Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/04/2021

Hậu quả "bẫy nợ" của Trung Quốc sau các hợp đồng vay

Mai Vân - Nguyễn Quốc Vinh

Bị sập bẫy nợ Trung Quốc, Montenegro cầu cứu Liên Hiệp Châu Âu

Mai Vân, RFI, 15/04/2021

Vào năm 2014, bất chấp các khuyến cáo từ phía Liên Hiệp Châu Âu, Cộng hòa Montenegro nhỏ bé vùng Balkan đã vay của Trung Quốc gần một tỷ đô la để xây một tuyến đường cao tốc mà chi phí rất đắt đỏ trong lúc lợi ích kinh tế bị đánh giá là chẳng bao nhiêu. Năm nay ngân sách Montenegro bị cạn kiệt vì Covid-19, đúng vào lúc quốc gia này bắt đầu phải trả nợ. Montenegro đã cầu cứu Liên Âu, kêu gọi Bruxelles giúp trả nợ Trung Quốc. Tuy nhiên, Liên Âu từ chối.

bayno1

Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic (trái) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) bên lề một hội nghị giữa chính phủ Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu, Bắc Kinh, ngày 26/11/2015.  AP - Kim Kyung-Hoon

Theo hãng tin Anh Reuters, hôm 12/04/2021 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu gần như đã chính thức từ chối đáp ứng lời yêu cầu giúp trả nợ của Montenegro, quốc gia có khả năng gia nhập khối Liên Âu trong vài năm tới đây.

Phát biểu tại Bruxelles, một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu cho biết là Liên Hiệp Châu Âu không thể giúp Montenegro trong vấn đề nợ Trung Quốc, nhưng có thể hỗ trợ quốc gia vùng Balkan này trong việc hoàn tất tuyến đường cao tốc đã bắt đầu xây dựng.

Xa lộ Bar-Beograd : Đường cao tốc đắt đỏ nhất thế giới

Tuyến đường cao tốc mà Montenegro bắt đầu xây dựng là một xa lộ dài 145 km, nối liền hải cảng Bar của Montenegro bên bờ biển Adriatic, với thủ đô Beograd của Serbia ở phía bắc.

Theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 12/04, ngay từ đầu, dự án khổng lồ này của tiểu quốc vùng Balkan này đã tạo ra rất nhiều hoài nghi về tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế.  

Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia, và thái độ dè dặt của Liên Hiệp Châu Âu, với hai định chế tài chính lớn là Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu và Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu đều từ chối tài trợ cho dự án, chính quyền Montenegro vào năm 2014 vẫn quyết định xúc tiến việc xây dựng, với 944 triệu đô la vay của Trung Quốc.

Công trình đã được tự động giao cho Tổng công ty Cầu Đường Trung Quốc (CRBC), một công ty mà phần lớn vốn do nhà nước Trung Quốc nắm giữ, mà không cần gọi thầu. Đoạn 41 km đầu tiên nối liền cảng Bar với thành phố Boliare sát biên giới với Serbia sắp hoàn thành, với 20 cây cầu và 16 đường hầm xuyên núi.

Trong thực tế, chi phí xây dựng đã bị đội lên rất cao, và theo ước tính của nhật báo Anh Financial Times, đã lên đến gần 24 triệu đô la (khoảng 20 triệu euro) cho mỗi km. Đối với tờ báo, đây chính là một trong những tuyến đường đắt đỏ nhất thế giới !

Bẫy nợ được giăng ra

Khoản vay gần một tỷ đô la - tương đương với một phần ba số nợ nước ngoài của Montenegro - rất lớn và thời hạn trả nợ đầu tiên sẽ đến trong năm nay. Vấn đề là với dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và đánh gục ngành du lịch, nguồn lợi tức chính của mình, quốc gia vùng Balkan này đang lâm vào tình trạng không có tiền thanh toán.

Theo hợp đồng đã ký kết, nếu không trả được nợ, Montenegro sẽ phải nhượng các phần đất đã thế chấp cho Trung Quốc khi đi vay. Điều đáng nói là khi ký hợp đồng vay, quốc gia vùng Balkan này đã chấp nhận nhiều điều kiện của luật pháp Trung Quốc, không chấp nhận các thủ tục trọng tài.

Trên báo Le Monde, Éric Dor, chuyên gia kinh tế thuộc trường quản lý kinh doanh Pháp IESEG không một chút nghi ngờ về cái bẫy nợ mà Bắc Kinh đã bày ra : "Đường cao tốc Montenegro minh họa cho chiến lược của Trung Quốc ở nhiều nước, bao gồm các nước ở vùng Balkan. Đó là đồng ý tài trợ, với các điều khoản có vẻ có lợi, cho các dự án mà tính hữu ích rất mơ hồ. Lợi thế đối với Trung Quốc là đặt các nước này vào tình thế lệ thuộc, với khả năng cao là chiếm được các tài sản đã được đưa ra để thế chấp cho các khoản cho vay của mình". 

Vì sao Montenegro cầu cứu Châu Âu ? 

Trước nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm, tân chính phủ mới lên cầm quyền tại Montenegro từ tháng 8 năm 2020, sau gần 30 năm thống trị của Đảng Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa, đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ. Trên nhật báo Anh Financial Times ngày 11/04/2021, bộ trưởng tài chính Montenegro Milojko Spajic đã cố gắng thuyết phục rằng việc Liên Hiệp Châu Âu ra tay giúp nước ông trả nợ Trung Quốc sẽ là "một quyết định dễ dàng" và là một "chiến thắng nhỏ" cho Châu Âu trong việc đối phó với "ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc".

Đối với Liên Hiệp Châu Âu, yêu cầu này rất khó thỏa mãn vì làm sao có thể cấp vốn cho một dự án đã từng bị từ chối, bị nhiều định chế tham vấn đánh giá là thiếu cân đối, quá đồ sộ và không có lợi về kinh tế. Thế nhưng Montenegro lại là một ứng viên tương lai gia nhập Liên Âu, có một vị trí chiến lược không thể xem thường. Trên báo Le Monde, chuyên gia Andreas Eisl thuộc viện nghiên cứu Jacques Delors nhận định : "Đây là một lựa chọn chính trị và ngoại giao hơn là một lựa chọn kinh tế cho Liên Hiệp Châu Âu".

Câu trả lời của Ủy Ban Châu Âu hôm 12/04 là một giải pháp dung hòa. Một mặt Bruxelles nêu bật nguyên tắc "không gánh các món nợ mà một nước đi vay của nước khác", nhưng một mặt khác thì sẵn sàng giúp Montenegro hoàn tất việc làm còn dang dở, huy động ngân quỹ dành cho vùng Balkan lên đến 9 tỷ euro.

Hạn chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở vùng Balkan

Việc giúp Montenegro là điều cần thiết để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Balkan. Nhật báo Pháp Les Echos ngày 13/04 đã trích dẫn một báo cáo vào tháng 02/2021 của trung tâm tham vấn Hội đồng Đối ngoại Châu Âu ghi nhận việc "Bắc Kinh rõ ràng là ngày càng mở rộng và tích hợp sự hiện diện của họ trên khắp khu vực Tây Balkan trong nhiều lĩnh vực khác nhau, liên kết với một số lượng ngày càng lớn các tác nhân địa phương".

Báo cáo lưu ý : "Tiến trình này có dấu hiệu đang được đẩy nhanh vào thời điểm mà phương Tây đang có sự đồng thuận về những thách thức đặt ra từ việc Bắc Kinh xâm nhập vào khu vực".

Bài nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến các rủi ro đến từ việc mắc nợ Trung Quốc. Riêng về trường hợp Montenegro, các tác giả bản báo cáo nêu bật hợp tác chặt chẽ giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với Đảng Dân chủ xã hội chủ nghĩa Montenegro, đã bị mất quyền lãnh đạo vào tháng 8/2020 sau ba mươi năm cầm quyền.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 16/04/2021

**********************

Trung Quốc biến các khoản vay thành công cụ bành trướng quyền lực

Nguyễn Quốc Vinh, RFA, 12/2021

"Bẫy nợ" sau các hợp đồng vay

Trung Quốc hiện là "chủ nợ" chính thức lớn nhất thế giới, với các khoản tín dụng trực tiếp và thương mại cấp cho hơn 150 quốc gia mà theo một số ước tính đã lên đến 1.500 tỷ USD. Trung Quốc gần đây cũng luôn bị cáo buộc là đã giăng "bẫy nợ" để bắt chẹt các nước nghèo. Đây là thông tin được công bố trong một báo cáo nghiên cứu mang tựa đề "How China Lends" (tạm dịch "Trung Quốc cho vay như thế nào") được thực hiện bởi 4 trung tâm nghiên cứu gồm 3 cơ sở tại Mỹ là AidData - một cơ quan nghiên cứu của Đại học William&Mary, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung tâm Phát triển Toàn cầu và Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức (1).

vay1

Trụ sở Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh - Reuters

Trung Quốc luôn giữ bí mật về các khoản cho vay vì vậy các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm và phân tích dữ liệu từ 100 hợp đồng cho vay ký kết giữa Trung Quốc với chính phủ 24 quốc gia có thu nhập thấp trong giai đoạn từ năm 2000-2020, với tổng trị giá là 36,6 tỷ USD. Trong số này có 76 khoản vay đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và 8 khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), phần còn lại đến từ các ngân hàng thương mại quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước và trung ương. Các khoản vay đã đến với 47 đối tượng tại Châu Phi, 27 đối tượng tại Mỹ Latinh hoặc Caribe, 11 tại Đông Âu, 10 ở Châu Á và 5 ở Châu Đại Dương. Các nhà nghiên cứu sau đó so sánh các hợp đồng Trung Quốc với 142 hợp đồng mà các quốc gia nói trên ký với các chủ nợ lớn khác để rút ra những chi tiết cụ thể về điều kiện cho vay, có thể nói là mang tính bắt chẹt, mà các định chế của Trung Quốc áp đặt đối với các con nợ.

Các tác giả của nghiên cứu này cho biết : "Các hợp đồng không bao gồm những hứa hẹn công khai về các cảng biển hoặc trữ lượng khoáng sản trong trường hợp vỡ nợ. Nhưng chúng phản ánh hình ảnh một quốc gia hiếu chiến với các điều khoản đặt ra, một quốc gia luôn tìm cách đặt mình ở vị trí vượt trội so với các bên cho vay khác".

Nghiên cứu cũng nêu bật một số điều kiện "không mấy chính đáng" mà Trung Quốc áp dụng. Trước hết là các điều kiện bảo mật khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy của các quốc gia chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển. Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm tiết lộ cả số tiền vay. Điều kiện này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu kín với cả người dân của họ về số tiền mà đất nước phải hoàn trả sớm hay muộn. Tính chất thiếu minh bạch đó cũng khiến các thủ tục tái cơ cấu nợ phức tạp thêm, bởi chủ nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ khó có thể đánh giá mức độ đáng tin hoặc khả năng trả nợ của nước đi vay nếu thiếu một số thông tin.

Trung Quốc còn yêu cầu bên vay tạo các tài khoản ký quỹ hoặc tài khoản đặc biệt với các yêu cầu về số dư tiền mặt mà Trung Quốc có thể thu giữ trong trường hợp vỡ nợ, và còn đưa ra nhiều điều kiện bất thường khác, nổi bật nhất là điều khoản cấm con nợ tham gia việc tái cơ cấu nợ do Câu Lạc Bộ Paris thực hiện. Theo công trình nghiên cứu kể trên, khoảng 3/4 các hợp đồng Trung Quốc bao gồm điều kiện này. Câu lạc bộ Paris là một cơ chế tập hợp 22 quốc gia có nền kinh tế lớn và mức độ tín nhiệm cao cùng tiềm lực tài chính, chuyên cung cấp các dịch vụ cho vay nợ để tái thiết đất nước, nợ ân hạn hoặc giãn nợ, xóa nợ cho các nước khó khăn các quốc gia chủ nợ lớn, đã phát triển một bộ quy tắc để phối hợp các kế hoạch tái cơ cấu hoặc xóa nợ theo hướng công bằng, không tạo thuận lợi cho bất kỳ một chủ nợ nào. Khi cấm con nợ của mình tham gia cơ chế của Câu lạc bộ Paris, Trung Quốc đã phá vỡ nguyên tắc công bằng này, để buộc các con nợ ưu tiên trả nợ cho họ khi có vấn đề.

Một nửa trong số các thỏa thuận do CDB ký kết đều quy định mọi hành động gây bất lợi cho một "thực thể của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" tại quốc gia con nợ đều có thể kích hoạt yêu cầu trả nợ trước thời hạn.

vay2

Trụ sở Ngân hàng Exim Bank Trung Quốc ở Bắc Kinh. Reuters

Ngoài ra, các thỏa thuận còn có một điều khoản quy định rằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao tương đương với vỡ nợ. Khoảng 90% các thỏa thuận mà các nhà nghiên cứu thấy được đều có điều khoản cho phép chủ nợ Trung Quốc yêu cầu hoàn trả tiền trong trường hợp có những thay đổi chính trị hoặc luật pháp đáng kể ở quốc gia con nợ.

Như vậy, rõ ràng Bắc Kinh đã biến tiền cho vay thành một công cụ bành trướng quyền lực. Brad Parks, Giám đốc điều hành của AidData, người đứng đầu nhóm nghiên cứu bình luận : "Những nhà cho vay Trung Quốc hành xử rất giống những chủ nợ thương mại : dùng cơ bắp, hiểu biết về thương mại, những người muốn nợ được trả đúng hạn và có lãi suất".

Giáo sư Anna Gelpern, làm việc tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết vẫn chưa rõ cách các hợp đồng này được thực thi hoặc cách các tài khoản đặc biệt hoạt động trong thực tế. Tuy nhiên, theo bà Gelpern, các đòi hỏi và quyền lợi khác nhau mà Trung Quốc đưa ra trong hợp đồng mang lại cho họ đòn bẩy cho dù họ có chọn thực thi chúng hay không. Theo các tác giả của nghiên cứu, về mặt chính sách, cần phải có một lời kêu gọi nhằm cải thiện tính minh bạch - không chỉ đối với Trung Quốc, mà đối với tất cả các bên cho vay, hầu hết trong số này thường không công khai hợp đồng. Thách thức về tính minh bạch cũng có thể được giải quyết từ phía bên đi vay và các quốc gia có thể được khuyến khích thông qua luật công khai hợp đồng. Các quốc gia nên đưa việc công bố thông tin vào khuôn khổ ủy quyền nợ trong nước vì mục đích hợp pháp và trách nhiệm giải trình trong nước.

Theo bà Gelpern, điều đáng lo ngại là nguy cơ các chủ nợ khác có thể noi gương Trung Quốc nếu biết được các hợp đồng này và yêu cầu thêm tài sản thế chấp hoặc các yêu cầu khác khi cho vay. Nếu điều đó xảy ra, các nước thu nhập thấp đang phải vật lộn với gánh nặng nợ không bền vững sẽ là những nạn nhân phải gánh chịu. 

Một ví dụ cụ thể là Argentina gần đây đã là một minh chứng cho cái gọi là "bẫy nợ" của Trung Quốc. Khi chính phủ mới lên nắm quyền tại Buenos Aires vào năm 2016, họ đã có ý định hủy bỏ 2 dự án xây đập vì lý do môi trường. Tuy nhiên, CDB, một trong ba định chế Trung Quốc cấp vốn cho các dự án, đe dọa sẽ hủy dự án đường sắt vận chuyển nông sản Argentina đến các cảng của Chile bên bờ Thái Bình Dương, nếu các dự án đập này bị hủy bỏ. CDB viện dẫn một điều khoản trong hợp đồng vay nợ, cho phép họ dừng các khoản cho vay trong một dự án nếu bên vay bị vỡ nợ hoặc hủy bỏ một dự án khác của Trung Quốc. Cuối cùng, Argentina đã phải tiếp tục dự án xây dựng các con đập này.

Câu chuyện Việt Nam

Việc Trung Quốc để mắt đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam, đang khiến các chuyên gia lo ngại rằng Việt Nam có thể rơi vào bẫy nợ và phải trả giá cho những thiếu sót trong mô hình phát triển của Trung Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam gần đây đã lưu ý rằng các khoản vay của Trung Quốc có lãi suất hàng năm là 3% so với từ 0 đến 2% đối với các khoản vay từ Hàn Quốc. Các khoản cho vay từ Ấn Độ có lãi suất là 1,7%.

Theo một số chuyên gia, tuy Việt Nam "vẫn chưa đến tình trạng này (tức là bẫy nợ). Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các dự án đầu tư của Trung Quốc".

vay3

Đường sắt Cát Linh Hà Đông do Trung Quốc đầu tư ở Hà Nội bị kéo dài 10 năm và đội vốn hàng trăm triệu đô la. AFP

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch lưu ý rằng các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc, sử dụng thiết bị và công nhân Trung Quốc, tiến độ chậm mà không đảm bảo chất lượng, đẩy chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Vì lý do này, các công ty Việt Nam thường được các công ty Trung Quốc kêu gọi hoàn thành công việc đã bắt đầu (2).

Do Luật Đấu thầu của Việt Nam ưu tiên cho những người bỏ thầu thấp, nhà thầu Trung Quốc thường bỏ thầu với giá rất thấp nên trúng thầu luôn, sau khi trúng thầu thì kéo dài thời gian thi công. Tất nhiên, những công trình này hoặc công trình sẽ tăng giá và đội giá lên gấp nhiều lần so với giá gốc.

Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng vẫn là cho đến nay số nợ của Việt Nam với Trung Quốc là bao nhiêu ? Khó ai có thông tin chính xác về vấn đề này. Có lẽ Việt Nam đã chịu chấp nhận các "điều khoản ép buộc" từ Trung Quốc nên đã không bao giờ công khai thông tin các khoản nợ vay từ Trung Quốc.

Trong một bài viết, Tiến sĩ Vũ Quang Việt - Chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết : "có thể ước nợ Trung Quốc vào năm 2018 đã trên 6 tỉ đô la. Ngân hàng Thế giới tính số nợ nước ngoài của Việt Nam là 86,9 tỉ đô la vào cuối năm 2016. Số nợ Trung Quốc thật sự có thể lớn hơn số trên, vì từ sau năm 2010, Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ công tức là nợ của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh, theo định nghĩa của Việt Nam. Từ 2011, bộ đã chấm dứt công bố nợ nước ngoài bao gồm cả nợ của doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bản hướng dẫn về nội dung quản lý nhà nước đối với vay và trả nợ của doanh nghiệp (03/VBHN-NHNN, 12/7/2017). Như thế về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước nắm được thông tin nhưng không công bố". 

Nguyễn Quốc Vinh

Nguồn : RFA, 12/04/2021

(1) Anna Gelpern, Sebastian Horn, Scott Morris, Brad Parks, and Christoph Trebesch, "How China [cover here] Lends A Rare Look into 100 Debt Contracts with Foreign Governments", DocsAiddata, March 2021

(2) Dipanjan Roy Chaudhury, Vietnam's growing concern with Chinese loans, The Economic Times, 29/11/2018

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Vân, Nguyễn Quốc Vinh
Read 496 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)