Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/03/2021

Mối nguy hiểm đối với các nhà báo nữ tại nhiều nước

Thanh Trúc

Phúc trình RSF cảnh báo về mối nguy hiểm đối với các nhà báo nữ tại nhiều nước

Báo cáo của RSF cho thấy trong 112 quốc gia được quan sát, 40 nước không chỉ nguy hiểm đối với báo giới đã đành mà còn là mối đe dọa gấp đôi với phóng viên nữ trong đất nước đó.

111111111111111111111

Các phóng viên báo chí Việt Nam tại họp báo Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 22/1/2021 – Reuters - Ảnh minh họa

Đây là phúc trình về giới nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3, qua đó RSF nhấn mạnh đến vấn nạn những nhà báo nữ trên thế giới phải đối diện những hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, bạo hành, xâm hại tình dục, thậm chí dọa giết hay bị giết chết. 

Những cách hành xử như vậy, theo RSF, không còn đơn thuần là tấn công hay bạo hành thông thường mà đã đi quá đà trong thời đại công nghệ thông tin. Hơn 58% đối tượng được hỏi đều cho rằng Internet là phương tiện cực kỳ hữu hiệu để bôi nhọ, phỉ báng, sách nhiễu, khủng bố tinh thần các nhà báo nữ không may lọt vào tầm ngắm của kẻ có thế lực. 

Phúc trình mới nhất về giới này dựa căn bản trên một báo cáo trước đây của RSF về sự khó khăn trong việc tiến tới một nền báo chí tự do, đặc biệt nữ quyền trong lĩnh vực truyền thông hiện đại. 

Đầu tiên và điển hình trong báo cáo của RSF là trường hợp nữ ký giả Rana Ayyub, một nhà bỉnh bút nổi tiếng ở Ấn Độ. Với loạt phóng sự điều tra, phanh phui vụ tai tiếng tham nhũng trong chính quyền, ký giả Rana Ayyub cho biết bà bị tổn thương và suy sụp nặng nề trước những lời đe dọa ngày này qua ngày khác trên Internet là sẽ bị hãm hiếp cho đến chết nếu tiếp tục viết.

Trường hợp thứ nhì xảy ra hồi tháng 8/2020 với nữ ký giả Sofie Linde, khuôn mặt nổi tiếng của chương trình Talk Show trên TV ở Đan Mạch. Cô Sofie Linde tố cáo cô bị sách nhiễu tình dục nhiều lần bởi một nam đồng nghiệp lớn tuổi vốn là cấp trên của cô. 

Vụ việc Sofie Linde gây chấn động và phẫn nộ trong làng báo cũng như trong dư luận ở Đan Mạch.

Theo RSF, điều này chứng tỏ người nữ làm báo ngày nay đã dám tố cáo những hành động sách nhiễu, lạm dụng, hăm dọa, xâm hại tình dục mà họ là nạn nhân.

Mạnh dạn tố cáo là việc được khuyến khích, cổ vũ mà những người tranh đấu bảo vệ nữ quyền ở Mỹ, Nhật, Ấn Độ khởi xướng bằng phong trào có tên Me Too được nhiều người hoan nghênh.

RSF Phóng viên Không Biên Giới còn nêu tên tuổi những nữ ký giả bằng lòng đưa ra ánh sáng về trường hợp bị hại của họ. 

Đó là nữ ký giả Nouf Abdulaziz al-Jerawi ở Saudi Arabia, bị tra tấn bằng roi điện, bị hãm hiếp suốt thời gian ngồi tù vì loạt phóng sự vạch trần sự chuyên quyền trong công sở và tính gia trưởng trong gia đình của đàn ông Ả Rập. 

Kế tiếp, nữ ký giả Patricia Campos Mello ở Brazil, vì đưa tin về những sai trái trong một ngân quĩ công hồi năm 2018, mà đã liên tục bị mắng nhiếc bằng lời lẽ thô lỗ tục tằn, kể cả bị dọa giết trên Internet.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với phái nữ làm báo ở Hoa Kỳ, là chia sẻ qua điện thư của cô Bảo Anh, phóng viên báo LA Times ở California :

"Bởi vì trên Internet thì người ta có thể trở thành bất kỳ người nào họ muốn. Họ dùng tài khoản nặc danh để tấn công phụ nữ hay người da màu trong các cộng đồng yếu thế"

"Và quả là một động lực, một sự tiếp sức quí báu khi biết đến công việc của RSF Phóng Viên Không Biên Giới, của AAJA Hiệp Hội Phóng Viên Mỹ gốc Á, hoặc SPG Tổ Chức Ký Giả Chuyên Nghiệp, với những khóa huấn luyện về tự vệ và bảo toàn an ninh dành cho những nhà báo nữ bị tấn công trên mạng". 

Dù không nêu tên Việt Nam trong báo cáo ngày 8/3 nhưng trước đó RSF từng lên tiếng đòi Hà Nội phóng thích nhà báo Phạm Đoan bằng cuộc vận động có tên "Free Pham Doan Trang", sau khi nhà báo tự do này bị bắt giữ và bị cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà Nước.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 10/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 537 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)