Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vương Đình Huệ "hoan nghênh Trung Quốc đầu tư sân bay, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị ở Việt Nam".

bayno1

Vấn đề bẫy nợ từ Trung Quốc như với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một bài học đắt tiền về quản trị Nhà nước

Văn phòng Chính phủ hôm 8/4/2024 đã phát hành Thông báo số 144/TB-VPCP về kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đoạn mở đầu thông báo thì cuộc họp này quy tụ những gương mặt chính khách cụ thể như sau :

"Ngày 27 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng) theo Tờ trình số 1891/TTr-BKHĐT ngày 15 tháng 3 năm 2024 và Báo cáo số 2204/BC-BKHĐT ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ : Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang ; các đồng chí : Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan : Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư".

Đặc biệt, tại bản thông báo kết luận về quy hoạch vùng, thường trực Chính phủ đã yêu cầu "ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội kết nối với Trung Quốc".

Cùng thời gian thường trực Chính phủ họp bàn đưa đến quyết định "ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội kết nối với Trung Quốc", thì ở Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ của Việt Nam đã tuyên bố mạnh miệng rằng : Hoan nghênh Trung Quốc đầu tư sân bay, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị ở Việt Nam.

Thật ra mọi việc trong chuyện trên là kịch bản được soạn thảo. Theo đó, hồi đầu năm nay Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ra thông báo đang làm việc với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai bên tại Lào Cai, triển khai từ năm 2025. Cục đường sắt hai nước sẽ thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận liên Chính phủ về phương án, điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

Dự kiến, dự án sẽ xây dựng đường sắt khổ lồng (1.000 mm và 1.435 mm ; là đường sắt khổ 1.435mm lồng với khổ 1.000mm, có thể chạy đầu máy, toa xe ở cả hai khổ đường trên cùng một tuyến đường sắt đơn), với điểm đầu tại ga Lào Cai (Km294+775) trên tuyến đường sắt khổ 1.000 mm hiện có của đường sắt Việt Nam ; điểm cuối là điểm chính giữa của cầu Hồ Kiều (Trung Quốc) mới. Trong đó, xây dựng mới 2,85 km tuyến đường lồng từ đầu bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều.

Phía Trung Quốc cũng sẽ đầu tư kinh phí xây dựng đường sắt khổ lồng từ ga Hà Khẩu Bắc đến cầu Hồ Kiều mới để nối ray với đường sắt Việt Nam.

Trước đó, dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, hai bên Trung – Việt đã trao đổi về nội dung hỗ trợ nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, cũng như lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng. Hai bên cũng đã trao đổi về việc phối hợp sửa đổi Hiệp định Đường sắt biên giới Việt – Trung thay thế Hiệp định Đường sắt biên giới ký giữa các bên Bộ Giao thông vận tải & Bưu điện Việt Nam và Bộ Đường sắt Trung Quốc năm 1992.

Bình luận nhanh vấn đề, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng cần lưu tâm đến vấn đề bẫy nợ từ Trung Quốc như với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, một bài học đắt tiền về quản trị Nhà nước ; ở đây là trong câu chuyện sử dụng vốn vay ODA.

"Ở dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có một điểm rất kỳ lạ là tổng thầu Trung quốc được phía Việt Nam trao một cơ chế đặc thù, theo đó tổng thầu được phê duyệt thiết kế kỹ thuật do mình làm. Tư vấn giám sát dự án cũng là một đơn vị Trung Quốc – và đơn vị Trung Quốc này đứng ra phê duyệt bản vẽ thi công…", ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.

Làm sao tránh vết xe đổ của Cát Linh – Hà Đông khi ký kết làm ăn từ nhà đầu tư và nguồn vốn vay đều của Trung Quốc là điều mà nhà nước Việt Nam cần tường minh với công chúng.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 15/04/2024

Published in Diễn đàn

Cấp 950 tỷ đô la tín dụng cho thế giới trong 20 năm, phần lớn trong khuôn khổ dự án Một Vành Đai Một Con Đường, nay Trung Quốc bất đắc dĩ trở thành "chiếc phao cuối cùng" cứu các nước nghèo mang nợ chồng chất. Theo báo cáo mới nhất của AidData, từ năm 2008 đến năm 2021, Bắc Kinh cấp 240 tỷ đô la tín dụng giải cứu. Trung Quốc đứng trước nguy cơ sa vào bẫy nợ của chính mình, buộc tham gia đàm phán đa phương "xóa nợ" cho các nước nghèo.

giangno1

Đổi tiền nhân dân tệ tại một chi nhánh ngân hàng Trung Quốc. Reuters - Ảnh minh họa

RFI tiếng Việt mời chuyên gia Isabelle Feng, Đại Học Tự Do Bruxelles, cộng tác viên của trung tâm nghiên cứu về Châu Á, Asia Centre - Paris, giải thích thế nào là "tín dụng khẩn cấp giải cứu" các nước mang nợ và những điểm bất thường trong các hợp đồng gắn kết chủ nợ Trung Quốc với các quốc gia cần vay.

Giải cứu có chọn lọc

Một nhóm chuyên gia thuộc Ngân Hàng Thế Giới (WB), Harvard Kennedy School và Kiel Institute đưa ra những kết luận như sau trong báo cáo AidData công bố hôm 28/03/2023 :

Thứ nhất, tương tự như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Trung Quốc đang trở thành "nhà cung cấp tín dụng sau cùng" trước khi một quốc gia tuyên bố vỡ nợ.

Thứ hai, trong giai đoạn 2008-2021, Trung Quốc đã 280 lượt phải "tung phao cứu" 22 con nợ sắp "chết đuối" và khoản cứu trợ khẩn cấp đó lên tới 240 tỷ vào cuối năm 2021. Thuộc diện cần được giải cứu khẩn cấp nhất bao gồm đủ loại quốc gia, từ Achentina đến Ai Cập, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Pakistan, từ Lào đến Ukraine hay Sri Lanka … Nhưng Bắc Kinh không hào phóng với tất cả các con nợ như nhau, không phải ai cũng được "đưa vào bờ trước khi bị thác nợ cuốn trôi".

Điểm thứ ba là gánh nặng của gói "tín dụng khẩn cấp đó" càng lúc càng lớn so với các khoản tín dụng chung mà Bắc Kinh dành để cho các nước đang phát triển vay mượn, đặc biệt là trong khuôn khổ các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, hợp tác về năng lượng và cùng khai thác khoáng sản trong chương trình Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 - Một Vành Đai Một Con Đường - kết nối Trung Quốc với toàn cầu. AidData đưa ra hai con số cụ thể : năm 2010, "tín dụng khẩn cấp" tương đương với chưa đầy 5% tổng số tiền mà Bắc Kinh cho các nước đang phát triển vay mượn. Tỷ lệ này đến cuối 2021 chiếm 60%.

Giá đắt khi Trung Quốc cấp cứu các con nợ

Sau cùng, báo cáo AidData lưu ý : ngay cả trong vai trò "người cho vay sau cùng", Trung Quốc vẫn làm giàu trên sự tuyệt vọng của các nền kinh tế đang mắc nợ chồng chất. Vào lúc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) cấp tín dụng khẩn cấp với lãi suất 2%, thì Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc để "giải cứu" các con nợ cho vay với lãi suất là 5%. 

Về điểm này, Isabelle Feng Đại Học Tự Do Bruxelles, cộng tác viên trung tâm nghiên cứu về Châu Á Asia Centre - Paris nhắc lại việc truyền thông nói đến hiện tượng Trung Quốc hay IMF giải cứu một nền kinh tế mang nợ quá nhiều, nhưng đó chỉ là cách để bơm thêm tín dụng với lãi suất "nhẹ" cho một quốc gia đã mang nợ chồng chất. Trung Quốc đang "cạnh tranh với IMF để đảm nhiệm vai trò của nguồn cho vay vốn cuối cùng" :

Isabelle Feng : "Cứu trợ : bản thân khái niệm này không báo trước điều gì tốt đẹp cả. Tựa như một con tàu bị mắc cạn cần được giải cứu để tiếp tục hành trình. Ở đây là bơm thêm tiền cho các nền kinh tế đã mang nợ nần chồng chất, tránh để một đất nước bị phá sản. Giải pháp cứu nguy đó là cấp thêm tín dụng khẩn cấp. Vấn đề là Trung Quốc không đòi hỏi bên đi vay những cam kết cải tổ hệ thống cơ cấu, cải tổ hành chính hay là tiết kiệm để vực dậy tài chính. Thêm vào đó, Trung Quốc cấp tín dụng khẩn cấp với giá thường là cao hơn nhiều so với lãi suất của IMF".

Dễ đi vay Trung Quốc ?

Isabelle Feng nhắc lại, từ 20 năm nay, Trung Quốc trở thành chủ nợ hàng đầu của các nước nghèo, gồm 147 nước, các nước này đã vay của Bắc Kinh 950 tỷ đô la. Riêng tại Châu Phi, tình trạng tài chính của các quốc gia trong vùng đã xấu đi do mang nợ Trung Quốc. Khi cấp tín dụng cho bất kỳ một quốc gia nào, Trung Quốc không quan tâm đến những điều kiện của bên đi vay về nhân quyền, quyền lao động, tham nhũng … hay cung cách điều hành đất nước của bên liên quan. Nếu như đấy là những quốc gia bị tham nhũng lũng đoạn và càng lún sâu vào khủng hoảng thì lại càng mắc nợ và Trung Quốc không ngần ngại cho vay thêm dưới dạng tín dụng khẩn cấp như vừa giải thích ở trên. 

Nói như vậy có nghĩa là đi vay Trung Quốc "dễ chịu hơn" là phải cầu viện đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Chẳng hạn như Hy Lạp, trong các đợt khủng hoảng hồi 2010/2011 đã phải vượt qua nhiều thử thách của bộ ba nhà tài trợ (IMF, Liên Hiệp Châu Âu và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE). Cả ba đã bắt Athens cắt giảm chi tiêu công cộng, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước và áp dụng các chương trình thắt lưng buộc bụng một cách triệt để nhằm đổi lấy hai gói hỗ trợ 110 và 130 tỷ euro.

Với Trung Quốc thì khác. Trong nghiên cứu được công bố hồi tháng 11/2022 đăng trên tạp chí kinh tế Economic Policy mang tựa đề "How China Lends : A Rare Look into 100 Debt Contracts with Foreign Governments" (Trung Quốc cho vay mượn như thế nào, từ 100 hợp đồng của Trung Quốc với các chính phủ quốc tế), các tác giả công trình đã đưa ra một số nhận định. Isabelle Feng tóm tắt :

Isabelle Feng : "Các khoản tín dụng khẩn cấp của Trung Quốc có những đặc điểm như sau : trước hết là thiếu minh bạch. Dù vậy một số nhà nghiên cứu Âu, Mỹ đã tìm thấy được một số tài liệu về những hợp đồng giữa chủ nợ Trung Quốc và các con nợ. Đó là những hợp đồng song phương với những điều khoản bí mật. Chẳng hạn như trong hợp đồng có ghi rõ, bên đi vay không được công khai nhìn nhận là họ yêu cầu Bắc Kinh cấp tín dụng. Đó là trường hợp của Congo : trong một thời gian dài, quốc gia này giấu thông tin họ đi vay của Trung Quốc. Lý do là nếu tính luôn cả chủ nợ Bắc Kinh thì Congo vượt quá ngưỡng IMF quy định về một mức nợ an toàn, tức là một ngưỡng nợ mà quốc gia liên quan có thể thanh toán mà không sợ bị phá sản.

Kế tới, hợp đồng để vay tiền của Trung Quốc ghi rõ tín dụng đi vay phải nằm ngoài khuôn khổ chương trình Câu Lạc Bộ Paris - tức là ngoài Trung Quốc ra, không một ai khác có quyền đàm phán hoãn nợ, xóa nợ cho quốc gia liên quan. Bắc Kinh đã đặt điều kiện tín dụng của Trung Quốc không thuộc diện để các thành viên Câu Lạc Bộ Paris có thể phối hợp đàm phán trong một khuôn khổ đa phương".

Khủng hoảng : 300 tỷ đô la nợ khó đòi ?

Thế nhưng từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, dưới tác động của khủng hoảng y tế, tiếp theo sau là chiến tranh Ukraine, giá năng lượng, lương thực tăng cao. Nhiều nước đi vay Trung Quốc càng lúc càng khó thanh toán khoản nợ đáo hạn. Sri Lanka rơi vào khủng chính trị, và đã nhiều lần sang tận Bắc Kinh cầu viện do Trung Quốc nắm giữ đến 19,6% nợ nước của Sri Lanka.

Isabelle Feng : "Đấy chính là mối nguy hiểm. Giờ đây, giới nghiên cứu Trung Quốc bắt đầu báo động. Trong gần một chục năm, đặc biệt là trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa mới, Bắc Kinh mở hầu bao cho vay, cấp tín dụng cho các nước nghèo với khả năng thanh toán nợ khá thấp. Để rồi bây giờ mới vỡ lẽ ra rằng Trung Quốc có thể bị thiệt hại trong các khoản giao dịch tài chính này".

Theo báo cáo của AidData, từ năm 2008 đến năm 2021, Trung Quốc cấp 500 tỷ đô la nợ cho các nước đang phát triển, 240 tỷ trong số đó được cấp dưới dạng "tín dụng khẩn cấp" và "60% vốn Trung Quốc cho vay hiện do các quốc gia đang trong tình trạng khốn đốn nắm giữ". Nói cách khác, khoảng 300 tỷ đô la nợ Bắc Kinh đã cấp cho các nước ngoài thuộc diện mang tính rủi ro cao. Trước tình thế đó, lần đầu tiên Trung Quốc chấp nhận đàm phán đa phương về nợ của các nước nghèo.

Isabelle Feng : "Tái cơ cấu nợ có nghĩa là nước chủ nợ (ở đây là Trung Quốc) có thể cùng với các chủ nợ khác và bên phải đi vay cùng đàm phán về khả năng xóa, hoãn hay giảm nợ cho bên cần được giúp đỡ. Cho đến năm 2020, Bắc Kinh dứt khoán từ chối giải pháp này và Trung Quốc đã không tham gia các cuộc họp tái cơ cấu nợ do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới đồng tổ chức để giúp đỡ một nền kinh tế nào đó, như là Congo, Venezuela hay Sri Lanka, Pakistan …

Nhưng năm 2020 đã có một biến chuyển lớn cùng với dịch Covid. Trung Quốc nhận thấy rằng họ có thể bị rơi vào bẫy nợ do chính mình đã gây ra. Đồng thời, Bắc Kinh không có kinh nghiệm xóa, hoãn, hay giảm nợ . Thí dự như trong trường hợp của Sri Lanka, mắc nợ Trung Quốc quá nhiều, nếu như mà Bắc Kinh khăng khăng từ chối tham gia tiến trình tái cơ cấu nợ cho Sri Lanka, vậy không lẽ để các chủ nợ khác cùng với IMF và World Bank giúp chính quyền Colombo, cho họ vay tín dụng với lãi suất thấp. Để rồi bước kế tiếp là Sri Lanka dùng số tiền đó trả nợ cho Trung Quốc hay sao ? Thành thử Bắc Kinh bắt buộc phải nhập cuộc, để cứu nguy chính những con nợ của mình.

Giúp con nợ vẫn có khả năng thanh toán cũng có lợi cho Trung Quốc. Nếu không thì coi như chủ nợ cũng trắng tay … Từ tháng 03/2023, Bắc Kinh tham gia vào các vòng đàm phán tái cơ cấu nợ cho các nền kinh tế đang mang nợ ngập đầu".

Cũng trong cuộc trả lời dành cho RFI tiếng Việt, Isabelle Feng kết luận : Trung Quốc giờ đây trong thế "đâm lao phải theo lao". Một mặt, tín dụng Bắc Kinh cho các nước ngoài vay trong khuôn khổ dự án Một Vành Đai Một Con Đường đã giảm đi rất mạnh (năm 2017 là gần 28 tỷ đô la, nhưng cho cả năm 2022 Bắc Kinh chi ra chưa đầy 2 tỷ). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng ý thức được là thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý nợ của các nước ngoài.

Một lý do khác nữa khiến Trung Quốc bắt buộc phải cứu các nước đang mang nợ mình là yếu tố chính trị. Thí dụ như trong quan hệ với Châu Phi, Trung Quốc muốn đưa ra một hình ảnh "khác với các cường quốc thực dân Châu Âu" xưa kia, cho nên cũng phải cố gắng "rót thêm tiền" vào Châu lục này. Hơn nữa, như chính giám đốc Viện Khoa Học Xã Hội Bắc Kinh, bà Yao Guimei, ghi nhận trong một hội thảo hồi tháng 5/2022 : cho Châu Phi vay tín dụng là một cách nhằm "mua chuộc lá phiếu" của Châu lục này. Điều đó lại càng có ý nghĩa hơn khi mà Bắc Kinh lao vào một cuộc đối đầu với Mỹ và có tham vọng trở thành một "siêu cường thế giới về mọi mặt".

Cùng lúc, Bắc Kinh bắt đầu phản công trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về "bẫy nợ Trung Quốc". Qua việc tham gia các tiến trình đàm phán đa phương "giải cứu" các nước nghèo, bộ Ngoại Giao Trung Quốc một mặt chứng minh Bắc Kinh là một đối tác có trách nhiệm với thế giới, mặt khác đả kích các ngân hàng trung ương Châu Âu, Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo đẩy các nước nghèo vào cảnh thêm khốn khổ để vẫn phải dựa vào chủ nợ lớn nhất thế giới !

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 04/04/2023

Published in Diễn đàn

Thêm hai nước Đông Nam Á trước "bẫy nợ Trung Quốc". Là chủ nợ chính của Lào, là điểm tựa tài chính gần như duy nhất của tập đoàn quân sự Miến Điện và vì lợi ích chính trị và chiến lược, Vientiane và Naypyidaw sẽ không bị Trung Quốc "bỏ rơi". Nhà nghiên cứu Olivier Guillard, trung tâm nghiên cứu về châu Á CERIAS trường đại học Québec-Montréal, phân tích về hai trường hợp rất khác nhau của Lào và Miến Điện trước cùng một chủ nợ.

bayno1

Ảnh minh họa tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, trong khuôn khổ dự án BRI, băng qua một cây cầu sông Dương Tử (Yuanjiang), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh do Tân Hoa Xã đăng ngày 03/12/2021. AP - Wang Guansen

7 triệu dân và gánh nợ 6 tỷ đô la

Chỉ vì ham lợi từ một dự án đường sắt nối liền thủ đô Vientiane với thành phố Côn Minh, hơn 7 triệu dân Lào mang nợ Trung Quốc 6 tỷ đô la Mỹ. Nếu như Vientiane và Bắc Kinh cùng xem tuyến đường sắt này là bệ phóng cho ngành du lịch sau những năm tháng khủng hoảng y tế Covid, thì trái lại các nhà quan sát đồng loạt nói đến một công trình được xây trên "núi nợ" : Lào tự túc tài trợ cho dự án 30 % - 70 % còn lại là vốn đi vay của Trung Quốc.

Tuyến đường sắt nối liền Côn Minh của Trung Quốc với thủ đô Vientiane chỉ là một trong số rất nhiều kế hoạch đầu tư trong khuôn khổ Một Vành Đai Một Con Đường OBOR còn được gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới của thế kỷ 21 kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Trung Quốc hiện nắm giữ gần một nửa nợ nước ngoài của chính quyền Vientiane theo như thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới hồi tháng 4/2022. Hiện tại Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng gần 16,5 tỷ đô la tại quốc gia Đông Nam Á này, qua hơn 800 dự án, chủ yếu là trong ngành địa ốc và thủy điện. Chỉ một mình công ty điện lực quốc gia Lào hút 30 % tổng số nợ công của cả nước.

Tháng 6/2022 tình hình kinh tế của Lào đột ngột xấu đi : lạm phát tăng 23 % so với cùng thời kỳ năm ngoái, giá xăng nhân lên gấp đôi trong lúc hóa đơn khí đốt đắt hơn so với hồi 2021 đến 70 %. Nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này : một là Covid và hai là việc Nga xâm chiếm Ukraina đẩy giá nông phẩm, nguyên liệu xăng dầu lên cao.

Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Olivier Guillard thuộc trung tâm nghiên cứu về châu Á CERIAS trường đại học Québec-Montréal, Canada nhắc lại : tương tự như nhiều quốc gia đang phát triển, như là Pakistan hay Sri Lanka, trước đây, Lào và  Miến Điện cùng cầu viện chủ nợ chính là Trung Quốc. Bắc Kinh đã phớt lờ kêu gọi triển hạn nợ cho chính quyền Colombo, để rồi Sri Lanka lâm vào khủng hoảng cả về kinh tế lẫn chính trị nghiêm trọng nhất từ nhiều thập niên qua. Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan tháng Giêng 2022 đã điều đình với ông Tập Cận Bình về một khoản viện trợ nào đó nhưng đã ra về tay không và ba tháng sau chính phủ của ông bị lật đổ. Lào và Miến Điện thì sẽ may mắn hơn. Olivier Guillard giải thích :

Olivier Guillard  : "Bắc Kinh nhận tất cả những lời thỉnh cầu của các con nợ và cứu xét tùy theo từng hồ sơ. Mức độ ưu tiên tùy thuộc vào khả năng thanh toán, vào cơ hội để phục vụ quyền lợi của Trung Quốc về lâu dài nhất là nhìn từ góc độ chiến lược. Tất cả các quốc gia mang nợ phải cầu khẩn Bắc Kinh đều là những đối tác chính trị, kinh tế hay chiến lược của Trung Quốc. Thí dự như trong trường hợp của Lào ở Đông Nam Á hay Pakistan tại Nam Á: trong khuôn khổ dự án Vành Đai Con Đường, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào hai quốc gia này. Với Pakistan, Bắc Kinh cam kết hơn 60 tỷ đô la cho các công trình cơ sở hạ tầng. Với Lào, thì quan trọng nhất đến nay là công trình xây dựng đường xe lửa cao tốc đi từ Côn Minh đến Vientiane, tốn hơn 6 tỷ đô la. Trước Covid, kinh tế Lào rất năng động với khoảng 6-7 % tăng trưởng một năm, nhưng tất cả đã bị chựng lại vì khủng hoảng y tế và giờ đây là do tình hình thế giới.

Lào là một nền kinh tế nhỏ hơn nhiều so với Miến Điện, với khoảng 7 triệu dân. Một trong những hoạt động cột trụ là thủy điện. Trong những năm gần đây, Vientiane đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực này, chủ yếu là nhờ vốn của Trung Quốc. Trước đại dịch, kinh tế Lào hoạt động khá tốt. Nhưng dịch Covid đã làm thay đổi cục diện và chính quyền nước này bắt đầu mất khả năng thanh toán nợ đáo hạn. Vientiane phải cầu cứu chủ nợ chính là Trung Quốc và kể cả các định chế tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế".

Tài nguyên của Miến Điện, tài sản của Trung Quốc

Trường hợp của Miến Điện thì khác : đây là một quốc gia có 55 triệu dân, và khoảng 2.000 km đường biên giới chung với Trung Quốc, sát cạnh Vân Nam, một trong những tỉnh kém phát triển nhất tại Hoa Lục. Từ năm 1988 Miến Điện là cửa ngõ tiêu thụ hàng sản xuất từ các nhà máy ở Vân Nam. Trong 15 năm, GDP của tỉnh này đã được nhân lên gấp ba lần. Lợi thế thứ nhì của Miến Điện là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ các mỏ ngọc thạch đến đất hiếm. Theo tuần báo Courrier International số ngày 22/07/2022, đành rằng Trung Quốc độc quyền kiểm soát thị trường kim loại hiếm, chiếm 60 % kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng đối với một số mặt hàng trong danh sách này, như là dysprosium, gadolinium, hay terbium thuộc dòng đất hiếm nặng, thì Miến Điện mới là nguồn cung cấp số 1 cho thế giới. Điều ít biết đến là Miến Điện "gia công" cho Trung Quốc trên một thị trường mà 80 % sản lượng là để phục vụ cho các nhà sản xuất của Mỹ.

Bên cạnh đó sự gần gũi về mặt chính trị giữa tập đoàn quân sự Miến Điện với chính quyền Bắc Kinh cũng là những yếu tố khiến Trung Quốc còn tiếp tục đổ thêm tiền vào quốc gia Đông Nam Á này như phân tích của nhà nghiên cứu Olivier Guillard :

Olivier Guillard : "Tập đoàn quân sự Miến Điện có quan hệ rất tốt với Trung Quốc cả về chính trị lẫn chiến lược. Đối thoại giữa Naypyidaw với Bắc Kinh nhờ vậy thuận lợi, nhất là Trung Quốc tới nay là một trong những điểm tựa ngoại giao hiếm hoi của giới tướng lĩnh cầm quyền Miến Điện. Tại quốc gia Đông Nam Á này, Trung Quốc đã đầu tư vào một công trình xây dựng đường ống dẫn dầu, để giảm thiểu áp lực ở khu vực eo biển Malaka và bên cạnh đó còn có khá nhiều những dự án khai thác năng lượng, quặng mỏ và xây dựng hải cảng, sân bay. Miến Điện là một trong những con nợ mà Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giúp đỡ và Bắc Kinh sẽ là một trong số rất ít những nhà tài trợ quốc cấp thêm tín dụng cho Naypyidaw. Có một sự "gần gũi" về mặt chính trị giữa Trung Quốc với tập đoàn quân sự Miến Điện".

Nợ, một công cụ phục vụ lợi ích chính trị của Bắc Kinh

Nói cách khác, nhìn từ góc độ kinh tế, chính trị đến địa chính trị cũng đủ thấy là Trung Quốc sẽ còn tiếp tục hỗ trợ Miến Điện. Có điều Miến Điện hay Lào chỉ là hai trong số 163 quốc gia kém phát triển trên thế giới đi vay Trung Quốc. Mùa thu năm ngoái đại học Mỹ William&Mary, bang Virginia công bố một báo cáo về tình trạng nợ nần của các nước nghèo với một chủ nợ duy nhất là Trung Quốc.

Theo tài liệu này trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới Bắc Kinh phân phát 850 tỷ đô la tín dụng cho các nước nghèo. Trung Quốc nắm giữ một khoản tín dụng tương đương với hơn 10 % GDP của 40 trong số 163 quốc gia kém phát triển nhưng đã hăng hái tham gia dự án OBOR còn được gọi là BRI. Báo cáo cuối 2021 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thẩm định 36 nước đang mang nợ Trung Quốc có nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài.

Gần một chục năm sau ngày Bắc Kinh khởi động sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường một số tiếng nói không ngần ngại cho rằng Trung Quốc đã "làm giàu trên xương máu của những ngước nghèo". Chuyên gia về Nam Á và Đông Nam Á Olivier Guillard trung tâm nghiên cứu CERIAS đại học Canada phân tích :

Olivier Guillard : "Nhiều quốc gia trên thế giới tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, đó là một điều chắc chắn và không thể phủ nhận. Trong trường hợp của các nước đã đi vay nợ Trung Quốc, kinh tế đã sa sút hẳn so với 5 hay 7 năm trước đây : Pakistan lao đao vì tài chính. Sri Lanka thì như đã thấy trong thời gian gần đây. Một số vấn đề khác cũng đã được phát hiện tại Nepal, Bangladesh. Miến Điện là một trường hợp cá biệt : kinh tế sụp đổ do tác động từ cuộc đảo chính của bên quân đội tiến hành. Phần lớn các quốc gia ‘đối tác’ của Trung Quốc đều thất vọng. Tại một số nơi, dân chúng chống đối mạnh mẽ các dự án đầu tư của Trung Quốc bởi vì các chương trình đó chỉ có lợi cho phía Trung Quốc mà thôi. Bản thân Bắc Kinh cũng đã rút lại một số kế hoạch đầu tư : thí dụ như có 8 hay 9 chương trình tại Bangladesh đã bị hủy. Nhiều quốc gia cho rằng OBOR là nguyên nhân gây ra khó khăn cho các nước nhận đầu tư của Trung Quốc. Dân chúng ‘nổi dậy’ trước cái mà họ gọi là ‘bẫy nợ’ Trung Quốc".

Tín dụng Trung Quốc, một chiếc hộp đen

Mùa xuân 2021 bốn viện nghiên cứu của Mỹ và Đức khám phá một "kho tàng" tài liệu mật liên quan đến hàng trăm dự án đầu tư do Trung Quốc tài trợ tại 24 quốc gia có thu nhập thấp. Theo các tài liệu đó, trong giai đoạn 2000-2020 Bắc Kinh đã cấp 36,6 tỷ đô la tín dụng cho các quốc gia này trong những "điều kiện lạ lùng". Chẳng hạn như số tiền đi vay và các điều khoản để nhận được đầu tư của Trung Quốc đều thuộc phạm trù "bí mật". Bắc Kinh cũng đòi các đối tác đi vay, phải cam kết "không tham gia Câu Lạc Bộ Paris". Đó là một tổ chức quy tụ nhiều nước lớn trên thế giới có thẩm quyền triển hạn hoặc xóa nợ cho các quốc gia mất khả năng thanh toán. Hay chí ít đó cũng là một không gian để các nước đi vay đàm phán lại với chủ nợ.

Một điều kiện bất thường không kém là gần một nửa các hợp đồng tín dụng nói trên liên quan đến một chủ nợ là Ngân hàng Phát Triển Trung Quốc. Các văn bản ghi rõ định chế này hoàn toàn có quyền đòi được trả nợ trước thời hạn nếu như con nợ "có lập trường hay hành vi làm tổn hại đến một cơ quan của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa". Sau cùng bốn viện nghiên cứu của Mỹ và Đức cũng đã tìm thấy một chi tiết thú vị khác trong các hợp đồng được giữ kín nói trên theo đó : cắt đứt bang giao với Bắc Kinh mặc nhiên đẩy con nợ của Trung Quốc vào cảnh mất khả năng thanh toán. 

Các viện AidData thuộc Đại Học William&Mary, Center for Global Development, Peterson Institute for International Economics của Hoa Kỳ và World Economics của Đức đồng đưa ra nhận định : Nợ là công cụ phục vụ lợi ích chính trị, kinh tế và chiến lược của chính quyền Bắc Kinh.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 30/08/2022

Published in Diễn đàn

Bắt kịp Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh, lôi kéo các nền kinh tế đang phát triển ra khỏi vòng kềm tỏa kinh tế và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc, giành lại vị trí đầu tàu thế giới của các nền dân chủ : đó là động lực thúc đẩy 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới đề xuất sáng kiến Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn.

b3w1

Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh đặt các nền kinh tế đang phát triển vào vòng kềm tỏa kinh tế và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc

Không phải tình cờ mà "phát triển cơ sở hạ tầng" cho các nước nghèo là mục tiêu mà cả Trung Quốc lẫn phương Tây cùng nhắm tới. Sáu năm sau Sáng kiến Một vành đai một con đường (Belt and Road Initiative–BRI) của Trung Quốc, G7 đề xuất kế hoạch "Xây dựng lại Một thế giới tốt đẹp hơn (Build Back Better World  – B3W)".

B3W bao gồm những gì ? Đâu là tính khả thi của một dự án còn khá mơ hồ và trước mắt các nước kém phát triển đánh giá thế nào về thông báo của khối G7 đưa ra hôm 13/06/2021 nhân thượng đỉnh tổ chức tại Cornwall Anh Quốc ?

Nội dung chưa nhiều

Trả lời RFI Việt ngữ, Antoine Bondaz, chuyên gia về khu vực Đông Bắc Á, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation de recherche stratégique-FRS) của Pháp nhấn mạnh đến một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng của các nền dân chủ :

Antoine Bondaz : "Đây là một sáng kiến được Mỹ yểm trợ và đã được thông báo trong khuôn khổ thượng đỉnh G7, tức là có sự đồng thuận đa phương. Mục tiêu đề ra là tạo điều kiện cho các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nước kém phát triển có phương tiện xây dựng cở hạ tầng. Trong đó bao gồm từ các chương trình xây dựng hệ thống đường xá đến bệnh, viện trường học… Hiện tại, nhu cầu của các nước nghèo ước tính lên tới 40 ngàn tỷ đô la. Từ nhiều năm nay Trung Quốc dùng lá bài BRI- Sáng kiến Một vành đai một con đường, hay còn gọi là dự án Con Đường Tơ Lụa mới của thế kỷ 21, để đáp ứng nhu cầu to lớn đó".

Thuần túy về kinh tế, B3W được đưa trong bối cảnh cả thế giới phải khắc phục hậu quả tai hại dịch Covid-19 gây ra. Nếu như cụm từ "phát triển cơ sở hạ tầng" được coi là cột sống của dự án thì cụ thể hơn sáng kiến vừa được bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới đề xuất dành ưu tiên giúp các nước nghèo trong ba lĩnh vực : khí hậu, y tế, phát triển công nghệ kỹ thuật số. Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích thêm :

 Antoine Bondaz :"Hiện tại chưa có nhiều thông tin cụ thể về B3W. Chỉ biết rằng đây là một kế hoạch đa chiều, một sáng kiến của các nước dân chủ với nguyên tắc là các dự án đầu tư phải được minh bạch. Đó cũng phải là những chương trình hợp lý về mặt tài chính, tránh đẩy các nước nghèo vào cảnh nợ nần quá đáng. Các dự án đầu tư thực hiện trong khuôn khổ B3W sẽ tôn trọng các thỏa thuận về khí hậu, môi trường. Chẳng hạn như các dự án năng lượng sạch sẽ được ưu tiên. Nhược điểm của B3W trước mắt là các bên chưa đưa ra những con số cụ thể về cách tài trợ cho chương trình này. Riêng về phía Hoa Kỳ, Washington đã có hẳn một ngân sách viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước nghèo và chính quyền Biden đang vận động Quốc hội để tăng thêm ngân sách cho khâu này".

Để so sánh, báo cáo gần đây nhất của Refinitiv, một tổ hợp Anh Mỹ chuyên cung cấp các thông tin cho các thị trường tài chính cho biết tính đến giữa năm ngoái, đã có hơn 100 quốc gia hưởng ứng sáng kiến Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc, để mở rộng các "kênh kết nối" từ đường sắt đến hàng hải, từ các hệ thống giao thông đường bộ đến tất cả những "công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác". Tổng cộng BRI của Trung Quốc quy tụ được hơn 2.600 dự án đầu tư với tổng trị giá 3.700 tỷ đô la.

Địa chính trị mới là sân chơi chính

Vậy thì vào lúc sáng kiến B3W của Nhật Bản và phương Tây mới chỉ là một đề xuất, chắc chắn mục đích G7 vừa qua nhắm tới là về địa chính trị. Chuyên gia Pháp, Antoine Bondaz nhấn mạnh đến một sự đối đầu giữa hai mô hình "Xây Dựng Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn" và "Con Đường Tơ Lụa" mới :

Antoine Bondaz : "Mục đích địa chính trị quá rõ ràng. Thông cáo của Nhà Trắng kết thúc thượng đỉnh G7 vừa qua, ngay ở khổ đầu tiên đã nêu đích danh Trung Quốc và Con Đường Tơ Lụa mới của Bắc Kinh. Sáng kiến của Trung Quốc đã được công bố vào năm 2013 và đã chính thức đi vào hoạt động hai năm sau đó. Dự án của nhóm G7 nhắm trực tiếp vào chương trình Một vành đai một con đường của Trung Quốc và mở ra một cánh cổng thứ nhì cho các nước đang phát triển, để số này không lệ thuộc vào các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Tuy nhiên điều hết sức quan trọng cần nói ở đây là ở thời điểm hiện tại, G7 là nguồn tài trợ quan trọng nhất giúp các nước nghèo mở rộng cơ sở hạ tầng. Trong lĩnh vực này, Nhật Bản từ lâu nay là quốc gia năng động nhất. Trong vùng Đông Nam Á, Nhật Bản dẫn đầu bảng, đặc biệt là trong trường hợp ở Việt Nam. Đừng quên rằng những đóng góp của khối 7 nước công nghiệp phát triển cao hơn rất nhiều so với của Trung Quốc. Do vậy sáng kiến B3W nhằm nhắc nhở lại điều cơ bản đó đồng thời chứng minh rằng các nước dân chủ và phát triển không để cho Trung Quốc độc quyền giúp đỡ các nước chậm tiến".

Không dễ thuyết phục

Từ 2014 khi Sáng kiến Một vành đai một con đường của Trung Quốc bắt đầu hình thành, chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama đã ghi nhận "đây là bước đầu tiên để trọng tâm của thế giới chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc" : trong số 100 quốc gia hưởng ứng sáng kiến Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ 21, có nhiều nước phương Tây, đứng đầu trong số này là Anh, Pháp hay Đức. Đi kèm với dự án này Trung Quốc đã lập ra Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á AIIB trong đó 1/3 vốn là của Trung Quốc. Về thực chất đây là công cụ tài chính của Bắc Kinh để thực hiện các dự án trong khuôn khổ chương trình Một vành đai một con đường, kết nối Trung Quốc với các nước, từ Indonesia ở Châu Á đến Ethiopia ở Châu Phi, từ Kazakhstan ở Trung Á đến tận cảng Hamburg của Đức.

"Cơ sở hạ tầng", một từ khóa

Bắc Kinh sở dĩ quan tâm đến các dự án "cơ sở hạ tầng" trước hết là để phục vụ cỗ máy kinh tế của Trung Quốc. Các mục tiêu của Trung Quốc gồm tìm kiếm những thị trường mới cho các tập đoàn từ sản xuất hàng thủ công đến các đại tập đoàn công nghiệp, hay ngành xây dựng của Trung Quốc, bảo đảm các nguồn cung cấp nguyên liệu cần thiết cho "công xưởng lớn nhất thế giới". Nhưng mục tiêu thứ ba và có lẽ đây mới là một vế quan trọng đó là mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh về mặt địa chính trị : AIIB từng bước lấp vào chỗ trống mà các định chế tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân Hàng Thế Giới thậm chí cả Ngân Hàng Phát Triển Châu Á để lại. Các dự án từ khai thác cảng Piraeus Hy Lạp hay xây dựng đường xa lộ cho Montenegro… là những cánh cổng vào Châu Âu "danh chính ngôn thuận" cho Trung Quốc. Không ít thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu đã hưởng ứng dự án Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc. Còn Ý thì đã là thành viên đầu tiên trong khối G7 đặt bút ký vào thỏa thuận Một vành đai một con đường, giúp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ghi được một bàn thắng trong cuộc đọ sức với tổng thống Mỹ thời đó là Donald Trump. Do vậy không chắc là dự án B3W lần này sớm trở thành hiện thực.

Thận trọng đón nhận B3W

Thế còn về phía các nước đang phát triển thì sao ? Trước mắt số này thận trọng hoan nghênh sáng kiến của các nước dân chủ. Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp cho biết :

Antoine Bondaz : "Về phía các quốc gia có thể nhận được viện trợ của G7, đương nhiên họ đã phản ứng một cách tích cực. Số này trông thấy một giải pháp khác cho phép giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên các nền kinh tế này chờ xem dự án B3W cụ thể bao gồm những gì và đóng góp tài chính của phương Tây sẽ là bao nhiêu. Riêng Bắc Kinh đã mau mắn phản ứng : Trung Quốc mỉa mai tuyên bố "hài lòng" về sáng kiến của phương Tây quan tâm đến các nước nghèo và G7 đã đi chậm hơn Trung Quốc vài năm. Trước các nền công nghiệp phát triển, Trung Quốc đã giúp đỡ các nước chậm tiến. Chữ giúp đỡ ở đây cần phải được giải thích thêm và đặt lại trong bối cảnh chung".

Antoine Bondaz giải thích rõ hơn về hai chữ "giúp đỡ" mà Bắc Kinh thường xuyên rao giảng :

Antoine Bondaz : "BRI – Dự án Một vành đai một con đường được đưa ra theo hai giai đoạn. Đầu tiên hết là được thông báo vào năm 2013 tại Indonesia rồi tại Kazakhstan. Đến 2015 Trung Quốc bắt đầu thực hiện. Đây không là một cử chỉ cho không. Bắc Kinh cấp tín dụng cho các nước đang phát triển để giúp họ xây dựng cơ sở hạ tầng. Về phía các nước tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa mới thế kỷ 21 kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, thì số này trở thành con nợ của Bắc Kinh. Để xây dựng các công trình đồ sộ trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đô la, các quốc gia này phải đi vay tín dụng của Trung Quốc, phải huy động thêm cả vốn được Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cấp cho trong khuôn khổ các chương trình viện trợ phát triển. Họ cũng phải huy động luôn cả tín dụng vay của Mỹ hay Châu Âu trong các chương trình cộng tác song phương.

Nói tóm lại Bắc Kinh quảng bá rầm rộ cho dự án Một vành đai một con đường BRI và đã thành công vì tới nay đây là một trong những chính sách đối ngoại hiếm hoi được cả thế giới biết đến. Nhưng về thực chất của viện trợ phát triển, G7 mới là nguồn tài trợ quan trọng nhất. Điểm thứ nhì là rất, rất nhiều những dự án đầu tư của Bắc Kinh diễn ra một cách mờ ám để cuối cùng, các nước đi vay, rơi vào bẫy nợ Trung Quốc. Điển hình là trường hợp của Montenegro đang phải cầu cứu Châu Âu giúp đỡ để trả nợ cho Trung Quốc và đang xin khất nợ với Bắc Kinh".

Bài học TPP còn đó

B3W hay Xây Dựng Lại Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn tới nay mới chỉ là một sáng kiến được nhóm G7, gồm Mỹ, Canada, Nhật, và bốn nước Châu Âu là Anh, Pháp, Đức và Ý đề xuất. Bản thân nước Ý đã tham gia dự án Một vành đai một con đường của Trung Quốc và Roma không dễ thay đổi lập trường. Bản thân Châu Âu thì luôn trong cảnh "9 người, 10 ý". Còn nước Mỹ là một nền dân chủ với lá phiếu có thể thay đổi cục diện chính trị của đất nước. Chỉ cần thay đổi chính quyền, ngay cả những hiệp định mà Washington từng đặt bút ký vẫn có thể bị hủy bỏ. Điều đã được chứng minh với thỏa thuận hạt nhân Iran và nhất là hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP khi Hoa Kỳ từng đóng vai trò đầu tầu để rồi cũng nước Mỹ đã rút lui khỏi những hiệp định "lịch sử" và "đầy tham vọng" đó.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 22/06/2021

Published in Diễn đàn

Bị sập bẫy nợ Trung Quốc, Montenegro cầu cứu Liên Hiệp Châu Âu

Mai Vân, RFI, 15/04/2021

Vào năm 2014, bất chấp các khuyến cáo từ phía Liên Hiệp Châu Âu, Cộng hòa Montenegro nhỏ bé vùng Balkan đã vay của Trung Quốc gần một tỷ đô la để xây một tuyến đường cao tốc mà chi phí rất đắt đỏ trong lúc lợi ích kinh tế bị đánh giá là chẳng bao nhiêu. Năm nay ngân sách Montenegro bị cạn kiệt vì Covid-19, đúng vào lúc quốc gia này bắt đầu phải trả nợ. Montenegro đã cầu cứu Liên Âu, kêu gọi Bruxelles giúp trả nợ Trung Quốc. Tuy nhiên, Liên Âu từ chối.

bayno1

Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic (trái) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) bên lề một hội nghị giữa chính phủ Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu, Bắc Kinh, ngày 26/11/2015.  AP - Kim Kyung-Hoon

Theo hãng tin Anh Reuters, hôm 12/04/2021 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu gần như đã chính thức từ chối đáp ứng lời yêu cầu giúp trả nợ của Montenegro, quốc gia có khả năng gia nhập khối Liên Âu trong vài năm tới đây.

Phát biểu tại Bruxelles, một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu cho biết là Liên Hiệp Châu Âu không thể giúp Montenegro trong vấn đề nợ Trung Quốc, nhưng có thể hỗ trợ quốc gia vùng Balkan này trong việc hoàn tất tuyến đường cao tốc đã bắt đầu xây dựng.

Xa lộ Bar-Beograd : Đường cao tốc đắt đỏ nhất thế giới

Tuyến đường cao tốc mà Montenegro bắt đầu xây dựng là một xa lộ dài 145 km, nối liền hải cảng Bar của Montenegro bên bờ biển Adriatic, với thủ đô Beograd của Serbia ở phía bắc.

Theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 12/04, ngay từ đầu, dự án khổng lồ này của tiểu quốc vùng Balkan này đã tạo ra rất nhiều hoài nghi về tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế.  

Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia, và thái độ dè dặt của Liên Hiệp Châu Âu, với hai định chế tài chính lớn là Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu và Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu đều từ chối tài trợ cho dự án, chính quyền Montenegro vào năm 2014 vẫn quyết định xúc tiến việc xây dựng, với 944 triệu đô la vay của Trung Quốc.

Công trình đã được tự động giao cho Tổng công ty Cầu Đường Trung Quốc (CRBC), một công ty mà phần lớn vốn do nhà nước Trung Quốc nắm giữ, mà không cần gọi thầu. Đoạn 41 km đầu tiên nối liền cảng Bar với thành phố Boliare sát biên giới với Serbia sắp hoàn thành, với 20 cây cầu và 16 đường hầm xuyên núi.

Trong thực tế, chi phí xây dựng đã bị đội lên rất cao, và theo ước tính của nhật báo Anh Financial Times, đã lên đến gần 24 triệu đô la (khoảng 20 triệu euro) cho mỗi km. Đối với tờ báo, đây chính là một trong những tuyến đường đắt đỏ nhất thế giới !

Bẫy nợ được giăng ra

Khoản vay gần một tỷ đô la - tương đương với một phần ba số nợ nước ngoài của Montenegro - rất lớn và thời hạn trả nợ đầu tiên sẽ đến trong năm nay. Vấn đề là với dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và đánh gục ngành du lịch, nguồn lợi tức chính của mình, quốc gia vùng Balkan này đang lâm vào tình trạng không có tiền thanh toán.

Theo hợp đồng đã ký kết, nếu không trả được nợ, Montenegro sẽ phải nhượng các phần đất đã thế chấp cho Trung Quốc khi đi vay. Điều đáng nói là khi ký hợp đồng vay, quốc gia vùng Balkan này đã chấp nhận nhiều điều kiện của luật pháp Trung Quốc, không chấp nhận các thủ tục trọng tài.

Trên báo Le Monde, Éric Dor, chuyên gia kinh tế thuộc trường quản lý kinh doanh Pháp IESEG không một chút nghi ngờ về cái bẫy nợ mà Bắc Kinh đã bày ra : "Đường cao tốc Montenegro minh họa cho chiến lược của Trung Quốc ở nhiều nước, bao gồm các nước ở vùng Balkan. Đó là đồng ý tài trợ, với các điều khoản có vẻ có lợi, cho các dự án mà tính hữu ích rất mơ hồ. Lợi thế đối với Trung Quốc là đặt các nước này vào tình thế lệ thuộc, với khả năng cao là chiếm được các tài sản đã được đưa ra để thế chấp cho các khoản cho vay của mình". 

Vì sao Montenegro cầu cứu Châu Âu ? 

Trước nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm, tân chính phủ mới lên cầm quyền tại Montenegro từ tháng 8 năm 2020, sau gần 30 năm thống trị của Đảng Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa, đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ. Trên nhật báo Anh Financial Times ngày 11/04/2021, bộ trưởng tài chính Montenegro Milojko Spajic đã cố gắng thuyết phục rằng việc Liên Hiệp Châu Âu ra tay giúp nước ông trả nợ Trung Quốc sẽ là "một quyết định dễ dàng" và là một "chiến thắng nhỏ" cho Châu Âu trong việc đối phó với "ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc".

Đối với Liên Hiệp Châu Âu, yêu cầu này rất khó thỏa mãn vì làm sao có thể cấp vốn cho một dự án đã từng bị từ chối, bị nhiều định chế tham vấn đánh giá là thiếu cân đối, quá đồ sộ và không có lợi về kinh tế. Thế nhưng Montenegro lại là một ứng viên tương lai gia nhập Liên Âu, có một vị trí chiến lược không thể xem thường. Trên báo Le Monde, chuyên gia Andreas Eisl thuộc viện nghiên cứu Jacques Delors nhận định : "Đây là một lựa chọn chính trị và ngoại giao hơn là một lựa chọn kinh tế cho Liên Hiệp Châu Âu".

Câu trả lời của Ủy Ban Châu Âu hôm 12/04 là một giải pháp dung hòa. Một mặt Bruxelles nêu bật nguyên tắc "không gánh các món nợ mà một nước đi vay của nước khác", nhưng một mặt khác thì sẵn sàng giúp Montenegro hoàn tất việc làm còn dang dở, huy động ngân quỹ dành cho vùng Balkan lên đến 9 tỷ euro.

Hạn chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở vùng Balkan

Việc giúp Montenegro là điều cần thiết để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Balkan. Nhật báo Pháp Les Echos ngày 13/04 đã trích dẫn một báo cáo vào tháng 02/2021 của trung tâm tham vấn Hội đồng Đối ngoại Châu Âu ghi nhận việc "Bắc Kinh rõ ràng là ngày càng mở rộng và tích hợp sự hiện diện của họ trên khắp khu vực Tây Balkan trong nhiều lĩnh vực khác nhau, liên kết với một số lượng ngày càng lớn các tác nhân địa phương".

Báo cáo lưu ý : "Tiến trình này có dấu hiệu đang được đẩy nhanh vào thời điểm mà phương Tây đang có sự đồng thuận về những thách thức đặt ra từ việc Bắc Kinh xâm nhập vào khu vực".

Bài nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến các rủi ro đến từ việc mắc nợ Trung Quốc. Riêng về trường hợp Montenegro, các tác giả bản báo cáo nêu bật hợp tác chặt chẽ giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với Đảng Dân chủ xã hội chủ nghĩa Montenegro, đã bị mất quyền lãnh đạo vào tháng 8/2020 sau ba mươi năm cầm quyền.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 16/04/2021

**********************

Trung Quốc biến các khoản vay thành công cụ bành trướng quyền lực

Nguyễn Quốc Vinh, RFA, 12/2021

"Bẫy nợ" sau các hợp đồng vay

Trung Quốc hiện là "chủ nợ" chính thức lớn nhất thế giới, với các khoản tín dụng trực tiếp và thương mại cấp cho hơn 150 quốc gia mà theo một số ước tính đã lên đến 1.500 tỷ USD. Trung Quốc gần đây cũng luôn bị cáo buộc là đã giăng "bẫy nợ" để bắt chẹt các nước nghèo. Đây là thông tin được công bố trong một báo cáo nghiên cứu mang tựa đề "How China Lends" (tạm dịch "Trung Quốc cho vay như thế nào") được thực hiện bởi 4 trung tâm nghiên cứu gồm 3 cơ sở tại Mỹ là AidData - một cơ quan nghiên cứu của Đại học William&Mary, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung tâm Phát triển Toàn cầu và Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức (1).

vay1

Trụ sở Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh - Reuters

Trung Quốc luôn giữ bí mật về các khoản cho vay vì vậy các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm và phân tích dữ liệu từ 100 hợp đồng cho vay ký kết giữa Trung Quốc với chính phủ 24 quốc gia có thu nhập thấp trong giai đoạn từ năm 2000-2020, với tổng trị giá là 36,6 tỷ USD. Trong số này có 76 khoản vay đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và 8 khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), phần còn lại đến từ các ngân hàng thương mại quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước và trung ương. Các khoản vay đã đến với 47 đối tượng tại Châu Phi, 27 đối tượng tại Mỹ Latinh hoặc Caribe, 11 tại Đông Âu, 10 ở Châu Á và 5 ở Châu Đại Dương. Các nhà nghiên cứu sau đó so sánh các hợp đồng Trung Quốc với 142 hợp đồng mà các quốc gia nói trên ký với các chủ nợ lớn khác để rút ra những chi tiết cụ thể về điều kiện cho vay, có thể nói là mang tính bắt chẹt, mà các định chế của Trung Quốc áp đặt đối với các con nợ.

Các tác giả của nghiên cứu này cho biết : "Các hợp đồng không bao gồm những hứa hẹn công khai về các cảng biển hoặc trữ lượng khoáng sản trong trường hợp vỡ nợ. Nhưng chúng phản ánh hình ảnh một quốc gia hiếu chiến với các điều khoản đặt ra, một quốc gia luôn tìm cách đặt mình ở vị trí vượt trội so với các bên cho vay khác".

Nghiên cứu cũng nêu bật một số điều kiện "không mấy chính đáng" mà Trung Quốc áp dụng. Trước hết là các điều kiện bảo mật khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy của các quốc gia chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển. Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm tiết lộ cả số tiền vay. Điều kiện này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu kín với cả người dân của họ về số tiền mà đất nước phải hoàn trả sớm hay muộn. Tính chất thiếu minh bạch đó cũng khiến các thủ tục tái cơ cấu nợ phức tạp thêm, bởi chủ nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ khó có thể đánh giá mức độ đáng tin hoặc khả năng trả nợ của nước đi vay nếu thiếu một số thông tin.

Trung Quốc còn yêu cầu bên vay tạo các tài khoản ký quỹ hoặc tài khoản đặc biệt với các yêu cầu về số dư tiền mặt mà Trung Quốc có thể thu giữ trong trường hợp vỡ nợ, và còn đưa ra nhiều điều kiện bất thường khác, nổi bật nhất là điều khoản cấm con nợ tham gia việc tái cơ cấu nợ do Câu Lạc Bộ Paris thực hiện. Theo công trình nghiên cứu kể trên, khoảng 3/4 các hợp đồng Trung Quốc bao gồm điều kiện này. Câu lạc bộ Paris là một cơ chế tập hợp 22 quốc gia có nền kinh tế lớn và mức độ tín nhiệm cao cùng tiềm lực tài chính, chuyên cung cấp các dịch vụ cho vay nợ để tái thiết đất nước, nợ ân hạn hoặc giãn nợ, xóa nợ cho các nước khó khăn các quốc gia chủ nợ lớn, đã phát triển một bộ quy tắc để phối hợp các kế hoạch tái cơ cấu hoặc xóa nợ theo hướng công bằng, không tạo thuận lợi cho bất kỳ một chủ nợ nào. Khi cấm con nợ của mình tham gia cơ chế của Câu lạc bộ Paris, Trung Quốc đã phá vỡ nguyên tắc công bằng này, để buộc các con nợ ưu tiên trả nợ cho họ khi có vấn đề.

Một nửa trong số các thỏa thuận do CDB ký kết đều quy định mọi hành động gây bất lợi cho một "thực thể của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" tại quốc gia con nợ đều có thể kích hoạt yêu cầu trả nợ trước thời hạn.

vay2

Trụ sở Ngân hàng Exim Bank Trung Quốc ở Bắc Kinh. Reuters

Ngoài ra, các thỏa thuận còn có một điều khoản quy định rằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao tương đương với vỡ nợ. Khoảng 90% các thỏa thuận mà các nhà nghiên cứu thấy được đều có điều khoản cho phép chủ nợ Trung Quốc yêu cầu hoàn trả tiền trong trường hợp có những thay đổi chính trị hoặc luật pháp đáng kể ở quốc gia con nợ.

Như vậy, rõ ràng Bắc Kinh đã biến tiền cho vay thành một công cụ bành trướng quyền lực. Brad Parks, Giám đốc điều hành của AidData, người đứng đầu nhóm nghiên cứu bình luận : "Những nhà cho vay Trung Quốc hành xử rất giống những chủ nợ thương mại : dùng cơ bắp, hiểu biết về thương mại, những người muốn nợ được trả đúng hạn và có lãi suất".

Giáo sư Anna Gelpern, làm việc tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết vẫn chưa rõ cách các hợp đồng này được thực thi hoặc cách các tài khoản đặc biệt hoạt động trong thực tế. Tuy nhiên, theo bà Gelpern, các đòi hỏi và quyền lợi khác nhau mà Trung Quốc đưa ra trong hợp đồng mang lại cho họ đòn bẩy cho dù họ có chọn thực thi chúng hay không. Theo các tác giả của nghiên cứu, về mặt chính sách, cần phải có một lời kêu gọi nhằm cải thiện tính minh bạch - không chỉ đối với Trung Quốc, mà đối với tất cả các bên cho vay, hầu hết trong số này thường không công khai hợp đồng. Thách thức về tính minh bạch cũng có thể được giải quyết từ phía bên đi vay và các quốc gia có thể được khuyến khích thông qua luật công khai hợp đồng. Các quốc gia nên đưa việc công bố thông tin vào khuôn khổ ủy quyền nợ trong nước vì mục đích hợp pháp và trách nhiệm giải trình trong nước.

Theo bà Gelpern, điều đáng lo ngại là nguy cơ các chủ nợ khác có thể noi gương Trung Quốc nếu biết được các hợp đồng này và yêu cầu thêm tài sản thế chấp hoặc các yêu cầu khác khi cho vay. Nếu điều đó xảy ra, các nước thu nhập thấp đang phải vật lộn với gánh nặng nợ không bền vững sẽ là những nạn nhân phải gánh chịu. 

Một ví dụ cụ thể là Argentina gần đây đã là một minh chứng cho cái gọi là "bẫy nợ" của Trung Quốc. Khi chính phủ mới lên nắm quyền tại Buenos Aires vào năm 2016, họ đã có ý định hủy bỏ 2 dự án xây đập vì lý do môi trường. Tuy nhiên, CDB, một trong ba định chế Trung Quốc cấp vốn cho các dự án, đe dọa sẽ hủy dự án đường sắt vận chuyển nông sản Argentina đến các cảng của Chile bên bờ Thái Bình Dương, nếu các dự án đập này bị hủy bỏ. CDB viện dẫn một điều khoản trong hợp đồng vay nợ, cho phép họ dừng các khoản cho vay trong một dự án nếu bên vay bị vỡ nợ hoặc hủy bỏ một dự án khác của Trung Quốc. Cuối cùng, Argentina đã phải tiếp tục dự án xây dựng các con đập này.

Câu chuyện Việt Nam

Việc Trung Quốc để mắt đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam, đang khiến các chuyên gia lo ngại rằng Việt Nam có thể rơi vào bẫy nợ và phải trả giá cho những thiếu sót trong mô hình phát triển của Trung Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam gần đây đã lưu ý rằng các khoản vay của Trung Quốc có lãi suất hàng năm là 3% so với từ 0 đến 2% đối với các khoản vay từ Hàn Quốc. Các khoản cho vay từ Ấn Độ có lãi suất là 1,7%.

Theo một số chuyên gia, tuy Việt Nam "vẫn chưa đến tình trạng này (tức là bẫy nợ). Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các dự án đầu tư của Trung Quốc".

vay3

Đường sắt Cát Linh Hà Đông do Trung Quốc đầu tư ở Hà Nội bị kéo dài 10 năm và đội vốn hàng trăm triệu đô la. AFP

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch lưu ý rằng các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc, sử dụng thiết bị và công nhân Trung Quốc, tiến độ chậm mà không đảm bảo chất lượng, đẩy chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Vì lý do này, các công ty Việt Nam thường được các công ty Trung Quốc kêu gọi hoàn thành công việc đã bắt đầu (2).

Do Luật Đấu thầu của Việt Nam ưu tiên cho những người bỏ thầu thấp, nhà thầu Trung Quốc thường bỏ thầu với giá rất thấp nên trúng thầu luôn, sau khi trúng thầu thì kéo dài thời gian thi công. Tất nhiên, những công trình này hoặc công trình sẽ tăng giá và đội giá lên gấp nhiều lần so với giá gốc.

Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng vẫn là cho đến nay số nợ của Việt Nam với Trung Quốc là bao nhiêu ? Khó ai có thông tin chính xác về vấn đề này. Có lẽ Việt Nam đã chịu chấp nhận các "điều khoản ép buộc" từ Trung Quốc nên đã không bao giờ công khai thông tin các khoản nợ vay từ Trung Quốc.

Trong một bài viết, Tiến sĩ Vũ Quang Việt - Chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết : "có thể ước nợ Trung Quốc vào năm 2018 đã trên 6 tỉ đô la. Ngân hàng Thế giới tính số nợ nước ngoài của Việt Nam là 86,9 tỉ đô la vào cuối năm 2016. Số nợ Trung Quốc thật sự có thể lớn hơn số trên, vì từ sau năm 2010, Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ công tức là nợ của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh, theo định nghĩa của Việt Nam. Từ 2011, bộ đã chấm dứt công bố nợ nước ngoài bao gồm cả nợ của doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bản hướng dẫn về nội dung quản lý nhà nước đối với vay và trả nợ của doanh nghiệp (03/VBHN-NHNN, 12/7/2017). Như thế về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước nắm được thông tin nhưng không công bố". 

Nguyễn Quốc Vinh

Nguồn : RFA, 12/04/2021

(1) Anna Gelpern, Sebastian Horn, Scott Morris, Brad Parks, and Christoph Trebesch, "How China [cover here] Lends A Rare Look into 100 Debt Contracts with Foreign Governments", DocsAiddata, March 2021

(2) Dipanjan Roy Chaudhury, Vietnam's growing concern with Chinese loans, The Economic Times, 29/11/2018

Published in Diễn đàn

"Bẫy nợ" sau các hợp đồng vay

Trung Quốc hiện là "chủ nợ" chính thức lớn nhất thế giới, với các khoản tín dụng trực tiếp và thương mại cấp cho hơn 150 quốc gia mà theo một số ước tính đã lên đến 1.500 tỷ USD. Trung Quốc gần đây cũng luôn bị cáo buộc là đã giăng "bẫy nợ" để bắt chẹt các nước nghèo. Đây là thông tin được công bố trong một báo cáo nghiên cứu mang tựa đề "How China Lends" (tạm dịch "Trung Quốc cho vay như thế nào") được thực hiện bởi 4 trung tâm nghiên cứu gồm 3 cơ sở tại Mỹ là AidData - một cơ quan nghiên cứu của Đại học William&Mary, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung tâm Phát triển Toàn cầu và Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức (1).

vay1

Trụ sở Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh - Reuters

Trung Quốc luôn giữ bí mật về các khoản cho vay vì vậy các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm và phân tích dữ liệu từ 100 hợp đồng cho vay ký kết giữa Trung Quốc với chính phủ 24 quốc gia có thu nhập thấp trong giai đoạn từ năm 2000-2020, với tổng trị giá là 36,6 tỷ USD. Trong số này có 76 khoản vay đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và 8 khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), phần còn lại đến từ các ngân hàng thương mại quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước và trung ương. Các khoản vay đã đến với 47 đối tượng tại Châu Phi, 27 đối tượng tại Mỹ Latinh hoặc Caribe, 11 tại Đông Âu, 10 ở Châu Á và 5 ở Châu Đại Dương. Các nhà nghiên cứu sau đó so sánh các hợp đồng Trung Quốc với 142 hợp đồng mà các quốc gia nói trên ký với các chủ nợ lớn khác để rút ra những chi tiết cụ thể về điều kiện cho vay, có thể nói là mang tính bắt chẹt, mà các định chế của Trung Quốc áp đặt đối với các con nợ.

Các tác giả của nghiên cứu này cho biết : "Các hợp đồng không bao gồm những hứa hẹn công khai về các cảng biển hoặc trữ lượng khoáng sản trong trường hợp vỡ nợ. Nhưng chúng phản ánh hình ảnh một quốc gia hiếu chiến với các điều khoản đặt ra, một quốc gia luôn tìm cách đặt mình ở vị trí vượt trội so với các bên cho vay khác".

Nghiên cứu cũng nêu bật một số điều kiện "không mấy chính đáng" mà Trung Quốc áp dụng. Trước hết là các điều kiện bảo mật khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy của các quốc gia chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển. Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm tiết lộ cả số tiền vay. Điều kiện này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu kín với cả người dân của họ về số tiền mà đất nước phải hoàn trả sớm hay muộn. Tính chất thiếu minh bạch đó cũng khiến các thủ tục tái cơ cấu nợ phức tạp thêm, bởi chủ nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ khó có thể đánh giá mức độ đáng tin hoặc khả năng trả nợ của nước đi vay nếu thiếu một số thông tin.

Trung Quốc còn yêu cầu bên vay tạo các tài khoản ký quỹ hoặc tài khoản đặc biệt với các yêu cầu về số dư tiền mặt mà Trung Quốc có thể thu giữ trong trường hợp vỡ nợ, và còn đưa ra nhiều điều kiện bất thường khác, nổi bật nhất là điều khoản cấm con nợ tham gia việc tái cơ cấu nợ do Câu Lạc Bộ Paris thực hiện. Theo công trình nghiên cứu kể trên, khoảng 3/4 các hợp đồng Trung Quốc bao gồm điều kiện này. Câu lạc bộ Paris là một cơ chế tập hợp 22 quốc gia có nền kinh tế lớn và mức độ tín nhiệm cao cùng tiềm lực tài chính, chuyên cung cấp các dịch vụ cho vay nợ để tái thiết đất nước, nợ ân hạn hoặc giãn nợ, xóa nợ cho các nước khó khăn các quốc gia chủ nợ lớn, đã phát triển một bộ quy tắc để phối hợp các kế hoạch tái cơ cấu hoặc xóa nợ theo hướng công bằng, không tạo thuận lợi cho bất kỳ một chủ nợ nào. Khi cấm con nợ của mình tham gia cơ chế của Câu lạc bộ Paris, Trung Quốc đã phá vỡ nguyên tắc công bằng này, để buộc các con nợ ưu tiên trả nợ cho họ khi có vấn đề.

Một nửa trong số các thỏa thuận do CDB ký kết đều quy định mọi hành động gây bất lợi cho một "thực thể của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" tại quốc gia con nợ đều có thể kích hoạt yêu cầu trả nợ trước thời hạn.

vay2

Trụ sở Ngân hàng Exim Bank Trung Quốc ở Bắc Kinh. Reuters

Ngoài ra, các thỏa thuận còn có một điều khoản quy định rằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao tương đương với vỡ nợ. Khoảng 90% các thỏa thuận mà các nhà nghiên cứu thấy được đều có điều khoản cho phép chủ nợ Trung Quốc yêu cầu hoàn trả tiền trong trường hợp có những thay đổi chính trị hoặc luật pháp đáng kể ở quốc gia con nợ.

Như vậy, rõ ràng Bắc Kinh đã biến tiền cho vay thành một công cụ bành trướng quyền lực. Brad Parks, Giám đốc điều hành của AidData, người đứng đầu nhóm nghiên cứu bình luận : "Những nhà cho vay Trung Quốc hành xử rất giống những chủ nợ thương mại : dùng cơ bắp, hiểu biết về thương mại, những người muốn nợ được trả đúng hạn và có lãi suất".

Giáo sư Anna Gelpern, làm việc tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết vẫn chưa rõ cách các hợp đồng này được thực thi hoặc cách các tài khoản đặc biệt hoạt động trong thực tế. Tuy nhiên, theo bà Gelpern, các đòi hỏi và quyền lợi khác nhau mà Trung Quốc đưa ra trong hợp đồng mang lại cho họ đòn bẩy cho dù họ có chọn thực thi chúng hay không. Theo các tác giả của nghiên cứu, về mặt chính sách, cần phải có một lời kêu gọi nhằm cải thiện tính minh bạch - không chỉ đối với Trung Quốc, mà đối với tất cả các bên cho vay, hầu hết trong số này thường không công khai hợp đồng. Thách thức về tính minh bạch cũng có thể được giải quyết từ phía bên đi vay và các quốc gia có thể được khuyến khích thông qua luật công khai hợp đồng. Các quốc gia nên đưa việc công bố thông tin vào khuôn khổ ủy quyền nợ trong nước vì mục đích hợp pháp và trách nhiệm giải trình trong nước.

Theo bà Gelpern, điều đáng lo ngại là nguy cơ các chủ nợ khác có thể noi gương Trung Quốc nếu biết được các hợp đồng này và yêu cầu thêm tài sản thế chấp hoặc các yêu cầu khác khi cho vay. Nếu điều đó xảy ra, các nước thu nhập thấp đang phải vật lộn với gánh nặng nợ không bền vững sẽ là những nạn nhân phải gánh chịu. 

Một ví dụ cụ thể là Argentina gần đây đã là một minh chứng cho cái gọi là "bẫy nợ" của Trung Quốc. Khi chính phủ mới lên nắm quyền tại Buenos Aires vào năm 2016, họ đã có ý định hủy bỏ 2 dự án xây đập vì lý do môi trường. Tuy nhiên, CDB, một trong ba định chế Trung Quốc cấp vốn cho các dự án, đe dọa sẽ hủy dự án đường sắt vận chuyển nông sản Argentina đến các cảng của Chile bên bờ Thái Bình Dương, nếu các dự án đập này bị hủy bỏ. CDB viện dẫn một điều khoản trong hợp đồng vay nợ, cho phép họ dừng các khoản cho vay trong một dự án nếu bên vay bị vỡ nợ hoặc hủy bỏ một dự án khác của Trung Quốc. Cuối cùng, Argentina đã phải tiếp tục dự án xây dựng các con đập này.

Câu chuyện Việt Nam

Việc Trung Quốc để mắt đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam, đang khiến các chuyên gia lo ngại rằng Việt Nam có thể rơi vào bẫy nợ và phải trả giá cho những thiếu sót trong mô hình phát triển của Trung Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam gần đây đã lưu ý rằng các khoản vay của Trung Quốc có lãi suất hàng năm là 3% so với từ 0 đến 2% đối với các khoản vay từ Hàn Quốc. Các khoản cho vay từ Ấn Độ có lãi suất là 1,7%.

Theo một số chuyên gia, tuy Việt Nam "vẫn chưa đến tình trạng này (tức là bẫy nợ). Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các dự án đầu tư của Trung Quốc".

vay3

Đường sắt Cát Linh Hà Đông do Trung Quốc đầu tư ở Hà Nội bị kéo dài 10 năm và đội vốn hàng trăm triệu đô la. AFP

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch lưu ý rằng các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc, sử dụng thiết bị và công nhân Trung Quốc, tiến độ chậm mà không đảm bảo chất lượng, đẩy chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Vì lý do này, các công ty Việt Nam thường được các công ty Trung Quốc kêu gọi hoàn thành công việc đã bắt đầu (2).

Do Luật Đấu thầu của Việt Nam ưu tiên cho những người bỏ thầu thấp, nhà thầu Trung Quốc thường bỏ thầu với giá rất thấp nên trúng thầu luôn, sau khi trúng thầu thì kéo dài thời gian thi công. Tất nhiên, những công trình này hoặc công trình sẽ tăng giá và đội giá lên gấp nhiều lần so với giá gốc.

Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng vẫn là cho đến nay số nợ của Việt Nam với Trung Quốc là bao nhiêu ? Khó ai có thông tin chính xác về vấn đề này. Có lẽ Việt Nam đã chịu chấp nhận các "điều khoản ép buộc" từ Trung Quốc nên đã không bao giờ công khai thông tin các khoản nợ vay từ Trung Quốc.

Trong một bài viết, Tiến sĩ Vũ Quang Việt - Chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết : "có thể ước nợ Trung Quốc vào năm 2018 đã trên 6 tỉ đô la. Ngân hàng Thế giới tính số nợ nước ngoài của Việt Nam là 86,9 tỉ đô la vào cuối năm 2016. Số nợ Trung Quốc thật sự có thể lớn hơn số trên, vì từ sau năm 2010, Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ công tức là nợ của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh, theo định nghĩa của Việt Nam. Từ 2011, bộ đã chấm dứt công bố nợ nước ngoài bao gồm cả nợ của doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bản hướng dẫn về nội dung quản lý nhà nước đối với vay và trả nợ của doanh nghiệp (03/VBHN-NHNN, 12/7/2017). Như thế về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước nắm được thông tin nhưng không công bố". 

Nguyễn Quốc Vinh

Nguồn : RFA, 12/04/2021

(1) Anna Gelpern, Sebastian Horn, Scott Morris, Brad Parks, and Christoph Trebesch, "How China [cover here] Lends A Rare Look into 100 Debt Contracts with Foreign Governments", DocsAiddata, March 2021

(2) Dipanjan Roy Chaudhury, Vietnam's growing concern with Chinese loans, The Economic Times, 29/11/2018

Published in Diễn đàn

Các nước tiếp tục rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19

Phạm Bàng, RFA, 28/02/2021

Trung Quốc tận dụng cơ hội thúc đẩy "bẫy nợ"

Bất chấp tác động kinh tế nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Trung Quốc – nơi bùng phát dịch bệnh – vẫn tích cực rót tiền cho các dự án Vành đai và Con đường (BRI). Điều này được các nhà nghiên cứu nhận xét là : "Trung Quốc đang tận dụng những khoảng trống mới được tạo ra sau đại dịch".

bayno1

Nhà máy nhiệt điện than - Ảnh minh họa - AFP

Theo số liệu thống kê, năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới. Nhưng Trung Quốc vẫn đầu tư 47 tỉ USD vào các dự án thuộc BRI ở nước ngoài.

Một điều đáng lo ngại là các dự án cho vay của Trung Quốc trong dự án BRI bị cáo buộc là "bẫy nợ". Chính sách "bẫy nợ" của Trung Quốc được tóm tắt như sau :

1. Khuyến khích các nước nghèo vay nợ để đầu tư với những ưu đãi lớn, nhưng khi đến kỳ hạn trả nợ sẽ siết chặt các điều khoản thanh toán hoặc tăng lãi suất hoặc cho vay thêm với lãi suất cao hơn ; hoặc trực tiếp đầu tư với những điều kiện có lợi về chính trị, kinh tế, quân sự…

2". Chủ động và tích cực tư vấn" sử dụng vốn vay của Trung Quốc đầu tư vào những dự án có khả năng thất bại cao hoặc nếu hai nước liên doanh đầu tư thì Trung Quốc thì sẽ cố tình tạo ra những khó khăn về vốn, tiến độ, quản lý, điều hành…, tóm lại là tìm mọi cách để dự án thất bại, nước chủ nhà mất vốn và phải nhượng quyền lại cho Trung Quốc.

3. Hối lộ tham nhũng quan chức địa phương.

4. Khi con nợ không trả được nợ thì :

Một là : Họ lại phải tiếp tục vay thêm của Trung Quốc để trả nợ cho Trung Quốc và tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc ; Hai là : bắt bí, đòi nhượng những vùng đất hay cơ sở chiến lược ; Ba là : Chấp nhận "nói và làm theo những gì Trung Quốc nghĩ.

Lào đã trở thành nạn nhân

Năm qua, thế giới đã chứng kiến Lào, đất nước Đông Nam Á nhỏ bé, nghèo nàn buộc phải nhường phần lớn quyền kiểm soát lưới điện cho một công ty Trung Quốc, trong bối cảnh nước này phải vật lộn để ngăn chặn khả năng vỡ nợ.

Ngoài ra, Lào phải chấp nhận 3 yêu cầu cơ bản của Bắc Kinh, bao gồm : ủng hộ chính sách của Trung Quốc về các vấn đề tại Đài Loan và Tây Tạng ; các công ty Trung Quốc được phép khai thác tài nguyên tại Lào, đồng thời xây dựng các tuyến đường xuyên suốt từ Lào đến Thái Lan.

Vay nợ khủng của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc thiết yếu cho mạng lưới Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc, Lào đã trở thành một nạn nhân trong "chính sách bẫy nợ" của Bắc Kinh.

Pakistan đang trở thành nạn nhân kế tiếp

Pakistan hiện là quốc gia mới nhất đang phải vật lộn để hoàn trả các khoản nợ của Trung Quốc theo Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), trong đó ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Islamabad sẽ sớm tìm cách kéo dài thời gian trả 22 tỷ USD trong các khoản tín dụng liên quan đến lĩnh vực điện.

Những vấn đề về nợ mà Pakistan đang đối mặt về cơ bản cũng là vấn đề chung mà nhiều quốc gia tham gia BRI đối mặt. Pakistan gia nhập BRI vào tháng 4-2015 và từ đó vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của dự án trị giá hàng tỷ USD này của Trung Quốc. Nền kinh tế Pakistan đã bị ảnh hưởng nặng nề vì suy thoái kinh tế do Covid-19. GDP của Pakistan đã tăng trưởng âm trong tài khóa 2020. 

Những năm gần đây, các khoản cho vay của Trung Quốc đã giúp Pakistan phát triển việc năng suất phát điện mạnh mẽ, khiến tình trạng thiếu điện thường xuyên của nước này chuyển thành dư thừa công suất. Các khoản vay dành cho các nhà máy nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, điện than đã chiếm gần 1/2 tổng số tiền 60 tỷ USD mà Bắc Kinh cung cấp trong kế hoạch Hành lang Kinh tế Trung Quốc–Pakistan (CPEC) với mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng của Pakistan và tạo điều kiện củng cố thương mại song phương cùng các mục tiêu địa chiến lược khác.

Một số nguồn tin cho biết các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cùng các thể chế tài chính khác hiện đang đánh giá các đề nghị giảm nợ của Islamabad và tiết lộ rằng câu trả lời sẽ được đưa ra trước cuối tháng 3/2021.

Cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa có động thái nào cho thấy khả năng nhất trí về 1 thỏa thuận giảm nợ khi mà quan chức trong CPEC cho biết các giới chức liên quan của Trung Quốc đã 10 tháng nay không trao đổi gì với ông về vấn đề này. Chính phủ Pakistan mới đây đã 1 lần nữa tiếp cận các quan chức Trung Quốc về vấn đề này, nhưng không có thông tin nào về các cuộc trao đổi của họ được tiết lộ ra ngoài.

bayno2

Thủ tướng Pakistan Imran Khan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 2/11/2018. Reuters

Các khoản đầu tư của Trung Quốc gần đây đã giúp Pakistan xây dựng hơn 10 nhà máy điện tại nước này, qua đó tạo ra thêm 12.000 Mw điện dưới cái mác chương trình CPEC. Các nhà máy này đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu điện lâu nay của đất nước này. Tuy nhiên, dù các khoản đầu tư hiện được dư luận đánh giá là tốt đẹp, song trong bối cảnh đất nước lại phải đang đối phó với vấn đề dư thừa công suất nghiêm trọng. Thêm vào đó, năng lực truyền tải và phân phối điện của Pakistan không thể bắt kịp với nguồn cung điện khổng lồ và hiện có khoảng 22.000 Mw đang bị để không, trong đó khoảng 15.000 Mw điện không được sử dụng đến trong mùa Hè và 22.000 Mw điện bị dư thừa trong mùa Đông. Như vậy, chính phủ đang phải chi trả hàng tỷ USD mỗi năm cho các nhà sản xuất điện độc lập dựa trên năng lực sản xuất điện của họ chứ không phải vì lượng điện thực tế được tiêu thụ.

Giới chuyên gia cho biết nếu tình trạng dư thừa công suất hiện nay và các điều khoản trả nợ vẫn tiếp tục duy trì, thì từ nay đến cuối năm 2023, tổng nợ trong lĩnh vực điện của chính phủ có thể vượt lên trên 1.500 tỷ rupee (9,4 tỷ USD).

Đồng thời, bất chấp tình trạng dư thừa điện nghiêm trọng, giá điện mà người dân Pakistan phải trả vẫn đang tăng nhanh. Thuế điện đã được điều chỉnh tới 22 lần kể từ năm 2019 và mức giá đã bị Cơ quan Quản lý Điện Quốc gia tăng gấp 2 trong năm nay.

Theo các điều khoản của BRI, các ước tính chính thức cho thấy các khoản nợ liên quan đến lĩnh vực điện của Pakistan sẽ tăng lên 2.800 tỷ rupee (17,5 tỷ USD) vào cuối tháng 6 này. Điều này càng làm gia tăng gánh nặng lên tình trạng nợ nần chồng chất của đất nước Pakistan, khiến 1 số nhà phân tích phải đưa ra kết luận rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan trong sáng kiến BRI đang rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc.

Tình hình nhiều quốc gia khác trong dự án BRI ở châu Á và châu Phi cũng không khác nhiều so với Pakistan. Đại dịch Covid-19 đã kéo theo sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu, buộc các chính phủ phải tăng chi tiêu, đặc biệt là trong y tế - những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh khoản các khoản vay cho Trung Quốc.

Việt Nam có nguy cơ trở thành nạn nhân ?

Mặc dù chính quyền Việt Nam cũng như báo chí Việt Nam ít công bố các số liệu về các dự án BRI tại Việt Nam, thế nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia tham gia khá sâu vào trong BRI.

Theo số liệu thống kê từ Trung Quốc cho biết, năm vừa qua, Việt Nam vẫn là quốc gia nhận mức đầu tư từ BRI tăng so với năm 2019 (1).

Việt Nam vẫn là quốc gia xếp thứ hai về nhận vốn đầu tư từ BRI (Chỉ sau Pakistan), với tổng số tiền đầu tư năm 2020 là 2 tỉ 460 triệu USD (2) cho hai dự án : Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng do PowerChina làm chủ đầu tư (Vốn đầu tư là 310 triệu USD) ; và Dự án Điện than Nam Định 1, với số vốn đầu tư là 2,16 tỉ USD (3).

Trong khi đó các công ty thuộc các nước phát triển ngày càng quay đầu với các dự án điện than vì vấn đề ô nhiễm môi trường và tàn phá sức khoẻ người dân. Cụ thể, mới đây, tập đoàn Mitsubishi của Nhật đã tuyên bố rút khỏi dự án điện than ở tỉnh Bình Thuận (4), thì Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy các dự án loại này. Việc xây dựng các nhà máy điện than gây ô nhiễm vẫn đang đặt ra dấu hỏi rất lớn cho chính quyền Việt Nam, đặc biệt nằm trong kế hoạch BRI với các nhà thầu Trung Quốc.

Chính quyền Việt Nam cần phải công khai các Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án loại này, đồng thời báo chí và người dân, cũng như các tổ chức xã hội dân sự phải được quyền tham gia giám sát các dự án như vậy, để tránh tình trạng một ngày nào đó, Việt Nam sẽ là nạn nhân tiếp tục của "chính sách bẫy nợ" từ Trung Quốc mà đã có rất nhiều dự án đầu tư như vậy ở Việt Nam. Điển hình phải kể tới Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…

Phạm Bàng

Nguồn : RFA, 28/02/2021

(1) Christophe Nedopil Wang, China Belt and Road Initiative (BRI) Investment Report 2020, Green-bri, 26/01/2021

(2) Christophe Nedopil Wang, Brief : Investments in the Chinese Belt and Road Initiative (BRI) in 2020 during the Covid-19 pandemic, Green-bri, 31/07/2020

(3) Nam Dinh 1 Thermal Power Plant

(4) Mitsubishi rút khỏi nhà máy điện than Việt Nam vì quan ngại về khí hậu, RFA tiếng Việt, 25/02/2021

************************

Trung Quốc và chính sách ngoại giao bẫy nợ

RFA, 03/03/2021

Sáng kiến Vành Đai Con Đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào năm 2015. Trung Quốc dự định tạo ra các cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, cảng và năng lượng mới nối Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và các khu vực khác của châu Á - với chi phí ước tính khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.

bayno3

Trung Quốc và ngoại giao bẫy nợ - Rebel Pepper

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị về sáng kiến này hồi cuối tháng 4 năm 2019 và tuyên bố ủng hộ sáng kiến này của Trung Quốc.

Sri Lanka hồi năm 2017 đã phải trao cho Trung Quốc kiểm soát một cảng biển, để lấy tiền giúp trả nợ các khoản vay nước ngoài.

Nguồn : RFA, 03/03/2021

Published in Diễn đàn

Bẫy nợ Trung Quốc : Phải chăng gậy ông sẽ đập lưng ông ?

Về thời sự quốc tế, đặc biệt đáng chú ý có hồ sơ nguy cơ nợ nần quá tải. Tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế ở Paris, hôm qua, 07/05/2019, Trung Quốc bị lên án dùng bẫy nợ siết cổ các nước nghèo. Tuy nhiên, dường như gió đang đổi chiếu, với đòi hỏi minh bạch trở thành vấn đề trung tâm.

bayno01

Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để thoát khỏi bẫy nợ

Le Monde có bài phân tích đáng chú ý "Bẫy nợ Trung Quốc : Phải chăng gậy ông sẽ đập lưng ông ?".

Bài phân tích của nhà báo Frédéric Lemaitre nêu bật một nghịch lý là, lâu nay người ta thường lo sợ Trung Quốc, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cái bẫy nợ mà Trung Quốc giương ra cũng rất có thể gây thiệt hại nhiều cho Bắc Kinh. Quan điểm của tác giả bài viết dường như đi ngược lại với đa số các quan điểm phổ biến hiện nay về vấn đề "bẫy nợ Trung Quốc".

Nhà báo Frédéric Lemaitre dẫn lại một nghiên cứu công bố ngày 29/04, của trung tâm nghiên cứu Mỹ Rhodium Group. Theo đó, sau khi phân tích khoảng 40 trường hợp phải đàm phán lại về nợ với Trung Quốc, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trường hợp như Sri Lanka phải gán đất để trả nợ chỉ là một "ngoại lệ". Một ngoại lệ thứ hai là Tadjikistan, phải nhượng cho Trung Quốc 1.158 km² đất để trừ nợ, hồi 2011.

Theo nhà báo Le Monde, thì cho dù cơ sở dữ liệu trong điều tra nói trên chắc chắn không đầy đủ, nhưng vấn đề được nêu ra là "quan trọng". Các nhà nghiên cứu nhóm Rhodium Groupe khẳng định là, trong hiện tại nhìn chung, Trung Quốc không có đủ phương tiện, để đơn phương dùng sức mạnh buộc các nước phải hoàn nợ, trong trường hợp quốc gia liên quan không tôn trọng cam kết.

Trên thực tế, trong đa số các trường hợp được khảo sát trong điều tra này, Bắc Kinh buộc phải "xóa nợ" (khi số tiền không quá cao), "giãn nợ", hoặc "thương lượng lại" một số điều kiện. Đây là những trường hợp mà bên vay nợ có được các khoản tín dụng mới, hoặc ở trong tương quan sức mạnh ít bất lợi hơn trước Trung Quốc.

Trung Quốc không dễ thủ lợi, nếu ở ngoài các định chế quốc tế

Trong một số trường hợp, Trung Quốc cũng buộc phải quay sang một số định chế pháp lý quốc tế để nhờ phân xử, theo đó Ukraine đã buộc phải dùng lương thực để trả khoản tín dụng 3 tỉ đô la vay của Trung Quốc.

Nhà báo Le Monde tỏ ra lạc quan. Theo tổng giám đốc IMF, phát biểu tại Diễn đàn "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI – Belt and Road Initiative) lần thứ hai, tại Bắc Kinh, hôm 26/04, thì quy tắc mới về tín dụng được áp dụng để đánh giá các dự án trong khuôn khổ BRI đang trở thành "một chuyển biến quan trọng theo hướng đúng". Điều đó phải chăng có nghĩa là cộng đồng quốc tế sắp tới có thể dùng các quy tắc minh bạch để xử sự với Trung Quốc, một khi Bắc Kinh chấp nhận tham gia cuộc chơi quốc tế ?

Tuy nhiên liệu có gì bảo đảm là vay tiền Bắc Kinh với các điều khoản dễ dãi sẽ không để lại các hậu quả khủng khiếp, cho dù theo nghiên cứu của Rhodium Groupe, chỉ có hai trường hợp Sri Lanka và Tadjikistan phải gán đất để trả nợ ?

Nợ nần quá tải như "thuốc độc"

Về hồ sơ nợ nần quá tải, Le Figaro cho biết, 40 bộ trưởng tài chính họp tại Paris hôm qua kêu gọi "minh bạch hơn trong các hoạt động cấp tín dụng". Nợ nần quá tải đe dọa "tăng trưởng bền vững" là chủ đề chính của hội nghị Paris. Theo một số định chế kinh tế quốc tế, chỉ trong vòng 5 năm (2012-2017), tỉ lệ các nước nghèo lâm vào tình trạng nợ quá tải đã tăng gấp đôi, từ 21% đến 42%.

Ví dụ kinh điển được đưa ra vẫn là Sri Lanka bị Trung Quốc bắt chẹt phải nhượng lại cảng Hambatona cho Bắc Kinh trong 99 năm, để hoàn nợ. Nợ nần quá tải khiến nhiều nước lâm vào tình trạng mất "chủ quyền quốc gia", buộc phải nhượng lại nhiều cơ sở hạ tầng, các nguồn nguyên liệu chiến lược. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc nợ nần quá tải thường trước hết dẫn đến việc các quốc gia liên quan phải cắt giảm mạnh chi phí công, với nạn nhân đầu tiên chính là dân chúng địa phương, như ghi nhận của bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire. Bộ trưởng Pháp ví các khoản nợ này như "thuốc độc".

Đòi hỏi minh bạch : Gió đổi chiều

Tuy nhiên, gió dường như đang đổi chiều. "Minh bạch" là cụm từ được nói đến nhiều nhất trong các thảo luận tại Paris hôm qua. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christian Lagarde hoan nghênh Viện Tài chính quốc tế đang tiến hành việc "xác định các quy tắc minh bạch về tín dụng". Mặc dù không bị nêu đích danh, nhưng đối tượng bị chỉ trích chính tại hội nghị này là Trung Quốc. Bắc Kinh là một trong các nhà cấp tín dụng chủ yếu trên thế giới, nhưng lại không tuân thủ các chuẩn mực minh bạch quốc tế.

Về chủ đề này, Le Figaro trong bài "Bắc Kinh bị cáo buộc dùng tín dụng siết cổ các nước nghèo" chỉ ra một số trường hợp khác như Malaysia. Quốc gia Đông Nam Á nói trên buộc phải chấp nhận tiếp tục dự án đường sắt khổng lồ với Trung Quốc, do chính quyền tiền nhiệm khởi xướng, với nhiều hệ quả bất lợi, hơn là nộp phạt 5 tỉ đô la. Gần đây, một số nước Châu Phi, đã gia tăng cảnh giác với Trung Quốc. Cuối năm 2018, quốc gia miền tây Châu Phi Côte d’Ivoire đã lập ra một ủy ban đặc biệt để giám sát khoảng 15 dự án do Trung Quốc tài trợ.

Trung Quốc có chấp nhận thương thuyết với "dao kề cổ" ?

Căng thẳng Mỹ - Trung vào lúc đàm phán tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại là chủ đề chính của nhật báo kinh tế Les Echos.

"Trump làm đảo lộn thị trường thế giới" là tựa trang nhất. Les Echos ghi nhận "Đe dọa của tổng thống Mỹ khiến chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 6%". Nhật báo Pháp nhận định là "Trước đe dọa của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh tỏ ra mềm mỏng để tránh leo thang căng thẳng". Chính quyền Trung Quốc tiếp tục cử phái đoàn đến Washington bất chấp đe dọa tăng thuế nhãn tiền, gây bất ngờ của tổng thống Trump hôm Chủ Nhật.

Phản ứng của Bắc Kinh là điều gây ngạc nhiên, bởi từ trước đến nay, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ăn miếng trả miếng với Mỹ, và từ chối thương thuyết trong tình trạng "dao kề cổ". Les Echos dùng từ "học trò giỏi" để nói về thái độ nhũn nhặn của Trung Quốc, sẵn sàng thương thuyết đến cùng để đạt được một thỏa thuận với Washington nhằm chấm dứt bất đồng thương mại.

Cũng Les Echos trong bài "Nghệ thuật thương thuyết thương mại" đặc biệt chú ý đến thái độ hung hăng của tổng thống Mỹ, đe dọa làm đảo lộn sự ổn định của chứng khoán toàn cầu, từ Á sang Âu, và kể cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây cũng là thủ thuật rõ ràng của tổng thống Mỹ : Dùng đe dọa để đạt được các nhân nhượng vào phút chót.

Les Echos dự báo hai kịch bản. Kịch bản lạc quan : Donald Trump sẽ đạt được điều mà ông chờ đợi bằng các thủ đoạn hung hăng kể trên. Lý do là kinh tế Mỹ gần như không có dấu hiệu yếu kém nào. Thất nghiệp thấp chưa từng thấy, lương bổng của nhân viên các tập đoàn lớn đang tăng trở lại, thị trường chứng khoán Wall Street đang khởi sắc ngay trước tuyên bố của ông Trump.

Tuy nhiên, cũng có một kịch bản thứ hai là các dòng Tweet hung bạo của tổng thống Mỹ là dấu hiệu cho thấy đàm phán với Trung Quốc đang sắp đổ vỡ. Bởi chính quyền Bắc Kinh cũng không chấp nhận một cuộc thương thuyết với tình trạng dao kề cổ như vậy. Và kết quả sẽ là một cuộc chiến thương mại toàn cầu, với những hệ quả hết sức nặng nề.

Vùng Vịnh : Kịch bản chiến tranh Mỹ-Iran

Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng thu hút sự chú ý của giới kinh tế, nhưng thế giới còn có một điểm nóng khác tại Trung Cận Đông. Tình hình đang ngày càng căng thẳng hơn với việc Tehran hôm nay, tuyên bố rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân, Hoa Kỳ gia tăng hiện diện quân sự, với lý do các đơn vị Mỹ tại Iraq và Syria bị đe dọa. Theo một chuyên gia Pháp am hiểu về tình hình vùng Vịnh, cho dù khó bùng phát chiến tranh với Iran, nhưng đụng độ vượt tầm kiểm soát có thể xảy ra.

Nếu chiến tranh Mỹ - Iran bùng nổ, đâu là các kịch bản chính ? Le Figaro dự đoán.

Trong trường hợp xung đột với Mỹ, rất nhiều khả năng Iran sẽ phong tỏa eo biển Ormuz, một trong các tuyến đường hàng hải tấp nập nhất thế giới, bằng thủy lôi. Hàng trăm xuồng chiến, di chuyển với vận tốc 65 hải lý/giờ, sẽ được giao nhiệm vụ rải thủy lôi, cùng với đội quân tàu ngầm cỡ nhỏ. Đội chiến xuống này có thể nhanh chóng tiếp cận các tàu chở dầu, hay các tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ, để tấn công. Bên cạnh đó, Iran còn sở hữu hàng nghìn tên lửa ven bờ, đủ sức phong tỏa eo biển. Cho dù không thắng được Mỹ, nhưng chế độ Tehran có thể khiến Hoa Kỳ tổn thất nặng nề.

Theo một số chuyên gia, hiện tại không khí chiến tranh tại vùng Vịnh gia tăng. Saudi Arabia quốc gia đồng minh với chính quyền Trump, dường như đã có một kế hoạch "xâm chiếm Iran", theo một nguồn tin quân sự Pháp. Từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống mới của Mỹ, còn khoảng hơn một năm, các thế lực diều hâu có thể tìm được tiếng nói chung để phát động một cuộc chiến tại vùng Vịnh.

Bảo vệ Sinh thái : Tổng thống Pháp đột ngột lên tiếng

Trong lĩnh vực sinh thái, tổng thống Pháp đã đột ngột lên tiếng mạnh mẽ chống lại một dự án gây ô nhiễm nặng nề của các doanh nghiệp Pháp tại Nam Mỹ, vốn bị giới bảo vệ môi trường lên án lâu nay. Theo Le Monde, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tổ chức chuyên gia của Liên Hiệp Quốc IPBES, đầu tuần này họp tại Paris, đã đưa ra báo động chưa từng có về nguy cơ đại diệt chủng nhãn tiền, đối với các giống loài trên trái đất. Thái độ của nguyên thủ Pháp tương phản hoàn toàn với phát biểu của ông cuối tháng trước, khép lại cuộc Thảo luận toàn quốc ba tháng, tìm giải pháp cho khủng hoảng Áo Vàng, trong đó, môi trường - sinh thái bị lu mờ.

Điểm mới trong tuyên bố hôm thứ Hai tại điện Elysée là nâng số lượng diện tích biển được bảo vệ lên 30% vào năm 2022 (so với 22%) hiện nay, trong đó 10% được bảo vệ nghiêm ngặt (nghĩa là cấm mọi hình thức can thiệp của con người). Với 11 triệu km² biển thuộc đặc quyền kinh tế, Pháp - cường quốc đại dương thứ hai thế giới - có trách nhiệm rất lớn đối với Đa dạng sinh học ở biển khơi. Paris cũng đặt mục tiêu tái chế 100% rác nhựa vào năm 2025. Một dự luật về kinh tế tuần hoàn sẽ được đưa ra trong những tuần tới.

Theo Le Monde, chính quyền Pháp đứng trước áp lực phải hành động quyết liệt hơn để nêu gương, nhằm tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong các nỗ lực quốc tế vì sinh thái. Năm nay, Pháp là chủ tịch luân phiên G7 - khối các cường quốc công nghiệp. Paris muốn đóng vai trò kết nối cộng đồng quốc tế trong việc thông qua một Hiệp ước bảo vệ Đa dạng sinh học, dự kiến vào năm tới, cũng như tiếp tục thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris 2015.

Trang nhất các báo

Trang nhất các báo Pháp số ra mùng 8 tháng Năm 2019, tập trung trước hết vào các chủ đề thời sự lớn trong nước. "Vì sao giá xăng tăng vọt ?" là tựa của Le Monde. Libération dành hồ sơ chính cho "Thuốc giảm đau. Nạn nghiện dược phẩm ở mức báo động". Le Figaro bàn về nguy cơ liên hệ huyết thống theo truyền thống tan vỡ, nếu luật cho phép các cặp đồng tính nữ có con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản (PMA).

Trọng Thành

Published in Quốc tế

"Nhưng các khoản đầu tư của Trung Quốc mang lại cho các nước vay những lợi ích gì ? Ít nhất 8 nước có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ vì các khoản vay liên quan tới dự án một vành đai một con đường".

silk01

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thứ ba từ trái sang, đi bộ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thứ ba từ phải sang và các nhà lãnh đạo khác khi đến chụp ảnh nhóm trong Diễn đàn Vành đai và Con đường bên ngoài Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15 tháng 5 năm 2017. Hình ảnh : Damir Sagolj / Pool Photo qua AP

Trung Quốc đang tìm cách mua ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài ? 

Trung Quốc tạo ra một trong những dấu ấn phát triển toàn cầu lớn nhất trên thế giới. Chỉ có một nước duy nhất có dòng tài chính quốc tế chính thức lớn hơn mà thôi - đấy là Mỹ.

Nhưng, Washington chi cho Hỗ trợ Phát triển Chính thức (Official Development Assistance) gấp bốn lần Bắc Kinh. Dòng tiền chính thức của Trung Quốc đi vào kênh gọi là Tài chính Chính thức Khác (Other Official Finance) và chủ yếu được chi cho các khoản vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và truyền thông.

Các dự án này là một phần của Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường (BRI), biện pháp chính của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển ở cả trong và ngoài nước. Thông qua các khoản đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng, mục tiêu của Bắc Kinh là kết nối tốt hơn Trung Quốc với các khu vực khác trên thế giới và thúc đẩy trương mại dọc đường này. Năm năm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố kế hoạch BRI, Trung Quốc đã chi khoảng 25 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trong dự án này.

Nhưng các khoản đầu tư của Trung Quốc mang lại cho các nước vay những lợi ích gì ? Ít nhất 8 nước có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ vì các khoản vay liên quan tới dự án BRI - Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development - CGD) báo cáo như thế vào tháng 3 năm 2018. Những người phê phán lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng các khoản cho vay để buộc các nước khác rơi vào tình trạng phụ thuộc và giành được ảnh hưởng chính trị.

"Ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc

"Một số người tin rằng Trung Quốc dùng BRI để tạo ra "ngoại giao bẫy nợ", buộc các nước đang phát triển phụ thuộc vào nợ và sau đó biến hoàn cảnh phụ thuộc thành ảnh hưởng địa chính trị", Paul Haenle, cựu cố vấn của chính phủ và giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua, tóm tắt những lời phê phán bằng những từ ngữ như thế.

"Quan tâm đặc biệt tới hành động của Trung Quốc ở Sri Lanka, Pakistan và Malaysia là đề tài chính trong các cuộc tranh luận về bẫy nợ. Trung Quốc đã giành được quyền điều hành cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka trong vòng 99 năm, sau khi chi phí cho dự án vượt khỏi tầm kiểm soát, buộc Colombo phải từ bỏ quyền kiểm soát cảng để đổi lấy gói cứu trợ của Trung Quốc", Haenle giải thích.

Tìm giải pháp thay thế để thanh toán khi các nước không đủ khả năng trả những khoản vay không phải là một cách làm mới của Trung Quốc. Quay lại năm 2011, báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CDG) nói rằng Trung Quốc đã xóa nợ cho Tajikistan, để đổi lấy 1.158 km2 lãnh thổ đang tranh chấp. Nhưng năm ngoái, "Luận cứ bẫy nợ đã được nhiều người tin hơn, đấy là sau khi Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamed, hủy bỏ công trình trị gía 23 tỷ USD trong các dự án BRI và cảnh báo đừng trở thành con mồi trong ‘phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân’ của Trung Quốc", Haenle nói tiếp.

Một số nước phương Tây nhanh chóng ủng hộ quan điểm này. Rex Tillerson, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó, báo động về cách tiếp cận của Trung Quốc trong diễn văn tại Đại học George Mason (George Mason University) ở Virginia. Theo Tillerson, chiến lược của Trung Quốc : "Khuyến khích tình trạng phụ thuộc bằng các hợp đồng tù mù, các hoạt động cho vay theo lối ăn cướp và những thỏa thuận với các khoản hối lộ, làm cho các nước này mắc nợ và mất một phần chủ quyền, tước đoạt khả năng phát triển tự chủ và lâu dài của họ". 

Frans-Paul van der Putten đã theo dõi Trung Quốc trong vòng 12 năm, hiện làm việc cho Clingendael, một think tank về quan hệ quốc tế của Hà Lan, cho rằng không có khả năng là tạo ra các khoản nợ giữa các đối tác trong dự án Một Vành đai, Một Con đường là chiến lược có chủ ý và nhất quán của Trung Quốc, với ý định đổi các khoản nợ lấy tài nguyên hoặc ủng hộ về ngoại giao trong những giai đoạn sau. Nhưng Bắc Kinh cũng không tìm cách ngăn chặn, không để chuyện này xảy ra. Theo van der Putten, chính sách đó phù hợp với cách tiếp cận thực dụng mà Trung Quốc thường dùng : "Các nước này có thể trả lại được hay không không quan trọng, vì nếu họ không thể trả, chúng ta sẽ tìm cách khác". Trung Quốc không ngại sử dụng các khoản nợ làm đòn bẩy và nước này xử lý các con nợ theo tình thế và mỗi lần một khác. 

Trung Quốc bao giờ cũng thắng

Với tư tưởng "hợp tác hai bên đều có lợi", Bắc Kinh luôn luôn giành được lợi ích nào đó từ các nguồn tài trợ của mình. Nếu đòn bẩy chính trị chỉ là tác dụng phụ hữu ích, thì Trung Quốc phải kiếm được gì từ hàng tỷ USD mà họ chi cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài ?

Mô hình phát triển của Trung Quốc là dựa trên buôn bán. Cơ sở hạ tầng tốt hơn có nghĩa là gia tăng buôn bán, mà buôn bán thúc đẩy phát triển. BRI có mục đích là kết nối và phát triển các khu vực phía tây của Trung Quốc, nhưng nó còn có mục đích là phát triển các thị trường khác nhằm thu lợi riêng. Phương Tây đã hết khả năng tăng trưởng và sẽ không mua thêm hàng hóa của Trung Quốc nữa. Nhưng Châu Phi, đông người, còn trẻ và đang tăng thêm, là lục địa có tiềm năng tăng trưởng thực sự. Bằng cách thúc đẩy quá trình phát triển ở các nước Châu Phi, Trung Quốc muốn phát triển và mở cửa thị trường mới trên lục địa này.

Hơn nữa, theo van der Putten, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng là "khoản đầu tư vào mối quan hệ tốt hơn giữa chính phủ Trung Quốc và chính phủ của nước nhận tiền. Cho vay là đã có lợi về ngoại giao rồi, vì nó thắt chặt quan hệ với đất nước đó. Đó là lợi ích của Trung Quốc, không thể tính được bằng tiền".

silk2

Sơ đồ Con đường tơ lụa mới trên đất liền và trên biển cả của Trung Quốc

Cái có thể tính được bằng tiền là công việc trong các dự án BRI mà Trung Quốc tạo ra cho các công ty xây dựng của mình. Thông thường, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc cung cấp tiền cho một dự án cụ thể ở nước nhận với điều kiện là các công ty Trung Quốc sẽ thực hiện dự án. Van der Putten giải thích : "Cho nên phần lớn khoản tiền lại chảy từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc sang các công ty xây dựng của Trung Quốc. Đường sắt đang được xây dựng, đường cao tốc đang được xây dựng. Có thể những con đường này sẽ không bao giờ được sử dụng, nhưng những công ty xây dựng đó đã đạt được mục tiêu của mình".

Lấp đầy khoảng trống hạ tầng

Tuy nhiên, lợi ích mà Trung Quốc thu được không có nghĩa là nước nhận tài trợ không được lợi lộc gì. Các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thỏa mãn nhu cầu cấp bách - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính rằng muốn duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại, từ nay đến năm 2030, riêng Châu Á đã cần khoảng 26 nghìn tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp là một trong những rào cản lớn nhất cho quá trình tăng trưởng và phát triển ở Châu Phi và Châu Mỹ Latin. Vì vậy, theo Haenle, việc BRI tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng có thể mang đến tình thế "hai bên đều có lợi". 

"Tự bản thân nó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc thúc đẩy kết nối toàn cầu ở các nước đang phát triển là không sai", Haenle khẳng định.

Marina Rudyak nói : "Có khoảng cách rất lớn giữa số tiền hiện có và số tiền cần để phát triển. Nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng". Rudyak đã từng làm việc trong lĩnh vực phát triển suốt nhiều năm ròng và hiện đang hoàn thành luận án tiến sĩ về hợp tác phát triển của Trung Quốc tại Đại học Heidelberg (Heidelberg University) ở Đức. Các tổ chức đa phương và các nhà tài trợ hiện nay không thể tài trợ cho tất cả các dự án phát triển mà người ta cần, do đó, vẫn còn nhiều không gian cho Trung Quốc : "Người ta không hỏi tiền của Mỹ hay Trung Quốc, tiền của EU hay của Trung Quốc. Châu Phi cần tiền của tất cả mọi người".

Van der Putten giải thích rằng các ngân hàng phát triển quốc tế, như Ngân hàng Phát triển Châu Phi (African Development Bank) và Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ có lượng tiền giới hạn, không đủ tài trợ cho cho tất cả các cơ sở hạ tầng mà người ta đang cần. Từ sau khủng hoảng kinh tế, các ngân hàng thương mại phương Tây không thể cung cấp các khoản vay nhiều rủi ro nữa. "Trung Quốc có vai trò rất quan trọng ở đây. Họ không chỉ là nguồn tài chính thay thế, nó còn là nguồn tài chính thực sự lớn nữa", van der Putten nói. 

Các ngân hàng phát triển của Trung Quốc, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank) và Exim Bank Trung Quốc, tài trợ cho các dự án với lãi suất bình thường. "Đây không phải là viện trợ phát triển", van der Putten nhấn mạnh, nhưng nó có một số đặc điểm của viện trợ phát triển. "Đây là những khoản vay đầy rủi ro cho các nước đang phát triển, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của họ", ông nói thêm.

Mô hình cho vay của Trung Quốc 

Tiền từ Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống giữa nhu cầu và các khoản tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Thế thì, vì sao lại gây ra các khoản nợ nần và tranh luận ? Lí do là, hầu hết các khoản tài trợ cho các sự án thuộc BRI là dưa trên cơ cấu nhà-nước-dành-cho-nhà-nước. Nó có thể tạo ra những thách thức đối với nợ quốc gia, và những tác động có thể có đối với các mối quan hệ song phương.

Thông thường, các khoản vay được thực hiện theo các tiêu chuẩn được xác định bởi các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc các cơ chế đa phương như Câu lạc bộ Paris. Nhưng Trung Quốc không phải là thành viên của Câu lạc bộ Paris, vì vậy họ không cần phải thông báo cho các thành viên của Câu lạc bộ về hoạt động tín dụng của mình và không phải tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn nào.

"Không có một hướng dẫn theo lối đa phương hoặc khuôn khổ nào khác để xác định cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề nợ đọng, chúng ta chỉ có bằng chứng mang tính giai thoại về các hành động mang tính tình thế của Trung Quốc như là cơ sở để mô tả cách tiếp cận chính sách của nước này mà thôi", báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CDG) kết luận.

Không dùng các tiêu chuẩn phổ quát, "Trung Quốc, nói chung, tuân theo luật pháp ở địa phương khi cho vay các dự án phát triển", Scott Morris giải thích. Morris là một trong những người chấp bút báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CDG) về nợ nần của các nước tham gia dự án BRI. "Điều này có thể có nghĩa là tiêu chuẩn cao khi luật pháp địa phương vững mạnh và tiêu chuẩn rất thấp khi luật pháp yếu kém".

Khác với các khoản vay từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), là các tổ chức này đánh giá luật pháp địa phương và sẽ áp đặt các biện pháp bảo vệ của chính họ nếu luật pháp địa phương quá yếu. Trung Quốc giao cho các chính phủ đối tác chịu trách nhiệm về việc này và "tuân theo tất cả các điều khoản của luật pháp địa phương", Morris nói.

"Trung Quốc cũng không quan tâm tới vấn đề nợ khó đòi, các điều khoản cho vay không được điều chỉnh cho thật đúng với rủi ro nợ của đất nước đi vay", Morris nói thêm. Do đó, các khoản cho vay Bắc Kinh mang tới cho những nước tiếp nhận những lợi ích như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tiêu chuẩn của chính nước đi vay.

Giá mà Bắc Kinh phải trả

Trung Quốc cũng phải trả giá cho vấn đề nợ của các nước tham gia dự án BRI. Từ năm 2000 đến 2014, Bắc Kinh đã chi 13 tỷ USD để giải quyết vấn đề nợ. Với việc tái cơ cấu các khoản nợ, nước này đã giảm thiểu rủi ro bằng cách đưa thêm vào những điều khoản cho vay.

Theo Morris, Trung Quốc cũng phải chịu rủi ro đáng kể khi những người hưởng lợi phá sản, không trả được các khoản vay. Morris nói : "Mặc dù vay nợ là rất cần thiết cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng những khoản nợ lớn gây ra rủi ro lớn và cần được quản lý cẩn thận bởi cả người cho vay lẫn người vay".

Quan trọng nhất là, những lời phê phán quốc tế cũng đang tạo ra "vấn đề rất lớn ở chính Trung Quốc", Rudyak nói. "Dân chúng Trung Quốc phê phán gay gắt các khoản viện trợ và các khoản vay của Trung Quốc". Trung Quốc không đòi lại được tiền còn đất nước này thì bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Ngày càng nhiều người Trung Quốc hỏi, tại sao Bắc Kinh không chi những khoản tiền này cho người nghèo ở trong nước ?

Trung Quốc và cho vay theo lối đa phương 

Trong bối cảnh đa phương, Trung Quốc hoạt động theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) "hoàn toàn" phù hợp với các quy tắc trong hệ thống Bretton Woods, Rudyak nói. "Nếu bạn nhìn vào công việc trên thực tế mà họ đang làm, thì ngoài việc ngân hàng này do người Trung Quốc thành lập hoặc đề xuất và nằm ở Bắc Kinh, bên cạnh tất cả các ngân hàng chính sách khác của Trung Quốc, thì đó là một ngân hàng đa phương, bình thường, như các ngân hàng đa phương khác".

Ngân hàng AIIB cho vay ít hơn hẳn các ngân hàng chính sách khác của Trung Quốc, ví dụ như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hoặc Exim bank Trung Quốc. Một số người phê phán khẳng định rằng Trung Quốc muốn xây dựng một hệ thống riêng bên cạnh trật tự hiện hành hoặc bên cạnh các thiết chế của Bretton Woods như WB và IMF. Với các ngân hàng chính sách của riêng mình, Bắc Kinh có thể phá vỡ trật tự hiện hành, phá vỡ các tiêu chuẩn và quy định song hành với nó.

Van der Putten không nghĩ rằng Trung Quốc muốn thay thế Ngân hàng Thế giới. "Khi nói đến tài trợ phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng, Trung Quốc sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có", ông nói. Nhưng Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong việc cho vay để gia tăng ảnh hưởng trong Ngân hàng Thế giới.

"Việc Trung Quốc tìm cách làm cho địa vị trên toàn thế giới và ảnh hưởng tương xứng với sức mạnh tương đối của mình là điều chắc chắn", Haenle nói. Trong các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Bắc Kinh vẫn chưa có tầm ảnh hưởng như họ mong muốn. "Bắc Kinh đang đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn trong các tổ chức Bretton Woods và Liên Hiệp Quốc, nhưng họ còn lập ra các tổ chức của mình mà họ tin rằng có thể thích nghi tốt hơn với thực tế hiện nay".

Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo thế giới chia sẻ quan điểm này. Trong khi kêu gọi những nỗ lực hiện đại hóa các thiết chế nhằm phản ánh cán cân quyền lực hiện nay, chứ không thành lập các tổ chức mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gián tiếp nói với Trung Quốc. Bà nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tháng 1 năm 2019 : "Từ khu vực này của thế giới, bị ảnh hưởng bởi các giá trị phương Tây, chúng ta nên sẵn sàng xem xét các thiết chế đã được thành lập và xem xét tình trạng cân bằng quyền lực được phản ánh một cách thực tế với những thiết chế này. Chúng ta phải chấp nhận thực tế mới và các cuộc cải cách, và cách tiếp cận mới sẽ làm an lòng những người đang chứa hấp trong lòng những ngờ vực về hệ thống quốc tế hiện nay".

Bằng cách lập ra các thiết chế mới, Haenle nói : "Trung Quốc không muốn phá hủy trật tự quốc tế hiện hành, họ thổi vào nó sức sống mới. Một người bạn Trung Quốc của tôi so sánh quan điểm của Bắc Kinh về hệ thống quốc tế với các ngôi đền. Họ muốn xây dựng những ngôi đền mới, họ muốn sửa chữa những ngôi đền cũ, nhưng họ không muốn đánh sập bất kỳ ngôi đền nào". Đối với Trung Quốc, lật đổ hệ thống quốc tế cũng phi lí, vì "Trung Quốc là một trong những người thu được nhiều lợi nhất từ trật tự toàn cầu trong bốn thập kỷ qua".

Mục đích và chính trị 

Các thiết chế Bretton Woods là "tấm gương phản chiếu thời đại sau năm 1945 và thế giới đã thay đổi. Tất nhiên, bây giờ cải cách có vấn đề là nhiều nước muốn có ảnh hưởng lớn hơn lại không phải là các chế độ dân chủ tự do", Rudyak nói.

Morris và các đồng tác giả của ông này cho rằng Bắc Kinh nên đa phương hóa BRI để làm cho nỗ lực ngày càng gia tăng trong việc tài trợ phát triển quốc tế đi đúng hướng và giảm các vấn đề nợ nần. Morris nói : "Trung Quốc đánh giá cao việc nước này tham gia với các tổ chức đa phương và kết quả là họ có quan hệ gây được ảnh hưởng. Tôi cho rằng các tổ chức này là cơ hội có tính thuyết phục nhất và giúp Trung Quốc cải thiện dự án và các tiêu chuẩn cho vay của nước này". 

Bước đi gần đây của Trung Quốc nhằm mở cửa Trung tâm phát triển năng lực (Capacity Development Center) chung với IMF, để đào tạo các chuyên gia về chính sách và kinh tế để các nước có thể quyết định tốt hơn về việc có nên vay vốn hay không, là một động thái đáng khích lệ.

"Thực tế là Trung Quốc có rất nhiều kiến thức về phát triển, có thể chia sẻ. Từ đói nghèo đến  địa vị Trung Quốc hiện nay, là điều mà không nước nào ở phương Tây chúng ta làm như thế và trong cùng thời gian như thế", Rudyak khẳng định. Những lời chỉ tríchTrung Quốc thường là do hệ thống chính trị của nước này. Điều này không có nghĩa là hệ thống chính trị không có gì đáng chỉ trích, nhưng "bên trong hệ thống này, có rất nhiều người thực sự đam mê những việc họ làm và thực sự muốn chia sẻ kiến thức của họ với thế giới".

Thay vì chỉ trích trắng phớ "ngoại giao bẫy nợ", chúng ta nên tìm hiểu kĩ hơn những dự án cụ thể nào sai, dự án nào đúng và tại sao. "Nguyên nhân không đơn giản [như nói nó là như thế] vì Đảng muốn thế", Rudyak nói. Khi chúng ta chỉ nói về Đảng, "chúng ta đang lờ đi những người thực sự muốn thay đổi một cái gì đó, [những người] đã thoát khỏi cảnh nghèo đói và bây giờ nói : Tôi muốn giúp đỡ những người khác để họ bớt nghèo".

Sophie van der Meer

Nguyên tác : Demystifying Debt Along China’s New Silk Road, The Diplomat, 06/03/2019

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 09/03/2019

Sophie van der Meer là nhà nghiên cứu chính trị và nhà báo Hà Lan.

Published in Diễn đàn

Trung Quốc xây đập ngay núi lửa, Ecuador ôm nợ tỉ đô (RFI, 16/01/2019)

Trong bài điều tra mang tựa đề "Con đập đắt giá làm Ecuador chìm sâu trong nợ nần với Trung Quốc", New York Times tuần này thuật lại chi tiết về một công trình thủy điện tệ hại đã làm Ecuador bị ràng buộc với Bắc Kinh qua khối nợ lớn, cộng với tai tiếng tham nhũng.

bay1

Đập thủy điện Coca Codo Sinclair do Trung Quốc đầu tư xây dựng tại khu vực núi lửa Reventador ở Ecuador.flickr/Bộ Du lịch Ecuador

Xây đập thủy điện ngay dưới núi lửa đang hoạt động

Đập thủy điện này được xây ngay dưới chân một ngọn núi lửa đang hoạt động, với những cột tro xám phun lên bầu trời. Các viên chức từ nhiều thập niên qua đã cảnh báo việc xây đập tại đây, và các nhà địa chất nói rằng một trận động đất có thể phá hủy tất cả.

Nay chỉ mới hai năm sau khi khánh thành, hàng ngàn vết nứt đã xuất hiện. Hồ trữ nước bị cát và cây cối phủ lấp, và trong lần duy nhất mà các kỹ sư cố gắng khai thông toàn bộ, con đập bị rung chuyển mạnh, làm mạng lưới điện quốc gia bị cúp.

Đập thủy điện khổng lồ trong rừng rậm do Trung Quốc cho vay tiền và xây dựng lên, được cho là nhằm giải quyết nạn thiếu điện tại Ecuador, với tham vọng đưa đất nước Nam Mỹ này ra khỏi nạn nghèo khó. Thế nhưng nay con đập này lại nằm trong số các xì-căng-đan tầm quốc gia, khiến Ecuador phải đối mặt với khối lượng nợ nguy hiểm, tạo ra nguy cơ bị lệ thuộc lâu dài vào Trung Quốc.

Hầu như tất cả các quan chức cao cấp Ecuador có liên quan đến việc xây dựng đập thủy điện này đều bị vào tù hoặc lãnh án tham nhũng, trong đó có một cựu phó tổng thống, một cựu bộ trưởng Điện Lực, và cựu quan chức chống tham nhũng phụ trách dự án trên.

Ra sức bơm dầu, cắt phúc lợi xã hội để trả nợ Trung Quốc

Ecuador đang nợ Trung Quốc đến 19 tỉ đô la, không chỉ vì đập thủy điện mang tên Coca Codo Sinclair trên đây, mà còn do xây cầu đường, hệ thống tưới tiêu, trường học, bệnh viện và nhiều con đập khác. Mặc kệ cho Ecuador xoay sở để trả nợ, Bắc Kinh xoa tay hài lòng. Trung Quốc nắm trong tay đến 80% món hàng xuất khẩu giá trị nhất của Ecuador, đó là dầu lửa, vì đa số các hợp đồng xây dựng được trả bằng dầu với giá rất rẻ.

Làm thế nào bơm lên đủ dầu để trả cho Trung Quốc là mối đau đầu của chính quyền Ecuador hiện nay. Họ phải khoan dầu sâu trong vùng Amazon, gây thêm mối nguy phá rừng. Nợ ngập đầu, tổng thống Lenin Moreno đành cắt giảm thẳng tay nhiều món trợ cấp xã hội, nhiều cơ quan Chính phủ, sa thải trên 1.000 công chức. Đa số nhà kinh tế dự báo Ecuador đang rơi dần vào suy thoái.

Bộ trưởng Năng Lượng Ecuador, ông Carlos Pérez tuyên bố : "Trung Quốc thủ lợi từ Ecuador. Chiến lược của họ rất rõ : họ muốn nắm quyền kiểm soát nền kinh tế của các nước".

Bắc Kinh vừa thành chủ nợ lớn, vừa cô lập được Đài Loan

Trung Quốc đã nung nấu ý đồ từ hàng chục năm trước, khi nhảy vào châu Mỹ la-tinh trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, đưa ra củ cà rốt tín dụng với lời khuyến dụ là sẽ quan hệ bình đẳng với các đối tác – hàm ý bán cầu này sẽ không còn bị Mỹ "thống trị". Và Bắc Kinh đã thành công.

Nay Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước Nam Mỹ - sân sau của Hoa Kỳ - xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đồng thời với việc rải đầy các món nợ trong khu vực. Bên cạnh đó còn là lợi ích chính trị : một số nước châu Mỹ la-tinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để trở thành đối tác của Bắc Kinh.

Tuy nhiên đập thủy điện Coca Codo Sinclair đã chứng tỏ quan hệ đôi bên không hề bình đẳng. Là người đi vay nợ, Ecuador đành chấp nhận con đập có nhiều khiếm khuyết trong thiết kế, nghiên cứu kỹ thuật lỗi thời đến mấy chục năm.

Bất chấp nguy cơ núi lửa phun, hạn hán...

Khi Fernando Santos, cựu bộ trưởng Năng Lượng trong thập niên 80 biết được đập thủy điện khổng lồ này đang được xây dựng, ông không thể tin nổi. Trong thời kỳ ông còn tại chức, Chính phủ đã bác bỏ phiên bản quy mô nhỏ hơn của dự án này, vì lý do núi lửa. Một trận động đất đã vùi lấp cơ sở hạ tầng dầu khí trong khu vực vào năm 1987.

Ngoài ra còn có những cảnh báo khác. Một nghiên cứu độc lập năm 2010 báo động rằng lượng nước có thể cung cấp cho con đập đã không được nghiên cứu từ 30 năm qua, và Ecuador đã phải chịu đựng nhiều trận hạn hán.

Luciano Cepeda, cựu tổng công trình sư kể lại, các quan chức vẫn thúc đẩy dự án vì "một nghiên cứu mới sẽ làm mất thêm nhiều năm". Một yếu tố quan trọng hơn về địa chính trị : tổng thống thời đó là Rafael Correa, thiên tả và dân túy, muốn nhanh chóng hiện đại hóa đất nước và ra khỏi quỹ đạo của Mỹ.

Ông Correa tố cáo các định chế tài chính phương Tây, chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạn chế chi tiêu của mình. Năm 2008, ông không chịu trả 3,2 tỉ nợ vay, quay sang nhờ Trung Quốc giúp. Tổng thống có được tiền, nhưng đất nước lại bị một cuộc khủng hoảng mới : hạn hán làm nhiều đập thủy điện không hoạt động được. Thay vì tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, ông Correa lại tăng gấp đôi thủy điện.

È cổ trả nợ cho đập thủy điện dỏm khi chạy, khi không

Coca Codo Sinclair được cho là sẽ cung cấp một phần ba lượng điện cho toàn quốc, được xây dựng ngay dưới chân núi lửa Reventador, với quy mô lớn gấp đôi so với các dự án đã bị bác nhiều thập niên trước.

Khi đập này được đưa vào hoạt động cuối năm 2016, Tập Cận Bình đã bay đến Ecuador để dự lễ khánh thành. Chỉ hai ngày trước chuyến viếng thăm của chủ tịch Trung Quốc, tình hình con đập rơi vào hỗn loạn. Các kỹ sư rất cố gắng, nhưng công trình có công suất thiết kế 1.500 megawatt không thể vận hành với mạng lưới điện quốc gia. Con đập rung chuyển một cách nguy hiểm, gây ra nạn mất điện tại nhiều vùng trên toàn quốc.

Ngày nay, đập Coca Codo Sinclair chỉ chạy được một nửa công suất. Theo các chuyên gia, với thiết kế cổ lỗ sỉ như thế cũng như theo chu kỳ mùa mưa và mùa khô, đập này chỉ phát điện được vài giờ mỗi ngày, và sáu tháng trong một năm – với điều kiện mọi sự đều tốt đẹp.

Tuy vậy Ecuador vẫn phải è cổ trả nợ. Món vay xây đập 1,7 tỉ đô la rất béo bở cho Trung Quốc : lãi suất đến 7% trong vòng 15 năm, tính ra mỗi năm Ecuador phải trả 125 triệu đô la tiền lãi. Ngày nay nhiều người dân Ecuador phàn nàn gánh nặng đang đè lên vai họ : một gia đình cho biết hàng tháng phải trả 60 đô la tiền điện tuy Chính phủ hứa giảm giá năng lượng.

"Nghiện" vay nợ cho những dự án không cần thiết

Ở ngay lối vào con đập vẫn còn tấm bảng ghi "Jorge Glas Espinel, phó tổng thống, đã thúc đẩy công trình đại quy mô này".

Ông Glas đang ngồi tù, với bản án sáu năm tù giam do tham nhũng. Tư pháp Ecuador xác nhận có băng ghi âm trong đó phó tổng thống cùng với Carlos Pólit, phụ trách cơ quan chống tham nhũng đang bàn bạc về món tiền hối lộ của Trung Quốc. Một cuộc điều tra khác cho thấy một người thân cận của ông Glas đã chuyển 17,4 triệu đô la vào một tài khoản HSBC ở Hồng Kông.

Món nợ khổng lồ khiến các nhà lãnh đạo mới ở Ecuador tỏ ra bất mãn đối với Trung Quốc. Tân bộ trưởng Năng Lượng đe dọa không trả nợ xây đập thủy điện, và Bắc Kinh đã có một ít nhượng bộ, chẳng hạn trả thêm 92 xu cho mỗi thùng dầu, và chỉ thu nợ bằng 80% lượng dầu xuất khẩu của Ecuador thay vì 90% như trước. Nhưng Chính phủ vẫn còn đến 11,7 tỉ đô la phải trả.

Tháng trước, tổng thống Moreno phải bay sang Trung Quốc để thương lượng lại một số món nợ và vay thêm 900 triệu đô la nữa. Tân Chính phủ cũng quay sang các định chế từng bị cựu tổng thống Correa chê bai là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Ông Santos, cựu bộ trưởng Năng Lượng than thở : "Chúng tôi đã nghiện vay nợ". Một người khác nói thêm : "Giờ thì chúng tôi đã nhận ra rằng có nhiều thứ thật ra không cần đến, như con đập này chẳng hạn !".

Thụy My

*********************

Bắc Triều Tiên tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa (RFI, 16/01/2019)

Trang Meari, cơ quan tuyên truyền của Bắc Triều Tiên, ngày 16/01/2019, đã tái khẳng định cam kết của Bình Nhưỡng trong tiến trình giải trừ hạt nhân.

bay2

Ảnh vệ tinh chụp cơ sở thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên (chụp ngày 14/05/2018) Reuters

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh một cuộc họp cấp cao giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ diễn ra vào tuần này tại Washington để giải quyết bất đồng trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Bài viết của trang Meari nhấn mạnh : "Không nên nhìn qua lăng kính bóp méo quan điểm ủng hộ hòa bình của nước Cộng Hòa chúng ta cũng như mong muốn giải trừ hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. (Bắc Triều Tiên) làm hết khả năng của mình để phi hạt nhân hóa... ngăn ngừa một thảm họa nguyên tử kinh hoàng trước khi thảm họa giáng xuống đất nước chúng ta".

Theo hãng tin Yonhap, lời trấn an về cam kết giải trừ hạt nhân được Bình Nhưỡng đưa ra vào lúc có nhiều khả năng sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh thứ hai giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ-Hàn Quốc họp bàn về Bắc Triều Tiên

Song song với cuộc họp giữa lãnh đạo ngoại giao Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ tại Washington, có thể vào thứ Năm 17 hoặc thứ Sáu 18/01, nhóm làm việc chung Mỹ-Hàn cũng tổ chức họp qua phương tiện truyền hình (visioconference) vào ngày 17/01 để trao đổi quan điểm về một số chủ đề như đoàn tụ gia đình ly tán, cung cấp thuốc kháng virus cúm Tamiflu, tìm kiếm hài cốt lính tử trận trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Mỹ và Hàn Quốc thành lập nhóm làm việc chung này vào tháng 11/2018 để phối hợp cách tiếp cận của hai nước về vấn đề phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, áp dụng lệnh trừng phạt và hợp tác Liên Triều.

Thu Hằng

*****************

Quần đảo Kuril : Nga thẳng thừng bác đòi hỏi của Nhật (RFI, 15/01/2019)

Nga và Nhật tiếp tục bế tắc trong các thương lượng về một nhóm đảo thuộc quần đảo Kuril, khu vực mà Tokyo gọi là "vùng lãnh thổ phương Bắc". Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trong cuộc gặp đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono hôm qua, 14/01/2019, đã thẳng thừng từ chối việc thương lượng về chủ quyền quần đảo Kuril, căn cứ trên Tuyên bố chung Liên Xô – Nhật Bản năm 1956.

bay3

Lãnh đạo Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono (T) và đồng nhiệm Nga Sergueï Lavrov tại Moskva, ngày 14/01/2019. Reuters/Maxim Shemetov

Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Serguei Lavrov và Taro Kono hôm qua nhằm chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Nga và thủ tướng Nhật ngày 22/01/2019 tại Moskva. Sau buổi làm việc hôm qua với ngoại trưởng Nga, bộ trưởng Nhật cho biết giữa hai bên có "nhiều bất đồng đáng kể".

Thông tín viên Daniel Vallot từ Moskva giải thích :

"Các thảo luận giữa ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono chỉ kéo dài vài giờ, nhưng rõ ràng là hai bên đã không đạt được bất cứ tiến bộ nào sau cuộc gặp này.

Tâm điểm của căng thẳng song phương là quần đảo Kuril. Bốn hòn đảo trên Thái Bình Dương, ở phía bắc Nhật Bản, bị Liên Xô sáp nhập sau Thế chiến Hai. Ngoại trưởng Nga tuyên bố kiên quyết không trả lại cho Nhật Bản :

"Chúng tôi đã khẳng định sẵn sàng làm việc trên cơ sở Tuyên bố 1956. Điều đó có nghĩa là quốc gia láng giềng Nhật Bản ngay từ đầu đã công nhận hiện trạng lãnh thổ sau Thế chiến Hai, và điều này là không thể thương lượng. Trong đó có vấn đề chủ quyền của nước Nga đối với toàn bộ quần đảo Kuril. Đây là lập trường căn bản của chúng tôi. Nếu không có một bước tiến nào theo hướng này, thì sẽ rất khó có các tiến bộ trong những vấn đề còn lại".

Hồi tháng 11/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cam kết sẽ có tiến bộ trong hồ sơ này, và Moskva và Tokyo sẽ đạt được một hiệp định hòa bình trong năm 2019. Tuy nhiên, kể từ đó, quan hệ Nhật – Nga đã xấu đi rõ rệt. Việc Nga thông báo xây dựng một số doanh trại trên quần đảo Kuril khiến Nhật khó chịu. Về phần mình, điện Kremlin bực tức về những tuyên bố mới đây của thủ tướng Nhật, hứa hẹn sẽ có thay đổi chủ quyền tại quần đảo nói trên".

Theo AFP, Tuyên bố chung 1956 cho phép thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Nhật Bản, có nhắc đến việc sẽ trả lại cho Tokyo hai trong số bốn đảo thuộc quần đảo Kuril mà Nga kiểm soát, một khi hiệp ước hòa bình song phương được ký kết. Tuy nhiên, văn bản này đã bị Liên Xô hủy bỏ năm 1960, sau khi Nhật - Mỹ ký một hiệp ước hợp tác song phương.

Trọng Thành

Published in Châu Á
Trang 1 đến 2