Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/03/2021

Bầu cử Quốc hội : sao vẫn có người tự ứng cử ?

Giang Nguyễn

Xác suất lọt vào Quốc hội gần như "không", sao vẫn có người tự ứng cử ?

Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan Thanh tra của Chính phủ đăng trên mạng vào ngày 3 tháng 2 phát biểu rằng không có việc cản trở người tự ứng cử "vì ứng cử là quyền của công dân".

qh1

Một xe cổ động cho bầu cử Quốc hội ở Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 22/5/2011 - AFP

Thế nhưng phương thức được gọi ‘Đảng cử -dân bầu’ với việc Mặt trận Tổ quốc giữ toàn quyền lập danh sách ứng viên cho thấy gần như không có đại biểu tự do nào trong gần 500 thành viên Quốc hội Việt Nam.
Những người tự ứng cử vấp phải những cản trở từ vòng nộp hồ sơ, hiệp thương, v.v... Thực tế lâu nay cho thấy số người tự ứng cử lọt vào Quốc hội gần như là con số không. Nhưng vì sao vẫn có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội ?

Ông Lê Trọng Hùng, phóng viên độc lập của kênh có tên CHTV tại Hà Nôi, là một trong số ít người đang làm hồ sơ ứng cử tự do cho biết :

"Vâng lần trước thì tôi tẩy chay bầu cử, lần này thì tôi lại đứng ra ứng cử. Mọi người có thể xem đây là một mâu thuẫn, nhưng không có mâu thuẫn gì cả. Bởi vì lần trước tôi hy vọng nhiều người tẩy chay. Lần này nếu rất nhiều người tẩy chay, tôi cũng có thể làm công tác tẩy chay, nhưng hiện giờ thì không có mấy người tẩy chay và việc tẩy chay đó nó là hành động bất đắc dĩ thì mới làm đến".

Ông Hùng chia sẻ ông cảm thấy phải tự ra ứng cử Quốc hội khóa này để vạch ra sự dối trá của việc ứng cử vào Đại biểu quốc hội -- họ không hề ra tranh cử mà vẫn được bầu.

Ông cho biết tiếp : "Tôi đã rất khó khăn trong việc tiếp cận với họ để họ đại diện cho tôi trong ý kiến của mình về xây dựng xã hội. Chính vì vậy tôi nghĩ trong khi chúng ta không có niềm tin ở ai thì mình sẽ đặt niềm tin vào chính mình".

qh2

Hai ứng viên Đại biểu quốc hội độc lập ông Lê Trọng Hùng (trái) và ông Trần Quốc Khánh. Photo Hùng Gàn Lê

Một ứng cử viên tự do khác là Facebooker Lê Dũng Vova. Ông cũng là phóng viên CHTV. Ông nói từ trước đến nay ông là cử tri và thấy rõ đại biểu Quốc hội đã không làm đúng trách nhiệm đại diện như lắng nghe tiếng nói và phản ánh của cử tri.

"Tôi là một công dân, là một cử tri hơn 50 tuổi nhưng chưa bao giờ biết cái người đại diện cho mình là ai. Tôi có đài truyền hình năm sáu năm nay, có kênh truyền hình tư nhân ở CHTV. Tôi nhiều lần liên lạc gọi điện, nhắn tin, tìm số của các đại biểu Quốc hội nhưng không được, khi gọi đến thậm chí có những ông nghe máy hỏi, ‘Ông là ai, ông có tư cách gì để gọi cho tôi !’. Tôi thấy như vậy họ không làm được vai trò của những người đại biểu. Trong khi trong vòng 4 năm nay mình làm những cái chương trình truyền truyền thông, truyền hình trực tiếp, người dân đến hàng nghìn người, đã đến nhờ kênh hình, mạng Facebook và YouTube của tôi để phản ánh lên cộng đồng mạng những ý kiến của họ".

Ông Lê Trọng Hùng nhận xét, làm đại biểu Quốc hội phải có chương trình hành động khi ngồi vào ghế đại biểu Quốc hội. Cũng không kém quan trọng, trong lúc ứng cử, nếu là một cuộc bầu cử đúng nghĩa thì người dân phải có sự lựa chọn, bằng cách là được tiếp xúc với ứng cử viên, tìm hiểu đề cương, chương trình hành động của họ mà trước giờ hầu như không có.

"Quá trình tiếp xúc với cử tri, vận động cử tri của họ rất là ít, rất là mờ mịt, theo một kịch bản rất nhạt nhòa, chiếu lệ. Chính vì vậy mà tôi đã làm ra một chương trình hoàn toàn khác, mới lạ, đó là tranh cử đại biểu Quốc hội. Việc đó gồm có hai phần, thứ nhất là làm hồ sơ ứng cử giống như tất cả các ứng viên trước đây và hiện nay. Phần hai là điều kiện để chiến thắng, đó là phần tranh cử. Tôi đang vận động tranh cử. Trên thế giới thì việc này không hiếm, nó mới là chuẩn mực, nhưng mà hiện nay ở Việt Nam thì chưa hề có. Thế thì tôi đang tranh cử để tiếp cận được nhiều cử tri nhất để chứng minh được năng lực của mình".

Ông Hùng và ông Dũng đã dùng mạng xã hội để chia sẻ về dự án tranh cử và đề án chính trị của họ. Ông Hùng có kế hoạch "tranh luận" với một ứng viên tự do khác là ông Trần Quốc Khánh vào tối ngày 9 tháng 3 trên Facebook…

Tuy nhiên, vào ngày 10 tháng 3, ông Hùng cho biết ông Khánh khi về quê ở Ninh Bình dự một đám giỗ đã bị công an địa phương bắt tạm giam. Cáo buộc mà truyền thông Nhà nước loan về ông Khánh là ‘làm, tàng trữ, hoặc phát tàn tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.

Hai ứng cử viên độc lập Nguyễn Trọng Hùng và Lê Dũng Vova cho biết, ngay trong bước đầu tiên nộp hồ sơ tự ứng cử họ đã gặp nhiều khó khăn, nhiều thủ tục nhiêu khê. Ông Lê Trọng Hùng nói đã nhiều lần bị triệu tập lên đồn công an làm việc. Công an quận Hai Bà Trưng trong những ngày qua đã canh giữ ngoài cửa nhà, cản trở việc ông hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ.

"Việc nộp hồ sơ của tôi thì hiện nay vẫn đang gặp khó khăn... Tôi đi làm công tác làm hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội, mà họ ngăn cản, đó là việc hết sức vô lý và vi hiến. Họ đã tước quyền tự do đi lại đồng thời phá hủy công việc tranh cử Đại biểu quốc hội của tôi".

Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc gọi điện đến đồn công an quận Hai Bà Trưng nhưng không ai bắt máy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 26/1/2021. Reuters

Các ứng viên độc lập hiểu rõ xác suất họ được ghi vào danh sách bầu cử gần như không có, nhưng họ khẳng định việc ra ứng cử vẫn có tác dụng.

Ông Lê Dũng lập luận :

"Nhiều người chỉ hiểu được và biết được là không vào được thì sao ứng cử ? Thứ nhất là mình làm những việc đó để người dân hiểu rằng, số đông người dân, công dân ở Việt Nam, thậm chí quan chức ở Việt Nam họ chưa hề biết đến khái niệm về Hiến pháp là gì. Và họ không hề biết một người dân ra ứng cử là quyền của cử tri ghi trong Hiến pháp.

Thứ hai là việc cực kỳ quan trọng đối với mình, là mình sẽ công khai đề cương tranh cử của mình lên cho các cử tri, cả nước, và cả bộ máy chính quyền Nhà nước, ban bầu cử, thậm chí là tất cả ông bà đang là đại biểu Quốc hội biết là xưa đến giờ, các ông bà đại biểu Quốc hội, kể cả ban tổ chức bầu cử, chưa bao giờ có một đại biểu nào nằm trong Quốc hội mà có để cương tranh cử công khai trên mạng".

Ứng cử viên độc lập ông Lê Trọng Hùng nhấn mạnh, việc vận động ứng cử của ông, nếu như không đạt được kết quả là ngồi vào ghế Quốc hội Việt Nam, thì ông cũng đã làm được một việc quan trọng. Đó là đã giới thiệu với cử tri một cách hoạt động tranh cử mới. Theo ông đó là có tranh luận, có giới thiệu dự án chính trị, có tiếp xúc người dân, cộng đồng, để cử trị biết được đại biểu của mình là ai.

Một người đang làm thủ tục tự ứng cử vào Quốc hội Khóa XV khác là giáo sư Nguyễn Đình Cống. Ông là một tiếng nói phản biện được nhiều người biết đến hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc hôm 4 tháng 2 rằng phải phấn đấu số người ngoài Đảng trúng cử vào Quốc hội khóa mới từ 5 đến 10%, tức 25 đến 50 đại biểu.

Quốc hội Khóa 14 có gần 100 ứng cử viên tự do, nhưng rốt cuộc trong danh sách 870 ứng viên, chỉ có 11 người tự ứng cử, trong số đó không có người thực sự được cho là tự do, lọt vào danh sách ứng viên.
Cuộc bầu cử Quốc hội Khóa 15 tại Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng 5. Thời hạn nộp hồ sơ, bước đầu tiên của việc ứng cử, kết thúc ngày 14 tháng 3.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 10/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Nguyễn
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)