Thực trạng ‘con quan – con dân’ lâu nay ở Việt Nam phản ánh khía cạnh bất công xã hội, khi con cái quan chức được ưu ái nhưng con dân thì không. Người dân bức xúc, dần mất niềm tin vào chế độ và thấy cần thiết phải có giải pháp chính sách như Luật Hồi tỵ, từng tồn tại dưới thời phong kiến. Mặc dù chế độ đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện có cội nguồn tập quyền cao, song việc ban hành một đạo luật tương tự là không thể trong thời hiện đại khi nó đang biến đổi khi tồn tại song song cùng với chế độ dân chủ. Việc nhận dạng đúng "biến thể" có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho vấn đề ‘con quan – con dân’, mà còn cho thấy liệu có cơ hội cho chuyển đổi dân chủ từ cải cách.
Tư duy cán bộ kiểu "đúng qui trình", còn đâu chỗ cho người tài ? (Tranh minh họa).
Dư luận bức xúc
Việc bổ nhiệm nữ công chức, 31 tuổi, con gái của đương kim Bí thư tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa 13 giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc thuộc quyền lãnh đạo của vị quan chức này khiến dư luận bức xúc, nhưng chính quyền nói "đúng quy trình".
Một loạt báo nhà nước phản ánh sự kiện này khá công khai, như tờ Tuổi trẻ có bài "Nên có Luật Hồi tỵ cho thời mới" và báo Pháp luật nhấn mạnh "Vẹn nguyên tinh thần "Hồi tỵ" góp thêm ý kiến về hiện tượng ‘con quan – con dân’, đề xuất sự cần thiết phải có một đạo luật như luật Hồi tỵ từng tồn tại trong chế độ phong kiến tập quyền, để ngăn ngừa hệ quả tiêu cực từ những vụ việc tương tự.
Cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Hình minh họa.
Hiện tượng như "thái tử đỏ", "cả họ làm quan", "một người làm quan, cả họ được nhờ", "nâng đỡ không trong sáng" gây bức xúc dư luận từ lâu, nhưng bị ‘kìm nén’ chờ cơ hội ‘bùng phát’. Đó là khi quan chức tha hóa quyền lực, suy thoái đạo đức và lối sống và chiến dịch chống tham nhũng được phát động trong chính sách "chỉnh đốn Đảng" trong Nghị quyết bốn khóa 12 năm 2016. Một vài "thái tử đỏ" đã bị xử lý khi vi phạm kỷ luật Đảng. Năm 2017, ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Đà Nẵng bị ‘cách chức’. Vị quan Đảng đứng đầu một tỉnh lớn nhất miền Trung này là con của cựu Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa IX và khóa X. Các báo công khai mổ xẻ và phê phán các hiện tượng tương tự ở một số địa phương như Hà Giang, Hà Nội, Thanh Hoá, Bắc Ninh
Luật Hồi tỵ
Nghi vấn về bổ nhiệm, người dân có ý kiến’ và "đúng quy trình" là cách giải thích mà họ nhận được từ chính quyền. Chỉ đến khi vụ việc ‘vỡ lở’ và trở nên trầm trọng chính quyền mới tìm cách xử lý "đánh chuột nhưng không làm vỡ bình. Bởi vậy, Luật Hồi tỵ "mới" được đề xuất.
Luật "hồi tỵ" (theo tiếng Anh : rule of avoidance) là quy tắc tránh đi, lánh đi và, trong ngữ cảnh này là các quy định về việc tránh bổ nhiệm các quan lại thừa hành công vụ ở nơi chốn xuất thân. Theo đó chính sách ‘hồi tỵ’ ngoài việc không cho phép quan lại địa phương làm quan ở quê hương, còn cấm họ làm quan ở nơi có bà con là thuộc liêu (quan cấp dưới), hoặc nơi có gia đình nhà vợ, người thân trong gia tộc.
Chính sách hồi tỵ xuất hiện sớm trong chế độ phong kiến tập quyền ở nhiều quốc gia Châu Á với mục đích hạn chế tình trạng thiên vị thân hữu, huyết thống, ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng và củng cố quyền lực ở địa phương, ảnh hưởng đến ngôi Vương. Việt Nam đã trải qua hơn một nghìn năm lịch sử của 13 triều đại phong kiến, nhưng chính sách hồi tỵ chỉ được ghi lại trong thời nhà Lê sơ và nhà Nguyễn. Xét về bối cảnh lịch sử của hai triều đại trên đều cần tập trung quyền lực để thống nhất đất nước sau giai đoạn "12 xứ quân" và sự phân chia "Đàng trong, Đàng ngoài". Bởi vậy ngoài việc ngăn chặn ‘suy thoái đạo đức’ của quan lại, thì mục đích chủ yếu của chính sách hồi tỵ là để củng cố chế độ ‘vương quyền’. Chính sách hồi tỵ lần đầu tiên được ban bố dưới thời vua Lê Thánh Tông (trị vì từ 1460 đến 1497) trong một nỗ lực cải cách hành chính và quan chế. Đến thời Nguyễn, chính sách này mới được khôi phục và bổ sung thành luật bởi vua Minh Mạng (trị vì từ 1820 đến 1841).
Một số nội dung chính của luật hồi tỵ như quy định ‘không được làm quan’ ở nơi trú quán hoặc ở lâu một nơi, ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi ; Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác ; Các giám thị, khảo quan có người thân thích dự thi ở trường mình, quan thanh tra xét xử thấy trong vụ án có người thân quen của mình đều phải khai báo và hồi tỵ ngay Sau này, đến đời vua Thiệu Trị (1807 – 1847), còn quy định cấm quan lại ‘tậu’ ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan ức hiếp người dân để được mua rẻ, cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh.
Cội nguồn chế độ
Chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam cũng có đặc điểm chung của chế độ tập quyền cao như không hề có các định chế chính trị mang tính đối trọng, nhà nước pháp quyền hay trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ, và việc vận hành cũng phải dựa vào bộ máy cai trị, để duy trì chế độ bộ máy này ngày càng trở nên ‘đặc quyền, đặc lợi’. Hệ quả mang tính chu kỳ là sự khủng hoảng thể chế. Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu rằng quyền lực công cần phải được kiểm soát bằng các quy định rõ ràng, công khai để mọi người dân có thể bình đẳng pháp luật. Tuy nhiên, việc soạn thảo "Luật Hồi tỵ mới" có thể làm tổn hại đến các nguyên tắc cai trị của Đảng. Ngoài ra, những quyền phổ quát, có nguồn gốc dưới chế độ dân chủ, như bình đẳng về cơ hội việc làm, quyền riêng tư, quyền tài sản đôi khi được viện dẫn khiến sự ra đời đạo luật này là không thể.
Chế độ đảng cộng sản lãnh đạo có nguồn gốc từ mô hình Xô Viết dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lenin đã bị sụp đổ ở Đông Âu năm 1990. Trong bối cảnh song song tồn tại cùng các chế độ dân chủ kiểu chế độ này đang thay đổi ở một vài quốc gia còn lại, kém phát triển hơn trong hệ xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Theo Giáo sư chính trị quốc tế của Trường Đại học Stanford, Hoa Kỳ Fransis Fukuyama, việc nhận diện đúng ‘biến thể’ của chế độ này "không phải là điều dễ", nhưng ông chia sẻ quan điểm của các nhà nghiên cứu rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đang ‘giao động’ từ "độc tài toàn trị" (totalitarian Dictatorship) sang "chuyên quyền" hay "độc đoán" (autocracy). "Toàn trị", như mô hình Mao Trạch Đông, có đặc trưng sử dụng bạo lực để buộc mọi người dân trong xã hội phải trung thành tuyệt đối với ý thức hệ chính thống, kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh riêng tư của người dân và buộc họ phụ thuộc trực tiếp vào chính quyền. Chế độ "chuyên quyền" giữ nguyên bản chất chính trị, nhưng sử dụng công cụ thị trường để điều hành kinh tế và miễn cưỡng thực hiện chuyển đổi dân chủ, bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình. Francis Fukuyama lưu ý rằng sự cai trị hiện nay của Tập Cận Bình có xu hướng quay lại chế độ toàn trị "mới".
Dưới chế độ đảng toàn trị người dân chủ yếu trông mong vào cải cách từ nhà nước và người đứng đầu để giải toả bức xúc của họ. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách hiện nay đang chứa đựng nhiều mâu thuẫn, xung đột, đặc biệt là giữa ý thức hệ và kinh tế thị trường. Các nhà quan sát lo ngại rằng việc chỉnh đốn đảng có thể tạo ra bộ máy chuyên chế lớn hơn cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ ‘từ dưới lên’ vốn đã rất khó khăn. Câu hỏi lớn đang đặt ra liệu cải cách có tránh được "vòng luẩn quẩn" – sự hình thành ‘một biến thể’ mới, được cảnh báo, của chế độ độc tài toàn trị ở Trung Quốc hiện nay ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 15/03/2021