái gì và đặt mình vào cuộc sống trong một nước đang phát triển, thì làm nghiên cứu khoa học phục vụ cho đời sống người dân trong nước. Điều đó có nghĩa là mình đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Tôi không nghĩ là ở nước ngoài tôi sẽ là tốt hơn như hiện tại bởi vì đôi khi việc nghiên cứu cơ bản ở nước ngoài với những thiết bị tối tân đó, không phải là sở trường của mình, không phải là đam mê của mình. Mà đam mê của mình là làm ra những sản phẩm cho đời sống, không cần quá cao siêu, không cần đến những trang thiết bị quá hiện đại, mà đặt cái tâm của mình vào người dân, họ đang cần gì và mình nghiên cứu để phục vụ đời sống.
Nghiên cứu khoa học phục vụ cho đời sống là một nghiên cứu có ý nghĩa. Như vậy, đối với tôi là thành công, chứ tôi không cảm thấy hối tiếc về quyết định trở về mà không ở lại để được sống trong môi trường nghiên cứu tốt hơn so với ở Việt Nam ngay thời điểm lúc đó.
RFI : Quãng thời gian 5 năm, kể từ khi về nước năm 2012 cho đến những năm 2016-2017 khi các công trình nghiên cứu của chị bắt đầu được công nhận qua nhiều giải thưởng lớn của quốc tế và trong nước, đó có phải là giai đoạn khó khăn đối với chị không ?
Nguyễn Thị Hiệp : Thật ra mà nói rất là khó khăn, chứ không phải chỉ khó khăn thôi. Nếu mọi người đọc báo thì thấy là khi tôi trở về nước, vào làm việc tại Khoa Kỹ thuật Y sinh hiện tại, trước đó là bộ môn Kỹ thuật Y sinh, lúc đó chuyên ngành khoa học y khoa không hề có trang thiết bị, bộ môn Kỹ thuật Y sinh chỉ phát triển thiết bị y tế.
Tôi trở về làm những thí nghiệm về Khoa học Y khoa đầu tiên và xây dựng bộ môn Y học tái tạo. Tôi là người đặt những viên gạch đầu tiên, nền móng để phát triển hướng y học tái tạo cho Khoa Kỹ thuật Y sinh hiện tại. Như người đi khai hoang, tôi thấy trước mặt mình giống như một vùng đất khô cằn, hoang sơ và tôi nghĩ là có khả năng cải tiến vùng đất đó trở nên đơm hoa kết trái. Có nhiều khi tôi thực sự khóc trước những khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn cố động viên bản thân là có thể làm được. Và điều đó đã trả lại cho tôi một kết quả tốt sau khoảng thời gian 5 năm, từ ngày về nước.
Về những khó khăn, thực ra mà nói, khi di chuyển từ một môi trường làm việc rất tốt sang môi trường không có gì, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên mà nhà khoa học cần phải đối mặt đó là phải vượt qua tâm lý. Nếu như có tâm lý sẵn sàng chiến đấu với khó khăn đó, thì mình sẽ có thêm sức mạnh về tâm lý.
Tâm lý có hai dạng, hoặc làm cho mình trở nên mạnh mẽ hơn, hoặc làm cho mình trở nên yếu đuối hơn. Nếu cứ mang tâm lý kiểu : Điều kiện ở đây không đủ, không thể nào làm việc được, thì điều đó có nghĩa là mình không thể nào làm việc được. Tuy nhiên, nếu mình mang một tâm lý : Ờ, mình phải cải tiến chỗ này, làm việc được ở chỗ này, thì lúc này, mình mang được sức, ngoài sức về thể xác, còn có thêm một sức về tinh thần. Và tôi nghĩ rằng sức về tinh thần này mạnh hơn rất nhiều so với sức về thể xác để giúp mình vượt qua những khó khăn. Mình phải tự chất vấn bản thân về hoàn cảnh làm việc của mình mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng để cải tiến nó. Tôi nghĩ rằng khó khăn sẽ không còn là khó khăn sau một quãng thời gian.
RFI : Có một số bài báo nói là chị là người đi "săn" giải thưởng. Thực ra, trong môi trường nghiên cứu, danh tiếng của một Khoa hoặc một Bộ môn có ý nghĩa rất lớn cho các công trình nghiên cứu sau này. Có phải 5 năm này là giai đoạn chị gây tiếng cho Khoa không ?
Nguyễn Thị Hiệp : May mắn là khoa Kỹ thuật Y sinh là một khoa nghiên cứu về những cái mới, ứng dụng vào đời sống sức khỏe của con người, vì thế, các cán bộ ở đây làm việc rất hăng say. Ngoài tôi lãnh giải thưởng còn có các thầy cô khác cũng lãnh rất nhiều giải thưởng từ trong nước cho đến quốc tế. Tôi nghĩ rằng điều đó rất thuận lợi cho Khoa và dường như cán bộ ở đây cũng rất năng nổ.
Tôi không phải là một cá nhân được lãnh thưởng từ Khoa. Và tiếng tăm của Khoa không chỉ được xây dựng từ riêng một mình tôi. Tôi nghĩ rằng thành công của Khoa ngày hôm nay là sự đóng góp của rất nhiều thành viên, thầy cô và những người đi trước, cũng như là những người trẻ sau này.
RFI : Những công trình nghiên cứu của chị đều mang ý nghĩa và lợi ích lớn cho cộng đồng. Để có những ý tưởng này, nguồn gốc xuất phát từ đâu ?
Nguyễn Thị Hiệp : Thường tôi hay lên mạng xem đời sống người dân Việt Nam ở đây ở đó. Sau đó, tôi lấy ý tưởng từ những chuyến đi thực tế, để xem thực tế ở đó có giống như trên mạng không. Rồi từ những thực tế đó, tôi suy nghĩ về cách để cải thiện nó. Có nghĩa là tôi nhìn vào những gì người dân đang phải chịu và những người xung quanh tôi phải chịu đựng, vì bản thân mình làm trong kỹ thuật ngành Y, nên tôi lấy cảm hứng nghiên cứu từ những cảm xúc, đặt mình vào vị trí của người dân không được tiếp cận với ngành y tế hiện đại như những nước phát triển để tôi ra nội dung nghiên cứu.
RFI : Giáo sư Võ Văn Tới là người đặt nền móng cho Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, tiền thân của Khoa Kỹ thuật Y sinh hiện nay. Chị tiếp tục công trình này như thế nào ? Làm thế nào để Khoa được biết đến ở quy mô quốc gia và quốc tế ?
Nguyễn Thị Hiệp : Khoa Kỹ thuật Y sinh là khoa nghiên cứu về những giải pháp, những phương pháp, những thiết bị để có thể cải thiện sức khỏe đời sống của người dân.
Khoa được thành lập và xây dựng bởi giáo sư Võ Văn Tới, một Việt kiều Mỹ, trở về, đặt tâm huyết xây khoa này cho trường Đại học Quốc Tế tại Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh. Thầy đã tạo ra một nền móng rất tốt để cho những cán bộ trẻ như tôi được cộng tác, được làm việc và phát triển trên đó.
Để phát triển được Khoa Kỹ thuật Y sinh ngang tầm với thế giới, tôi nghĩ rằng ngoài sức trẻ và những nhà nghiên cứu làm việc hăng say như hiện tại, thì cần phải có sự ủng hộ của Nhà nước về cơ chế. Có nghĩa là Nhà nước cung cấp một cơ chế thoáng về tài chính, xây dựng những hướng dẫn rõ ràng về đầu ra của sản phẩm nghiên cứu tại Khoa.
Ví dụ ở nước ngoài, những trung tâm về Kỹ thuật Y sinh như này sẽ được Nhà nước xem xét bằng cách họ đầu tư thẳng một cơ chế cho trung tâm để nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống người dân. Họ sẽ tập trung tài trợ cho những nghiên cứu đó, những sáng chế, những sản phẩm thật, sau đó là giúp cấp giấy tờ, giúp tìm nhà đầu tư để đưa sản phẩm ra thị trường. Tôi hy vọng là Nhà nước tương lai sẽ xem xét chuyện này và hỗ trợ cho Khoa Kỹ thuật Y sinh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, trường Đại học Quốc Tế tại Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 08/03/2021