Đáng khen !
Vẫn là phong cách Lưu Bình Nhưỡng, một phong cách đại diện cho dân thực sự. Một con người vô cùng hiếm trong nghị trường Đảng cộng sản.
Lời nói thẳng của ông Lưu Bình Nhưỡng
Như bản tin trước "Ai chống lại Nguyễn Hòa Bình và Tô Lâm đưa Lưu Bình Nhưỡng vào Quốc hội ?" đã đánh giá, cơ hội để Lưu Bình Nhưỡng trở lại Quốc hội khóa XV là không cao, vì ngay trong kỳ Quốc hội khóa XIV chính ông Ngưỡng đã thẳng tay vỗ mặt 2 vị công thần của Nguyễn Phú Trọng đó là Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình.
Bản thân Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình thôi cũng đủ sức loại Lưu Bình Nhưỡng ra khỏi vai trò ứng cử vào Quốc hội khóa XIII chứ chưa nói đến người đứng sau 2 vị này là Nguyễn Phú Trọng.
Với bản tính cương trực, ngay thẳng và có trách nhiệm, ông Lưu Bình Nhưỡng đã được lòng dân và được lòng không ít cán bộ về hưu mà có trăn trở với tình hình đất nước. Tuy nhiên sự ủng hộ đó được đánh giá là không đủ sức quật lại sự chống đối của Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình.
Xưa nay quốc hội chỉ là nơi mang danh đại diện cho dân chứ chưa hề là nơi đại diện cho dân thuật sự. Vì vậy mà Lưu Bình Nhưỡng trở thành kẻ lạc lõng đáng thương tại nghị trường.
Được biết sáng ngày 27/3/2021, Tô Lâm yêu cầu giám đốc công an Thành phố Hà Nội cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố này tiến hành bắt giữ ông Lê Trọng Hùng sau khi ông này có đơn đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ mình trong quá trình ông vận động tranh cử đại biểu quốc hội.
Đây là một tín hiệu gởi đến toàn dân và cũng gởi đến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng rằng "Quốc hội là đảng hội, không dung nạp tiếng nói của dân bất kỳ hình thức nào".
Để bắt ông Lê Trọng Hùng, cảnh sắt điều tra đã cho người đến canh nhà thì gia đình anh, và đến khi anh xuất hiện là họ bắt. Họ cướp lấy cái chìa khóa từ tay anh Hùng và mở khóa nhà mình đột nhập vào lục soát mà không hề có lệnh của tòa án. Một hành động vô pháp rất quen thuộc của Bộ Công an để cho dân biết rằng, ai mà dám đại diện cho dân thì sẽ không yên ổn với công an.
Với cách làm như vậy, Tô Lâm đã dùng một mũi tên và bắn trúng 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là loại sạch tiếng nói thật sự của người dân khỏi nghị trường. Mũi tên thứ nhì là gởi thông điệp tới Lưu Bình Nhưỡng rằng ông nên biết im lặng. Tuy nhiên, không biết ông Lưu Bình Nhưỡng có hiểu như thế nào hay không ?
Có bao nhiêu tiếng nói của dân, diệt sạch bấy nhiêu
Được biết, ngày 18/3, ông Lê Trọng Hùng đăng tải trên Facebook cá nhân các hình ảnh và tài liệu cho thấy ông đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa 15 tại Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội và Sơ yếu lý lịch của người tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa XV của ông cũng có mộc đỏ của phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.
Ông Hùng là một trong số ít người tự ứng cử Đại biểu quốc hội có chương trình hành động là dự án xây dựng Đại lộ Công dân cho dân tộc Việt Nam bằng cách trao tặng các bản Hiến pháp Việt Nam, vận động thành lập Tòa bảo hiến và vận động Quốc hội ra luật biểu tình, luật giám sát của công dân…
Được biết hôm 11/3, cơ quan an ninh điều tra, công an tỉnh Ninh Bình cũng bắt giữ ông Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, một người cũng nộp đơn ứng cử Đại biểu quốc hội tại Hà Nội với cáo buộc tội danh "Phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước". Ông Khánh cũng là một ứng viên độc lập đại diện cho dân thực sự. Và cả ông Khánh và ông Hùng cũng nhận một kết quả như nhau.
Bầu cử Quốc hội khóa XV, Đảng cộng sản cho 68 người ngoài đảng tham gia. Tuy nhiên 68 người đó là những con người đầu lụy Đảng cộng sản, tuy không phải là đảng viên nhưng họ lại cũng không đại diện cho dân. Họ toa rập với đảng để tạo thành dàn đồng ca trình diễn "sự đồng lòng", vì thế Quốc hội biểu quyết luôn có trên 90% đồng ý. Họ rất sợ những người mang tiếng nói của dân như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh. Với Lưu Bình Nhưỡng thì ưu điểm của ông là đảng viên, khi ông vào Quốc hội đảng mới vỡ lẽ là ông lại ủng hộ dân không ủng hộ đảng nên giờ họ loại ông. Còn với ông Hùng và ông Khánh họ biết 2 người này thuộc phe dân ngay từ đầu nên họ sớm ra tay triệt hạ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng có lợi thế là đảng viên và là người đã từng là đại biểu quốc hội nên ông không bị bắt như hai người kia. Tuy nhiên qua hành động loại ông ra khỏi vai trò ứng viên đại biểu quốc hội khóa XV thì đủ biết thông điệp của phía chính quyền là gì. Họ muốn nói với ông Lưu Bình Nhưỡng rằng "đừng làm họ mất kiên nhẫn" vậy nên đây là điềm không tốt chút nào cho ông Nhưỡng.
Quyết định vỗ mặt Bộ Chính trị, Lưu Bình Nhưỡng quá can đảm
Ngày 26/3/2021 trên báo Soha và nhiều tờ báo khác đồng loạt đưa bài viết "ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng : Không biến Quốc hội thành căn phòng kín lợi ích nhóm". Đây có thể nói là một câu nói "động trời", Lưu Bình Nhưỡng đã nói điều mà chỉ có mạng xã hội dám nói chứ các đại biểu quốc hội từ xưa tới nay chưa ai dám nói điều này.
Được biết tổ chức Đảng cộng sản là tầng tầng lớp lớp nhóm lợi ích. Trong Đảng cộng sản có rất nhiều nhóm lợi ích trong đó. Nào là nhóm lợi ích theo dòng họ, nào nhóm lợi ích chia theo ngành, nào là nhóm lợi ích chia theo vùng miền. Nói chung rất phức tạp. Tuy nhiên, ai cũng phải thừa nhận, Đảng cộng sản chính là nhóm lợi ích lớn nhất, chính nó chứa nhiều nhóm lợi ích con. Như vậy quốc hội với 96% là đảng viên Đảng cộng sản thì rõ ràng, Quốc hội là một nơi thuộc sở hữu của nhóm lợi ích lớn nhất – Đảng cộng sản.
Thực sự khi ông Lưu Bình Nhưỡng nói như vậy chẳng khác nào ông đã vỗ vào mặt Đảng cộng sản. Tuy Bộ Chính trị chưa nói gì, nhưng chắc chắn là họ không thể nào nuốt trôi những lời nhận xét thẳng thừng như vậy. Có lẽ khi đã không còn gì để mất, ông Lưu Bình Nhưỡng đã thốt ra một câu thật lòng nhất từ suy nghĩ của ông.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nói : "Quốc hội cần phát huy quyền lực nhân dân để đào tạo cán bộ cho đất nước, đào tạo người minh chủ của quốc gia". Nói vậy chẳng khác nào ông ta chỉ trích bao lâu nay, Quốc hội đã không phát huy quyền lực nhân dân. Ông Nhưỡng thật can đảm.
Sáng ngày 28/3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội ; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao ; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đồng tình về những nội dung trong các báo cáo đã được trình bày trong ngày trước đó. Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng, tại nhiệm kỳ vừa qua, những dự án luật vẫn còn tình trạng không phù hợp với chính sách, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận, chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc, tác động đến kinh tế – xã hội, tình hình trong nước, quốc tế, thậm chí không lường trước hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, người đảng viên Đảng cộng sản hiếm họi đại diện cho dân thực sự
Con người thẳng thắn thì sẽ chịu thiệt
Đứng trước nghị trường ông Nhưỡng thẳng thắn nhận xét : "công tác thẩm tra, thẩm định dự án luật còn nhiều sơ hở, một số dự án được đưa ra để lọt lưới chính sách không phù hợp có dấu hiệu của lobby, không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số ĐBQH chưa đáp ứng nhu cầu, thậm chí còn có trường hợp dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu thể hiện quan điểm trách nhiệm xây dựng luật pháp".
Ông Lưu Bình Nhưỡng nói tiếp "Ngay kỳ họp đầu tiên Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu yêu cầu Quốc hội phải tăng cường giám sát, đặc biệt chú trọng hoạt động hậu giám sát. Cả nhiệm kỳ, Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động giám sát vẫn chưa toàn diện, còn bị bỏ ngỏ, ví dụ như vấn đề dân tộc thiểu số chưa được Quốc hội giám sát tối cao làm cơ sở hoạch định chính sách pháp luật tương xứng với vị trí, vai trò tiềm năng cũng như sự tổn thương của khu vực miền núi khi giám sát cấp thấp không thể bao quát".
Đấy là những lời nói được cộng đồng mạng hết sức hoanh nghênh. Ông Nhưỡng nói lời tận đáy lòng và đó là những gì mà người dân suy nghĩ. Tuy nhiên, ông bị ngăn cản không cho ứng cử quốc hội khóa XV là điều rất đáng tiếc. Từ nay, Quốc hội sẽ chỉ là cá mè một lứa và chẳng tìm đâu ra được tiếng nói vì dân, dù cho đó là tiếng nói lạc lõng.
Điều đáng trân trọng là ông còn gởi thông điệp tới Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực
Theo ông Nhưỡng, hoạt động giám sát của Quốc hội, cơ quan Quốc hội chưa được thực hiện ở những vụ việc lớn. Cử tri cho rằng, Quốc hội, cơ quan của Quốc hội dường như đang cố ý né tránh, bàng quan trước thực trạng hiện hữu mà cử tri và nhân dân mong muốn phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, nhất là những người đứng đầu.
"Giám sát cá nhân của ĐBQH còn chưa nhiều, chưa có cơ chế, bổn phận, trách nhiệm, điều kiện đảm bảo thực hiện giám sát của cá nhân đại biểu, thiếu cơ chế trách nhiệm của đoàn đại biểu trong giám sát những vấn đề ở chính địa phương và khu vực bầu cử. Điều này giảm sút số lượng, khối lượng của hoạt động giám sát", ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cho biết, hiện chưa có cơ chế pháp lý đảm bảo thực hiện của kiến nghị đại biểu khi đại biểu quốc hội không tiếp tục ứng cử, được nghỉ chính sách hoặc lý do khác trong công tác cán bộ, nhất là những vụ việc, kiến nghị đảm bảo giải quyết trong thời gian dài chưa kết thúc.
"Quốc hội cần tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành nghị quyết tăng cường năng lực, tiềm lực, hiệu quả giám sát Quốc hội, hội đồng nhân dân. Quốc hội cần công bằng, phân bổ nguồn lực, kiểm soát nguồn lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân.
Đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực. Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực. Quốc hội cần phát huy quyền lực nhân dân để đào tạo cán bộ cho đất nước, đặc biệt đào tạo người minh chủ của quốc gia", đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Vâng ! Đó là những gì ông Nhưỡng đã tâm sự. Ông đã nói hết lòng. Biết lời nói ông lay được Đảng cộng sản nhưng ít nhiều nó cũng cho thấy, ông là con người có tâm. Và đất nước Việt Nam, hay trong Đảng cộng sản Việt Nam cần nhiều Lưu Bình Nhưỡng hơn nữa để dân có được tiếng nói giá trị.
Bích Ngọc (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 28/03/2021