Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/03/2021

Điện than Việt Nam trước chống biến đổi khí hậu

Thanh Phương

Ngành điện than Việt Nam trước áp lực của chống biến đổi khí hậu

Trong chiều hướng thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhiều tập đoàn quốc tế đang phải rút ra khỏi các dự án nhà máy điện than, bị xem là gây nhiều ô nhiễm và làm gia tăng lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính. Ngành điện than Việt Nam cũng đang gặp tình trạng như vậy.

dienthan1

Một nhà máy điện than ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 18/07/2019. Dưới áp lực của các cổ đông muốn đẩy mạnh việc chống biến đổi khí hậu, một số tập đoàn đã rút khỏi hoặc ngưng tài trợ các dự án điện than.  Reuters - Shivani Singh

Để sản xuất đủ điện nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, Việt Nam hiện vẫn dựa nhiều vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Nhưng theo hãng tin Reuters và báo Nikkei Asia ngày 26/02, tập đoàn Nhật Mitsubishi đã quyết định rút ra khỏi dự án nhà máy điện than Vĩnh Tân 3, ở tỉnh Bình Thuận, một dự án có tổng đầu tư khoảng 2 tỷ đôla, dự kiến ​​đi vào hot động năm 2024. Theo báo chí Vit Nam, lãnh đạo Cc Đin lc và Năng lượng tái to (B Công Thương) đã xác nhận thông tin nói trên. Cũng theo lãnh đạo cơ quan này, cơ cấu cổ phần Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 có 29% là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn lại là cổ phần của OneEnergy, liên doanh giữa Mitsubishi với Tập đoàn CLP của Hồng Kông.

Áp lực của các cổ đông

Quyết định của Mitsubishi cho thấy là các công ty năng lượng và các công ty tài chính quốc tế, trong đó có các công ty của Nhật Bản, nay không còn ủng hộ mạnh mẽ các dự án điện than, dưới áp lực của các cổ đông và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

Một ví dụ mới nhất : Theo hãng tin AFP ngày 11/03/2021, dưới áp lực của các cổ đông, tập đoàn ngân hàng Anh Quốc HSBC, trong đại hội cổ đông lần tới ngày 28/05, sẽ đề nghị ngừng tài trợ cho ngành công nghiệp than từ đây đến năm 2040.

Riêng Mitsubishi đã cam kết giảm đầu tư vào điện than để theo đúng các mục tiêu của quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Theo Nikkei Asia, đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi một dự án điện than và tập đoàn này cũng sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy điện than nào mới sau dự án Vũng Áng 2 mà tập đoàn này có tham gia. Thay vào đó, Mitsubishi có kế hoạch góp phần phát triển các dự án năng lượng ít gây hại cho môi trường, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và mặt trời.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/03/2021, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, nhận định về quyết định của Mitshubishi :

"Theo thiết kế thì nhà máy này có công suất lên tới 2.000 MW, một đơn vị phát điện chiếm một phần khá lớn trong tổng công suất điện than của Việt Nam hiện nay. Mitsubishi rút ra khỏi dự án này. Ngoài ra còn có thông tin là những ngân hàng như Standard Chatered đang rút lại tiền tài trợ cho dự án thứ hai là Vũng Áng 2 với công suất 1.200 MW, nhưng Mitsubishi và chính phủ Nhật nói là họ vẫn ở lại dự án này.

Tại sao họ rút khỏi Vĩnh Tân 3 ? Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì đó là những tập đoàn lớn và họ đã cam kết góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu, mà điện than thì phát ra khí CO2 rất nhiều. Nhiều công ty khác của các nước lớn cũng đi theo hướng ấy. Thành ra chuyện đó mình cũng đã lường trước."

Áp lực trong nước

Không chỉ bị áp lực bên ngoài, ngành điện than Việt Nam còn bị áp lực của dư luận trong nước, một phần là do các nhà máy điện than có thể gây ô nhiễm không khí, theo lời giáo sư Phạm Duy Hiển :

" Ở Việt Nam nói chung thì công chúng phản đối các nhà máy điện than, một phần vì nó làm tăng lượng khí CO2 gây biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác nó có thể gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay đã khá là nặng, nhất là ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi có nhiều nhà máy điện than chạy suốt ngày đêm. Không khí ở những nơi như Hà Nội có thể bị ảnh hưởng, khiến cho dân chúng không chấp nhận điện than.

Nhưng tôi có hỏi những người bạn ở EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), thì họ nói là các nhà máy điện than mới có quy trình công nghệ tương đối tốt. Thứ hai là họ luôn luôn có các sensor (bộ cảm biến) đặt ở những nơi phát thải. Những sensor đó truyền luôn các tín hiệu về Sở Tài nguyên Môi trường ở địa phương. Do đó, không có nhiều nguy cơ các nhà máy này thải ra nhiều khí, bụi."

Nhưng sức ép của dư luận trong nước ngày càng tăng. Theo tờ Lao Động ngày 04/03/2021, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vào ngày 02/03 đã gửi đến Bộ Công Thương thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch điện Quốc gia. Các tổ chức này kiến nghị Bộ Công Thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó phải có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Thư kiến nghị nhấn mạnh : "Việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nó làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia."

Nhưng trước mắt, cũng theo giáo sư Phạm Duy Hiển, chắc là EVN sẽ tìm những đối tác mới để làm nhà máy điện than Vĩnh Tân 3, bởi vì những nhà máy đó rất lớn, không thể dừng lại được. Thật ra thì bản thân Việt Nam cũng đang đi theo hướng từ bỏ dần dần điện than để gia tăng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo :

"Theo quy hoạch điện mới, gọi Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ không xây thêm nhà máy nhiệt điện than mới trong giai đoạn 2026-2030. Còn trong giai đoạn từ 2020-2026 thì vẫn phải xây theo như kế hoạch, tổng cộng công suất của 15 dự án là 18.000 MW. 

Thêm vào đó, mình cũng không có đủ than, do đó, theo báo cáo chính thức của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập 12 triệu tấn than để sản xuất điện. Con số này đến năm 2025 sẽ tăng lên thành 30 triệu và đến năm 2030 sẽ tăng lên thành 50 triệu.

Cho nên, trước mắt, các dự án nhà máy điện than vẫn tăng về công suất so với các nguồn điện khác. Ví dụ như năm 2020, nhiệt điện than chiếm 44% tổng sản lượng điện, nhưng đến năm 2030, dù có tăng về tuyệt đối, nhưng tỷ lệ sẽ giảm xuống còn 40%. Vì sao ? Là bởi vì chúng ta đang có phương án dùng dầu và khí. Dầu và khí hiện chỉ chiếm 17% tổng công suất trong năm 2020, nhưng tới năm 2030 sẽ tăng lên 21%.

Một điểm đáng mừng thứ hai, giúp cho ta giải quyết vấn đề, đó là năng lượng tái tạo. Khả năng phát điện của các nhà máy điện dùng sức gió và mặt trời hiện nay chỉ có 5%, nhưng đến năm 2030 sẽ tăng lên 15%. Trước đây ít ai ngờ là năng lượng tái tạo, chủ yếu là gió và mặt trời, lại chiếm phần đáng kể như thế, nhưng nhờ các chính sách của nhà nước, mà thực chất là chính sách trợ giá, cho nên các nhà đầu tư nhảy vào xây dựng rất là nhiều. Với một hệ thống điện tương đối mạnh ở Việt Nam mà năng lượng tái tạo hiện nay đã chiếm 5% và sẽ tăng lên thành 15% trong năm 2030, thì đó là một tỷ lệ rất lớn.

Như vậy là trong cơ cấu điện của Việt Nam thì các nhà hoạch định chính sách cũng đã thấy rõ và cũng có cách để làm sao mà, mặc dù điện than vẫn tăng, nhưng tỷ lệ của nó giảm đi, trong đó đặc biệt phải nói là việc nhập khí hóa lỏng hiện nay đang rất là mạnh. Tỷ lệ về khí nói chung, trong đó khí hóa lỏng là chính, hiện nay là 17%, sẽ tăng lên thành 21%, một khối lượng rất đáng kễ.

Nhưng có một vấn đề, đó là việc tiếp tục thực hiện các dự án điện than sẽ gây khó khăn cho việc tuân thủ các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra về chống biến đổi khí hậu, theo lời giáo Phạm Duy Hiển :

" Trước đây chính phủ Việt Nam cam kết mạnh về việc này là bởi vì 5 năm về trước, Việt Nam có chương trình phát triển điện hạt nhân. Mà phát triển điện hạt nhân với quy mô như hồi đó thì rõ ràng là Việt Nam có thể giải quyết cam kết của mình về khí phát thải CO2 là rất tốt. Nhưng chương trình điện hạt nhân nay đã bị hủy, cho nên Việt Nam đứng trước khó khăn : thực hiện cam kết đó như thế nào ?"

Tiết kiệm năng lượng

Thật ra thì trong chiến lược phát triển điện năng, có một hướng khác mà Việt Nam có thể làm, đó là tiết kiệm năng lượng. Giáo sư Phạm Duy Hiển nhắc lại điều mà ông vẫn nhấn mạnh từ lâu nay, đó là hiệu quả tiêu thụ điện năng của Việt Nam vẫn còn rất kém so với nhiều nước :

"Việc họ rút ra khỏi các dự án ấy (nhiệt điện than) cũng sẽ gây khó khăn, nhưng sẽ không đến mức mà mình không làm gì được. Tuy vậy, việc nhập khẩu than quá nhiều thì rất là không tốt. Nếu phát triển đất nước mà cứ dựa vào tài nguyên thiên nhiên của mình thì không ổn.

Giải pháp lâu dài nhất để giải quyết những vấn đề điện năng nói chung, mà trong đó có điện than, vẫn là quy hoạch lại nền kinh tế theo hướng không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nội địa. Thứ hai, còn rất dư địa để điều chỉnh, để thực hiện kế hoạch phát triển điện năng.

Thực chất chúng ta tiêu thụ điện hiện nay vẫn còn rất dễ dãi. Không có bất cứ nước nào mà vẫn giữ hệ số đàn hồi bằng 2. Hệ số đàn hồi là tỷ số giữa tăng trưởng điện năng trên tăng trưởng kinh tế GDP. Hệ số này ở đa số các nước là thấp hơn 1, ở Việt Nam thì cứ gần bằng 2. Trong những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2019, tăng trưởng điện năng có giảm bớt, những vẫn ở mức gần gấp đôi tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2019 trở về trước, tăng trưởng điện năng là 10%, trong khi tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ là 5 hoặc 6%".

Trong chiều hướng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng để góp phần đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Việt Nam vừa nhận được sự hỗ trợ tài chính của của quốc tế. Theo thông báo của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ngày 08/03/2021, định chế tài chính quốc tế này, thay mặt cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), vừa ký hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu đôla với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. 

Theo lời bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, "thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là giải pháp tốt có chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc : đáp ứng nhu cầu năng lượng, chống ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp". 

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 15/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 607 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)