Lợi thế dân số trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày một gay gắt và Trung Quốc đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề dân số, bao gồm tình trạng lão hóa dân số, nhưng quan trọng hơn là câu chuyện chất lượng dân số.
Câu lạc bộ những người hưu trí tập thể dục buổi sáng ở Hồ Gươm hôm 22/7/2009 - AFP
Gần đây, một số học giả Mỹ cho rằng cuối cùng Trung Quốc khó có thể vượt qua Mỹ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là vấn đề dân số. Theo học giả người Mỹ gốc Hoa Dị Phúc Hiền, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua Mỹ vì vào năm 2021, Trung Quốc đã xuất hiện bước ngoặt về dân số kéo theo sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng. Do cản trở từ vấn đề dân số, Trung Quốc không chỉ không thể vượt Mỹ về tổng lượng kinh tế vào năm 2028 như nhiều dự báo, ngược lại vào năm 2035 còn xuất hiện tình trạng tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn Mỹ.
Nguyên Hiệu trưởng Trường Hành chính John F. Kennedy, Tiến sỹ khoa học chính trị Joseph Nye cũng cho rằng nước Mỹ có ưu thế về dân số. Theo tác giả cuốn "Tương lai của quyền lực" trong đó khuyến nghị một số giải pháp giúp Mỹ có thể duy trì được vị trí cường quốc số một thế giới, Mỹ là một trong số ít quốc gia đã phát triển duy trì được tăng trưởng dương về dân số. Về lâu dài, Trung Quốc, nước mà người dân chưa giàu đã già, rất khó để vượt Mỹ.
Hai người già Trung Quốc xin ăn trên đường phố Thượng Hải (12/2006). AFP
Một trong những nguyên nhân dẫn tới lão hóa dân số ở Trung Quốc là tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 17/1/2020, dân số Trung Quốc năm 2019 chính thức vượt mốc 1,4 tỷ người, nhưng tỷ lệ sinh lại lập mức thấp kỷ lục mới. Cụ thể, trong năm 2019, mỗi 1.000 dân Trung Quốc chỉ có 10,48 trẻ sơ sinh, là mức thấp nhất kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được thành lập vào năm 1949.
Tiếng chuông khủng hoảng dân số một lần nữa được gióng lên, nhưng theo số liệu của Bộ Công an Trung Quốc đầu năm 2021, trong năm 2020, số trẻ mới sinh ở Trung Quốc giảm 15% so với năm 2019. Các yếu tố như chi phí nuôi dạy con cái, giá nhà đất cao, thiếu cơ sở trông giữ, nuôi dạy trẻ em đã khiến mong muốn sinh con của người Trung Quốc giảm xuống ngay cả khi nước này đã xóa bỏ chính sách một con, cho phép sinh con thứ hai từ năm 2015.
Về phần mình, Trung Quốc đã nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề lão hóa dân số. Tại kỳ họp năm 2021 vừa bế mạc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua Quy hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 và Kiến nghị về viễn cảnh mục tiêu 2035, đề xuất thực thi chiến lược quốc gia tích cực ứng phó với tình trạng lão hóa dân số.
Đối sách thứ nhất được nêu ra là, tối ưu hóa chính sách sinh con, thúc đẩy sự phát triển dân số cân bằng lâu dài và nâng cao chất lượng dân số. Tăng cường các dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tăng cường cung cấp giáo dục mầm non, tối ưu hóa giáo dục bắt buộc, giảm bớt áp lực đối với các gia đình trên phương diện giáo dục.
Thứ hai, tích cực khai thác nguồn nhân lực người cao tuổi, phát triển kinh tế "đầu bạc" (kinh tế người cao tuổi), thúc đẩy phát triển đồng bộ sự nghiệp dưỡng lão và ngành chăm sóc người cao tuổi.
Thứ ba, thúc đẩy các dịch vụ dưỡng lão cơ bản và xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại cơ sở cộng đồng kết hợp với viện dưỡng lão.
Thứ tư, phát huy văn hóa truyền thống, hỗ trợ gia đình đảm nhận chức năng phụng dưỡng người cao tuổi, phát huy hết vai trò cơ bản của gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi.
Những biện pháp này không có nhiều điểm mới. Khi Trung Quốc nêu cao nét đặc sắc văn hóa truyền thống hỗ trợ gia đình chăm sóc người già, từ nhiều năm trước Singapore đã có chính sách khuyến khích ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Ngoài ra, theo tờ China Times, các biện pháp đưa ra chưa đề cập tới phương diện giáo dục, nhà ở, nâng cấp ngành nghề, xây dựng nông thôn, cho nên, mức độ quan tâm chưa được rộng khắp.
Ban đầu, thế giới bên ngoài dự đoán tại kỳ họp Lưỡng hội vừa qua, Trung Quốc sẽ xem xét và thậm chí sửa đổi tuổi nghỉ hưu, nhưng vấn đề không nằm trong nghị trình. Hiện nay, độ tuổi nghỉ hưu theo luật pháp của nam giới ở Trung Quốc là 60 và nữ giới là 55. Trong khi đó, độ tuổi nghỉ hưu pháp định ở Mỹ là 67, Đức và Anh là 65, Hàn Quốc là 61 còn tại Nhật Bản, người dân nghỉ hưu vào năm 60 tuổi, nhưng bắt đầu nhận lương hưu từ năm 65 tuổi. Như vậy, so với các nước chủ chốt trên thế giới, Trung Quốc là quốc gia có tuổi nghỉ hưu thấp nhất. Điều này không chỉ gây ra gánh nặng tài chính quốc gia mà còn lãng phí nhân lực.
Trung Quốc đang theo đuổi công cuộc phục hưng dân tộc toàn diện trong khi sự cạnh tranh nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ ngày một gay gắt. Trung Quốc đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề dân số và nâng lên tầm chiến lược, cần phải thúc đẩy. Nhưng phải thấy rằng dân số không phải là điều kiện duy nhất quyết định sự hùng mạnh của một quốc gia. Nhật Bản và Đức lâu nay phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số, nhưng vẫn đứng vững ở vị trí thứ ba và thứ tư trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ, nước theo sát Trung Quốc về quy mô dân số, tuy đứng thứ năm thế giới, nhưng tổng lượng kinh tế vẫn còn kém xa Trung Quốc.
Vấn đề dân số ở Việt Nam
Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 68,0% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2009), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,3% và 7,7%. Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Dự báo đến khoảng năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ "cơ cấu dân số vàng".
Mặc dù thời kỳ cơ cấu dân số vàng tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết. Ngoài các vấn đề về nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kết nối cung cầu thị trường lao động thì việc giảm bớt áp lực về thiếu việc làm, trật tự, an ninh xã hội cần tiếp tục được quan tâm.
Tại Việt Nam, do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua : Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới.
Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản ở Hà Nội hôm 6/5/2020. AFP
Như nhiều chuyên gia từng cảnh báo, Việt Nam chưa giàu nhưng dân số đã bắt đầu già hóa. Và từ 2054 - 2069, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số rất già, khi người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20 - 29,9%. Việt Nam cũng được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" vào nhóm nhanh trên thế giới, dự báo là 20 năm, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm..
Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước (tương ứng là 58,5% và là 57,4%). Tây Nguyên là nơi có chỉ số già hóa thấp nhất so với các vùng còn lại trên cả nước (28,1%).
Già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm : thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi,..
Kết quả TĐT năm 2019 cũng cho thấy, trong 10 năm qua, tỷ số phụ thuộc chung của nước ta đã tăng 2,4 điểm phần trăm, chủ yếu là do tăng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên.
Như vậy, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức cho Việt Nam khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, cần có những chính sách để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số. Trong đó, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi nhưng vẫn đang tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất.
Mai Kiều Liên
Nguồn : RFA, 18/04/2021