Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/04/2021

Bắt người vô cớ không yên với dư luận quốc nội và quốc tế

Nhiều tác giả

Khi ‘quỹ dân sự’ đã bị nhà chức trách cố tình ‘chính trị hóa’

Phú Nhuận, VNTB, 10/04/2021

"Khởi tố Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên đành phải mượn cớ khác".

quy1

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, sáng lập viên Quỹ 5K đã bị bắt giữ hình sự với cáo buộc tội danh theo Điều 117, Bộ luật hình sự, "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên báo Thanh Niên, hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, chia sẻ ở tài khoản facebook cá nhân của ông rằng : "Tóm lại nếu khởi tố Hạnh về điều 117 thì khởi tố tui xứng đáng hơn. Tuy nhiên họ biết mấy thứ đó không gây nguy hiểm cho chế độ mà việc Hạnh làm từ thiện cứu giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm mới gây nguy hiểm. Nhưng khởi tố Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên đành phải mượn cớ khác".

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là vợ của ông Huỳnh Ngọc Chênh.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh đã cho rằng áp dụng Điều 117 của Bộ luật hình sự đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh là khó thuyết phục, vì vấn đề chính ở đây là Quỹ 5K (xem thêm luận bàn liên quan).

Lúc còn được tự do, nhà báo Phạm Chí Dũng từng nhiều lần chia sẻ với đồng nghiệp, rằng trong vấn đề liên quan quỹ tài chính cho duy trì các hoạt động của tổ chức xã hội dân sự, luôn nhận được sự ‘chăm sóc’ từ lực lượng an ninh.

Bằng trải nghiệm của thời gian hơn 15 năm trong ngành nội chính, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết ở trường hợp nhận các khoản hỗ trợ tài chính từ phía nước ngoài, cần hết sức thận trọng nếu như tổ chức ấy đã bị nhà nước Việt Nam liệt vào danh sách là khủng bố.

Một linh mục từng phục vụ Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, kể rằng nguồn quỹ tài chính của chương trình đều nhận từ các cá nhân mạnh thường quân cả trong và ngoài nước. Danh sách mạnh thường quân được công khai với số tiền hỗ trợ. Việc thu, chi nguồn quỹ cũng công khai trên tài khoản facebook của Chương trình .

"Về việc chuyển tiền cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Việt Nam, tôi nhận thấy sau này phía chính quyền họ cũng nhận ra hoạt động này có tính chất nhân đạo hơn là chính trị nên thường thì họ để mọi việc diễn ra suôn sẻ. Chỉ có một vài vụ gặp khó khăn khi chuyển tiền cho những người này nhưng không đáng kể" – nhạc sĩ Nam Lộc, người dẫn chương trình trong các kỳ đại nhạc hội Cám Ơn Anh để gây quỹ trợ giúp cựu thương phế binh miền Nam, cho biết như vậy.

Từ một số đơn cử ở trên, có thể thấy rằng yếu tố "chính trị" khả năng là nguyên cớ để nhà chức trách đưa đến quyết định bắt giữ và khởi tố bà Nguyễn Thúy Hạnh bằng một tội danh mà ai cũng thấy rõ hệt như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, "Tóm lại nếu khởi tố Hạnh về điều 117 thì khởi tố tui xứng đáng hơn. Tuy nhiên họ biết mấy thứ đó không gây nguy hiểm cho chế độ mà việc Hạnh làm từ thiện cứu giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm mới gây nguy hiểm. Nhưng khởi tố Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên đành phải mượn cớ khác".

Yếu tố chính trị ở đây của Quỹ 5K là gì ? Vào chiều ngày 8/4/2021, tài khoản cá nhân trên facebook của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có viết : "Ngày mai tui viết tiếp về quỹ từ thiện 50K và quỹ viếng cụ Kình". Thế nhưng sáng ngày 9/4/2021, tài khoản facebook này không thể truy cập được.

Có lẽ một trong những lý do đưa đến chụp mũ chính trị là nói như nhận định của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trong thông cáo : "Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là sự xâm phạm trắng trợn và có động cơ chính trị nhằm bịt miệng một trong những nhà đấu tranh nhân quyền được tôn trọng nhất trong nước.

Các nhà tù ở Việt Nam có tiếng là quá tải và không đáp ứng được mức tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu. Việc bà Nguyễn Thúy Hạnh bị là đích ngắm vì việc làm nhân đạo hỗ trợ những người đi tù oan là một điều oái ăm. Bà lẽ ra nên được tôn vinh và ủng hộ cho việc này – chứ không phải bị trừng phạt".

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 10/04/2021

**********************

Nhà thơ người Chăm từng tuyên bố tự ứng cử đại biểu Quốc hội, mất tích sau khi bị công an mời làm việc

RFA, 09/04/2021

Một nhà thơ người Chăm mất tích 2 ngày sau khi bị công an mời lên làm việc. Bạn bè và gia đình của nhà thơ cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do biết như vậy hôm 9/4.

quy18

Nhà thơ Đồng Chuông Tử tức Nguyễn Quốc Huy - FB Đồng Chuông Tử

Đến tối ngày 9/4 gia đình và bạn bè của nhà thơ người Chăm - Đồng Chuông Tử, tên thật là Nguyễn Quốc Huy vẫn không liên lạc được với ông này sau hơn hai ngày bị công an đưa đi làm việc.

Ông Huy vào trưa ngày 7/4 nhắn tin cho bạn bè biết ông bị công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đưa về làm việc không rõ lý do. Một người bạn giấu tên của nhà thơ cho biết :

"Hôm thứ Ba ngày 6/4 vừa rồi anh Đồng Chuông Tử có về quê hương Ma Lâm có một số công việc. Sau đó anh ấy có gặp một số người bạn trong Ma Lâm do anh em lâu ngày chưa gặp.

Tới ngày 7/4 thì ảnh bị mời, tụi tôi thì không biết giấy mời thế nào, có giấy mời hay không nhưng ảnh có nhắn tin cho một người bạn là ảnh đang bị giam giữ trong công an thị trấn Ma Lâm",.

Vợ của ông Nguyễn Quốc Huy đang hái cà phê ở tỉnh Bình Phước cũng không hay biết gì về tin tức của chồng mình.

Một người bạn cho biết ông Đồng Chuông Tử làm thơ, viết báo và thời gian qua có kêu gọi hỗ trợ người dân nghèo, học sinh ở thị trấn Ma Lâm và xây dựng thư viện thiện nguyện cho người dân đến đọc sách.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 9/4 đã gọi cho công an thị trấn Ma Lâm nhưng người công an trực máy sau khi nghe trình bày về vụ việc và biết danh tính của phóng viên đã từ chối cung cấp thông tin, và nói là "không biết gì về việc này".

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Thuận (PC01) cũng cho biết là "không rõ chuyện ở địa phương".

Trong một bài đăng trên Facebook  cá nhân hồi tháng 6 năm 2020, nhà thơ cho biết "sẽ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội để chăm lo cho đồng bào Chăm của mình".

"Dù biết sẽ bị loại từ vòng 'gửi xe', nhưng nhìn thấy các đại biểu Quốc hội đồng tộc mình, chủ yếu để làm kiểng nên mình quyết định tự ứng cử.

Là một nhà thơ được dư luận biết đến rộng rãi, một nhà hoạt động thiện nguyện độc lập, một người làm báo luôn đau đáu, trăn trở hiện trạng đất nước và dân tộc, mình nghĩ mình đủ năng lực, sức khoẻ, tình yêu và trách nhiệm phụng sự Quốc gia.

Anh chị em ai ủng hộ tinh thần mình thì cùng đồng hành với mình nhé !

Ít nhất là nhấn nút like, mạnh mẽ hơn là cùng tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp".

Trong một bài viết hôm 23-2/2021, ông bày tỏ :

"Cơ hội nào để ông Chuông tự ứng cử Đại biểu Quốc hội đây.

Bình Thuận chỉ có 7 suất, hết 3 suất của Trung ương, 4 suất còn lại có cũng đâu đến mình. Thôi nghỉ cho nó lành cộng đồng Chăm yêu qúy của tôi ạ !"

Không rõ ông Nguyễn Quốc Huy đã nộp hồ sơ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội hay chưa.

Facebook của ông gần đây cũng đưa thông tin về vụ án chống người thi hành công vụ của 3 người Chăm trong vụ việc tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Chỉ trong tháng 3 vừa qua, hai người tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội là ông Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng bị công an bắt giam với cáo buộc "phát tán tài liệu chống nhà nước", dù cho quan chức lên tiếng về việc "mở rộng cửa cho ứng viên tự ứng cử".

RFA, 08/04/2021

**********************

Bắt bớ vô cớ sẽ gia tăng qua trường hợp Nguyễn Thúy Hạnh

Diễm Thi, RFA, 09/04/2021

Theo ghi nhận của RFA, từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ nhiều người từ Bắc tới Nam có liên quan đến các hoạt động bị cho là vi phạm các điều khoản an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự 2015. Trong số những người bị bắt có ông Trần Hữu Đức, ông Ngô Công Trứ, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, ông Lê Anh Dũng, ông Trần Quốc Khánh, bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, ông Lê Trọng Hùng, ông Nguyễn Hoài Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh.

quy2

Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Photo : facebook Nguyen Thuy Hanh

Đa số những người mới bị bắt đều bị cáo buộc vi phạm Điều 109 với tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" ; Điều 331 với tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" ; Điều 117 với tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội danh ‘trốn thuế’ vào năm 2013, bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger vào sáng ngày chín tháng tư năm 2021 : 

"Tôi rất buồn nhưng không bất ngờ. Tôi cho rằng "Độc tài ngày càng độc tài - Toàn trị ngày càng toàn trị". Tôi sợ rằng sẽ còn thêm nhiều vụ bắt bớ nữa.

Rất dễ cáo buộc vào tội này vì nội hàm của nó đã được mở rộng hơn so với điều 88 Bộ luật hình sự cũ. Người nào làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân ; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý. Nói chung nó là một lưới "dã cào" quét, vét được hết mọi loại hành vi mà Đảng coi là chống Nhà nước, mà thực chất là chống hoặc không tuân thủ quan điểm của Đảng cộng sản". 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là trường hợp mới nhất bị bắt hôm bảy tháng tư năm 2021 với lý do được đưa ra là vi phạm Điều 117 Bộ luật hình sự 2015. Bà là người sáng lập quỹ 50K nhằm kêu gọi sự giúp đỡ cho gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, người nhận thông báo từ Công an Hà Nội về việc bắt bà Hạnh để tạm giam, chia sẻ với RFA cảm nghĩ của ông một ngày sau đó :

"Thì họ dựng lên chứ Hạnh có làm gì mà bị phạm vào Điều 117. Họ nói với anh là họ có tịch thu một số sách và tài liệu Hạnh viết. Tức là để hắn ghép Hạnh vô tội ‘làm và tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin…’ đấy. Nhưng thật ra sách là vài cuốn sách chính trị người ta in ra tặng anh còn sót lại vài cuốn. Còn tài liệu viết tay thì Hạnh có viết cái gì đâu. Hạnh chưa bao giờ đọc những sách chính trị mà viết thì chỉ viết theo cảm xúc. Hạnh không quan tâm chuyện chính trị mà Hạnh chỉ thương người và yêu nước mà thôi".

Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, việc bà Hạnh làm từ thiện cứu giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm, bị chính quyền coi là hành vi nguy hiểm cho chế độ. Nhưng khởi tố bà Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên họ đành phải mượn cớ khác.

Những người bị bắt giam trong năm 2021 với cáo buộc vi phạm các điều về an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự 2015.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, từ nhiều năm qua, Chính quyền Hà Nội dường như vẫn sử dụng các nhà bất đồng chính kiến trong cuộc mặc cả với quốc tế về nhân quyền. Khi bắt ai đó thì họ nhắm đến các đối tượng mà họ có thể đưa ra đàm phán hay mặc cả trong cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu hay là Úc và trong cuộc mặc cả về các vấn đề như là thương mại tự do hay các vấn đề khác.

Báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2020 của Dự án 88 vừa qua nhận định, năm 2020 là một năm đầy khó khăn cho các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động tại Việt Nam. Ngoài đại dịch Covid-19 dẫn đến việc chính quyền tăng cường giám sát công dân chặt chẽ hơn qua nhiều hình thức, cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden được cho là đề cao các giá trị tự do dân chủ như là nền tảng để thiết lập quan hệ đồng minh trong cuộc chiến ý thức hệ chống độc tài toàn trị.

Trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 24 tháng hai năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố vấn đề nhân quyền được đặt là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Hoa Kỳ cam kết hướng tới một thế giới trong đó nhân quyền được bảo vệ, những người bảo vệ nhân quyền được tôn vinh và những ai vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn nhấn mạnh rằng, thúc đẩy tôn trọng nhân quyền không phải là việc làm đơn phương của nước Mỹ, mà cần được thực hiện một cách tốt nhất cùng với các quốc gia đồng minh, đối tác trên toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại hợp nhất với các giá trị dân chủ và chú trọng đến bảo vệ dân chủ và nhân quyền.

Một Facebooker quan tâm đến tình hình chính trị trong và ngoài nước, yêu cầu ẩn danh, nhận định về việc bắt bớ những năm qua, đặc biệt trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh :

"Theo thiển ý của tôi thì chuyện này thật ra không đáng lo lắm, bởi khi Hoa Kỳ có chính quyền mới thì các áp lực về nhân quyền bắt đầu dồn dập trở lại đối với Chính quyền Việt Nam. Do đó, theo tôi, phía Việt Nam đã ra tay trước bằng cách tìm bắt một số người có tiếng tăm để chuẩn bị như một điều kiện để điều đình với Hoa Kỳ.

Khi Chính quyền Hoa Kỳ gây áp lực với Chính quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền thì họ sẽ nhượng bộ. Họ sẽ thả những người này ra.

Không phải tôi coi thường những chuyện bắt bớ như vậy, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một chiêu trò chính trị của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà thôi. Chủ ý của họ là dấy động dư luận để có sự quan tâm với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ". 

Theo báo cáo nhân quyền mới công bố hôm sáu tháng tư của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, tính đến cuối năm 2020 đã có ít nhất 173 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù và các trại tạm giam ở Việt Nam. Đây là con số cao nhất kể từ khi Ân Xá Quốc Tế bắt đầu thực hiện các báo cáo tương tự vào năm 1996.

Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân về việc những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ thời gian qua. RFA đã được phép sử dụng đoạn trích sau :

"Ngoài xã hội, những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ, xử lý ngày một nhiều hơn và không có sự phân biệt bất kỳ thành phần, độ tuổi nào. Có vẻ như người lớn tuổi không phải là đối tượng được "nương nhẹ" khi mà thời gian vừa qua, số người bị bắt đang bị "già hoá". Không có sự giải thích, không có lời đối thoại nào với những người có suy nghĩ khác biệt, chỉ có những cuộc bắt bớ, xử lý, tù tội mà thôi. Có vẻ như người ta đang mất kiến nhẫn với những tiếng nói trung thực nhưng khó nghe. Từ việc một số người bị bắt bớ khiến cho những người xung quanh lo sợ và không mấy ai còn mặn mà với những chuyện bao đồng nữa... 

Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ sự lo lắng cho thế hệ hiện tại và kế tiếp khi mà rất rất nhiều người đã mất đi khả năng phản biện, phản kháng phi bạo lực mà chỉ thụ động tiếp nhận thông tin một chiều. 

Tình hình nhân quyền Việt Nam luôn bị quốc tế chỉ trích nhưng phía Chính quyền Hà Nội mạnh miệng phản bác và cho rằng các cáo buộc vi phạm nhân quyền là vô căn cứ. Trong khi đó, những người trong cuộc và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam dùng những điều luật mơ hồ để bịt miệng những tiếng nói đối lập, những người công khai lên tiếng vì dân chủ- nhân quyền, vì lợi ích của dân tộc…

Diễm Thi

Nguồn : 09/04/2021

*******************

Tại sao lại bắt Nguyễn Thúy Hạnh ?

Cánh Cò, RFA, 08/04/2021

Cổng thông tin điện tử Công an Thành phố Hà Nội công bố, cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã bắt tạm giam chị Nguyễn Thúy Hạnh vào ngày 7 tháng Ba với tội danh "làm, tàng trữ, phát tán/ tuyên truyền thông tin, tài liệu, nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật hình sự.

quy3

Nếu theo dõi tình hình các nhân vật tranh đấu trong nước người ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận được cái tin chị Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt. Không giống với những người đấu tranh khác, chị Hạnh được đông đảo người trong cũng như ngoài nước yêu mến. Không phải vì khuôn mặt khả ái, lời nói hiền lành hay cử chỉ luôn nhẹ nhàng thanh lịch... mà chị được yêu mến vì việc làm cụ thể sau nhiều năm tham gia vào mặt trận đấu tranh.

Nguyễn Thúy Hạnh xuất hiện từ nhiều năm trước khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bắt đầu tại Hà Nội cũng như các phong trào bảo vệ cây xanh, tranh đấu vì môi trường Formosa hay ngay cả các dự luật về đặc khu cũng có tên chị tham gia phản đối. Những việc làm bình thường đó không làm chị nổi bật cho tới khi chị thành lập "Quỹ 50 ngàn" dành riêng cho tù nhân lương tâm thì khi ấy tên của chị được chú ý và hưởng ứng.

Vào tháng 4 năm 2018, "Quỹ 50 ngàn" được chị Thúy Hạnh thành lập với mục đích ban đầu là kêu gọi cộng đồng đóng góp trả luật sư phí cho các nhà hoạt động xã hội. Sau đó Quỹ tiếp tục duy trì để giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình họ. Quỹ 50 ngàn từng gây tiếng vang khi được trao Giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng.

Chỉ 50 ngàn đóng góp, số tiền nhỏ nhoi tương đương một tô phở ấy sẽ tạo điều kiện cho những người bị bắt vì tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ sẽ ấm lòng hơn và chí ít nó cũng giúp cho họ qua cơn khốn khó vì suy sụp kinh tế. Quỹ 50 ngàn vừa thiết thực vừa kịp thời trong hoàn cảnh người đấu tranh ngày càng bị cô lập với xã hội, quần chúng. Quỹ 50 ngàn ngày một lớn rộng và lan tỏa không những tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới có người Việt sinh sống đã mạnh dạn gừi tiền về cho Thúy Hạnh, người chịu trách nhiệm điều hành từ mỗi đồng bạc được quyên góp.

Số tiền của Quỹ ngày một nhiều và từ đó con số trợ giúp cho người tù lương tâm ngày một khấm khá hơn. Nhiều gia đình tù nhân lương tâm mỗi tháng đều nhận được từ quỹ ít nhất 2-3 triệu đến 4-5 triệu tùy hoàn cảnh. Đó là nguồn tài chính vô cùng đáng qúy cho thân nhân tù nhân lương tâm trong hoàn cảnh hiện nay.

Người này đồn đến tai người kia, sự thực ấy đã như một tín chỉ lòng tin giúp cho Quỹ ngày một uy tín hơn. Công lao này không ai có thể phủ nhận từ mồ hôi, thời gian và cả lao tâm khổ tứ của Thúy Hạnh, một người đàn bà bé nhỏ nhưng tâm hồn và nghị lực không nhỏ tí nào.

Quỹ 50 ngàn những tưởng sẽ im ắng và âm thầm… cho tới khi vụ án Lê Đình Kình nổ ra và cái chết thương tâm của cụ đã làm cho người giữ Quỹ đau xót. Quyết định quyên góp cấp tốc để giúp gia đình cụ lo tang chế và nuôi ba người con, cháu của cụ cũng như người dân Đồng Tâm trong tù đã lay động hàng ngàn trái tim khắp thế giới…rất nhanh chông, số tiền mà Quỹ 50 ngàn nhận được đã vượt hơn 500 triệu và sự yễm trợ đầy tình yêu thương đã nói lên tất cả tấm lòng của mọi người đối với vụ án Lê Đình Kình.

Và người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhà nước chính thức thò tay vào Quỹ 50K bằng cách không cho chị Thúy Hạnh rút số tiền đã quyên góp. Số tiền ấy tuy không lớn đến nỗi làm nguy cấp thêm lòng tin của nhân dân đối với nhà nước nhưng nó có nguy cơ làm cho làn sóng căm phẫn ngày một lớn hơn qua hành động giết người của Công an Hà Nội.

Nguyễn Thúy Hạnh bị gọi tên, bị truy vấn và gây áp lực liên tục trong nhiều tháng trước khi công an quyết định bắt giam chị.

Nhưng lý do bắt chị thì không thể nói thẳng là quyên tiền cho gia đình cụ Kình, vì nói như thế khác gì vô nhân đạo, bất lương và nhỏ mọn của một nhà nước có đầy đủ mọi nhánh quyền lực. Tìm một lý do nào đó cho việc bắt giữ chị Thúy Hạnh cho ra vẻ đúng pháp luật vẫn hay hơn. Nhưng dù có biện hộ cách nào người dân vẫn khinh bỉ xen lẫn căm phẫn vì hành vi bắt người tùy tiện của công an.

Bộ tứ mới toanh của nhà nước Việt Nam chào ra mắt người dân bằng chiếc còng số 8 tra vào tay Thúy Hạnh, một người đàn bà bé nhỏ và âm thầm như hàng triệu người dân khác đang âm thầm sống, âm thầm quan sát từng động thái và hành vi của nhà nước này. Mặc dù họ không có tiếng nói nhưng sự uất ức nào cũng có giới hạn, đừng xem thường những lổ hổng nho nhỏ, lổ hổng làm đắm tàu là lẽ thường của cuộc sống này.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 08/04/2021 (canhco's blog)

**********************

Những người bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm các điều khoản an ninh quốc gia năm 2021

RFA, 08/04/2021

Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 10 người có liên quan đến các hoạt động bị cho là vi phạm các điều khoản an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự 2015.

Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 10 người có liên quan đến các hoạt động bị cho là vi phạm các điều khoản an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự 2015. Trong số này có 9 người bị cáo buộc vi phạm các điều khoản này. RFA tổng hợp những trường hợp đã được công bố chính thức trên truyền thông Nhà nước Việt Nam. Thống kê theo thứ tự ngày tháng bắt giam.

1. Trần Hữu Đức (sinh năm 1964) bị bắt giữ vào ngày 21/1/2021

Nguoi bi bat 2021

Ông Trần Hữu Đức

Ông Trần Hữu Đức, cư trú tại huyện Nam Đàn, Nghệ An, bị bắt giữ vào lúc 16 giờ ngày 21/1/2021 với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 109 Bộ luật hình sự 2015.

Công an Nghệ an cáo buộc ông Đức đã tham gia tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời do ông Đào Minh Quân, một Việt Kiều ở Mỹ, cầm đầu. Việt Nam xếp tổ chức này vào danh sách khủng bố.

2. Ngô Công Trứ (sinh năm 1988) bị bắt vào ngày 4/2/2021

Nguoi bi bat 2021

Ông Ngô Công Trứ

Ông Ngô Công Trứ (ngụ tại thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên) bị Công an tỉnh Phú Yên bắt giam với cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 109 Bộ luật hình sự.

Theo điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Phú Yên, ông Ngô Công Trứ vào tháng 8 năm 2020 đã chính thức tham gia tổ chức người Việt tại Mỹ có tên Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời đứng đầu là ông Đào Minh Quân. Đây là tổ chức bị chính quyền Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố.

3. Phan Bùi Bảo Thy (sinh năm 1971), Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên của báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng, bị bắt giữ vào ngày 10/2/2021.

Nguoi bi bat 2021

Ông Phan Bùi Bảo Thy

Công an tỉnh Quảng Trị hởi tố và bắt tạm giam nhà báo Phan Bùi Bảo Thy với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" Theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.

Chính quyền Việt Nam cáo buộc ông Thy đã tạo ra một số tài khoản Facebook, trong đó có một tài khoản nói về những vụ tham nhũng liên quan đến Thứ trưởng Văn hóa-Thông tin Nguyễn Văn Hùng, người Quảng Trị, và ông Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hùng.

4. Lê Anh Dũng (56 tuổi) bị bắt vào ngày 10/2/2021

Nguoi bi bat 2021

Ông Lê Anh Dũng

Ông Lê Anh Dũng bị Công an tỉnh Quảng Trị bắt giữ đồng thời với nhà báo Phan Bùi Bảo Thy. Ông Dũng bị cáo buộc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331, Bộ Luật Hình Sự 2015.

5. Trần Quốc Khánh (61 tuổi) bị bắt vào ngày 10/3/2021

Nguoi bi bat 2021

Ông Trần Quốc Khánh

Ông Trần Quốc Khánh bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt giam với cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015.

Công an tỉnh Ninh Bình cáo buộc ông Khánh đã sử dụng Facebook phát livestream để đưa thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Việt Nam.

Ông Trần Quốc Khánh cũng là người tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026.

6. Nguyễn Duy Hướng (34 tuổi) bị bắt vào ngày 22/3/2021

Nguoi bi bat 2021

Ông Nguyễn Duy Hướng

Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Duy Hướng bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ hôm 22/3/2021 với cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.

Cơ quan An ninh điều tra quy kết, từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt giữ, ông Nguyễn Duy Hướng đã sử dụng tài khoản Facebook có tên "Bảo kiếm" để đăng tải nhiều nội dung bị cho là xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.

7. Lê Trọng Hùng (42 tuổi) bị bắt vào ngày 27/3/2021

Nguoi bi bat 2021

Ông Lê Trọng Hùng

Ông Lê Trọng Hùng, người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, bị Công an thành phố Hà Nội bắt giam với cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Hùng là một trong số ít người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội có chương trình hành động là dự án xây dựng Đại lộ Công dân cho dân tộc Việt Nam bằng cách trao tặng các bản Hiến pháp Việt Nam, vận động thành lập tòa bảo hiến và vận động Quốc hội ra luật biểu tình, luật giám sát của công dân... 

8. Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1973) bị bắt giữ vào ngày 2/4/2021

Nguoi bi bat 2021

Ông Nguyễn Hoài Nam

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam, người chuyên viết bài chống tiêu cực, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh hôm 2/4 đã bắt giam một nhà báo để điều tra tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.

Ông Nguyễn Hoài Nam đã từng làm việc cho nhiều báo bao gồm Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Niên, và VTV. Ông Nguyễn Hoài Nam vừa nghỉ báo Pháp Luật Việt Nam vào tháng 12/2020.

9. Nguyễn Thúy Hạnh (sinh năm 1963) bị bắt vào ngày 7/4/2021

Nguoi bi bat 2021

Bà Nguyễn Thúy Hạnh

Nhà hoạt động xã hội và nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh bị công an thành phố Hà Nội bắt giữ vào ngày 7/4/2021 với cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là người đã từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội vào năm 2016. Bà là người sáng lập quỹ 50K nhằm kêu gọi sự giúp đỡ cho gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Nguồn : RFA, 08/04/2021

*******************

Ân Xá Quốc Tế lên án vụ bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh

RFA, 08/04/2021

Tổ chức Ân xá Quốc Tế (Amnesty International) vào ngày 8/4 ra thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thúy Hạnh, người vừa bị công an bắt giữ hôm 7/4/2021 tại Hà Nội. 

quy13

Bà Nguyễn Thúy Hạnh

Theo Công an thành phố Hà Nội, bà Hạnh (sinh năm 1963) bị bắt giữ về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaN Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.

Thông cáo báo chí của Ân Xá Quốc tế dẫn phát biểu của Phó giám đốc khu vực Ming Yu Hah rằng : "Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nỗ lực trắng trợn, có động cơ chính trị nhằm bị miệng một trong những nhà hoạt động cổ xúy cho nhân quyền được kính trọng nhất tại Việt Nam".

Theo Ân Xá Quốc tế, bà Hạnh là một nhà hoạt động truyền cảm hứng do hoạt động không ngừng nghỉ để giúp đỡ những tù nhân lương tâm bị kết án bất công tại Việt Nam. Dù bị sách nhiễu, bà Hạnh vẫn kiên định với công cuộc này.

Ân Xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay và vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh.

Bà Hạnh là người sáng lập quỹ 50K nhằm quyên góp giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm có điều kiện đi thăm nuôi người thân. 

Tài khoản của bà bị ngân hàng Vietcombank phong tỏa hồi năm 2020 sau khi kêu gọi người dân quyên góp hơn 500 triệu đồng để phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm bị cảnh sát cơ động bắn chết trong cuộc đột kích lúc rạng sáng ngày 9/1/2020.

Do bị sức ép từ chính quyền, bà Hạnh đã phải tuyên bố đóng tài khoản của Quỹ 50K vào cuối năm 2020.

*********************

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người tự ứng cử Quốc hội năm 2016, bị bắt giữ tại Hà Nội

RFA, 07/04/2021

Cập nhật lúc 18g45

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập quỹ 50K nhằm giúp đỡ các tù nhân chính trị ở Việt Nam và là người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội hồi năm 2016 đã bị cơ quan An ninh điều tra, công an thành phố Hà Nội bắt giữ.

quy14

Bà Nguyễn Thúy Hạnh cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm ở Hà Nội năm 2016 - FB Nguyễn Thúy Hạnh

Vào tối ngày 7/4, cổng thông tin điện tử của Công an thành phố Hà Nội đăng thông tin cho biết bà Nguyễn Thúy Hạnh (sinh năm 1963) bị bắt giữ về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.

Bà Đặng Bích Phượng, một người bạn của bà Hạnh được người nhà của bà này kể lại về vụ việc như sau : 

"Cô hỏi chị gái của Hạnh, chị gái của Hạnh thì đang ở trong Phú Yên. 

Cái việc này thì lại do người bà con của mấy chị em Hạnh báo tin cho người nhà của Hạnh biết. 

Chỉ biết cái chuyện là bị bắt ở sảnh chung cư của người bà con, khi mà đưa Hạnh đi (công an - PV) có cấm là không đưa tin hay chụp ảnh gì hết".

Trong khi đó, nhà giáo Vũ Hùng - một cựu tù nhân lương tâm, chiều cùng ngày đã đến trực tiếp tòa nhà Royal City, nơi bà Hạnh sinh sống, thì được nhân viên lễ tân thông báo là bà Hạnh đã bị bắt sáng nay. Ông Hùng nói qua điện thoại :

"Sáng nay tôi không biết tới (tin bà Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt-PV) lúc bấy giờ khoảng hơn 3 giờ thì tôi đang ở xa không có mặt ở Hà Nội.

Tôi mới nghe thông tin như vậy, tôi mới về Hà Nội và tôi đến nhà chị Hạnh ở ở Royal City. 

Tôi đến đấy tôi được biết là anh lễ tân nói với tôi... do tôi đến với anh ấy tôi nói là 'Tôi muốn đến với nhà chị Hạnh', thì anh lễ tân nói là là 'Chị ấy đã bị công an bắt buổi sáng nay với số lượng người đông, khoảng độ 30 người và có đọc lệnh bắt và niêm phong nhà'".

Theo ông Hùng, nhân viên lễ tân không có thái độ cảnh giác với người lạ và cho biết thêm là cơ quan chức năng có lệnh bắt giữ và đưa cho ban quản lý tòa nhà xem cùng với yêu cầu dẫn đường lên căn hộ của bà Nguyễn Thúy Hạnh. 

Đài Á Châu Tự Do ngay buổi tối ngày 7/4 gọi cho Công an phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân để hỏi về vụ việc bắt giữ bà Hạnh, tuy nhiên khi giới thiệu là phóng viên thì người trực máy nói : "Chúng tôi không biết đâu nhé" rồi cúp máy. 

Phóng viên cũng gọi cho Cơ quan An ninh điều tra - Công an thành phố Hà Nội thì nữ công an trực ban cho hay, "không biết bắt ở địa bàn nào" và đề nghị phóng viên trực tiếp đến trực tiếp trụ sở để liên hệ công tác. 

Đến chiều tối ngày 7/4/2021, báo đài nhà nước vẫn chưa có thông tin chính thức về việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, sinh năm 1963, là một nhà hoạt động nhân quyền nổi bật tại Hà Nội. 

Quỹ 50K của bà đã vận động quyên góp giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm có điều kiện đi thăm nuôi người thân. 

Tài khoản của bà bị ngân hàng Vietcombank phong tỏa hồi năm 2020 sau khi kêu gọi người dân quyên góp hơn 500 triệu đồng để phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm bị cảnh sát cơ động bắn chết trong cuộc đột kích lúc rạng sáng ngày 9/1/2020.

Đầu tháng 12/2020, bà Hạnh tuyên bố đóng Quỹ 50K để tập trung chữa bệnh nhưng cho biết vẫn sẽ đồng hành cùng các gia đình tù nhân lương tâm. 

**********************

Đại dịch Covid-19 tạo thêm tác động đến nhân quyền Việt Nam

Diễm Thi, RFA, 07/04/2021

Dự án 88 vừa ra báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2020, liệt kê tất cả những người bị bắt và những người bị sách nhiễu vì đòi hỏi hoặc bày tỏ quyền con người theo hiến pháp.

quy15

Trang bìa báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2020 của tổ chức Project 88 - RFA

Dự án 88 là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam bằng cách chia sẻ những câu chuyện của các nhà hoạt động Việt Nam bị bức hại vì bày tỏ sự bất đồng chính kiến một cách ôn hòa của họ.

Bản báo cáo mở đầu với nhận định năm 2020 là một năm đầy khó khăn cho các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động tại Việt Nam. Chẳng những đại dịch Covid-19 dẫn đến việc chính quyền tăng cường giám sát công dân chặt chẽ hơn qua nhiều hình thức, mà các tù nhân chính trị cũng không được gặp gỡ gia đình. Các phiên tòa bị dời ngày xử trong khi tình hình sức khỏe các tù nhân trong tại tạm giam không được bảo đảm.

Theo báo cáo này, năm 2020 có ít người bị bắt và xét xử tại Việt Nam hơn so với năm 2019, nhưng hàng chục người đã vẫn bị bức hại vì đã thực thi các quyền công dân của mình. Người dân tiếp tục bị bắt và kết án theo Điều 117 Bộ luật hình sự 2015 với tội danh bị quy là "tuyên truyền chống nhà nước". Nhiều người khác bị bắt theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ".

Trong khi đó, theo báo cáo nhân quyền mới công bố hôm sáu tháng Tư của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, những vụ bắt giữ và khởi tố tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong năm 2020, trong khi số lượng tù nhân lương tâm lên đến mức kỷ lục với ít nhất 173 người đang bị giam giữ, cao nhất kể từ khi Ân Xá Quốc Tế bắt đầu thực hiện các báo cáo về những con số này vào năm 1996.

Theo ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), ngoại trừ năm 2018 có số người bị bắt tăng đột biến liên quan vụ biểu tình phản đối Luật đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng. Năm 2020 là năm nhiều người bị bắt với những mức án nặng nề tàn khốc nhất so với những năm gần đây.

Ông Ngữ cho rằng, số người bị bắt được thống kê khác nhau tùy theo từng tổ chức. Ví dụ vụ Đồng Tâm, tổ chức Defend the Defenders vẫn xếp họ vào nhóm tù nhân lương tâm, nhưng nhiều tổ chức khác lại không đưa vào do có yếu tố họ cho là bạo động. Vụ Đào Minh Quân cũng tương tự…

Ông giải thích thêm :

"Thật ra họ đã bắt giữ gần hết những nhân vật gọi là chủ chốt của phong trào ở Việt Nam. Bây giờ họ tiến tới bắt những người ít tên tuổi, tầm ảnh hưởng không lớn lắm hoặc những facebooker, những nhà báo để răn đe những người khác. Trước đây mục đích bắt bớ mang tính triệt phá các tổ chức xã hội dân sự, các nhà đấu tranh đứng đầu với những bản án nặng nề".

Cũng theo báo cáo của Dự án 88, các tù nhân chính trị tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, gặp gỡ luật sư và gia đình. Nhà tù tiếp tục sử dụng phương pháp đưa những người bị bắt vào bệnh viện tâm thần. Ít nhất là ba trường hợp trong thời gian qua.

Trường hợp thứ nhất là blogger Lê Anh Hùng bị bắt giam hồi tháng 7 năm 2018 để điều tra vì bị cáo buộc 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước'. Khoảng chín tháng sau, ông bị chuyển vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và nhiều lần kêu cứu ra bên ngoài về việc ông bị đánh đập, cưỡng ép điều trị mặc dù không có triệu chứng tâm thần.

quy16

Phiên tòa xử 29 người dân Đồng Tâm ở Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 14/9/2020. AFP

Trường hợp thứ hai là Nhà báo Phạm Thành bị bắt vào tháng 7 năm 2020. Vụ bắt giữ được cho là liên quan đến cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế Thiên Hành Đạo Hay Đại Nghịch Bất Đạo" do ông Phạm Thành tự xuất bản và phát hành qua mạng xã hội hồi tháng Chín năm 2019. Khoảng sáu tháng sau, bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ nhà văn Phạm Thành, thông báo chồng bà đã bị đưa từ trại tạm giam Hỏa Lò đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương để "giám định và kiểm tra sức khỏe".

Trường hợp thứ ba là nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương. Ngày 22 tháng Ba vừa qua, điều tra viên công an Hà Nội thông báo với gia đình rằng ông đã bị chuyển sang Bệnh viện Tâm thần Trung ương số 1 để "xác minh, điều tra". Sau 30 ngày ở Bệnh viện Tâm Thần, người nhà ông được báo đã đưa ông trở lại Trại Tạm giam số 1. Ông Trịnh Bá Phương bị bắt giữ hôm 24 tháng Sáu năm 2020 với cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Báo cáo của Dự án 88 chỉ ra rằng, trong số 35 người bị bắt vào năm 2020 có chín người là phụ nữ, so với bốn phụ nữ trong số 42 người bị bắt vào năm 2019. Các lĩnh vực hoạt động hàng đầu của những người bị bắt vào năm 2020 là dân chủ (16 nhà hoạt động), quyền đất đai (11), nhân quyền (9) và tự do ngôn luận (8). Các lĩnh vực hoạt động năm nay tập trung nhiều hơn vào quyền đất đai và dân chủ so với năm 2019. Nghề nghiệp phổ biến của những người bị bắt vào năm 2020 là nông dân (8), nhà báo (4) và giáo viên (3), trong khi nghề nghiệp phổ biến nhất của những người bị bắt năm 2019 là các tài xế (10), liên quan đến cuộc đàn áp những người biểu tình trạm thu phí BOT.

quy17

Ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương, những người đấu tranh vì quyền đất đai, bị bắt giữ vào tháng 6/2020. Ảnh Facebook Nhà Vườn Trịnh Bá Phương

Tuy thành tích nhân quyền tồi tệ, Việt Nam trong mắt nhiều người được đánh giá là một quốc gia có tiềm lực kinh tế. Việt Nam đang là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một quốc gia có tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Việt Nam là một quốc gia đa dạng về dân tộc và địa lý nhưng dưới sự cai trị của đảng duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng này kiểm soát hoàn toàn tất cả các phương tiện truyền thông, giáo dục, các tổ chức dân sự và các nhóm tôn giáo trong nước.

Về đất đai, Việt Nam giữ chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Điều này dẫn đến xung đột giữa chính quyền địa phương và người dân mất đất.

Báo cáo nêu tỷ lệ những người bị bắt do tự do biểu đạt chiếm 20% ; dân chủ chiếm 35,6% ; nhân quyền chiếm 20% ; đòi đất chiếm 24,4%. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu tỷ lệ những người bị bắt trong năm 2020 theo Điều 117 "tuyên truyền chống Nhà nước" là 34,3% ; Điều 331 "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" là 25,7% ; Điều 330 "chống người thi hành công vụ" là 11,4% ; những trường hợp khác là 28,6%.

Theo Dự án 88, ngoài đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Ngữ nhận định về ảnh hưởng của quốc tế lên tình hình nhân quyền Việt Nam :

"Tôi nghĩ cộng sản Việt Nam họ làm gì thì cũng dè chừng, để mắt đến phản ứng của quốc tế. Nếu quốc tế phản ứng mạnh mẽ và có biện pháp cụ thể thì Việt Nam mới sợ. Chẳng hạn như Hoa Kỳ hay EU không sử dụng những công cụ như trừng phạt về kinh tế, quân sự, ngoại giao…để buộc nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền thì cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp, bắt bớ và kết án nặng những người bị bắt.

Trong bốn năm qua, Chính quyền của Tổng thống Trump dường như không quan tâm đến nhân quyền mà chỉ chú trọng đến kinh tế, hợp tác quân sự cho nên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp mạnh tay hơn. Họ không lo sợ bị trừng phạt hay chỉ trích.

Mình không dự đoán được những năm tới dưới Chính quyền của Tổng Thống Joe Biden sẽ như thế nào. Ông Biden tuyên bố sẽ đặt vấn đề nhân quyền là điểm quan trọng trong quan hệ quốc tế, trong đó có Việt Nam. Chưa biết sự đàn áp của Đảng cộng sản Việt Nam có giảm đi hay không".

Ông Vũ Quốc Ngữ dự đoán bản án dành cho cô Phạm Đoan Trang sẽ nặng hơn cả bản án của ông Phạm Chí Dũng, nếu quốc tế không can thiệp kịp thời.

Báo cáo của Dự án 88 thống kê, án tù chung thân dành cho những người đấu tranh cho nhân quyền ở nhiều lĩnh vực được tuyên ở Việt Nam năm 2020 là 7,7% ; án tù từ 10 đến 14 năm chiếm 11,5% ; án tù từ 5 đến 9 năm chiếm 30,8% và án tù từ 0 đến 4 năm chiếm 50%.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 07/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phú Nhuận, Diễm Thi, Cánh Cò, RFA tiếng Việt
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)