Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/04/2021

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và "lằn ranh đỏ mong manh"

Phạm Quý Thọ

"Lằn ranh đỏ" được Đảng Cộng sản vạch ra để cảnh báo các quan chức trong nội bộ, đặc biệt với các cương vị cao như Thủ tướng Chính phủ, về sự trừng phạt nếu có các biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" tư tưởng, thách thức quyền lực tuyệt đối của Đảng và đe doạ sự tồn vong chế độ.

thutuong1

Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ở Hà Nội hôm 24/3/2021 - AP

"Lằn ranh đỏ" là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Anh (Red line) dùng để chỉ về một ranh giới vô hình được vạch ra nhằm cảnh báo việc không được phép vượt qua nếu không sẽ đối diện với nguy cơ bị trừng phạt hay chịu hậu quả bất lợi.

"Lằn ranh đỏ" được Đảng vạch ra trong bối cảnh trong bối cảnh bất ổn thể chế khi chức năng độc đoán bị rối loạn. Quá trình "tự diễn biến, tự chuyển hoá" của quan chức trong bộ máy diễn ra phức tạp và luôn có nguy cơ bùng phát. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng sâu xa là mâu thuẫn giữa ý thức hệ cộng sản của chế độ và các giá trị của kinh tế thị trường không thể có lời giải thuyết phục. Quá trình cải cách được khái quát là mò mẫm, "dò đá qua sông", tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề khi Đảng cộng sản lãnh đạo kinh tế thị trường sẽ có thể thay đổi như thế nào. Ứng phó bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi khiến "lằn ranh đỏ" trở nên "mong manh".

Chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang thị trường là chính sách ứng phó giúp cho chế độ toàn trị khỏi sự sụp đổ như đối với mô hình của Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Trong quá trình chuyển đổi này, cương vị thủ tướng có quyền lực lớn, được trao bởi luật pháp và thực tế điều hành bởi chỉ có tăng trưởng kinh tế mới đảm bảo được tính chính danh của độc đảng cầm quyền và chế độ, khi các lãnh đạo không được người dân trực tiếp bầu chọn dân chủ. Ngoại trừ thời chiến tranh và giải quyết hậu quả của nó, quan sát các nhiệm kỳ đại hội đảng trong thời kỳ "Đổi mới", từ cuối những năm 1986, cho thấy vai trò cá nhân của Tổng bí thư Đảng "mờ đi" tương đối trong khi vai trò của Thủ tướng Chính phủ "mạnh" dần lên. Với thành tích tăng trưởng tương đối cao trong gần ba thập kỷ, người điều hành kinh tế được ví như vị tướng xung trận dễ "nổi bật" với chiến công trận mạc hơn là sự lãnh đạo của Đảng bằng các văn kiện, nghị quyết, kiểu "buông rèm nhiếp chính". Không "cố tình" nhưng các vị thủ tướng đều để lại dấu ấn cá nhân trong nhiệm kỳ. Hơn thế, thực quyền của thủ tướng mạnh lên mỗi khi ông ta được cho là người mang lại "lợi ích hữu hình" cho quan chức trong bộ máy cai trị.

Thay đổi bước ngoặt đã xảy ra khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, "bất ổn kinh tế vĩ mô" kéo theo "bất ổn thể chế", cao điểm trong nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011-2016). Ông Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ này thậm chí bị đề xuất kỷ luật bởi Bộ Chính trị, nhưng đã "thoát hiểm" khi không nhận được sự chấp thuận "quá bán" của các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Cương vị Tổng bí thư bị thách thức bởi "đối thủ" hữu hình và nguyên tắc lãnh đạo tập trung của Đảng bị lung lay. Cả hai lãnh đạo quyền lực nhất của Đảng và Chính phủ đều có chung ý thức hệ. Bởi vậy, ý kiến rằng ai là "đổi mới" và ai là "bảo thủ" thì có lẽ không thỏa đáng.

thutuong2

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một hội nghị ở Mỹ hôm 15/2/2016. Ông Nguyễn Tấn Dũng là người đã bị đề nghị kỷ luật nhưng án kỷ luật đã bị bác bởi Ban Chấp hành Trung ương. AFP

Đảng nhận định nguyên nhân của tình hình là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của bộ máy lãnh đạo là nghiêm trọng, "đe doạ sự tồn vong của chế độ". "Do con người chứ không do thể chế", "thể chế cũng do con người làm ra". Những phát ngôn như vậy của các chính khách dễ được "cảm thông" bởi mang tính tuyên truyền. Nỗi ám ảnh về sự sụp đổ cả một hệ thống các quốc gia trụ cột của hệ tư tưởng Mác – Lênin đã trở thành định kiến đối với những lãnh đạo được cho là "suy thoái", kiểu như M. Gorbachov, cựu Tổng bí thư cuối cùng của Liên Xô cũ, thậm chí bị các nhà lãnh đạo số ít chế độ toàn trị còn lại của hệ thống coi là "tội đồ". Thực ra, các quan chức nói chung và ông ta nói riêng cũng chỉ là sản phẩm của thể chế, "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".

Định kiến như trên đã "dẫn dắt" quá trình "chỉnh đốn" bộ máy Đảng và Nhà nước. Công tác nhân sự là "then chốt của then chốt" là phương châm chỉnh đốn. "Lằn ranh đỏ" được vạch ra đối với các quan chức bộ máy điều hành, đặc biệt đối với vị trí người đứng đầu Chính phủ. Sau khi tái đắc cử Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ hai tại Đại hội 12, ông Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường chiến dịch "đốt lò" "không vùng cấm" đối với những kẻ vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật, những kẻ tham nhũng. Đồng thời với việc gieo rắc nỗi sợ hãi đối với quan chức "bất tuân" và có ý định chống đối thì sự thanh lọc, xây dựng bộ máy mới cũng được chú trọng. Quá trình này được làm liên tục, từ "dưới lên trên" và ngược lại bởi những quy trình, chỉ thị "chặt chẽ" mới được thiết lập, đặc biệt qua các đại hội đảng từ cấp cơ sở đến trung ương.

Đại hội 13 đầu năm 2021 đánh dấu "thành quả" của những nỗ lực trên. Hai trăm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, chính thức và dự khuyết, những quan chức quyền lực trong bộ máy cai trị được chọn ra, trong đó quá nửa là số mới tham dự lần đầu. Có mười vị "cũ" là những "trường hợp đặc biệt", trong đó bao gồm các ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Các lãnh đạo Đảng "nhanh chóng" lấp "khoảng trống quyền lực" trong bộ máy Nhà nước trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14. Có nhiều bình luận về bộ máy lãnh đạo mới đã "kiện toàn", cơ cấu miền Nam "giảm đi", cán bộ chuyên trách đảng chiếm "ưu thế" so với "kỹ trị", các lãnh đạo nội chính, an ninh, uỷ ban kiểm tra, ban bí thư – những người tác nghiệp thường xuyên công việc lãnh đạo của Đảng được tăng cường, nhiều lãnh đạo kỹ trị được thay thế hay luân chuyển sang các vị trí "có thể kiểm soát" hoặc ít trọng yếu hơn…. Thế "cài răng lược" có thể giúp Đảng kiểm soát quan chức tha hóa quyền lực, nhưng tính chuyên nghiệp, tính kế thừa và năng lực của từng vị trưởng các bộ, ngành và cả bộ máy đang là vấn đề cho việc lãnh đạo, điều hành kinh tế.

Sự thay đổi các vị trí "tứ trụ" được quan tâm nhiều. Việc luân chuyển nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được đánh giá cao về năng lực và kết quả điều hành, làm Chủ tịch nước dấy lên đồn đoán về vai trò "quá độ" của ông đã kết thúc. Vị trí được chú ý nhất chính là tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Theo cách nhìn "truyền thống", thường từ sự kế nhiệm của vị phó thủ tướng, ông Chính được cho là "bất ngờ" vì "tầm nhìn vĩ mô". Ông đã "quyết đoán" và "thành công" khi lãnh đạo một tỉnh biên giới giáp Trung Quốc khiến dư luận nghi ngại về vấn đề "đặc khu hành chính kinh tế" ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ. Dự luật Đặc khu hành chính kinh tế được cho là do ông thiết kế chính. Dự luật này đã không được Quốc hội khóa 14 thông qua trước làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng. Ngoài ra, quá trình công tác chủ yếu trong lĩnh vực an ninh và chuyên trách đảng tạo ra băn khoăn về năng lực điều hành ở tầm vĩ mô…

Tuy nhiên, theo quan sát cá nhân, Đảng lựa chọn ông Chính làm Thủ tướng chính phủ là sự "ưu tiên" chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để duy trì chế độ khi những vấn đề khác như năng lực điều hành vĩ mô, uy tín cá nhân… vẫn là ẩn số. "Lằn ranh đỏ" được Đảng vạch ra sẽ thử thách ông trong nhiệm kỳ có nhiều điều "đặc biệt" này. Nếu tân Thủ tướng vượt qua và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành công, thì không loại trừ khả năng ông có thể sẽ trở thành người kế nhiệm vị trí quyền lực tối cao của Đảng.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 12/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 449 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)