Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2021

Hợp nhất cơ quan Nhà nước và cơ quan Đảng chưa thành công

Phạm Lê Đoan

Hợp nhất cơ quan Thanh tra Nhà nước và cơ quan Kiểm tra Đảng : vì sao… chưa thành công ?

Chưa thành công vì vấn đề hợp nhất chỉ dừng lại ở chủ trương chung mà chưa được hướng dẫn và thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật.

uyban1

Trụ sở Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh - Ảnh minh họa

Năm 2017, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", đã đặt ra mục tiêu tổng quát là "Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng".

Ngày 07/8/2018, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 34-KL/TW về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó đã đưa ra những định hướng cơ bản trong việc hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra đảng.

Liệu có phải là đồng nhất khái niệm giữa "hợp nhất" với "sáp nhập" và "nhất thể hóa" chức danh người đứng đầu hai cơ quan, và đều mang nghĩa là "gộp cơ học" hai cơ quan thuộc hai hệ thống khác nhau vào thành một ?

Thắc mắc trên, đáng tiếc là không nhận được câu trả lời nào thỏa đáng về mặt quy phạm pháp luật.

Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo Đảng, thì nội dung hướng dẫn thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng trong Nghị quyết số 18 và Kết luận số 34 chỉ giới hạn ở một số vấn đề khá chung chung, mang tính định hướng, nguyên tắc chỉ đạo chung về tổ chức bộ máy, những vấn đề cụ thể, chi tiết liên quan đến chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp hay thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thanh tra, kiểm tra chưa được đề cập đến.

Thực tế cho thấy, việc thí điểm hợp nhất được thực hiện hoàn toàn trên cơ sở Nghị quyết số 18 và sau này là Kết luận số 34 và chỉ đạo của tỉnh ủy căn cứ vào thực tế của địa phương. Việc thiếu vắng căn cứ pháp lý và hướng dẫn cụ thể từ cơ quan trung ương đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, và cũng phần nào làm giảm hiệu quả của việc thí điểm hợp nhất trên thực tế.

Trước hết, về địa vị pháp lý của cơ quan sau hợp nhất trong hệ thống chính trị là như thế nào ?

Cơ quan sau hợp nhất thuộc một ban của Đảng – nghĩa là, sau hợp nhất, không còn một thực thể là "cơ quan thanh tra" trong bộ máy nhà nước, chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vẫn được đội ngũ cán bộ thanh tra viên trước đây, nay thuộc cơ quan Ủy ban kiểm tra – thanh tra thực hiện, nhưng trên danh nghĩa là cơ quan của Đảng.

Bên Đảng, cơ quan Ủy ban kiểm tra vẫn tồn tại nhưng giờ có phạm vi, quy mô tổ chức bộ máy lớn hơn, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn sẽ rộng hơn do gộp thêm cả phần của cơ quan thanh tra trước đây ?

Bên cạnh thực tế sau khi hợp nhất, việc một ban của Đảng thực hiện chức năng quản lý nhà nước vốn thuộc chức năng của hành pháp, trong khi bộ máy nhà nước sẽ bị thu hẹp lại do khuyết một chức năng, thì một câu hỏi lớn cho vấn đề này là chức năng kiểm soát tài sản thu nhập được quy định cho cơ quan thanh tra sẽ do chủ thể nào thực hiện ở những địa phương đã hợp nhất ?

Nếu do bộ phận thực hiện chức năng thanh tra trong cơ quan Ủy ban kiểm tra – thanh tra thực hiện, thì vẫn do Đảng thực hiện.

Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn về kiểm soát quyền lực nhà nước và tính hệ thống trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, khi cùng với việc hợp nhất các cơ quan khác nữa theo tinh thần Nghị quyết số 18, thì tổ chức bộ máy trong hệ thống Đảng sẽ mở rộng ra rất nhiều, trong khi hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước sẽ thu hẹp lại.

Một vấn đề nữa đặt ra là, theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, khi quyết định hoặc kết luận thanh tra bị khiếu kiện đến tòa án, người đại diện theo pháp luật của cơ quan ban hành quyết định đó phải tham dự phiên tòa, lúc này người đại diện cơ quan Ủy ban kiểm tra – thanh tra là ‘đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm cơ quan Ủy ban kiểm tra – thanh tra. Vậy chủ thể này có phải tham dự phiên tòa khiếu kiện hành chính hay không ?

Có lẽ trên hết, để củng cố về mặt quy phạm pháp luật, cần thiết xây dựng luật về Đảng cầm quyền ; qua đó tránh được điều tiếng thị phi về một độc đảng toàn trị.

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 03/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Lê Đoan
Read 312 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)