Bẫy nợ Trung Quốc : Phải chăng gậy ông sẽ đập lưng ông ?
Về thời sự quốc tế, đặc biệt đáng chú ý có hồ sơ nguy cơ nợ nần quá tải. Tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế ở Paris, hôm qua, 07/05/2019, Trung Quốc bị lên án dùng bẫy nợ siết cổ các nước nghèo. Tuy nhiên, dường như gió đang đổi chiếu, với đòi hỏi minh bạch trở thành vấn đề trung tâm.
Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để thoát khỏi bẫy nợ
Le Monde có bài phân tích đáng chú ý "Bẫy nợ Trung Quốc : Phải chăng gậy ông sẽ đập lưng ông ?".
Bài phân tích của nhà báo Frédéric Lemaitre nêu bật một nghịch lý là, lâu nay người ta thường lo sợ Trung Quốc, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cái bẫy nợ mà Trung Quốc giương ra cũng rất có thể gây thiệt hại nhiều cho Bắc Kinh. Quan điểm của tác giả bài viết dường như đi ngược lại với đa số các quan điểm phổ biến hiện nay về vấn đề "bẫy nợ Trung Quốc".
Nhà báo Frédéric Lemaitre dẫn lại một nghiên cứu công bố ngày 29/04, của trung tâm nghiên cứu Mỹ Rhodium Group. Theo đó, sau khi phân tích khoảng 40 trường hợp phải đàm phán lại về nợ với Trung Quốc, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trường hợp như Sri Lanka phải gán đất để trả nợ chỉ là một "ngoại lệ". Một ngoại lệ thứ hai là Tadjikistan, phải nhượng cho Trung Quốc 1.158 km² đất để trừ nợ, hồi 2011.
Theo nhà báo Le Monde, thì cho dù cơ sở dữ liệu trong điều tra nói trên chắc chắn không đầy đủ, nhưng vấn đề được nêu ra là "quan trọng". Các nhà nghiên cứu nhóm Rhodium Groupe khẳng định là, trong hiện tại nhìn chung, Trung Quốc không có đủ phương tiện, để đơn phương dùng sức mạnh buộc các nước phải hoàn nợ, trong trường hợp quốc gia liên quan không tôn trọng cam kết.
Trên thực tế, trong đa số các trường hợp được khảo sát trong điều tra này, Bắc Kinh buộc phải "xóa nợ" (khi số tiền không quá cao), "giãn nợ", hoặc "thương lượng lại" một số điều kiện. Đây là những trường hợp mà bên vay nợ có được các khoản tín dụng mới, hoặc ở trong tương quan sức mạnh ít bất lợi hơn trước Trung Quốc.
Trung Quốc không dễ thủ lợi, nếu ở ngoài các định chế quốc tế
Trong một số trường hợp, Trung Quốc cũng buộc phải quay sang một số định chế pháp lý quốc tế để nhờ phân xử, theo đó Ukraine đã buộc phải dùng lương thực để trả khoản tín dụng 3 tỉ đô la vay của Trung Quốc.
Nhà báo Le Monde tỏ ra lạc quan. Theo tổng giám đốc IMF, phát biểu tại Diễn đàn "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI – Belt and Road Initiative) lần thứ hai, tại Bắc Kinh, hôm 26/04, thì quy tắc mới về tín dụng được áp dụng để đánh giá các dự án trong khuôn khổ BRI đang trở thành "một chuyển biến quan trọng theo hướng đúng". Điều đó phải chăng có nghĩa là cộng đồng quốc tế sắp tới có thể dùng các quy tắc minh bạch để xử sự với Trung Quốc, một khi Bắc Kinh chấp nhận tham gia cuộc chơi quốc tế ?
Tuy nhiên liệu có gì bảo đảm là vay tiền Bắc Kinh với các điều khoản dễ dãi sẽ không để lại các hậu quả khủng khiếp, cho dù theo nghiên cứu của Rhodium Groupe, chỉ có hai trường hợp Sri Lanka và Tadjikistan phải gán đất để trả nợ ?
Nợ nần quá tải như "thuốc độc"
Về hồ sơ nợ nần quá tải, Le Figaro cho biết, 40 bộ trưởng tài chính họp tại Paris hôm qua kêu gọi "minh bạch hơn trong các hoạt động cấp tín dụng". Nợ nần quá tải đe dọa "tăng trưởng bền vững" là chủ đề chính của hội nghị Paris. Theo một số định chế kinh tế quốc tế, chỉ trong vòng 5 năm (2012-2017), tỉ lệ các nước nghèo lâm vào tình trạng nợ quá tải đã tăng gấp đôi, từ 21% đến 42%.
Ví dụ kinh điển được đưa ra vẫn là Sri Lanka bị Trung Quốc bắt chẹt phải nhượng lại cảng Hambatona cho Bắc Kinh trong 99 năm, để hoàn nợ. Nợ nần quá tải khiến nhiều nước lâm vào tình trạng mất "chủ quyền quốc gia", buộc phải nhượng lại nhiều cơ sở hạ tầng, các nguồn nguyên liệu chiến lược. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc nợ nần quá tải thường trước hết dẫn đến việc các quốc gia liên quan phải cắt giảm mạnh chi phí công, với nạn nhân đầu tiên chính là dân chúng địa phương, như ghi nhận của bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire. Bộ trưởng Pháp ví các khoản nợ này như "thuốc độc".
Đòi hỏi minh bạch : Gió đổi chiều
Tuy nhiên, gió dường như đang đổi chiều. "Minh bạch" là cụm từ được nói đến nhiều nhất trong các thảo luận tại Paris hôm qua. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christian Lagarde hoan nghênh Viện Tài chính quốc tế đang tiến hành việc "xác định các quy tắc minh bạch về tín dụng". Mặc dù không bị nêu đích danh, nhưng đối tượng bị chỉ trích chính tại hội nghị này là Trung Quốc. Bắc Kinh là một trong các nhà cấp tín dụng chủ yếu trên thế giới, nhưng lại không tuân thủ các chuẩn mực minh bạch quốc tế.
Về chủ đề này, Le Figaro trong bài "Bắc Kinh bị cáo buộc dùng tín dụng siết cổ các nước nghèo" chỉ ra một số trường hợp khác như Malaysia. Quốc gia Đông Nam Á nói trên buộc phải chấp nhận tiếp tục dự án đường sắt khổng lồ với Trung Quốc, do chính quyền tiền nhiệm khởi xướng, với nhiều hệ quả bất lợi, hơn là nộp phạt 5 tỉ đô la. Gần đây, một số nước Châu Phi, đã gia tăng cảnh giác với Trung Quốc. Cuối năm 2018, quốc gia miền tây Châu Phi Côte d’Ivoire đã lập ra một ủy ban đặc biệt để giám sát khoảng 15 dự án do Trung Quốc tài trợ.
Trung Quốc có chấp nhận thương thuyết với "dao kề cổ" ?
Căng thẳng Mỹ - Trung vào lúc đàm phán tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại là chủ đề chính của nhật báo kinh tế Les Echos.
"Trump làm đảo lộn thị trường thế giới" là tựa trang nhất. Les Echos ghi nhận "Đe dọa của tổng thống Mỹ khiến chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 6%". Nhật báo Pháp nhận định là "Trước đe dọa của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh tỏ ra mềm mỏng để tránh leo thang căng thẳng". Chính quyền Trung Quốc tiếp tục cử phái đoàn đến Washington bất chấp đe dọa tăng thuế nhãn tiền, gây bất ngờ của tổng thống Trump hôm Chủ Nhật.
Phản ứng của Bắc Kinh là điều gây ngạc nhiên, bởi từ trước đến nay, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ăn miếng trả miếng với Mỹ, và từ chối thương thuyết trong tình trạng "dao kề cổ". Les Echos dùng từ "học trò giỏi" để nói về thái độ nhũn nhặn của Trung Quốc, sẵn sàng thương thuyết đến cùng để đạt được một thỏa thuận với Washington nhằm chấm dứt bất đồng thương mại.
Cũng Les Echos trong bài "Nghệ thuật thương thuyết thương mại" đặc biệt chú ý đến thái độ hung hăng của tổng thống Mỹ, đe dọa làm đảo lộn sự ổn định của chứng khoán toàn cầu, từ Á sang Âu, và kể cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây cũng là thủ thuật rõ ràng của tổng thống Mỹ : Dùng đe dọa để đạt được các nhân nhượng vào phút chót.
Les Echos dự báo hai kịch bản. Kịch bản lạc quan : Donald Trump sẽ đạt được điều mà ông chờ đợi bằng các thủ đoạn hung hăng kể trên. Lý do là kinh tế Mỹ gần như không có dấu hiệu yếu kém nào. Thất nghiệp thấp chưa từng thấy, lương bổng của nhân viên các tập đoàn lớn đang tăng trở lại, thị trường chứng khoán Wall Street đang khởi sắc ngay trước tuyên bố của ông Trump.
Tuy nhiên, cũng có một kịch bản thứ hai là các dòng Tweet hung bạo của tổng thống Mỹ là dấu hiệu cho thấy đàm phán với Trung Quốc đang sắp đổ vỡ. Bởi chính quyền Bắc Kinh cũng không chấp nhận một cuộc thương thuyết với tình trạng dao kề cổ như vậy. Và kết quả sẽ là một cuộc chiến thương mại toàn cầu, với những hệ quả hết sức nặng nề.
Vùng Vịnh : Kịch bản chiến tranh Mỹ-Iran
Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng thu hút sự chú ý của giới kinh tế, nhưng thế giới còn có một điểm nóng khác tại Trung Cận Đông. Tình hình đang ngày càng căng thẳng hơn với việc Tehran hôm nay, tuyên bố rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân, Hoa Kỳ gia tăng hiện diện quân sự, với lý do các đơn vị Mỹ tại Iraq và Syria bị đe dọa. Theo một chuyên gia Pháp am hiểu về tình hình vùng Vịnh, cho dù khó bùng phát chiến tranh với Iran, nhưng đụng độ vượt tầm kiểm soát có thể xảy ra.
Nếu chiến tranh Mỹ - Iran bùng nổ, đâu là các kịch bản chính ? Le Figaro dự đoán.
Trong trường hợp xung đột với Mỹ, rất nhiều khả năng Iran sẽ phong tỏa eo biển Ormuz, một trong các tuyến đường hàng hải tấp nập nhất thế giới, bằng thủy lôi. Hàng trăm xuồng chiến, di chuyển với vận tốc 65 hải lý/giờ, sẽ được giao nhiệm vụ rải thủy lôi, cùng với đội quân tàu ngầm cỡ nhỏ. Đội chiến xuống này có thể nhanh chóng tiếp cận các tàu chở dầu, hay các tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ, để tấn công. Bên cạnh đó, Iran còn sở hữu hàng nghìn tên lửa ven bờ, đủ sức phong tỏa eo biển. Cho dù không thắng được Mỹ, nhưng chế độ Tehran có thể khiến Hoa Kỳ tổn thất nặng nề.
Theo một số chuyên gia, hiện tại không khí chiến tranh tại vùng Vịnh gia tăng. Saudi Arabia quốc gia đồng minh với chính quyền Trump, dường như đã có một kế hoạch "xâm chiếm Iran", theo một nguồn tin quân sự Pháp. Từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống mới của Mỹ, còn khoảng hơn một năm, các thế lực diều hâu có thể tìm được tiếng nói chung để phát động một cuộc chiến tại vùng Vịnh.
Bảo vệ Sinh thái : Tổng thống Pháp đột ngột lên tiếng
Trong lĩnh vực sinh thái, tổng thống Pháp đã đột ngột lên tiếng mạnh mẽ chống lại một dự án gây ô nhiễm nặng nề của các doanh nghiệp Pháp tại Nam Mỹ, vốn bị giới bảo vệ môi trường lên án lâu nay. Theo Le Monde, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tổ chức chuyên gia của Liên Hiệp Quốc IPBES, đầu tuần này họp tại Paris, đã đưa ra báo động chưa từng có về nguy cơ đại diệt chủng nhãn tiền, đối với các giống loài trên trái đất. Thái độ của nguyên thủ Pháp tương phản hoàn toàn với phát biểu của ông cuối tháng trước, khép lại cuộc Thảo luận toàn quốc ba tháng, tìm giải pháp cho khủng hoảng Áo Vàng, trong đó, môi trường - sinh thái bị lu mờ.
Điểm mới trong tuyên bố hôm thứ Hai tại điện Elysée là nâng số lượng diện tích biển được bảo vệ lên 30% vào năm 2022 (so với 22%) hiện nay, trong đó 10% được bảo vệ nghiêm ngặt (nghĩa là cấm mọi hình thức can thiệp của con người). Với 11 triệu km² biển thuộc đặc quyền kinh tế, Pháp - cường quốc đại dương thứ hai thế giới - có trách nhiệm rất lớn đối với Đa dạng sinh học ở biển khơi. Paris cũng đặt mục tiêu tái chế 100% rác nhựa vào năm 2025. Một dự luật về kinh tế tuần hoàn sẽ được đưa ra trong những tuần tới.
Theo Le Monde, chính quyền Pháp đứng trước áp lực phải hành động quyết liệt hơn để nêu gương, nhằm tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong các nỗ lực quốc tế vì sinh thái. Năm nay, Pháp là chủ tịch luân phiên G7 - khối các cường quốc công nghiệp. Paris muốn đóng vai trò kết nối cộng đồng quốc tế trong việc thông qua một Hiệp ước bảo vệ Đa dạng sinh học, dự kiến vào năm tới, cũng như tiếp tục thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris 2015.
Trang nhất các báo
Trang nhất các báo Pháp số ra mùng 8 tháng Năm 2019, tập trung trước hết vào các chủ đề thời sự lớn trong nước. "Vì sao giá xăng tăng vọt ?" là tựa của Le Monde. Libération dành hồ sơ chính cho "Thuốc giảm đau. Nạn nghiện dược phẩm ở mức báo động". Le Figaro bàn về nguy cơ liên hệ huyết thống theo truyền thống tan vỡ, nếu luật cho phép các cặp đồng tính nữ có con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản (PMA).
Trọng Thành