Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/04/2021

"Thi đua" làm căn cước công dân...

Huỳnh Công Đương

Nhà nhà "thi đua" làm căn cước công dân : Một góc nhìn từ lý thuyết dân vận

Phong trào làm thẻ căn cước đang tập hợp toàn dân dưới một ngọn cờ danh tính chung.

thidua1

Công an Hà Nội triển khai lực lượng tiến hành làm thẻ căn cước cho dân. Ảnh : Vietnamnet.

Phong trào làm căn cước công dân mới và sự nổi bật của nó trong không gian dân sự Việt Nam khiến người viết vô cùng bất ngờ. Mỗi tuần, nếu người viết không nhận được câu hỏi "bạn đã đổi căn cước chưa ?" từ bạn bè thì cũng sẽ nghe nhắc nhở "đi đổi thẻ căn cước đi" từ người thân.

Đến cuối cùng, căn cước công dân cũng chỉ là… căn cước công dân. Sao phải vội vàng dữ vậy ?

Bạn không làm kịp nó vào thời điểm này thì có thể làm vào thời điểm khác. Trong thời gian chuyển đổi thẻ căn cước, rõ ràng cũng không có cơ quan nhà nước nào dám đưa ra văn bản quy định rằng chứng minh nhân dân sẽ hết hạn hay không còn giá trị chỉ vì sự xuất hiện của căn cước công dân.

Từ góc nhìn quản lý, việc thay đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước theo mô hình cuốn chiếu, lần lượt theo một lộ trình vừa phải sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho cơ quan nhà nước.

Phương pháp này vừa tránh ùn ứ quá nhiều nguồn lực cho một công việc thuần túy giấy tờ quan liêu, vừa tránh sai sót. Mặt khác, nó cũng tạo ra nhiều khoảng trống thời gian để thử sai, không tạo áp lực quá lớn lên hệ thống cơ sở dữ liệu (rất có thể) chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm.

Về phía người dân, việc thay đổi thẻ căn cước theo mô hình cuốn chiếu cũng tạo thuận lợi cho công việc. Hiểu đúng về quá trình chuyển đổi cũng giúp người dân không có tâm lý hoảng loạn chỉ vì một tờ giấy định danh.

Ấy vậy mà những tin đồn vô căn cứ và trái luật như không đổi sang căn cước sẽ "bị phạt bảy triệu", hay "không thể giao dịch với ngân hàng", "không thể làm các thủ tục hành chính"… được truyền miệng với tốc độ chóng mặt, hoặc nhan nhản trên mạng xã hội. Vậy nên có người chấp nhận chờ đợi ba bốn tiếng đồng hồ để làm một thủ tục mà đáng lẽ bình thường chỉ tiêu tốn của họ 10 đến 20 phút.

Điều gì khiến cho các cơ quan nhà nước ngày đêm mở cửa liên tục kêu gọi người dân làm thẻ căn cước ? Lợi ích của việc chọn phương án căng thẳng nhất, gian khổ nhất và mệt mỏi mất cho cả hai bên là gì ?

thidua2

Lực lượng công an quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh tăng ca làm thẻ căn cước điện tử có gắn chip cho công dân vào đêm 16/3. Công an nhiều địa phương đều đang gấp rút, kể cả tăng ca, thực hiện việc cấp thẻ mới cho dân. Ảnh : Nhật Linh/ Thanh Niên.

Có khá nhiều góc nhìn để phân tích hiện tượng này.

Một số cho rằng đây là một dự án chính phủ điện tử tham vọng đã kéo dài quá lâu, từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng đến nhiệm kỳ của ông Nguyễn Xuân Phúc mà vẫn chưa xong (Đề án 896 chỉ có thời hạn từ 2013 đến 2020). Một cú hích thủ tục cấp tốc như vậy được cho là vô cùng cần thiết với mục tiêu hoàn thành một phần của tiến trình cải cách.

Nhà quan sát khác thì nhận xét hàng triệu Mỹ kim cho dự án chắc chắn đóng vai trò như một nguồn phân phối lợi ích đầu vào béo bở cho các nhóm lợi ích mới nổi đi cùng chính quyền mới.

Đây đều là các cách tiếp cận sâu và đi vào bản chất vấn đề.

Nhìn từ bên ngoài, lựa chọn này còn tạo ra một lợi ích khác cho chính quyền, dù vô tình hay hữu ý : một phong trào vận động quần chúng hay gọi ngắn là dân vận (mass mobilisation).

Việc nhà nhà thi đua làm căn cước công dân trở thành một ngày hội toàn dân về danh tính, về sự gắn kết của cộng đồng các thành viên. Và hiển nhiên, danh tính ấy cũng loại trừ các gốc gác chính trị khác nhau, từ đó gắn liền nó với nhà nước Việt Nam và Đảng cộng sản Việt Nam.

***

Đến đây, cần nhớ rằng thuật ngữ "căn cước công dân" hay "thẻ căn cước" chưa bao giờ là một thuật ngữ gắn liền với chính quyền Việt Nam hiện nay.

Thẻ căn cước (hay căn-cước) là một khái niệm được chính quyền Pháp tại Đông Dương sử dụng, sau đó được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam kế thừa và sử dụng phổ biến cho đến hết năm 1975.

Copy of LK's works

Một thẻ căn cước của công dân thời Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh : Wikimedia.

Theo nghĩa Hán Việt, căn là rễ, cước là chân. Căn cước hiểu đơn giản là xuất thân và lịch sử của một con người.

Riêng ở miền Bắc, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hủy bỏ việc sử dụng thẻ căn cước, một trong những nỗ lực bật rễ "tính Pháp" và "tính vương quyền phong kiến" tại Việt Nam.

Thay vào đó, chúng ta có "thẻ công dân" được quy định trong Sắc lệnh 175B/NC-PC của chủ tịch nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là loại thẻ dùng cho "đàn ông lẫn đàn bà", ghi nhận họ tên, chữ đệm, năm sinh, bố mẹ, nguyên quán và không cần dán ảnh… dành cho tất cả "người Việt Nam" (dù sắc lệnh không định nghĩa người Việt Nam là ai).

Đến sau năm 1975, "giấy chứng minh nhân dân" được sử dụng đồng nhất khắp cả nước. Và cuối cùng vào năm 1999, từ rút gọn "chứng minh nhân dân" được áp dụng cho đến ngày nay.

Do đã quá quen thuộc với thuật ngữ chứng minh nhân dân, nhiều người không nhận ra rằng đây là một khái niệm định danh có tính quan liêu, thậm chí là tính đàn áp nhà nước. Trong đó, người dân là bên có nghĩa vụ, có trách nhiệm phải giải trình, phải "chứng minh" danh tính của mình với chính quyền.

Nội hàm của thuật ngữ này hoàn toàn đi ngược lại với thuật ngữ trung tính sử dụng phổ biến trên thế giới là "identification card" hay "ID card", hoặc "thẻ định danh" thuần nghĩa trong tiếng Việt.

Chính vì việc không có một sự gắn kết lịch sử chính trị nào với thuật ngữ thẻ căn cước (thậm chí có thể cho rằng nó là thuật ngữ "ngụy quyền"), báo Công an Nhân dân, một cơ quan báo chí trực thuộc Bộ Công an đã từng phản đối kịch liệt việc sử dụng thuật ngữ "thẻ căn cước" từ tận những năm 2014, cùng thời điểm đang cân nhắc thông qua Luật Căn cước Công dân. Họ đưa ra lý do là tên gọi chứng minh nhân dân đã có từ lâu và chi phí đổi rất tốn kém.

Nếu buộc phải đổi, dường như chắc chắn một ông trùm dân túy và dân vận như Đảng cộng sản cần phải làm gì đó để biến nó thành của mình, thành một thứ rất xã hội chủ nghĩa.

thidua4

Người dân tại Đền – Đình Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội ngồi chờ bên ngoài trong đêm 19/3/2021 để làm thẻ căn cước. Ảnh : Kênh 14.

***

Các lý thuyết về dân vận ít được chú ý tại Việt Nam, dù những phong trào vận động quần chúng tại nước ta đều để lại những hệ quả nặng nề, từ Cải cách ruộng đất đến Hợp tác xã hóa.

Theo ghi nhận của tác giả Neamatollah Nojumi trong chương sách "The Theory of Mass Mobilization", dân vận trên diện rộng là một quá trình chính trị nơi mà tổ chức chính trị tập quyền nỗ lực thay đổi cấu trúc và thói quen xã hội, kinh tế hay văn hóa.

Có thể mô tả dân vận bằng các đặc điểm như hành vi can thiệp chính trị (political intervention) vào các hoạt động thường ngày của một xã hội, với mục tiêu xây dựng quốc gia hoặc hướng tới tiêu chuẩn đời sống xác định trước.

Như vậy, thay vì để chính sách, pháp luật tương tác với lợi ích của cá nhân, cộng đồng trong xã hội để tìm đến một điểm đồng quy, quá trình dân vận kéo quần chúng nhân dân cũng như mọi nguồn lực xã hội khác đi đến một mục tiêu do tổ chức chính trị nói trên chỉ đạo.

Nói cách khác, quá trình dân vận sử dụng thẩm quyền của chủ quyền quốc gia, dùng độc quyền vũ lực của nhà nước, nhằm đạt được mục tiêu chính trị do nhà nước đặt ra. Nhưng điểm đặc biệt nhất của dân vận là quá trình thực thi lại được trao trực tiếp cho các nhóm công dân.

Việc ấy tốt hay xấu thì lịch sử có lẽ đã khá nhiều lần trả lời.

Các cuộc dân vận để tăng sản lượng thép tại Trung Quốc lẫn Việt Nam vào thập niên 1960, hay phong trào dân vận để diệt trừ các mầm mống gây hại cho nông nghiệp như "đả ma tước vận động" (chiến dịch diệt chim sẻ), một phần của Four Pests campaign tại Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, hay khét tiếng nhất phải kể đến Đại Cách mạng văn hóa vô sản… đều là những sản phẩm kinh điển của dân vận.

Dù các công cuộc dân vận kinh tế lẫn văn hóa đều kết thúc với máu và nước mắt, phong trào dân vận danh tính dường như có cơ hội thành công cao hơn.

Theo cách nói của tác giả Kazuya Yamamoto trong nghiên cứu "Mobilization and Flexibility of Identity", các chính sách dân vận hoàn toàn có thể đánh thức hoặc xây dựng lại danh tính quốc gia (national identity), ủng hộ quá trình tư bản hóa – công nghiệp hóa hay phát triển không gian xã hội dân sự.

Yamamoto cho rằng danh tính của một con người với một cộng đồng không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ thấy.

Một người sử dụng bản ngữ, nhưng không biết rằng ở những vùng đất khác, quốc gia khác sử dụng những thứ tiếng khác với mình, sẽ không thể xác định rằng mình đang sống và tồn tại bên trong một cộng đồng đặc trưng và có cảm giác gắn liền với nó.

Tương tự, một người sống trong một quốc gia, nhưng chỉ quan tâm đến cộng đồng riêng của mình sẽ khó lòng thừa nhận mình là một thành viên chung của cả một quốc gia – dân tộc rộng lớn hơn.

Như vậy, việc gắn liền danh tính của mình với một nhà nước, với một quốc gia chỉ có thể diễn ra nếu một cá nhân thừa nhận một môi trường vật chất, xã hội rộng lớn hơn không gian quan tâm tự nhiên của mình (gia đình, làng xã, thân thuộc…).

thidua5

Cán bộ công an tổ chức sinh nhật cho công dân ít tuổi nhất đi làm căn cước tại thôn Bắc Hà, Hà Tĩnh vào tháng 4/2021. Ảnh : PLO.

Quá trình dân vận danh tính, thông qua những "ngày hội" đổi thẻ, với hàng triệu giờ làm việc của quốc dân bị tiêu tốn chung với nhau, kèm với hàng trăm ngàn thông tin – hình ảnh và thậm chí là ảnh chế được chia sẻ trên mạng xã hội… là một cơ hội không thể tốt hơn để nhắc nhở về danh tính công dân và sự gắn kết của danh tính đó với một nhà nước cụ thể.

***

Tất cả những gì đang diễn ra tại Việt Nam có vẻ vừa khít với những đặc trưng chúng ta mô tả ở trên.

Đặc biệt trong bối cảnh thuật ngữ căn cước từng được xem là một thuật ngữ "Ngụy", trong những ngày "phấn khởi" vừa kết thúc Đại hội Đảng và sắp đến "ngày hội" toàn dân đi bầu, một chương trình vận động dồn dập và liên hồi về danh tính công dân là quá hợp tình, hợp lý.

Dù vô tình hay có chủ ý, có thể nói chương trình làm thẻ căn cước gấp gáp, lộn xộn và hao tài tốn của này thật sự rất đáng tiền. Tác động tâm lý đối với quần chúng, khả năng hằn sâu trong tiềm thức quần chúng về một danh tính chung, một "thẻ căn cước" thuộc về thời đại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tạo nên sự kết nối đương nhiên giữa quốc dân dưới lá cờ của Đảng cộng sản.

Huỳnh Công Đương

Nguồn : Luật Khoa, 26/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huỳnh Công Đương
Read 587 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)