Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2021

Người dân đang bi quan về đời sống

Thới Bình

Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước.

Đó là nội dung ở Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020, công bố hôm 14/4/2021.

biquan1

Lần đầu tiên sau 10 năm, tỉ lệ người dân Việt Nam cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi.

 Bi quan của người dân là điều dễ hiểu

Ghi nhận từ cơ quan thống kê cho biết cụ thể số liệu như sau : Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh ; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Trong quý 1 năm nay, số người thiếu việc làm được ghi nhận là 971.4000 người, tăng 143.200 người so với quý trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 năm nay là 2,42%, tăng 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý 1 là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu thanh niên, tăng 0,9 điểm phần trăm tương đương tăng 51.600 người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.

Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.

Không có dịch Covid-19 thì vấn đề việc làm cũng là bức tranh ảm đạm. Cơ quan thống kê ghi nhận trong giai đoạn 2016-2019, tỉ lệ lao động thất nghiệp là thanh niên luôn ở mức cao gấp nhiều lần tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

Cụ thể, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp trong giai đoạn này từ 6,5 – 7,5% tổng số lao động. Bên cạnh đó, cả nước có 16,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia hoạt động kinh tế, chiếm khoảng 23% tổng số dân cùng nhóm tuổi.

Hệ lụy trên con đường tìm kiếm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ?

Góc nhìn kinh tế cho thấy các con số tiếp theo đây, rất có thể là hệ lụy trên con đường tìm kiếm nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa : Theo ước tính, số lao động sản xuất tự sản tự tiêu quý I năm 2021 là 3,5 triệu người, chiếm khoảng 4,7 phần trăm số người từ 15 tuổi trở lên, tăng 113 nghìn người so với quý trước và tăng 84,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động tự sản tự tiêu là lao động sản xuất ra sản phẩm với mục đích chủ yếu để cá nhân, gia đình sử dụng. Quyết định về sản xuất của lao động tự sản tự tiêu chủ yếu hướng về bản thân và gia đình nên thường đặc trưng bởi tính khép kín, tính phi lợi nhuận đi kèm với hiệu quả thấp và năng suất không cao.

Số lao động này hầu hết nằm ở khu vực nông thôn và có gần 2/3 số người tự sản tự tiêu quý I năm 2021 là nữ giới. Lao động tự sản tự tiêu chủ yếu thuộc độ tuổi từ 50 trở lên (chiếm 59,4%). Tỷ lệ lao động tự sản tự tiêu trên dân số cao nhất thuộc về nhóm 60 – 64 tuổi (9,9%).

Số liệu cho thấy, trong số 3,5 triệu lao động tự sản tự tiêu, có hơn 200 nghìn lao động tự sản tự tiêu hiện tại vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 5,8%).

Số giờ làm việc nhà bình quân của lao động tự sản tự tiêu là 16,4 giờ (tương đương khoảng 2,3 giờ/ngày). Lao động nữ giới tự sản tự tiêu không chỉ tham gia làm việc nhà nhiều hơn nam giới, mà số giờ làm việc bình quân của họ cũng cao hơn rất nhiều so với nam giới. Bình quân, mỗi tuần, lao động nữ giới tự sản tự tiêu phải dành 19,3 giờ cho các công việc không được trả công trả lương trong gia đình trong khi con số này ở nam giới là 11,3 giờ.

Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 93,5%).

Không biết sắp tới đây có bao nhiêu vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội dám ‘cược’ chiếc ghế chốn nghị trường để giúp thanh niên nông thôn xứ Việt sẽ được học hành có ‘bằng cấp – chứng chỉ’ cho đàng hoàng, tử tế, tránh việc ‘ngu dân’ để ‘dễ trị’ như hồi nào mà sách giáo khoa dạy cho học trò dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, đã cho rằng mồ ma thực dân đã làm như vậy hồi Pháp thuộc (?!).

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 19/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình
Read 450 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)