Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/04/2024

Nguy cơ bẫy nợ từ dự án đường sắt Việt – Trung

Thới Bình

Vương Đình Huệ "hoan nghênh Trung Quốc đầu tư sân bay, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị ở Việt Nam".

bayno1

Vấn đề bẫy nợ từ Trung Quốc như với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một bài học đắt tiền về quản trị Nhà nước

Văn phòng Chính phủ hôm 8/4/2024 đã phát hành Thông báo số 144/TB-VPCP về kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đoạn mở đầu thông báo thì cuộc họp này quy tụ những gương mặt chính khách cụ thể như sau :

"Ngày 27 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng) theo Tờ trình số 1891/TTr-BKHĐT ngày 15 tháng 3 năm 2024 và Báo cáo số 2204/BC-BKHĐT ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ : Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang ; các đồng chí : Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan : Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư".

Đặc biệt, tại bản thông báo kết luận về quy hoạch vùng, thường trực Chính phủ đã yêu cầu "ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội kết nối với Trung Quốc".

Cùng thời gian thường trực Chính phủ họp bàn đưa đến quyết định "ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội kết nối với Trung Quốc", thì ở Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ của Việt Nam đã tuyên bố mạnh miệng rằng : Hoan nghênh Trung Quốc đầu tư sân bay, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị ở Việt Nam.

Thật ra mọi việc trong chuyện trên là kịch bản được soạn thảo. Theo đó, hồi đầu năm nay Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ra thông báo đang làm việc với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai bên tại Lào Cai, triển khai từ năm 2025. Cục đường sắt hai nước sẽ thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận liên Chính phủ về phương án, điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

Dự kiến, dự án sẽ xây dựng đường sắt khổ lồng (1.000 mm và 1.435 mm ; là đường sắt khổ 1.435mm lồng với khổ 1.000mm, có thể chạy đầu máy, toa xe ở cả hai khổ đường trên cùng một tuyến đường sắt đơn), với điểm đầu tại ga Lào Cai (Km294+775) trên tuyến đường sắt khổ 1.000 mm hiện có của đường sắt Việt Nam ; điểm cuối là điểm chính giữa của cầu Hồ Kiều (Trung Quốc) mới. Trong đó, xây dựng mới 2,85 km tuyến đường lồng từ đầu bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều.

Phía Trung Quốc cũng sẽ đầu tư kinh phí xây dựng đường sắt khổ lồng từ ga Hà Khẩu Bắc đến cầu Hồ Kiều mới để nối ray với đường sắt Việt Nam.

Trước đó, dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, hai bên Trung – Việt đã trao đổi về nội dung hỗ trợ nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, cũng như lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng. Hai bên cũng đã trao đổi về việc phối hợp sửa đổi Hiệp định Đường sắt biên giới Việt – Trung thay thế Hiệp định Đường sắt biên giới ký giữa các bên Bộ Giao thông vận tải & Bưu điện Việt Nam và Bộ Đường sắt Trung Quốc năm 1992.

Bình luận nhanh vấn đề, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng cần lưu tâm đến vấn đề bẫy nợ từ Trung Quốc như với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, một bài học đắt tiền về quản trị Nhà nước ; ở đây là trong câu chuyện sử dụng vốn vay ODA.

"Ở dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có một điểm rất kỳ lạ là tổng thầu Trung quốc được phía Việt Nam trao một cơ chế đặc thù, theo đó tổng thầu được phê duyệt thiết kế kỹ thuật do mình làm. Tư vấn giám sát dự án cũng là một đơn vị Trung Quốc – và đơn vị Trung Quốc này đứng ra phê duyệt bản vẽ thi công…", ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.

Làm sao tránh vết xe đổ của Cát Linh – Hà Đông khi ký kết làm ăn từ nhà đầu tư và nguồn vốn vay đều của Trung Quốc là điều mà nhà nước Việt Nam cần tường minh với công chúng.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 15/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình
Read 206 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)