Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/04/2021

Hàng không mẫu hạm bay : Một dự án "điên rồ" của Lầu Năm Góc ?

The Economist - Minh Anh

Làm cách nào để các chiếc hàng không mẫu hạm có thể cất cánh ? Chuyện tưởng chừng như trong các phim viễn tưởng của Marvel, nhưng đây lại là một trong những dự án táo bạo của Lầu Năm Góc, theo như loan báo của The Economist. Cơ quan Nghiên cứu các dự án cao cấp (DARPA), trực thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ đang nghiên cứu một cấu trúc cho phép phóng và tiếp nhận các thiết bị bay trên không trung.

aircraft0

Hàng không mẫu hạm bay . Ảnh chụp màn hình Defence Squad, 23/12/2020

Hàng không mẫu hạm ngày càng trở thành những mục tiêu dễ bị tấn công. Các nhà hoạch định chính sách của hải quân Mỹ đặc biệt lo lắng về những chiếc tên lửa DF-26 của Trung Quốc. Loại vũ khí này, được đưa vào phục vụ từ năm 2018, được gọi là tên lửa đạn đạo cơ động (nghĩa là chúng có thể thay đổi đường tiếp cận sau cùng, thay vì chỉ tuân theo quy luật trọng lực), còn được mệnh danh là "sát thủ tầu sân bay". Chiếc DF-26 này có thể được phóng đi từ một chiếc xe tải, và có thể mang đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn thông thường.

Bryan Clark, một chiến lược gia hải quân Mỹ, Viện Hudson, cho rằng mối đe dọa này đủ đáng sợ để buộc các tầu chiến của Mỹ cách xa các vùng duyên hải Trung Quốc ở một khoảng cách ít nhất là 1.600km. Khoảng cách này xa hơn rất nhiều tầm hoạt động của một chiếc máy bay vận tải trừ phi chúng được tiếp nhiên liệu trên không.

Trong nỗi lo này, bộ Quốc Phòng Mỹ muốn tìm phương cách đối phó. Ý tưởng "trở về với tương lai" đang được thử nghiệm. Đó là dự án (có từ hồi năm 1917), biến đổi một chiếc máy bay thích hợp thành một chiếc hàng không mẫu hạm trên không có khả năng phóng và tiếp nhận các chiếc máy bay không người lái khi đang bay. Điều này sẽ cho phép các tầu sân bay vận tải trên biển tránh xa các nguy cơ bị tấn công.

Gremlins : Sát thủ tên lửa ?

Dự án này của bộ Quốc Phòng có tên gọi là Gremlins, đó cũng là tên của những thiết bị bay không người lái tàng hình. Mỗi chiếc Gremlins Air Vehicles (GAV) X-61A nặng đến 680 kg và có sải cánh dài gần 3,5m. Một khi chúng được thả xuống, triển khai cánh và kích hoạt động cơ phản lực cánh quạt, chúng có thể bay xa đến 500km, và theo như mô tả của ông Scott Wierzbanowski, giám đốc dự án, chúng có thể "nhập cuộc và tạo ra một sự tàn phá". Một khi hoàn thành, chiếc Gremlins sẽ quay về chiếc không mẫu hạm.

Theo ước tính của các nhà thiết kế, mỗi chiếc Gremlin trị giá 800 ngàn đô la. Bộ Quốc Phòng Mỹ dự định đặt mua đến 1.000 chiếc. Do vậy, mỗi chiếc drone này phải thực hiện được tối đa 20 nhiệm vụ và phải có một giá trị trao đổi lớn. Nghĩa là, chúng có thể thực hiện nhiều chức năng phức tạp : đánh chặn thông tin liên lạc, gây nhiễu các tín hiệu và tìm kiếm phá hủy. Chúng cũng có thể được trang bị các tên lửa nhỏ hay chất nổ cho những hoạt động tấn công tự sát.

Nhưng đồng thời, những thiết bị bay không người lái này cùng lúc chia sẻ thông tin, phối hợp tác chiến, và chuyển tải các thông tin dọ thám và nhắm mục tiêu vào các loại tầu chiến hay máy bay nào có khả năng bắn tên lửa.

Tuy nhiên, theo các nhà chế tạo, việc "thu hút hỏa lực" của kẻ thù có lẽ mới là mục tiêu chính. Các tính toán cho thấy, việc chấp nhận hy sinh một hay hai chiếc Gremlin để phá hủy một hệ thống tên lửa phòng không kẻ thù là một cuộc trao đổi hời. Do vậy, để có thể đánh lừa đối thủ, các nhà hoạch định quân sự Mỹ dự tính cả những chiếc drone phóng từ trên không, có khả năng bắt chước các tín hiệu ra-đa và có nhiệt độ như một chiếc máy bay chiến đấu lớn nhất hay các chiếc oanh tạc cơ.

Để làm được điều này, những chiếc Gremlin đó phải có hình dạng và được chế tạo từ những vật liệu phản xạ thay vì là hấp thụ các ping ra-đa, bằng cách để lộ dấu hiệu nhiệt động cơ. Ảo ảnh này có thể được tăng cường bằng cách để các chiếc drone bay với tốc độ và theo sơ đồ chỉ dẫn của một máy bay cỡ lớn.

C-130 : Lâu đài trên không

Về phần những chiếc "không mẫu hạm cho thiết bị bay", các nhà thiết kế sẽ cho tiến hành cải tạo chiếc máy bay vận tải hạng trung Lockheed C-130 Hercules, có thể chở đến 4 chiếc drone trong những chiếc giá treo bom gắn ngay dưới phần cánh.

Đây giống như là một phi đội bay nhỏ. Số lượng các thiết bị bay không người lái có thể được tăng cường bằng cách thả chúng từ chiến đấu cơ hoặc oanh tạc cơ đi kèm theo cùng. Do vậy, việc triển khai các thiết bị bay không người lái là khá dễ dàng.

Tuy nhiên, theo Dynectics, hãng công nghệ phụ trách dự án, thì phần khó khăn nhất chính là làm thế nào thu hồi các chiếc drone Gremlin. Một hệ thống thu nhặt được thiết kế đặc biệt phù hợp với phần dốc xuống hàng của chiếc C-130. Hiện tại, các chiếc drone GAV vẫn chưa thể bám chặt vào được các giá treo. Lầu Năm Góc hy vọng có thể giải quyết được vấn đề này từ đây đến mùa hè, vào lúc các cuộc thử nghiệm tác chiến hệ thống Gremlin của không quân sẽ chính thức bắt đầu.

Hiện tại, còn có nhiều phiên bản khác nhỏ hơn về ý tưởng này cũng đang được phát triển. Trong số này có dự án của hãng General Atomics (GA), chuyên sản xuất loại drone Predator. Những thiết bị bay không người lái này bắt đầu có dấu hiệu già cỗi, nhưng hãng GA muốn thổi một luồng sinh khí mới bằng cách chế tạo ra một phiên bản mới : Một chiếc không mẫu hạm drone nhỏ hơn cho các loại drone nhỏ hơn có tên gọi là Sparrowhaws, có thể trang bị các thiết bị tình báo, giám sát và trinh sát, các bị gây nhiễu điện tử và có khả năng mang chất nổ.

Những cuộc thử nghiệm đầu tiên loại thiết bị bay quân sự này đã được bắt đầu từ tháng 09/2020 dù rằng Sparrowhawks vẫn chưa được đưa lên máy bay và công ty cũng không giải thích chúng sẽ được thu hồi trên không trung như thế nào !

Youtube phụ họa của Defence Squad, 23/12/2020

(Theo "Aircraft-carriers take to the air", The Economist, 25/03/2021)

Minh Anh lược dịch

Nguồn : RFI, 15/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist, Minh Anh
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)