Phim cao bồi viễn Tây thường có câu "There's a new sheriff in town", một thành ngữ chỉ sự thay đổi quyền lực khi có một vị sếp cảnh sát trưởng mới, đạo đức và cứng rắn hơn thay thế cho nhóm cảnh sát cũ bao che, cấu kết với tội phạm hay để cho chúng lộng hành. "Có sếp cảnh sát mới trong thị trấn" là một tuyên bố rằng cái kiểu vô chính phủ sẽ không còn, kẻ xấu sẽ bị trừng trị và luật pháp nghiêm minh sẽ được tái lập.
Đó là điều mà người dân Mỹ và thế giới đang thấy nơi tổng thống Joe Biden cùng tân nội các của ông. Rõ ràng nhất trong vấn đề đối ngoại : cứng rắn và thẳng thừng hơn với những quốc gia bị xem là nguy hiểm với nước Mỹ và thế giới như Nga, Tàu, Bắc Hàn, Iran...
Chính sách đối ngoại ngay từ những ngày đầu tiên của nội các Joe Biden cho thấy hoàn toàn khác hẳn với người tiền nhiệm. Donald Trump thất thường, khó đoán qua lời nói nhưng lại dễ hiểu về con người và đường lối để kẻ thù đối phó. Trump chỉ muốn giải quyết vấn đề theo cách hiểu và suy nghĩ nhất thời, lắm cảm xúc của một thương gia, đòi hỏi sự phục tùng của các cố vấn và nội các hơn là có sự thống nhất mang tính chiến lược. Việc liên tục sa thải, thay đổi thành phần nội các dưới thời Trump đã cho thấy điều đó.
Nếu Trump có thể hôm nay gọi Kim Jong-un là "Little rocket man" thì hôm sau đã "phải lòng", "chúng tôi yêu nhau lắm" (we fell in love). Hay nếu Trump mời mọc Tập Cận Bình sang Mar-a-Lago đánh golf rồi cho con cháu ra hát tiếng Tàu mua vui cho vợ chồng họ Tập cho đến gởi tin nhắn chúc mừng quốc khánh Trung Quốc, ve vuốt, tung hô họ Tập "chống dịch tài và minh bạch" tận khi đại dịch Covid xảy ra thì ông ta cũng có thể lấy Trung Quốc để đổ lỗi khi cần biện minh trách nhiệm.
Với Nga thì Trump từng tấn công cộng đồng tình báo quốc gia, vào đảng Dân chủ để bênh vực cho tổng thống Putin, chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích bất cứ điều gì về Putin. Đồng thời Trump cũng không ngần ngại tấn công vào bất cứ đồng minh lâu đời nào của nước Mỹ với chiêu bài "America First", đơn thân độc mã để theo đuổi một chính sách "phi chính sách", tức tùy hứng.
Nhiệm kỳ bốn năm của Donald Trump chỉ có những sự ve vuốt, ca tụng cho đến khẩu chiến bề ngoài với Trung Quốc như vậy để có được cuộc thỏa thuận mậu dịch phần một sau tổng cộng gần 20 cuộc thương lượng nhưng rốt lại cũng không được Trung Quốc thực hiện. Thế giới đã quá hiểu những thủ đoạn đánh đu của Trung Quốc ra sao.
Với nội các của Joe Biden, họ là những khuôn mẫu ngoại giao truyền thống, không có những bước đi bất ngờ hay ra ngoài nghi thức ngoại giao nhưng lão luyện, chuyên nghiệp và thẳng thắn, khó bị tung hứng. Trong các bài xã luận của mình, Trung Quốc cũng từng cho thấy có sự dè dặt với tân nội các Biden khi lo rằng Mỹ sẽ cam kết và có thể quy tụ đồng minh về một khối nhằm đối đầu với không riêng Trung Quốc. Đó là điều đang xảy ra.
Nếu như tổng thống Joe Biden có thái độ khiêm cung, điềm tĩnh với người dân Mỹ trong tư cách người đứng đầu quốc gia, thì ông cũng sẵn sàng chứng tỏ sự không khoan nhượng với những kẻ thù. Cuộc không kích vào các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn trên đất Syria là việc sử dụng vũ lực đầu tiên của nội các Biden và là một tín hiệu với Iran về thái độ của Washington. Biden không chỉ gọi đích danh Putin là "một tên sát nhân" (a killer), sẽ phải trả giá cho những can dự vào nội tình Hoa Kỳ kiểu bề ngoài mà nội các Biden có thể sớm công bố chi tiết các lệnh trừng phạt với Nga trong những tuần tới.
Với Trung Quốc thì càng rõ ràng hơn. Cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa giới ngoại giao hai quốc gia thời Joe Biden được tổ chức tại Alaska lạnh lẽo vừa kết thúc là điều mà thế giới và người dân Mỹ thấy được thái độ của Hoa Kỳ với Trung Quốc ra sao. Những lên án vỗ mặt của Ngoại trưởng Antony Blinken về các vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, nhân quyền, các cuộc tấn công mạng vào các quan chức Trung Quốc trước báo chí là điều nội các Biden muốn cho thế giới biết đến thái độ của Mỹ nơi công chúng và sau hậu trường với Trung Quốc nhất quán thế nào. Đó là sự trấn an cùng đồng minh để họ không còn mang tâm lý sẽ bị phản bội, bán đứng như dưới thời Donald Trump.
Cuộc tập trận hải quân Malabar 2020 của Bộ Tứ gồm 4 nước Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản diễn ra ngày 3/11. (Nguồn : Times of India)
Chuyến công du Châu Á cấp bộ trưởng đầu tiên của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin đến Nhật Bản, Nam Hàn rồi Ấn Độ (riêng Bộ trưởng Austin) trước cuộc hội đàm với phái đoàn Trung Quốc đã gởi ra tín hiệu là nước Mỹ đang quay lại chiến lược xoay trục về Châu Á, qua các cam kết và tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trong khu vực và ngoài biển Đông, không chỉ ở mặt ngoại giao mà cả về quân sự.
Tổng thống Joe Biden từng bảo với họ Tập khi ông còn là phó tổng thống rằng, "Đánh cược chống lại Mỹ chưa bao giờ là cú đánh cược hay" (It's never a good bet to bet against America). Nước Mỹ đã có sếp mới, Nga, Tàu hay bất cứ quốc gia nào cũng khó trải thảm đỏ để mua chuộc hay thao túng nước Mỹ như trước kia. Truyền thông Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn đang tấn công tổng thống Biden, ngoại trưởng Blinken và nước Mỹ dữ dội sau các sự việc kể trên, lên án phía Mỹ đã xem thường và khiêu khích họ, cho thấy chiến tuyến đã phân định rạch ròi, rõ ràng thế nào hiện nay.
Công luận có nhiều lý do riêng để giải thích, bào chữa và bênh vực hay chống đối về chính sách khác nhau giữa hai nội các, hai lãnh đạo nhưng bất luận nhìn nhận thế nào thì những điều kể trên là sự thật đã và đang xảy ra, chỉ điểm lại để nhìn vào chiến lược nước Mỹ đang thay đổi ra sao.
Và cũng có thể biết thêm rằng, nếu tổng thống Franklin Roosevelt từng ngồi xe lăn để lãnh đạo nước Mỹ suốt 12 năm và bảo vệ thế giới tự do, mang lại chiến thắng cho phe đồng minh trong Đệ Nhị Thế Chiến thì thể chất của tổng thống Joe Biden không phải là điều để người ta bàn luận nhiều như vậy. Mà hãy nhìn vào kinh nghiệm, sự lão luyện cộng thêm một ban cố vấn và nội các trí tuệ và tài ba của ông để thấy rằng tổng thống Joe Biden đang đưa nước Mỹ trở lại bàn cờ thế giới mạnh mẽ hơn lúc nào. Và điều này chỉ mới bắt đầu.
Nhã Duy
(20/03/2021)
Quay lại trang chủ