Tổng thống Joe Biden cử phái đoàn "không chính thức" công du Đài Loan
Mai Vân, RFI, 14/04/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13/04/2021 đã cử một phái đoàn không chính thức bao gồm nhiều cựu quan chức cấp cao đến Đài Loan để khẳng định sự hậu thuẫn của Washington đối với Đài Bắc, vốn dĩ đang phải đối phó với những hành động ngày càng hung hăng từ Bắc Kinh.
Chính quyền Đài Loan cho biết phái đoàn Mỹ, trong đó có cựu thượng nghị sĩ Christopher Dodd và hai cựu thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg, hạ cánh xuống sân bay Đài Bắc vào chiều hôm nay, 14/04. Theo ông Trương Đôn Hàm (Xavier Chang), phát ngôn viên văn phòng tổng thống Đài Loan, chuyến thăm chứng minh mối quan hệ "vững như bàn thạch" giữa Đài Loan và Hoa Kỳ.
Trung Quốc đang gia tăng áp lực kinh tế, ngoại giao và quân sự đối với chính quyền Đài Loan với mục tiêu cô lập hòn đảo này trên trường quốc tế và luôn tỏ ra khó chịu khi bất cứ nước nào cử phái đoàn đến Đài Bắc hoặc duy trì liên lạc với chính quyền Đài Loan. Từ năm ngoái, máy bay quân sự Trung Quốc đã liên tục xâm nhập không phận Đài Loan, và hôm thứ Hai 12/04, máy bay quân sự Trung Quốc với số lượng lớn chưa từng thấy - 25 chiếc - đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Dù đã công nhận Bắc Kinh về mặt ngoại giao từ năm 1979, Washington vẫn duy trì quan hệ với Đài Bắc và là bên hỗ trợ quân sự quan trọng nhất của Đài Loan. Một đạo luật của Mỹ buộc Washington phải giúp hòn đảo tự vệ trong trường hợp có xung đột. Chuyến thăm của phái đoàn Mỹ bắt đầu hôm nay, diễn ra nhân dịp kỷ niệm 42 năm đạo luật về Đài Loan mà ông Biden đã ký khi còn là một thượng nghị sĩ trẻ. Trước ngày phái đoàn Mỹ đến Đài Bắc, hôm 09/04 vừa qua, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản hướng dẫn mới, cho phép các quan chức Mỹ tiếp xúc đồng nhiệm Đài Loan dễ dàng hơn.
Ngành sản xuất chíp Đài Loan sẽ tuân thủ luật Mỹ cấm công ty Trung Quốc
Trong bối cảnh quan hệ Washington - Đài Bắc tốt đẹp, chính quyền Đài Loan hôm nay 14/04 cho biết các công ty chíp điện tử của họ sẽ tuân thủ các quy tắc của Hoa Kỳ sau khi Washington đưa thêm 7 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen về kinh tế, và sau khi một nhà sản xuất chip có trụ sở tại Đài Bắc tạm dừng nhận đơn đặt hàng từ một trong những doanh nghiệp liên can.
Các công ty Đài Loan là những nhà cung cấp vật liệu bán dẫn lớn trên thế giới, và bộ trưởng Kinh Tế Vương Mĩ Hoa (Wang Mei Hua) đã xác nhận rằng họ sẽ tuân theo các quy tắc của Đài Loan và Hoa Kỳ.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ đừng đùa với lửa về vấn đề Đài Loan
Quan hệ có dấu hiệu ngày càng chặt chẽ thêm giữa Washington và Đài Bắc đã khiến Bắc Kinh bực tức. Vào hôm qua 13/04, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ ngừng "đùa với lửa về vấn đề Đài Loan" và "lập tức chấm dứt bất kỳ mọi hình thức tiếp xúc chính thức giữa Mỹ và Đài Loan".
Đây là phản ứng của Bắc Kinh sau khi Washington ban hành hướng dẫn cho phép quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ tự do hơn quan chức Đài Loan. Phát ngôn viên Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh đã gửi những lời "phản đối nghiêm khắc" đến Washington.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 14/04/2021
**********************
Vì sao Ấn Độ - Thái Bình Dương thành nơi hội tụ các mối liên minh địa chính trị ?
Anh Vũ, RFI, 14/04/2021
Ấn Độ - Thái Bình Dương đang nổi lên như là một khu vực chiến lược trong bàn cờ địa chính trị thế giới. Thời gian gần đây, khu vực này liên tục sôi động với các hoạt động ngoại giao quốc tế.
Không chỉ có Mỹ, hay các nước trong vùng, mà ngày càng có nhiều nước Châu Âu quan tâm đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, dưới các hình thức đối tác, liên minh khác nhau xung quanh Ấn Độ. Mục tiêu cũng ngày càng rõ hơn là nhằm ngăn chặn đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tìm kiếm những mối liên kết, hợp tác vì một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và rộng mở là sáng kiến của Ấn Độ đưa ra từ năm 2018 trong diễn đàn an ninh Châu Á ở Shangri-La, Singapore. Ý tưởng này đã nhanh chóng được nhiều nước, đặc biệt là phương Tây hưởng ứng. Sau Bộ Tứ (Ấn Độ, Mỹ, Úc, Nhật), lần lượt các nước Châu Âu như Anh, Pháp rồi Đức đã khẳng định can dự mạnh mẽ và tham gia tích cực vào các vấn đề tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, sau khi nhận thấy lợi ích của mình trong vùng biển chiến lược rộng lớn này.
Các hoạt động xây dựng liên minh đối tác hướng tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trở nên sôi động, không chỉ vì tầm quan trọng vị trí địa chiến lược của khu vực, mà còn vì mối lo trật tự an ninh của khu vực này đang có nguy cơ bị đe dọa bởi sự trỗi dậy sức mạnh quân sự cũng như kinh tế của Trung Quốc.
Bà Raphaëlle Khan, nhà nghiên cứu thuộc Trung Tâm Á Châu, Đại Học Harvard, nhận định : "Ở góc độ an ninh, vấn đề ở chỗ là có sự mất an ninh đang lan rộng cùng với việc tăng chi phí quốc phòng và quân sự hóa mạnh trong vùng. Trung Quốc đang quân sự hóa các quần đảo có tranh chấp. Nói một cách tổng quát là Trung Quốc đang lật lại luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển và việc quân sự hóa cũng thể hiện sự cạnh tranh gay gắt giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và các cường quốc trong vùng".
Còn theo Cleo Paskal, chuyên gia về Ấn Độ - Thái Bình Dương, thuộc viện nghiên cứu Chatham House, Anh Quốc, thì Bắc Kinh đang cố gắng ngầm phá từ bên trong các nước phương Tây cũng như là các đối thủ trong khu vực bằng nhiều cách để chia rẽ họ. Bà Cleo Paskal cho rằng "Trung Quốc đang cố cho thấy một Ấn Độ mất ổn định nhằm tạo ra nhiiều vấn đề nội bộ cho nước này và để Ấn Độ mất bớt khả năng hợp tác với các nước khác. Đó cũng là cách Bắc Kinh tìm cách phá vỡ các quan hệ đối tác tiềm năng, giữa các nước phương Tây với các nước có thể đe dọa Trung Quốc bằng cách này hay cách khác như Ấn Độ".
Điều này có thể lý giải cho việc New Delhi khởi xướng và trở thành trung tâm của sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các cuộc đối thoại diễn ra ở Ấn Độ giúp cho New Delhi khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Mặt khác, lợi ích chiến lược của Ấn Độ cũng gắn liền với an ninh và hòa bình tại khu vực, những vấn đề đang trở nên nóng cùng với đà gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trong những năm qua.
Riêng đối với Pháp, từ năm 2019, Paris đã có những thay đổi về chiến lược đối với vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi có nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại cho phép Pháp sở hữu một diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng thứ 2 thế giới (gần 9 triệu km2), chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, về phương diện kinh tế, theo chuyên gia Raphaëlle Khan "40% hàng nhập khẩu của Pháp ngoài Liên Âu là từ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và 34% hàng xuất khẩu của Pháp ngoài Liên Hiệp tới khu vực này". Những con số có thể lý giải phần nào cho sự thúc đẩy mối quan tâm của Pháp vào vùng địa chiến lược này.
Ngoài ra còn một lý do nữa, như phân tích của chuyên gia Pháp Valerie Niquet, thuộc Cơ quan nghiên cứu chiến lược Châu Á của Pháp, trên báo Le Monde, rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương là câu trả lời cho một nước Trung Quốc đang gây lo ngại cho các nước. Khái niệm này không chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc ; mà thực ra là chống lại đà bành trướng bằng sức mạnh hung hăng của Bắc Kinh. Mối lo lắng đó đã tập hợp được những quan điểm đồng nhất dựa trên những giá trị chung, quyền tự do lưu thông hàng hải và phản đối sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng.
Thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nước lớn khác tham gia vào các mối liên kết về quân sự, chính trị tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dưới các hình thức khác nhau, nhằm góp phần xác lập trật tự khu vực trên mục tiêu chung rất chính đáng : Để Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực giao lưu tự do, rộng mở trên cơ sở luật pháp quốc tế, chống lại mọi hình thức dùng sức mạnh lấn lướt nước khác trong quan hệ quốc tế.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 14/04/2021
*************************
Nhật - Đức : Đối thoại ngoại giao - quốc phòng đầu tiên nhằm đối phó với Trung Quốc
Anh Vũ, RFI, 14/04/2021
Theo hãng tin Nhật Kyodo ngày 13/03/2021 đã diễn ra cuộc đối thoại ngoại giao - quốc phòng giữa Nhật Bản và Đức. Đôi bên khẳng định hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thiết lập trật tự pháp luật trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối phó với tham vọng bành trướng ngày càng rõ ràng của Trung Quốc trong khu vực.
Cuộc đối thoại an ninh - ngoại giao (vẫn được gọi đối thoại 2+2) lần đầu tiên giữa Nhật Bản và Đức, dưới hình thức trực tuyến, diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang cố gắng tìm kiếm thêm các đối tác liên minh để bảo đảm an ninh cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do rộng mở.
Thực tế, từ tháng 9/2020, Đức đã công bố đường hướng chủ đạo về chiến lược đối với khu vực Ấn Độ - Thái bình Dương, khẳng định Berlin sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong khu vực này.
Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến vùng Biển Đông và Hoa Đông, những điểm nóng do những tham vọng đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ngày càng lớn. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đối với khu vực.
Trong cuộc họp, ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu nêu ra các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, cũng như gần đây ban hành luật an ninh biển, cho phép tàu hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài bị coi là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Về phía Đức, ngoại trưởng Heiko Maas khẳng định Berlin muốn có sự hiện diện nhiều hơn ở Châu Á "để Đức và Châu Âu có thể tiếp tục tích cực giúp định hình thế giới ngày mai".
Trong cuộc đối thoại, Nhật Bản đã đề xuất quân đội hai nước tổ chức các cuộc tập trận chung khi Đức đưa tàu chiến tới khu vực này trong năm 2021. Đức đã lên kế hoạch triển khai ít nhất 1 tàu hộ vệ tên lửa tới Châu Á, với hải trình dự kiến đi qua Biển Đông vào tháng 8/2021. Tàu chiến Đức dự kiến cập cảng Nhật Bản trong hành trình này.
Ngoài ra Nhật cũng đề nghị hai nước hợp tác giám sát việc vận chuyển hàng hóa trên biển của Bắc Triều Tiên, nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tìm cách lách trừng phạt, cấm vận của quốc tế vì chương trình vũ khí hạt nhân.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 14/04/2021
**************************
Ấn Độ, Pháp, Úc : Đối thoại ba bên về an ninh hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương
Thu Hằng, RFI, 13/04/2021
Ngoại trưởng Pháp đến Ấn Độ ngày 13/04/2021. Trong chuyến công du ba ngày, ông Jean-Yves Le Drian sẽ họp với hai đồng nhiệm Ấn Độ và Úc. Cuộc họp ba bên này diễn ra bên lề Đối thoại Raisina 2021, do tổ chức Observer Research Foundation (ORF) kết hợp với bộ ngoại giao Ấn Độ, diễn ra từ ngày 13-16/04. Theo trang Hindustan Times, Đối thoại Raisina hàng năm mang ý nghĩa quan trọng đối với New Delhi về địa-chính trị và địa-kinh tế.
Đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc họp ba bên cấp bộ trưởng. Trước đó, vào tháng 09/2020, trong cuộc họp trực tuyến cấp thứ trưởng, ba nước đã thống nhất duy trì cơ chế làm việc này hàng năm.
Theo thông tín viên Sébastien Farcis tại New Delhi, cuộc đối thoại giữa ngoại trưởng Ấn Độ, Pháp và Úc lần này nhằm giúp ba nước gắn bó hơn trong việc bảo vệ lợi ích chung : bảo đảm tự do lưu thông hàng hải trong khu vực và đẩy lùi mọi sự thù nghịch từ Trung Quốc.
"Bộ trưởng Ấn Độ và Pháp gặp mặt trực tiếp ở New Delhi, còn đồng nhiệm Úc tham gia họp qua hình thức trực tuyến. Như vậy, ngoại trưởng ba nước sẽ thành lập một khuôn khổ tam phương mới dành cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Khu vực mang tính chiến lược đối với giao thông hàng hải này trải dài từ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đến Malaysia.
Dù Trung Quốc cố kiểm soát, thậm chí là chi phối khu vực, Ấn Độ, Úc và Pháp dùng những giá trị chung của ba nước để đối lại với Bắc Kinh : Đó là dân chủ và tự do lưu thông trong khu vực. Mục tiêu của nhóm giống như với Bộ Tứ - Quad gồm 4 nền dân chủ, trong đó có Ấn Độ, Úc cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Pháp, quốc gia từ lâu đặt niềm tin vào New Delhi để chống lại Trung Quốc, vừa mới kết thúc một cuộc tập trận với Hải Quân Ấn Độ ở vịnh Bengale. Cách đây vài năm, Paris cũng đã ký với New Dehli một thỏa thuận cho phép chia sẻ các căn cứ quân sự của nhau ở Ấn Độ Dương".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 13/04/2021
*********************
Đài Loan nâng cấp đường băng trên đảo Đông Sa
RFA, 13/04/2021
Mạng báo Focus Taiwan loan tin vào ngày 12 thánẢnh Taiwan Newsg tư, dẫn nguồn từ Cơ Quan Phòng Vệ Đài Loan nêu rõ, dự án nâng cấp đường băng bị trì trệ lâu nay nay được bắt đầu bất chấp những mối đe dọa quân sự gia tăng từ phía Trung Quốc.
Đài Loan đang nâng cấp đường băng trên quần đảo Đông Sa tại khu vực Biển Đông. Ảnh Taiwan News
Cũng theo Cơ quan Phòng Vệ Đài Loan, vào tháng hai năm ngoái, nhà thầu cho dự án đã được chọn và công khác khởi công dự kiến bắt đầu vào tháng tư ; thế nhưng do căng thẳng trong khu vực cộng thêm thời tiết xấu nên phải ngưng lại. Gần đây công tác nâng cấp đường băng trên đảo Đông Sa đã được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng hai năm 2022.
Cơ quan Phòng Vệ Đài Loan cho biết sau khi công tác nâng cấp hoàn thành, đường băng trên quần đảo Đông Sa sẽ được dùng để vận chuyển nhanh chóng các khí tài quân sự nhằm hỗ trợ lực lượng phòng thủ trên đảo.
Cơ quan này cũng cho biết sẽ sớm triển khai 292 tên lửa chống tăng Kestrel cho lực lượng phòng thủ ở đảo Đông Sa.
Đài Loan gần đây đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh nhiều lần điều máy bay xâm phạm vùng nhận dạng phòng không ở đảo Đông Sa do Đài Loan quản lý.
Nguồn : RFA, 13/04/2021