Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/05/2017

Ủy viên bộ chính trị và gã giang hồ vặt

Kính Hòa

Hai nhân vật nổi lên hàng đầu trong những bài viết của các blogger trong tuần qua là ông Đinh La Thăng, đương kim ủy viên bộ chính trị, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, người thứ hai là Phan Sơn Hùng hành nghề tự do.

giangho1

Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh  Đinh La Thăng tại Thành phố Hồ Chí Minh  hôm 13/1/2017. AFP photo

Ông Thăng nổi lên vì đảng của ông công khai ra quyết định kỷ luật ông do những sai phạm khi ông quản lý kinh tế trước đây.

Phan Sơn Hùng nổi lên nhờ một video anh ta quay cảnh đồng bọn của anh ta đánh đập ba người phụ nữ và tự tung lên mạng, xem như một chiến công trừng trị bọn phản động, từ thường hay đượ cơ quan tuyên giáo của đảng gán cho những người bất đồng chính kiến.

Một trong ba nạn nhân là chị Lê Mỹ Hạnh, một người hoạt động xã hội vì môi trường.

Chuyện ông Thăng

Tác giả Bùi Quang Vơm từ nước ngoài có bài phân tích cho rằng ông Thăng bị kỷ luật là nằm trong một chiến dịch của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tấn công cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vốn bị dư luận chỉ trích là liên quan quá nhiều đến các vụ tham nhũng. Và theo tác giả thì ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công. Tuy nhiên tác giả viết tiếp :

Ông vẫn giữ một đức tin không lay chuyển rằng, tham nhũng có nguồn gốc đạo đức, và chỉ cần cải tạo đạo đức là thủ tiêu được tham nhũng. Đạo đức là sản phẩm của giáo dục, trong khi tham nhũng là thuộc tính bản năng. Bằng giáo dục đạo đức, tham nhũng có thể giảm, nhưng chỉ buông lỏng giáo dục, tham nhũng bùng phát trở lại. Tham nhũng thực chất là ăn cắp.

Ông Bùi Quang Vơm cho rằng chỉ có thể chống tham nhũng bằng kiểm soát quyền lực bằng thể chế tam quyền phân lập mà thôi.

Một tác giả khác là ông Lê Trọng Hiệp, viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng ông Đinh La Thăng chẳng qua cũng chỉ là sản phẩm của hệ thống xã hội chính trị hiện nay giống như nhiều ông khác mà thôi. Tác giả so ông Thăng với hai ông Nguyễn Thiện Nhân, và Nguyễn Bá Thanh.

Nói tới sản phẩm thì phải nói tới tính "hàng loạt", do đó chúng ta cần nhìn ra những mẫu số chung.

Hơn một năm qua "Bí thư Đinh La Thăng" đã nổi lên như một hiện tượng với những "phát ngôn gây sốc", "tác phong sâu sát với quần chúng" và "hành động quyết liệt" tại Sài Gòn, tuy nhiên ông Đinh không phải là "hiện tượng" riêng lẻ.

Cũng nổi lên với phong cách này từng có Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Bá Thanh. Ông Nhân nay đã chìm, chỉ ngồi chơi xơi… nghị quyết, ông Thanh chết một cái chết thê thảm. Còn ông Thăng thì đang lo âu, không biết "mai này đời sẽ ra sao".

Ba người, mỗi người mỗi vẻ nhưng như là sản phẩm của cùng một hệ thống chính trị nên vẫn có những nét chung.

Theo tác giả thì cả ba ông có 3 điểm chung, thứ nhất là có bằng tiến sĩ, thứ hai là đều làm việc mang tính phong trào, thứ ba là những ý tưởng chính trị mang tính dân túy.

Ông Thăng thì nổi tiếng với những lời hô hào, sa thải cán bộ dưới quyền, ông Nhân cũng nổi tiếng về những câu nói không với tiêu cực khi ông ra làm bộ trưởng bộ giáo dục, còn ông Thanh thì từng hô hào bắt nhốt hết tham nhũng.

Lê Trọng Hiệp phân tích rằng bằng tiến sĩ là do tính sính bằng cấp của các cán bộ, càng ít học và thiếu tự tin thì càng thích bằng cấp. Tính phong trào là vì hệ thống bị mất định hướng nên phải làm những chuyện vô ích lòe loạt. Còn tính dân túy là khai thác sự bất an, mê tín và tham lam của công chúng, để nói cho họ sướng tai.

Cũng cho là ông Trọng đã thắng ông Dũng cựu thủ tướng, trên bàn cờ chính trị, nhưng blogger Nguyễn Anh Tuấn lại giải thích là ông Trọng đã rút kinh nghiệm ở một kỳ họp trung ương trước đây, ông Dũng đã thắng thế nhờ chi phối được hơn 100 vị ủy viên trung ương, mặc dù bộ chính trị ở mức cao hơn đã quyết định kỷ luật ông Dũng. Bây giờ ông Trọng đã thay đổi luật chơi, không cho các ủy viên trung ương quyết định nữa nên phe ông Dũng thua, mà cụ thể là ông Thăng bị kỷ luật.

Nhưng Nguyễn Anh Tuấn kết luận rằng những mưu mẹo như vậy chẳng ích lợi gì cho quốc kế dân sinh cả.

Nhưng cũng có những cây viết tỏ ra có cảm tình với ông Thăng ông Dũng.

Tác giả Trần Hồng Tâm cho rằng ông Thăng là một người có cá tính, mà đảng vốn không dung nạp những người có cá tính nên ông Thăng phải thất bại.

Tác giả Duy Đức viết trên trang Bà Đầm Xòe rằng kỷ luật ông Thăng hiện nay không phải dễ vì ông chiếm được cảm tình của nhiều người.

Cũng trên trang Bà Đầm Xòe, tác giả ký tên Sông Hồng lại từ chuyện ông Thăng, ông Dũng, và ông Trọng ngược chiều thời gian cả chục năm về trước đến với cuộc đối đầu giữa hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang, mà tác giả gọi là anh em thù hận. Sông Hồng cho rằng ông Dũng không trả thù ai, còn lời tự thán của ông Trọng thì không thỏa đáng :

Ông Trọng lẩy Kiều : "Nghĩ mình phận mỏng cách chuồn. Khuôn xanh có biết vuông tròn hay chăng ?" Phận ông không mỏng, mà ngược lại rất dầy và sự thực thì đất không vuông mà trời cũng chẳng tròn.

Chuyện giang hồ vặt Phan Sơn Hùng

giangho2

Phan Sơn Hùng, nghi can có liên quan đến vụ hành hung hội đồng 3 phụ nữ. Hình : facebook

Giang hồ vặt là tên blogger Phạm Lê Vương Các đặt cho Phan Sơn Hùng, người tung video đánh đập ba người phủ nữ lên mạng. Vương Các viết là tay giang hồ vặt này đã khiêu khích giới chính trị, và làm cho cộng đồng tức giận vì hành vi của mình, vì vậy nếu sắp tới đây Hùng có đi tù thì là may mắn cho Hùng vì sẽ tránh được những cơn giận dữ.

Nhưng dưới con mắt của luật sư Lê Công Định thì Phan Sơn Hùng phải bị pháp luật trừng phạt :

Trách nhiệm của nhà cầm quyền là phải giữ gìn trật tự xã hội và an toàn cá nhân. Không ai, kể cả nhà nước, được quyền viện bất kỳ lẽ nào biện minh cho hành động tấn công dân thường một cách tự do mà không bị pháp luật trừng trị.

Sự an toàn cá nhân giữa một xã hội trật tự là điều mà luật pháp luôn duy trì và cơ quan công quyền phải bảo vệ. Người dân nộp thuế để nhà nước bảo đảm điều đó, chẳng những không dung túng mà còn phải trừng trị mọi hành vi côn đồ như vậy. Đó chính là khế ước xã hội mặc nhiên.

Quan điểm này được rất đông blogger, công dân mạng xã hội đồng tình.

Blogger Hiệu Minh viết rằng Cho dù hành động trừng phạt trên dưới danh nghĩa nào thì việc đưa clip có hình ảnh tội ác, đánh đập dã man phụ nữ lên facebook là một việc không thể chấp nhận được. Cách thức này là cách gieo rắc lòng hận thù, cổ súy bạo lực trước hàng triệu người nếu không phải là hàng tỷ người trên khắp hành tinh.

Tuy nhiên người ta nghi ngờ là kẻ thách thức luật pháp sẽ không bị trừng trị. Blogger Đoan Trang đặt câu hỏi tại sao khi bị công an mời làm việc Với một số người, đến cái máy nghe nhạc còn bị cướp, trong khi Phan Hùng vào đồn công an vẫn livestream được, lại được bảo vệ như yếu nhân ?

Sự nghi ngờ nằm ở những câu chuyện tương tự đã từng xảy ra đối những người hoạt động xã hội như chị Lê Mỹ Hạnh trước đây. Blogger Nguyễn Anh Tuấn phân tích những vụ như thế thường xảy ra làm ba bước, đầu tiên là nạn nhân bị hành hung, sau đó công an và truyền thông sẽ tạo nên những chứng cớ giả, và cuối cùng là nạn nhân sẽ trở thành kẻ có lỗi.

Có vẻ như đã có xu hướng xem nạn nhân là kẻ có lỗi trên không gian mạng khi có không ít người ủng hộ Phan Sơn Hùng. Những người này cho rằng chị Lê Mỹ Hạnh từng bôi xấu đảng cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Trọng Hiền nhìn đám đông ủng hộ đó là một sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam, anh viết một cách chua xót :

Tỏ vẻ thương người, tỏ vẻ hào hiệp, tỏ ra anh hùng nhưng cuối cùng sẵn sàng nhân danh những điều anh ta cho là cao đẹp, đúng đắn, để hãm hại, tấn công người khác quan điểm. Đám đông bên ngoài có cùng suy nghĩ ủng hộ anh ta. Chúc mừng nền giáo dục Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhận xét rằng Chính quyền nên biết xấu hổ khi có loại người du côn vô học hành xử lưu manh vi phạm luật pháp để ra vẻ bảo vệ chính quyền !

Kết

Xin trích dẫn hai ý kiến kết luận về hai câu chuyện ông Thăng và Phan Sơn Hùng.

Luật sư Lê Công Định kêu gọi mọi người ký tên tố cáo Phan Sơn Hùng ra pháp luật và viết rằng Ngày mai sẽ đến lượt chúng ta là nạn nhân nếu hôm nay chúng ta im lặng trước sự bạo hành vô pháp như thế. Công lý phải được thực thi.

Tác giả Bùi Quang Vơm kết luận chuyện ông Thăng rằng :

Ông Thăng, ông Dũng và những gì trái lòng người không thể không bị phán xử. Cái phải đến đã đến và sẽ còn đến.

Nhưng một cái tất đến khác, cái tất đến lớn hơn, là một nền dân chủ đích thực cho dân tộc Việt Nam cũng sẽ đến và thực sự đang đến. Bởi đơn giản là cái độc Đảng chuyên chế và cái sở hữu toàn dân là những cái không hợp quy luật tự nhiên và trái lòng người, sẽ tự nó biến mất.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kính Hòa
Read 1463 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)