Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/04/2021

Giáo xứ và xã Kỳ Quang : đào ao thả cá trên đất của ai ?

Thanh Trúc

Giáo dân đào ao thả cá trên đất Giáo xứ ; chính quyền cản vì nói đất của Nhà nước

Theo trang mạng baohatinh.vn , từ trung tuần tháng ba, nhiều giáo dân ở Giáo xứ Dũ Thành đã lấn chiếm đất, đào hồ nuôi cá với diện tích gần 2.000 m2 đất nông nghiệp ở thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

daoao1

Giáo dân Giáo xứ Dũ Thành tham gia san gạt, lát tấm đan làm kè hồ nuôi cá - Báo Hà Tĩnh

Tin cho hay, vào 2 ngày 12 và 13/3, ông Hoàng Văn Chiến và ông Nguyễn Văn Thành đã dùng máy đào, xe ô tô múc, chở đất tại khu vực Cồn Soi thuộc thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang để làm hồ nuôi cá.

Chính quyền địa phương xã Kỳ Khang sau đó làm việc với ông Hoàng Văn Chiến và ông Nguyễn Văn Thành. Cả hai thừa nhận việc đào hồ nuôi cá là do linh mục Phạm Thế Hưng chỉ đạo.

Cơ quan chức năng xác định diện tích bị lấn chiếm để đào hồ thả cá là 1.893 m2, là đất trồng lúa và hoa màu do ủy Ban Nhân Dân xã Kỳ Khang quản lý. 

Đến ngày 7/4, vẫn tin trên mạng báo Hà Tĩnh, khoảng 20 giáo dân thuộc Giáo xứ Dũ Thành tiếp tục mang cuốc, xẻng, máy bơm nước, tổ chức hút nước để nạo vét lòng hồ, đồng thời tập kết cát, xi măng, tấm đan bê tông tại khu vực đã đào hồ trước đó.

RFA đã không thể nào liên lạc với viên chức đã xác nhận tin này trên báo là ông Hồ Xuân Trính, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Kỳ Khang.

Một cư dân Hà Tĩnh, theo dõi vụ việc rất sát nhưng không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn, nói với RFA :

"Mình ở cách chỗ đấy gần 70 cây số, mình đọc thông tin về việc dân đào hồ ở trong Kỳ Anh đấy. Báo Hà Tĩnh đăng là có Cha (linh mục) ở Kỳ Anh kích động. Chuyện nói ở trên báo nó khác mà thực tế thì nó khác. Mình đọc báo mình tự phân tích mặt này mặt kia, phải nghe hai chiều chứ không chỉ suy nghĩ một chiều".

daoao2

Giáo dân ở xã Kỳ Khang tập kết vật liệu. Báo Hà Tĩnh

Cũng cần biết đích xác nơi xảy ra vụ việc là Giáo xứ Dũ Thành, Giáo hạt Kỳ Anh thuộc Giáo phận Hà Tĩnh, nơi linh mục Phạm Thế Hưng từ Giáo xứ Lạc Sơn cách đó 16 cây số chuyển về đây làm quản xứ mới được 3 tháng.

Ông Nguyễn Công Bính, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ, thuộc Giáo xứ Dũ Thành, cho biết về nguồn gốc khu đất, vốn là đất nương mạ, nằm đằng sau nhà thờ mà giáo dân Dũ Thành bị cáo buộc lấn chiếm và đào hồ trái phép :

"Cuối 2017 đầu 2018 thì Giáo xứ Dũ Thành ở thôn Hoàng Dụ đó không có một sân bóng cho con em chơi thể thao, cho nên ban Hành Giáo cũng như Cha xứ trước là Cha Trần Quốc Toản có trao đổi với xã Kỳ Khang xin một sân bóng chỗ khác để con em chơi nhưng họ không cho"

"Sau đó Cha Toản nói với cộng đoàn Giáo xứ là nếu vậy thì ai có đất, xấu cũng được, khéo cũng được, thì cho Cha mượn để Cha làm sân bóng cho con em trong Giáo xứ. Giáo dân rất hưởng ứng. Nhiều gia đình bốn năm dòng họ ở khu vực đất đằng sau khuôn viên nhà thờ, mà một số diện tích là đất của giáo dân làm nương mạ ở đó, nghe lời Cha họ cũng cho".

Được hỏi khi bàn giao đất cho nhà thờ thì có giấy tờ hay chứng từ gì không, ông Nguyễn Công Bính trả lời :

"Tất nhiên là giấy tờ thì không có, nhưng những người mà có kẻ thửa nương mạ của giáo xứ chung thì để hoang đấy".

Trong vòng 6 tháng đầu 2018 thì sân bóng hoàn thành, diện tích đất còn lại và bỏ hoang đó coi như vẫn thuộc về Giáo xứ. Linh mục Phạm Thế Hưng, từ Lạc Sơn về Dũ Thành 3 tháng nay, đứng đốc thúc bà con đào hồ nuôi cá. Linh mục cho biết :

"Đất đó bây giờ không cần thiết vấn đề gieo mạ nữa, mà đất thì là đất cát nên làm ruộng cũng không ăn thua gì. Để đó cả nhiều năm không làm gì thì đào hồ nuôi cá để không uổng phí.

Khi đào hồ cũng không nghe ai nói gì cả, sau đó họ mời Cha Hưng và ban Hành Giáo, nói rằng Giáo xứ đào hồ mà không xin phép".

Ủy Ban Nhân Dân huyện Kỳ Anh cho rằng Giáo xứ Dũ Thành đào hồ nuôi cá như vậy là vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính, linh mục Phạm Thế Hưng kể tiếp, trong lúc mục đích của ông chỉ là muốn chuyển đổi từ cây trồng sang vật nuôi nhằm cải thiện đất cũng như sản xuất thực phẩm mà giáo dân có thể làm được trên khu đất đã hiến cho nhà thờ.

Ý tưởng của linh mục Phạm Thế Hưng được ông Nguyễn Công Bính nhắc lại :

"Cha Hưng có trao đổi là Cha muốn cải thiện bởi vì môi trường biển thì ô nhiễm, chăn nuôi thì lợn gà trâu bò bị dịch bệnh, cho nên cải thiện cái hồ cá để tăng thêm thực phẩm. Chúng tôi cũng thống nhất quan điểm như vậy". 

Chính quyền xã Kỳ Khang đã lập biên bản vi phạm, đình chỉ các hoạt động gọi là lấn chiếm, thay đổi hiện trạng trái phép diện tích đất, mặt khác vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trên lĩnh vực đất đai.

daoao3

Hồ nuôi cá ở khu vực Cồn Soi, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh

Theo trang mạng baohatinh.vn, từ trung tuần tháng ba, nhiều giáo dân ở Giáo xứ Dũ Thành đã lấn chiếm đất, đào hồ nuôi cá với diện tích gần 2.000 m2 đất nông nghiệp ở thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Thế nhưng báo mạng Hà Tĩnh tường thuật là ngay khi tổ công tác đang làm việc với dân thì trên loa nhà thờ, một người tên Hoàng Lương là Trưởng ban hành giáo họ Hoàng Dũ kêu gọi giáo dân cứ tiếp tục đào hồ cá. 

Sau đó lại có thêm khoảng 30 giáo dân nữa từ thôn Hoàng Dụ và Quảng Ích, xã Kỳ Khang, tiếp tục kéo đến. Ông Nguyễn Công Bính cũng xác nhận :

"Có chuyện đó, là bởi vì khi họ xuống là họ không bằng lòng với việc làm của giáo dân và Cha Hưng. Họ mắc loa đề nghị bà con dừng lại, những người trong giáo xứ cùng bức lên, thông báo trên loa là bà con cứ làm đi bởi vì đây là việc cải thiện đời sống, là chuyển đổi mục đích của mình chứ không phải là chống báng gì cả. Có thông báo như vậy cho nên giáo dân chạy đến rất đông để làm".

Báo Hà Tĩnh còn cho hay, đích thân linh mục Phạm Thế Hưng và Ban Hành Giáo đã ra khu vực bị cho là lấn chiếm, trực tiếp chỉ đạo giáo dân thực hiện việc nạo vét hồ và làm kè bê tông.

Chuyện linh mục Phạm Thế Hưng tỏ thái độ không hợp tác với tổ công tác, lấy lý do đây đất giáo dân hiến tặng nhà thờ và người dân giáo xứ muốn làm ao thả cá để tăng gia sản xuất, kiếm thêm thu nhậpcũng là chuyện có thật theo chủ tịch Hội Đồng Giáo xứ Dũ Thành Nguyễn Công Bính :

"Bởi vì Cha Hưng nói ‘tôi mới về, tôi thấy đất đó là Cha trước đã rào và nói là của giáo xứ thì bây chừ tôi làm hồ cá. Đây là tập thể Giáo xứ làm mà các ông tự nhiên gây khó khăn cho nên tôi không hợp tác’. Cha có nói là tôi không hợp tác để làm việc với các ông".

Được biết khi đào hồ xong, giáo dân chuẩn bị kè ghép đá cắt bê tông quanh hồ thì chuyện bị ngăn cản xảy ra. Theo ông Nguyễn Công Bính, công an không mạnh tay mà giáo dân cũng không hề manh động :

"Khi đào thì cứ nghĩ đất của mình chứ không cần báo cáo. Làm gần xong thì công an rồi các cán bộ xã, đoàn, rồi những thành phần mô chi đông lắm. Họ bắt loa biểu dừng lại nhưng mà giáo dân vẫn làm rồi họ cũng chẳng làm chi được"

"Cuối cùng sáng nay là thấy một đoàn 5 ô tô đến, họ nói chừ muốn phỏng vấn hai vấn đề. Ý như kiểu họ muốn nói tôi nhận tội đã làm trái pháp luật, tôi nói là tôi không chấp nhận"

"Vì mình không có một cái giấy cho nên họ nói là đất của họ. Sáng nay họ vẫn nói đáng lẽ ra giáo dân không làm thì trả cho Nhà Nước. Tôi có nói rằng đất này giáo dân đã cho, không có giấy bàn giao thì các ông nói bất hợp pháp, nhưng chính thức nó là đất của Giáo xứ rồi. Cha không kích động, cũng không ép ai phải làm, chỉ nói bà con đoàn kết để làm hờ cho nhanh cho xong, Cha có nói câu đó".

Trao đổi thêm cùng RFA, linh mục Phạm Thế Hưng bày tỏ rằng việc giáo dân tự tiện đào hồ nuôi cá trên đất công nghiệp như lời chính quyền thì chừng như không phải là nguyên nhân chính.

Lý do sâu xa hơn, có thể là do bản thân ông thường lên tiếng chỉ trích những vụ việc sai trái. Hai vụ tranh đấu nổi bật, linh mục Phạm Thế Hưng trình bày tiếp, là việc giành lại khu nghĩa trang rộng 7 mẫu của giáo dân Lạc Sơn mà Nhà nước muốn trưng dụng để quản.

Vụ thứ nhì là việc sử dụng chất thải rắn của Formosa để san lấp mặt bằng ngay tại Vũng Áng : 

"Một cái hồ cỏn con mà họ làm rùm beng lên như vậy vì mình vốn là con người hay đấu tranh cho những vấn đề công bằng xã hội. Về Giáo xứ ở đâu thì mình cũng đấu tranh chuyện này chuyện kia. Không được lòng Nhà nước thì khi mình về đây thì họ tìm cách khống chế và dập mình ngay từ đầu".

Mạng baohatinh.vn thì vẫn khẳng định nguyên văn ‘Ngang nhiên lấn chiếm đất nông nghiệp, đào hồ nuôi cá là cố ý thay đổi hiện trạng đất trái phép’.

Báo còn đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc, xử lý nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 15/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)