Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/03/2021

Bắn giết dân lành : Quân phiệt Miến ngày càng lún sâu vào tội ác

Nhiều tác giả

Thiết quân luật chung quanh Rangoon sau một ngày đàn áp đẫm máu

Thanh Hà, RFI, 15/03/2021

Myanmar : Cảnh sát xả súng khiết ít nhất 63 người chết sau khi nhà máy Trung Quốc bị đốt

Chủ nhật 14/03/2021 là ngày đẫm máu nhất kể từ khi xẩy ra cuộc đảo chính tại Miến Điện. Theo hãng tin Mỹ AP, tập đoàn quân sự ban hành thiết quân luật tại 6 khu vực ngoại ô thành phố Rangoon. Lực lượng an ninh sát hại 38 người biểu tình chống đảo chính. Trong bối cảnh nóng bỏng nói trên, phiên tòa xử lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ bị hoãn lại 10 ngày.

Các cuộc biểu tình vì dân chủ tiếp diễn tại Miến Điện một ngày sau đợt đàn áp đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính do quân đội tiến hành hôm 01/02/2021. Gần 40 người thiệt mạng và trên 120 người bị thương chỉ riêng trong ngày hôm qua.

Theo dự trù, sáng nay cựu cố vấn Nhà nước Miến Điện, lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, bà Aung San Suu Kyi lại phải ra trình diện tòa án thêm một lần nữa qua phương tiện vidéo, thế nhưng theo hãng tin Pháp AFP do hệ thống internet không hoạt động, phiên tòa đã bị dời lại đến ngày 24/03/2021. Trước mắt, bà Aung San Suu Kyi phải đối mặt với ít nhất bốn tội danh, trong đó có tội nhận hối lộ 600.000 đô la và hơn 11 ký vàng.

Sáu tuần kể từ khi tiến hành cuộc đảo chính, quân đội Miến Điện gia tăng đàn áp phong trào dân chủ. Hôm qua tình hình đặc biệt căng thẳng tại hai khu ở ngoại ô thành phố Rangoon : Hlaing Thar Yar và Shweppyitha. Đây là những nơi có nhiều nhà máy dệt may. Tại Hlaing Thar Yar cảnh sát đã thẳng tay trấn áp làm hơn 20 người tử vong, nhiều nhà máy của Trung Quốc bị đốt phá.

mien1

Người biểu tình chống đảo chính tại Rangoon, Miến Điện, bị thương vì đạn của cảnh sát, ngày 14/03/2021. AP

AFP lưu ý, đến nay chưa ai nhận trách nhiệm về các vụ hỏa hoạn nói trên nhưng tinh thần bài Trung Quốc ngày càng dâng cao không chỉ ở khu vực gần lá phổi kinh tế Rangooon, mà cả trên toàn quốc. Bởi vì một phần công luận cho rằng Bắc Kinh quá nương nhẹ giới tướng lĩnh Miến Điện.

Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện kêu gọi Naypyidaw tăng cường an ninh bảo vệ các cơ sở của Trung Quốc. Về phía Đài Bắc, văn phòng đại diện của Đài Loan tại Miến Điện kêu gọi các doanh nghiệp giương cờ và biểu hiệu của Đài Loan tránh để bị đánh đồng với các cơ sở của Trung Quốc.

Với thiết quân luật được ban hành tại 6 khu vực ngoại ô Rangoon, những ai vi phạm sẽ bị đưa ra xử tại tòa án quân sự và có thể bị xử phạt đến 3 năm tù lao động khổ sai.

Về phản ứng cộng đồng quốc tế, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener mãnh mẽ lên án đợt đàn áp đẫm máu hôm qua.

Thanh Hà

***********************

"Quốc hội ngầm" kêu gọi người dân can đảm tiếp tục chống đảo chính

Thu Hằng, RFI, 14/03/2021

Cảnh sát Miến Điện tiếp tục bắn vào người biểu tình ôn hòa khiến ít nhất 5 người thiệt mạng trong ngày 14/03/2021 sau "ngày đen tối" 13/03 với ít nhất 13 người thiệt mạng. Các nghị sĩ của phe đối lập, tham gia Ủy ban đại diện Quốc hội (Cabinet of Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw, CRPH), lên án chế độ quân sự và kêu gọi người dân tiếp tục phong trào biểu tình với "tinh thần bất khuất" để chống cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự.

mien2

Các nhà sư tham gia phong trào biểu tình ở Mandalay để phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện, ngày 12/03/2021.  AP

"Quốc hội ngầm", trong đó có rất nhiều thành viên của đảng LiênĐoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) hiện sống bí mật, liên tục đăng nhiều tuyên bố trên các mạng xã hội kể từ khi được thành lập.

Trong một video đăng trên trang Facebook của CRPH tối 13/03, được AFP trích dẫn, ông Mahn Win Khaing Than, quyền phó chủ tịch của Ủy ban đại diện Quốc hội, từng là chủ tịch Quốc hội dưới thời chính phủ dân sự, kêu gọi người dân kiên trì đấu tranh chống "chế độ độc tài bất công", dù "đây là thời điểm đen tối nhất của đất nước, nhưng ánh sáng bình minh đang đến gần".

Theo ông Than, "phong trào nổi dậy phải giành được thắng lợi" nhờ tình đoàn kết và bất khuất tiến lên phía trước, để có thể thiết lập được "Liên minh dân chủ liên bang mà chúng ta (người dân Miến Điện) mong muốn từ lâu".

Theo một nhà sư ẩn danh ở Mandalay, khi trả lời RFI ngày 13/03, đây cũng là mong muốn của người dân Miến Điện :

"Tôi nghĩ là người dân tại Miến Điện thực sự muốn chấm dứt với chế độ độc tài quân sự. Họ muốn một hệ thống liên bang dân chủ và họ biết chắc chắn rằng điều này là không thể được khi tập đoàn quân sự còn cầm quyền.

Nhưng lần này, tất cả các dân tộc cùng nhau đứng lên để chống những kẻ độc tài. Và tôi nghĩ điều này rất đáng khích lệ. Việc tất cả các dân tộc hình thành một mặt trận chung như thế này chưa từng xảy ra trước đó, kể cả vào những năm 1988, 1996 và 2007.

Lần này, những tộc người Karen, Kachin, Shan, lực lượng quân đội giải phóng Kachin cùng sánh vai và đó là điều rất tích cực. Cùng nhau, chúng tôi có thể chiến thắng. Tôi nghĩ là các tộc người không giữ im lặng nữa. Họ thương lượng và họ đang chiến đấu. Tại bang Kachin, có nhiều cuộc đấu tranh, tương tự như ở bang Karen, người dân địa phương và các nhóm nổi dậy vũ trang đoàn kết lại. Họ trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy và bảo vệ dân tộc Karen và bang của họ".

Thu Hằng

*********************

Nữ tu quỳ gối ngăn cảnh sát và "cuộc chiến bất bạo động" ở Miến Điện

Trọng Thành, RFI, 13/03/2021

Hình ảnh người nữ tu sĩ quỳ gối cầu xin cảnh sát Miến Điện, chặn đứng một đợt tấn công nhắm vào người biểu tình, ngày 08/03/2021, lan tỏa khắp thế giới, trở thành một "biểu tượng mới của cuộc chiến bất bạo động" tại Miến Điện, trong lúc các vụ đàn áp đẫm máu của chính quyền quân sự bị lên án ngày càng mạnh mẽ trong công luận. 

mien3

Xơ Ann Rose Nu Taung quỳ xuống để ngăn cảnh sát tấn công người biểu tình, thành phố Myitkyina, ngày 08/03/2021  via Reuters - MYITKYINA NEWS JOURNAL

Phiên tòa xử vụ viên cảnh sát da trắng, bị cáo buộc gây ra cái chết của người da đen George Floyd ở Mỹ, mở màn với khâu tuyển chọn khắt khe 12 thành viên bồi thẩm đoàn. Người giàu nhất Trung Quốc, theo bảng xếp hạng thường niên Hurun vừa công bố, gần như không được bên ngoài biết đến cách đây một năm. Kỉ niệm 20 năm hai tượng Phật khổng lồ bị quân Taliban phá hủy. Trên đây là các chủ đề chính mục Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Bạo lực và lòng trắc ẩn 

Ngày 08/03/2021, tại thành phố Mytikyina, bắc Miến Điện, xơ Ann Roza Nu Thawng, 45 tuổi, tu sĩ dòng Phanxicô Xaviê không có ý định biểu tình. Nhìn thấy cảnh đám đông hoảng loạn trốn chạy cảnh sát bắn đuổi, bà quyết định can thiệp. Xơ Ann đến trước nhóm cảnh sát đang tấn công, quỳ xuống và kêu gọi họ bắn vào bà, nếu muốn, nhưng hãy tha cho những người biểu tình trẻ tuổi.

Nhiều người quan sát có mặt tại chỗ cho biết, nhóm cảnh sát đã sững sờ dừng tay. Một viên cảnh sát quỳ xuống, một cảnh sát khác chắp tay. Không khí chùng lại trong vòng vài phút. Ngay sau đó tiếng lựu đạn lại vang lên, súng tiếp tục nổ. Tuy nhiên, trong thời gian ít phút đối thoại giữa xơ Ann và cảnh sát, nhiều người biểu tình đã có đủ thời gian trốn thoát, các xơ có thời gian đưa được nhiều người biểu tình, trong đó có nhiều người bị thương, vào tu viện gần đó.

Hình ảnh bà xơ quỳ trước cảnh sát, đánh động lòng trắc ẩn của những người cầm súng, xin tha mạng người biểu tình, đã lan truyền trên mạng Internet. Nhiều người coi đây là một biểu tượng mới của cuộc tranh đấu bất bạo động chống chế độ độc tài quân sự tại Miến Điện. Hôm đó, tại thành phố Myitkyna đã có ít nhất hai người chết vì đạn của lực lượng an ninh. Nếu xơ Ann không can thiệp, số người thiệt mạng có thể đã nhiều hơn.

Hành động xả thân của xơ Ann Roza Nu Thawng vào cái ngày hôm đó hoàn toàn không phải là bột phát. Ngày 28/02, cũng tại thành phố Myitkyna, vị nữ tu dòng Phanxicô Xaviê này lần đầu tiên chặn đường tiến của một đoàn cảnh sát, vũ trang đầy mình. Vào thời điểm đó, nhiều người đã so sánh hành động quả cảm của xơ với bức hình nổi tiếng người sinh viên Trung Quốc đứng chắn đoàn xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, sau vụ thảm sát. Trả lời báo Pháp, xơ Ann cho biết : "với tư cách một người tu hành, tôi cầu nguyện hàng ngày cho hòa bình. Nhưng với tư cách một công dân, tôi hiểu rằng cầu nguyện là không đủ. Cần phải hành động".

Thái độ dè dặt của Giáo hội Công giáo

Cộng đồng Công giáo Miến Điện vốn có thái độ rất thận trọng sau cuộc đảo chính. Hội đồng giám mục Công giáo Miến Điện (CBCM) cầu nguyện cho hòa bình, nhưng cũng đồng thời ra thông báo cấm tất cả các linh mục, tu sĩ, chủng sinh tham gia biểu tình, "với các biểu tượng Công giáo, hay nhân danh các tổ chức Công giáo". Các linh mục, tu sĩ có quyền tham gia biểu tình, nhưng chỉ với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, theo báo Công giáo Pháp La Croix, bất chấp lệnh cấm, nhiều chức sắc tôn giáo đã chính thức tuyên bố ủng hộ phong trào chống đảo chính.

Trên thực tế, hành động của người Công giáo chủ yếu mang tính biểu tượng tại một quốc gia mà tín đồ Công giáo chỉ chiếm khoảng 1% dân số Miến Điện. Thái độ của giới sư tăng mới có ý nghĩa quyết định trong cuộc đối đầu hiện nay giữa tập đoàn quân sự với đông đảo người dân chống đảo chính. Khác với cộng đồng Công giáo, sư tăng Phật giáo phân hóa khá rõ, giữa một bên là nhiều tổ chức Phật giáo lớn, và sư tăng "dân tộc chủ nghĩa" hậu thuẫn tập đoàn quân sự, và bên kia là khá đông đảo sư tăng công khai ủng hộ phong trào đòi khôi phục chính phủ dân sự.

Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh đàn áp ngày càng đẫm máu, áp lực gia tăng đối với thành phần sư sãi giữ thái độ im lặng. Dường như trong nhóm sư sãi giữ im lặng, đã có một số thay đổi. Theo trang mạng độc lập Irrawaddy, cao tăng Sitagu Sayadaw – một nhà sư có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Miến Điện, có quan hệ gần gũi với lãnh đạo tập đoàn quân sự - sau hơn một tháng im lặng, đầu tháng Ba này cũng lần đầu tiên kêu gọi chính quyền quân sự ngừng bắn giết người biểu tình.

Lo bạo loạn sau vụ án George Floyd, bồi thẩm đoàn được tuyển chọn khắt khe

Gần 10 tháng sau cái chết của người da đen George Floyd tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Hoa Kỳ, sau khi bị cảnh sát chẹn cổ, việc xét xử bắt đầu từ ngày 09/03/2021. Giai đoạn đầu tiên được coi là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong vòng ba tuần lễ, ban giám khảo sẽ sát hạch các ứng viên để chọn ra 12 thành viên bồi thẩm đoàn. Vì sao trong vụ xử án này, bồi thẩm đoàn phải được lựa chọn nghiêm ngặt đến như vậy ? Trả lời RFI, nhà sử học François Durpaire, chuyên gia về Hoa Kỳ giải thích :

"Việc lựa chọn các thành viên thuộc bồi thẩm đoàn là có ý nghĩa quyết định. Chúng ta có thể dẫn lại một ví dụ mang tính lịch sử. Ngày 29 tháng 4 năm 1992, bốn cảnh sát da trắng đã được xử trắng án trong vụ hành hung người thành niên da đen Rodney King. Bồi thẩm đoàn vụ này bao gồm 10 bồi thẩm da trắng, một người gốc Châu Á, và một người Mỹ Latinh. Không có người Mỹ da đen nào trong bồi thẩm đoàn. Quyết định của phiên tòa hôm đó bị những người Mỹ da đen cho là bất công, họ cho rằng đã không có người Mỹ da đen nào trong bồi thẩm đoàn đại diện cho quan điểm của họ. Đã có 50 người chết, 250 người bị thương, và 6 ngày biểu tình, nổi dậy trên đường phố, sau khi phán quyết đưa ra. Ai cũng nhớ đến vụ nổi loạn Los Angeles, không ai muốn kịch bản này tái diễn".

Theo tường trình của thông tín viên Eric de Salve của RFI từ Minneapolis, "trong ngày mùng 9 tháng Ba này, 9 người ứng cử vào bồi thẩm đoàn đã trải qua vòng sát hạch của các luật sư, nhưng chỉ có 3 người được chấp nhận giữ lại, để tham gia vào bồi thẩm đoàn, có sứ mạng quyết định bản án dành cho viên cảnh sát Derek Chauvin, sau khi thuyết phục được ban giám khảo rằng họ có quan điểm không thiên vị".

Người đầu tiên trong số ba thành viên bồi thẩm đoàn đầu tiên được lựa chọn gồm một dược sĩ, người da trắng. Vị dược sĩ cho biết ông ủng hộ việc cải cách lực lượng cảnh sát, và bảo đảm chưa bao giờ coi đoạn video quay lại cảnh George Floyd bị cảnh sát chẹn cổ. Người thứ hai được lựa chọn là một phụ nữ da màu, có người bác làm sĩ quan cảnh sát. Bà cho biết rất muốn tham gia bồi thẩm đoàn, cam kết sẽ không thiên vị, và bảo đảm chỉ mới xem đoạn video có một lần. Người thứ ba được lựa chọn có bạn là một cảnh sát ở thành phố Minneapolis. Người này thú nhận đã có một hình ảnh tiêu cực về viên cảnh sát, nhưng hứa sẽ xem xét các diễn biến sự việc với quan điểm trung lập.

Theo luật sư của bên bị cáo, nguyên nhân dẫn đến tử vong là do nạn nhân dùng ma túy, và viên cảnh sát Derek Chauvin không chịu trách nhiệm về cái chết của người da đen này, dù chính anh ta là người đã chẹn cổ nạn nhân trong nhiều phút liền. Cho đến nay, cảnh sát Mỹ hiếm khi bị truy tố vì tội sử dụng sức mạnh thái quá, và lại càng ít bị kết án trong các vụ án kiểu này.

Đối với ban giám khảo, cuộc sát hạch để chọn bồi thẩm đoàn này là đầy thách thức. Bởi, làm thế nào tìm được 12 bồi thẩm có quan điểm không thiên vị, trong lúc vụ George Floyd đã gây chấn động nước Mỹ. Công luận Mỹ bị phân hóa sâu sắc về vụ án này. Cái chết của người da đen, khiến bạo động bùng lên ở nhiều thành phố Hoa Kỳ, một lần nữa nhắc lại đối với một bộ phận đông đảo dân chúng về tình trạng kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát còn nặng nề tại Mỹ.

Bị cáo Derek Chauvin hiện tại bị truy tố tội "giết người ở cấp độ hai", với án phạt tối đa là 40 năm tù. Phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng 4.

Đại tỉ phú nước khoáng : "Giấc mộng Trung Hoa" dưới sự dẫn dắt của Đảng

Đầu tháng 3/2021, khi danh sách những người giàu nhất Trung Quốc được công bố, vị trí đầu bảng gây ngạc nhiên. Với tài sản hơn 70 tỉ đô la, đại tỉ phú Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan), 65 tuổi, được xác nhận là người giầu nhất Trung Quốc, và cũng là người giầu nhất Châu Á. Báo chí chính thức Trung Quốc giới thiệu đại tỉ phú Chung Thiểm Thiểm như một mô hình thành công hoàn toàn trái ngược với Mã Vân (Jack Ma).

Đại gia họ Chung không dựa vào công nghệ số, mà làm giàu nhờ kinh doanh nước "sạch", trong bối cảnh các nguồn nước tại Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng, và đông đảo người dân không tin tưởng vào hệ thống nước công cộng. Thông tín viên Stéphane Lagade từ Bắc Kinh chỉ ra những điểm khác và điểm giống giữa hai đại tỉ phú Trung Quốc :

"Nước làm nên khối tài sản lớn cho một con người, mà mới đây còn chưa được biết đến ngoài Trung Quốc, trước khi nhãn mác nước tinh khiết đóng chai nổi tiếng của đại gia này được đưa lên sàn chứng khoán Hồng Kông tháng 9 năm ngoái.

Ngược với Mã Vân (Jack Ma), ông Chung Thiểm Thiểm là một người kín đáo, tránh xuất hiện trước công chúng. Và thành công nhân vật này hoàn toàn không do công nghệ số. Không phải là nhờ thương mại điện tử, không phải nhờ công nghệ cao, đây là một sản phẩm rất bình thường, và đồng thời cũng rất thiết yếu, tại một quốc gia mà mọi người không dùng nước vòi để uống. Trong vòng 25 năm, các chai nước suối nổi tiếng mang nhãn hiệu Nông Phu Sơn Tuyền (Nongfu Spring), với nút chai màu đỏ, quen thuộc với mọi người dân Trung Quốc, đã chinh phục hơn một phần tư thị trường nước khoáng quốc gia.

Trên đây là những điểm khác biệt. Còn về các điểm chung với tỉ phú Mã Vân, "ông vua nước khoáng" cũng là một tay tiếp thị có hạng. Khi tập trung đầu tư vào món hàng nước tinh khiết, Chung Thiểm Thiểm đã không lưỡng lự tung ra các thông tin dối trá, khi cáo buộc nước lọc có hại cho sức khỏe. Theo truyền thông Trung Quốc, các đối thủ đã kiện Chung Thiểm Thiểm, và tỉ phú này đã thua kiện. Một điểm chung khác với Mã Vân là trụ sở của Chung Thiểm Thiểm cũng nằm ở thành phố Hàng Châu, gần Thượng Hải.

Và cũng giống như người sáng lập tập đoàn Alibaba, Chung Thiểm Thiểm là một self made man – người tự thân lập thân. Chung Thiểm Thiểm hoàn toàn thuộc mẫu người theo mô hình "giấc mộng Trung Hoa"của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đã hai lần Chung Thiểm Thiểm thử thi vào trường đại học, nhưng không thành công. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tỉ phú tương lai này đã từng làm nghề thợ xây, thợ mộc, bán đồ uống, và thậm chí là phóng viên. Nhưng Chung Thiểm Thiểm cũng là người đặc biệt thính nhạy trên thương trường, biết tận dụng cơ hội của khủng hoảng y tế. Bên cạnh món nước tinh khiết, một trụ cột khác của khối tài sản khổng lồ của tỉ phú họ Chung là tập đoàn sinh dược phẩm Dưỡng Sinh Đường (Yangshengtang Group). Vào năm ngoái, tập đoàn này đã đầu tư vào thị trường xét nghiệm Covid-19 béo bở.

Tuy nhiên, cảm giác thính nhậy trong làm ăn không đủ để bảo đảm là Chung Thiểm Thiểm không bị mất lái. Tỉ phú này - nổi tiếng là một "con sói đơn độc" với tính cách mạnh mẽ - phải chấp nhận không vượt quá các giới hạn do Đảng đặt ra. Nếu không, tương tự như Mã Vân, một giọt nước cũng có thể làm tràn ly".

Kỉ niệm 20 năm tượng Phật khổng lồ theo "phong cách Hy Lạp" bị phá hủy

Cách đây 20 năm, lực lượng Taliban ở Afghanistan đã đặt mìn làm nổ tung hai tượng Phật khổng lồ trên vách đá vùng Bamiyan, có tuổi đời hơn 15 thế kỉ. Vụ phá hủy diễn ra 6 tháng trước cuộc tấn công nhắm vào tòa tháp đôi ở New York, ngày 11/09/2001. 

Vụ hủy diệt hai bức tượng Phật khổng lồ, sản phẩm của sự gặp gỡ giữa các nền văn minh xưa, khiến cộng đồng quốc tế thức tỉnh trước nguy cơ các di sản văn hóa nhân loại bị tấn công. Năm 2003, các thành viên UNESCO thông qua Tuyên bố liên quan đến các hành động cố ý hủy diệt di sản văn hóa. Cũng năm 2003, vùng thung lũng Bamiyan với các di tích khảo cổ được UNESCO xếp vào danh sách Di sản Văn hóa nhân loại.

Nằm ở độ cao 2.500 mét trên mặt biển, vùng núi Bamiyan với phong cảnh hùng tráng nằm trên giao lộ giữa Ấn Độ, Trung Á và Iran. Theo các nhà lịch sử nghệ thuật, hai bức tượng Phật khổng lồ, cao 38 và 53 thước, được chế tác vào thế kỉ VI và thế kỉ VII, tại một khu vực được coi là nơi ẩn dật của giới tu sĩ. Dọc theo vách đá Bamiyan, có khoảng 700 hang động của các ẩn sĩ. Hai bức tượng khổng lồ, theo nghệ thuật Phật giáo theo phong cách Hy Lạpcũng từng là một trung tâm lớn của "Phật giáo phương Tây", nơi hành hương của Phật tử trong nhiều thế kỉ, và cũng là một chặng dừng quan trọng trên con đường Tơ lụa nối liền Trung Quốc với Ấn Độ.

Kể từ đó đến nay, trong chiến tranh tại Trung Cận Đông hay Châu Phi, nhiều di sản văn hóa lớn tiếp tục bị hủy diệt. 20 năm kỉ niệm ngày hai bức tượng Phật theo phong cách Hy Lạp bị phá hủy cũng là dịp để UNESCO nhấn mạnh đến việc bảo tồn các di sản văn hóa nhân loại như một mệnh lệnh sống còn.

Nếu để mặc các di sản tinh hoa bị hủy hoại, nhân loại chúng ta sẽ không có tương lai. Bởi các di sản văn hóa chính là kết tinh cho những nỗ lực bền bỉ từ bao đời nay, của các xã hội, các nền văn hóa, để hướng đến xây dựng một cộng đồng nhân loại.

Trọng Thành

****************************

Thêm ít nhất 6 người thiệt mạng do đàn áp biểu tình

Thanh Phương, RFI, 13/03/2021

Hãng tin Reuters trích dẫn các nhân chứng và truyền thông Miến Điện cho biết từ tối hôm qua, 12/03/2021, đã có thêm ít nhất 6 người bị lực lượng an ninh Miến Điện sát hại khi đàn áp biểu tình.

mien4

Đêm tưởng niệm người biểu tình bị sát hại. Ảnh tại Rangoon, Miến Điện, 12/03/2021. Ảnh chụp màn hình  via Reuters - VIDEO OBTAINED BY Reuters

Theo lời một nhân chứng nói với Reuters, 3 người biểu tình đã bị bắn chết và nhiều người bị thương khi cảnh sát nổ súng vào một cuộc tọa kháng tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện. Còn theo truyền thông Miến Điện, một người thứ ba bị bắn chết ở thành phố Pyay, miền trung và 2 người kia thiệt mạng ở Rangoon, thủ đô kinh tế của Miến Điện.

Kể từ cuộc đảo chính cho đến nay, như vậy là đã có hơn 70 người thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị bắt giữ, theo Hiệp hội trợ giúp tù chính trị ở Miến Điện.

Trên các mạng xã hội đã có những lời kêu gọi người dân Miến Điện xuống đường hôm nay để chống đảo chính quân sự và đồng thời tưởng niệm cái chết của sinh viên Phone Maw, bị lực lượng an ninh bắn chết vào năm 1988, một cái chết đã khơi mào cho phong trào nổi dậy chống chính quyền quân sự vào thời đó, mà một trong những gương mặt hàng đầu là bà Aung San Suu Kyi. Theo thẩm định đã có khoảng 3.000 người thiệt mạng trong cuộc đàn áp đẩm máu của quân đội Miến Điện.

Theo lời các quan chức Ấn Độ đặc trách an ninh được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, gần 200 cảnh sát Miến Điện và thân nhân của họ đã trốn sang Ấn Độ tỵ nạn. Tính đến hôm qua, đã có tổng cộng 264 người, gồm 198 cảnh sát và người nhà, đã trốn sang Ấn Độ kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02.

Hôm qua, chính phủ Luân Đôn đã khuyên các công dân Anh Quốc nên rời khỏi Miến Điện ngay, trừ phi có những lý do thật cấp thiết buộc phải ở lại.

Mỹ cấp quy chế bảo vệ tạm thời cho người Miến Điện

Hôm 12/03/2021, bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ thông báo là những người Miến Điện hiện cư trú tại Mỹ sẽ có thể được hưởng quy chế bảo vệ tạm thời sau cuộc đảo chính quân sự đầu tháng 2 vừa qua.

Cụ thể, những người sống thật sự trên lãnh thổ Hoa Kỳ có thể được hưởng quy chế đó, nếu họ chứng minh đã cư trú liên tục tại đây kể từ ngày 11/03/2021. Theo bộ An Ninh Nội Địa, quy chế này sẽ được cấp với thời hạn 18 tháng cho khoảng 1.600 người Miến Điện tại Hoa Kỳ.

Thanh Phương

************************

Liên Hiệp Quốc : Quân đội Miến Điện "có thể đã phạm tội ác chống nhân loại"

Thanh Hà, RFI, 12/03/2021

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Miến Điện, Thomas Andrew ngày 11/03/2021 không loại trừ khả năng tập đoàn quân sự đã "phạm tội ác chống nhân loại" kể từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 qua các đợt đàn áp thẳng tay nhắm vào phong trào biểu tình.

mien5

Người dân Miến Điện đưa tang Chit Min Thu, chết trong một cuộc biểu tình chống đảo chính tại thị trấn Dagon, phía bắc Rangoon, Miến Điện, ngày 11/03/2021. Reuters - Stringer

Theo lời ông Andrew, "càng lúc càng có nhiều bằng chứng" cho thấy là quân đội và những lãnh đạo cao cấp nhất ở Naypyidaw "có thể đã phạm tội ác chống nhân loại, kể cả tội sát nhân, thủ tiêu, truy bức và tra tấn, bắt giam trái với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Vẫn theo đại diện của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, từ đầu cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 tới nay, cảnh sát và quân đội nước này đã sát hại 70 người trong các cuộc đàn áp nhắm vào người biểu tình đòi quân đội trả lại quyền lực cho nhân dân.

Tuy nhiên, ông Thomas Andrew không quên nhắc lại là chỉ có tòa án quốc tế mới đủ thẩm quyền để xác định các vụ sát hại tại Miến Điện có nằm trong khuôn khổ tội ác chống nhân loại hay không.

Lời tố cáo nói trên được đưa trong bối cảnh có thêm 9 người biểu tình chống đảo chính bị sát hại trong ngày 11/03. Theo lời một nhân viên y tế được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, 6 người bị bắn vào đầu tại tỉnh Myaing, miền trung Miến Điện trong ngày 11/03, 8 người khác bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng.

Nạn nhân thứ bảy thiệt mạng hôm 11/03 là một thanh niên 25 tuổi, cũng đã bị bắn một viên đạn vào đầu tại khu vực phía đông thành phố Rangoon. Ở Bago, phía bắc Rangoon một người biểu tình khiếm thính 33 tuổi bị cảnh sát bắn chết và nạn nhân thứ 9 trong cùng ngày bị chết ở Mandalay.

Các vụ sát hại người biểu tình nói trên tiếp diễn bất chấp việc Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự Miến Điện đàn áp thô bạo phong trào chống đảo chính.

Cũng trong ngày 11/03, lãnh đạo đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc tham nhũng, nhận đến 600.000 đô la và 11 ký vàng. Đây là tội danh thứ ba quân đội Miến Điện đưa ra để giải thích về việc tiến hành đảo chính và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi. Ngày 12/03, luật sư của giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã bác bỏ cáo buộc tham nhũng nói trên. 

Về phản ứng quốc tế, Hàn Quốc vừa thông báo đình chỉ mọi hợp tác quân sự với Naypyidaw.

Thanh Hà

***********************

Hội đồng Bảo an lên án đàn áp biểu tình ở Miến Điện

Thanh Phương, RFI, 11/03/2021

Hôm 10/03/2021, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã "mạnh mẽ" lên án những hành vi bạo lực nhắm vào những người biểu tình ở Miến Điện. Trong bản tuyên bố được toàn bộ 15 thành viên thông qua, tức là trong đó có cả Trung Quốc và Nga, hai đồng minh truyền thống của các tướng lãnh Miến Điện, Hội đồng Bảo an đã lần đầu tiên lên án quân đội nước này, kêu gọi họ phải có thái độ kềm chế tối đa.

mien6

Biểu tình, cầu nguyện cho những người Miến Điện chống đảo chính bị sát hại : trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, ngày 04/03/2021.  Reuters - SOE ZEYA TUN

Một mặt tố cáo những hành vi bạo lực của lực lượng an ninh "nhắm vào những người biểu tình ôn hòa, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em và thanh niên", Hội đồng Bảo an yêu cầu các bên "tìm kiếm một giải pháp hòa bình" cho cuộc khủng hoảng do vụ đảo chính ngày 01/02 gây ra. Toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an còn đòi chính quyền quân sự Miến Điện "trả tự do ngay lập tức cho toàn bộ những người bị bắt giữ một cách độc đoán", nhưng không nêu lên khả năng ban hành các trừng phạt.

Sau khi tuyên bố nói trên được Hội đồng Bảo an thông qua, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Huân (Zhang Hun) đã ra thông báo kêu gọi "xuống thang " ở Miến Điện, đồng thời cho rằng "đã đến lúc nên mở đối thoại" để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Riêng Hoa Kỳ hôm qua đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào hai người con của lãnh đạo tập đoàn quân sự đã tiến hành đảo chính, tướng Min Aung Hlaing. Trong một thông cáo, bộ Tài Chính Mỹ giải thích : Aung Pyae Sone et Khin Thiri Thet Mon đều có những lợi ích trong các công ty trực tiếp hưởng lợi nhờ vào vị thế và ảnh hưởng của bố họ.

Trong khi đó, tại Rangoon, tập đoàn quân sự Miến Điện hôm qua đã tiếp tục bố ráp, vây bắt những nhân viên hỏa xa tham gia phong trào bất phục tùng dân sự. Theo Hiệp hội trợ giúp tù chính trị, kể từ ngày 01/02, đã có ít nhất 60 thường dân bị giết và gần 2.000 người bị bắt giữ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm qua vừa công bố một báo cáo lên án những vụ "hành quyết không xét xử" và việc sử dụng vũ khí chiến tranh để đàn áp biểu tình ở Miến Điện. Về hành quyết "không xét xử", tổ chức nhân quyền này nêu trường hợp một người đàn ông bị bắt giao cho lực lượng an ninh. Trong một đoạn video ghi ngày 03/03 được phổ biến trên mạng xã hội Twitter, người đàn ông này đã bị lực lượng an ninh bắn chết, mặc dù không hề kháng cự. Theo Ân xá Quốc tế, vũ khí sát thương được quân đội sử dụng "một cách cố tình, theo kế hoạch và có phối hợp" để dẹp biểu tình.

Hôm nay, phe quân sự lại đưa ra những cáo buộc mới đối với bà Aung San Suu Kyi. Cụ thể, theo lời phát ngôn viên của tập đoàn quân sự, một cựu bộ trưởng, nay đang bị giam, thú nhận đã trao cho bà Aung San Suu Kyi, 600.000 đôla và hơn 11 ký vàng, nhưng không nói rõ là hối lộ về chuyện gì.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thu Hằng, Trọng Thành, Thanh Phương
Read 424 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)