Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/04/2021

Đảng có triệt nổi xã hội dân sự không ?

Phạm Đình Bá

Một bài báo Luật Khoa gần đây nêu câu hỏi về đấu tranh dân chủ tại Việt Nam – việc nầy vừa nguy hiểm, lại vừa chẳng có chút ý nghĩa thực tế nào, sao vẫn có nhiều người làm thế ? (1).

Để phản biện về việc phải chăng đấu tranh có ý nghĩa thực tế ra sao, bài bên dưới bàn về nguồn gốc của tuyệt vọng và hy vọng trong đấu tranh cho nhân quyền và phát triển dân chủ. Thêm nữa, nếu đảng tin rằng đảng đang thắng lớn trong đàn áp xã hội dân sự, dữ liệu khoa học đề nghị rằng đảng cần nghĩ lại – đảng có thể tin rằng đảng đang thắng lớn bằng bạo lực nhưng thực tế không có nghĩa là phải như vậy.

xhds01

Tôi là người ngoại cuộc, nhưng trong cuộc đọ sức giữa xã hội dân sự và đảng trong đầu tư đường dài, tôi sẵn sàng đặt cọc tiền đầu tư vào xã hội dân sự.

 Đảng có thắng lớn trong đàn áp không ?

"Chúng tôi như cá dưới lưỡi dao, luôn sẵn sàng bị bắt giữ", nhà báo, nhà bất đồng chính kiến ​​Phm Chí Dũng đã nói vào năm 2015 (2). "Cho đến năm 2012, nếu bạn bị bắt, bạn sẽ phải ngồi tù từ 10 đến 15 năm. Bây giờ, nhờ áp lực quốc tế về nhân quyền, bạn có được hai đến ba năm ", ông Dũng nói năm 2015. Ngày 5/1/2021, đảng tuyên phạt ông Dũng 15 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội "tuyên truyền chống nhà nước". Hai đồng nghiệp của ông Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn với mức án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế (3). Rõ ràng là "áp lực quốc tế về nhân quyền" với đảng đã tan biến.

Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền cho biết hiện có ít nhất 276 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam (4). Trong 35 tù nhân liệt kê là bị bắt vào năm 2020 bởi Dự án 88, những người bị bắt trung bình là 39 tuổi (nhỏ nhất 28 tuổi và lớn nhất 68 tuổi), với phân nửa số người bị bắt gần đây là những người dưới 40 tuổi, có vẻ những người trẻ cũng dấn thân cho nhân quyền và phát triển dân chủ (5).

Bắt cả nhà điển hình là đảng bắt gia đình bà Cấn Thị Thêu ngày 24/6/2020 (6). Những người bị bắt giữ gồm có ông Trịnh Bá Phương, em trai Trịnh Bá Tư, và mẹ Cấn Thị Thêu. Gia đình nầy là những dân oan mất đất, và họ không thể im lặng trước vụ việc Đồng Tâm khi họ được chính dân Đồng Tâm hỏi nhờ họ lên tiếng. Gia đình bà Thêu không ngừng đưa tin về sự kiện đàn áp Đồng Tâm, bất chấp hiểm nguy.

Nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 với lý do có hành vi tuyên truyền chống "nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam", theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 (7). Bà Phạm Đoan Trang từng đoạt giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục Ảnh hưởng, của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, năm 2019. Bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách có tác phẩm về nhiều chủ đề, từ quyền của phụ nữ, LGBT đến môi trường, các hoạt động chiến dịch và quyền đất đai.

Ông Lê Trọng Hùng, người đưa tin trên kênh truyền thông độc lập của mình là CHTV, bị bắt vào ngày 27/3/2021 với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" (8). Vào đầu tháng 3, trong lúc nộp hồ sơ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV cũng là lúc ông Hùng liên tục bị Cơ quan An ninh Điều tra thành phố Hà Nội gửi giấy triệu tập. Ông Hùng nói trước khi bị bắt : ‘Nếu đắc cử tôi sẽ đưa Hiến pháp vào trường học’.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt ngày 7/4/2021 khi Việt Nam vừa có chính phủ mới (9). Bà Hạnh đứng ra thành lập Quỹ 50k, điều phối giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm vì bà không thể khoanh tay đứng nhìn họ bị chèn ép mà không ai quan tâm. Bà đã thành công lập ra và điều hành công khai một quĩ có lúc đã huy động được những ngân khoản lớn mà phần thu chủ yếu đến ngay từ đồng bào trong nước để ủng hộ nạn nhân bị đảng đàn áp.

Vào ngày 5/7/2018, nhà báo và hoạt động xã hội Lê Anh Hùng bị bắt vì "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Ông Hùng đã không bị đưa ra xét xử kể từ khi bị bắt (10). Kể từ ngày 10/5/2019, ông Hùng đã bị cưỡng bức tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở Hà Nội. Gần đây, vào ngày 4/3/2021, bệnh viện đã cố gắng tăng liều lượng thuốc tâm thần lên 12 viên, ông Hùng từ chối không uống và nhân viên của bệnh viện đã khống chế ông Hùng và cưỡng chế tiêm thuốc an thần (11). 

Đảng cũng đã dùng cách bắt giam và cưỡng ép giám định tâm thần với nhà văn Phạm Thành (12). Ngoài ra, đảng đã và đang chuẩn bị lợi dụng tâm thần để cưỡng chế nhà hoạt động Trịnh Bá Phương khi ông Phương "giữ quyền im lặng" trong lúc ông bị tra khảo và giam cầm (13).

Huỳnh Thục Vy là blogger bất đồng chính kiến bị Tòa Án Nhân Dân thị xã Buôn Hồ tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù với cáo buộc "xúc phạm cờ đỏ" hồi tháng 11/2018, nhưng hiện bà được hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi (14). Ngày 3/9/2020, một số blogger lên tiếng trên mạng xã hội kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt việc phân biệt đối xử đối với bé Tuệ Nhã, con gái bà Huỳnh Thục Vy. 

Trước đó, bà Vy chia sẻ trên trang cá nhân về chuyện bé Tuệ Nhã bị từ chối nhập học tại một trường của các soeur Công gáo (14). Theo bà Vy, vị nữ tu đại diện nhà trường giải thích quyết định từ chối nhận con gái bà là vì "nhiều người đã nói rồi" và "Tuệ Nhã đi học ở đây rồi mẹ Nhã đưa đi đón về, có gì thì ảnh hưởng đến cả sơ và cả trường". 

Đề cập vụ này trên Facebook, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định (14) : "…Tôi muốn nói với các công an viên ở cơ sở : Các anh chỉ muốn ‘làm sạch địa bàn’ mà nhiều khi làm những việc vô pháp, vô đạo một cách vô ý thức. Những việc làm đó không chỉ khiến người dân thù oán mà chính là các anh đã chà đạp lên những điều thiêng liêng được ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập, trong Hiến pháp và các bộ luật của nhà nước".

Năm 2016, ông Lê Anh Hùng kể về "Nỗi sợ của con người trước ác quỷ" (15) – "Tôi trở lại Đà Lạt với mong muốn được gặp Tiến sĩ Hà Sỹ Phu, một người đấu tranh dân chủ… Sức khỏe ông không tốt. Vợ ông lại bị xuất huyết ở gan. Tôi nhận thấy trong ánh mắt của bà dường như phảng phất một nỗi e sợ nào đấy. Không chỉ sức khỏe mà cả tính mạng của bà đang nằm trong tay một cơ sở y tế nhà nước, trong khi tôi lại là một đối tượng "nhạy cảm" của chế độ. Nỗi sợ của bà hoàn toàn không phải là cá biệt, mà chỉ là một trường hợp điển hình". 

Theo ông Lê Anh Hùng kể lại, đại tá Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Trưởng ban Lịch sử Binh chủng Phòng không – Không quân, là một trường hợp tương tự về nỗi lo sợ mà Đảng gieo rắt (15). Ông Kỷ từng một thời gian hoạt động khá tích cực trong các trí thức phản tỉnh của chế độ. Tuy nhiên, sau lần phải vào Viện Quân y 108 mổ tim rồi phải thường xuyên uống thuốc do viện cấp, ông không còn hoạt động như trước nữa. Điều kiện sức khỏe chỉ là lý do thứ yếu ; quan trọng hơn, như ông từng có lần nói với tôi : "Người ta có thể cắt thuốc tôi bất cứ lúc nào".

"Với gia đình mình, đây là cái Tết thứ 2 thiếu vắng con trong cuộc sum họp, đoàn viên gia đình. Ba mẹ, các em, vợ, con của con buồn, đau tê tái khi nghĩ đến con trong hoàn cảnh nghiệt ngã hiện tại" – theo lời mẹ ông Phạm Chí Dũng (16). Không hiểu có lúc nào đảng suy nghĩ về tác động của việc đảng làm trên gia đình và bạn bè những người đảng đàn áp ? (hay là đảng quá bận rộn trong vơ vét đất đai tài sản và tiền bạc của dân trong tham nhũng ?).

Dân đấu tranh có tuyệt vọng không ?

Ông Trịnh Hữu Long của báo Luật Khoa nhận định rằng "Với phiên tòa Hội Nhà báo Độc lập và sắp tới là phiên tòa Đoan Trang, một phong trào đối lập coi như đã chết" (17)… "Những giá trị dân chủ vốn lạ lẫm với người Việt Nam đã phải cố gắng lắm mới bén rễ được qua vài chục năm qua, nay đã bật gốc"… "Không có gì để tin là sẽ có thay đổi gì lớn trước năm 2036, thời điểm mãn hạn tù của anh Phạm Chí Dũng". 

Để phản biện những ý nghĩ này, tôi nghĩ phán đoán về tương lai không gắn kết xác suất của vụ việc sẽ xảy ra là mạo hiểm. Những điều có vẻ như vậy, nhưng thực tế có thể không như vậy. Lấy ví dụ, nhà bất đồng chính kiến ​​người Czech Vaclav Havel đang ở trong tù vào đầu năm 1989 (18). Cuối năm đó, ông trở thành tổng thống của đất nước mình. 

Hy vọng đến từ đâu ?

Nhìn vào tương quan giữa xã hội dân sự với đảng đang cầm quyền, có thể nói gần như 99% là đảng sẽ không bao giờ lay chuyển. Bởi vậy hy vọng về thay đổi thể chế chính trị xã hội ở Việt Nam sẽ bắt nguồn từ nguyên tắc "đảng cha hắc xì thì đảng con bị liệt". Đảng con ở đây là bè lũ bù nhìn của đảng cha với tất cả những sự hèn nhát của một thể chế bạc nhược. Lối thoát khỏi cộng sản ở Châu Á lại là hy vọng vào cuộc xung đột hệ thống giá trị giữa hệ thống độc tài độc đảng cộng sản và khối các nước tự do dân chủ. Cộng thêm vào đó là nhu cầu của người dân Trung Quốc để nâng cao kinh tế xã hội lên ngang hàng với các nước có thu nhập bình quân đầu người cao và các hệ thống trật tự kinh tế xã hội phát triển và ổn định, như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan. 

Theo nguyên tắc "đảng cha hắc xì đảng con bị liệt" nầy thì tương quan giữa xã hội dân sự ở Việt Nam và độc tài độc đảng có nhiều triển vọng, có thể nói đảng và xã hội dân sự mỗi bên có xác suất 50%-50% cân bằng để thay đổi, có nghĩa là không biết chắc lắm là đảng tồn tại trong lâu dài hay đảng bị triệt và xã hội dân sự sẽ tạo dựng nhân quyền và phát triển dân chủ cho đất nước. Sau đây là dữ liệu nghiên cứu để ủng hộ nguyên tắc "đảng cha hắc xì đảng con bị liệt" và các lập luận liên hệ.

Các tình huống 3-chiều tiến thoái lưỡng nan từ lâu đã trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trong kinh tế và chính trị học (19). Tình huống tiến thoái lưỡng nan chỉ ra những rủi ro bất ổn và không bền vững của các thể chế chính phủ cầm quyền. Các bài nghiên cứu gần đây cho thấy rằng Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với một tình huống khó xử về kinh tế-chính trị (và do đó là nguy cơ không bền vững đang diễn ra) trong 70 năm nay. Trong quá trình nầy, chính phủ Trung Quốc đã phản ứng khác nhau để quản lý các tình huống tiến thoái lưỡng nan nầy trong các thời đại khác nhau. Quá trình 70 năm qua có thể được chia thành 3 thời : thời Mao (1949-1978 : 30 năm), thời Đặng (1979-2011 : 33 năm), và thời Tập (2012- ?). Trong cả 3 thời, các mục tiêu chính được theo đuổi là ba mục tiêu sau : 1) Kinh tế – tăng trưởng kinh tế và trở thành một quốc gia với mức kinh tế cao ; 2) Ổn định xã hội ; 3) cộng sản – duy trì hệ thống cai trị độc tài độc đảng.

Trong số ba mục tiêu này, các nghiên cứu cho thấy một chính phủ chỉ có thể theo đuổi thành công tối đa hai mục tiêu trong dài hạn với chi phí thiệt hại của mục tiêu thứ ba (19). Các nghiên cứu nầy đã giải thích rằng các ưu tiên của việc theo đuổi các mục tiêu trong ba thời được đặt ra khác nhau như sau : vào thời Mao, việc theo đuổi các mục tiêu cộng sản (#3) và kinh tế là ưu tiên (#1) ; trong thời đại Đặng, ưu tiên theo đuổi mục tiêu kinh tế (#1) là chủ đạo ; và trong thời đại Xi (Tập), việc theo đuổi ưu tiên các mục tiêu ổn định (#2) và cộng sản (#3) đã chiếm ưu thế.

Ngoài các mục tiêu ưu tiên, các mục tiêu còn lại bị buộc phải bị bỏ qua một phần, điều này đã diễn ra tốt đẹp đối với thời Mao và Đặng trong một thời gian khá dài (30 năm), nhưng cuối cùng việc xao lãng mục tiêu bị bỏ qua dẫn đến các vấn đề nan giải và do đó dẫn đến sự bất ổn và tính không bền vững, cuối cùng chính phủ buộc phải thay đổi. Các công cụ chính trong thời Mao là hệ thống kế hoạch kinh tế tập trung và sự kiểm soát (nếu cần thì đàn áp) của trung ương bởi đảng cộng sản. Vào thời Đặng, sự pha trộn giữa kế hoạch kinh tế mở và hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách khi thì nới lỏng khi thì bóp chặt kinh tế và xã hội, và sự phân quyền chính trị trong đảng là công cụ chính để cầm quyền. Vào thời Tập Cận Bình, cũng là một hệ thống kinh tế hỗn hợp và sự giám sát cưỡng bức và tái tập trung chính trị. Điều gì mới trong thời đại của Tập, và điều gì có thể dẫn đến việc chế độ Tập có thể lần đầu tiên vượt qua nguy cơ mất bền vững, một phần là dựa vào các công cụ đổi mới.

Với sự trợ giúp của các công cụ mới này, Tập cố gắng thực hiện điều mà trước đây được cho là không thể làm được, đó là theo đuổi cả ba mục tiêu chính đồng thời và với cường độ ngang nhau, nhằm ngăn chặn nguy cơ mất ổn định và cuối cùng là sự sụp đổ (không bền vững) của hệ thống quy tắc hoặc chiến lược phát triển. Điều này Tập hy vọng có thể đạt được thông qua sự kết hợp của 1) sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, 2) chương trình "Làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại" được phản ánh trong Sáng kiến Vòng Đai và Con Đường và 3) việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới để giám sát và kiểm soát công dân cũng như tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, như đã lập luận trong các nghiên cứu, tính bền vững của chế độ Tập và chiến lược phát triển của Tập cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công và chấp nhận các chiến lược giám sát kỹ thuật số mới này và nhu cầu kích thích tinh thần kinh doanh đổi mới, thực hiện thành công tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới. Nhưng điều này có khả năng quyết định về sự bùng nổ của cuộc cạnh tranh hệ thống giữa các quốc gia tự do dân chủ (ví dụ như phương Tây, Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Nam Hàn, Ấn độ) và Trung Quốc. 

Cuộc chạy đua nầy đã bắt đầu từ khi Tập tuyên bố chính sách "Chế tạo tại Trung Quốc 2025" đặt ra các mục tiêu cụ thể : đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được 70% khả năng tự cung tự cấp trong các ngành công nghệ cao và vào năm 2049, nước này tìm kiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường toàn cầu (20). Chính sách nầy là nhằm mở rộng nhanh chóng các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển cơ sở sản xuất tiên tiến, nhưng các nền dân chủ công nghiệp coi kế hoạch này là một mối đe dọa.

Kết quả của cạnh tranh giữa Trung Quốc và các nước dân chủ công nghiệp phụ thuộc phần nhiều vào khả năng đổi mới và sự phát triển công nghệ không ngừng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G), công nghệ nano và công nghệ sinh học, robot, Internet of Things (IoT) và điện toán lượng tử (21). Khả năng đột phá trong các lĩnh vực nầy có phụ thuộc một phần vào tư duy tự do tư tưởng. Những đột phá như vậy có khả năng thay đổi cán cân sức mạnh kinh tế và quân sự trong tương lai, khiến các chính phủ và các tập đoàn lớn hiện nay cạnh tranh gay gắt về sự phát triển và ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ nầy. 

Tài năng nhân lực dồi dào của Trung Quốc là nền tảng vững chắc trong hành trình tìm kiếm vị thế công nghệ toàn cầu. Nhưng việc thắt chặt kiểm soát đối với các quyền tự do cá nhân có thể làm suy yếu Trung Quốc và ngăn cản các đối tác toàn cầu tiềm năng với các nước khác (22). Trung Quốc đã ưu tiên tuyển dụng toàn cầu trong gần hai thập kỷ, nhưng các chương trình như "Ngàn nhân tài" đã phải vật lộn nghiêm túc để thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu từ nước ngoài. Điều này một phần lớn là do Trung Quốc khăng khăng với các biện pháp kiểm soát trong nước ngày càng chặt chẽ. Trừ khi đảng cộng sản thay đổi đường lối, những khó khăn tuyển dụng này sẽ tiếp tục cản trở hoạt động nghiên cứu và đổi mới của Trung Quốc trong tương lai gần. Cách tốt nhất để các nước tự do dân chủ bù đắp thâm hụt nguồn chất xám là tận dụng những khó khăn dai dẳng của Trung Quốc trong việc thu hút nhân tài quốc tế.

Lấy ví dụ trong cuộc chạy đua để phát triển vắc xin chống Covid-19, hai người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tái định cư ở Đức đã đưa ra bước đột phá trong việc phát triển loại vắc-xin đầu tiên (23). Họ sau đó cộng tác với một công ty ở Hoa Kỳ để sản xuất số lượng lớn vắc xin nầy, góp phần vào bảo vệ hàng trăm triệu người trên thế giới. Cuộc chạy đua phát triển vắc xin giữa Trung Quốc và phương Tây hiện đã hoàn toàn ngã ngủ. Nếu cuộc chạy đua nầy là điển hình, dân đấu tranh để hạn chế độc tài độc đảng có thể hy vọng vào giá trị nhân quyền và dân chủ có một sác xuất tương đối để cuối cùng sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ cho dân Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi kinh tế, chính trị và xã hội. Một khi đảng ở Trung Quốc suy thoái, đảng ở Việt Nam sẽ bị triệt.

Hiện nay không ai biết chắc là cuộc xung đột về hệ thống giá trị giữa Trung Quốc và khối các nước tự do dân chủ sẽ ngã ngũ ra sao, nhưng không chắc là Trung Quốc có lợi thế hoàn toàn. Xác suất để Trung Quốc đi lên một nước tiên tiến với thu nhập bình quân đầu người cao như Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan mà vẫn giữ chế độ cộng sản là không cao cũng không thấp trong dài hạn, có thể là 50%.

Điều chắc chắn là sẽ cần thời gian để cuộc xung đột về hệ thống giá trị của hai bên có thể ngã ngũ. Hy vọng chính ở Việt Nam là xã hội dân sự trong nước sẽ dần dần lớn mạnh trong thời gian nầy, và nếu có thể, trao đổi với các nhà đấu tranh ở Trung Quốc để hiểu tiến trình chuyển đổi. Xã hội dân sự trong nước đã tạo được kết nối toàn cầu cao, nhất là trong vấn đề đấu tranh cho nhân quyền, đặc biệt là tự do phát biểu và tự do làm báo. Đây là bước đầu mà xã hội dân sự có thể từ đó dần dần trở nên một đối trọng với độc tài độc đảng.

Diễn giải và kết luận

Phần đầu của bài nầy tóm lược những mẫu chuyện về việc đảng đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền và phát triển dân chủ để đưa ra một phản biện trung thực về cách làm việc của lãnh đạo đảng. Trừ khi chúng ta thành thật với đảng một cách tàn nhẫn, nhất là khi đại đa số đảng viên không muốn hiểu hay muốn làm ngơ về cách làm việc của lãnh đạo đảng, thì cả hai bên (những người đấu tranh cho nhân quyền và phát triển dân chủ và đảng) đều không thể hiểu hết được sự khủng khiếp của cách làm việc theo chính sách "tru di tam tộc" của đảng đối với những người đấu tranh. Những câu chuyện nầy cho thấy đảng chủ động đàn áp có hệ thống đối với dân với sự tàn ác chưa từng có trong lịch sử đất nước. Ngay cả thú vật cũng không đối xử với nhau theo cách mà đảng đối xử với dân chỉ vì họ bất đồng chính kiến với đảng.

Nếu bạn là đảng viên, bạn nghĩ thế nào nếu người trong gia đình bạn phải chịu những nhục hình tóm lược về cách đảng đàn áp dân đấu tranh ? Câu hỏi giả định nầy không phải là quá xa thực tế khi bạn nhìn cách đảng đối xử với những đảng viên thất sủng. Bạn nên nhớ đảng đã bỏ tủ nhiều đảng viên khi có việc chia chác không đều trong tham nhũng, bao gồm cán bộ cấp cao, 27 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (24).

Nếu bạn là công dân, bạn nghĩ như thế nào về tương lai của chính mình và thế hệ mai sau nếu bạn vẫn như "người ngoại cuộc" trước hình thức bạo lực "tu di tam tộc" nầy mà đảng đang xử dụng để đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền và phát triển dân chủ ?

Phần sau của bài nầy bàn về việc đảng có thể nghĩ rằng đảng rất vững chắc trong việc kềm kẹp xã hội trong khung khổ độc tài và độc đảng hoài hoài. Những người đấu tranh cho nhân quyền và phát triển dân chủ có vẻ như không có hy vọng gì có thể làm lung lay chế độ độc đảng hiện tại. Cũng may là con đường dẫn đến thay đổi ở nước ta có nhiều triển vọng sẽ phát xuất từ những thay đổi trong dân Trung Quốc bắt nguồn từ sự xung đột hệ thống giá trị giữa hai hệ thống cộng sản và khối các nước dân chủ tự do. Đảng ở nước ta không có tiếng nói gì quan trọng trong cuộc xung đột nầy. Nhưng cuộc xung đột nầy có thể tạo cơ hội cho xã hội dân sự ở nước ta để tận dụng các giá trị nhân quyền và phát triển dân chủ mà khối các quốc gia không cộng sản đang dùng làm tiêu chí và lý tưởng để kềm hãm Trung Quốc. 

Nhân định nầy không phải chỉ là hy vọng suông bởi vì nhận định nầy đến từ các nghiên cứu chiến lược gần đây để qui hoạch cách đối phó với Trung Quốc. Xã hội dân sự ở nước ta có thể có phần tuyệt vọng bây giờ, nhưng cũng có phần hy vọng bởi vì trong đường dài, xác suất để đổi thay từ xã hội dân sự cho nhân quyền và phát triển dân chủ cũng đủ để chúng ta tiếp tục dấn thân và kết nối cho tương lai đất nước. 

Tôi là người ngoại cuộc, nhưng trong cuộc đọ sức giữa xã hội dân sự và đảng trong đầu tư đường dài, tôi sẵn sàng đặt cọc tiền đầu tư vào xã hội dân sự. Tại sao ? Bởi vì trong cách lập luận nầy, ngoài việc đầu tư tiền bạc và chọn lựa một bên thắng cuộc, viễn ảnh làm việc trong tương lai với xã hội dân sự thì vui hơn nhiều so với việc phải làm việc với những lãnh đạo đảng khi họ đối xử với đồng loại còn tệ hại hơn cách làm ăn của loài thú vật ! 

Phạm Đình Bá

Nguồn : VNTB, 22/04/2021

Chú thích :

(1) Đấu tranh dân chủ tại Việt Nam : Không phải anh hùng, cũng không phải việc của anh hùng

(2) Vietnam’s Prisoners of Conscience : ‘Like Fish Under the Blade’ 

(3) 37 năm tù giam : Món quà đầu năm dành cho các nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam

(4) Nhân quyền Việt Nam năm 2020 – nhìn lại và hướng tới

(5) 2020 Human Rights Report Vietnam. The 88 Project 88 for free speech in Vietnam.

(6) Gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị bắt

(7) Báo chí thế giới lên tiếng vụ Phạm Đoan Trang bị bắt

(8) Lê Trọng Hùng nói trước khi bị bắt : ‘Nếu đắc cử tôi sẽ đưa Hiến pháp vào trường học’ 

(9) Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt khi Việt Nam vừa có tân chính phủ

(10) Hyperlink to the cited document by the Working Group on Arbitrary Detention, The Office of the High Commissioner for Human Rights

(11) Radio Free Asia. Blogger Lê Anh Hùng bị Bệnh viện tâm thần cưỡng ép chích thuốc an thần

(12) Nhà văn Phạm Thành phải giám định tâm thần ? 

(13) Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị công an chuyển sang viện tâm thần do "giữ quyền im lặng" 

(14) Con gái Huỳnh Thục Vy không được đến trường vì ‘là con phản động’

(15) Lê Anh Hùng. Nỗi sợ của con người trước ác quỷ

(16) Phạm Chí Dũng chống hay bảo vệ nhà nước Việt Nam ? 

(17) Một phong trào đối lập coi như đã chết

(18) From imprisoned dissident to president : Vaclav Havel remembered at Frankfurt Book Fair

(19) Wagner, Helmut. "China’s’ Political-Economy Trilemma’ : (How) Can It Be Solved ?". Chinese Economy 54 (2021).

(20) Is ‘Made in China 2025’ a Threat to Global Trade ? 

(21) https://carnegieendowment.org/2019/10/10/competing-with-china-on-technology-and-innovation-pub-80010

(22) Schneider-Petsinger, Marianne, et al. US-China Strategic Competition : The Quest for Global Technological Leadership. Royal Institute of International Affairs, 2019.

(23) https://www.cnn.com/2020/11/10/europe/biontech-pfizer-vaccine-team-couple-intl/index.html

(24) https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/8-nam-phong-chong-tham-nhung-18-can-bo-dien-trung-uong-quan-ly-bi-xu-hinh-su-175520.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Bá
Read 837 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)