Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/04/2021

Trách nhiệm của Việt Nam ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Nguyễn Văn Trọng

Sứ mạng của Việt Nam khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an

Khi bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 1/2020, Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng cầu nối giữa các cường quốc trong Hội đồng Bảo an. Trong lần thứ 2 đảm đương cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (tháng 4/2021), Việt Nam bị "kẹt" giữa hai "ông lớn" là Mỹ (giữ ghế Chủ tịch vào tháng 3) và Trung Quốc (giữ ghế Chủ tịch vào tháng 5). Hiện tại, hai cường quốc này không chỉ "đối địch" mà còn có cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, với việc bạo lực leo thang ở quốc gia Đông Nam Á này sau khi quân đội nắm chính quyền từ ngày 1/2.

hdba1

Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar hôm 8/4/2021 - AFP

Trả lời câu hỏi của báo chí liệu Việt Nam có thể giúp Washington và Bắc Kinh tìm thấy điểm chung trong cách phản ứng với diễn biến phức tạp ở Myanmar, ngày 24/3, Đại sứ Đặng Đình Qúy – Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : "Chúng tôi cố gắng làm cho tất cả mọi người đều hài lòng, để chúng tôi cũng cảm thấy vui vẻ. Đây là cách duy nhất để một quốc gia vừa và nhỏ như Việt Nam có thể sống trong một thế giới nhiều biến động và đầy thử thách".

Dù tháng 4/2021 là cơ hội để Việt Nam xoa dịu căng thẳng đang leo thang ở Myanmar, song chưa rõ Hội đồng Bảo an có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào. Các thành viên đã đưa ra 3 tuyên bố về tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này, song không mấy hiệu quả. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) kêu gọi Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm vận vũ khí, song có lẽ Việt Nam sẽ không ủng hộ các bước đi như vậy vì ưu tiên của Việt Nam là can dự hơn là đối đầu với chế độ quân sự Myanmar.

Ngày 5/4, Brunei, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ủng hộ việc tổ chức cuộc họp của các nhà lãnh đạo khu vực để thảo luận về diễn biến ở Myanmar, đồng thời cho biết đã yêu cầu các giới chức chuẩn bị cho một cuộc họp ở Jakarta, Indonesia.

ASEAN hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, song bất đồng giữa 10 nước thành viên về cách ứng phó với việc quân đội dùng vũ lực đối với dân thường và chính sách không can thiệp đã làm hạn chế khả năng hành động của khối. 

Vậy Hội đồng Bảo an có thể làm gì khác để khiến quân đội Myanmar đảo ngược hướng đi ? Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, "chúng ta cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan đến Myanmar. Nếu chúng ta khiến bất kỳ bên nào ở Myanmar cảm thấy họ không được tham gia, hoặc cảm thấy rằng họ bị cô lập, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn".

Về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, điều mà Trung Quốc cực lực phản đối, Đại sứ Đặng Đình Qúy nêu rõ lập trường của Việt Nam : "Chúng tôi không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương, song với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an và là thành viên của Liên Hiệp Quốc, chúng tôi tuân theo tất cả các quyết định của Hội đồng Bảo an, miễn là nó hiệu quả và không tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như tình hình nhân đạo của quốc gia liên quan".

Tiến sĩ Prashanth Parameswaran, thành viên toàn cầu trong Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, nói với Passblue.com : "Tôi nghĩ Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm những kết quả nhất định, nếu chúng ta cần một nghị quyết, nếu chúng ta cần tổ chức một cuộc họp đặc biệt, nếu chúng ta cần đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, bất kỳ cuộc hội thoại nào về vấn đề này… Tôi sẽ theo dõi sự cân bằng quyền lực đang thay đổi giữa các ủy viên thường trực và các thành viên không thường trực. Có thể thấy, Việt Nam đã cố gắng đóng vai trò cầu nối, không chỉ với P5 (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) mà còn với một số thành viên khác".

Người Myanmar phải tự cứu mình

Lúc ban đầu, khi giới trẻ Myanmar đứng lên chống lại chính quyền quân đội, họ tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ ra tay giúp đỡ họ. "Hãy cứu chúng tôi" là dòng chữ bằng tiếng Anh trên áo thun của những người biểu tình phản đối vụ đảo chính ngày 1/2/2021. Hai tháng sau với 550 cái chết, những người đấu tranh dân chủ ở đất nước có hàng nghìn ngôi chùa này hiểu rằng họ đang "đơn thương độc mã".

Nhiều quốc gia Phương Tây lớn tiếng đả kích việc thảm sát thường dân. Những biện pháp trừng phạt đưa ra chỉ "nhẹ nhàng". Thực tế là sẽ không ai giúp giải phóng người Myanmar ra khỏi ách độc tài. Mà họ phải tự cứu lấy mình.

Cuộc đấu tranh dân chủ của Myanmar sẽ còn dài, và những hóc búa của bài toán này càng phản ánh sự mong manh của nền dân chủ khu vực. 

Trung Quốc, vốn có nhiều mối quan hệ làm ăn với giới quân đội, khó có thể ủng hộ một cuộc cách mạng, hay đơn giản là chấp nhận dân chủ đạt được vầng hào quang ngay sát biên giới của mình. Trong khi đó, Mỹ có lựa chọn khác. Mắc kẹt trong cuộc chiến tranh lạnh mới Mỹ-Trung, Myanmar có nguy cơ rơi vào một đường hầm dài của đấu tranh và đau khổ.

Nguyễn Văn Trọng

Nguồn : RFA, 08/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Trọng
Read 547 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)