Cám ơn ông Trí giúp… trưng cầu dân ý
Trân Văn, VOA, 02/04/2021
Tuần này, ông Nguyễn Anh Trí – Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động và là người duy nhất tại Hà Nội tự ứng cử mà trúng cử Đại biểu quốc hội khóa này – trở thành nhân vật bị cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức mỉa mai, chỉ trích vì… nịnh !
Ở ngoài, có lúc anh thể hiện sự gần gũi với "các tầng lớp nhân dân", "bệnh nhân nghèo"… nhưng trên nghị trường, anh khoác lên người toàn hàng hiệu, thắt lưng Hermes anh mang lúc nịnh nọt ở nghị trường, giá 3.930 USD (gần 100 triệu đồng) là một sự xa xỉ, lạ lẫm với đại đa số cử tri nghèo chúng tôi – FB Le Ngoc Son
Ông Trí bảo rằng ông cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nhà nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc…
Ở cuộc họp được tổ chức vào ngày 29 tháng 3 để Quốc hội góp ý choBáo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch Nhà nước và chính phủ, ông Trí bảo rằng ôngcảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nhà nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc…
Ông Trí cũng là người nhận định rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, chính phủ có một Bộ Nông nghiệp "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Một Bộ Y tế kiên cường chống dịch. Một Bộ Lao động – Thương binh – xã hội luôn quan tâm đến đời sống an sinh của nhân dân. Một Bộ Công an kiên quyết, khôn khéo bảo vệ sự bình an cho đất nước. Một Bộ Quốc phòng đã làm hết sức mình để đất nước hòa bình. Rồi… Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đã mở ra được những đại lý khai thông cho Việt Nam hội nhập hiệu quả. Bộ Tài nguyên – Môi trường trăn trở, lăn lộn với môi trường, với rừng núi. Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch với sự tiến bộ vượt bậc về thể thao, về bóng đá, sự thăng hạng liên tục của du lịch (1)…
***
Không may cho ông Trí là suy nghĩ của đại đa số dân chúng Việt Nam rất khác với phát biểu của ông nên rất nhiều người nói ông là nịnh. Cũng đã có rất nhiều người như Lê Anh Hoài không nói mà làm thơ… Cỏ non xanh rợn chân trời. Người hiên ngang nịnh một người hiên ngang (2).
Không ít facebooker cho rằng phải xử lý ông Trí để ngăn chặn việc mượn nghị trường nịnh nguyên thủ. Thậm chí có facebooker như Vinh Râu thì muốn được thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện tại chém ninh thần :Người xưa đã xem bọn nịnh là giặc. Biết giặc nịnh trong triều đình có thể hủy hoại cơ đồ quốc gia nên nhiều bậc thức giả muốn loại bỏ nó khỏi đời sống quan trường. Vì thế Chu Văn An mới dâng Thất trảm sớ đòi vua Trần chém đầu bảy tên nịnh thần cộm cán. Vì thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đòi vua Mạc chém đầu 18 nịnh thần có số má. Khi các vua không chịu chém, các ông cởi áo từ quan về nhà ẩn dật, quyết không thở chung bầu không khí với đám nịnh thần. Thời cộng sản dưới triều Tể tướng Phúc, cũng nhận thấy nguy cơ của giặc nịnh, luật chống nịnh được xem xét từ mấy năm rồi nhưng chưa thấy ban hành. Vì thế giặc nịnh nở rộ khắp nơi, trên quan trường, trong nghị trường, không thể dẹp được. Cả nước đang chờ xem, liệu có trảm sớ nào được dâng tấu để chém nịnh thần hay không (3) ?
Cũng đã có những facebooker như Mai Pham, sau sự kiện vừa kể mới tìm hiểu về ông Trí :Vô facebook của ông nghị này thấy ông không chỉ làm nhạc đưa lên Youtube về "Có một mái đầu tóc bạc" mà ông còn múa nữa. Bài múa ông tham gia có tên "Giọt hồng đất lửa" ! Mới đầu tuần mà em cười quá không tập trung làm việc được. Hận(4) !
Đáng lưu ý là trong vài ngày gần đây, nhạc phẩm "Có một mái đầu tóc bạc" do ông Trí viết và được Học viện An ninh dàn dựng rồi đưa lên YouTube đột nhiên có hàng ngàn người tìm xem. Dẫu có đến vài trăm bình luận nhưng không có ai tán thưởng. Có những người như Đạt Trần than :Tôn tộc đại quy. Tôn lộc đại nguy. Tôn tài đại thịnh. Tôn nịnh đại suy – Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợp. Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh. Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong(5).
Nhạc phẩm "Có một mái đầu tóc bạc" do ông Trí viết và được Học viện An ninh dàn dựng rồi đưa lên YouTube
Chẳng riêng Mai Phạm phát giác ông Trí dùng thắt lưngtrị giá gần 4000 USD ! Le Ngoc Son cũng phát giác chi tiết đó. Son kể rằng, nghe phát biểu của ông Trí ở nghị trường và xem nhạc phẩm của ông Trí, Son thấy… gai gai người vì việc khó thế mà anh cũng làm được ! Son cho rằng :Chuẩn bị tái ứng cử như thế vất vả quá.Bởi dân chúng phải chi tiền cho Quốc hội họp (mỗi ngày khoảng một tỉ), Soncảm thấy phí khi dân phải trả tiền cho các anh nịnh sỹ - một dàn nịnh ca lên đồng tập thể.
Lấy tư cách là một cử tri Hà Nội – nơi ông Trí là đại diện tại Quốc hội, Son nhắn hỏi ông Trí : Nhiệm kỳ vừa qua anh đã làm được gì cho chúng tôi hay chỉ biết phát biểu nịnh nọt… ? Ở ngoài, có lúc anh thể hiện sự gần gũi với "các tầng lớp nhân dân", "bệnh nhân nghèo"… nhưng trên nghị trường, anh khoác lên người toàn hàng hiệu, thắt lưng Hermes anh mang lúc nịnh nọt ở nghị trường, giá 3930 USD (gần 100 triệu đồng) là một sự xa xỉ, lạ lẫm với đại đa số cử tri nghèo chúng tôi.
Cũng với tư cách một cử tri Hà Nội, Son muốn ông Trí giải trình về việc có xung đột lợi ích hay không khi ông vừa là đại biểu quốc hội, vừa là người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn MED GROUP (MEDLATEC), nơi vợ ông là Chủ tịch HĐQT, con trai là Tổng Giám đốc ? Son nhấn mạnh :Sau khi khen một loạt lãnh tụ, bộ, ngành, anh còn bảo muốn gặp riêng lãnh đạo Bộ Y tế để bàn về… việc chống dịch. Là cử tri, với những gì anh thể hiện ở nghị trường, tôi có quyền nghi ngờ về sự trong sáng của anh !
Son nhắn ông Trí :Trí thức nên giữ cốt cách để xã hội noi gương. Uy vũ bất năng khuất – gặp quyền thế không sợ hãi, không luồn cúi. Là một người nghiên cứu khoa học, Son tin rằng : Khi một người có vấn đề về phẩm cách của trí thức thì phẩm chất của các công trình gọi là khoa học cũng nên được xem xét lại bởi những người có chuyên môn và với tư cách một cử tri Hà Nội, Son khẳng định :Tôi nhất quyết không bầu nếu anh tiếp tục ứng cử. Nhất quyết không, anh Trí ạ(6) !
Chẳng riêng những thường dân sử dụng mạng xã hội, những phát biểu của ông Trí cũng làm hệ thống truyền thông chính thức… ngứa ngáy. Một ngày sau khi ông Trí bày tỏ chuyện ông cảm động vô cùng với… mái đầu bạc trắng hiên ngang của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, tờ Tuổi Trẻ đăng phiếm luận "Hòa Thân chẳng là đinh gì". Theo đó, Hòa Thân – huyền thoại về nịnh trong lịch sử Trung Hoa – tự sự với hậu thế ở Việt Nam, đại loại : …Ta chạy mất dép khi nghe trong buổi họp phê và tự phê, một nhân viên phê sếp : "Ưu điểm của anh thì ai cũng biết, anh chỉ có khuyết điểm là làm việc quên cả bản thân mình". Đến vô toilet mà nịnh kiểu này thì ta cũng xấu hổ : "Anh bận trăm công ngàn việc mà có thời gian vào đây à ?". Thời ta có nịnh, nhưng chưa trăm hoa đua nở, chưa thành công nghệ nịnh, chưa có luận văn tiến sĩ về nịnh, chưa đến mức thiên hạ chửi nịnh nặng nề như hiện nay : Nịnh thối, không ngửi được ! Đấy, vậy mà ngàn năm bia miệng cứ nghĩ đệ nhất thiên hạ nịnh là Hòa Thân. Hậu thế có ai hiểu lòng ta (7) ?
***
Cho dù đại đa số công chúng cho rằng ông Trí… nịnh, thậm chí nịnh thối, song biết đâu ông Trí thật sự đã nghĩ, đã tin một cách chân thành như ông đã phát biểu ? Tuy nhiên, bất kể ông Trí trung thực hay không, phản ứng dữ dội đối với phát biểu của ông, cũng như vô số bình phẩm, mỉa mai về tóc bạc, tới mức, có facebooker như Le Duc Duc hỏi mọi người :Trend "tóc bạc hiên ngang" dự kiến đến khoảng ngày mô thì hết hot đây bà con (8) ? – chính là một kiểu bày tỏ nhân tâm, dân ý mà không cần tổ chức trưng cầu !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/04/2021
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/1331751083/posts/10220465373607667/
(3) https://www.facebook.com/100048097861219/posts/263256421954285/
(4) https://www.facebook.com/726626936/posts/10157881931326937/
(6)https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=10222919410831112&id=1153176797
(7) https://tuoitre.vn/hoa-than-chang-la-dinh-gi-2021033009483948.htm
(8) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10217714128222083
****************
Tạo phong trào tâng bốc, Nguyễn Phú Trọng muốn cạnh tranh với lãnh tụ Hồ Chí Minh ?
Nguyễn Duy, Thoibao.de, 01/04/2021
Giản dị, thanh cao, khiêm tốn, thương dân v.v… đấy là hình ảnh mà ông Hồ Chí Minh đã xây dựng để thành lãnh tụ. Tuy nhiên, nếu tinh ý thì sẽ thấy, những đức tính đó chỉ tô điểm cho cá nhân ông Hồ Chí Minh chứ nhân dân không được gì cả. Thời ông Hồ Chính Minh, vì câu nói "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập… ". Và cũng bởi câu nói này mà hàng triệu người dân Việt Nam sinh Bắc tử Nam rồi cuối cùng, Đảng cộng sản Việt Nam đã biến Miền Nam tự do hơn, giàu có hơn thành nghèo đói và mất tự do như miền Bắc. Đấy là cái mất mát vô cùng lớn cho dân tộc, cho đất nước. Nếu so sánh Việt Nam với Hàn Quốc thì chắc chắn người dân Việt Nam sẽ thấy cái mất mát vô cùng to lớn của dân tộc.
Nguyễn Phú Trọng muốn học cách làm lãnh tụ của Hồ Chính Minh
Câu nói "Việt Nam sẽ sánh vai cùng cường quốc năm châu" của ông Hồ Chí Minh cho tới nay đã cho kết quả ngược lại. Người Việt nổi tiếng là trộm cắp, xã hội bất an với trộm cướp đầy đường, đạo đức xã hội xuống cấp, giáo dục thối nát. Người dân Việt Nam, mà đặc biệt là phụ nữ khi cầm tấm hộ chiếu "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" trên tay thì bị hải quan sân bay các quốc gia khác phân biệt đối xử một cách nhục nhã. Đấy là những gì mà "thời đại Hồ Chí Minh" mang lại. Đó là thực tế được thừa nhận với hầu hết người dân Việt Nam nào có thời gian ra nước ngoài để nhìn lại những gì đất nước đạt được.
Những đức tính như "giản dị, thanh cao, khiêm tốn" của lãnh tụ thì dân không thể ăn được. Dù Hồ Chí Minh có giản dị thì Đảng cộng sản cũng xây tượng đài ngàn tỷ nhưng bỏ đói dân. Dù cho Hồ Chí Minh có thanh cao thì Đảng cộng sản cũng xây cổng chào trăm tỷ nhưng bỏ đói dân. Dù cho ông Hồ Chí Minh có khiêm tốn thì Đảng cộng sản cũng xây lăng tẩm đồ sộ nhưng bỏ đói dân. Nói tóm lại, những đức tính để tôn vinh cá nhân lãnh tụ dân không ăn được, dân không hưởng được. Cái dân cần là an tự do cho dân, dân chủ cho đất nước, an sinh cho đồng bào, giáo dục hướng thiện cho công dân v.vv… để mà xây dựng xã hội tốt đẹp chứ không cần những đức tính kia của lãnh tụ.
Tại các nước dân chủ, họ chẳng ca tụng lãnh tụ bao giờ. Điều mà xã hội cần làm là phải biết chỉ trích lãnh đạo, phải biết chỉ trích đảng cầm quyền để họ làm cho xã hội tốt hơn. Không có lãnh tụ nào cả, ai không mang lại cho dân kết quả tốt đẹp thì bước xuống khỏi ghế để người khác làm, không nói nhiều. Việt Nam cần một xã hội như vây.
Tham vọng thành một Hồ Chí Minh thứ hai ?
Ngoài xây dựng hình ảnh bằng những đức tính trên, tụ Hồ Chí Minh của Đảng cộng sản còn thực hiện tham vọng cầm quyền suốt đời và ông đã thỏa tham vọng ấy đến ngày cuối cùng trong cuộc đời. Ngày nay Nguyễn Phú Trọng cũng đang làm như vậy, cũng đang chà đạp lên điều lệ đảng để tiếp tục cầm quyền. Ông đã đạt được ước muốn tiếp tục cầm quyền, nhưng có cầm quyền suốt đời hay không thì chưa biết. Để có thể cầm quyền suốt đời thì ông Nguyễn Phú Trọng hoặc chết ngay trong nhiệm kỳ 3 này, hoặc ông phải thiết kế suất đặc biệt thành công cho mình trong các kỳ đại hội đảng tiếp theo sau 5 năm một lần.
Trong các đời tổng bí thư, chưa có ai làm như Nguyễn Phú Trọng. Ông ta cho người ca tụng mình rồi nhờ bộ máy tuyên truyền khổng lồ của đảng hay mạng xã hội truyền đi. Và từ đó xây dựng nên hình ảnh lãnh tụ.
Thời Hồ Chí Minh cầm quyền, dân trí người Việt rất thấp, tỷ lệ mù chữ cao. Còn trí thức xã hội chủ nghĩa của cả bộ máy chính quyền Hà Nội lúc đó thì họ không có gì ngoài lòng căm thù. Họ căm thù chính đồng bào mình ở phía nam, họ còn không biết phân biệt đâu là quân cướp nước cơ mà ? Vậy nên thời đó bộ máy tuyên truyền xây dựng hình tượng lãnh tụ một cách dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay là thời đại thông tin toàn cầu, dù Đảng cộng sản đã dùng đủ mọi cách để hạn chế người dân tiếp cận thông tin, nhưng họ cũng không thể bịt hết được. Vì vậy, tham vọng của ông Trọng có thể nói là rất khó thực hiện.
Bộ máy tuyên truyền dối trá rất sợ sự thật. Với hệ thống báo chí độc quyền trong tay, với hơn 800 tờ báo lớn nhỏ dưới quyền điều khiển của ban tuyên giáo thì chính quyền Cộng Sản Hà Nội cũng không thể nào phản biện lại những giá trị của sự thật được truyền trên mạng xã hội. Hệ thống báo chí cộng sản không đủ khả năng đối phó với mạng xã hội vì họ thiếu sự thật. Vì vậy để hỗ trợ, nhà nước cộng sản đã nuôi đội ngũ dư luận viên, lực lượng 47 và cả công an góp sức bịt miệng những cây bút vì sự thật.
Với hoàn cảnh như vậy thì ông Nguyễn Phú Trọng khó mà xây dựng nên hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Phú Trọng được. Tuy nhiên, ông Trọng dường như vẫn muốn làm.
Bài ca tâng bốc lại được cho xướng lên trước nghị trường
Tiếng ca tụng đã vang lên từ 3 năm trước, nhưng rất lạc lõng
Từ 3 năm trước, mạng xã hội dậy sóng vì một bài viết của nhà báo dẫn chương trình "Ai là triệu phú". Nói chung nhà báo này là người của công chúng, lời nói của anh ta có thể nói ảnh hưởng đáng kể đến xã hội.
Trong một bài viết, nhà báo đó có viết đoạn tâng bốc ông Nguyễn Phú Trọng như sau "Điều thứ hai ở Ngài Trọng mà tôi – trong tư cách của một người quan sát cảm nhận rõ chính một phong cách sĩ phu, một nội lực phương Đông truyền thống. Ngài Trọng quê ở Đông Anh, Hà Nội, và từ cuộc sống đời thực của Ngài, của vợ con Ngài đến cuộc sống quan trường với những đường đi nước bước cực kỳ bài bản, quyết liệt mà Ngài tung ra trong cuộc quyết chiến với tham ô tham nhũng đều toát lên rất rõ cái phẩm chất sĩ phu ấy. Những sĩ phu Bắc Hà tưởng như đã tuyệt chủng trong dòng chảy thực dụng và băng hoại hôm nay, hóa ra vẫn hiện hữu – lẫm liệt và tuyệt đẹp, bình dị, điềm đạm mà uy nghiêm, tôn quý ở Ngài".
Nếu nói lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tạo ra những cụm từ đặt trưng để đại diện cho cá nhân ông như : Người, dản dị, khiêm tốn, vì nước quên lập gia đình, lúc nào cũng lo cho dân v.v… thì any ông Nguyễn Phú Trọng dường như cũng muốn người ta nhắc đến ông là có ngay những từ đặc trưng như : Sĩ Phu Bắc Hà ; ngài, lẫm liệt ; bình dị ; thanh cao ; trong sạch v.v…
Phải nói, nhưng cụm từ mà Đảng cộng sản đã xây dựng hình ảnh lãnh tụ cho ông Hồ Chí Minh hầu như không có bất kỳ sự phản ứng phụ nào của xã hội. Bộ máy tuyên truyền lúc đó đưa ra là cả xã hội chấp nhận và cứ thế những ngôn từ tâng bốc đó được đưa lên loa phường, đưa lên báo chí, đưa lên truyền hình và thậm chí đưa vào giáo dục. Kết quả là rất nhiều thế hệ đã sùng bái ông Hồ Chí Minh và cho đến hôm nay, rất nhiều người vẫn còn sùng bái bất chấp thông tin đa chiều đã hiện diện trên mạng xã hội rất nhiều. Tuy nhiên ngày nay, ông Nguyễn Phú Trọng xây dựng hình ảnh của mình theo cách này đã cho phản ứng phụ khá mạnh. Trên mạng xã hội khi đó đã xuất hiện rất nhiều bài viết chỉ trích có, mỉa mai có, còn khen thì rất ít. Đấy có thể là một liều thuốc thử mà ông Nguyễn Phú Trọng phải hiểu rằng, ông xây dựng một hình ảnh Hồ Chí Minh thứ hai sẽ thất bại chứ không thể thành công.
Ước mơ làm lãnh tụ vẫn khôn nguôi ?
Sáng 29/3, tại nghị trương Quốc hội ông Nguyễn Anh Trí một đại biểu quốc hội không đóng góp y kiến gì giá trị. Ông ta đứng nói rằng "ông cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước có "mái đầu bạc trắng hiên ngang", với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bạc tóc lo cho dân giàu nước mạnh, được sống trong hòa bình, chiến thắng được bệnh tật, an toàn vượt qua bão lũ".
"Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước có "mái đầu bạc trắng hiên ngang", với "gánh sơn hà nặng trĩu hai vai", là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc. Nhân dân đã vô cùng cảm kích khi nghe báo cáo và biết được những công việc đối nội và đối ngoại mà Chủ tịch nước đã làm được trong thời gian qua".
Vâng ! Lần này tâng bốc ông Nguyễn Phú Trọng không phải là một nhà báo có tiếng như lần trước, mà lần này trước nghị trường. Quốc hội này họp mỗi năm 2 lần và đây là lần thứ 11 của khóa XIV, vậy mà không thấy ông này ca tụng. Đợi đến khi ông Nguyễn Phú Trọng vừa được ngồi lại chiếc ghế nhiệm kỳ 3 để nuôi ước mơ cầm quyền suốt đời thì có người xuất hiện đúng lúc tâng bốc công lao ông Trọng như muốn xây dựng hình ảnh lãnh tụ vĩ đại vậy.
Những thành tích đáng xấu hổ của ông Trọng thì không thấy ai nhắc. Tư cách là người đứng đầu đảng, đứng đầu nhà nước mà để bộ công an sang tận Berlin hành nghề bắt cóc, xem luật pháo quốc tế như không, xem luật pháp nước Đức như không.
Cũng thời ông Nguyễn Phú Trọng mà công an nửa đêm tấn công vào nhà dân hành quyết và tắt người sau đó là truy tố. Cũng thời ông Nguyễn Phú Trọng mà một thẩm phán xử án chấp nhận chứng cứ ngụy tạo ép chế người mà sau đó vẫn được thăng chức vào bộ chính trị.
Luật pháp và tư pháp là 2 thứ tạo nên một nhà nước pháp quyền nhưng nó đã bị chà đạp không thương tiếc dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng.
Những đưc tính của lãnh tự Nguyễn Phú Trọng như ca tụng dân ấy dân không cần. Dân cần có một nhà nước pháp quyền biết tôn trọng luật pháp thực sự, người dân sống bình yên thực sự. Dưới thời ông Trọng, luật pháp và tư pháp càng xuống cấp nghiêm trọng. Những trò tâng bốc không còn giá trị nữa, nó ngày càng trở nên lố bịch mà thôi. Đất nước này cần một chính quyền biết thượng tôn pháp luật, nếu giỏi thì ông Nguyễn Phú Trọng hãy làm đi ? Ông Trọng có làm được không ?
Nguyễn Duy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 01/04/2021
********************
Khen vậy khác gì ‘đá đểu’…
Loan Thảo, VNTB, 30/03/2021
Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước có "mái đầu bạc trắng hiên ngang"…
"Chính phủ đã làm việc rất ‘đều tay’ trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Cả Chính phủ nỗ lực, trăn trở vì nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã bạc tóc lo cho dân giàu, nước mạnh được sống trong hòa bình, chiến thắng được bệnh tật, an toàn vượt qua bão lũ.
Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước có "mái đầu bạc trắng hiên ngang", với "gánh sơn hà nặng trĩu hai vai", là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc. Nhân dân đã vô cùng cảm kích khi nghe báo cáo và biết được những công việc đối nội và đối ngoại mà Chủ tịch nước đã làm được trong thời gian qua", đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, đã nhận xét với những lời hoa mỹ như vậy về ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Anh Trí được xem là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong công nghệ truyền máu và ghép tế bào gốc với chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam. Công trình khoa học của ông Nguyễn Anh Trí và các cộng sự là một trong 9 công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng 1 năm 2017, và Giải Nhất Nhân tài đất Việt 2016.
Như vậy, khi sử dụng cụm từ giàu biểu cảm Tổng bí thư, Chủ tịch nước có "mái đầu bạc trắng hiên ngang", với "gánh sơn hà nặng trĩu hai vai", rất có thể ở đây không hẳn là chuyện dễ đưa đến liên tưởng của nịnh nọt tâng bốc nhau chốn nghị trường, mà có thể là ẩn ý của một thầy thuốc về chuyện gánh nặng tuổi tác khiến người già sẽ dần kém đi trong tư duy sáng tạo.
Lý thuyết y khoa nói rằng, một vài thay đổi sinh lý của tuổi già bao gồm giảm trọng lượng của não, thay đổi tỷ trọng của chất xám với chất trắng, tổng lượng neuron cũng giảm mạnh và số lượng mảng lão hóa cũng tăng lên.
Những người già cũng thường có giảm tưới máu não. Ảnh hưởng của những thay đổi giải phẫu này lên hành vi của con người rất đa dạng. Một số người cao tuổi bị cho là "lẩm cẩm" và "chậm chạp".
Suy giảm trí nhớ cũng phổ biến ở người cao tuổi, nhưng lại bị nhầm lẫn thành sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, sa sút trí tuệ là một bệnh lý của hệ nhận thức.
Lý thuyết của tiết học về "Lão khoa" trên giảng đường đại học của trường Y, nói rằng người già nên được khuyến khích để tham gia và các hoạt động nhận thức như làm việc, chơi trò chơi hoặc học một khóa ngắn hạn. Duy trì trí tuệ minh mẫn được cho là một tiêu chí đánh giá sự thành công của tuổi già.
Như vậy, nếu theo cách của cựu Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương – Nguyễn Anh Trí, thì ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay là một người già duy trì được trí tuệ minh mẫn.
Thế nhưng nếu xét theo các quy định tương ứng quanh chuyện tuổi tác liên quan đến các chức vụ trong bộ máy cầm quyền của Đảng, thì ông Nguyễn Phú Trọng phải được cái quyền nghỉ ngơi vì sinh – lão – bệnh – tử là lẽ thuận tự nhiên, tránh việc duy ý chí để tiếp tục bóc lột sức lao động của một người già như ông Nguyễn Phú Trọng.
Cũng luận bàn về vấn đề "Lão khoa", một nhà báo chuyên trách mảng y tế cho rằng ở đây có thể là lời khen ngụ ý ‘đá đểu’, bởi khi con người ta già đi, mỗi hệ cơ quan trong cơ thể đều trải qua những thay đổi nhất định.
"Việc chính sự luôn không dễ dàng, nhất là hàng xóm của Việt Nam là gã Trung Quốc tham lam, xấu tính và côn đồ với giấc mộng bành trướng bá quyền. Tất cả những điều ấy tất yếu đưa đến cho người già các nguy cơ của yếu tố stress. Những biến đổi từ stress này thường dẫn đến nguy cơ tiến triển các bệnh lý ở người già.
Một điều rất quan trọng là phải phân biệt được những thay đổi sinh lý, với các biến đổi bệnh lý để tránh điều trị nhầm sang các thay đổi sinh lý, và bỏ sót các biến đổi bệnh lý dẫn tới hậu quả bệnh tật trầm trọng…" – vị nhà báo chuyên trách y tế, nhận xét.
Và nếu được phép ‘nịnh sếp’ – cũng vị nhà báo nói trên, cho rằng có thể viện dẫn chuyện khoa học để ủng hộ cho ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục sự nghiệp là một chính khách đứng đầu Đảng, đó là "Khoa học đã chứng minh rằng bộ não của chúng ta già đi và trí nhớ trở nên lú lẫn không hẳn vì chúng ta tuổi cao sức yếu, mà là vì ta quyết định… về hưu và cho bộ não nghỉ ngơi.
Đừng quên các nơ-ron một khi sinh ra là sẽ sống với ta cả đời. Ta không dùng thì nó sẽ chết. Và khi nó chết, không như các bộ phận khác của cơ thể, nó sẽ ra đi mãi mãi không để lại người nối dõi…".
Cái lưỡi vốn không xương, là vậy !
Loan Thảo
Nguồn : VNTB, 30/03/2021
**********************
Cả Quốc hội và Chính phủ đều phải chăng đã tự sướng ?
Nguyễn Huỳnh, VNTB, 31/03/2021
Trong khi chúng ta đều khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ đẹp như hôm nay, thì thực tế cho thấy hoàn toàn không hẳn vậy !
Ông Nguyễn Lân Hiếu, sinh ngày 14 tháng 9 năm 1972, là bác sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ y khoa, chính trị gia người Việt Nam. Ông là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ông ứng cử và trúng cử đại biểu quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 2 tỉnh An Giang gồm các huyện : Châu Phú và Châu Thành.
Ông Nguyễn Lân Hiếu là một chuyên gia tim mạch có tên tuổi với nhiều cống hiến trong nền y học Việt Nam. Ông hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Xin trích giới thiệu bài phát biểu ở hội trường Diên Hồng của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (xem toàn văn qua video)
***
Tôi chỉ xin đưa ra 03 vấn đề mà hy vọng trong nhiệm kỳ mới chính phủ sẽ tìm được câu trả lời và đưa ra giải pháp hiệu quả.
Thứ nhất, đó là các kiến nghị của cử tri được các đoàn đại biểu quốc hội, các vị đại biểu quốc hội chuyển đến nhưng chưa được Chính phủ trả lời, hoặc cho dù đã thống nhất kết luận nhưng chưa thực hiện.
Theo số lượng thống kê, con số này là hàng trăm thậm chí có thể hơn nữa. Tư duy nhiệm kỳ làm cho rất nhiều kiến nghị chính xác có giá trị đóng góp cao bị rơi vào quên lãng sau vài năm kiến nghị.
Liệu chăng Chính phủ có thể tổng kết các ý kiến có số lượng đại biểu quốc hội, số đoàn đại biểu quốc hội đề xuất nhiều nhất. Công khai các ý kiến này ở các kênh thông tin đại chúng như cổng thông tin chính phủ để cử tri theo dõi, giám sát.
Ví dụ như nhiều cử tri An Giang chất vấn tôi : sao kiến nghị xây dựng đường tránh Long Xuyên không thực hiện được ? Nếu Chính phủ có thể tổng kết được bao nhiêu lần bản thân tôi, đoàn đại biểu quốc hội An Giang không chỉ nhiệm kỳ này và cả nhiệm kỳ trước đó đã đề cập đến vấn đề này, chắc chắn cử tri có thể an tâm là chúng tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, về việc xây dựng soạn thảo các đạo luật mà Quốc hội giao cho Chính phủ và các bộ ngành.
Như nhiều đại biểu khác trước tôi đã lên tiếng, chúng ta rất cần có một cách làm khác, một quy trình minh bạch hơn để đảm bảo tiến độ và đặc biệt là chất lượng các đạo luật.
Đừng để nhiều dự thảo luật đưa ra còn quá nhiều thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội ngay trong quá trình thảo luận. Thậm chí có luật vừa ban hành đã phải dừng thực hiện, sửa đổi.
Thời gian gửi dự thảo luật đến các đại biểu quốc hội cần đúng thời gian theo quy định. Các luật sửa đổi cần nhấn mạnh những điểm mới có so sánh với luật cũ, đánh giá tác động rõ ràng, tường minh, tránh lợi ích nhóm, tư duy địa phương, cục bộ.
Thêm nữa, các lộ trình xây dựng luật mà Quốc hội đề ra cần tuyệt đối bảo đảm.
Nếu không giữ được lộ trình cần giải trình tường minh trước Quốc hội. Tránh để những dự luật như Luật về Hội đã được chúng ta thảo luận tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa này, nhưng chưa chắc khóa sau đã được đưa ra thảo luận lần hai.
Hay Luật khám chữa bệnh sửa đổi trong 3 kỳ liên tiếp gần đây đã có trong chương trình nghị sự lại bị đưa ra vào phút chót – một luật mà có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid bùng phát và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Chính vì vậy tôi mong ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV luật này sẽ có trong danh sách các dự luật được sửa đổi đầu tiên.
Vấn đề cuối cùng, theo các báo cáo thống kê, các vụ phạm pháp còn tăng theo thời gian, nhiều vụ án hình sự có tính chất phức tạp, chưa từng xảy ra về mức độ đạo đức khiến cho cử tri không khỏi lo lắng với câu hỏi liệu xã hội ngày càng bất ổn hay không ?
Trong khi chúng ta đều khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ đẹp như hôm nay. Kinh tế phát triển mà đạo đức suy đồi là điều không ai mong muốn.
Phải chăng nghiệp vụ điều tra truy tố của chúng ta tốt hơn nhiều khiến nhiều vụ án được phát hiện mà trước đây bỏ sót, hay vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng – như đại biểu quốc hội Bùi Sĩ Lợi vừa phát biểu, khiến nhiều người bị dồn đến đường cùng phải vi phạm pháp luật ?
Nhưng theo tôi lý do chủ yếu là chúng ta đã quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Giáo dục là một lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh toàn cảnh của nhiệm kỳ Chính phủ 2016 – 2021.
Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, y tế – hai trụ cột của an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân sẽ có cuộc sống ấm no – hạnh phúc và mạnh khoẻ.
Nguyễn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 31/03/2021
*************************
Ông Nguyễn Phú Trọng để người xu nịnh lọt vào Quốc hội
Nguyễn Nam, VNTB, 30/03/2021
"Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước" – ông Trần Quốc Vượng từng phát biểu nhấn mạnh như vậy lúc còn là Thường trực Ban Bí thư.
"Không giới thiệu người xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu… vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân"
Giảng viên Khoa Đông Nam Á học tại Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh Kim Phục nhấn mạnh rằng, "đại biểu quốc hội là bàn về quốc kế dân sinh chớ không phải nịnh lãnh đạo để giữ ghế".
Vậy thì thế nào sẽ được coi là "nịnh lãnh đạo" ?
Tham gia thảo luận ngày 29/3 tại hội trường Diên Hồng về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ, tường thuật của báo chí quốc doanh cho biết, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Thành phố Hà Nội) khẳng định trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại và là biểu tượng của niềm tin, đoàn kết toàn dân tộc.
"Mỗi khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng, phấn khởi, được truyền cảm hứng mạnh mẽ, xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân" – ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Câu khen tặng ở trên là một điển hình của xu nịnh bất chấp sự thật, vì kể từ sau chuyến công cán ở Kiên Giang vào tháng tư, 2019, dân chúng – đặc biệt là cử tri Hà Nội gần như không thể tiếp xúc với đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều sự kiện chính trị có nghi thức mang tính truyền thống "viếng lăng Bác", người dân cũng không thấy hình ảnh hiện diện của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Gần đây nhất, các đại biểu quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Thông báo với cử tri 3 quận, ông Trần Quang Đạo, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc quận Tây Hồ cho biết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng do bận công tác nên không thể tham dự cuộc tiếp xúc cử tri.
Tuy nhiên tin tức về hoạt động của lãnh đạo Đảng Nguyễn Phú Trọng trên trang web báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam ở tuần đầu tháng 3, đã không đưa bất kỳ tin tức nào về hoạt động nào có thể gọi là "bận công tác" của ông Nguyễn Phú Trọng. Tương tự, ghi nhận trên Thông Tấn xã Việt Nam vào các ngày đầu tháng 3-2021 cũng không thấy tin tức về Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, kể từ tuần cuối tháng 4-2019 đến tận hôm nay, ngoại trừ Hà Nội, người ta chưa thể tìm thấy tin tức nào liên quan đến các chuyến vi hành của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Do đó, hiểu thuần theo ‘nghĩa đen’ của "mỗi khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu…", cho thấy vị đại biểu đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đã khen tặng không đúng sự thật, qua đó có thể đưa đến nhiều suy diễn bất lợi, là vì có công nịnh nọt nên ông Ngọ Duy Hiểu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.
Báo chí từng đăng, thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, phát biểu tại hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ngày 28/11/2018, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ : "Danh thơm còn mãi, đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ nịnh xu…".
"Kiên quyết Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm : Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm…" – Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 12, tháng 5/2020.
Ông Ngọ Duy Hiểu hiện là phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 30/03/2021