Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/03/2021

Sức mạnh "chip" của Đài Loan và Hàn Quốc

Lê Mạnh Hùng

Sức mạnh "chip" của Đài Loan và Hàn Quốc làm rung động cả Mỹ lẫn Trung Quốc

Không có gì làm cho người ta thấy rõ sự thay đổi khổng lồ trong kinh tế quồc tế bằng một cú "shốc" vì thiếu hàng, vạch trần sự tích lũy sức mạnh thị trường sau nhiều năm thay đổi tiệm tiến. Đó chính là điều đã xảy ra trong khu vực công nghệ bán dẫn trong đó sự thiếu hụt một số "chip" điện tử đã rọi sáng cho thế giới thấy vai trò chi phối của các công ty Đài Loan và Hàn Quốc.

chip1

Nhu cầu các "chip" xử lý đã lên cao ngay trước khi dịch bệnh xảy ra trên thế giới vì một lọat những áp dụng mới từ viễn thông 5G, thông minh nhân tạo AI cũng như xe tự động lái. Nhưng với dịch bệnh và tình trạng cách ly, cả thế giới đổ đi mua máy điện toán, màn hình và các thiết bị khác để làm việc tại gia.

Và nay thiếu "chip" đã buộc các công ty xe hơi thế giới tỷ như Daimler, GM và Ford phải giảm sản xuất, đe dọa làm mất đi 61 tỷ doanh số bán xe của ngành xe hơi thế giới trong năm 2021. Tình trạng thiếu "chip" đã ảnh hưởng mạnh đến việc phục hồi và tăng truởng kinh tế của nhiều nước trên thế giới đi từ Đức đến Trung Quốc.

Khả năng kỹ thuật và số tiền đầu tư khổng lồ cần thiết để sản xuất "chip" điện tử mới nhất, chip 5 nanometer, đã cho thấy sự phân chia ngành này thành hai nhóm : nhóm có nhà máy xản xuất và nhóm phải đi thuê người khác sản xuất những "chip" xử lý mà mình thiết kế. Các công ty Hàn Quốc và Đài Loan chiếm đa số trong nhóm thứ nhất. Hầu hết thế giới nằm trong nhóm thứ hai. Thành ra như Ahn Ki-hyun, một quan chức cao cấp của Hiệp Hội Bán Dẫn Hàn Quốc nhận xét

"Nam Hàn và Đài Loan đối với "chip" cũng giống như OPEC đối với dầu thô lúc trước. Họ không hợp tác với nhau như OPEC, nhưng họ quả là có một sức mạnh như vậy."

Tuy rằng, ngành bán dẫn này còn không có sức mạnh như OPEC. Nhưng như Saudi Arabia hay Nga, các công ty TSMC của Đài Loan hoặc Samsung của Hàn quốc đều có thể làm đảo lộn thị trường vời một quyết định của mình. Quyết định của Samsung giảm đầu tư vào chip trí nhớ năm 2019, làm giá lọai chip này tăng vọt sau nhiều năm đi xuống. Tuyên bố của TSMC vào tháng giêng năm nay dự trù bỏ ra 28 tỷ đầu tư vào các cơ sở và thiết bị sản xuất mới trong năm 2021 đã dẫn đến những lời đồn đại rằng TSMC muốn buộc đối thủ Intel của Mỹ phải giảm mạnh việc tự sản xuất hoặc là rút toàn bộ ra khỏi việc sản xuất các chip của mình

Đài Loan và Hàn quốc trở thành cường quốc chip là nhờ các nước khác bỏ không làm. Bắt đầu tư thập niên 1980, các nhà sản xuất Mỹ chuyển sang cái gọi là thiết kế không sản xuất, trong đó ngoài việc đỡ tồn tiền đầu tư còn giải tỏa việc các công nhân Mỹ không phải đụng đền những hóa chất có thể gây ung thư. Đài Loan và Hàn quốc nhân thế sản xuất cho họ. Một phúc trình của nhóm tư vấn Boston Consulting Group cho thầy Mỹ chỉ chiếm có 12% khả năng sản xuất chip trên thế giới trong lúc Dài Loan và Hàn Quốc công lại chiếm 43%. Chính nhờ nhu cầu thiết bị làm việc tại nhà tăng vọt mà Hàn Quốc là một trong những nước bị ảnh hưởng kinh tế ít nhất vì dịch bệnh trên thế giới trong lúc Đài Loan, lần đầu tiên từ nhiều năm có tốc độ tăng trưởng cao hơn Trung Quốc

Sự thiếu "chip" kiểm soát đủ mọi họat động trong xe hơi, đã dẫn đến việc các chính phủ kể cả Mỹ, Nhật và Đức kêu gọi chính phủ Đài Loan giúp đỡ để giải quyết vấn đề. Tình trạng này cũng làm nổi bật tầm quan trọng của Đài Loan vốn là điểm nóng quan trọng nhất trong cuộc đồi đầu giữa Mỹ và Trung Quốc

Ngày 24 tháng 2, tổng thống Biden của Mỹ đã ký sắc lệnh lập rà xét lại chuỗi cung cấp những sản phẩm chiến lược, bao gồm chất bán dẫn, thiết bị và sản phẩm y tế cũng như những sản phẩm kỹ thuật cao cấp khác cần thiết cho sự họat động bình thường của kinh tế xã hội Mỹ để tìm một cách dẫn đến việc tự túc trong những món hàng này, Hiêp hội công nghệ bán dẫn Mỹ SIA đã kêu gọi Mỹ hãy làm như các nước khác với các biện pháp trợ giá, giảm thuế v.v. để khuyến khích các công ty Mỹ lập nhà máy sản xuất tại Mỹ.

Về phần Trung Quốc vốn mua nhiều "chip" hơn bất kỳ một quốc gia nào khác – khỏang 300 tỷ đô la một năm – thì đã đầu tư khổng lồ vào việc làm sao có thể tự túc trong sản phẩm chiến lược này. Khả năng sàn xuất của Trung quốc nay chiếm 15% tổng khả năng của thế giới, 3% cao hơn Mỹ nhưng không có một cơ sở nào đuợc coi là hiện đại đủ để có thể sản xuất những lọai chip mới nhất. Người ta dự trù rằng kế hoạch ngũ niên lần thứ 14 này sẽ cho thấy một thúc đẩy mới của Bắc Kinh cho ngành này.

Thế là vào lúc này, Washington và Bắc Kinh đều có chung một khó khăn, tùy thuộc mạnh vào Đài Loan và Hàn Quốc. Hai nước này cũng lại ở trong một trường hợp khó xử, đồng minh với Mỹ trên phương diện an ninh và chiến luợc, nhưng lai tùy thuộc nhiều về phưong diện kinh tế với Bắc Kinh. Tình trạng này phản ánh rõ qua việc TSMC có hai nhà máy sản xuất chip tại Mỹ nhưng cũng có hai nhà máy tại Trung Quốc.

Lê Mạnh Hùng

(12/03/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Hùng
Read 442 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)