Mỹ đau đầu trước việc khó kiểm soát "những lời hứa" của Trung Quốc (RFI, 06/05/2019)
Làm sao chắc rằng Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa ? Phải chăng vì mối lo này mà tổng thống Mỹ hôm qua bất ngờ thông báo dọa áp thuế từ 10% lên 25% nhắm vào 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc để gây áp lực với Bắc Kinh ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017 Reuters/Damir Sagolj/File Photo Reuters/Damir Sagolj
Thứ Tư, 08/05/2019, theo lịch trình, các nhà đàm phán Trung Quốc sẽ đến Washington để tiếp tục cuộc thương lượng. Theo những thông tin mà hai bên thông báo, người ta có thể hiểu đây là vòng đàm phán lần cuối cùng tại Washington, vạch ra những nội dung chính cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt một cuộc chiến thương mại dài hơi chưa từng có giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Thế nhưng, hôm qua, chủ nhân Nhà Trắng bất ngờ đưa ra lời đe dọa với lý do là các cuộc thương lượng này "tiến triển quá chậm". Vì sao Donald Trump lại có thái độ quay ngoắt như vậy trong khi mà trước đó không lâu ông còn hoan hỉ thông báo sắp đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh ?
Về điểm này, ông Edward Alden, chuyên gia về ngoại thương tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Realations), trả lời câu hỏi của AFP nhận định ngoài việc ép Trung Quốc phải có các nhượng bộ, thì cơ chế giám sát thực thi các cam kết mới chính là tâm điểm của cuộc thương lượng lần này. "Việc thực thi thỏa thuận là trọng tâm các cuộc đàm phán bởi vì Trung Quốc từ lâu nổi tiếng là không tuân thủ các cam kết do chính họ đưa ra tại Tổ chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) và trong các cuộc đàm phán song phương khác, bất kể là với Hoa Kỳ hay là với các nước khác".
Tổng thống Mỹ, với những lời lẽ không mấy hoa mỹ, thường xuyên tố cáo Trung Quốc "đánh lừa" Hoa Kỳ từ nhiều năm qua. Washington yêu cầu Bắc Kinh phải có những cải tổ cơ cấu, chấm dứt tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ hay tài trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước.
Bất chấp việc Trung Quốc nhanh chóng sửa đổi luật Đầu tư nước ngoài, nhưng tính chất minh bạch của các quy định áp dụng của Trung Quốc vẫn khiến Washington e ngại, theo như quan sát của ông Edward Alden. "Chính phủ Trung Quốc có thể sửa đổi các điều luật nhằm làm hài lòng nước Mỹ, nhưng sau đó lại dựa vào các quy định nhiêu khê khác để không thực hiện các cam kết của mình".
Nỗi lo này ám ảnh Washington đến mức đoàn đàm phán Hoa Kỳ đề nghị tổ chức các cuộc gặp đôi bên hàng tháng, mỗi quý và hai lần trong năm. Và các cuộc gặp hai lần trong năm chủ yếu dành cho các quan chức cao cấp Hoa Kỳ và Trung Quốc để xử lý những vụ tranh chấp gai góc nhất.
Vẫn theo nhận xét của chuyên gia Edward Alden, việc đặt cơ chế giám sát thực thi cam kết lên bàn đàm phán là một điều chưa từng thấy. Theo thông lệ, các cuộc thương thuyết thường đưa ra một giải pháp xử lý các tranh chấp thông qua các cơ quan xét xử độc lập, giống như trong WTO.
Hiện chưa biết cuộc chiến này chừng nào sẽ có hồi kết. Chỉ biết rằng các doanh nghiệp của hai phía bắt đầu gánh lấy hậu quả. Tuy nhiên, ông Edward Alden cảnh báo, việc chính quyền Donald Trump vẫn duy trì "đòn bẩy" này để gây áp lực với Bắc Kinh không những có thể đẩy các doanh nghiệp rơi vào trạng thái "bất định thường trực", mà còn có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến "đơn phương" áp thuế từ Mỹ hay Trung Quốc.
Minh Anh
******************
Tổng thống Mỹ lại dọa đánh thuế 25% đối với 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc (RFI, 06/05/2019)
Nguyên thủ Mỹ ngày 05/05/2019, trên mạng xã hội Twitter, dọa là kể từ thứ Sáu tới, có thể ông sẽ cho áp dụng mức thuế 25%, thay vì 10%, đối với 200 tỉ hàng hòa nhập khẩu từ Trung Quốc. Lý do là các cuộc đàm phán tiến triển chậm vì phía Trung Quốc tìm cách kéo dài thời gian.
Tổng thống Donald Trump đứng trước Nhà Trắng ngày 30/04/2019 - Reuters/Joshua Roberts
Lời dọa này được ông Donald Trump đưa ra vào lúc cả Bắc Kinh và Washington đều tuyên bố hai bên có thể ký kết được thỏa thuận thương mại vào tuần này và phái đoàn Trung Quốc chuẩn bị lên đường sang Hoa Kỳ. Phải chăng tổng thống Mỹ chỉ dọa, để gây áp lực tối đa với phía Trung Quốc. Theo thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, các tweet của Donald Trump đã làm cho Trung Quốc sững sờ, khó xử.
"Cây bút xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo, sáng nay, viết trên mạng xã hội Twitter : Với kiểu đe dọa này, có ít khả năng phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc muốn tới Hoa Kỳ.
Phải chăng thông báo của Donald Trump là một trò gây áp lực trong giai đoạn cuối vòng đàm phán trước khi ký kết thỏa thuận ? Tuy vậy, tại Trung Quốc, các phát biểu của tổng thống Mỹ đã gây sững sờ.
Sau kỳ nghỉ ngày Lao Động Quốc Tế, 01/05, chỉ số tại thị trường chứng khoán Thâm Quyến, ngay sau lúc mở cửa, đã giảm 4%. Còn vào trưa nay, chỉ số tại thị trường Thượng Hải giảm 5%. Bầu không khí lạc quan trong những ngày qua đã xẹp hẳn xuống.
Trong vòng đàm phán lần thứ 10 tại Bắc Kinh vào tuần trước, Hoa Kỳ và Trung Quốc nói đến khả năng ký kết được thỏa thuận trong tuần này. Theo một số nhà quan sát, thậm chí, phó thủ tướng Trung Quốc dự tính dẫn đầu một phái đoàn khoảng 100 người tới Hoa Kỳ.
Trong những tháng vừa qua, chính quyền Cộng Sản Trung Quốc nhiều lần tuyên bố là không muốn tiến hành đàm phán trong tình thế bị dí dao vào cổ. Vậy Bắc Kinh sẽ hoãn chuyến đi Mỹ lần này ? Cho đến sáng nay, các quan chức Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng về thông điệp trên Twitter của tổng thống Mỹ, một dấu hiệu cho thấy sự lúng túng, khó xử của chính quyền".
Theo thông tin mới nhất của AFP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa cho biết là các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn chuẩn bị lên đường sang Hoa Kỳ, nhưng không rõ là phó thủ tướng Lưu Hạc có dẫn đầu phái đoàn hay không. Các tweet của tổng thống Mỹ ngày hôm qua không chỉ làm cho các thị trường chứng khoán Trung Quốc bị sụt giảm chỉ số. Vào trưa nay, thị trường Paris bị giảm 2%.
Minh Anh
********************
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm vì Mỹ dọa đánh thêm thuế (BBC, 05/05/2019)
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm hôm 6/5 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng gấp đôi thuế lên hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump tiếp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng hôm 31/01/2019 trong cuộc đàm phán trực tiếp để kết thúc cuộc chiến thương mại giữa hai nước
Việc này khiến giới quan sát đặt câu hỏi về việc liệu có đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai bên.
Ông Trump viết trên Twitter rằng mức thuế mới của Hòa Kỳ sẽ được đưa ra vào thứ Sáu.
Những bình luận gần đây cho thấy hai bên 'gần đạt được' một thỏa thuận thương mại.
Một phái đoàn 100 thành viên của Trung Quốc dự định sẽ tới Washington trong tuần này đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại.
Truyền thông Hoa Kỳ cho hay Trung Quốc hiện đang xem xét việc hủy bỏ các cuộc đàm phán vốn dự kiến nối lại vào thứ Tư.
Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa bình luận chính thức về các tweet của ông Trump.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,7%, trong khi Shanghai Composite giảm 5,3%.
Tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ được nhìn thấy qua phiên giao dịch đầu tuần ảm đạm của Phố Wall.
Michael Hirson, giám đốc Châu Á tại Eurasia Group, cho biết "việc lại bất ngờ tăng thuế diễn ra vào lúc các cuộc đàm phán thương mại đi vào giai đoạn cuối".
"Động thái của ông Trump khiến các cuộc đàm phán trở nên không chắc chắn, và hiện đối mặt với nguy cơ bế tắc - thậm chí sẽ kéo dài qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".
Ông Trump nói gì ?
Tổng thống Mỹ viết trên Twitter rằng mức thuế 10% hiện thời đối với một số hàng hóa sẽ tăng lên 25% vào thứ Sáu và 325 tỷ đôla hàng hóa chưa đánh thuế có thể phải đối mặt với mức thuế 25% "trong thời gian ngắn".
"Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục, nhưng diễn tiến quá chậm, vì họ tìm cách đàm phán lại. Không !" Ông Trump viết trên Twitter.
Sau khi áp thuế lên hàng hóa trị giá hàng tỷ đôla của nhau vào năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán và trong những tuần gần đây, dường như tiến gần đến một thỏa thuận thương mại.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin mô tả các cuộc đàm phán được tổ chức tại Bắc Kinh có "hiệu quả".
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói với Fox News rằng tweet của tổng thống là một cảnh báo.
"Tôi nghĩ rằng tổng thống đưa ra một cảnh báo ở đây, rằng, bạn biết đấy, trước đó chúng tôi đã nhượng bộ, chúng tôi đã tạm ngưng đánh thuế 25% xuống 10% và sau đó chúng tôi đã để như vậy.
"Điều này không thể cứ tiếp tục nếu các cuộc đàm phán không diễn ra", ông nói.
Thỏa thuận sẽ không đạt được ?
Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh thực hành thương mại không công bằng.
Cho đến nay, Mỹ đã áp thuế quan lên 250 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc, và cáo buộc Bắc Kinh thực hành thương mại không công bằng.
Bắc Kinh đáp trả bằng cách đánh thuế lên 110 tỷ đôla hàng hóa của Hoa Kỳ, đổ lỗi cho Hoa Kỳ bắt đầu "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế".
Theo các báo cáo, trong những ngày gần đây, giới chức Mỹ trở nên thất vọng khi Trung Quốc tìm cách quay trở lại với các cam kết trước đó về một thỏa thuận thương mại.
Các điểm mấu chốt là làm thế nào để thực thi một thỏa thuận một cách nhanh chóng để đẩy lùi thuế quan đã ấn định và các vấn đề xung quanh bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Tom Mitchik, chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg economics, cho biết : "Có thể các cuộc đàm phán đang bị phá vỡ, với việc Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ không đáng kể, và do đó tăng thuế quan là một triển vọng không tránh khỏi.
"Nhiều khả năng, theo quan điểm của chúng tôi, đe dọa mới này [của Hoa Kỳ] là một nỗ lực để có được một vài nhượng bộ nhỏ trong những ngày cuối của cuộc đàm phán".
Tăng thuế sẽ ảnh hưởng gì ?
Động thái mới nhất của ông Trump là tăng thuế đối với hơn 5.000 sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ hóa chất đến hàng dệt may và hàng tiêu dùng.
Tổng thống Mỹ ban đầu áp mức thuế 10% lên các mặt hàng này vào tháng Chín, và dự kiến sẽ tăng thêm thuế vào tháng Giêng, nhưng đã hoãn việc này khi các cuộc đàm phán tiến triển.
Tuy nhiên, các công ty của Mỹ và quốc tế đều cho biết họ đang bị tổn hại bởi cuộc chiến thương mại này.
Những lo ngại về thuế quan tiếp tục leo thang hơn nữa đã gây sụt giảm thị trường chứng khoán thế giới vào cuối năm ngoái.
IMF đã cảnh báo một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
******************
Hợp đồng xuất khẩu giảm tại hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc (VOA, 05/05/2019)
Tổng giá trị các hợp đồng xuất khẩu ký tại hội chợ thương mại lớn nhất của Trung Quốc giảm nhẹ so với một năm trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin hôm 5/5.
Theo Reuters, điều đó cho thấy nhu cầu giảm trên thế giới cũng như tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tin cho hay, các hợp đồng xuất khẩu tại Hội chợ Canton giảm 1,1%, xuống 199,5 tỷ Nhân dân Tệ, tức hơn 29,6 tỷ đôla, Tân Hoa Xã đưa tin.
Sự kiện còn được biết tới với tên gọi Hội chợ Xuất Nhập khẩu Trung Quốc được tổ chức vào mỗi mùa xuân và mùa thu ở Quảng Châu, và được coi là chỉ dấu cho thấy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Các hợp đồng xuất khẩu tại hội chợ mùa thu năm ngoái giảm 1% so với một năm trước đó, xuống mức 206,5 tỷ Nhân dân Tệ, trong đó có việc giảm các đơn hàng từ Mỹ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington để thương thảo về thương mại từ ngày 8/5 sau các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói là "hiệu quả".