Việt Nam : Cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng bị bắt giữ (RFI, 08/12/2017)
Chiều ngày 08/12/2017 chính quyền Việt Nam loan báo chính thức khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng, phó trưởng ban Kinh Tế Trung Ương, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh.
Ông Đinh La Thăng nguyên là Ủy Viên Bộ Chính Trị được bầu lên nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XII. Ảnh minh họa. Reuters/Kham
Báo chí tại Việt Nam chiều nay đã đăng tải tin này. Ông Đinh La Thăng, bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về các hành vi "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Lệnh khởi tố và tạm giam ông Đinh La Thăng do cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công An Việt Nam đưa ra ngày mồng 8 tháng 12, năm 2017. Các sai phạm của ông Đinh La Thăng liên quan tới thời gian ông lãnh đạo tập đoàn dầu khí.
Ngay chiều nay, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam mở phiên họp bất thường, thông qua quyết định đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc Hội của ông Thăng.
RFI tiếng Việt
***************************
Ông Đinh La Thăng bị bắt giam (VOA, 08/12/2017)
Bộ Công an Việt Nam chiều ngày 8/12 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Phó Ban Kinh tế trung ương, để điều tra về 'hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.'
Ông Đinh La Thăng.
Truyền thông Việt Nam loan tin rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bắt ông Thăng ngay sau khi bị Bộ Chính trị ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đinh La Thăng, với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, kể từ ngày 8/12.
Trước đó, chiều cùng ngày, hãng tin AP và Reuters cho biết ngày 8/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua 2 nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Vào tháng 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức "cảnh cáo" và "cho thôi giữ chức" Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12. Đồng thời, ông Thăng bị buộc phải thôi chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban chấp hành trung ương đã xác định rằng ông Thăng "đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng" trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác nhân sự trong thời gian ông giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 10, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011, theo truyền thông trong nước.
Trước phiên họp của Ban chấp hành trung ương về việc kỷ luật ông Thăng, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với VOA rằng nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đội ngũ của ông "thành công trong việc kỷ luật ông Thăng", có thể "ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng".
Tiến sĩ Hiệp nói việc "cách các chức vụ trong quá khứ" gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng cộng sản. Ông Hiệp nói thêm là "không loại trừ khả năng" hình thức này sẽ được áp dụng cho cả "các nhân vật từng nằm trong ‘tứ trụ’", tức là bốn nhà lãnh đạo hàng đầu về mặt đảng, quốc hội và chính phủ của Việt Nam.
***********************
Việt Nam : Khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng (BBC, 08/12/2017)
Ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo sau quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ngày 8/12 của Bộ Công an Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng (giữa) bị điều tra liên quan vụ án Oceanbank của ông Hà Văn Thắm (trái) và Nguyễn Xuân Sơn
Trước đó cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cho thôi đại biểu Quốc hội với ông Thăng, đồng nghĩa việc ông bị mất quyền miễn trừ.
Trong ngày 8/12, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương, đã ký Quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Đinh La Thăng.
Bắt hai người
Cũng liên quan, ngày 8/12, ông Nguyễn Quốc Khánh mất ghế đại biểu quốc hội và cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Ông Khánh nguyên là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao báo cáo.
Sau đó, cơ quan này thảo luận, tiến hành biểu quyết "với tỷ lệ nhất trí cao" thông qua Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14 ngày 08/12/2017 "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu quốc hội khóa XIV".
Xem trang Tường thuật trực tuyến của BBC :
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 457/NQ-UBTVQH14 ngày 08/12/2017 "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, Đại biểu quốc hội khóa XIV".
Hồi tháng Năm, ông Thăng đã bị kỷ luật, ra khỏi Bộ Chính trị, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được phân công làm Phó ban Kinh tế trung ương.
Ông từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan hai vụ án kinh tế mà Bộ Công an đang điều tra.
Ông Đinh La Thăng, khi còn là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 13/1/2017
Bộ Công an đang tiến hành điều tra hai vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng.
Vụ thứ nhất liên quan tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank).
Vụ án thứ hai liên quan tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
*********************
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, tạm giam (RFA, 08/12/2017)
Chiều ngày 8 tháng Mười Hai 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN/ để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đến dự phiên khai mạc Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2011. AFP
Theo nguồn tin trong nước, ông Thăng bị khởi tố điều tra vì liên quan tới nhiều vụ án khác nhau, như lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Đại Dương Ocean Bank, và tham ô tài sản tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Trước đó vào tháng 5 năm nay, Ông Đinh La Thăng đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và bãi chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, cũng như sau đó bị bãi chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và điều về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương.
Khi đưa ra quyết định này, Ban chấp hành trung ương đảng cho biết ông Đinh La Thăng vi phạm nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân ông Đinh La Thăng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Vài giờ trước đó, ông Đinh La Thăng cũng đã bị bãi chức đại biểu Quốc hội với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên thông qua hai nghị quyết tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều cùng ngày tại Hà Nội.
Trong khi đó, vào ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết 6 cựu cán bộ lãnh đạo bị đề nghị kỷ luật vì lý do có nhiều sai phạm liên quan đến các dự án nhiên liệu sinh học và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ PVTex.
Danh sách 6 cựu cán bộ gồm : bà Phan thị Hòa, ông Hoàng Xuân Hùng, ông Vũ Khánh Trường, ông Nguyễn Xuân Thắng, ông Đỗ Văn Đạo, ông Nguyễn Thanh Liêm. Tất cả đều là này nguyên ủy viên và nguyên thành viên Hội đồng Quản trị PVN.
Được biết các dự án nhiên liệu sinh học và PVTex nằm trong số 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương với tổng số vốn đã đầu tư trên 21.250 tỷ đồng.
Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết do các cá nhân này đã về hưu và pháp luật hiện hành chưa có quy định xử lý kỷ luật với các lãnh đạo đã về hưu nên Bộ Công Thương đã gửi đề xuất này tới cấp có thẩm quyền để ra quyết định.
Ngoài những biện pháp đối với ông Đinh La Thăng, Cơ quan An Ninh Điều Tra, Bộ Công An vào tối ngày 8 tháng 12 cũng cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên, nguyên bí thư đảng ủy và nguyên phó tổng giám đốc của hội đồng này thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam- PVN. Cơ quan này cũng có lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi cư trú. Ông này cũng bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu quốc hội khóa 14.
Cáo buộc đối với ông Nguyễn Quốc Khánh cũng là ‘cố ý làm trái qui định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ theo điều 165 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Khánh sinh ngày 2 tháng 9 năm 1960.
Cơ quan Cảnh sát Điều Tra và Cơ quan An Ninh Điều Tra của Bộ Công An Việt Nam cho biết đang điều tra mở rộng vụ án tại PVN, gây thiệt hại 800 tỷ đồng góp vốn vào Ngân Hàng Đại Dương- Oceanbank cũng như hậu quả kinh tế nghiêm trọng tại Tổng Công ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2.
PVC là nơi mà ông Trịnh Xuân Thanh cũng bị cáo buộc gây thiệt hại gần 3300 tỷ đồng. Ông này từng trốn sang Đức và được nói bị phía Việt Nam sang bắt cóc đưa về nước.
Hai nhân vật nổi lên hàng đầu trong những bài viết của các blogger trong tuần qua là ông Đinh La Thăng, đương kim ủy viên bộ chính trị, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, người thứ hai là Phan Sơn Hùng hành nghề tự do.
Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 13/1/2017. AFP photo
Ông Thăng nổi lên vì đảng của ông công khai ra quyết định kỷ luật ông do những sai phạm khi ông quản lý kinh tế trước đây.
Phan Sơn Hùng nổi lên nhờ một video anh ta quay cảnh đồng bọn của anh ta đánh đập ba người phụ nữ và tự tung lên mạng, xem như một chiến công trừng trị bọn phản động, từ thường hay đượ cơ quan tuyên giáo của đảng gán cho những người bất đồng chính kiến.
Một trong ba nạn nhân là chị Lê Mỹ Hạnh, một người hoạt động xã hội vì môi trường.
Chuyện ông Thăng
Tác giả Bùi Quang Vơm từ nước ngoài có bài phân tích cho rằng ông Thăng bị kỷ luật là nằm trong một chiến dịch của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tấn công cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vốn bị dư luận chỉ trích là liên quan quá nhiều đến các vụ tham nhũng. Và theo tác giả thì ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công. Tuy nhiên tác giả viết tiếp :
Ông vẫn giữ một đức tin không lay chuyển rằng, tham nhũng có nguồn gốc đạo đức, và chỉ cần cải tạo đạo đức là thủ tiêu được tham nhũng. Đạo đức là sản phẩm của giáo dục, trong khi tham nhũng là thuộc tính bản năng. Bằng giáo dục đạo đức, tham nhũng có thể giảm, nhưng chỉ buông lỏng giáo dục, tham nhũng bùng phát trở lại. Tham nhũng thực chất là ăn cắp.
Ông Bùi Quang Vơm cho rằng chỉ có thể chống tham nhũng bằng kiểm soát quyền lực bằng thể chế tam quyền phân lập mà thôi.
Một tác giả khác là ông Lê Trọng Hiệp, viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng ông Đinh La Thăng chẳng qua cũng chỉ là sản phẩm của hệ thống xã hội chính trị hiện nay giống như nhiều ông khác mà thôi. Tác giả so ông Thăng với hai ông Nguyễn Thiện Nhân, và Nguyễn Bá Thanh.
Nói tới sản phẩm thì phải nói tới tính "hàng loạt", do đó chúng ta cần nhìn ra những mẫu số chung.
Hơn một năm qua "Bí thư Đinh La Thăng" đã nổi lên như một hiện tượng với những "phát ngôn gây sốc", "tác phong sâu sát với quần chúng" và "hành động quyết liệt" tại Sài Gòn, tuy nhiên ông Đinh không phải là "hiện tượng" riêng lẻ.
Cũng nổi lên với phong cách này từng có Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Bá Thanh. Ông Nhân nay đã chìm, chỉ ngồi chơi xơi… nghị quyết, ông Thanh chết một cái chết thê thảm. Còn ông Thăng thì đang lo âu, không biết "mai này đời sẽ ra sao".
Ba người, mỗi người mỗi vẻ nhưng như là sản phẩm của cùng một hệ thống chính trị nên vẫn có những nét chung.
Theo tác giả thì cả ba ông có 3 điểm chung, thứ nhất là có bằng tiến sĩ, thứ hai là đều làm việc mang tính phong trào, thứ ba là những ý tưởng chính trị mang tính dân túy.
Ông Thăng thì nổi tiếng với những lời hô hào, sa thải cán bộ dưới quyền, ông Nhân cũng nổi tiếng về những câu nói không với tiêu cực khi ông ra làm bộ trưởng bộ giáo dục, còn ông Thanh thì từng hô hào bắt nhốt hết tham nhũng.
Lê Trọng Hiệp phân tích rằng bằng tiến sĩ là do tính sính bằng cấp của các cán bộ, càng ít học và thiếu tự tin thì càng thích bằng cấp. Tính phong trào là vì hệ thống bị mất định hướng nên phải làm những chuyện vô ích lòe loạt. Còn tính dân túy là khai thác sự bất an, mê tín và tham lam của công chúng, để nói cho họ sướng tai.
Cũng cho là ông Trọng đã thắng ông Dũng cựu thủ tướng, trên bàn cờ chính trị, nhưng blogger Nguyễn Anh Tuấn lại giải thích là ông Trọng đã rút kinh nghiệm ở một kỳ họp trung ương trước đây, ông Dũng đã thắng thế nhờ chi phối được hơn 100 vị ủy viên trung ương, mặc dù bộ chính trị ở mức cao hơn đã quyết định kỷ luật ông Dũng. Bây giờ ông Trọng đã thay đổi luật chơi, không cho các ủy viên trung ương quyết định nữa nên phe ông Dũng thua, mà cụ thể là ông Thăng bị kỷ luật.
Nhưng Nguyễn Anh Tuấn kết luận rằng những mưu mẹo như vậy chẳng ích lợi gì cho quốc kế dân sinh cả.
Nhưng cũng có những cây viết tỏ ra có cảm tình với ông Thăng ông Dũng.
Tác giả Trần Hồng Tâm cho rằng ông Thăng là một người có cá tính, mà đảng vốn không dung nạp những người có cá tính nên ông Thăng phải thất bại.
Tác giả Duy Đức viết trên trang Bà Đầm Xòe rằng kỷ luật ông Thăng hiện nay không phải dễ vì ông chiếm được cảm tình của nhiều người.
Cũng trên trang Bà Đầm Xòe, tác giả ký tên Sông Hồng lại từ chuyện ông Thăng, ông Dũng, và ông Trọng ngược chiều thời gian cả chục năm về trước đến với cuộc đối đầu giữa hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang, mà tác giả gọi là anh em thù hận. Sông Hồng cho rằng ông Dũng không trả thù ai, còn lời tự thán của ông Trọng thì không thỏa đáng :
Ông Trọng lẩy Kiều : "Nghĩ mình phận mỏng cách chuồn. Khuôn xanh có biết vuông tròn hay chăng ?" Phận ông không mỏng, mà ngược lại rất dầy và sự thực thì đất không vuông mà trời cũng chẳng tròn.
Chuyện giang hồ vặt Phan Sơn Hùng
Phan Sơn Hùng, nghi can có liên quan đến vụ hành hung hội đồng 3 phụ nữ. Hình : facebook
Giang hồ vặt là tên blogger Phạm Lê Vương Các đặt cho Phan Sơn Hùng, người tung video đánh đập ba người phủ nữ lên mạng. Vương Các viết là tay giang hồ vặt này đã khiêu khích giới chính trị, và làm cho cộng đồng tức giận vì hành vi của mình, vì vậy nếu sắp tới đây Hùng có đi tù thì là may mắn cho Hùng vì sẽ tránh được những cơn giận dữ.
Nhưng dưới con mắt của luật sư Lê Công Định thì Phan Sơn Hùng phải bị pháp luật trừng phạt :
Trách nhiệm của nhà cầm quyền là phải giữ gìn trật tự xã hội và an toàn cá nhân. Không ai, kể cả nhà nước, được quyền viện bất kỳ lẽ nào biện minh cho hành động tấn công dân thường một cách tự do mà không bị pháp luật trừng trị.
Sự an toàn cá nhân giữa một xã hội trật tự là điều mà luật pháp luôn duy trì và cơ quan công quyền phải bảo vệ. Người dân nộp thuế để nhà nước bảo đảm điều đó, chẳng những không dung túng mà còn phải trừng trị mọi hành vi côn đồ như vậy. Đó chính là khế ước xã hội mặc nhiên.
Quan điểm này được rất đông blogger, công dân mạng xã hội đồng tình.
Blogger Hiệu Minh viết rằng Cho dù hành động trừng phạt trên dưới danh nghĩa nào thì việc đưa clip có hình ảnh tội ác, đánh đập dã man phụ nữ lên facebook là một việc không thể chấp nhận được. Cách thức này là cách gieo rắc lòng hận thù, cổ súy bạo lực trước hàng triệu người nếu không phải là hàng tỷ người trên khắp hành tinh.
Tuy nhiên người ta nghi ngờ là kẻ thách thức luật pháp sẽ không bị trừng trị. Blogger Đoan Trang đặt câu hỏi tại sao khi bị công an mời làm việc Với một số người, đến cái máy nghe nhạc còn bị cướp, trong khi Phan Hùng vào đồn công an vẫn livestream được, lại được bảo vệ như yếu nhân ?
Sự nghi ngờ nằm ở những câu chuyện tương tự đã từng xảy ra đối những người hoạt động xã hội như chị Lê Mỹ Hạnh trước đây. Blogger Nguyễn Anh Tuấn phân tích những vụ như thế thường xảy ra làm ba bước, đầu tiên là nạn nhân bị hành hung, sau đó công an và truyền thông sẽ tạo nên những chứng cớ giả, và cuối cùng là nạn nhân sẽ trở thành kẻ có lỗi.
Có vẻ như đã có xu hướng xem nạn nhân là kẻ có lỗi trên không gian mạng khi có không ít người ủng hộ Phan Sơn Hùng. Những người này cho rằng chị Lê Mỹ Hạnh từng bôi xấu đảng cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Trọng Hiền nhìn đám đông ủng hộ đó là một sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam, anh viết một cách chua xót :
Tỏ vẻ thương người, tỏ vẻ hào hiệp, tỏ ra anh hùng nhưng cuối cùng sẵn sàng nhân danh những điều anh ta cho là cao đẹp, đúng đắn, để hãm hại, tấn công người khác quan điểm. Đám đông bên ngoài có cùng suy nghĩ ủng hộ anh ta. Chúc mừng nền giáo dục Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhận xét rằng Chính quyền nên biết xấu hổ khi có loại người du côn vô học hành xử lưu manh vi phạm luật pháp để ra vẻ bảo vệ chính quyền !
Kết
Xin trích dẫn hai ý kiến kết luận về hai câu chuyện ông Thăng và Phan Sơn Hùng.
Luật sư Lê Công Định kêu gọi mọi người ký tên tố cáo Phan Sơn Hùng ra pháp luật và viết rằng Ngày mai sẽ đến lượt chúng ta là nạn nhân nếu hôm nay chúng ta im lặng trước sự bạo hành vô pháp như thế. Công lý phải được thực thi.
Tác giả Bùi Quang Vơm kết luận chuyện ông Thăng rằng :
Ông Thăng, ông Dũng và những gì trái lòng người không thể không bị phán xử. Cái phải đến đã đến và sẽ còn đến.
Nhưng một cái tất đến khác, cái tất đến lớn hơn, là một nền dân chủ đích thực cho dân tộc Việt Nam cũng sẽ đến và thực sự đang đến. Bởi đơn giản là cái độc Đảng chuyên chế và cái sở hữu toàn dân là những cái không hợp quy luật tự nhiên và trái lòng người, sẽ tự nó biến mất.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng vì những vi phạm nghiêm trọng (GDVN, 27/04/2017)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, ông Đinh La Thăng có trách nhiệm với nhiều sự việc xảy ra trong thời gian làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, ông Đinh La Thăng có trách nhiệm với nhiều sự việc xảy ra trong thời gian làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí. ảnh : VOV.
Từ ngày 24 đến 26/4/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 14. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận các nội dung sau :
I. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan.
1. Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên ;
Không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc Tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm vẫn được Tập đoàn điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp điều động, bổ nhiệm chức vụ cao hơn ;
Để nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn.
Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.
Thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU, ngày 17/08/2009 có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên (Hội đồng tư vấn), Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.
Để Hội đồng Thành viên ban hành các nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến Hội đồng Thành viên và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng ; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng.
Để Hội đồng Thành viên ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN, ngày 16/05/2011 góp vốn đầu tư vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn.
Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn.
2. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng ủy Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật ;
Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank (có nội dung : Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên ; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành ; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi Hội đồng Quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Đồng chí có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải ; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ Đồng chí làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp ; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
3. Đồng chí Phùng Đình Thực, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc PVN từ năm 2008 - 2010 và Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên từ tháng 9/2011 - 7/2014 chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong giai đoạn 2011 – 2014 ; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của Hội đồng Thành viên, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công thương ; không chỉ đạo xem xét vi phạm của Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng Giám đốc Oceanbank ; chịu trách nhiệm cùng Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên khi làm quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn từ Phó Tổng Giám đốc lên Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Bí thư Đảng ủy Tập đoàn năm 2014.
Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
4. Đồng chí Đỗ Văn Hậu, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc PVN từ tháng 11/2011 - 10/2014 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong thời gian nêu trên.
Có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của Hội đồng Thành viên, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét có nội dung không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy khi chuyển công tác ; có trách nhiệm trong việc đề nghị bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn như đã nêu trên.
Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.
5. Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010- 2015.
Có trách nhiệm trong việc Ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của Hội đồng Thành viên, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Trong thời gian ông Nguyễn Xuân Sơn là Tổng giám đốc, người đại diện vốn của PVN tại Oceanbank, đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Hiện nay ông Nguyễn Xuân Sơn đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015 ; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ- DKVN của Hội đồng Thành viên.
Chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và các cá nhân liên quan. Căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định :
- Cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Phùng Đình Thực ; cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Đỗ Văn Hậu ; khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn ; cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Quốc Khánh.
- Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
- Yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công thương khẩn trương xem xét kỷ luật hành chính tương ứng đối với các cá nhân trên.
- Yêu cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương khẩn trương thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn PVN.
Diệu Linh
Đề nghị Bộ Chính trị xem xét thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng (Dân Trí, 27/04/2017)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực ; cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Đỗ Văn Hậu... ; đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
Ông Đinh La Thăng
Chiều 27/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo nội dung kỳ họp thứ 14 diễn ra từ ngày 24 đến 26/4 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận các nội dung sau :
I. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan
1. Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên ; không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc Tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm vẫn được Tập đoàn điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp điều động, bổ nhiệm chức vụ cao hơn ; để nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn. Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.
Thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU, ngày 17/08/2009 có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên (Hội đồng tư vấn), Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.
Để Hội đồng tư vấn ban hành các nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến Hội đồng tư vấn và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng ; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng.
Để Hội đồng tư vấn ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN, ngày 16/05/2011 góp vốn đầu tư vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn.
Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn.
2. Ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng tư vấn Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng ủy Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng tư vấn, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật ;
Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung : Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên ; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành ; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng tư vấn ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng tư vấn ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải ; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ ông làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp ; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
3. Ông Phùng Đình Thực - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ năm 2008 - 2010 và Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn từ tháng 9/2011 - 7/2014 chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong giai đoạn 2011 – 2014 ; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của Hội đồng tư vấn, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ông Phùng Đình Thực
Vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công thương ; không chỉ đạo xem xét vi phạm của Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng Giám đốc Oceanbank ; chịu trách nhiệm cùng Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng tư vấn khi làm quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn từ Phó Tổng Giám đốc lên Chủ tịch Hội đồng tư vấn và Bí thư Đảng ủy Tập đoàn năm 2014. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
4. Ông Đỗ Văn Hậu, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, Thành viên Hội đồng tư vấn, Tổng Giám đốc PVN từ tháng 11/2011 - 10/2014 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong thời gian nêu trên. Có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của Hội đồng tư vấn, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ông Đỗ Văn Hậu
Thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét có nội dung không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy khi chuyển công tác ; có trách nhiệm trong việc đề nghị bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn như đã nêu trên. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.
5. Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010- 2015. Có trách nhiệm trong việc Ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của Hội đồng tư vấn, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn
Trong thời gian ông Nguyễn Xuân Sơn là Tổng giám đốc, người đại diện vốn của PVN tại Oceanbank, đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện nay ông Nguyễn Xuân Sơn đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015 ; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ- DKVN của Hội đồng tư vấn. Chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.
Ông Nguyễn Quốc Khánh
"Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và các cá nhân liên quan"-thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.
Căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định :
- Cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực ; cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Đỗ Văn Hậu ; khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn ; cảnh cáo đối với ông Nguyễn Quốc Khánh.
- Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
- Yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công thương khẩn trương xem xét kỷ luật hành chính tương ứng đối với các cá nhân trên.
- Yêu cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương khẩn trương thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn PVN.
II. Xem xét thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Hữu Lộc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
1. Ông Nguyễn Văn Thiện với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm một số trường hợp cán bộ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định.
2. Ông Lê Hữu Lộc với cương vị là Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc tuyển dụng, xếp lương công chức không đúng quy định.
Căn cứ Quy số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định :
- Thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Hữu Lộc.
- Đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Thiện theo thẩm quyền.
- Yêu cầu Ban Thường vụ tỉnh Bình Định và ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan.
III. Xem xét báo cáo kết quả kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu ; cho ý kiến về một số dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng và giải quyết một số công việc khác theo thẩm quyền.
Thế Kha - Quang Phong
Điểm mặt các dự án bê bết thời dàn lãnh đạo PVN cũ quản lý (Dân Trí, 27/04/2017)
Ông Đinh La Thăng và một số cựu lãnh đạo PVN bị đề nghị xử lý liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ; đầu tư loạt nhà máy nhiên liệu sinh học ; dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 ; nhà máy xơ sợi Đình Vũ hay góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).
Chiều 27/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo nội dung kỳ họp thứ 14 diễn ra từ ngày 24 đến 26/4 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xử lý trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số lãnh đạo cũ của PVN như : ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn PVN từ 2009-2011 ; ông Phùng Đình Thực - nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ 2008-2010 ; ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn 2010-2015 ; Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn 2010- 2015…
Các sai phạm được chỉ ra liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ; đầu tư loạt nhà máy nhiên liệu sinh học ; dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 ; nhà máy xơ sợi Đình Vũ hay góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).
Dự án sản xuất nhiên liệu Ethanol Phú Thọ giờ trong tình trạng chờ bán sắt vụn
PVC thua lỗ kéo dài
Báo cáo kiểm toán Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC - mã chứng khoán PVX) mới nhất cho thấy, lỗ lũy kế hợp nhất của PVC tại ngày 31/12/2016 là khoảng 2.970 tỷ đồng (trước đó 1 năm, lỗ lũy kế của tổng công ty này là 3.028 tỷ đồng), dư nợ vay ngân hàng quá hạn tại ngày 31/12/2016 là khoảng 299 tỷ đồng và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của PVC trong 12 tháng tới.
Mặc dù tiếp tục có lãi trong năm 2016 nhưng khoản lỗ lũy kế lên tới 2.970 tỷ đồng cho thấy PVC vẫn đang phải chịu hệ lụy nặng nề bởi hai năm kinh doanh bê bết dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo từ 2012, 2013 để lại. Trong hai năm đó, PVC bị lỗ ròng lần lượt 1.847,3 tỷ đồng và 2.228,3 tỷ đồng. Sau đó, PVC dần vực dậy để có lãi 102,5 tỷ đồng năm 2014 (sau khi điều chỉnh số liệu) và 22,7 tỷ đồng năm 2015.
Vào giữa tháng 9 năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự : Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.
Theo đó, ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC ; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc ; ông Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc và ông Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC đã bị khởi tố bị can. Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng giám đốc và Chủ tịch PVC được xác định phải chịu trách nhiệm chính song đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVX của PVC hiện có mức giá 2.000 đồng và đang nằm trong diện bị cảnh báo từ 8/4/2015 do có lợi nhuận chưa phân phối bị âm. Thị giá PVX hiện chỉ bằng 1/10 so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 19/8/2009.
Hàng loạt dự án ethanol nghìn tỷ nằm đắp chiếu
Ba dự án nhà máy xăng sinh học ethanol là Nhà máy ethanol Phú Thọ, ethanol Dung Quất và ethanol Bình Phước là 3 dự án sản xuất ethanol nhiên nhiệu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng.
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố mới đây, các dự án này tính đến nay, đều không đạt hiệu quả về đầu tư. Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Cùng với nhà máy ethanol Dung Quất, toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả.
Riêng tại dự án Nhà máy ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm có liên quan đến nhà thầu là PVC -thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch. Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu PVC đã điều chỉnh tăng thêm hơn 14,3 triệu USD. Đặc biệt, dự án được khởi công sớm nhất nhưng chưa hoàn thành, nhà thầu PVC đã dừng thi công từ tháng 11/2011, vi phạm hợp đồng PVC, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với dự án Phú Thọ, nhà thầu PVC đã đơn phương dừng thi công dự án gây hậu quả nghiêm trọng khiến toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác ; việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy cũng bị ngừng trệ.
Tại dự án ethanol Dung Quất, PVN đã giao Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PTSC) chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, tìm địa điểm xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, đây là nhà thầu không có kinh nghiệm đã đưa ra một loạt quyết định sai trong việc song chọn địa điểm đầu tư và ký kết hợp đồng EPC. Việc chỉ định thầu cũng không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định Luật Đấu thầu.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tay giá thành sản phẩm. Nhà máy đã tạm dừng sản xuất từ tháng 4/2015 và hơn 40 nhân công/tổng số 220 nhân công đã nghỉ việc, trong đó chủ yếu là các kỹ sư giỏi của nhà máy. Năm 2014, công ty chỉ phân phối được 5.000 m3 ethanol cho thị trường trong nước (đạt 5% công suất nhà máy). Việc sản xuất cầm chừng của nhà máy đã dẫn đến khoảng lỗ trên 140 tỷ đồng.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ "bất động"
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.
Dự án đã chậm tiến độ tới 2 năm, khi đi vào hoạt động, vận hành khoảng 7 tháng đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.
Trước thực tế thua lỗ liên tục, PVN đã từng đề nghị nhà nước cần có hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù đưa nhà máy hoạt động ổn định và thu hồi vốn đầu tư. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ gần 1.500 tỷ đồng của nhà máy.
Pvtex- một công trình thua lỗ trên 1500 tỷ của ngành dầu khí
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án này, theo đó, chỉ ra hàng loạt sai phạm như trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí…
Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị. Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Nhiệt điện Thái Bình 2
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc chỉ định gói thầu EPC tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…
Nhóm cán bộ chủ chốt của PVC là người trực tiếp ký duyệt các thủ tục về tài chính dự án nhà máy nhiệt điện có công suất thiết kết 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Được biết, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Cũng ngay trong năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.
Liên quan tới dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính Tổng công ty đã ký với các nhà thầu phù cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký.
Mất trắng 800 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank
Năm 2008, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Tiếp đó, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2009 và 4.000 tỷ năm 2011 thì PVN góp thêm tương ứng 300 tỷ và 100 tỷ nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.
Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, OceanBank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.
Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.
Đáng lưu ý, trong thời gian là góp vốn vào Oceanbank, để thực hiện quản lý, giám sát vốn, PVN cử 3 người sang Oceanbank và họ phải báo cáo về theo từng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, tất cả các báo cáo đó không hề có cảnh báo hoặc tín hiệu nguy hiểm về vốn. Ngoài ra, PVN còn thực hiện giám sát ngoài, quá trình này cũng không phát hiện sai phạm nào.
Phương Dung