Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/03/2021

Tại sao Nguyễn Phú Trọng không cho Nguyễn Xuân Phúc ngóc đầu dậy ?

Nguyễn Duy

Họp Quốc hội : Vì sao Nguyễn Phú Trọng lại tước quyền Nguyễn Xuân Phúc ?

Sau khi bàn giao chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc, có thể nói quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng không mất mát gì nhiều. Tuy nhiên việc mất chức chủ tịch nước cũng làm cho ông Nguyễn Phú Trọng có thể gặp một số khó khăn về sau.

trongphuc1

Nguyễn Phú Trọng, con người rất biết tạo quyền lực cho mình

Thực ra chức tổng bí thư về quan hệ quốc tế, nó chỉ có giá trị đối với những quốc gia cộng sản. Còn các nước dân chủ, tổng bí thư đảng chỉ là người đứng đầu một đảng phái không có tư cách gì trong nhà nước cả.

Nhưng trớ trêu là chức chủ tịch nước ở Việt nam không có thực quyền. Trong tứ trụ, chủ yếu quyền lực tập trung ở 2 chiếc ghế, ghế tổng bí thư và ghế thủ tướng thôi. Tuy nhiên chức chủ tịch nước cũng có một số quyền hành nhất định. Ký thăng quân hàm cấp tướng cho quân đội và công an là một trong những nhiệm vụ mà chủ tịch nước phải thực hiện. Tận dụng lợi thế này, trong hơn 2 năm tiếp nhận ghế chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang chết, ông Nguyễn Phú Trọng đã phong hàm cấp tướng cho gần 500 tướng quân đội và công an, ký bổ nhiệm rất nhiều cấp bộ trưởng, thứ trưởng v.v…

Từ xưa đến nay, chưa có lãnh đạo cộng sản Việt Nam nào nắm siêu quyền lực như ông Nguyễn Phú Trọng, nắm tổng bí thư kim chủ tịch nước. Với người thâm trầm như ông Nguyễn Phú Trọng thì không thể nào ông không tận dụng lúc trong tay có quyền lực lớn nhất ấy để tạo ra sức mạnh cho chính ông đươc yên ổn cầm quyền trong ít nhất là 5 năm nữa.

Có 2 cách tạo quyền lực cho bản thân, thứ nhất là xây dựng đội ngũ trung thành vừa đông đảo vừa nhiều quyền lực; thứ nhì là thiết lập những đặc quyền dành cho bản thân mình bằng cách can thiệp vào luật. Hình thức tạo ra suất đặc biệt cho bản thân là cách mà ông Nguyễn Phú Trọng tạo ra đặc quyền cho mình. Luật lệ vừa là công cụ dùng để hạn chế quyền lực người này nhưng ngăn cản quyền lực của người khác.

Được biết vào năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng dùng quy định giới hạn tuổi để loại ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi Bộ Chính trị, nhưng ông lại tạo suất đặc biệt để ông được ở lại. Cũng là pháp luật nhưng rõ ràng ông Trọng đã dùng nó để tước sạnh quyền lực ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ngược lại ông Trọng lại dùng suất đặc biệt để duy trì quyền lực cho mình.

Cho tới nay, chưa có ai dùng công cụ luật pháp một cách thiên biến vạn hóa để làm lại cho minh làm hại người khác một cách thành thạo như ông Nguyễn Phú Trọng.

Tước quyền Nguyễn Xuân Phúc ?

Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận ghế chủ tịch nước vốn không mấy quyền hành, ấy vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn ra sức tước bỏ quyền hành vốn rất hạn chế của ông Nguyễn Xuân Phúc. Vì sao vậy ?

Có thể nói, tước quyền người khác là một cách tự làm mình mạnh hơn đối với họ, đấy là ý đồ mà Nguyễn Phú Trọng nhắm vào Nguyễn Xuân Phúc. Và câu hỏi đặt ra là, bằng cách nào ?

Ông Nguyễn Phú Trọng sắp trao chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc thì ông lại đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho Chủ tịch nước nhiệm kỳ tới. Nhiệm kỳ tới là nhiệm kỳ của Nguyễn Xuân Phúc nhưng Nguyễn Phú Trọng lại muốn quy định nhiệm vụ cho ông Phúc. Vì sao vậy ? Làm như vậy có khác nào ông Trọng bắt nhốt tù ông Phúc. Nghĩa là Nguyễn Phú Trọng trao chức cho Nguyễn Xuân Phúc nhưng không hề trao quyền cho ông này ?

Được biết trong buổi họp đầu tiên của Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho Chủ tịch nước nhiệm kỳ tới.

Trong Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Tổng bí thư, ông Trọng đã nêu ra những thành tựu và hạn chế của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua đồng thời đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới. Nhiệm vụ của tân chủ tịch nước có luật pháp quy định rồi tại sao ông Trọng lại xen vào chuyện của tân chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được ? Đó là vấn đề cần phải làm rõ.

Trình bày báo cáo Tóm tắt Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp ; vào năm cuối của nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lụt liên tiếp tác động nặng nề đến sự phát triển của đất nước v.v… Nói chung là trình bày đủ thứ khó khăn, để làm gì ? Để mà sau đó là ca tụng công tác chống dịch và phòng chống lụt bão, mặc dù để đối phó với lụt bão dân tự cứu nhau là chính.

Trong các cuộc họp của Đảng cộng sản thì bao giờ cũng vậy, khi đọc văn bản phát biểu thì toàn là lời hay ý đẹp tự ca tụng nhau, nhưng thực tế đằng sau nó là những thủ đoạn mà ở thế giới văn minh người ta không bao giờ dùng đến như đối thủ chính trị bỗng dưng ngã bệnh bí ẩn, hay lặng lẽ rút lui như Đinh Thế Huynh, v.v…

Trở lại chuyện ông Nguyễn Phú Trọng muốn tự mình giới hạn quyền Nguyễn Xuân Phúc thì đây quả là một quyết định đầy bất ngờ. Như vậy cuộc chiến cung đình nó không đơn giản như nhiều người tưởng.

trongphuc2

Liệu ông Nguyễn Xuân Phúc có làm cho ông Trọng bất an ?

Vì sao phải tước quyền Nguyễn Xuân Phúc ?

Mỗi một cá nhân có 2 loại quyền lực, quyền lực nổi và quyền lực ngầm. Quyền lực nổi là quyền lực mà người đó có được do chức vụ mang lại cho họ, quyền lực ngầm là sức mạnh của phe cánh hủng hộ họ. Được biết với Nguyễn Xuân Phúc, khi bị ép vào ghế chủ tịch nước thì đó chỉ là quyền lực nổi của ông ta bị giảm đi, tuy nhiên quyền lực ngầm mà ông ta đã gầy dựng trong 5 năm làm thủ tướng và nhiều năm trước đó thì không thể nào một sớm một chiều tước bỏ được. Vì vậy ông Nguyễn Phú Trọng phải ra tay giới hạn quyền lực nổi của ông Phúc qua đó hạn chế phần nào quyền lực ngầm của ông này.

Bản quy định những điều nên làm và những điều cấm cho tân chủ tịch nước của ông Nguyễn Phú Trọng được trình bày bản báo cáo tóm tắt từ bản chính thức dài 144 trang được gửi tới các đại biểu quốc hội nhấn mạnh báo cáo gồm 2 phần lớn gồm kết quả công tác nhiệm kỳ và kiến nghị phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sắp tới.

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong giới hạn quyền hạn của mình sao cho trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Không biết những quy định của ông Trọng như thế có phải là cái bẫy gài ông Phúc hay không. Bởi nếu có phát hiện trong cơ quan thuộc văn phòng chủ tịch nước không cho trong sạch, không vững mạnh, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì sao ? Thì lúc đó chắc là tổng bí thư họp bộ chính trị kỷ luật chủ tịch nước.

Được biết, ủy ban trung ương về phòng chống tham nhũng vẫn trong tay ông Nguyễn Phú Trọng. Ấy vậy mà nhiệm vụ của chủ tịch nước được ông Nguyễn Phú Trọng quy định cho Nguyễn Xuân Phúc là :

"Cần phải thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm : không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn". Vậy thì ông Nguyễn Xuân Phúc làm thế nào cho được ? Thật là khó hiểu.

Nguyễn Xuân Phúc cần cẩn thận kẻo sập bẫy

Được biết, báo cáo của ông Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ việc thực hiện và quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực Lập pháp ; Hành pháp và Tư pháp cũng như Quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong hoạt động đối ngoại và hoạt động của Phó Chủ tịch nước cũng được Tổng bí thư, Chủ tịch nước báo cáo trước đại biểu quốc hội và cử tri cả nước.

Trong báo cáo, ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra những ưu điểm, hạn chế của nhiệm kỳ Chủ tịch nước 2016-2021. Trong báo cáo có nêu ra nguyên nhân của kết quả đạt được cũng như nguyên nhân của các hạn chế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trong phần đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Trọng yêu cầu tân Chủ tịch nước làm tốt hơn nữa nhiệm vụ. Ông đề ra 5 đề xuất phương hướng, nhiệm vụ là : Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp ; Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ; Tham gia chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, triển khai các phong trào Thi đua yêu nước, gắn các phong trào Thi đua yêu nước với việc "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Nói chung những mục tiêu khá sáo rỗng. Đây là những lối viết quen thuộc trong các loại văn bản của Đảng cộng sản.

Trong một rừng chữ quy định đó, có những quy định rất quan trọng đối với mình ông Nguyễn Xuân Phúc phải đọc kỹ và lọc ra mà thực hiện. Một chủ tịch nước không có quyền hành gì nhiều mà lại bị người khác quy định quá nhiều nhiệm vụ thì rất dễ sập bẫy. Không biết ông Nguyễn Xuân Phúc có nhận ra ẩn ý này của ông Nguyễn Phú Trọng hay không mà thôi.

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Phúc nắm công cụ chống tham nhũng nhưng ông Trọng lại giao nhiệm vụ chống tham nhũng cho ông Phúc. Có lẽ cả đời làm chính trị, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ hiểu ra, chính ông phải biết sống như thế nào cho phải đạo với người đã trao ông chiếc ghế chủ tịch nước.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 28/03/2021

********************

"Nổ" lần cuối, Nguyễn Xuân Phúc sa bẫy Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Duy, Thoibao.de, 26/03/2021

Chức vụ thủ tướng của Nguyễn Xuân Phúc giờ đây chỉ được tính bằng ngày. Qua 5 năm trên cương vị thủ tướng, người ta thấy điểm nổi bật nhất của ông Nguyễn Xuân Phúc là nói khoác mà ngôn ngữ dân gian thường hay gọi là "nổ".

trongphuc3

Có người ví von khôi hài rằng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là "thánh nổ"

Được biết, vào năm 2018 có một nhà báo có ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc về những phát biểu dậy sóng của ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, và ông đã đã bỏ công sưu tập những câu nói của ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong những lần ông Thủ tướng vi hành các tỉnh thành trong cả nước.

Nhà báo ấy đã viết rằng "Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn có ‘tư duy địa lý’ vì "Ông ‘định tính’ cho nhiều vùng đất với những "thuộc tính" khác nhau. Ông có thể không là "nhà kỹ trị" với tư duy 4.0 như được kỳ vọng nhưng ông hẳn nhiên có một bộ óc địa lý hóm hỉnh và luôn nhìn tương lai với ánh mắt lạc quan vượt mọi khả năng tưởng tượng. Ông nhìn xuyên suốt từ Bắc xuống Nam, từ Thanh Hóa đến đồng bằng Cửu Long, từ Tây Nguyên xuống Khánh Hòa. Ông dường như cũng thích khái niệm "cô gái đẹp ngủ quên" và ông cũng bị nỗi ám ảnh không dứt bởi Singapore và Hong Kong. Ông đã nhắc đến điều ấy dăm ba lần. Và ông vừa thích "đầu tàu" vừa mê "thủ phủ" !"

Và sau đây là những câu nói nổi tiếng của ông thủ tướng :

1. Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới

2. Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ

3. Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước

4. Khánh Hòa là hình mẫu của một chính quyền đối thoại

5. Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài

6. Hà Tĩnh, Thanh Hóa là cực tăng trưởng mới

7. Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử sáng tạo của Châu Á và thế giới

8. Tây Nguyên là cô gái đẹp đang ngủ quên

9. Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện

10. Bình Dương phải trở thành đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước

11. Bình Phước phải là thủ phủ của nông nghiệp công nghiệp cao

12. Cao Bằng phải là một hình mẫu vượt khó vươn lên thoát nghèo

13. Ninh Bình phải được xây dựng thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế

14. Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam

15. Hà Nội phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo

16. Thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông

17. Đà Nẵng phải là thành phố độc đáo, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới

18. Đà Nẵng phải phát triển như Singapore và Hong Kong

19. Hải Phòng phải là đầu tàu quan trọng của cả nước

20. Ninh Thuận là Tây Á thu nhỏ của Việt Nam

21. Đồng bằng sông Cửu Long phải là nền nông nghiệp thông minh

22. Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước

23. Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế

24. Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước

25. Cần Thơ phải là đầu tàu phát triển của vùng

26. Phú Yên như cô gái đẹp ngủ quên"

Đấy là những câu phát biểu chỉ tính đến tháng 6 năm 2018. Chắc chắn trong thời gian từ năm 2018 đến nay ông Thủ tướng Việt Nam còn đi nhiều và sẽ còn những câu nói để đời.

"Tiếng nổ" cuối cùng ?

Ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được người dân ví như anh hề vì những câu phát biểu phi lí và buồn cười của ông. Tuy với dân là hình ảnh anh hề, nhưng trên chính trường là một cá nhân có hạng. Vì nếu ông không giỏi đấu đá, ông đã không chiếm được chiếc ghế mà ông Nguyễn Tấn Dũng để lại. Vì vậy, 5 năm ngồi trên ghế quyền sức 2 của Đảng cộng sản, ắt ông Phúc cũng đã xây dựng quanh mình một thế lực ngầm đáng kể. Ông Nguyễn Phú Trọng đã không thể nào coi thường ông Phúc được.

Được biết, ngày khai mạc cuộc họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gói vui với xã hội bằng câu phát biểu : ‘Con tàu Việt Nam đã vượt qua hải trình dồn dập bão tố’.

Vâng ! Không biết ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có giỏi văn hay không, nhưng trọng cách nói của ông luôn dùng biện pháp ví von ẩn dụ. Tuy nhiên phương pháp ẩn dụ nếu dùng không tốt, nó lại trở thành trò cười cho thiên hạ. Và Nguyễn Xuân Phúc là một trong những số đó.

Phát biểu trong cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng : "Suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố với biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu".

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã mở đầu báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ bằng lời phát biểu như thế. Cũng giống như ông Nguyễn Phú Trọng, bài phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc là bắt đầu bằng chuỗi những khó khăn rồi sau đó liệt kê những thành công. Cộng sản là vậy, họ luôn ca tụng, ca tụng và ca tụng chứ khó có trường hợp nào mà họ thừa nhận sai lầm cả.

Có thể nói trong năm 2020, Việt Nam chống dịch khá tốt, mặc dù các nước nghèo quanh ta chống dịch tốt cũng không kém, nhưng có tốt là ca tụng. Covid-19 là bửu bối mà hầu hết quan chức nào cũng dùng nó để khoe thành tích. Không khoe sao được khi mà dân nhìn đâu cũng thấy quan chức tiêu cực. Có được chút thành tích tốt như thé thì ai cũng giành về phần mình.

Theo ông Thủ tướng, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến đã tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt… Ngoài ra còn thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016, dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực ; thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

trongphuc4 (2)

Đây là "tiếng nổ" cuối cùng của ông thủ tướng Phúc chăng ?

Tranh thủ nổ để sau đó rời ghế thì hết cơ hội ?

Trong phát biểu, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng : Chính phủ đã tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động. Lãnh đạo Chính phủ thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.

Vâng ! Đó là trách nhiệm của chính phủ. Thủ tướng và các thuộc cấp đang được nhận lương từ tiền thuế của dân để làm chuyện đó thì không biết ông Nguyễn Xuân Phúc có ý thức về trách nhiệm của ông với nhân dân hay không ? Nếu ông ý thức được điều đó thì ông đã không kể công.

Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng : Chính phủ của ông đã đột phá quan trọng, mở đường là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không biết ông Nguyễn Xuân Phúc có nhận ra rằng, cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa gắn phía sau kinh tế thị trường nó là những thứ đã làm trì trệ sự phát triển của nền kinh tế thị trường hay không ? Đã là có định hướng xã hội chủ nghĩa là không có cải tiến nào trong thể chế kinh tế cả. Ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn nổ theo thói quen.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất. Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết chính phủ của ông đã tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, tháo gỡ các ách tắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật. Không biết điều này có thật hay không, chỉ biết thực tế cho thấy, vấn đề thủ tục rờm rà là vấn đề chưa bao giờ được giải quyết tốt ở chế độ cộng sản.

Nền kinh tế Việt Nam là chuyện dài nhiều tập. Theo đánh giá thì Việt Nam có tăng trưởng khá cao nhưng đó là tăng trưởng bẩn. Sự tăng trưởng ấy nó đi kèm với việc tàm phá môi trường. Và đặc biệt đất nước Việt Nam có tăng trưởng cao nhưng phát triển lại chậm, bởi nếu trừ đi cho phí bảo vệ môi trường do tăng trưởng bẩn gây ra đôi kho con số còn bị âm.

Đó là thực tế, tuy nhiên với quan chức cộng sản thì ai cũng thế. Họ tô vẽ đủ thứ tốt đẹp, dù đó là những tốt đẹp do huyễn hoặc thì họ cũng sẽ làm. Và ông Nguyễn Xuân Phúc không phải là ngoại lệ.

Sắp tới ngày vào rọ của Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Xuân Phúc là một người làm chính trị đáng nể, nhưng so với Nguyễn Phú Trọng thì ông Phúc còn thua xa lắm. Ông Nguyễn Phú Trọng lấy ghế chủ tịch nước là bởi chính ông tự giật lấy, còn Nguyễn Xuân Phúc lấy ghế chủ tịch nước được ông Trọng nhường cho. Như thế đã cho thấy, tầm của 2 con người này đã khác nhau nhiều.

Điều đáng nói là trước khi giao ghế, ông Nguyễn Phú Trọng đã thiết kế một cái rọ trùm vào người ông Nguyễn Xuân Phúc để hạn chế quyền hành ông tân chủ tịch nước này. Đó là ông Nguyễn Phú Trọng đã thông qua Quốc hội thiết lập quyền hành và nhiệm vụ cho tân chủ tịch nước. Đây không phải là sự chu đáo của ông Nguyễn Phú Trọng dành cho Nguyễn Xuân Phúc mà đây chỉ là cái khung dùng để nhốt quyền lực chủ tịch nước của ông Phúc vào đó mà thôi. Lịch sử Đảng cộng sản chưa có chủ tịch nước tiền nhiệm nào làm điều đó với người kế nhiệm cả. Như vậy thì té ra, tuy trao cho ông Phúc cái ghế, nhưng ông Trọng đã trao cái ghế rỗng khi mà ông hạn chế gần hết quyền lực của ông Phúc.

Từ đây cho đến ngày 5/4 còn 11 ngày nữa. Đó sẽ là ngày mà dù muốn dù không, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng phải chui vào rõ mà ông Trọng đã tạo ra, không thể thoát được.

5 năm qua, ông Nguyễn Xuân Phúc không gây tai tiếng gì như người tiền nhiệm của ông – Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên thành tích nổi bật thì cũng không có gì cả. Ấn tượng lớn nhất của ông Phúc chỉ là những lời nói khoác gây bão xã hội mà thôi. Cả năm năm ông Phúc đã không làm gì được thì chỉ có 12 ngày còn lại, có lẽ ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ biết nổ xong rồi chui vào rọ của ông Nguyễn Phú Trọng là xong. Mọi việc đã an bài và cứ thế ngồi chơi xơi nước 5 năm rồi về vườn thôi.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 26/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Duy
Read 915 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)