Việt Nam : Cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng bị bắt giữ (RFI, 08/12/2017)
Chiều ngày 08/12/2017 chính quyền Việt Nam loan báo chính thức khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng, phó trưởng ban Kinh Tế Trung Ương, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh.
Ông Đinh La Thăng nguyên là Ủy Viên Bộ Chính Trị được bầu lên nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XII. Ảnh minh họa. Reuters/Kham
Báo chí tại Việt Nam chiều nay đã đăng tải tin này. Ông Đinh La Thăng, bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về các hành vi "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Lệnh khởi tố và tạm giam ông Đinh La Thăng do cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công An Việt Nam đưa ra ngày mồng 8 tháng 12, năm 2017. Các sai phạm của ông Đinh La Thăng liên quan tới thời gian ông lãnh đạo tập đoàn dầu khí.
Ngay chiều nay, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam mở phiên họp bất thường, thông qua quyết định đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc Hội của ông Thăng.
RFI tiếng Việt
***************************
Ông Đinh La Thăng bị bắt giam (VOA, 08/12/2017)
Bộ Công an Việt Nam chiều ngày 8/12 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Phó Ban Kinh tế trung ương, để điều tra về 'hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.'
Ông Đinh La Thăng.
Truyền thông Việt Nam loan tin rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bắt ông Thăng ngay sau khi bị Bộ Chính trị ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đinh La Thăng, với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, kể từ ngày 8/12.
Trước đó, chiều cùng ngày, hãng tin AP và Reuters cho biết ngày 8/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua 2 nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Vào tháng 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức "cảnh cáo" và "cho thôi giữ chức" Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12. Đồng thời, ông Thăng bị buộc phải thôi chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban chấp hành trung ương đã xác định rằng ông Thăng "đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng" trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác nhân sự trong thời gian ông giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 10, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011, theo truyền thông trong nước.
Trước phiên họp của Ban chấp hành trung ương về việc kỷ luật ông Thăng, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với VOA rằng nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đội ngũ của ông "thành công trong việc kỷ luật ông Thăng", có thể "ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng".
Tiến sĩ Hiệp nói việc "cách các chức vụ trong quá khứ" gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng cộng sản. Ông Hiệp nói thêm là "không loại trừ khả năng" hình thức này sẽ được áp dụng cho cả "các nhân vật từng nằm trong ‘tứ trụ’", tức là bốn nhà lãnh đạo hàng đầu về mặt đảng, quốc hội và chính phủ của Việt Nam.
***********************
Việt Nam : Khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng (BBC, 08/12/2017)
Ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo sau quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ngày 8/12 của Bộ Công an Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng (giữa) bị điều tra liên quan vụ án Oceanbank của ông Hà Văn Thắm (trái) và Nguyễn Xuân Sơn
Trước đó cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cho thôi đại biểu Quốc hội với ông Thăng, đồng nghĩa việc ông bị mất quyền miễn trừ.
Trong ngày 8/12, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương, đã ký Quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Đinh La Thăng.
Bắt hai người
Cũng liên quan, ngày 8/12, ông Nguyễn Quốc Khánh mất ghế đại biểu quốc hội và cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Ông Khánh nguyên là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao báo cáo.
Sau đó, cơ quan này thảo luận, tiến hành biểu quyết "với tỷ lệ nhất trí cao" thông qua Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14 ngày 08/12/2017 "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu quốc hội khóa XIV".
Xem trang Tường thuật trực tuyến của BBC :
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 457/NQ-UBTVQH14 ngày 08/12/2017 "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, Đại biểu quốc hội khóa XIV".
Hồi tháng Năm, ông Thăng đã bị kỷ luật, ra khỏi Bộ Chính trị, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được phân công làm Phó ban Kinh tế trung ương.
Ông từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan hai vụ án kinh tế mà Bộ Công an đang điều tra.
Ông Đinh La Thăng, khi còn là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 13/1/2017
Bộ Công an đang tiến hành điều tra hai vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng.
Vụ thứ nhất liên quan tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank).
Vụ án thứ hai liên quan tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
*********************
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, tạm giam (RFA, 08/12/2017)
Chiều ngày 8 tháng Mười Hai 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN/ để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đến dự phiên khai mạc Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2011. AFP
Theo nguồn tin trong nước, ông Thăng bị khởi tố điều tra vì liên quan tới nhiều vụ án khác nhau, như lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Đại Dương Ocean Bank, và tham ô tài sản tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Trước đó vào tháng 5 năm nay, Ông Đinh La Thăng đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và bãi chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, cũng như sau đó bị bãi chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và điều về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương.
Khi đưa ra quyết định này, Ban chấp hành trung ương đảng cho biết ông Đinh La Thăng vi phạm nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân ông Đinh La Thăng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Vài giờ trước đó, ông Đinh La Thăng cũng đã bị bãi chức đại biểu Quốc hội với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên thông qua hai nghị quyết tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều cùng ngày tại Hà Nội.
Trong khi đó, vào ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết 6 cựu cán bộ lãnh đạo bị đề nghị kỷ luật vì lý do có nhiều sai phạm liên quan đến các dự án nhiên liệu sinh học và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ PVTex.
Danh sách 6 cựu cán bộ gồm : bà Phan thị Hòa, ông Hoàng Xuân Hùng, ông Vũ Khánh Trường, ông Nguyễn Xuân Thắng, ông Đỗ Văn Đạo, ông Nguyễn Thanh Liêm. Tất cả đều là này nguyên ủy viên và nguyên thành viên Hội đồng Quản trị PVN.
Được biết các dự án nhiên liệu sinh học và PVTex nằm trong số 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương với tổng số vốn đã đầu tư trên 21.250 tỷ đồng.
Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết do các cá nhân này đã về hưu và pháp luật hiện hành chưa có quy định xử lý kỷ luật với các lãnh đạo đã về hưu nên Bộ Công Thương đã gửi đề xuất này tới cấp có thẩm quyền để ra quyết định.
Ngoài những biện pháp đối với ông Đinh La Thăng, Cơ quan An Ninh Điều Tra, Bộ Công An vào tối ngày 8 tháng 12 cũng cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên, nguyên bí thư đảng ủy và nguyên phó tổng giám đốc của hội đồng này thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam- PVN. Cơ quan này cũng có lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi cư trú. Ông này cũng bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu quốc hội khóa 14.
Cáo buộc đối với ông Nguyễn Quốc Khánh cũng là ‘cố ý làm trái qui định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ theo điều 165 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Khánh sinh ngày 2 tháng 9 năm 1960.
Cơ quan Cảnh sát Điều Tra và Cơ quan An Ninh Điều Tra của Bộ Công An Việt Nam cho biết đang điều tra mở rộng vụ án tại PVN, gây thiệt hại 800 tỷ đồng góp vốn vào Ngân Hàng Đại Dương- Oceanbank cũng như hậu quả kinh tế nghiêm trọng tại Tổng Công ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2.
PVC là nơi mà ông Trịnh Xuân Thanh cũng bị cáo buộc gây thiệt hại gần 3300 tỷ đồng. Ông này từng trốn sang Đức và được nói bị phía Việt Nam sang bắt cóc đưa về nước.